Nội các chiến tranh : Đã đến lúc Donald Trump trả thù ?
Le Figaro hôm nay dành cả trang nhất, bài xã luận và nhiều trang bài cho chính quyền Donald Trump nhiệm kỳ 2. "Vây quanh Trump là một ê-kip gây sốc, làm rung chuyển nước Mỹ" là tựa chính trang nhất báo thiên hữu Le Figaro.
Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump phát biểu tại dạ tiệc của Viện Chính Sách Nước Mỹ Là Trên Hết, tại dinh thự Mar-a-Lago, bang Florida, ngày 14/11/2024. AP - Alex Brandon
Trump lập "nhóm gây sốc" để kiểm soát các định chế quyền lực mà ông không tin tưởng
Tổng thống Mỹ đắc cử đang bổ nhiệm những người trung thành với ông vào các vị trí chủ chốt trong chính quyền nhiệm kỳ mới, với mục tiêu thực hiện chính sách cắt đứt với đường lối của chính quyền Biden tiền nhiệm. Việc Thượng Viện thông qua lựa chọn của ông Trump sẽ là bài trắc nghiệm đầu tiên.
Theo Le Figaro, nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 của Donald Trump hứa hẹn sẽ rất khác so với nhiệm kỳ đầu tiên. Hồi năm 2017, ở Washington ông là một người đơn độc, phải dựa vào một đảng Cộng Hòa khi đó quyết tâm "kiểm soát, hạn chế" ông. Tám năm sau, giờ đây vây quanh tổng thống Donald Trump là những người ủng hộ quyết tâm áp dụng đường lối của ông.
Những cuộc bổ nhiệm đặc biệt nhất, như Matt Gaetz đầy khiêu khích làm bộ trưởng Tư pháp, nhà bình luận trên truyền hình Pete Hegseth làm bộ trưởng Quốc phòng, người chuyên về thuyết âm mưu Tulsi Gabbard làm lãnh đạo Tình báo, là nhằm nắm quyền kiểm soát các định chế quyền lực mà Donald Trump không tin tưởng, gồm 18 cơ quan tình báo, bộ Tư pháp, Cục Điều tra Liên bang FBI và quân đội, mà ông có ý định sử dụng để chống người nhập cư.
Cách nay không lâu, vấn đề đạo đức hoặc nguy cơ an ninh là lý do khiến việc bổ nhiệm bị bác bỏ. Giờ thì đây chỉ là sự gia tăng thách thức đối với Thượng Viện mà đảng Cộng Hòa đang nắm đa số, một trong những định chế cuối cùng có khả năng hạn chế quyền lực của Donald Trump.
Nội các chiến tranh của Trump
Vẫn liên quan đến việc Trump chỉ định những nhân vật quyền lực trong chính quyền mới, trong bài xã luận "Nội các chiến tranh", Le Figaro liệt kê hàng loạt "thành tích" gây chấn động của các nhân vật được Trump lựa chọn : một người gặp rắc rối với Ủy ban Đạo đức Quốc hội làm bộ trưởng Tư pháp, một người bài vac-xin làm bộ trưởng Y tế, một người ngưỡng mộ tổng thống Nga Putin và tổng thống Syria Al Assad vào người đứng đầu cơ quan Tình báo, một chuyên gia khai thác dầu khí bằng phương pháp bẻ gãy thủy lực gây tổn hại môi trường làm bộ trưởng Năng lượng, những người dẫn chương trình của đài Fox News làm bộ trưởng Quốc phòng và Giao thông, một vị thống đốc từng giết con chó của ông ta làm bộ trưởng An ninh Nội địa...
Và dĩ nhiên là phải nhắc đến Elon Musk, người giàu nhất thế giới, người thụ hưởng các hợp đồng công trị giá hàng tỷ đô la, lại được chọn làm người cắt giảm ngân sách liên bang.
Đối với Le Figaro, đây là màn trình diễn "quái gở". Việc Trump lập "nội các chiến đấu" không mang tính triết học hoặc pháp lý bởi vì đảo ngược các quy tắc, bỏ qua các quy định, áp dụng chủ nghĩa dân tộc vào mọi vấn đề nhập cư, kinh tế và quốc tế. Đây cũng là cách ông Trump đền đáp những người trung thành hoặc ưu ái bạn hữu : những tín đồ tôn giáo, những người phá vỡ các nền tảng, quy ước, nhiệt thành với chủ trương "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại"…
Tuy nhiên, Le Figaro lấy làm ấn tượng về khả năng của ông Trump thể chế hóa tinh thần cách mạng của phong trào MAGA "Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại". Những nhân vật ủng hộ chủ trương "Nước Mỹ là trên hết" nay trở thành các chính trị gia chuyên nghiệp. Một số nhân vật cực đoan, như Matt Gaetz cho chức bộ trưởng Tư pháp, người dẫn chương trình truyền hình Pete Hegseth cho chức bộ trưởng Quốc phòng… có thể khó được Thượng Viện thông qua, nhưng theo Le Figaro, thử thách này sẽ cho phép Donald Trump trắc nghiệm quyền lực của ông. Bởi vì đã đến lúc Donald Trump trả thù những kẻ thù trong và ngoài nước, cũng như những đồng minh mà ông xem là những kẻ "trục lợi", ở cả Châu Âu và các nơi khác trên thế giới.
Chính sách kinh tế của Trump : Elon Musk tìm cách tác động đến việc bổ nhiệm các vị trí chủ chốt
Nhìn sang Le Monde, tờ báo cho biết sau các cuộc chọn người vào các vị trí chủ chốt về đối ngoại, đối nội, Donald Trump đang chuẩn bị bổ nhiệm bộ trưởng Tài chính và các ê-kip thực hiện chính sách thương mại của ông. Le Monde nhận định cuộc chiến giành chức bộ trưởng Tài chính Mỹ đang diễn ra ác liệt ở hậu trường, trở thành cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa các phe phái khác nhau xung quanh tổng thống đắc cử của Mỹ.
Một trong những thách thức lớn là đo lường tầm ảnh hưởng của tỷ phú Elon Musk, 53 tuổi, được chọn làm người chỉ đạo Ủy ban cắt giảm chi tiêu liên bang.
Về lý thuyết, Elon Musk ủng hộ quá trình chuyển đổi năng lượng, trái ngược với thái độ hoài nghi về khí hậu của Donald Trump. Tuy nhiên, vì những tính toán cơ hội, Elon Musk tán thành ý tưởng loại bỏ khoản viện trợ 7.500 đô la cho người mua xe điện. Dẫu sao thì Tesla của ông vẫn là công ty duy nhất trong lĩnh vực này có lãi, biện pháp này trên hết sẽ tác hại đến mọi đối thủ cạnh tranh của Tesla.
Điều khiến Elon Musk quan tâm hơn là việc dỡ bỏ các quy định để Tesla có thể cho ra mắt những chiếc xe tự động, không người lái. Trong liên minh giữa Tổng thống Hoa Kỳ và người giàu nhất thế giới này, tất cả đều là những vụ giao dịch. Sau nhiều tháng chê bai xe điện, Donald Trump đã tuyên bố trong một cuộc họp ở Atlanta : "Tôi ủng hộ xe điện (…). Tôi phải làm vậy vì Elon đã rất ủng hộ tôi". Về phần mình, Elon Musk phản đối mạnh mẽ việc áp thuế quan.
Le Monde đặt câu hỏi là với những bất đồng kiểu như vậy, tuần trăng mật của cặp tôi Trump - Musk liệu sẽ báo dài được bao nhiêu lâu ? Theo tiết lộ của báo chí, những người thân cận của Donald Trump, bắt đầu cảm thấy khó chịu trước sự hiện diện khắp nơi của tỷ phú Elon Musk. Thế nhưng, về mặt chính thức, ít nhất là hiện giờ, vị tổng thống đắc cử vẫn ủng hộ Elon Musk.
Trung Quốc vượt lằn ranh đỏ, cung cấp drone cho Nga oanh kích Ukraine ?
Khác với báo thiên hữu Le Figaro, hồ sơ chính của báo thiên tả Libération hôm nay dành để nói về chiến tranh Ukraine. Ở trang nhất, trên hình nền quầng lửa bùng lên giữa màn đêm, Libération chạy tựa : "Binh sĩ Bắc Triều Tiên, tên lửa tầm xa, Trump đắc cử, Châu Âu bị dồn đến chân tường : Chiến tranh Ukraine đang đến đỉnh điểm".
Ở trang trong, Libération có bài viết đáng chú ý về khả năng Trung Quốc vượt lằn ranh đỏ, cung cấp drone cho Nga oanh kích Ukraine. Trước những thông tin cho rằng Trung Quốc lập các nhà máy chế tạo drone tấn công tự sát ở Tân Cương để cung cấp cho Nga, các nhà ngoại giao Châu Âu đã dọa trừng phạt Bắc Kinh như đã làm với Iran bởi việc này có liên quan đến lợi ích cơ bản của Châu Âu về an ninh.
Chính quyền Trung Quốc cứng rắn phủ nhận những cáo buộc của Châu Âu, đồng thời nhắc lại Bắc Kinh đã thực hiện "các biện pháp kiểm soát chặt chẽ" về xuất khẩu drone quân sự. Tuy nhiên, lãnh đạo ngoại giao Châu Âu, Josep Borrell, đã nhấn mạnh đến vai trò ngày càng quan trọng của Trung Quốc trong chiến tranh Ukraine, bởi Trung Quốc là nhà cung cấp lớn nhất về hàng lưỡng dụng và các mặt hàng nhạy cảm để hỗ trợ các cơ sở công nghiệp-quân sự của Nga.
Theo Libération, drone thực sự là một trong những động lực đằng sau "mối quan hệ đối tác không giới hạn" giữa Moskva và Bắc Kinh. Năm ngoái, Nga đã bắt đầu sản xuất một loại drone tấn công tầm xa mới, Garpiya-A1, sử dụng động cơ và linh kiện của Trung Quốc, theo tiết lộ điều tra chi tiết của Reuters. Theo hãng tin Anh, IEMZ Kupol, một công ty con của hãng vũ khí nhà nước Nga Almaz-Antey, đã sản xuất hơn 2.500 drone Garpiya-A1 từ tháng 07/2023 đến tháng 07/2024. Garpiya-A1 nặng gần 300 kg, có khả năng bay 1.500 km, có nhiều điểm tương đồng với drone Shahed-136 của Iran.
Sự hợp tác này dường như đã được tăng cường. Vào cuối tháng 09/2024, Reuters nêu rõ Nga đã thiết lập một chương trình vũ khí ngay tại Trung Quốc, để phát triển và sản xuất drone tấn công mới : drone Garpiya-3 được phát triển và bay thử nghiệm với sự trợ giúp của các chuyên gia Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định không hề biết đến một dự án như vậy.
Libération đặt câu hỏi liệu có thể có chuyện chế độ siêu tập trung, cảnh sát và kiểm soát chặt chẽ của Tập Cận Bình lại không biết gì về hoạt động của các công ty trong các lĩnh vực an ninh và chiến lược tầm cao như vậy ? Liên Âu sẽ phải xác thực thông tin nói trên và buộc Trung Quốc phải gánh trách nhiệm.
Ukraine oanh kích sâu vào lãnh thổ Nga : Thế giới trải qua thời khắc nguy hiểm
Cũng về chiến tranh Ukraine, báo kinh tế Les Echos nói đến vụ Ukraine lần đầu tiên dùng tên lửa tầm xa ATACMS mà Mỹ cấp hồi đầu năm 2024 để oanh kích sâu vào lãnh thổ Nga, ít giờ sau khi báo chí Mỹ hôm Chủ nhật tiết lộ tổng thống Biden bật đèn xanh cho Kiev tiến hành các vụ tấn công kiểu này.
Theo Les Echos, như vậy chính quyền Zelensky đã không chần chừ oanh kích đối phương sau khi được tổng thống Mỹ Biden cho phép. Điều quan trọng là Ukraine không phóng tên lửa sang vùng biên Kursk của Nga và oanh kích một kho đạn dược cách thủ đô Nga chỉ 340km.
Les Echos nhận định nếu thông tin về vụ Kiev dùng tên lửa Mỹ tấn công vào mục tiêu gần Moskva được loan báo cách nay vài năm thì đã làm mọi người sợ cứng người, làm náo loạn báo chí và chính quyền các nước. Thế nhưng, lần này ngoại trưởng Nga chỉ nói là Moskva sẽ đáp trả thích đáng, mà không cho biết thêm chi tiết.
Nhà nghiên cứu Tatiana Stanovaya của Trung tâm Canergie Nga - Á Âu lo ngại là vụ oanh tạc của Ukraine "ban tặng" cho tổng thống Nga Vladimir Putin cơ hội quan trọng để gây leo thang xung đột : thế giới đang trải qua thời điểm cực kỳ nguy hiểm.
Thượng đỉnh G20 : Sự ra đời của Liên minh chống nạn đói
Về xã hội, một chủ đề được báo công giáo La Croix quan tâm là Liên minh quốc tế chống nạn đói ra đời nhân thượng đỉnh G20 tại Brazil, dựa trên ý tưởng của tổng thống cánh tả của nước chủ nhà. Ông Luiz Inacio Lula da Silva, vốn xuất thân từ một gia đình công nhân, từng chịu cảnh thiếu thốn thực phẩm. Tham gia liên minh có 82 nước và 66 tổ chức. Mục tiêu là đến năm 2030 hỗ trợ được 500 triệu người đói ăn, trong bối cảnh năm 2023 toàn thế giới có 733 triệu người đói ăn - 9% dân số toàn cầu.
Ngân hàng Phát triển Liên Châu Mỹ hứa đóng góp 25 triệu đô la. Một số nước tập trung vào chống nạn đói ở trẻ em. Liên Minh hy vọng cứu trợ được 150 triệu em từ nay đến năm 2030.
Địa Trung Hải : Khu vực bị tác động mạnh về biến đổi khí hậu
Về hồ sơ môi trường, khí hậu, sinh thái, Le Monde quan tâm đến vùng Địa Trung Hải. Theo hai báo cáo mới nhất của 55 nhà khoa học từ 17 nước, thuộc Mạng lưới Các nhà khoa học Khí hậu và Môi trường Châu Âu – Địa Trung Hải, MedECC, Địa Trung Hải là khu vực khí hậu bị hâm nóng nhanh hơn 20% so với phần còn lại của hành tinh.
Trên tổng số 540 triệu dân, đến năm 2100 sẽ có đến 20 triệu người phải di dời hẳn đến vùng khác sinh sống do tác động của biến đổi khí hậu. Lý do : ngày càng nhiều các hiện tượng thời tiết cực đoan, mực nước biển dâng cao, sự suy thoái của môi trường…
Ngay tình trạng biển Địa Trung Hải cũng rất đáng lo. Không chỉ mực nước biển dâng cao, độ axit của nước cũng gia tăng nhanh chóng, các đợt nóng cao độ trong 2 thập niên qua đã tăng thêm 40% và kéo dài hơn 15%, khiến nhiều sinh vật chết ồ ạt, như san hô, các loài nhuyễn thể, bọt biển…
Môi trường biển cũng bị ô nhiễm nặng do nhựa, nitrat thải ra từ nông nghiệp, nước thải, kim loại nặng và thủy ngân, khí ga xả thải từ các tàu thuyền… Kết hợp với biến đổi khí hậu, các chất gây ô nhiễm nói trên gây hại cho sức khỏe con người, lượng nước và chất lượng nước, năng suất nông nghiệp, ngư nghiệp. Theo ghi nhận của giới nghiên cứu, sản lượng thu hoạch olive, nho, ngũ cốc, rau củ… đã bị ảnh hưởng, đè nặng lên an ninh lương thực thực phẩm của người dân vùng Địa Trung Hải.
Biến đổi khí hậu và hậu quả đối với não bộ con người
Cũng về biến đổi khí hậu, nhưng báo công giáo La Croix hướng sự chú ý đến những nghiên cứu khoa học từ vài năm trở lại đây về hệ quả đối với não bộ con người. Ngoài sức khỏe tâm thần, nắng nóng cao độ còn ảnh hưởng đến khả năng nhận thức và hành vi của chúng ta, thậm chí còn gây ra một số rối loạn thần kinh.
Theo một nghiên cứu thực nghiệm, trời càng nắng nóng, các vị thẩm phán Mỹ ở biên giới với Mexico càng có xu hướng từ chối đơn xin tị nạn. Cũng tại Hoa Kỳ, đỉnh điểm của thái độ thù hằn trên mạng xã hội trùng với đỉnh điểm về nhiệt độ.
Ngoài khả năng nhận thức, các bệnh thần kinh bùng nổ trong những thập niên gần đây cũng đang được nghiên cứu thử nghiệm, từ bệnh động kinh, Parkinson, bệnh thần kinh mãn tính ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, Alzheimer. Sanjay Sisodiya, giáo sư thần kinh học tại Đại học College London, lo ngại rằng với các tác động khác nhau, biến đổi khí hậu có khả năng làm bệnh trở nặng, thậm chí làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở mỗi cá nhân.
Sau khi phân tích 332 nghiên cứu khoa học, một nhóm nghiên cứu hồi tháng 5 đã xuất bản một bài báo trên tạp chí y khoa The Lancet Neurology, kết luận : sự gia tăng nhiệt độ khắc nghiệt có thể làm nghiêm trọng thêm 19 bệnh thần kinh được nghiên cứu, trong đó có đột quỵ, đau nửa đầu, bệnh Alzheimer, viêm não, động kinh, bệnh thần kinh mãn tính ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương…
Thùy Dương