Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

25/09/2017

Điểm tin báo chí Pháp - Chiến tranh sẽ nổ ra nếu...

RFI tiếng Việt

Chiến tranh sẽ nổ ra nếu Bình Nhưỡng thử nguyên tử tại Thái Bình Dương ?

Les Echos số ra ngày 25/09/2017 nhận định "Bình Nhưỡng có nguy cơ gây ra chiến tranh sau khi thử nguyên tử tại Thái Bình Dương", vì như vậy các cường quốc sẽ không còn có thể khoanh tay đứng nhìn.

chien1

Thủy quân lục chiến Hàn Quốc tập trận tại đảo Baengnyeong, gần biên giới trên biển với Bắc Triều Tiên ngày 07/09/2017, sau khi Bình Nhưỡng thử bom nguyên tử. Choi Jae-gu/Yonhap via Reuters

Tờ báo cho biết, các cố vấn ngoại giao của tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhiều lần khuyên ông đừng sỉ nhục cá nhân lãnh đạo Bình Nhưỡng trong bài diễn văn trước Liên Hiệp Quốc, nhưng một lần nữa ông Trump lại để ngoài tai. Trên diễn đàn Đại hội đồng, Kim Jong-un lại bị gọi là "Rocket Man", và Donald Trump còn đe dọa "hủy diệt toàn bộ" Bắc Triều Tiên.

Trước những lời lẽ đúng như tuyên truyền của Bình Nhưỡng lâu nay, là Mỹ muốn tiêu diệt Bắc Triều Tiên, tất nhiên là nhà độc tài trẻ phản ứng ngay. Hôm thứ Sáu, Kim Jong-un công khai tuyên bố Donald Trump là "găng-tơ", "côn đồ", "lão hóa trí tuệ", nhưng nhất là sẽ "kiên quyết trả đũa". Sau đó ngoại trưởng Bắc Triều Tiên Ri Yong Ho loan báo có thể cho nổ một quả bom H trên Thái Bình Dương.

Một vụ thử nguyên tử như vậy sẽ là sự khiêu khích trắng trợn nhất từ trước đến nay của Bình Nhưỡng. Cho đến nay, Bắc Triều Tiên vẫn thận trọng, chỉ cho phóng các hỏa tiễn đạn đạo đến những vùng biển hoang vắng, và cho thử hạt nhân sáu lần tại các căn cứ ngầm dưới lòng đất, ngay trên lãnh thổ nước mình. Ông Daryl Kimball, chủ tịch Arms Control Association cảnh báo : "Một vụ nổ nguyên tử trên bầu trời Thái Bình Dương có thể gây ra một sự leo thang, vượt khỏi tầm kiểm soát của Washington và Bình Nhưỡng".

Có rất ít quốc gia (Trung Quốc, Liên Xô cũ, Hoa Kỳ) dám cho thử hạt nhân trên không vì rất nguy hiểm. Theo Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA), vụ gần đây nhất do Bắc Kinh tiến hành hồi tháng 10/1980. Nhà nghiên cứu Morris Jones của Lowy Institute for International Policy viết : "Chưa nói đến vấn đề chiến lược, vụ nổ và các tác động điện từ của một quả bom như thế sẽ là thảm họa. Nếu thử bom H mà không báo trước, các phi cơ sẽ bị rơi từ trên trời xuống và các bộ phận điện tử bị rối loạn. Ngay cả các vệ tinh bay ở độ thấp cũng bị ảnh hưởng. Tác động đến môi trường đại dương và nguồn lợi hải sản sẽ nghiêm trọng".

Trước một cú đòn vang dội như vậy, khẳng định năng lực quân sự của chế độ Bình Nhưỡng, các cường quốc đặc biệt là Hoa Kỳ sẽ buộc phải có hành động mạnh mẽ chống lại Bắc Triều Tiên. Ông Van Jackson, chuyên gia về quốc phòng của trường đại học Victoria ở New Zealand lo lắng : "Khi thấy những con diều hâu ở Washington đã sẵn sàng lao vào cuộc chiến với Bắc Triều Tiên như thế nào, tôi không cho là ông Trump sẽ biết kềm chế trước một sự khiêu khích mới".

Lo sợ trước viễn cảnh này, các đối tác hiếm hoi của chế độ toàn trị Bình Nhưỡng hồi cuối tuần qua đã kêu gọi đôi bên xuống thang. Bắc Kinh đã tỏ rõ sự bực bội trước đồng minh khó chịu này, qua việc chính thức loan báo hạn chế xuất xăng dầu và ngưng nhập hàng dệt may của Bắc Triều Tiên.

Hậu quả chiến lược của bom nguyên tử Bắc Triều Tiên

Quả bom của Bắc Triều Tiên sẽ dẫn đến những hậu quả về mặt chiến lược như thế nào ? Le Figaro nhận định, cuộc khủng hoảng kể từ mùa hè năm nay không còn đơn giản là vấn đề răn đe, mà là một sự phổ biến vũ khí nguyên tử, có thể khiến một số nước khác chạy đua theo, đặc biệt là Iran.

Hậu quả đối với Hàn Quốc và Nhật Bản rất quan trọng. Quả bom H, sự tiến bộ ngoạn mục của Bình Nhưỡng đã khiến Seoul phải lao vào vòng tay của Washington, tuy lúc mới được bầu lên, tổng thống Moon Jae-in có ý định xích lại gần Bình Nhưỡng. Việc bố trí các vũ khí nguyên tử chiến lược Mỹ tại Hàn Quốc, vốn đã được rút đi từ khi bức tường Berlin sụp đổ, nay đang được Seoul bàn bạc với bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis. Tăng cường vũ khí phòng không nay là đề tài được đồng thuận tại cả Hàn Quốc lẫn Nhật Bản : Tokyo muốn mua các hỏa tiễn tấn công được Bắc Triều Tiên.

Nhưng việc siết chặt liên minh với Hoa Kỳ không phải là hậu quả duy nhất. Chuyên gia Valérie Niquet, phụ trách về Châu Á của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược nhận xét : "Việc Mỹ không phản ứng có thể thúc đẩy Bình Nhưỡng lao vào một cuộc phiêu lưu quân sự nhằm thống nhất bán đảo Triều Tiên bằng vũ lực. Đối với Kim Jong-un, quả bom cộng với việc thống nhất đất nước sẽ giúp ông ta trở thành người hùng". Thăng bằng chiến lược trong khu vực không còn nữa, các nước láng giềng đang phải xem xét lại chính sách của mình. Cú sốc còn lan xa hơn tại Thái Bình Dương, nhiều nước thậm chí cả Úc lo sợ hậu quả quân sự, chính trị và kinh tế của một cuộc khủng hoảng lâu dài.

Còn đối với Trung Quốc và Châu Âu ? Bắc Kinh và Bình Nhưỡng cùng chia sẻ một lợi ích chiến lược : đẩy Mỹ ra khỏi bán đảo Triều Tiên. Có thể đó là một trong những lý do khiến Trung Quốc đã "để cho vị thần thoát ra khỏi cây đèn", ít nhất là trong lúc này. Cũng theo bà Valérie Niquet, sự thiếu vắng phản ứng của Mỹ cũng có thể khiến "Bắc Kinh coi đây là một sự khuyến khích bành trướng trên Biển Đông", và cao giọng tranh giành Biển Hoa Đông với Tokyo. Thậm chí còn có thể lại đặt vấn đề đưa Đài Loan về với "đất mẹ" Hoa lục.

Về phía Châu Âu, cũng có thể trở thành mục tiêu tiềm năng của quả bom Bắc Triều Tiên. Ván cờ không còn như trước, nhất là đối với Pháp : một số lãnh thổ hải ngoại như Tân Calédonie nằm trong tầm ngắm của hỏa tiễn Bình Nhưỡng. Là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, Pháp còn nằm trong số những nước tham gia hiệp ước đình chiến năm 1953 trên bán đảo Triều Tiên. Và như vậy, theo chuyên gia Valérie Niquet, Paris "không còn có thể coi hồ sơ Bắc Triều Tiên chỉ đơn giản là một vấn đề ngoại giao".

Trong bối cảnh đó, liệu sẽ tái diễn chạy đua vũ khí nguyên tử hay không ? Nhiều người lo ngại Iran sẽ lại chế tạo bom hạt nhân, đặc biệt từ khi ông Donald Trump đe dọa xé bỏ thỏa thuận đã ký với Teheran. Ngoài ra, còn phải kể thêm Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên theo ông Bruno Tertrais, phó giám đốc Quỹ Nghiên cứu Chiến lược, thì một khi Seoul và Tokyo còn tin vào cam kết bảo vệ an ninh của Mỹ, thì không phải lo lắng về nguy cơ này.

Thảm kịch Rohingya và chiến tranh tôn giáo

Cũng về Châu Á, Le Figaro nói về "Thảm kịch của người Rohingya", thiểu số người Hồi giáo được Hiến pháp 1947 của Miến Điện công nhận, nhưng bị tập đoàn quân sự tước quyền công dân năm 1982, trở thành một dân tộc vô tổ quốc.

Tác giả bài báo nhấn mạnh, không chỉ tấn công quân nổi dậy ARSA, quân chính phủ còn sát hại cả thường dân người Rohingya, khiến họ không còn chọn lựa nào khác : hoặc di tản, hoặc cái chết. Trong số 800.000 người Rohingya sống ở bang Arakan, đã có 420.000 người chạy trốn sang Bangladesh, và trong dòng người tị nạn có đến gần 250.000 là trẻ em có cha mẹ đã bị giết chết. Trên 220 ngôi làng bị đốt phá, đóng hẳn cánh cửa hồi hương. Thế nên Liên Hiệp Quốc mới coi đây là trường hợp điển hình của nạn thanh lọc chủng tộc.

Thảm nạn của người Rohingya đè nặng lên Bangladesh, một nước nghèo và đông dân, không thể tiếp đón và nuôi một triệu miệng ăn. Nó còn làm tăng số người tị nạn (65 triệu) và vô tổ quốc (10 triệu), có liên quan mật thiết đến nạn nô lệ và lao động cưỡng bức. Số trẻ mồ côi trong các trại tị nạn còn là miếng mồi ngon cho thánh chiến, vào lúc tổ chức Nhà nước Hồi giáo vươn vòi sang Châu Á.

Theo tác giả, Hoa Kỳ và Châu Âu cần hợp lực với nhau : ngưng tất cả viện trợ, hợp tác và bán vũ khí cho quân đội Miến Điện ; trừng phạt các thủ lãnh quân sự, các tổ chức và lãnh tụ Phật giáo cực đoan ; tạo điều kiện cho các tổ chức phi chính phủ và báo chí tại bang Arakan ; huy động viện trợ giúp Bangladesh hỗ trợ người tị nạn. Trong thế kỷ 20 đã diễn ra các cuộc chiến lớn nhân danh ý thức hệ, không nên để thế kỷ 21 trở thành thế kỷ của những cuộc diệt chủng, nhân danh chiến tranh tôn giáo.

ASEAN trước nguy cơ dân tộc chủ nghĩa pha trộn với tôn giáo

Cũng liên quan đến vấn đề này, nhà nghiên cứu Dominique Moisi trên Les Echos nhận định "Tín ngưỡng và dân tộc chủ nghĩa, một sự pha trộn có nguy cơ cao". Bi kịch của người Rohingya ở Miến Điện diễn ra trong bối cảnh nguy hiểm : bản sắc dân tộc và tín ngưỡng ngày càng có xu hướng pha trộn với nhau ở Đông Nam Á.

"Liệu một ngày nào đó Đông Nam Á có thể trở thành một Trung Đông mới hay không ?". Theo chuyên gia Moisi, chỉ riêng việc có thể đặt ra một câu hỏi như thế đã rất ý nghĩa, trước tình hình chủ nghĩa dân tộc mang màu sắc tôn giáo đang nổi lên tại vùng Viễn Đông : Phật giáo tại Miến Điện, và Ấn giáo tại Ấn Độ - từ khi đảng của ông Narendra Modi lên nắm quyền.

Ban đầu mang tầm vóc địa phương, nay thảm kịch của người Rohingya đã mang tầm khu vực – nếu không phải là quốc tế. Pakistan chẳng phải đã được thành lập để đón nhận thiểu số Hồi giáo của đế chế Ấn trước đây đó sao ? Làm thế nào một tổ chức như ASEAN có thể sống sót, khi bắt đầu nổi lên xu hướng chia rẽ, một bên là Phật giáo, một bên là Hồi giáo ?

Miến Điện và Thái Lan chủ yếu theo đạo Phật, còn Malaysia và Indonesia đạo Hồi – riêng Indonesia còn là quốc gia Hồi giáo đông dân nhất thế giới. Tác giả cho rằng đã đến lúc ngăn chận sự lệch hướng này, tránh để lây lan. Liên Hiệp Quốc cần có lời nói đi đôi với việc làm trong cuộc khủng hoảng người Rohingya, để tránh nguy cơ vùng Viễn Đông một ngày nào đó sẽ bị rối loạn như Trung Đông.

Angela Merkel, chiến lược gia đáng nể

Bầu cử lập pháp Đức và cuộc bầu cử bán phần Thượng Viện Pháp là hai đề tài thời sự được các báo Pháp đề cập nhiều hôm nay. Les Echos tóm tắt trong tựa trang nhất "Bà Merkel thắng được thử thách, phe cực hữu bứt phá". Le Figaro coi đây là một "Chiến thắng với dư vị đắng" cho thủ tướng Đức. Tương tự với La Croix : "Chỗ đứng hàng đầu đắng nghét cho bà Angela Merkel".

Thông tín viên Le Figaro tại Berlin mô tả "Angela Merkel, chiến lược gia đáng gờm". Cũng như các cựu thủ tướng Adenauer hay Kohl - những chính khách lớn trước đây - nữ thủ tướng Đức tiếp tục nhiệm kỳ thứ tư, nhưng bản thân bà vẫn là một ẩn số.

Không một sự kiện gì có thể tác động mạnh đến bà Merkel, từ những ngôn từ bốc lửa của Donald Trump, các thủ đoạn của Vladimir Putin cho đến làn sóng người tị nạn ồ ạt, hay đòi hỏi tổ chức lại Châu Âu của tổng thống Pháp… Hôm 24/09, bà đón nhận tin chiến thắng với cùng một sự bình thản, dù phe cực hữu lần đầu tiên lọt vào Quốc Hội có thể làm hoen ố nhiệm kỳ mới của bà.

Tất cả những ai từng tiếp xúc với Angela Merkel đều mô tả tính cách bà như nhau : thận trọng, giản dị, cụ thể, dễ mến. Khi tiếp ai, bà luôn đích thân dọn cà phê mời khách. Bà không có những bài diễn văn hùng hồn, nhưng vốn là một nhà khoa học, bà nghiên cứu tỉ mỉ các vấn đề.

Thật ra bà Merkel sinh ở Tây Đức, nhưng cha bà là một mục sư, đã quyết định sang Đông Đức cư ngụ ít lâu sau khi Angela Merkel sinh ra. Bà lớn lên mà không bao giờ nghĩ rằng bức tường Berlin có thể bị sụp đổ, và đêm 09/11/1989 lịch sử ấy, bà theo dòng người sang Tây Đức dạo chơi, rồi trở về đi ngủ sớm để sáng hôm sau còn đi làm. Vài tuần sau, Angela Merkel tham gia phong trào "Dân chủ mới". Kín đáo, chăm chỉ, hiệu quả, bà thăng tiến với tốc độ chóng mặt.

Là người tính toán lạnh lùng, bà loại dần từng đối thủ chính trị. Là người thực dụng, Merkel không đưa ra chủ thuyết mới nào, chỉ thích ứng theo với tình hình thực tế. Mang lại niềm tự hào cho Đức quốc, và nay đối mặt với công cuộc kiến tạo lại Châu Âu, trước nhiệm vụ lịch sử ấy, Angela Merkel vẫn điềm tĩnh một cách đáng phục.

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 729 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)