Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa có tầm bắn tới thủ đô Mỹ (RFI, 29/11/2017)
Sau hai tháng lắng dịu, Bắc Triều Tiên lại tiến hành bắn thử tên lửa đạn đạo vào lúc 3 giờ 17 phút, giờ địa phương ngày 29/11/2017. Đây là vụ thử tên lửa thứ 20 trong năm nay của Bình Nhưỡng. Tên lửa liên lục địa lần này được phóng đi từ một căn cứ phía bắc thủ đô Bắc Triều Tiên, đạt độ cao 4500 km, bay xa 960 km trước khi rớt xuống vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Tầm bắn của tên lửa có thể tới lãnh thổ Mỹ.
Người dân Hàn Quốc xem thông tin về tên lửa Bắc Triều Tiên trên đài truyền hình ngày 29/11/2017. Reuters
Theo AFP, hôm nay, đài truyền hình Bắc Triều Tiên đã phát đi thông báo về thành công của vụ thử tên lửa, đồng thời dẫn lời lãnh đạo Kim Jong-un tự hào tuyên bố rằng Bắc Triều Tiên đã trở thành một quốc gia hạt nhân thực thụ và nước này vừa thực hiện một "sự nghiệp vĩ đại lịch sử, hoàn thành sức mạnh hạt nhân của một Nhà nước, triển khai sức mạnh tên lửa đạn đạo".
Báo chí chính thức Bắc Triều Tiên cho biết tên lửa vừa được phóng thử có tên gọi Hỏa Tinh-15 (Hwasong), loại tên lửa liên lục địa hiện đại nhất từ trước đến nay của nước này, có khả năng mang đầu đạn cỡ lớn. Điều đáng lo ngại là Hỏa Tinh-15 có khả năng đe dọa bất kỳ thành phố nào của nước Mỹ.
Phản ứng đầu tiên đến từ láng giềng Hàn Quốc. Thông tín viên RFI, Frédéric Ojardias tại Seoul tường trình :
"Trước tiên, Hàn Quốc đã đáp lại bằng hành động quân sự. Chỉ 5 phút sau khi Bắc Triều Tiên bắn tên lửa, quân đội Hàn Quốc đã khai hỏa 2 tên lửa ra phía biển Nhật Bản, gần hải phận với Bắc Triều Tiên.
Sau cuộc họp khẩn cấp của Hội Đồng An Ninh, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đánh giá vụ thử tên lửa đạn đạo của Bắc Triều Tiên là "sự khiêu khích liều lĩnh". Ông hứa tiếp tục chính sách trừng phạt, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng trở lại đối thoại.
Đây là lần đầu tiên Bình Nhưỡng bắn tên lửa liên lục địa vào giữa đêm. Một điểm mới khác, đó là chưa bao giờ tên lửa của Bắc Triều Tiên đạt độ cao tới 4500 km. Quỹ đạo của tên lửa theo hướng thẳng đứng là để tránh bay qua Nhật Bản. Nhưng theo các đánh giá đầu tiên, nếu được phóng đi ở góc bắn bình thường, tên lửa này có thể đạt tầm xa 13.000 km, tức là đủ để bắn tới Washington.
Dù tên lửa đã được giảm bớt trọng lượng vì không mang đầu đạn, thì vụ bắn thử này vẫn cho thấy chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Bình Nhưỡng tiếp tục tiến bộ".
Nhật Bản thì đã được đặt trong tình trạng báo động từ 24 giờ trước khi Bắc Triều Tiên phóng tên lửa. Thủ tướng Shinzo Abe lên án "hành động bạo lực không thể dung thứ được" của Bình Nhưỡng và hy vọng Bắc Kinh sẽ "tiếp tục gây sức ép".
Về phần Trung Quốc, trong cuộc họp báo sáng nay, một phát ngôn viên bộ ngoại giao cho biết Bắc Kinh "rất lo ngại" và kêu gọi Washington và Bình Nhưỡng "đàm phán".
Theo yêu cầu của Washington, Tokyo và Seoul, một cuộc họp khẩn cấp của Hội Đồng Bảo An được triệu tập vào 21 giờ 30 đêm nay, 29/11/2017, giờ New York. Hoa Kỳ sẽ đề nghị nới rộng biện pháp cấm tàu biển chuyên chở hàng hóa xuất nhập Bắc Triều Tiên.
Phản ứng chừng mực của Trump
Sau hơn hai tháng yên ắng, vụ bắn hỏa tiễn liên lục địa mạnh nhất từ trước đến nay, có thể đe dọa các thành phố lớn của Hoa Kỳ, là một thách thức mới cho tổng thống Mỹ, vốn từng tuyên bố là Bình Nhưỡng sẽ không làm nổi.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne Corpet cho biết phản ứng của phía Hoa Kỳ :
"Không trực tiếp đả kích Kim Jong Un, cũng không đe dọa tiêu hủy Bắc Triều Tiên với bão lửa và cuồng nộ như trước đây, mà là một Donald Trump chừng mực, thậm chí khá hòa dịu, khi phản ứng lại việc Bình Nhưỡng bắn hỏa tiễn.
Tổng thống Mỹ tuyên bố : "Tôi chỉ nói rằng sẽ lo việc này. Tướng Mattis đang ở đây, và chúng tôi đã thảo luận rất lâu về chủ đề trên. Đó là một tình hình mà chúng ta sẽ xử trí".
Với vụ bắn hỏa tiễn lần này, Bắc Triều Tiên chứng tỏ vẫn tiếp tục phát triển vũ khí liên lục địa. Theo bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ James Mattis, đây là sự kiện chưa từng có. Ông nói : "Rõ ràng hỏa tiễn đã đạt đến độ cao nhất so với tất cả các vụ bắn trước đây. Bắc Triều Tiên vẫn nỗ lực nghiên cứu và phát triển để chế tạo các loại hỏa tiễn có thể đe dọa bất kỳ khu vực nào trên thế giới".
Bộ Ngoại Giao Mỹ đã ra một thông cáo. Ngoại trưởng Rex Tillerson đòi hỏi phải trừng phạt thêm Bình Nhưỡng. Ông cho biết : "Các giải pháp ngoại giao vẫn để ngỏ" và kết luận "Hoa Kỳ vẫn luôn tìm kiếm một giải pháp hòa bình để chấm dứt các hành động hiếu chiến của Bắc Triều Tiên".
*****************
Tên lửa mới của Bắc Hàn có gì đặc biệt ? (BBC, 29/11/2017)
Sau hai tháng không thử tên lửa, Bắc Hàn vừa phóng một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có tầm cao nhất từ trước tới nay và được các chuyên gia cho rằng có thể dễ dàng vươn tới nước Mỹ.
Bắc Hàn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa đầu tiên hồi tháng Bảy
Kim Jong-un gọi lần phòng tên lửa này là "tuyệt hảo" và là "đột phá", nhưng cộng đồng quốc tế lên án vụ thử tên lửa này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump có cuộc điện đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Nhà Trắng cho biết. Ông Trump giục ông Tập "sử dụng tất cả các đối trọng có thể để thuyết phục Bắc Hàn chấm dứt khiêu khích và quay trở lại con đường phi hạt nhân hóa".
Bắc Hàn nói đây là một tên lửa mới, được gọi là Hwasong-15. Chúng ta có thể nhận xét gì về tên lửa này sau cuộc thử mới nhất ?
Bắc Hàn nói gì ?
Bắc Hàn nói tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) này là tên lửa mạnh nhất mà Bắc Hàn từng có và làm hoàn chỉnh "việc phát triển hệ thống vũ khí tên lửa" của nước này.
Họ nói tên lửa này có "đầu đạn cỡ đại cực nặng" có khả năng chạm tới bất kỳ nơi nào trên đại lục Mỹ. Tên lửa này đạt được độ cao lớn nhất trong số các tên lửa Bắc Hàn đã từng phóng thử.
Các loại tên lửa của Bắc Hàn với tầm bắn ước tính bằng km
Các chuyên gia nói gì về tầm bắn của tên lửa này ?
Tháng Bảy vừa rồi, Bắc Hàn thử tên lửa Hwasong-14, đạt độ cao 3000 km, nhưng vẫn có nhiều ý kiến nghi ngờ về tầm xa của tên lửa này nếu có gắn đầu đạn.
Lần thử vừa rồi cho thấy những bước tiến rõ rệt, mặc dù các chuyên gia nói họ cần biết thêm chi tiết để có thể nói chắc chắn.
Có đồn đoán rằng tên lửa Hwasong-15 được đốt cháy ở vị trí nằm ngang, trước khi đặt lên một bệ phóng, tờ the New York Times viết. Điều này sẽ làm cho tên lửa của Bắc Hàn khó bị nhắm hơn nếu Mỹ có một cuộc tấn công 'phủ đầu' trước.
Bắc Hàn nói tên lửa này đã lên độ cao 4.475km, có nghĩa là tầm bắn của nó trên một quỹ đạo thông thường - thay vì theo quỹ đạo được cố ý bắn cao - sẽ là 13.000 km.
Ông Vipin Narang, ở trường đại học MIT, nói với BBC tầm bắn này "là thừa đủ để vươn tới đại lục Mỹ, phụ thuộc vào trọng lượng của đầu đạn giả được gắn vào tên lửa".
"Có những người nghi ngờ về tầm bắn trong hai lần bắn thử trước của Bình Nhưỡng - vậy là họ cải thiện tầm bắn", ông nói thêm.
"Họ đã tăng tầm bắn để chứng tỏ khó ai tranh cãi được Bắc Hàn không thể đưa vùng bờ đông nước Mỹ trong tầm bắn".
Điều duy nhất chưa rõ là trọng lượng của đầu đạn. Ông David Wright tại Hiệp đoàn Các nhà khoa học Quan ngại (Union of Concerned Scientists) viết trong blog của mình rằng tên lửa này rất nhiều khả năng được gắn một đầu đạn giả rất nhẹ, và điều đó "có nghĩa tên lửa này không thể chở một đầu đạn hạt nhân với tầm bắn xa như vậy, vì đầu đạn hạt nhân sẽ nặng hơn nhiều".
Ước tính tầm xa các tên lửa của Bắc Hàn
Ông Narang nói thêm vụ thử mới nhất này cho thấy chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng đang ngày một cải thiện, và họ đang tìm cách khắc phục những sai sót từ các vụ thử trước.
"Đạt được tầm bắn xa như vậy trong một khoảng thời gian ngắn là rất ấn tượng. Họ đã tăng tầm bắn từ 9.500km lên 13.000km - một chiến công về kỹ thuật".
Vì sao thử vào ban đêm ?
Vụ thử tên lửa này khác thường vì nó diễn ra khi cả vùng Châu Á đang tối đen nhưng có nhiều lợi thế rõ rệt cho Bình Nhưỡng để nắm vững cách phóng tên lửa ban đêm.
"Nếu anh lo ngại nước Mỹ cố nhắm vào các tên lửa của anh, phóng thử vào ban đêm cho anh có một chút lợi thế. Vào ban đêm, anh có thể che giấu và di chuyển dễ dàng hơn".
Ngoài ra, các tên lửa cũng khó bị phát hiện hơn vào ban đêm.
"Trong đêm, có một số giai đoạn trong chặng bay của đầu đạn hạt nhân không phản chiếu ánh mặt trời như ban ngày, nên khó bị phát hiện hơn", ông Narang nói thêm.
Thông điệp là gì ?
Từ lâu Bắc Hàn đã tuyên bố tham vọng phát triển thành công dàn vũ khí hạt nhân và có thể đưa đại lục Mỹ vào tầm bắn.
Lần phóng tên lửa này là tuyên bố của Bắc Hàn với thế giới là họ tin rằng họ đã đạt được cả hai mục tiêu này, theo ông Narang.
Có những người nghi ngờ liệu Bắc Hàn có thể làm một đầu đạn không. Và nước này vẫn chưa chứng tỏ được họ có kỹ thuật để đưa một đầu đạn trở qua bầu khí quyển của trái đất.
Nhưng ông Narang cảnh báo rằng những nghi ngờ lại làm Bắc Hàn tăng quyết tâm.
"Tôi lo lắng rằng chúng ta đang thách thức Kim Jong-un thực hiện cuộc thử hạt nhân khí quyển - một cuộc thử hết sức nguy hiểm".
*********************
Bắc Hàn phóng tên lửa, thách thức Mỹ (BBC, 29/11/2017)
Bắc Hàn đã lại phóng thêm một tên lửa đạn đạo, bất chấp căng thẳng gia tăng với Mỹ và các nước láng giềng.
Hồi tháng Bảy, Bắc Hàn lần đầu thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa
Lần phóng gần nhất của Bình Nhưỡng là hồi tháng Chín.
Lầu Năm Góc tin rằng tên lửa mới nhất đã bay khoảng 1.000 cây số và rơi xuống Biển Nhật Bản. Mỹ nói vụ thử xảy ra khoảng lúc 03 :30 giờ địa phương.
Hãng tin Hàn Quốc Yonhap nói tên lửa phóng đi từ Pyongsong, tỉnh Pyongan Nam.
Nhà Trắng nói Tổng thống Donald Trump được báo cáo trong lúc tên lửa còn đang ở trên không.
Bình Nhưỡng được cho rằng đang tìm cách làm tên lửa tầm xa có khả năng bắn tới đất liền của Hoa Kỳ.
Tuần trước, Mỹ áp đặt thêm trừng phạt với Bắc Hàn vì chương trình hạt nhân, nhắm cả vào các công ty Trung Quốc làm ăn với Bình Nhưỡng.
********************
Bắc Hàn bắn tên lửa : Trung Quốc 'quan ngại nghiêm trọng' (BBC, 29/11/2017)
Cuộc chiến với Bắc Hàn sẽ như thế nào ?
Động thái của Bộ Ngoại giao Trung Quốc được cho là sự khiển trách khác thường của nước láng giềng và là đồng minh chính yếu của Bắc Hàn.
Ông Cảnh Sảng, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết nước này hy vọng "tất cả các bên sẽ hành động thận trọng để duy trì hòa bình và ổn định", theo Reuters.
Bình luận này được ra sau khi Bắc Hàn bắn một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà họ tuyên bố có khả năng phóng đến cả nước Mỹ.
Vài giờ trước đó, Bắc Hàn tuyên bố đã thử thành công loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mới có thể bắn đến toàn bộ nước Mỹ.
Kênh truyền hình nhà nước tuyên bố rằng Bình Nhưỡng nay đã đạt được sứ mệnh trở thành một quốc gia hạt nhân.
Bắc Hàn đã bắn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cao nhất và gây ra một mối đe dọa toàn cầu, Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ James Mattis nói.
Tên lửa, phóng lên vào rạng sáng thứ Tư, đã đáp xuống vùng biển Nhật Bản.
Nó đạt độ cao 4.500km và bay xa 960km, theo quân đội của Hàn Quốc.
Đây là vụ thử mới nhất trong hàng loạt các vụ thử vũ khí gây ra căng thẳng. Bình Nhưỡng cũng bắn thử một tên lửa đạn đạo vào tháng Chín.
Cũng vào tháng đó, Bắc Hàn tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ sáu. Triều Tiên đã tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân và tên lửa mặc dù bị lên án và trừng phạt toàn cầu.
Hội đồng Bảo an LHQ sẽ triệu tập một phiên họp khẩn cấp để thảo luận về vụ bắn thử mới nhất này.
Hoa Kỳ coi Bắc Hàn là quốc gia tài trợ cho khủng bố
Ông Mattis cho hay, vụ phóng thử tên lửa này "bay cao hơn bất kỳ loại tên lửa nào mà họ bắn thử trước đây".
Phía Bắc Hàn đang thiết lập "các tên lửa đạn đạo đe dọa khắp nơi trên thế giới", ông nói thêm.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã được báo cáo trong khi tên lửa vẫn còn trong không khí, Nhà Trắng nói. Sau đó ông Trump nói : "Chúng ta sẽ giải quyết nó".
Phóng viên BBC Rupert Wingfield-Hayes nói rằng các ước tính của các chuyên gia Nhật Bản và Mỹ cho thấy nếu bắn vào quỹ đạo bình thường thì tên lửa này có thể đã tới Washington DC.
Điều đó có nghĩa là Bắc Hàn hiện đang rất gần để đạt được mục tiêu là một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hoạt động, có thể tấn công bất cứ nơi nào ở lục địa Hoa Kỳ, phóng viên của BBC nói.
Tên lửa thứ tư được bắn ra từ Pyongsong, thuộc tỉnh Nam Pyongan, đã thông báo với hãng tin Yonhap của Hàn Quốc.
Các quan chức Nhật Bản cho hay tên lửa bay khoảng 50 phút nhưng không bay qua Nhật Bản như một số tên lửa trước đây và rơi xuống khu vực các bờ biển phía bắc Nhật Bản khoảng 250 km.
Nhật Bản cũng nói sẽ "không bao giờ chấp nhận hành vi khiêu khích liên tục của Bắc Hàn", trong khi Nam Hàn lên án việc phóng tên lửa và đáp trả bằng một cú phóng tên lửa riêng.
EU đã gọi vụ phóng này là "vi phạm không thể chấp nhận được" trên nghĩa vụ quốc tế của Bắc Hàn, trong khi Đại sứ Anh tại Liên Hiệp Quốc gọi đó là "một hành động liều lĩnh".
Các vụ thử tên lửa chính của Bắc Hàn năm 2017 :
Bắc Hàn đã tiến hành nhiều cuộc thử tên lửa trong năm nay. Một số trong số này đã phát nổ ngay sau khi được phóng, nhưng một số bay hàng trăm dặm trước khi rơi xuống biển. Dưới đây là một số vụ phóng tên lửa được báo cáo cho đến nay :
Ngày 12 tháng 2 - Một tên lửa đạn đạo tầm trung phóng từ căn cứ không quân Banghyon gần bờ biển phía tây. Tên lửa bay về phía đông biển Nhật Bản khoảng 500km.
Ngày 5 tháng 4 - Một tên lửa đạn đạo tầm trung bắn từ cảng Sinpo phía đông xuống biển Nhật Bản. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay, tên lửa đã bay khoảng 60km.
Ngày 4 tháng 7 - Bình Nhưỡng tuyên bố đã thử thành công tên lửa đạn đạo xuyên lục địa thành công lần đầu tiên. Các quan chức cho biết, nó đã đạt đến độ cao 2.802 km và bay trong 39 phút.
Ngày 29 tháng 8 - Triều Tiên bắn tên lửa đạn đạo đầu tiên có vũ khí hạt nhân qua vùng trời Nhật Bản. Nó được phóng gần Bình Nhưỡng và đạt đến độ cao khoảng 550km.
Ngày 15 tháng 9 - Một quả tên lửa đạn đạo đã được bắn bay qua Nhật Bản lần thứ hai và đổ bộ xuống biển ngoài khơi Hokkaido. Nó đạt đến độ cao khoảng 770 km và đi được 3.700 km.
Ngày 29 tháng 11 - Tên lửa đạn đạo bay cao nhất của Bắc Hàn từ trước đến nay, đạt độ cao 4.500km và bay xa 960km, và bay trong 50 phút trước khi rơi xuống phía bắc vùng biển Nhật Bản.
******************
Mỹ kêu gọi tăng thêm hành động với Triều Tiên (VOA, 29/11/2017)
Phản ứng về vụ phóng thử phi đạn mới nhất của Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28/11 tuyên bố : ‘Đây là tình huống mà chúng ta sẽ xử lý.’
Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un
Nhà lãnh đạo Mỹ cho biết hành động của Bình Nhưỡng hôm nay không làm thay đổi phương án của Mỹ đối với vấn đề Triều Tiên. Tuần trước, ông Trump đưa tên nước cộng sản này trở lại danh sách các quốc gia hỗ trợ khủng bố.
Ngoại trưởng Mỹ, Rex Tillerson cùng ngày mạnh mẽ lên án vụ phóng phi đạn của Triều Tiên và kêu gọi cộng đồng quốc tế có thêm hành động mới áp lực Bình Nhưỡng ngưng phát triển võ khí hạt nhân.
"Ngoài việc thực thi tất cả các biện pháp trừng phạt của Liên hiệp quốc hiện nay, cộng đồng quốc tế phải có thêm biện pháp tăng cường an ninh hàng hải, kể cả quyền cấm chỉ lưu thông hàng hải" tới Triều Tiên, Ngoại trưởng Tillerson nhấn mạnh.
Ông Tillerson cũng cho biết thêm rằng Mỹ và Canada sẽ triệu tập một cuộc họp giữa các nước trong Liên hiệp quốc, kể cả Hàn Quốc, Nhật Bản và các nước bị ảnh hưởng để thảo luận phương cách cộng đồng quốc tế có thể đối phó với đe dọa Triều Tiên ra sao
Phi đạn Triều Tiên mới phóng rơi xuống gần Nhật Bản hôm 29/11 (giờ địa phương, tức chiều ngày 28/11 giờ miền Đông Hoa Kỳ).
Theo Ngũ Giác Đài, đánh giá sơ khởi cho thấy Bình Nhưỡng phóng thử một phi đạn đạn đạo xuyên lục địa ICBM từ Sain Ni, phi đạn bay được khoảng 1000 cây số trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản. Ngũ Giác Đài nói phi đạn này không đề ra mối đe dọa cho lãnh thổ của Mỹ và các đồng minh.
chính phủ Nhật ước tính phi đạn vừa kể bay được 50 phút và rớt xuống vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Nhật, theo đài NHK.
Phi đạn trước đó Triều Tiên phóng thử hôm 29/8 bay được 14 phút ngang qua Nhật Bản.
Bộ Tổng Tham mưu Liên quân của Hàn Quốc nói phi đạn mới phóng của Triều Tiên xuất phát từ Pyongsong, một thành phố thuộc tỉnh Nam Pyongan bay ngang vùng biển giữa Hàn Quốc với Nhật Bản.
Chỉ vài phút sau khi Triều Tiên phóng phi đạn, quân đội Hàn Quốc tiến hành bắn thử phi đạn đáp trả, theo tin từ quân đội Hàn Quốc.
Hãng tin Kyodo của Nhật dẫn nguồn từ Bộ Quốc phòng cho hay chưa có báo cáo thiệt hại.
Triều Tiên nói các chương trình võ khí của họ là cần thiết để phòng vệ trước kế hoạch xâm lăng của Mỹ.
Sau chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, Mỹ hiện duy trì 28.500 binh sĩ ở Hàn Quốc.
Theo Reuters
********************
Triều Tiên phóng thêm phi đạn (VOA, 29/11/2017)
Triều Tiên vừa phóng thêm một phi đạn đạn đạo hôm 29/11 (giờ địa phương), theo hai nguồn tin từ chính phủ Hoa Kỳ. Hành động này diễn ra một tuần sau khi Tổng thống Donald Trump đưa Triều Tiên trở lại danh sách các nước bảo trợ khủng bố.
Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un quan sát việc phóng phi đạn Hwasong-12. Ảnh do hãng tin Triều Tiên KCNA công bố ngày 18/9/2017.
Ngũ Giác Đài xác nhận phát hiện một vụ phóng phi đạn "khả dĩ" từ Triều Tiên.
Đại tá Robert Manning, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, nói với báo giới : "Chúng tôi phát hiện một vụ phóng phi đạn có thể từ Triều Tiên. Chúng tôi đang trong tiến trình đánh giá tình hình và sẽ cung cấp thêm chi tiết nếu có".
Ông cho hay vụ phóng này được phát hiện vào lúc 1 giờ rưỡi chiều, giờ miền Đông nước Mỹ (1830 GMT).
Phi đạn bay về phía đông và quân đội Hàn Quốc đang cùng Mỹ phân tích các chi tiết vụ phóng này, theo tin thông tấn xã Hàn Quốc Yonhap dẫn nguồn từ Ban Tham mưu Hỗn hợp.
Đài truyền hình NHK tại Nhật Bản, trích tin từ Bộ Quốc phòng Nhật cho biết phi đạn có thể đã rơi xuống vùng biển đặc quyền kinh tế của Nhật Bản.
Tờ Asahi Shimbun tại Nhật cũng loan tin Triều Tiên vừa phóng một phi đạn đạn đạo sáng sớm ngày thứ Tư 29/11.
***********************
Bắc Hàn tiếp tục bắn tên lửa đạn đạo (RFA, 28/11/2017)
Bộ Tổng Tham Mưu Nam Hàn cho hay Bắc Hàn vừa bắn tên lửa đạn đạo.
Đợt phóng thử tên lửa vào ngày 15 tháng 9 năm 2017. AFP
Vẫn chưa rõ đây là tên lửa loại gì, có tầm hoạt động là bao nhiêu. Bản tin sơ khởi do hãng thông tấn Yonhap phổ biến nói rằng tên lửa của Bắc Hàn rời dàn phóng lúc 03 giờ 17 phút sáng thứ tư, 29 tháng 11 năm 2017 (giờ địa phương). Hiện các chuyên gia quân sự Nam Hàn và Hoa Kỳ đang thu thập thêm chi tiết để phân tích.
Mới hôm qua, Bộ Trưởng Bộ Thống Nhất của Nam Hàn là ông Cho Myoung-gyon tiết lộ tin tình báo cho thấy Bình Nhưỡng đang gia tăng nỗ lực để hoàn tất chương trình chế tạo võ khí hạt nhân, và chính phủ Seoul đang thu thập thêm tài liệu để xem Bình Nhưỡng có phóng thử tên lửa hoặc nổ thử nghiệm hạt nhân trong thời gian tới hay không.
Ông Bộ Trưởng Bộ Thống Nhất của Nam Hàn cũng cảnh báo rằng mặc dù phần đông các chuyên gia dự đoán Bình Nhưỡng phải mất ít nhất 2 hoặc ba năm nữa mới chế tạo được võ khí hạt nhân, nhưng chính phủ Nam Hàn không loại trừ khả năng Bắc Hàn hoàn tất chương trình này chỉ trong vòng 1 năm nữa.
Cùng ngày, hãng thông tấn Kyodo trích dẫn lời một viên chức chính phủ Nhật Bản cho hay có thể Bắc Hàn sẽ phóng thử tên lửa trong một vài tuần tới.
*******************
Triều Tiên phóng phi đạn, Hội đồng Bảo an LHQ họp khẩn (VOA, 29/11/2017)
Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc họp khẩn sau khi Triều Tiên phóng thử thêm một phi đạn đạn đạo.
Lãnh tụ Triều Tiên, Kim Jong-un
Italy đang làm chủ tịch Hội đồng và phát ngôn nhân của Italy cho biết cuộc họp chiều ngày 28/11 được triệu tập khẩn thể theo đề nghị của Nhật, Mỹ, Hàn.
Sau 10 tuần tạm ngưng các đợt thử nghiệm võ khí, Triều Tiên bất chợt phóng thêm một phi đạn nữa vào chiều ngày 28/11 (giờ Hoa Kỳ).
Ngũ Giác Đài cho biết đó là một phi đạn đạn đạo xuyên lục địa.
Hội đồng Bảo an đã ban hành các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất từ trước đến nay lên chính phủ của ông Kim Jong-un vì các chương trình phi đạn đạn đạo và hạt nhân leo thang của Triều Tiên.
Mỹ và Nhật có phần chắc sẽ vận động thêm các biện pháp mạnh tay hơn.
Theo AP