Nút bấm hạt nhân Mỹ ‘cảnh tỉnh’ lãnh tụ Bắc Hàn (VOA, 08/01/2018)
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley hôm 7/1 nói rằng tuyên bố của ông Trump về việc có nút bấm hạt nhân to hơn của lãnh tụ Bắc Hàn đã "cảnh tỉnh" ông Kim.
Sau khi ông Kim tuyên bố rằng ông có nút bấm hạt nhân ngay tại bàn làm việc và sẵn sàng sử dụng nếu Bắc Hàn bị đe dọa, ông Trump tuần trước viết trên Twitter rằng nút bấm của Mỹ mà ông có to và mạnh hơn.
Bình luận của ông Trump đã bị nhiều người, trong đó có cả cựu Phó Tổng thống Joe Biden chỉ trích, cho rằng nó khiến cho các đồng minh mất lòng tin vào Hoa Kỳ.
Theo Reuters, khi được hỏi trong chương trình "This Week" của kênh truyền hình ABC, liệu đoạn tweet đó có phải là việc làm hay, bà Haley nói : "Tôi nghĩ rằng ông Trump luôn cảnh tỉnh ông Kim".
Bà nói thêm : "Điều rất quan trọng là chúng tôi không bao giờ để cho ông ta quá ngạo mạn và không nhận ra thực tế về những điều sẽ xảy ra nếu ông ta khai mào chiến tranh hạt nhân".
Nữ đại sứ này nói rằng Bắc Hàn nên hiểu rằng Hoa Kỳ sẽ không giảm áp lực đối với ông Kim.
"Chúng tôi sẽ không để cho họ làm quá thực tế rằng họ có sẵn nút bấm và có thể hủy hoại Hoa Kỳ", bà Haley nói.
"Chúng tôi muốn luôn luôn nhắc nhở họ rằng chúng tôi cũng có thể hủy hoại họ, nên hãy thận trọng trong lời ăn tiếng nói và hành động".
********************
Trump nói ‘tuyệt đối’ sẵn lòng điện đàm với Kim Jong-un (VOA, 07/01/2018)
Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông sẽ "tuyệt đối" sẵn lòng nói chuyện qua điện thoại với lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un và hy vọng sẽ có một diễn biến tích cực từ các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.
Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un đã lời qua tiếng lại với Tổng thống Mỹ Donald Trump kể từ khi ông Trump lên nắm quyền vào đầu năm ngoái.
Triều Tiên hôm thứ Sáu đã đồng ý tổ chức các cuộc đàm phán chính thức với Hàn Quốc vào tuần sau, lần đầu tiên trong vòng hơn hai năm, vài giờ sau khi Washington và Seoul trì hoãn một cuộc tập trận quân sự trong bối cảnh đang có đối đầu về các chương trình hạt nhân và phi đạn của Bình Nhưỡng.
Ông Trump, trả lời câu hỏi của các phóng viên tại khu nghỉ dưỡng tổng thống ở Trại David, bang Maryland, tỏ ý sẵn lòng nói chuyện với ông Kim nhưng không phải không có điều kiện tiên quyết.
"Tuyệt đối, tôi sẽ làm điều đó", ông Trump nói. "Tôi hoàn toàn không có vấn đề gì với chuyện đó cả".
Ông Trump và ông Kim đã xỉ vả qua lại kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, và ông Trump liên tục gọi ông Kim là "ông hỏa tiễn" vì những vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân và phi đạn đạn đạo.
Trước đó trong tuần này, ông Trump bác bỏ tuyên bố của ông Kim nói rằng nhà lãnh đạo Triều Tiên có một nút hạt nhân trên bàn làm việc, khoe rằng ông có một nút còn to hơn.
Các cuộc đàm phán giữa Triều Tiên và Hàn Quốc dự kiến bao gồm chủ đề Thế vận hội mùa đông, sẽ được tổ chức ở Hàn Quốc vào tháng sau, và các mối quan hệ liên Triều.
Ông Trump gợi ý rằng các cuộc đàm phán có thể dẫn đến việc hạ giảm căng thẳng và nhận công trạng cho bước đột phá ngoại giao này, nói rằng đó là kết quả của nỗ lực gây áp lực đều đặn của ông.
"Họ đang đàm phán về Olympics. Đó là một khởi đầu, một khởi đầu lớn. Nếu tôi không tham gia thì giờ họ đâu có đàm phán", ông nói.
Ông Kim "biết tôi không giỡn chơi. Tôi không giỡn chơi. Thậm chí một chút cũng không, một phần trăm cũng không. Ông ta hiểu điều đó", ông Trump nói.
"Nếu có điều gì đó có thể đạt được từ những cuộc đàm phán đó, đó sẽ là điều tuyệt vời cho cả nhân loại, đó sẽ là điều tuyệt vời cho cả thế giới", ông nói.
*********************
Trung Quốc khóa bớt van cấp dầu cho Bắc Triều Tiên (RFI, 06/01/2018)
Kể từ ngày 06/01/2018, dầu hỏa tại Bắc Triều Tiên trở nên khan hiếm hơn. Bắc Kinh tăng cường các biện pháp cấm vận Bình Nhưỡng, giảm 75 % lượng dầu bán sang Bắc Triều Tiên. Quyết định trên nằm trong khuôn khổ nghị quyết được Liên Hiệp Quốc thông qua hồi tháng 12/2017 nhằm trừng phạt chế độ Kim Jong-un thử tên lửa và vũ khí hạt nhân.
Chiếc tàu Hồng Kông bị nghị chuyển dầu cho Bắc Triều Tiên ngay trên vùng biển Hàn Quốc ngày 29/12/2017. Yonhap via Reuters
Thông tín viên RFI từ Thượng Hải, Angélique Forget cho biết thêm về thái độ cứng rắn của Trung Quốc với Bắc Triều Tiên :
Các tập đoàn Trung Quốc xuất khẩu dầu thô hay dầu lọc sang Bắc Triều Tiên phải tuân thủ một số các biện pháp nghiêm ngặt hơn. Bộ Thương Mại Trung Quốc trong một thông cáo đã cho biết như trên.
Như vậy là Bắc Kinh thi hành các biện pháp trừng phạt chế độ Bình Nhưỡng đã được Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc thông qua hồi tháng 12 năm ngoái. Các biện pháp nói trên nhằm giảm 75 % các sản phẩm hóa dầu của Trung Quốc xuất khẩu sang Bắc Triều Tiên.
Thông báo của bộ Thương Mại Trung Quốc được được ra vài ngày sau khi một tờ báo Hàn Quốc bị tố cáo Bắc Kinh ngấm ngầm cung cấp dầu hỏa cho Bình Nhưỡng bằng cách chuyển trực tiếp từ tàu chở dầu của Trung Quốc cho tàu của Bắc Triều Tiên ngay trên biển. Một phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Trung Quốc khẳng định sẽ xử phạt mọi vi phạm áp dụng lệnh cấm vận chế độ Bình Nhưỡng.
Cấm vận dầu hỏa của Trung Quốc cho Bắc Triều Tiên được coi là biện pháp then chốt trong việc gia tăng áp lực với Bình Nhưỡng, buộc chế độ Kim Jong-un từ bỏ các hành vi khiêu khích.
Tuy vậy, song song với việc tăng cường các biện pháp trừng phạt, Trung Quốc chủ trương đối thoại với Bắc Triều Tiên. Một quan chức tại Bắc Kinh hài lòng trước việc Bình Nhưỡng và Seoul đàm phán vào Thứ Ba tuần tới. Theo nhân vật này, đây là một dấu hiệu cho thấy tình hình trên bán đảo Triều Tiên tiến triển tốt.
Đàm phán hạt nhân Liên Triều
Chính phủ Hàn Quốc ngày 06/01/2018 thông báo khả năng cử một phái đoàn gồm 5 thành viên, trong đó có thứ trưởng phụ trách Thể Thao, và do bộ trưởng bộ Thống Nhất Cho Myung Gyon dẫn đầu. Cuộc đàm phán với Bắc Triều Tiên được dự kiến diễn ra vào 09/01/2018 tại ngôi làng biên giới Bàn Môn Điếm. Hai miền Triều Tiên hiện đang bàn với nhau về cách thức và thành phần phái đoàn thông qua fax.
Thanh Hà
******************
Lãnh đạo Triều Tiên ‘mềm mỏng’ trong diễn văn năm mới (VOA, 03/01/2018)
Bộ vest màu xám nhạt và cà vạt cùng tông mà lãnh đạo Triều Tiên, Kim Jong-un, đã mặc trong bài diễn văn năm mới dường như là một sự tính toán kỹ lượng để thể hiện một hình ảnh mềm mỏng, nhẹ nhàng hơn sánh đôi với lời đề nghị đàm phán với Seoul.
Tư liệu - Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un
Rời bỏ trang phục thường thấy là những bộ cánh màu đen hoặc xanh dương đậm, ông Kim Jong-un trong bài diễn văn trên truyền hình lần này đeo kính gọng đen, tóc chải bóng mượt, phát ngôn trôi chảy khi nhắc tới khả năng gửi phái đoàn sang miền Nam tham dự Olympic mùa Đông sắp tới.
Viện nghiên cứu Thống nhất Quốc gia nói "Sự thay đổi từ bộ trang phục màu tối theo phong cách Mao Trạch Đông chuyển sang một bộ vest xám nhạt theo phong cách phương Tây dường như nhằm nhấn mạnh tới hòa bình, điều mà ông Kim nhấn mạnh trong bài phát biểu của mình".
Viện này nói thêm rằng phong cách của ông Kim lần này cho thấy một trạng thái bớt căng thẳng, có phần chắc là kết quả từ loan báo trước đây của ông Kim rằng Triều Tiên đã đạt được tham vọng hạt nhân.
Sau một năm đầy những giọng điệu gay gắt và căng thẳng leo thang về chương trình hạt nhân Triều Tiên, ông Kim ngày 1/1 tuyên bố nước ông là một quốc gia "yêu chuộng hòa bình và là một cường quốc hạt nhân có trách nhiệm", đồng thời kêu gọi giảm căng thẳng quân sự và cải thiện quan hệ với Hàn Quốc.
Ông Kim cũng nói rằng ông mở ngỏ chuyện đối thoại với Seoul, dẫn tới đề nghị của Hàn Quốc hôm 2/1 về các cuộc đàm phán cấp cao giữa hai nước vào ngày 9/1 tới đây tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm.
Các nhà phân tích cho rằng bài phát biểu chào đón năm mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên hôm 1/1 thể hiện sự tự tin hơn so với những năm trước đây.
Giọng điệu, kiểu tóc và bộ vét nhạt màu theo kiểu phương Tây, kính mắt của ông Kim… tất cả gợi nhớ lại hình ảnh của ông nội ông, Kim Il-sung, theo các chuyên gia phân tích. Các chuyên gia cũng cho rằng Kim Il-sung có một hình ảnh gần gũi hơn so với người cha của Kim Jong-un là Kim Jong-il.
Ông Kim Jong-un dùng các bài phát biểu đầu năm làm cơ hội thể hiện chính sách chính trị của mình và thu hút sự ủng hộ của người dân Triều Tiên. Năm ngoái, trong diễn văn năm mới, ông đã tuyên bố Triều Tiên đang ở giai đoạn cuối hoàn chỉnh phi đạn đạn đạo liên lục địa.
Cố vấn về tạo dựng hình ảnh và vai trò lãnh đạo, Kim Gun-hee, cho rằng bộ vest xám lần này được thiết kết để làm lệch hướng những chú ý tiêu cực trên thế giới đối với Triều Tiên xuất phát từ các vụ thử phi đạn và hạt nhân của ông Kim.
"Khi chúng tôi cố vấn những khách hàng đang trong tình thế khó khăn hoặc đang bị bủa vây bởi dư luận, chúng tôi khuyên họ mặc màu trắng hoặc xám".
"Trong nghiên cứu về tâm lý màu sắc, màu trắng biểu trưng cho sự vô tội trong khi màu xám thường làm lôi kéo sự chú ý ra chỗ khác. Ông Kim có thể đã cảm thấy bị áp lực khi trở thành tâm điểm chú ý của thế giới nên đã đổi sang trang phục xám sau nhiều năm gắn liền với tông màu tối", bà Kim Gun-hee nhận định.
******************
Mỹ - Bắc Triều Tiên : Đối thoại Trump - Kim Jong-un ? (RFI, 07/01/2018)
Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 06/01/2017 tuyên bố sẵn sàng đối thoại với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong-un. Washington hy vọng căng thẳng Liên Triều giảm thiểu qua việc Bình Nhưỡng gửi một phái đoàn dự Thế Vận Hội Mùa Đông Pyeonchang vào tháng 02/2018.
Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi họp báo tại Camp David, Maryland, ngày 06/01/2017. Reuters/Yuri Gripas
Họp báo tại khu nhà nghỉ của tổng thống Hoa Kỳ Camp Davis - bang Maryland, khi được hỏi về khả năng điện đàm với lãnh đạo Bắc Triều Tiên, ông Trump nhấn mạnh "luôn tin tưởng vào đối thoại". Chủ nhân Nhà Trắng nói thêm, cần phải có một số điều kiện tiên quyết để mở ra cuộc đối thoại đó.
Ngoài ra, ông Trump hài lòng trước viễn cảnh Seoul và Bình Nhưỡng nối lại đối thoại vào ngày 09/01/2018 tại Bàn Môn Điếm. Đây là lần đầu tiên phái đoàn hai nước gặp lại nhau từ tháng 12/2015. Trong mắt tổng thống Hoa Kỳ, nếu cuộc đàm phán Liên Triều lần nay đem lại kết quả mong muốn, thì đây sẽ là một "điều kỳ diệu đối với nhân loại".
Báo chí ngạc nhiên trước giọng điệu hòa hoãn hơn hẳn của tổng thống Trump so với những tuyên bố trong nhiều tuần qua.
Đàm phán Liên Triều tại Bàn Môn Điếm
Bình Nhưỡng vừa thông báo với Seoul một danh sách gồm 5 thành viên trong phái đoàn Bắc Triều Tiên sẽ tham dự cuộc họp ở Bàn Môn Điếm mở ra ngày 09/01/2018. Trong số này có một vài quan chức đặc trách về hồ sơ thể thao tháp tùng ông Ri Son Gwon, người đứng đầu Ủy Ban Liên Triều dẫn đầu phái đoàn Bình Nhưỡng. Cuộc họp chủ yếu tập trung vào những điều kiện để Bắc Triều Tiên tham dự Thế Vận Hội Pyeongchang.
Trước viễn cảnh Bắc Triều Tiên gửi một phái đoàn tham dự Thế Vận Hội Mùa Đông sang Hàn Quốc vào tháng 02/2018, tổng thống Donald Trump kỳ vọng, đây là một dấu hiệu hòa hoãn mang "ý nghĩa vượt ngoài khuôn khổ thể thao". Tổng thống Mỹ không quên tự khen mình đã phần nào đóng góp vào nỗ lực làm hạ nhiệt trên bán đảo Triều Tiên. Theo ông, những "tuyên bố mạnh mẽ" nhắm vào Kim Jong-un đã đem lại kết quả.
Trái ngược với thái độ phấn khởi của tổng thống Trump, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe thận trọng hơn khi cho rằng "Thế Vận Hội là một sự kiện vì hòa bình", và ông mong muốn điều đó được thể hiện qua sự thay đổi thái độ của Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, thủ tướng Abe vẫn quan niệm rằng quốc tế cần "gia tăng áp lực" với chế độ Bình Nhưỡng, buộc chính quyền Kim Jong-un từ bỏ tham vọng tên lửa và hạt nhân.
Thanh Hà