Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

17/10/2018

Điểm báo Pháp - Chiến tranh thương mại mới chỉ là khởi đầu

RFI tiếng Việt

Mỹ-Trung : Chiến tranh thương mại mới chỉ là khởi đầu

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ -Trung đã kéo dài từ cả tháng qua, nhưng luôn là đề tài nóng của báo chí. Với nhật báo kinh tế Les Echos, cuộc chiến này mới chỉ là giai đoạn khởi đầu của cuộc đối đầu giữa hai cường quốc. Tờ báo có bài phân tích "vì sao chiến tranh thương mại Mỹ-Trung mới chỉ bắt đầu".

trade0

Đọ sức Mỹ - Trung mới chỉ ở điểm khởi đầu. Reuters/Jason Lee

Les Echos nhắc lại sự kiện hôm 4/10 vừa qua, tại Washington, phó tổng thống Mỹ Mike Pence có bài diễn văn với những cáo buộc Trung Quốc nặng nề chưa từng có ở một quan chức cao cấp Mỹ, kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ cách đây 4 thập kỷ.

Trong bài diễn văn kéo dài 40 phút này, phó tổng thống Mỹ công kích Bắc Kinh đủ mặt, từ cạnh tranh buôn bán không trung thực, đánh cắp sở hữu trí tuệ, bành trướng ngoại giao và chơi trò quân sự "nguy hiểm" trên Biển Đông. Thậm chí ông Mike Pence còn ủng hộ Đài Loan mà ông cho đó là mô hình dân chủ, "con đường tốt nhất cho mọi người Trung Quốc". Rồi ông Pence lên án Trung Quốc đang xây dựng một kiểu "Nhà nước giám sát bất hợp pháp", tụt hậu nghiêm trọng về tự do công dân. Cuối cùng, phó tổng thống Mỹ tố cáo Trung Quốc can thiệp vào bầu cử Mỹ. Bề ngoài Bắc Kinh chỉ phản ứng bằng đánh giá những cáo buộc của nhân vật số hai nước Mỹ này là "lố bịch", nhưng theo tác giả bài báo thì bên trong Trung Nam Hải, trung tâm quyền lực của Bắc Kinh, các lãnh đạo Trung Quốc không khỏi đỏ mặt tức giận.

Tờ báo nhận xét : "Chưa bao giờ Trung Quốc bị tấn công công khai theo kiểu thế này. Một đòn tấn công trực diện, từ mọi góc độ. Với Bắc Kinh, chắc chắn là từ giờ Washington đang tìm cách kiềm chế để Trung Quốc không vươn lên thành cường quốc thống trị thế kỷ 21. Vì thế cần phải chuẩn bị cho một cuộc đọ sức lâu dài".

Les Echos phân tích : "Hoa Kỳ có lý do để lo sợ Trung Quốc. Không chỉ vì người khổng lồ Châu Á này nổi lên thành cường quốc kinh tế thế giới trong vòng 30 năm nay, đang góp phần làm thay đổi tương quan lực lượng, mà còn bởi tham vọng của Trung Quốc không dừng lại ở đó".

Les Echos nhấn mạnh : "Trung Quốc muốn có mọi thuộc tính của một siêu cường, đồng thời liên tục đưa ra các ý tưởng kiến kinh tế, quân sự chính trị và tư tưởng. Trung Quốc hiện đại hóa quân đội, xây dựng hạm đội hải quân ngày càng đồ sộ, đầu tư hàng tỷ đô la vào trí thông minh nhân tạo, mơ ước biến mình từ một nước gây ô nhiễm nhất hành tinh thành cường quốc xanh mẫu mực, rồi họ lao vào cuộc chạy đua chính phục các vì sao".

Dù là lĩnh vực nào, cách làm của Trung Quốc vẫn là một : "tung tiền lớn vào những nơi mà cuộc chơi còn bỏ ngỏ và ấn định chiến lược với lịch trình cụ thể". Như đến năm 2049 , Trung Quốc phải là nước thống lĩnh mọi lĩnh vực. Từ nay đến đó, Trung Quốc không chỉ đuổi kịp mà còn phải vượt Mỹ. Cách đây một năm, Tập Cận Bình, trong Đại hội đảng 19, đã đặt mục tiêu đến năm 2050, nước Trung Quốc "xã hội chủ nghĩa hiện đại" vươn lên "hàng đầu thế giới".

Les Echos dẫn nhận định của Philippe Le Corre, nhà nghiên cứu của Harvard Kennedy School : "Có một tâm lý chung ở Washington là Trung Quốc không thể tiếp tục vi phạm mọi quy định quốc tế được nữa".

Trong khi đó, Graham Allison, giáo sư đại học Harvard, giải thích, nhìn vào lịch sử từ cổ chí kim thì thấy mỗi khi xuất hiện một cường quốc mới nổi lên đối chọi lại một cường quốc đã có, thì chiến tranh thường phải nổ ra. Từ quan sát đó để thấy, "cuộc chiến kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chỉ là điều ít tệ hại nhất", Les Echos kết luận.

Saudi Arabia : Nghi án giết người, Mỹ cũng bị cuốn theo

Một thời sự quốc tế khác cũng đang được dư luận theo dõi sát. Đó là nghi án nhà báo Saudi Arabia Khashoggi bị thủ tiêu tại tòa lãnh sự nước này ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ đang có những diễn biến mới.

Nhật báo Libération chạy tựa "Vụ Khashoggi : Riyadh bị cáo buộc và bị dồn vào đường cùng".Theo tờ báo, sau khi từ chối sự việc hiển nhiên suốt 15 ngày qua, Saudi Arabia dường như cuối cùng rồi cũng buộc phải thừa nhận việc nhà báo bị tra tấn, sát hại rồi bị chặt thành từng mảnh trong tòa lãnh sự ở Istanbul. Vương quốc vùng Vịnh này đang tiến hành thương lượng với Thổ Nhĩ Kỳ còn Washington cũng muốn tìm một lối thoát cho cuộc khủng hoảng để giảm nhẹ trách nhiệm cho Riyadh. Libération nhấn mạnh, dù có thú nhận vụ giết người để giảm nhẹ trách nhiệm cho các quan chức lớn của Saudi Arabia, nhưng vụ việc vẫn không thể khép lại đơn giản.

Vụ việc không chỉ liên quan đến quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia mà còn dính dáng đến Hoa Kỳ, đồng minh lớn của Saudi Arabia, và nhất là hiện Riyadh đang có hợp đồng mua vũ khí Mỹ tới 110 tỷ đô la. Đó là chưa kể trong chuyến thăm Saudi Arabia của tổng thống Trump hồi tháng 5/2017, hai nước đã ký các thỏa thuận làm ăn lên tới 380 tỷ đô la. Libération ghi nhận : "Về mặt ngoại giao, buộc phải lên án nghi án sát hại Jamal Khashoggi, nhưng tổng thống Mỹ muốn để cửa thoát cho Riyadh".

Để thấy rõ tầm mức quan trọng của vụ việc đối với Washington, tổng thống Donald Trump đã khẩn cấp cử ngoại trưởng Mike Pompeo đến Riyadh, ngày hôm qua (16/10), để gặp nhà vua Salmane và hoàng tử kế vị Mohamed ben Salmane, người đang thực sự lãnh đạo Saudi Arabia. Song song đó, ông Trump cũng có những phát ngôn bóng gió nhằm giảm nhẹ tính chất nghiêm trọng của vụ việc.

Vụ án xảy ra ở cách nước Mỹ cả ngàn cây số, tưởng chỉ liên quan đến hai nước Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ, thế mà giờ đây trở thành câu chuyện tế nhị và nhạy cảm đối với nước Mỹ của tổng thống Trump.

Canada hợp pháp hóa cần sa

Nhìn qua Châu Mỹ với sự kiện trong ngày, nhật báo La Croix đưa tin : "Canada hợp pháp hóa mua bán và tiêu thụ cần sa".

Tờ báo viết :"ngày 17/10 đánh dấu một kỷ nguyên mới ở Canada. Đất nước của chiếc lá cây phong đường, trở thành quốc gia thứ 2 trên thế giới, sau Uruguay, hợp pháp hóa cần sa".

Tờ báo trích dẫn thông kê chính thức của Canada cho thấy những con số đang ngạc nhiên về chuyện tiêu thụ cần sa ở đất nước này : Năm 2018, có 4,9 triệu dân Canada trên 15 tuổi dùng cần sa. Hơn một nửa trong số này sử dụng thường xuyên hàng tuần. Trong tỉnh Québec, 41% người ở độ tuổi từ 18-25 hút cần sa. Từ đầu năm đến nay, người Canada có thể đã chi khoảng 3,8 tỷ euro cho nhu cầu hút sách, chiếm khoảng 10% chi cho y tế.

Đó là những con số có thể lý giải phần nào quyết định trên cuả Ottawa. Dường như chính quyền đã nhìn thấy ở thị trường cần sa này một nguồn thu thuế không nhỏ, thêm vào đó là mục đích thu hút thêm du khách nước ngoài ?

Một vấn đề được đặt ra chưa có câu trả lời là liệu người ta có được tự do hút cần sa khi lái xe, như hút thuốc lá bình thường. Bởi cần sa thì lại đặc biệt nguy hiểm cho lái xe.

Pháp cải tổ chính phủ, vẫn lại thất vọng

Thời sự chính trị nước Pháp chiếm dung lượng lớn của các tờ báo ra hôm nay với thông báo cải tổ nội các chính phủ Pháp.

Sau nhiều ngày phấp phỏng chờ đợi, cuối cùng hôm qua (16/10), tổng thống Pháp cũng đã chốt được thành phần chính phủ gồm 8 bộ trưởng và quốc vụ khanh mới. Mong chờ từ nhiều ngày, nhưng các báo đều tỏ ra thất vọng với sự thay đổi nhân sự chính phủ, bởi tổng thống Emmanuel Macron ngay sau đó ít giờ đã lên truyền hình khẳng định không thay đổi đường hướng cải cách đang theo đuổi, cho dù đang bị các đảng phái đối lập chỉ trích mạnh mẽ, dân chúng thì đang thất vọng.

Các báo hầu như đều tập trung bày tỏ thái độ thất vọng vào cá nhân tổng thống Macron. Không thấy được một sự thay đổi nào trong tương lai nước Pháp sau cuộc cải tổ chính phủ lần này. Điều quan trọng hơn cả là phải thay đổi chính con người, cung cách lãnh đạo của tổng thống, như nhật báo Les Echos kết luận : "điểm yếu nhìn thấy ở ông không phải là đường lối đang tiến hành mà là bản thân ông và cách quan hệ của ông với người dân Pháp. Đó mới là điểm phải thay đổi, nếu còn có thể".

Cậy dân biểu chống người thi hành công vụ

Một sự kiện chính trị nội bộ khác của Pháp xuất hiện trên nhiều báo, đó là lãnh đạo đảng đối lập Nước Pháp Bất Khuất – France Insoumise, ông Jean-Luc Mélanchon, hôm qua đối mặt với lực lượng giữ gìn trật tự. Lý do là theo yêu cầu của Viện Công Tố Paris, Cơ quan Trung ương Chống tham nhũng và vi phạm tài chính thuế đã tiến hành khám xét văn phòng của đảng France Insoumise. Các nhà điều tra muốn thu thập các bằng chứng liên quan đến các tố cáo lạm dụng ảnh hưởng, lạm chi và gian lận thuế. Ông Jean-Luc Mélanchon đã chống đối lại quyết liệt những người thi hành công vụ, viện cớ mình là dân biểu. Nhưng hành động của ông đã bị các báo lên án mạnh mẽ, thậm chí coi hành vi phản kháng đó là vi phạm pháp luật, bởi đơn giản tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật.

Xã luận của Libération viết : "Phản ứng của lãnh đạo France Insoumise là mang bản chất cực đoan và không chính đáng". Bao năm nay, tư pháp vẫn sờ tới không chỉ có ông Mélanchon mà nhiều đảng phái khác cũng như nhiều nhân vật tên tuổi như cự thủ tướng François Fillon và cựu tổng thống Nicolas Sarkozy… "Các nhà điều tra đã có nghi ngờ thì (việc tiếp theo là) cần phải xác minh hoặc phủ nhận điều đó. Cuộc điều tra là hợp pháp. Là dân biểu thì phải hiểu được luật pháp áp dụng cho mọi người, dù đó là dân biểu hay công dân…"

Anh Vũ

Quay lại trang chủ
Read 445 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)