Thượng đỉnh khí hậu Paris : 12 cam kết vì hành tinh xanh (RFI, 13/12/2017)
Giảm nhiên liệu hóa thạch, khuyến khích năng lượng tái tạo. Đó là nội dung 12 cam kết cụ thể của những công ty, ngân hàng, nhà tài trợ tham dự thượng đỉnh "Vì một hành tinh" ngày 12/12/2017 tại Paris để thúc đẩy nỗ lực chống biến đổi khí hậu trong hiệp định COP 21. Huy động tài chính tư nhân và quỹ đầu tư nhà nước là mục tiêu mà thượng đỉnh Paris nhắm tới.
Tổng thống Macron chụp với trẻ em sau khi phát biểu kết thúc thượng đỉnh khí hậu Paris ngày 12/12/2017. Reuters
Để chiến lược "chuyển đổi năng lượng" thành công, phải cần đến 3.500 tỷ đô la hàng năm, trong vòng 30 năm, cho đầu tư phát triển năng lượng sạch. Tuy kết quả thượng đỉnh "Vì một hành tinh» còn khiêm tốn, nhưng 12 cam kết của các tác nhân tham dự được giới bảo vệ môi trường xem là rất khích lệ, vì đã đánh tan được não trạng thụ động.
Những thông báo mang ý nghĩa lớn nhất đến từ các định chế tài chính như Ngân Hàng Thế Giới, nhân hàng tư nhân, quỹ đầu tư nhà nước. World Bank thông báo kể từ 2019 sẽ ngưng tài trợ đầu tư thăm dò và khai thác dầu khí, sẽ báo cáo hàng năm số lượng khí thải làm tăng nhiệt độ khí quyển. Biện pháp thứ hai là dành 4,5 tỷ đôla trong vòng ba năm để giúp 150 thành phố chống biến đổi khí hậu và thu hút vốn đầu tư
Công ty bảo hiểm Axa thông báo ngưng bảo hiểm cho các xí nghiệp khai thác than đá. Nhà tỷ phú Mỹ Bill Gates hứa đóng góp 350 triệu đôla để nghiên cứu nông nghiệp, giúp nông dân nghèo, đặc biệt là ở Châu Phi, thích nghi với hiện tượng biến đổi khí hậu. Cơ quan Phát triển Pháp AFD chọn bốn quốc gia bị đe dọa là đảo Maurice, Comores ở Ấn độ Dương, Tunisia và Niger ở Châu Phi, để trợ giúp đối phó với nạn xâm thực (biển hay sa mạc).
Ngoài quyết định bỏ nhiên liệu gây ô nhiễm, các định chế tài chính nhà nước và tư nhân còn dành ngân khoản quan trọng để giúp các đảo quốc bảo vệ bờ biển hay các nước nhiệt đới bảo vệ nguồn nước.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, trong bài phát biểu kết thúc hội nghị, cho rằng thượng đỉnh Paris đã giúp lấy lại phần nào thời gian chậm trễ trong cuộc chiến bảo vệ địa cầu. Ông thông báo thành lập diễn đàn "One Planet" trên mạng để thu nhận mọi sáng kiến và hy vọng thượng đỉnh "Vì một hành tinh" sẽ diễn ra mỗi năm.
Một chi tiết đáng được ghi nhận là phát biểu của diễn viên, cựu thống đốc bang California Arnold Schwarzenegger khi trả lời một học sinh Pháp là liệu có thể lật ngược tình trạng hâm nóng địa cầu hay không ? "Terminator" dứt khoát là "được". Ông nói : " Muốn là được, các em hãy nhìn tấm gương thành công của tôi, của một thanh niên gốc Áo, ở Hollywood cũng như trên chính trường Mỹ".
Tú Anh
*******************
Bắc Cực ấm lên nhanh chóng : Một "điều bình thường mới" (RFI, 13/12/2017)
Đúng vào lúc mở ra hội nghị thượng đỉnh One Planet Summit tại Paris, ngày 12/12/2017, Cơ Quan Khí Quyển và Đại Dương Quốc Gia Mỹ (NOAA) đã công bố phúc trình thường niên, với một lời cảnh báo về tốc độ tăng nhiệt độ nhanh chóng tại Bắc Cực. Theo bản báo cáo, đó là một hiện tượng đã trở thành một "điều bình thường mới", và băng tan sẽ gây ra những biến đổi môi trường tác động đến toàn địa cầu.
Một con gầu Bắc Cực tại quần đảo Svalbard, Bắc Băng Dương. Getty Images/E+/Dag SjAstrand
Bản báo cáo thường niên thẩm định rằng Bắc Cực đang trải qua một "giai đoạn chuyển đổi chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại", với nhiệt độ tăng nhanh gấp đôi so với các khu vực còn lại của hành tinh, làm cho mực nước biển dâng cao nhanh chóng, và khiến cho các hiện tượng thời tiết cực đoan (như hạn hán, ngập lụt hay bão tố) diễn ra thường xuyên hơn.
Bản báo cáo mang tựa đề The Arctic Report Card ghi nhận là vào năm ngoái 2016, diện tích biển Bắc Cực mà băng bao phủ đã giảm xuống mức thấp nhất trong lịch sử, trong lúc nhiệt độ tại đấy tăng lên mức cao thứ hai trong thời kỳ hiện đại.
Đối với 85 nhà khoa học tại 12 nước tham gia vào bản báo cáo của Cơ Quan Khí Quyển và Đại Dương Quốc Gia Mỹ, điều đáng ngại là không có dấu hiệu nào cho thấy là tình trạng kể trên sẽ giảm bớt, khí hậu tại miền cực bắc địa cầu sẽ trở về thời kỳ băng giá hoàn toàn như nhiều thập kỷ trước, và có thể nói là hệ môi trường tại Bắc Cực đã đạt đến ngưỡng "bình thường mới".
Theo ông Jeremy Mathis, giám đốc Chương Trình Nghiên Cứu Bắc Cực của NOAA, đồng tác giả bản báo cáo, hệ quả của việc Bắc Cực tiếp tục ấm lên rất đáng ngại, vì những gì xẩy ra ở Bắc Cực không chỉ đóng khuôn trong khu vực đó, mà sẽ tác động đến đời sống con người ở mọi nơi trên Trái Đất.
Chuyên gia này giải thích là con người "sẽ phải sống chung với các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt hơn, chí phí đắt hơn cho lương thực, thực phẩm, và phải xử lý tác động của việc số người tị nạn vì khí hậu gia tăng". Theo ông, những đợt giá lạnh bất thường, tình trạng hạn hán nghiêm trọng tại miền Tây nước Mỹ và những cơn bão ở vùng duyên hải Vịnh Mexico có thể đã bắt nguồn từ tình trạng tan băng ở Bắc Cực.
Đây là lần thứ 12 mà bản báo cáo về Bắc Cực được cơ quan NOOAA công bố, nhưng là lần đầu tiên kể từ khi tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức và tuyên bố rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris 2015, và mô tả tình trạng trái đất bị hâm nóng như là một "trò lừa bịp" của Trung Quốc.
Trọng Nghĩa
******************
Biến đổi khí hậu : Nước Mỹ không đầu hàng dù Trump đã rút lui (RFI, 13/12/2017)
Dù tổng thống Trump đã quay lưng lại với thỏa thuận khí hậu Paris, cựu ngoại trưởng Mỹ, John Kerry, nguyên thị trưởng thành phố New York, nhà tỷ phú Mike Bloomberg, thống đốc bang California, Jerry Brown… tại thượng đỉnh One Planet Summit đã thể hiện một cái nhìn khác của nước Mỹ về chống biến đồi khí hậu.
Tổng thống Pháp Macron đón tiếp ông Michael Bloomberg tại điện Elysée trước khi đến thượng đỉnh One Planet Summit ngày 12/12/2017. Reuters
Cựu thị trưởng của trung tâm tài chính Hoa Kỳ New York, ông Mike Bloomberg là người khởi xướng phong trào "America's Pledge" để nổ lực thực hiện thỏa thuận khí hậu Paris 2015. Tại thượng đỉnh One Planet Summit ngày 12/12/2017, ông nhấn mạnh các doanh nghiệp Mỹ "rất muốn giảm rủi ro về khí hậu, vì chính họ là những nạn nhân của hiện tượng đó. Sẽ không ai nghe theo những lời khuyên của chính quyền Trump, nếu như họ biết được là hiện tượng này có những tác động tai hại tới mức nào"
Nhà tỷ phú Bloomberg, chủ nhân hãng tin kinh tế mang tên ông, thông báo là tại Mỹ có tới 237 doanh nghiệp, kiểm soát tổng số vốn 6.300 tỷ đô la, đã cam kết thành động vì môi trường, đầu tư vào những lĩnh vực ít làm tổn hại tới thiên nhiên. Ông đã không quên chỉ trích tổng thống Trump, một tên tuổi khác trong câu lạc bộ các nhà tỷ phú New York. Theo ông, việc Trump rút nước Mỹ khỏi thỏa thuận Paris càng khiến người Mỹ năng động hơn, quan tâm hơn tới môi trường.
Một giờ sau tuyên bố của Mike Bloomberg, đến lượt cựu ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố đầu tư vào môi trường rất "tốt cho túi tiền của các doanh nhân". Phát biểu về vai trò của các thành phố và chính quyền địa phương trong nỗ lực bảo vệ thiên nhiên, thống đốc bang California, Jerry Brown mở đầu bài phát biểu bằng tiếng báo động "khi hàng trăm ngôi nhà bị đốt cháy tại tiểu bang giàu có nhất của Hoa Kỳ, đừng ai nghĩ rằng thời tiết bị đảo lộn chỉ tác hại tới người nghèo, và nước Mỹ thì vẫn được bình yên".
Về phần ông vua tin học Bill Gates thì thông báo nâng khoản đóng góp từ 300 triệu lên thành 500 triệu đô la cho chương trình nghiên cứu về tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu đối với nông nghiệp.
Thanh Hà