Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

16/10/2018

Điểm báo Pháp - Hiểm họa khí hậu

RFI tiếng Việt

Hiểm họa khí hậu : Ngành ngân hàng thế giới tỉnh giấc

Trận lũ lịch sử tại tỉnh Aude miền nam nước Pháp, sườn đông dãy Pyrénées - hiện đang tiếp diễn - là chủ đề trang nhất của hầu hết các nhật báo Pháp hôm nay, 16/10/2018. Các chuyên gia nói đến viễn cảnh mưa lớn và khô hạn sẽ ngày càng dữ dội và nhiều hơn tại vùng Địa Trung Hải, do biến đổi khí hậu.

khihau1

Lũ lớn tại Villegailhenc, tỉnh Aude, miền nam nước Pháp, ngày 15/10/2018. ERIC CABANIS / AFP

Chuyên san kinh tế của Le Monde có bài nhận định về sự thức tỉnh của ngành ngân hàng thế giới, trước nguy cơ biến đổi khí hậu gây tổn hại nặng nề cho kinh tế toàn cầu, và sẽ là quá trễnếu không hành động khẩn cấp.

Bài viết mang tựa đề "Thay đổi không khí trong ngành tài chính" (từ "climat" trong nhan đề, được dịch là "không khí", nhưng cũng có nghĩa là "khí hậu"), của nhà báo Philippe Escande (1) mở đầu với "một biến chuyển đáng chú ý", cho dù chưa phải là "một bước ngoặt". Hôm thứ Bảy, 13/10 vừa qua, trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh CBS, tổng thống Mỹ Donald Trump "lần đầu tiên khẳng định một cách rõ ràng" là "biến đổi khí hậu không phải là một chuyện lừa đảo" (2).

Đây là một thay đổi khác thường, bởi từ năm 2012 đến nay, ông Donald Trump liên tục bác bỏ thực tế này, và thậm chí từng gán cho Trung Quốc đã tìm mọi cách bịa ra chuyện này để "phá hoại khả năng cạnh tranh của công nghiệp Mỹ".

Theo nhà báo Le Monde, cho dù, trong các phát biểu hôm qua, tổng thống Mỹ chưa thừa nhận vai trò của hoạt động con người đối với biến đổi khí hậu, và cam đoan là "sẽ không ném hàng tỉ đô là và hàng triệu chỗ làm của người Mỹ vào cuộc chiến không chắc chắn này", thế nhưng ắt hẳn ông ta sẽ thay đổi quan điểm. Bởi cùng với số lượng các trận bão, khô hạn lớn, và nhiều thiên tai kinh khủng khác đang ngày càng diễn ra dồn dập, thì áp lực của xã hội dân sự và toàn bộ nền kinh tế sẽ buộc Donald Trump phải thay đổi lập trường.

Đầu não của bộ máy kinh tế tư bản

Các áp lực buộc tổng thống Mỹ phải thay đổi đến ngay từ sự chuyển động của ngành tài chính – ngân hàng, đầu não của bộ máy kinh tế tư bản chủ nghĩa.

Hôm thứ Hai 15/10, Ngân hàng Trung ương Anh Quốc (BoE) có kế hoạch công bố một tuyên bố, lệnh cho các ngân hàng và các công ty bảo hiểm, mà BoE có trách nhiệm giám sát, phân công một thành viên ban lãnh đạo, phụ trách đánh giá những nguy cơ về dài hạn đối với các đầu tư, liên quan đến biến đổi khí hậu. Cho đến nay, theo BoE, chỉ có 10% ngân hàng, dưới quyền quản lý của BoE, là chú ý đến các tác động của biến đổi khí hậu. Một số ngân hàng đã quyết định thoái vốn khỏi than đá, khí đá phiến, dầu cát…, nhưng xét về toàn thể là không đủ mức.

Không chỉ có các ngân hàng Anh Quốc. Hôm 12/10, một mạng lưới 18 ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới (ngân hàng Mỹ không tham gia) ra báo cáo tái khẳng định hiểm họa tài chính do biến đổi khí hậu đòi hỏi phải hành động khẩn (3). Thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp, ông François Villeroy de Galhau, đề xuất ý tưởng làm trắc nghiệm về "khả năng kháng cự" trước biến đổi khí hậu, tương tự như đã làm về khả năng kháng cự trước các kịch bản suy thoái, khủng hoảng kinh tế vĩ mô.

Theo nhà báo Le Monde, tâm lý lo ngại với Trái đất bị hâm nóng đang đè nặng lên nền tài chính thế giới, và chính tại Washington, không khí cũng đang "nóng lên".

Phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên : Cần ghi nhận tổng thống Hàn "dũng cảm"

Về thời sự Châu Á, trong mục "Thảo luận", cây bút chuyên về chính trị quốc tế Renaud Girard, trên Le Figaro, có bài ca ngợi "Sự dũng cảm của tổng thống Hàn Quốc", nhân chuyến công du Pháp 4 ngày của ông Moon Jae-in.

Nhà báo Renaud Girard ghi nhận một thực tế là nhiều người trong đó có Pháp không mấy tin tưởng vào tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên. Như để thuyết phục Paris thông cảm hơn với chính quyền Seoul, tác giả điểm lại tiến trình tan băng trên bán đảo Triều Tiên, và nhấn mạnh đến các phẩm chất đặc biệt của tổng thống Hàn Quốc, trong vai trò hết sức nhạy cảm, làm trung gian cho các thương lượng giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên. Đó là biết nắm bắt cơ hội ngay khi xuất hiện, và tìm kiếm hòa bình bằng mọi cách, nhưng với thái độ thực tế.

Pháp là một thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An, có tiếng nói quyết định trong vấn đề trừng phạt của Liên Hiệp Quốc buộc Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân (được đưa ra hồi năm ngoái) có được giảm nhẹ hay không, như mong muốn của chính quyền Seoul.

Malaysia : "Cuộc cách mạng" còn mong manh

Chiến thắng của cựu lãnh đạo đối lập Malaysia, ông Anwar Ibrahim, trong cuộc bầu cử Quốc hội bổ sung, hôm thứ Bảy 13/10, là dịp để Le Monde đưa ra một số phân tích về tiến trình "cách mạng" đang diễn ra tại quốc gia Đông Nam Á.

Bài "Tại Malaysia, một ‘cuộc cách mạng’ bấp bênh" nhấn mạnh đến thay đổi hết sức bất ngờ tại Malaysia, khi đảng của chính trị gia kỳ cựu 93 tuổi, Mahathir Mohamad, chiến thắng, khép lại kỷ nguyên cầm quyền liên tục của đảng UMNO, kể từ khi quốc gia này độc lập, năm 1957.

Theo một số nhà quan sát, "tiến trình dân chủ hóa" hiện nay tại Malaysia là "không thể đảo ngược". Hàng loạt sự kiện cho thấy điều này. Cụ thể là thái độ "cứng rắn" với Trung Quốc. Chính quyền Kuala Lumpur vừa quyết định trả tự do cho 11 người Trung Quốc thuộc sắc tộc Duy Ngô Nhĩ, chạy trốn qua ngả Thái Lan, mà Bắc Kinh liên tục đòi hỏi dẫn độ về nước. Chính quyền Mahathir Mohamad cũng đình chỉ hai dự án với Trung Quốc, với tổng trị giá 19 tỉ đô la. Thủ tướng Malaysia đã lên án "chủ nghĩa thực dân mới" của Bắc Kinh trong khu vực.

Ngày hôm qua, chính phủ Malaysia có kế hoạch trình ra Quốc hội dự án chấm dứt hình phạt tử hình.

Cựu phó thủ tướng Anwar Ibrahim, bị kết án tù dưới thời chính phủ trước với tội danh tham nhũng và quan hệ đồng tính, có khả năng trở thành người kế nhiệm chính trị gia lão luyện Mahathir Mohamad, và tiếp tục các cải cách sâu rộng vừa được khởi sự.

Tuy nhiên, một trong các vấn đề mà Le Monde lưu ý có thể gây nguy hiểm cho lực lượng cải cách là thái độ của sắc tộc Mã Lai, chiếm đa số tại Malaysia (hơn 50% dân cư). Cho đến nay, người Mã Lai đa số được hưởng nhiều quyền lợi nhờ chính sách "phân biệt đối xử tích cực" dựa trên nguồn gốc tộc người, vốn được duy trì từ hơn 60 năm nay. Chính phủ hiện nay muốn xóa bỏ chính sách này.

Le Monde nhấn mạnh là đảng Pakatan Harapan (Liên Minh Hy Vọng) của thủ tướng Mahathir Mohamad thắng được là nhờ có được sự ủng hộ không chỉ của thiểu số người gốc Hoa (22,6%), của người gốc Ấn (6,7%), mà còn nhờ đông đảo người sắc tộc đa số Mã Lai thất vọng với cựu thủ tướng Najib Rajak. Chính sách chấm dứt ưu đãi theo sắc tộc, được coi là "một cuộc cách mạng thực sự", nếu được áp dụng một cách thô bạo, sẽ gây hiệu quả ngược.

Nghi án nhà báo bị giết : Saudi Arabia rơi vào thế phòng ngự

Vụ nhà báo Saudi Arabia Jamal Khashoggi mất tích sau khi vào lãnh sự quán nước này tại Istanbul, cách nay đã hai tuần, và có nhiều thông tin cho là ông đã bị giết hại dã man, tiếp tục là chủ đề thời sự được nhiều báo chú ý. Theo Le Monde, trước áp lực của các nước phương Tây, yêu cầu Riyadh làm rõ chuyện, Saudi Arabia bắt đầu chuyển sang thế phòng ngự.

Một nhân vật thân cận với thái tử kế vị Saudi Arabia, cũng là chủ một kênh truyền thông lớn, ông Turki Al-Dakhil, đe dọa một loạt biện pháp trả đũa phương Tây, với viễn cảnh giá dấu tăng vọt lên gấp nhiều lần so với hiện nay, hay ngừng mua vũ khí Mỹ, đình chỉ hợp tác an ninh với phương Tây, cho mở cửa một căn cứ quân sự Nga ở phía bắc vương quốc, thậm chí xích lại gần với Iran – vốn bị coi là kẻ thù không đội trời chung với Riyadh.

Đại sứ Saudi Arabia tại Washington cũng tìm cách thanh minh là biến cố nói trên không nằm trong chính sách chính thức của Riyadh. Điều mà nhà nghiên cứu Stéphane Lacroix, Học viện Chính trị Paris, thẳng thừng bác bỏ, căn cứ trên những gì mà chính quyền Riayd tiến hành gần đây, đặc biệt với cuộc can thiệp quân sự hung hãn tại Yemen.

Theo Le Figaro, tại Riyadh, nhiều người phủ nhận vụ việc, với niềm tin là nhà báo Jamal sẽ xuất hiện trở lại trong ít ngày tới và mọi đồn đoán, tranh cãi, sẽ theo đó mà tiêu tan. Tuy nhiên, có nguồn tin cho biết chính quyền Saudi Arabia đang tìm "vật thế mạng", trong trường hợp bị dồn vào chân tường. Cụ thể như một âm mưu của phe chống thái tử kế vị Mohammed Ben Salman (MBS), để chuẩn bị đảo chính…

Tuy nhiên, theo Le Figaro, chừng nào mà MBS còn được tổng thống Mỹ Donald Trump hậu thuẫn, thì không có gì thay đổi tại Saudi Arabia. Tuy nhiên, theo một chuyên gia Pháp xin ẩn danh, cuộc khủng hoảng hiện nay có thể dẫn đến chỗ thái tử kế vị bị gạt sang một bên, và các "đồng minh phương Tây" sẽ tìm cách nói chuyện trực tiếp với nhà vua, hoặc theo các kênh khác.

Les Echos trong bài "Vụ Khashoggi : Riyadh dưới áp lực ngày càng mạnh" cho biết tổng thống Mỹ cử ngoại trưởng Pompeo tới Saudi Arabia để nói chuyện trực tiếp với quốc vương Salman.

Đảng Xanh đi lên : Đến lượt Đức dấn thân vào cuộc chiến vì xã hội mở

Nước Đức cho đến nay thường được coi là một thành trì của Liên Hiệp Châu Âu, thất bại vừa qua của đảng CSU trong liên minh cầm quyền tại bang Bayern, một trong những bang giàu có nhất nước, cho dù đã được dự báo trước, vẫn được coi là một "cơn địa chấn chính trị". Le Monde có bài xã luận lưu ý đến ba thực tế cần rút ra từ cuộc bầu cử, và không chỉ là những điều hoàn toàn mang tính tiêu cực.

Bài học thứ nhất là "sự sụp đổ" của các đảng phái truyền thống, từ đảng Xã hội Dân chủ (SPD) chỉ được dưới 10% phiếu), cho đến đảng bảo thủ Dân chủ Thiên chúa giáo (CSU) mất 10% và chỉ còn được gần 38% cử tri ủng hộ. Bài học thứ hai thắng lợi 10,2% của đảng cực hữu Giải pháp khác cho nước Đức (AfD), tuy không thực lớn, nhưng cũng đủ đảo lộn sân khấu chính trị Đức, bởi từ giờ trở đi, đảng cực hữu ra đời mới hơn 5 năm nay đã lọt vào 15 trên tổng số 16 nghị viện cấp bang tại Đức.

Tuy nhiên, theo Le Monde, cần chú ý đến bài học thứ ba cũng là một tin vui, đó là có đến 17,5% ủng hộ đảng Xanh. Đây là một chiến thắng lịch sử của đảng vì môi trường. Đây có thể nói là bài học "thú vị nhất" của cuộc bỏ phiếu lần này. Ảnh hưởng gia tăng của đảng Xanh cho thấy người dân Đức đang muốn tìm kiếm "cách làm chính trị khác", và những con đường mới để chống lại chủ nghĩa dân túy và các phong trào cực đoan. Tại Munich, thủ phủ Bayern, có đến 30% cử tri ủng hộ đảng Xanh. Cùng với chiến thắng của đảng Xanh, một tin vui khác là tỉ lệ cử tri bang tham gia đông đảo, với 72%.

Le Monde cũng ghi nhận thêm, là bên cạnh Đức, các đảng Xanh tại Bỉ và Luxembourg, cũng thành công trong cuộc bầu cử Nghị Viện hôm Chủ Nhật. Le Monde lạc quan tin tưởng đây là một xu hướng tại Châu Âu, sau thắng lợi của đảng Xanh tại Hà Lan đầu năm 2017, của phong trào Tiến Bước ! (En Marche !) của Emmanuel Macron tại Pháp, dân chúng tại nhiều nơi ở Châu Âu đang thức tỉnh, dấn thân nhiều hơn cho "cuộc chiến vì nền dân chủ, vì xã hội mở".

Nước Đức, đến lượt mình, "bắt đầu dấn thân vào cuộc chiến lịch sử này", với kết quả bầu cử tại Bayern, với cuộc tuần hành khổng lồ, mang tính đa nguyên ở Berlin, trước ngày bầu cử. Theo Le Monde, đây là một tin tức tốt lành, vào thời điểm cử tri Châu Âu sẽ bầu nghị viện mới trong 8 tháng nữa.

Trang nhất : Trận lũ lịch sử tại Aude

Trận lũ lịch sử ở tỉnh Aude là tựa trang nhất của hầu hết các báo Pháp. Le Figaro chạy tựa "Aude : cả nước xúc động về trận hồng thủy chết người". Trận lũ xảy ra trong đêm Chủ Nhật qua ngày thứ Hai đã khiến ít nhất 11 người chết, 9 người bị thương và hai người mất tích. Tại thị xã Trèbes, trung tâm của lũ, chỉ trong sáu giờ đồng hồ, lũ đã dâng từ một mét đến 7,68 mét. Đây là trận lũ chưa từng có ở tỉnh này từ năm 1891.

Le Monde đăng hình ảnh một đoạn đường nhựa bị lũ cuốn phăng, với lời cảnh báo của cơ quan Khí tượng Quốc gia : Đừng đi bộ hay xe trên một đoạn đường đã ngập.

Theo Les Echos, thủ tướng Edouard Philippines đã có mặt tại chỗ, và tuyên bố chính phủ sẽ thi hành các biện pháp kịp thời để đối phó với tình trạng thiên tai đột biến. Tổng thống Emmanuel Macron bày tỏ "tình đoàn kết của cả nước", và cho biết sẽ đến nơi ngay khi có thể. Kế hoạch cải tổ nội các cũng bị tạm ngưng do trận lũ kinh hoàng.

Libération có bài phỏng vấn nhà khí hậu học Philippe Drobinski (CNRS) nhận xét vùng Địa Trung Hải, do địa hình đặc biệt, là nơi mà các hiệu ứng của biến đổi khí hậu sẽ tăng mạnh hơn nhiều nơi khác. Nếu nhiệt độ trung bình Trái đất tăng lên 2°C, thì nhiệt độ tại vùng này có thể tăng từ 3°C đến 4°C. Khối không khí nóng ở phía nam gặp không khí lạnh ở phía bắc tại các vùng núi non, từ Tây Ban Nha đến bán đảo Balkan sẽ gây ra các trận giông tố dữ dội. Giai đoạn thường xảy ra là vào tháng 9, tháng 10.

Xét về dài hạn, khi nhiệt độ Trái đất càng tăng, tại khu vực phía bắc Địa Trung Hải, giai đoạn khô hạn sẽ kéo dài hơn, và nguồn nước mưa chủ yếu sẽ chỉ còn là các trận giống tố dữ dội như tại Aude vừa qua.

Trọng Thành

Ghi chú :

1. Philippe Escande là cây bút xã luận chuyên về kinh tế của Le Monde.

2. Trong thỏa thuận thương mại mới đây giữa ba chính phủ Mỹ, Canada và Mexico, lần đầu tiên Môi trường được đưa vào một chương mục riêng (Xem thêm bài "Canada và Mỹ đạt thỏa thuận thương mại tự do mới ", 1/10/2018). Còn theo chính quyền Canada, dù không công khai thừa nhận biến đổi khí hậu, thỏa thuận tự do mậu dịch Bắc Mỹ mới (gọi tắt là AEUMC/USMCA) sẽ bao gồm việc cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính (bài : Washington "reconnaît" qu'il faut réduire les émissions de carbone, selon le Canada , 3/10/2018).

3. Trong số các ngân hàng của mạng lưới Network for Greening the Financial System (NGFS) nói trên có Pháp, Anh, Đức, Liên Hiệp Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Tây Ban Nha, Bỉ, Áo, Hà Lan, Thụy Điển, Phần Lan, Úc, Mexico... Mạng lưới NGFS gồm 18 ngân hàng trung ương và 5 tổ chức quốc tế, được khởi sự tại Thượng đỉnh về khí hậu mang tên One Planet Summit, có mục tiêu phân tích và tìm cách quản lý các rủi ro về khí hậu và môi trường, và huy động các nguồn tài chính lớn cho cuộc chuyển đổi toàn cầu sang kinh tế bền vững (xem thêm : One Planet Summit: Để thỏa thuận COP 21 thành hiện thực , 12/12/2017).

Quay lại trang chủ
Read 435 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)