Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/12/2017

Bắc Kinh gom đại lực thu tóm Bắc Cực nhưng thiếu đại nghĩa

Tổng hợp

Giải mã chiến lược thâu tóm Bắc Cực của Trung Quốc (RFI, 08/12/2017)

Tham vọng bành trướng của Bắc Kinh không chỉ được thấy tại những khu vực gần Trung Quốc, từ Biển Đông cho đến Ấn Độ, mà còn ở rất xa, như tại Châu Phi, thậm chí Châu Mỹ. Mới đây, tham vọng này còn được thấy ở miền Bắc Cực. Trong một bài viết cuối tháng 11/2017, tuần báo L’Obs đã phân tích rõ chiến lược của Bắc Kinh nhằm thâu tóm tài nguyên khoáng sản rất dồi dào nhưng chưa được khai phá tại vùng đất băng giá đó.

baccuc1

Tàu phá băng Tuyết Long (Xue Long) của Trung Quốc đang hoạt động trên vùng Bắc Cực. Reuters

Trích dẫn nhà nghiên cứu Anne-Marie Brady, tác giả một tập biên khảo về tham vọng của Trung Quốc đối với Nam Cực và Bắc Cực, vừa được Nhà Xuất Bản Đại Học Cambridge tại Anh Quốc phát hành (China as a Polar Great Power, Cambridge University Press, 06/2017), L’Obs cho biết là chiến lược này được phác họa từ đầu những năm 2000, nhưng không được chú ý trong hơn 10 năm. phải đợi đến khi Tập Cận Bình "lên ngôi" thì mới được đẩy mạnh.

L’Obs ghi nhận : Vào năm 2014, ngay sau khi Tập Cận Bình tỏ ý muốn "gia nhập hàng ngũ các cường quốc vùng địa cực", lập tức mọi cấp của bộ máy nhà nước Trung Quốc đã vạch kế hoạch cụ thể hóa ý muốn trên. Sau không gian, đại dương và Internet, đến lượt Nam Cực và Bắc Cực được đưa vào diện lãnh vực cần chinh phục. Không một nước nào khác có được như Trung Quốc một chiến lược được thiết kế toàn diện như như vậy, với đầy đủ phương tiện tài chánh để thực hiện.

Ba con đường tơ lụa mới : Trên bộ, trên biển và xuyên Bắc Cực

Đối với chuyên gia Anne-Marie Brady, Trung Quốc đã có một "tầm nhìn hoàn toàn mới về thế giới". Trong các tấm bản đồ mới, loại "thẳng đứng", do Cục Đại Dương Trung Quốc thực hiện vào năm 2004, và được Quân Đội sử dụng hai năm sau đó, Bắc Cực và Nam Cực không còn ngoài mép nữa, mà ở trung tâm.

Những tấm bản đồ đó, được công bố vào năm 2014, theo bà Brady, là "sự thể hiện bằng hình ảnh chính sách toàn cầu mới mang tính thực tế của Trung Quốc : thực tiễn, nêu rõ các lợi ích quốc gia của Trung Quốc, hợp tác khi cần thiết và sẵn sàng đối phó với một cuộc xung đột có thể xảy ra".

Tham vọng chiếm dụng địa cực của Tập Cận Bình đã được đưa vào dự án Một Vành Đai, Một Con Đường - One Belt, One Road (OBOR) – tức là dự án Con Đường Tơ Lụa Mới mà Bắc Kinh đã nỗ lực chào hàng trong bốn năm qua... Hai tuyến đường đã được vẽ, một trên bộ, đi xuyên qua Trung Á, và một trên biển, đi đến Đông Phi và Châu Âu thông qua kênh đào Suez. Tháng 6 vừa qua, một tháng trước chuyến viếng thăm Nga của lãnh đạo Trung Quốc, Ủy Ban Quốc Gia về Phát Triển và Cải Cách chính thức bổ sung vào dự án một "Con đường Tơ lụa" thứ ba, đó là xuyên qua vùng băng đá.

Dự kiến trước tình trạng băng tan, Trung Quốc chuẩn bị cho tương lai, với một mục tiêu rất, rất dài hạn. Đó là giành lại vị trí cường quốc thương mại hàng đầu thế giới mà Trung Quốc luôn luôn chiếm đóng, ít nhất là cho đến cuộc chiến tranh thuốc phiện vào thế kỷ thứ 19.

Theo Malte Humpert, sáng lập viên Viện Nghiên Cứu Bắc Cực, một nhóm tư vấn tại Washington : "Bắc Cực là một ván cờ vua, nơi ta phải nghĩ đến 20 nước đi trước, và Trung Quốc rất giỏi trong địa hạt này... Trong lúc đó thì Châu Âu và Mỹ lại quá tập trung vào những gì ngắn hạn, do bị chi phối bằng các cuộc bầu cử cứ 4 hoặc 5 năm một lần, và những đòi hỏi là phải có lợi nhuận ngay". Theo chuyên gia này, Bắc Kinh đã có lựa chọn đúng đắn : "Vào thời chinh phục miền Viễn Tây, đâu có ai đặt vấn đề về lợi nhuận trước mắt của tuyến đường sắt giữa Saint Louis và San Francisco !"

Không ngại tốn kém để tung quyền lực mềm nắm vùng Bắc Cực

Trung Quốc đã không cần nhìn vào chi phí : Trong vòng chưa đầy 5 năm, họ đã đầu tư 89 tỷ đô la vào cơ sở hạ tầng ở các nước vùng Bắc Cực. Lượng tiền này tương đương với gần 20% GDP hàng năm của các nước nằm ở phía bắc vĩ tuyến 66.

Bắc Kinh luôn tỏ vẻ nhỏ nhẹ, phần lớn chỉ nắm thiểu số trong các dự án và đặt ưu tiên cho việc hợp tác. Họ không tiếc tiền của dùng quyền lực mềm để chiêu dụ đối tác. Vào ngày 07/11 chẳng hạn, đại sứ Trung Quốc tại Reykjavik, thủ đô Iceland, đã hoan nghênh sự kiện theo đó từ năm 2008, Viện Khổng Tử của Trung Quốc (tương đương với định chế Alliance française của Pháp) đã đào tạo được 3.000 người Iceland nói tiếng Hoa... nghĩa là 1% dân số nước này !

Biểu tượng rõ nhất của chính sách này là sự phát triển của ngành hàng hải. Năm nay, 9 chiếc tàu buôn Trung Quốc của hãng Cosco sẽ sử dụng tuyến đường xuyên Bắc Cực theo ngã đông bắc, chủ yếu để vận chuyển vật liệu xây dựng đến nhà máy khí đốt Yamal ở miền Bắc nước Nga. Vào năm ngoái, đã có 5 chiếc dùng tuyến đường này.

Các tuyến đường biển xuyên Bắc Cực đã có thể dùng được vài tháng mỗi năm. Tuy nhiên, các con tàu chở container cỡ lớn sẽ còn phải đợi thêm vài thập kỷ nữa, cho đến khi hoàn chỉnh được các công nghệ dùng cho lưu thông qua vùng băng đá vốn rất nguy hiểm. Bắc Kinh hiện đang dốc sức làm chuyện này.

Trong số ba tuyến đường xuyên Bắc Cực, tuyến trung tâm trong tương lai, đi qua vùng biển quốc tế, là tuyến đường mà Trung Quốc ước ao nhiều nhất. Chuyên gia Malte Humpert xác định : "Đối với tham vọng thương mại của Trung Quốc, tuyến đường đó tối quan trọng... Mọi thứ mà Trung Quốc nhập vào hay xuất đi hiện nay đều phải đi qua những eo biển phức tạp như Malacca, hay qua những kênh đào như Suez và Panama".

Cho đến giờ, Trung Quốc chỉ có một chiếc tàu phá băng "hạng nặng", tên là Tuyết Long (Xue Long), mua lại của Ukraine vào năm 1993, và dành cho nghiên cứu. Chiếc này đã bắt đầu tập hợp thông tin về các tuyến đường tương lai. Một tàu phá băng lớn thứ hai, chiếc Tuyết Long 2, đang được đóng tại xưởng Giang Nam gần Thượng Hải. Quân đội Trung Quốc cũng đang phát triển một đội tàu phá băng có kích thước trung bình.

Đối với Bắc Kinh, việc tỏ rõ mối quan tâm của họ đến các tuyến đường xuyên Bắc Cực mới cũng cho phép họ tham gia vào việc soạn thảo các quy tắc sẽ điều hành các tuyến đường này.

Chiêu dụ được nước Nga của Putin !

Cho đến gần đây, Nga, một cường quốc Bắc Cực, không có nhiều thiện cảm với các ý đồ của Trung Quốc đối với Bắc Cực. Tổng thống Nga Putin luôn cho rằng Bắc Cực là phần mở rộng tự nhiên của nước Nga. Thế nhưng Bắc Kinh đã dùng tiền chiêu dụ được Moskva.

Vào tháng 3, tại một diễn đàn về Bắc Cực tổ chức ở thành phố Arkhangelsk trên bờ biển miền bắc nước Nga, Putin đã tỏ ý vô cùng phấn khởi về lợi ích Nga có thể thu được nhờ hiện tượng băng Bắc Cực tan chảy nhanh chóng : "Hiện tại, đã có 1,4 triệu tấn hàng hóa được vận chuyển bằng tàu dọc theo tuyến đường phía Bắc. Vào năm 2035, sẽ là 30 triệu. Điều đó cho thấy đà tăng trưởng tôi đang nói tới nhanh đến chừng nào !"

Thế nhưng, Nga cũng không thoát khỏi vòng kềm tỏa của những tính toán ngắn hạn. Họ không thể bỏ ra hàng chục tỷ đô la cần thiết cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc thiết lập các giàn khoan tìm dầu khí. Do trừng phạt kinh tế mà Châu Âu và Mỹ áp đặt từ năm 2014, Nga không còn trông cậy vào đầu tư phương Tây được nữa. Vì vậy, họ phải quay sang Trung Quốc, và Bắc Kinh đã biết cách khai thác điểm yếu đó của Nga để có được các điều kiện thuận lợi cho nguồn cung ứng tương lai của Trung Quốc.

Bắc Kinh đã nắm giữ được hai dự án khí đốt thiên nhiên lớn ở phía miền bắc nước Nga : Yamal LNG (trong đó Total chiếm 20%) và Bắc Cực LNG 2. Tương tự như vậy, Trung Quốc trở thành nhà tài trợ cho cảng nước sâu gần Arkhangelsk, bên bờ Biển Trắng, cũng như cho dự án tuyến đường sắt Belkomur sẽ nối liền Arkhangelsk với các vùng Ural, Siberia và Trung Quốc... Và trong năm nay, hợp tác sẽ chỉ phát triển mạnh mẽ hơn mà thôi.

Hiểm họa cho môi trường, đe dọa cho an ninh của Mỹ

Mark Rosen, chuyên gia thuộc trung tâm tham vấn CNA, thân cận với bộ Quốc phòng Mỹ, đã không giấu thái độ quan ngại, trước hết về hiểm họa đối với môi trường.

Trung Quốc nổi tiếng là không quan tâm đến tác hại môi trường, trong lúc Bắc Cực lại là một vùng rất dễ bị tổn thương : Đó là một cái biển khép kín, khó tiếp cận, một tai nạn liên quan đến dầu hỏa, dù nhỏ, cũng sẽ là một thảm hạo.

Mặt khác, việc Trung Quốc thâu tóm nguyên liệu thô có thể giúp Bắc Kinh giành được độc quyền đối với một số kim loại - ví dụ các chất được dùng cho điện thoại thông minh. Về mặt chiến lược, đối với các nước khác, điều đó thậm chí còn là một nguy cơ chứ không đơn thuần là điều đáng quan ngại.

Nhạy cảm nhất có lẽ là trường hợp Groenland, một lãnh thổ tự trị rộng lớn của Đan Mạch, đang hướng đến độc lập. Các tập đoàn Trung Quốc đã lên kế hoạch đầu tư 4 tỷ đô la vào Groenland. Con số 4 tỷ có vẻ khiêm tốn, nhưng tương đương với 185% GDP hàng năm của hòn đảo chỉ có 56.000 cư dân. Trung Quốc đã nắm các mỏ kẽm, sắt, đất hiếm, vàng, uranium tại đấy, trong lúc chính quyền của Groenland, quá nhỏ bé, lại bất lực trong việc điều hòa và kiểm soát các hoạt động khai thác gây ô nhiễm cao đó.

Cuối cùng, Groenland là một vùng đất chiến lược vì một số lý do : Vị trí địa lý ngay tại cửa ngõ vào Mỹ, sự có mặt của một căn cứ quân sự Mỹ trên đảo ; sự phong phú của các mỏ kim loại quý hiếm. Theo chuyên gia Mark Rosen : "Nếu Trung Quốc gửi hàng ngàn công nhân đến các mỏ đó và họ quyết định ở lại, điều đó sẽ thay đổi động lực địa chính trị của vùng Bắc Cực".

Trọng Nghĩa

 

*********************

Trung Quốc : Gom đại lực, thiếu đại nghĩa (RFA, 08/12/2017)

baccuc2

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc - ông Tập Cận Bình tại buổi khai mạc 'Hội nghị Đối thoại cấp cao giữa Đảng cộng sản Trung Quốc với các đảng chính trị trên thế giới' ngày 1 tháng 12 năm 2017.  RFA

Từ ngày 30/11 đến ngày 3/12/2017, tại Bắc Kinh, Hội nghị Đối thoại cấp cao giữa Đảng cộng sản Trung Quốc với các đảng chính trị trên thế giới đã được tổ chức, với chủ đề "Xây dựng cộng đồng chung vận mệnh nhân loại, cùng nhau xây dựng thế giới tốt đẹp : Trách nhiệm của các chính đảng", dưới sự chủ trì của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc - ông Tập Cận Bình. Sự kiện này có ý nghĩa gì trong bối cảnh thế giới hiện nay ? RFA ghi nhận

Phát biểu tại phiên khai mạc hội nghị ngày 1/12/2017, ông Tập Cận Bình đề xuất phát triển mô hình mới về hợp tác giữa các đảng chính trị lớn với nhau. Ông Tập khẳng định, Đảng cộng sản Trung Quốc sẵn sàng đối thoại, trao đổi và hợp tác với nhân dân và các đảng phái chính trị từ nhiều quốc gia trên thế giới. Hơn nữa, ông Tập còn đề xuất biến Hội nghị Đối thoại cấp cao này trở thành diễn đàn đối thoại chính trị cấp cao có tầm ảnh hưởng và mang tính đại diện quốc tế.

Từ Hà Nội, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai – Giám đốc Trung tâm Minh Triết nhìn nhận, Hội nghị đối thoại này là một bước đi của ông Tập, nhằm tập hợp một lực lượng trên chính trường quốc tế như thời ông Mao Trạch Đông đã làm trong những năm 50-60 của thế kỷ trước và biến Trung Quốc trở thành "thủ lĩnh" trên thế giới.

"Ý đồ là muốn tập hợp một lực lượng, để làm một cái đối trọng với thế giới dân chủ, thế giới phương Tây, thế giới văn minh, hiện đại. Vì sao thế ? Là vì Trung Quốc đã bắt đầu thấy mình có thế, có lực, có thể làm được việc này".

Giáo sư Nguyễn Đình Cống – một cựu đảng viên Đảng cộng sản, nhà quan sát chính trị chia sẻ quan điểm với Giáo sư Mai và ông cho biết thêm, Đảng cộng sản Trung Quốc và ông Tập đang muốn thăm dò các nước để đạt được mục đích của mình.

"Nó triệu tập đến để nó thăm dò, để xem thử thằng nào thích cái gì thì nó chia ra. Thằng nào yếu bóng yếu vía thì nó dọa nạt. Thằng nào tham lam thì nó xì cho ít quyền lợi. Thằng nào mà thấy dây dưa là nó đề phòng. Cái thằng mà đang lên, hung hăng thì nó làm như thế".

Bên cạnh đó, theo Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, ngoài mục đích đối ngoại, ông Tập và Đảng cộng sản Trung Quốc còn mục đích đối nội là lừa mị chính người dân nước này, thể hiện một điều rằng Trung Quốc "có bạn" trong quá trình phát triển.

"Họ buộc phải làm như thế, vì bản thân nội bộ Trung Quốc đang có vấn đề, kể cả kinh tế có vấn đề. Đặc biệt là người ta khẳng định rằng Trung Quốc phát triển nhưng mà không có bạn bè, không có đồng minh. Thế cho nên Trung Quốc muốn làm thế này. Đấy là mục đích của họ".

Theo trang tin China Daily, lãnh đạo các đảng tới Bắc Kinh tham dự Hội nghị Đối thoại Cấp cao ca ngợi "các thành quả phát triển của Trung Quốc dưới sự lãnh đạo của Đảng CS".

Giáo sư Nguyễn Đình Cống đưa ra phân tích, hiện nay Trung Quốc đang có "đại lực" lớn, với dân số đông và có mặt ở mọi nơi trên thế giới, có tác động đến chính trị của nước sở tại. Bên cạnh đó, nền kinh tế Trung Quốc phát triển nhanh trong nhiều năm và có vai trò quan trọng trong thương mại, kinh tế toàn cầu. Mặt khác, chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy ở nhiều nơi.

"Các nước bây giờ có xu hướng dân tộc, quyền lợi dân tộc đặt lên cao nhất. Nước Mỹ, thì Trump thắng cử được vì khẩu hiệu "Nước Mỹ là trên hết". Châu Âu cũng đang sợ. Như vụ Brexit chẳng hạn, cũng là tinh thần dân tộc. Rồi tình hình của Đức, của Pháp, của nhiều nước cũng là nói về dân tộc. Thế còn những nước có thế lực mạnh, những nước như Thụy Điển, Hà Lan… thực ra không có vai trò gì trên thế giới, nhưng thực chất cũng vì dân tộc cả".

Tuy nhiên, Giáo sư Mai cho rằng, ý tưởng tập hợp lực lượng của Đảng cộng sản Trung Quốc và ông Tập Cận Bình đã ra đời sai thời điểm. Bởi theo ông, thời đại ngày nay đã khác xa thời của ông Mao Trạch Đông với "hai phe, bốn mâu thuẫn" trong quan hệ quốc tế, thay vào đó là một thế giới đa cực, đa trung tâm và các quốc gia có nhiều cách để tập hợp lại với nhau.

Thêm vào đó, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, tuy Trung Quốc có "đại lực", nhưng "tập hợp lực lượng" của Trung Quốc khó có thể bền lâu.

"Tại vì muốn tập hợp được cho hùng mạnh, thì phải đề lên được cái "đại nghĩa". Thành ra Tập Cận Bình bây giờ có thể có đại lực, nhưng không có đại nghĩa".

Làm rõ hơn về chữ "đại nghĩa" mà Giáo sư Cống đưa ra, Giáo sư Nguyễn Khắc Mai nhìn nhận, Trung Quốc đang muốn xây dựng hình tượng một quốc gia "hình mẫu lý tưởng" cho sự phát triển của nhân loại, có khả năng dẫn dắt thế giới. Nhưng Trung Quốc đang có nhiều mâu thuẫn nội tại, thể chế chính trị là độc đảng, toàn trị và tranh chấp chủ quyền với các nước lân bang với chủ nghĩa "Đại Hán".

"Với gương mặt như thế, anh lôi kéo được ai, làm hình mẫu cho ai. Bây giờ có ai mà bỏ tiền, bỏ của đi vào Trung Quốc để làm ăn, sinh sống, như người ta hăm hở đi Mỹ, người Trung Quốc đang hăm hở đi Mỹ không ? Không có ! Ai đến Trung Quốc là ôm đầu máu mà chạy".

Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, phát biểu tại hội nghị chiều 2/12/2017, ông Phan Đình Trạc đã đánh giá cao sáng kiến của Đảng cộng sản Trung Quốc về tổ chức Hội nghị Đối thoại cấp cao giữa Đảng cộng sản Trung Quốc với các chính đảng thế giới. Ông Trạc cho rằng, điều này là hết sức cần thiết, có ý nghĩa to lớn, góp phần tích cực vào xây dựng đảng vững mạnh của các chính đảng trên thế giới. Việt Nam rất mong được sự chia sẻ kinh nghiệm của Đảng cộng sản Trung Quốc và các chính đảng tham dự hội nghị lần này.

Giáo sư Nguyễn Khắc Mai cho rằng, Việt Nam nên tỉnh táo trước ý tưởng tập hợp lực lượng của Trung Quốc và nếu "theo đuôi Tàu" thì đó là một điều "nguy hiểm".

Quay lại trang chủ
Read 627 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)