Mỹ rút khỏi Hiệp định toàn cầu về Di trú (VOA, 04/12/2017)
Hoa Kỳ vừa thông báo với Liên Hiệp Quốc rằng Mỹ từ nay sẽ không còn tham gia Hiệp định Toàn Cầu về Di Trú.
Logo của Hiệp định Toàn cầu về Di trú
Trong một thông báo, Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Rex Tillerson nói rằng chương trình này không phù hợp với các chính sách di trú của Hoa Kỳ.
Ngoại trưởng Tillerson nói :
"Trong khi chúng tôi tiếp tục tham gia trên một số phương diện tại Liên Hiệp Quốc, trong trường hợp này, đơn giản là chúng tôi không thể hậu thuẫn một tiến trình có thể phương hại tới quyền chủ quyền của Hoa Kỳ để thực thi các luật về di trú và bảo đảm các ranh giới của chúng tôi".
Ông Tillerson khẳng định "Hoa Kỳ hậu thuẫn sự hợp tác quốc tế về các vấn đề di dân, nhưng trách nhiệm chính của các nước có chủ quyền là bảo đảm chương trình di dân phải an toàn, có trật tự và hợp pháp".
Năm 2016, 193 nước thành viên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc nhất trí ủng hộ một tuyên bố chính trị không có tính ràng buộc pháp lý, là Tuyên bố New York cho Người Tị nạn và Di dân, cam kết tôn trọng các quyền của người tị nạn, giúp họ tái định cư và bảo đảm người tị nạn và di dân được tiếp cận hệ thống giáo dục và thị trường nhân dụng.
Trong một thông báo hôm thứ Bảy, sứ mạng Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc nói rằng tuyên bố New York "chứa quá nhiều điều khoản không phù hợp với chính sách di dân và tị nạn của Hoa Kỳ, cũng như các nguyên tắc về di trú của chính phủ Tổng thống Trump".
Loan báo của Hoa Kỳ rút ra khỏi Hiệp định Toàn cầu về Di Trú được công bố vài giờ trước khi khai mạc hội nghị toàn cầu về di trú được ấn định khởi sự hôm thứ Hai tại thành phố Puerto Vallarta, Mexico.
Mục đích của họi nghị này là thương thuyết những chiến lược nhân đạo để xử lý hơn 60 triệu người trên toàn cầu bị buộc phải dời cư vì một loạt nguyên nhân khác nhau.
Tạp chí Foreign Policy nói quyết định của Tổng thống Trump rút ra khỏi các cuộc thương thuyết đó, "nêu bật ảnh hưởng sâu rộng của Stephen Miller, cố vấn chính sách cấp cao của Tòa Bạch Ốc, năm nay chỉ mới 32 tuổi, và là người cầm đầu các nỗ lực của chính quyền Tổng thống Trump mạnh mẽ hạn chế chương trình di trú".
Tạp chí này cho hay Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc John Kelly và Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions "mạnh mẽ hậu thuẫn giải pháp rút ra khỏi hiệp định".
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley đọc diễn văn tại một hội nghị của Hội đồng Bảo An tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York, ngày 21/9 2017.
Vẫn theo tạp chí về chính sách đối ngoại, thì Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, chống đối giải pháp này. Tạp chí Foreign Policy nói bà Haley tin rằng Hoa Kỳ có thể ảnh hưởng tới các cuộc thương thuyết về di trú nếu tham gia hội nghị ở Mexico, nhưng cuối cùng "Tổng thống Trump đã gạt sang bên ý kiến của bà Haley".
Bà Haley ra thông báo hôm thứ Bảy 2/12, nói rằng "Hoa Kỳ tự hào về truyền thống di dân và vai trò đạo đức lâu dài của Mỹ trong việc hỗ trợ các đợt di dân và tị nạn trên khắp thế giới… Nhưng các quyết định về các chính sách di trú phải luôn luôn do người Mỹ quyết định và chỉ người Mỹ quyết định mà thôi".
Bà nói :
"Chúng tôi sẽ quyết định cách tốt nhất để kiểm soát các biên giới của chúng tôi, và ai sẽ được phép nhập cảnh vào Mỹ. Hướng tiếp cận toàn cầu trong Tuyên bố New York, đơn giản không phù hợp với quyền chủ quyền của Mỹ".
***************
Mỹ rút khỏi dự thảo Công ước quốc tế về di dân và tị nạn (RFI, 03/12/2017)
Đoàn ngoại giao Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc ngày 02/12/2017 ra thông cáo cho biết tổng thống Donald Trump đã quyết định rút Hoa Kỳ khỏi dự thảo Thỏa ước thế giới về di dân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tại sân bay JFK, New York, ngày 02/12/2017-Reuters/Yuri Gripas
Tháng 09/2016, 193 thành viên Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua "Tuyên bố New York về tị nạn và di dân", làm nền tảng cho dự thảo Thỏa ước thế giới về di dân.
Theo giải thích của phái đoàn Hoa Kỳ, "Tuyên bố New York có nhiều điều khoản không tương thích với chính sách nhập cư và tị nạn của Hoa Kỳ cũng như là các nguyên tắc trên phương diện này do chính quyền Donald Trump đề ra".
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, còn nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ rất tự hào về truyền thống di dân và luôn đi đầu trong việc hỗ trợ các di dân và người tị nạn. Không một nước nào trên thế giới làm được nhiều như Hoa Kỳ trên phương diện này.
Bà khẳng định nước Mỹ vẫn sẽ tiếp tục hào phóng với thế giới. Nhưng "các chính sách nhập cư phải do chính người dân Mỹ và chỉ có người Mỹ quyết định. Nước Mỹ sẽ quyết định theo cách tốt nhất để kiểm soát biên giới và ai được phép nhập cảnh".
Với quyết định này, tổng thống Mỹ Donald Trump đang phá bỏ dần những gì Hoa Kỳ cam kết dấn thân dưới thời Barack Obama, mở đầu là Thỏa thuận Paris về khí hậu. Gần đây nhất là quyết định rút Hoa Kỳ khỏi Tổ chức Liên Hiệp Quốc vì Giáo dục, Khoa học và Văn hóa -UNESCO.
AFP nhắc lại mục đích của Tuyên bố New York là nhằm cải thiện hơn nữa công tác xử lý của quốc tế về làn sóng di dân và tị nạn (bao gồm việc tiếp nhận, hỗ trợ hồi hương…)
Dựa trên tuyên bố New York, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc - HCR - được giao trọng trách soạn thảo một Thỏa ước thế giới về di dân và tị nạn, để trình Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào năm 2018. Công ước này bao gồm hai vế chính : quy định khung về cách ứng phó và chương trình hành động.
Minh Anh