Jerusalem : Một mình Trump chống lại tất cả
Chủ đề ngự trị trang nhất nhiều tờ báo Pháp hôm nay là quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Biểu tình tại thủ đô Amman, Jordanie ngày 08/12/2017, phản đối quyết định của tổng thống Mỹ công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel - Reuters
Le Monde chạy tựa : "Jerusalem : bước ngoặt ngoại giao của Trump". Sau khi tổng thống Mỹ tuyên bố chính thức thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc nhóm họp khẩn cấp ngày hôm nay, 08/12. Các nước Ả Rập lên án quyết định này và tổ chức Hamas Palestine kêu gọi tiến hành chiến tranh ném đá – Intifada. Theo Le Monde, với quyết định này, "Trump lựa chọn sự cô lập về ngoại giao" và trên thực tế, "Chấm dứt vai trò trung gian hòa giải không thiên vị của Hoa Kỳ" trong cuộc xung đột Israel-Palestine.
Trong bài xã luận "Một mình chống lại tất cả", Le Monde nhận định : Donald Trump đã bỏ ngoài tai tất cả những lời cảnh báo, một cách lịch sự hay thúc ép, tùy theo lãnh đạo của các nước, những lời cầu khẩn, thậm chí của cả giáo hoàng Phanxicô, trước khi tổng thống Mỹ, vào ngày 06/12/2017, thông báo chính thức thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Các phản ứng báo động và phẫn nộ của cộng đồng quốc tế về quyết định này – ngoại trừ thủ tướng Israel Benyamin Netanyahou vỗ cả hai tay để hoan nghênh – khẳng định, nhất là đối với những ai còn ngờ vực, rằng tổng thống Mỹ không ngần ngại xóa bỏ mọi điều cấm kỵ.
Rõ ràng là cho đến lúc này, Hoa Kỳ của tổng thống Donald Trump không chỉ hài lòng với việc đơn phương ra các quyết định, bất chấp ý kiến của các đối tác gần gũi nhất.
Hoa Kỳ đã tiến hành tháo gỡ hệ thống quan hệ quốc tế mà chính họ đã xây dựng sau đệ nhị thế chiến. Thông báo của ông Trump về Jerusalem thực sự là một sự cưỡng bức xóa bỏ vai trò của ngoại giao như là một cách thức để giải quyết các xung đột.
Theo tinh thần hiệp định Oslo, được ký kết dưới sự bảo trợ của Mỹ năm 1993, Israel đã cam kết đàm phán về quy chế tương lai của Jerusalem trong khuôn khổ hiệp định hòa bình. Vua Jordani, một trong những nhà lãnh đạo ôn hòa nhất trong vùng Trung Đông, đã nhấn mạnh, vấn đề Jerusalem "mang tính quyết định để đạt được hòa bình và ổn định trong khu vực và trên thế giới". Điều không may là tiến trình hòa bình được khởi động từ sau hiệp định Oslo không tiến triển và cho đến lúc này, không có hòa đàm giữa Irael và Palestine.
Khi nhóm lên tia lửa Jerusalem, tổng thống Mỹ đã công khai chấp nhận nguy cơ làm gia tăng căng thẳng và làm dấy lên các vụ bạo động mới trong một khu vực luôn luôn ở bên bờ vực của sự bùng nổ, và ông cũng không hề nói rõ các dự án của mình nhằm tái thúc đẩy tiến trình hòa bình. Việc cử phó tổng thống Michael Pence tới Cận Đông không hề hàm ý nhắc tới khía cạnh này.
Tệ hại hơn, khi ra quyết định như vậy, ông Trump đã ủng hộ chính sách "việc đã rồi" của thủ tướng Israel Netanyahou. Chính phủ Israel được dựng lên ở Jerusalem, ngay từ năm 1948, nhưng Đông Jerusalem lại hoàn toàn của người Ả Rập cho đến năm 1967. Từ đó trở đi, tranh thủ việc Israel xây dựng các khu định cư, khoảng 200 ngàn người Israel đã tới sinh cơ lập nghiệp tại đây xen kẽ với người Palestine, và điều này làm cho vấn đề quy chế của thành phố Jerusalem càng trở nên phức tạp. Tổng thống Donald Trump tuyên bố, Jerusalem thủ đô của Israel là một thực tế nhưng ông lại cẩn thận tránh không nói đến Đông Jerusalem có thể trở thành thủ đô của Nhà nước Palestine. Theo lô-gích, lập luận này cũng là một sự thừa nhận các khu định cư tại những vùng lãnh thổ Israel chiếm đóng như là một thực tế, bất chấp luật pháp quốc tế.
Không phải chỉ có nghệ thuật ngoại giao mà rõ ràng là cả luật pháp quốc tế cũng không phải là những tham số trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump. Chính sách này được chỉ đạo bởi mối ám ảnh của ông đoạn tuyệt với những người tiền nhiệm và những đòi hỏi thúc ép về đối nội – cụ thể là mối quan tâm làm hài lòng cộng đồng Tin Lành Phúc Âm và các nhóm vận động hành lang thân Israel.
Kể từ khi nhậm chức, hồi tháng Giêng 2017 đến nay, danh sách các cam kết quốc tế mà Donald Trump xóa bỏ ngày càng dài : hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương – TPP ; hiệp định Paris về khí hậu, thỏa thuận hạt nhân Iran, cùng với Israel rút khỏi UNESCO ; tại Tổ Chức Thương Mại Thế Giới – WTO, các đại diện Mỹ ngày càng tỏ ra ngỗ ngược và gần đây nhất, Hoa Kỳ rút khỏi Thỏa ước Toàn Cầu về di dân và tị nạn đã được Liên Hiệp Quốc thông qua. Đó là chưa nói đến bài diễn văn chỉ trích mạnh mẽ cơ chế đa phương mà ông Trump đọc tại Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc hồi tháng Chín, cũng như việc phá hủy bộ máy ngoại giao của nước Mỹ. Danh sách này đủ dài để cho các đồng minh của Mỹ phải ý thức được rằng thế giới đã đi vào một thời kỳ mới.
Đã đến lúc cần phải ghi nhận thực tế này. Và cũng như điều cần phải làm khi Mỹ rút khỏi hiệp định Paris về khí hậu, cần phải học cách lách tránh chính quyền liên bang Hoa Kỳ đang dấn thân vào con đường gây bất ổn nguy hiểm cho cộng đồng quốc tế.
Trung Đông : Trump chơi trò nguy hiểm
Cũng về tình hình Trung Đông, trang nhất Le Figaro chạy tựa : "Jerusalem : Trump làm dấy lên làn sóng phản đối trên toàn thế giới". Tờ báo cho rằng "Chỉ với một tuyên bố, Trump giúp người Hồi giáo, vốn dĩ chia rẽ, nay đoàn kết lại" và nhận định ""Đối với Trump, chính trị thắng thế đối với ngoại giao".
Xã luận của Le Figaro cảnh báo, đó là "Một trò chơi nguy hiểm". Bởi vì Donald Trump đã làm dấy lên sấm chớp trên một bầu trời nặng trĩu giông bão. Trước mắt, quyết định của Trump không làm thay đổi gì nhiều, nhưng có tính biểu tượng rất cao. Và theo tờ báo, chỉ có là ông Trump mới không nhận thức được tất cả các ý nghĩa tôn giáo, chính trị của một thành phố thánh biểu tượng của ba tôn giáo.
Quyết định của Donald Trump nhắm vào mục đích đối nội. Khi đoạn tuyệt với nhiều thập kỷ ngoại giao Mỹ, ông muốn làm hài lòng những người ủng hộ, các cử tri của ông và các nhà tài trợ cho ông. Cũng có thể ông muốn đánh lạc hướng dư luận trong nghi án Nga can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống, trong lúc cuộc điều tra đang tập trung vào con rể ông, Jared Kushner, đồng thời cũng là đặc phái viên của tổng thống phụ trách hồ sơ Trung Đông.
Xã luận của Le Figaro cho rằng thật đáng kinh ngạc về việc Donald Trump thiếu vắng tầm nhìn. Quyết định của ông không hề nằm trong khuôn khổ triển vọng một giải pháp chính trị nào cả.
Tờ báo kết luận, ông Trump "tác nhân quậy mạnh nhất" phá bỏ mọi quy ước quốc tế mà không hề xây dựng gì sau đó, như trong cuộc xung đột Israel-Palestine, tại Syria, Libya, hồ sơ Bắc Triều Tiên, Nga. Ông không hề giúp gì cho các hồ sơ nói trên tiến triển. Điều này ngược lại hẳn với Vladimir Putin. Tại Trung Đông, Hoa Kỳ bằng lòng khai thác một cách nguy hiểm các biểu tượng, trong khi đó, Nga lại đi vào cụ thể và đạt được các kết quả.
Chúa trời là nhà ngoại giao ?
Về phần mình, Libération đưa lên trang nhất hàng tựa : "Jerusalem : Bên bờ vực thẳm".
Xã luận Libération mạnh dạn hơn với câu hỏi : "Phải chăng Chúa trời là nhà ngoại giao ?". Khi đại sứ Israel tại Pháp khẳng định : Jerusalem là thủ đô của chúng tôi từ 3000 năm nay, Libération cho biết đó là truyền thống Do Thái và cần phải tôn trọng. Thậm chí, điều này còn được ghi trong kinh thánh. Tuy nhiên, liệu kinh thánh có thực sự trở thành sách giáo khoa về địa chính trị đương đại, một tài liệu chỉ dẫn về ngoại giao hay không ? Tờ báo nhấn mạnh, kinh thánh không phải là cuốn sách về lịch sử và theo giới chuyên gia, kể cả các nhà khảo cổ Israel, thì tất cả những sự kiện trước 600 năm trước Công Nguyên nêu trong kinh thánh chỉ là huyền thoại. Không một dấu vết khảo cổ này khẳng định các sự kiện đó, thậm chí còn phản bác. Do vậy, chuyện Jerusalem là thủ đô Israel từ 3000 năm nay cũng chỉ là huyền thoại. Mọi dân tộc đều cần có những huyền thoại thần bí. Nhưng liệu các thần bí huyền thoại này có phải là những điểm tham chiếu chính đáng để tạo ra một lý do chính trị ở đó và vào thời điểm hiện nay hay không ? Libération cảnh báo : Việc lại đưa yếu tố tinh thần, tâm linh vào chính trị quốc tế có một tên gọi : đó là chiến tranh.
Còn báo La Croix đặt câu hỏi "Israel-Palestine, tương lai có thể sẽ ra sao ?". Quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump thừa nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đi ngược lại các nguyên tắc của tiến trình hòa đàm, trong khi đó, các phương tiện ngoại giao để cứu vãn tiến trình này thì chỉ có hạn.
Các chủ đề khác
Một số chủ đề thời sự khác cũng được báo chí Pháp nhắc đến như việc tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo ra tranh cử, đảng Xã Hội Dân Chủ Đức chấp nhận đàm phán với đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo để thành lập chính phủ, Pháp ký được nhiều hợp đồng lớn với Qatar.
Kết thúc mục điểm báo hôm nay, xin đề cập đến lĩnh vực năng lượng tái tạo, báo Le Monde cho biết "Liên Minh Quốc Tế Về Năng Lượng Mặt Trời bắt đầu có hiệu lực".
Hai năm sau khi Ấn Độ và Pháp thông báo, nhân Hội nghị khí hậu Paris COP 21, Liên Minh Quốc Tế Về Năng Lượng Mặt Trời chính thức đi vào hoạt động ngày 06/12. Hiện đã có 46 nước ký trong đó 19 quốc gia đã phê chuẩn. Liên minh này ra đời xuất phát từ một thực tế : mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo dồi dào nhất tại những vùng không có công nghệ, tài chính hoặc kinh nghiệm.
Liên minh hy vọng huy động được khoảng 1000 tỷ đô la từ nay đến năm 2030, từ khu vực tư nhân và các nhà tài trợ quốc tế như Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng Đầu Tư Châu Âu.
Trong trường hợp thành công, liên minh cũng mang lại cho Ấn Độ những mối lợi về ngoại giao. Ấn Độ muốn giữ vị trí "thủ lĩnh" trong việc phát triển một lĩnh vực mang tính chiến lược đối với nhiều nước đang phát triển, nhất là ở Châu Phi, cho dù Trung Quốc hiện là nhà sản xuất số một thế giới các bảng điện năng lượng mặt trời. Liên minh cũng là tổ chức quốc tế đầu tiên mà Ấn Độ đón tiếp trên lãnh thổ của mình.
RFI tiếng Việt