Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

14/11/2024

Phương Tây và Nga chạy đua trên chiến trường Ukraine trước khi Trump nhậm chức

RFI tổng hợp

Mỹ, Đức nỗ lực vận động hỗ trợ Ukraine trước khi Trump nhậm chức tổng thống

Thu Hằng, RFI, 14/11/2024

Chính quyền của tổng thống Mỹ Joe Biden quyết tâm nỗ lực đến phút chót để hỗ trợ Ukraine chống quân Nga. Ngày 13/11/2024, khi tiếp tổng thống đắc cử Donald Trump tại Nhà Trắng, ông Joe Biden kêu gọi người kế nhiệm "tiếp tục hỗ trợ" Kiev. Cùng ngày, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đến Bruxelles khẳng định lại cam kết của Mỹ và huy động các nước Châu Âu thúc đẩy hỗ trợ Ukraine.

uk1

Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier (phải) và tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp tại Berlin, Đức, ngày 18/10/2024. Reuters - Elizabeth Frantz

Tại buổi họp báo, cố vấn an ninh Nhà Trắng Jake Sullivan cho biết tổng thống mãn nhiệm "nhấn mạnh rằng, theo ông, sự ủng hộ liên tục của Mỹ đối với Ukraine nằm trong lợi ích an ninh quốc gia".

Còn tại Bruxelles, theo AP, ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh "tổng thống Biden cam kết làm mọi cách để mỗi đô la mà chúng tôi có sẽ được chi từ nay đến ngày 20/01", ngày mà ông Donald Trump tuyên thệ nhậm chức tổng thống. Ông cũng hối thúc các nước NATO tập trung nỗ lực để "bảo đảm cho Ukraine có đủ tiền, đạn dược và lực lượng để chiến đấu một cách hiệu quả trong năm 2025, hoặc để có thể đàm phán hòa bình trên thế mạnh". Mỹ "sẽ thích ứng và điều chỉnh" những trang thiết bị cuối cùng sẽ được gửi trong thời gian cuối nhiệm kỳ của ông Biden.

Đức, nước viện trợ lớn thứ hai cho Ukraine, cũng đang gặp khủng hoảng chính trị và sẽ bầu lại Quốc Hội tháng 02/2025. Ngày 13/11, khi báo cáo kết quả của chính phủ trước Hạ Viện, thủ tướng Olaf Scholz tiếp tục khẳng định mạnh mẽ rằng Ukraine có thể "trông cậy vào đất nước và tình tương ái của chúng ta… Chúng ta có trách nhiệm để Ukraine không bị bỏ rơi". Tuy nhiên, theo thông tín viên RFI tại Berlin, chính sự ủng hộ Ukraine đã gián tiếp làm liên minh cầm quyền tan rã nhanh hơn.

Việc lính Bắc Triều Tiên hỗ trợ cuộc chiến của Nga đã gián tiếp kéo Hàn Quốc nhập cuộc. Theo Yonhap, trả lời phỏng vấn cơ quan thông tấn Tây Ban Nha EFE ngày 14/11, tổng thống Yoon Suk Yeol cho biết Hàn Quốc có lẽ sẽ hỗ trợ thêm cho Kiev tùy theo mức độ can thiệp của Bắc Triều Tiên trong cuộc chiến của Nga.

Cuộc chiến tại Ukraine đã kéo dài gần 3 năm và không có dấu hiệu suy giảm. Sáng 14/11, quân đội Ukraine cho biết đã bắn hạ 21 drone của Nga trong đêm. Lần đầu tiên từ 73 ngày qua, thủ đô Kiev bị tấn công cả bằng drone và tên lửa. Trong khi đó lực lượng Ukraine vẫn cố chống cự quân Nga ở mặt trận miền đông Donetsk.

Thu Hằng

***************************

Ngoại trưởng Blinken cam kết củng cố ủng hộ cho Ukraine trước khi chuyển giao quyền lực sang chính quyền Trump

Reuters, VOA, 13/11/2024

Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Antony Blinken hôm thứ Tư (13/11) đảm bảo với NATO rằng chính quyền Biden sẽ tăng cường sự ủng hộ của mình đối với Ukraine trong vài tháng trước khi ông Donald Trump trở lại làm tổng thống và sẽ cố gắng củng cố liên minh trong thời gian đó.

uk2

Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu với báo chí sau cuộc họp ở trụ sở NATO tại Brussels vào ngày 13 tháng 11 năm 2024.

Gặp Tổng thư ký NATO Mark Rutte tại Brussels, ông Blinken cũng cho biết việc quân đội Triều Tiên được triển khai để giúp Nga trong cuộc chiến tranh Ukraine "đòi hỏi và sẽ nhận được phản ứng cứng rắn".

Tổng thống đắc cử Trump, người đã đặt câu hỏi về sự hỗ trợ quân sự của Hoa Kỳ cho Ukraine, cho biết ông sẽ nhanh chóng chấm dứt cuộc chiến của Nga mà không nói rõ bằng cách nào, làm dấy lên mối lo ngại trong số các đồng minh của Hoa Kỳ rằng ông có thể sẽ cố gắng buộc Kyiv phải chấp nhận hòa bình theo các điều kiện của Moscow. Ông Biden sẽ rời nhiệm sở vào ngày 20/1.

Sau khi gặp ông Rutte tại trụ sở liên minh, ông Blinken cho biết họ đã thảo luận về việc tiếp tục hỗ trợ cho Ukraine, nơi lực lượng Nga đã giành được lợi thế ở tiền tuyến phía đông, và công việc NATO phải làm để củng cố cơ sở công nghiệp quốc phòng của mình.

Ông cho biết chính quyền Hoa Kỳ sắp mãn nhiệm sẽ "tiếp tục củng cố mọi thứ chúng tôi đang làm cho Ukraine" để đảm bảo rằng họ có thể chiến đấu hiệu quả vào năm tới hoặc đàm phán hòa bình với Nga từ vị thế mạnh mẽ.

Ông Biden sẽ "dùng từng ngày để tiếp tục làm những gì chúng tôi đã làm trong bốn năm qua, đó là củng cố liên minh này", ông Blinken cho biết, đồng thời nói thêm rằng các quan chức của ông Biden đang nỗ lực cung cấp tất cả các khoản viện trợ đã được Quốc hội Hoa Kỳ phê duyệt cho Ukraine trước khi rời nhiệm sở.

Gặp ông Blinken tại Brussels, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha nói cuộc chiến đang ở thời điểm quan trọng và kêu gọi "sức mạnh" thay vì "sự xoa dịu" đối với Nga.
Ông nói thêm rằng "Không thể trì hoãn việc phòng thủ của Ukraine và chờ đợi... Chúng ta cần đẩy nhanh mọi quyết định quan trọng".

Nói về việc quân đội Triều Tiên được triển khai để hỗ trợ Nga, ông Blinken nói với các phóng viên rằng mối quan hệ giữa Moscow và Bình Nhưỡng là "con đường hai chiều" và có "mối quan ngại sâu sắc về những gì Nga đang hoặc có thể làm để tăng cường năng lực của Triều Tiên" bao gồm cả năng lực hạt nhân của nước này.

Ông Blinken cũng đã gặp Tổng tư lệnh NATO tại Châu Âu, Tướng Christopher Cavoli, các quan chức cấp cao của EU và Ngoại trưởng Anh David Lammy tại Brussels vào thứ Tư.

Nguồn : VOA, 13/11/2024

***************************

Nga gấp rút lấy lại vùng Kursk và giành đất của Ukraine trước khi Donald Trump nhậm chức

Anh Vũ, RFI, 13/11/2024

Theo Kiev và Washington, Nga đang chuẩn bị cho một cuộc phản công quy mô lớn trong vùng Kursk, nơi một phần nằm dưới sự kiểm soát của Ukraine kể từ cuộc tấn công bất ngờ được thực hiện vào đầu tháng 8. Ý đồ của Vladimir Putin là tạo thế mạnh trên bàn đàm phán trước khi Donald Trump vào Nhà Trắng.

uk3

Hình ảnh do Bộ Quốc phòng Nga phổ biến : Quân Nga trên một chiến tuyến tấn công quân Ukraine tại Kursk, Nga, ngày 24/10/2024. AP

Vladimir Putin đang chuẩn bị chơi lớn trong vùng Kursk. Tổng thống Volodymyr Zelensky hôm thứ Hai (11/11) cho biết Nga đã tập hợp 50.000 quân, trong đó có lính Bắc Triều Tiên, với hy vọng chiếm lại khoảng 1.000 km2 do Kiev kiểm soát trên lãnh thổ Nga, trước khi ông Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2025.

Mặc dù lực lượng Nga đã thực hiện nhiều cuộc tấn công vào các vị trí của Ukraine bằng hỏa lực tên lửa và pháo binh nhưng đây là lần đầu tiên họ chuẩn bị mở một cuộc phản công lớn.

Tướng Oleksandr Syrskyi, tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, sau khi thị sát mặt trận ở Kursk cho biết trên Facebook hôm thứ Hai : "Quân Nga đang thực thi mệnh lệnh của chỉ huy cố gắng đẩy lùi quân đội chúng ta và tiến vào lãnh thổ mà chúng ta kiểm soát".

Tướng Dominique Trinquand, cựu lãnh đạo phái bộ quân sự Pháp tại Liên Hiệp Quốc, giải thích : "Đó là một lực lượng dày đặc, có lẽ 1/5 trong đó là lính Bắc Triều Tiên. Đối mặt với họ, lực lượng Ukraine ước tính khoảng 10.000 quân cùng các vị trí phòng thủ đã được chuẩn bị từ trước".

Theo các quan chức Mỹ, Nga đã huấn luyện lính Bắc Triều Tiên bắn pháo, chiến thuật bộ binh cơ bản cũng như tấn công trong giao thông hào. Điều này khiến người ta có thể nghĩ rằng quân của Kim Jong-un sẽ tham gia các cuộc tấn công trực diện vào các vị trí cố thủ của quân đội Kiev.

Theo Washington, trong khi Nga đang khó khăn để đạt mục tiêu mỗi tháng tuyển mộ khoảng 25.000 binh sĩ thì, sự hiện diện của những binh sĩ Bắc Triều Tiên này có tầm quan trọng đặc biệt đối với Moskva. Tuy nhiên, vẫn khó dự đoán sự đóng góp tác chiến của binh sĩ Bắc Triều Tiên. Dù có trong tay một trong những đội quân lớn nhất thế giới, nhưng quân đội Bắc Triều Tiên từ nhiều thập kỷ nay đã không tham gia chiến đấu.

Trả lời phỏng vấn nhật báo New York Times, Rob Lee, chuyên gia về các vấn đề quân sự Nga, nhận định : "Hàng nghìn lính bộ binh bổ sung này có thể tạo nên sự khác biệt ở Kursk. Những người lính này trẻ hơn và có thể trạng tốt hơn nhiều binh sĩ Nga theo hợp đồng".

Ba mũi tấn công đồng thời

Vào ngày 6/8, Kiev đã gây bất ngờ cho các đồng minh của mình khi mở một cuộc tấn công lịch sử vào đất Nga nhằm buộc Moskva rút bớt quân đang tham gia ở miền Đông Ukraine.

Dominique Trinquand lưu ý : "Kế hoạch này không thành công", đồng thời ông nhắc lại rằng Nga vẫn tiếp tục nỗ lực ở Donbass, một mục tiêu ưu tiên chính của nước này,và họ không ngừng lấn chiếm lãnh thổ Ukraine từ mùa hè này.

Theo các chuyên gia quân sự, cuộc phản công đang được chuẩn bị ở Kursk không cần bất kỳ sự đóng góp nào của binh sĩ Nga từ miền Đông Ukraine. Do đó, Moskva có thể gây áp lực lên Kiev bằng cách đẩy nhanh tốc độ trên nhiều mặt trận cùng một lúc.

Tướng Trinquand phân tích : "Ngoài cuộc phản công ở Kursk, quân Nga sẽ tiếp tục các cuộc tấn công ở Donbass. Người ta cũng đã thông báo về một cuộc tấn công quy mô lớn ở vùng Zaporizhia, tức là đồng thời ba mũi tấn công. Trên phương diện quân sự, Ukraine không có đủ phương tiện để chống lại ba cuộc tấn công của Nga". Chuyên gia quân sự này cho biết thêm : "Chìa khóa nằm ở các cuộc tấn công chiều sâu. Do đó, quân Ukraine nhất quyết muốn có tên lửa tầm xa".

Theo Vladyslav Volochyn, người phát ngôn của cánh quân phía nam của Ukraine, cuộc tấn công của Nga vào Zaporizhia thậm chí sắp xảy ra, ông quả quyết rằng các đơn vị tấn công của quân đội Nga đã được điều tới vùng này. Trả lời phỏng vấn Reuters, vị sĩ quan này giải thích : "Các cuộc tấn công có thể bắt đầu trong tương lai gần, thậm chí chúng tôi không tính bằng tuần, mà chờ từng ngày cuộc tấn công nổ ra (…). Họ đang chuẩn bị các đơn vị thiết giáp và xe cơ giới nhẹ để thực hiện các cuộc tấn công này". Sĩ quan Ukraine cho biết thêm, các lực lượng Nga đã tiến hành trinh sát sơ bộ và các cuộc không kích của họ đã tăng từ 30 đến 40% trong hai đến ba tuần qua.

Quy mô tổn thất của Nga được ghi nhận trong những tháng gần đây cũng cho thấy quyết tâm làm suy kiệt hệ thống phòng thủ Ukraine. Theo tham mưu trưởng Anh, Đô đốc Tony Radakin, tháng 10 là tháng đẫm máu nhất đối với quân đội Nga kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine vào tháng 2/2022. Trung bình 1.500 binh sĩ Nga thiệt mạng hoặc bị thương mỗi ngày.

Đô đốc Tony Radakin bình luận, tổn thất của : "Nga đang tiến dần đến con số 700.000 người thiệt mạng hoặc bị thương, điều này minh chứng cho nỗi đau đớn và thống khổ to lớn mà đất nước Nga phải chịu đựng vì tham vọng của tổng thống Vladimir Putin".

Cuối tuần qua, Nga và Ukraine cũng đã tiến hành các cuộc tấn công qua lại nhau với số lượng drone chưa từng có, trong đó Moskva đã tung ra tổng cộng 145 chiếc trong đêm từ thứ Bảy và Chủ nhật. Về phần mình, Ukraine khẳng định đã phóng số drone kỷ lục về phía thủ đô của Nga.

"Giành tối đa đất"

Lịch trình tăng tốc này của Nga không có gì là ngẫu nhiên. Tuần qua người ta đã chứng kiến chiến thắng của ông Donald Trump thuộc đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Là người chỉ trích gay gắt viện trợ của Washington cho Kiev, vị tỷ phú khó lường này cho biết ông có thể chấm dứt xung đột "trong 24 giờ".

Một dấu hiệu cho thấy tình hình cấp bách và Châu Âu lo ngại của về tính bền vững của viện trợ Mỹ đó là việc ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã tới Bruxelles hôm thứ Ba "để thảo luận về việc hỗ trợ Ukraine trong việc phòng thủ chống lại sự xâm lược của Nga", theo phát ngôn viên ngoại giao Mỹ.

Tướng Trinquand giải thích : "Tổng thống Putin quan tâm đến việc giành được càng nhiều đất càng tốt trước ngày 20/1 [ngày Donald Trump nhậm chức tổng thống], để có được thế mạnh khi tiến hành đàm phán. Đó là điều cấp thiết đối với ông ấy và đó là lý do tại sao ông lại nỗ lực vào lúc này".

Vào tháng 6, tổng thống Nga đã nhắc lại các điều kiện để mở các cuộc đàm phán hòa bình với Kiev : Ukraine rút quân khỏi các khu vực Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhia, các vùng đất mà Nga mới chỉ chiếm được một phần, cũng như Kiev từ bỏ kế hoạch gia nhập NATO.

Một hình thức đầu hàng không thể chấp nhận được đối với tổng thống Volodymyr Zelensky. Về phần mình, ông Zelensky bảo vệ "kế hoạch chiến thắng" trước các đồng minh của mình, loại trừ việc nhượng lại một phần lãnh thổ của Ukraine.

Phát ngôn viên Điện Kremlin, Dimitri Peskov cuối tuần qua cho biết dù chính quyền Trump không thể hiện rõ ý định của mình trong vấn đề Ukraine thì Nga vẫn ghi nhận "những tín hiệu tích cực". Nhiều tuyên bố từ những người trong giới thân cận với tổng thống đắc cử Mỹ dường như rõ ràng đang đi theo hướng của Moskva.

Trong chiến dịch tranh cử ở Hoa Kỳ, phó tổng thống tương lai JD Vance trong một cuộc phỏng vấn đã đề xuất một nước Ukraine trung lập và thiết lập "khu phi quân sự" trên chiến tuyến hiện tại. Một cách công nhận trên thực tế những phần lãnh thổ mà Nga đã chiếm được. Trong cuộc phỏng vấn của BBC, Bryan Lanza, cố vấn thân cận của Donald Trump, cũng kêu gọi Ukraine từ bỏ yêu sách đối với Crimée, bán đảo bị Nga sáp nhập năm 2014.

Bất chấp những bất trắc liên quan đến cuộc bầu cử của Donald Trump và viễn cảnh về một mùa đông khó khăn mới, đại đa số người Ukraine vẫn tiếp tục phản đối việc nhượng bộ lãnh thổ. Theo cuộc thăm dò của Viện Xã hội học Quốc tế Kiev, tỷ lệ người Ukraine ủng hộ nhượng bộ Nga để chấm dứt chiến tranh vẫn ổn định ở mức 32% kể từ mùa xuân năm ngoái.

(Theo France24.com)

Anh Vũ

***************************

Tổng thống Ukraine : Nga điều 50.000 quân tới khu vực Kursk

Phan Minh, RFI, 13/11/2024

Trong bài phát biểu hàng ngày trước quốc dân, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, hôm 11/11/2024, cho biết Nga đã điều 50.000 quân tới khu vực Kursk, hiện đang bị lực lượng Ukraine chiếm đóng một phần.

uk4

Binh sĩ Bắc Triều Tiên diễu binh dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh Kim Nhật Thành tại Bình Nhưỡng, ngày 15/04/2012. AP - Ng Han Guan

Hãng tin Đức DW, dẫn lời nguyên thủ Ukraine, cho biết "tiếp tục kìm chân nhóm địch gần 50.000 người" ở khu vực tây nam nước Nga. Theo ước tính trước khi Kiev tiến hành cuộc tấn công bất ngờ vào khu vực này hồi tháng 8, chỉ có khoảng 11.000 binh lính đồn trú ở đó.

Về phần mình, Hoa Kỳ, hôm qua 12/11, xác nhận binh sĩ Bắc Triều Tiên đã được triển khai ở Kursk và bắt đầu tham chiến chống Ukraine, mặc dù chính phủ Hàn Quốc vẫn thận trọng chưa đưa ra khẳng định nào.

Phó phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ Vedant Patel, đưa ra nhận xét này trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại rằng việc triển khai quân đội Bắc Triều Tiên có thể kéo dài cuộc chiến của Nga ở Ukraine và tác động về an ninh đối với toàn bộ Châu Âu cũng như khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.

Vẫn về chiến sự, chính quyền Ukraine, hôm nay 13/11, đã kích hoạt báo động phòng không trên toàn quốc, để đối phó với cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga nhắm vào Kiev. Lần cuối cùng thủ đô Ukraine hứng chịu những cuộc oanh kích của Kremlin là hồi tháng 8. Trước đó, trong đêm 09 rạng sáng 10/11, Ukraine đã trở thành mục tiêu tấn công của 145 drone của Nga, số lượng cao "kỷ lục", theo ông Zelensky.

Phan Minh

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Thu Hằng, Phan Minh
Read 90 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)