Tây Ban Nha : Vùng Catalunya bị tước quyền tự trị sau khi tuyên bố độc lập (RFI, 28/10/2017)
Madrid giải tán Nghị Viện Catalunya, bãi nhiệm chính phủ cấp vùng trong tay lãnh đạo phong trào đòi độc lập Carles Puigdemont, cách chức người đứng đầu 17.000 nhân viên cảnh sát Catalunya, thông báo tổ chức bầu cử cấp vùng tại Catalunya vào ngày 21 tháng 12/2017. Chỉ vài giờ sau khi phe ly khai tại Catalunya đơn phương tuyên bố độc lập, ngày hôm qua, 27/10/2017, thủ tướng Tây Ban Nha thông báo thu hồi quy chế tự trị của vùng đất này. Chính quyền trung ương tại Madrid giành lại quyền kiểm soát từ an ninh, tư pháp đến giáo dục, truyền thông của Catalunya.
Nghị Viện Catalunya tại Barcelona. Ảnh ngày 27/10/2017. Reuters/Juan Medina
Thông tín viên đài RFI, François Musseau từ thủ đô Madrid tường thuật :
"Tôi yêu cầu tất cả mọi người hãy yên tâm và bình tĩnh, vì tôi bảo đảm là Nhà Nước Pháp Quyền sẽ tái lập tính hợp pháp". Thủ tướng Mariano Rajoy tuyên bố như trên vào hôm qua sau cuộc bỏ phiếu tại Thượng Viện Tây Ban Nha. Ông muốn trấn an công luận nhưng đồng thời tỏ thái độ cứng rắn.
Trấn an công luận là điều cần thiết, bởi trong hơn 40 năm qua, chưa bao giờ nền dân chủ Tây Ban Nha lại phải đối mặt với tình trạng đầy bất trắc như hiện tại. Không ai biết trước là mặt trận đoàn kết vì một đất nước Tây Ban Nha thống nhất sẽ thành công tới mức độ nào trước phe đòi ly khai hiện đang say men chiến thắng và đang khẳng định là sẽ không bao giờ chấp nhận khuất phục chính quyền trung ương Madrid.
Tại Barcelona, phe chủ tưởng ly khai đang say sưa với thắng lợi sau tuyên bố độc lập. Giờ đây chính quyền trung ương có thể kiểm soát toàn bộ các hoạt động của Catalunya nhưng trên thực tế, hiếm ai biết một cách cụ thể, mọi việc sẽ diễn ra như thế nào.
Ưu tiên của Madrid là truất phế chủ tịch vùng Catalunya, Carles Puigdmont, giải tán chính phủ cấp vùng trong tay ông này. Nhưng đó là việc không dễ làm. Phe ủng hộ lập trường của Madrid tại Catalunya trong thế thiểu số. Công việc đầu tiên phải làm là Bộ Nội Vụ phải kiểm soát cơ quan an ninh Catalunya với 17.000 nhân viên.
Tại mọi cấp trong các công sở, đều có nguy cơ phản kháng trong hàng ngũ nhân viên cũng như là giới lãnh đạo cấp vùng chủ tương tách rời khỏi Tây Ban Nha.
Thanh Hà
********************
Tây Ban Nha giải thể Nghị viện Catalonia (BBC, 28/10/2017)
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy quyết định giải thể Nghị viện Catalonia và kêu gọi tổ chức bầu cử địa phương sau khi các nghị sĩ Catalonia bỏ phiếu để tuyên bố độc lập.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy ra tuyên bố quyết định giải thể quốc hội Catalan hôm 27/10
Madrid cũng vừa ra thêm quyết định tước hết quyền lực của các nhân viên cảnh sát cao cấp nhất ở Catalonia. Các cuộc biểu tình chống việc ly khai diễn ra vào ban đêm.
Nhiều cuộc biểu tình khác dự kiến sẽ được tổ chức vào 28/10, với một cuộc diễu hành "cho sự thống nhất của Tây Ban Nha và vì Hiến pháp" sẽ được tổ chức tại Madrid.
Ông Rajoy nói rằng việc áp đặt trực trị chưa từng có tiền lệ với Catalonia là điều cần thiết để "phục hồi sự bình thường".
Quyết định này được đưa ra ngay sau khi Nghị viện Catalonia bỏ phiếu đồng ý tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha.
Ông Rajoy cũng sa thải lãnh đạo Carles Puigdemont của Catalonia và nội các của ông ta.
Cuộc khủng hoảng bắt đầu khi lãnh đạo xứ Catalonia tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý độc lập, thách thức một phán quyết của Tòa án Hiến pháp vốn đã tuyên bố cuộc trưng cầu dân ý bất hợp pháp.
Chính phủ Catalonia nói trong số 43% cử tri đã bỏ phiếu, 90% ủng hộ độc lập. Những người khác tẩy chay cuộc bỏ phiếu sau khi phán quyết của tòa án.
Trước đó cùng ngày, Nghị viện Catalonia tuyên bố họ "lập ra nước Cộng hòa độc lập có chủ quyền".
Người dân Catalonia ăn mừng sau khi Nghị viên Catalonia bỏ phiếu độc lập
Động thái này đã nhận được sự ủng hộ với tỷ lệ 70-10 trong một cuộc bỏ phiếu bị các nghị sĩ đối lập tẩy chay.
Thủ tướng Tây Ban Nha nói gì ?
Hôm 27/10, Thượng viện Tây Ban Nha cho phép chính quyền của ông Rajoy có quyền trực trị ở Catalonia, và sau cuộc họp nội các khẩn cấp, ông Rajoy công bố các quyết định cụ thể.
"Thủ hiến [Carles Puigdemont] có cơ hội quay lại với quy cách pháp chế và kêu gọi tổ chức bầu cử", ông nói.
"Đó là điều mà đa số người Catalonia yêu cầu - nhưng ông ta đã không làm như vậy. Chính phủ Tây Ban Nha đang tiến hành những biện pháp cần thiết để đem lại trật tự pháp luật".
Các cuộc bầu cử khu vực được lên kế hoạch vào ngày 21/12. Ông Rajoy cũng tuyên bố bãi nhiệm cảnh sát trưởng Catalonia.
Hành động nguy hiểm của Rajoy
Phân tích của phóng viên Sarah Rainsford, BBC News từ Madrid :
Thủ tướng Tây Ban Nha có lẽ đã hy vọng cảnh báo Catalonia không được tuyên bố độc lập sẽ là đủ. Bây giờ ông ta phải tuân theo cam kết của mình là áp đặt quyền trực trị, biết rằng điều này gây ra rủi ro cao.
Mariano Rajoy lập luận rằng những người ly khai Catalonia đã không cho ông ta lựa chọn. Ông đã phải hành động, đưa khu vực về với "pháp chế". Nhưng thực sự điều đó sẽ phức tạp và cần chuẩn bị kỹ.
Đó là lý do tại sao ông Rajoy kêu gọi bình tĩnh ở Tây Ban Nha, sau khi Catalonia bỏ phiếu cho độc lập. Ông ấy đang hành động với sự hỗ trợ rộng rãi, từ các phe phái, và sự hậu thuẫn của công chúng.
Tại Madrid, nhiều người đã treo cờ quốc gia Tây Ban Nha từ cửa sổ và ban công của họ, để thể hiện sự ủng hộ của họ cho việc thống nhất đất nước.
Có một số người thông cảm cho nguyện vọng của Catalonia, chủ yếu là vì các cuộc đàn áp của cảnh sát trong suốt cuộc trưng cầu dân ý. Nhưng hầu hết kêu gọi việc truy tố những người thúc đẩy sự độc lập. Đó là một động thái mà nhiều người Tây Ban Nha, như chính phủ của họ, cho là bất hợp pháp.
*********************
Tây Ban Nha bãi nhiệm chính phủ Catalonia sau tuyên bố độc lập (VOA, 28/10/2017)
Chính phủ Madrid đã bãi chức tổng thống xứ Catalonia và giải tán nghị viện của họ vào ngày thứ Sáu, vài giờ sau khi Catalonia tự tuyên bố mình là một nhà nước độc lập trong cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất của Tây Ban Nha kể từ khi nền dân chủ quay trở lại bốn thập niên trước.
Tổng thống xứ Catalonia Carles Puigdemont bị chính phủ Tây Ban Nha bãi chức sau khi thách thức Madrid với tuyên bố độc lập.
Một cuộc bầu cử khu vực mới sẽ được tổ chức tại Catalonia vào ngày 21 tháng 12, Thủ tướng Mariano Rajoy cho biết trong một bài diễn văn trên truyền hình trong một ngày đầy kịch tính.
Cùng với việc bãi chức Carles Puigdemont là người đứng đầu khu vực tự trị, ông Rajoy cũng sa thải cảnh sát trưởng và nói rằng các bộ của chính phủ trung ương sẽ tiếp quản chính quyền Catalonia.
"Tây Ban Nha đang trải qua một ngày buồn", ông Rajoy nói. "Chúng tôi tin rằng điều khẩn cấp là lắng nghe người dân Catalonia, tất cả họ, để họ có thể quyết định tương lai của họ và không ai có thể hành động ngoài luật pháp thay cho họ".
Trong lúc ông phát biểu, hàng ngàn người ủng hộ độc đổ vào chật kín Quảng trường Sant Jaume trước trụ sở chính quyền khu vực Catalonia ở Barcelona, tâm trạng hồ hởi trước đó của họ phần nào suy giảm vì những hành động của ông Rajoy.
Trong một biểu hiện thách thức Madrid gây kinh ngạc, nghị viện Catalonia biểu quyết đơn phương tuyên bố độc lập vào buổi chiều.
Dù có những cảm xúc và hoạt động ăn mừng bên trong và bên ngoài tòa nhà chính quyền, đây là một cử chỉ vô ích vì ngay sau đó Thượng viện Tây Ban Nha ở Madrid chấp thuận áp đặt nền cai trị trực tiếp lên Catalonia.
Một số nước Châu Âu, bao gồm Pháp và Đức, và Mỹ cũng bác bỏ tuyên bố độc lập và nói rằng họ ủng hộ các nỗ lực của ông Rajoy bảo toàn sự thống nhất của Tây Ban Nha.
Cuộc khủng hoảng hiện nay đã lên đến tầm mức mới và có thể nguy hiểm vì những người ủng hộ độc lập đã kêu gọi một chiến dịch bất tuân dân sự.
Catalonia tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về độc lập vào ngày 1 tháng 10, và Madrid tuyên bố cuộc bỏ phiếu là bất hợp pháp. Chỉ có 43 phần trăm cử tri đi bỏ phiếu vì những người Catalonia chống độc lập phần lớn tẩy chay.
Nỗ lực độc lập đã gây nên nỗi oán ghét sâu sắc khắp Tây Ban Nha. Sự hỗn loạn cũng khiến nhiều doanh nghiệp rời bỏ Catalonia và gây báo động đối với các nhà lãnh đạo Châu Âu lo sợ cuộc khủng hoảng có thể thổi bùng tư tưởng ly khai khắp châu lục.
Catalonia là một trong những khu vực thịnh vượng nhất của Tây Ban Nha và được hưởng mức độ tự trị cao. Nhưng xứ sở này có hàng loạt những nỗi bất bình lịch sử, vốn bị làm trầm trọng hơn dưới chế độ độc tài Franco trong những năm 1939-1975, khi nền văn hoá và chính trị của họ bị áp bức.
*******************
Catalonia tuyên bố độc lập, Tây Ban Nha quyết áp đặt nền cai trị trực tiếp (VOA, 27/10/2017)
Nghị viện của xứ Catalonia hôm thứ Sáu tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha thách thức chính phủ Madrid, trong khi chính phủ Madrid đồng thời chuẩn bị áp đặt nền cai trị trực tiếp lên khu vực này.
Người dân phản ứng trong khi nghị viện khu vực Catalonia biểu quyết tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha ở Barcelona, ngày 27 tháng 10, 2017.
Mặc dù tuyên bố độc lập thực tế chỉ là một cử chỉ mang tính biểu tượng vì nó không được Tây Ban Nha hoặc cộng đồng quốc tế chấp nhận, song những hành động của cả hai bên đã đưa cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng nhất ở Tây Ban Nha trong bốn thập kỷ lên tới cấp độ mới.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy ngay lập tức kêu gọi bình tĩnh và nói rằng nền pháp trị sẽ được khôi phục.
Đề xuất được thông qua tại nghị viện khu vực ở Barcelona – vốn bị các đảng đối lập tẩy chay – nói rằng Catalonia cấu thành một nhà nước độc lập, có chủ quyền và dân chủ xã hội. Đề xuất kêu gọi các nước và các tổ chức khác công nhận Catalonia.
Đề xuất cũng cho biết Catalonia muốn mở các cuộc đàm phán với Madrid để hợp tác thiết lập nước cộng hòa mới.
Trong khi đó ở Madrid, thượng viện của nghị viện Tây Ban Nha theo lịch trình sẽ thông qua Điều 155, là luật cho phép chính quyền trung ương tiếp quản khu tự trị này.
"Các biện pháp bất thường chỉ nên được thông qua khi không còn biện pháp khắc phục nào khác", Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy nói trong một bài phát biểu trước Thượng viện. "Theo ý tôi, giờ không còn biện pháp nào khác. Điều duy nhất có thể làm và phải làm là chấp nhận và tuân thủ pháp luật".
Lãnh đạo Catalonia đang phớt lờ luật pháp và chế nhạo nền dân chủ, ông nói.
"Chúng ta đang đối mặt với một thách thức chưa từng có trong lịch sử cận đại của chúng ta", ông Rajoy nói. Thủ tướng đã xác quyết lập trường không nhân nhượng chống lại chiến dịch của Catalonia tách khỏi Tây Ban Nha.
Sau khi Thượng viện bỏ phiếu, ông Rajoy dự kiến sẽ triệu tập nội các của ông để thông qua các biện pháp đầu tiên cai trị trực tiếp Catalonia. Điều này có thể bao gồm sa thải chính phủ Barcelona và tiếp quản quyền giám sát trực tiếp lực lượng Cảnh sát Catalonia.
Nhưng chưa chắc chắn nền cai trị trực tiếp sẽ hoạt động như thế nào trên thực địa - bao gồm phản ứng của giới công chức và cảnh sát.
Một số người ủng hộ độc lập đã hứa sẽ phát động một chiến dịch bất tuân dân sự, có thể dẫn đến đối đầu trực tiếp với lực lượng an ninh.
Cuộc khủng hoảng bùng ra sau khi một cuộc trưng cầu dân ý độc lập vào ngày 1 tháng 10 bị Madrid tuyên bố là bất hợp pháp. Chỉ có 43 phần trăm cử tri đi bỏ phiếu vì những người Catalonia chống độc lập phần lớn tẩy chay.
Catalonia là một trong những khu vực thịnh vượng nhất của Tây Ban Nha và được hưởng mức độ tự trị cao. Nhưng xứ sở này có hàng loạt những nỗi bất bình lịch sử, vốn bị làm trầm trọng hơn dưới chế độ độc tài Franco trong những năm 1939-1975, khi nền văn hoá và chính trị của xứ sở này bị áp bức.