Một đạo luật mới từ Thượng viện Mỹ sẽ đưa tới các biện pháp trừng phạt mạnh tay nhất đối với Campuchia trong nhiều chục năm nay.
Trụ sở Quốc hội Mỹ
Đạo luật với tên gọi tắt là CARI đề ra các điều kiện đối với những sự hỗ trợ dành cho Phnom Penh, thêm nhiều giới chức Campuchia bị cấm visa sang Mỹ. Luật cũng đính kèm việc phong tỏa tài sản và phản đối các khoản cho vay, các khoản hỗ trợ mới từ các định chế tài chính quốc tế dành cho Campuchia, đồng thời cũng cấm xóa nợ cho nước này.
Luật của lưỡng đảng trong Thượng viện Hoa Kỳ được giới thiệu trong tháng này.
"Đạo luật CARI Act phù hợp với sự ủng hộ lâu dài mà Hoa Kỳ dành cho nền dân chủ và nhân quyền ở Campuchia kể từ sau các cuộc bầu cử do Liên hiệp quốc tài trợ vào năm 1993", trợ lý chính sách đối ngoại của Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, ông Tim Rieser, cho VOA biết.
Ông cho biết điều này sẽ chứng tỏ rõ ràng rằng các chính sách đàn áp của đảng cầm quyền Campuchia không có lợi cho sự phát triển của nước này.
"Ngày nay, Campuchia lại là một nhà nước độc đảng như trước Hiệp định Hòa bình Paris 1991. Đây không phải là điều mà người dân Campuchia biểu quyết trong các cuộc bầu cử từ 1993 tới nay", ông Rieser nói.
Đạo luật CARI yêu cầu chính phủ Campuchia tôn trọng quyền và nghĩa vụ trong Hiến pháp, kể cả việc phục hồi quyền dân sự và chính trị của đảng đối lập mang tên Đảng Cứu nguy Dân tộc, các tổ chức xã hội dân sự và truyền thông, và phóng thích tất cả tù nhân lương tâm.
Lệnh cấm visa bao gồm các giới chức chính phủ, quân sự, cảnh sát, và tư pháp. Thân nhân trực hệ với các đối tượng này cũng bị ảnh hưởng.
Bộ Ngoại giao phải trình báo cáo về các biện pháp trừng phạt cũng như danh sách các giới chức bị cấm cho các ủy ban trong Quốc hội.
Lệnh cấm sẽ duy trì hiệu lực cho tới khi Bộ Ngoại giao Mỹ xác định và báo cáo Quốc hội rằng bầu cử công bằng, tự do diễn ra ở Campuchia, bao gồm sự tham gia toàn diện và không bị cản trở của Đảng Cứu Nguy Dân tộc và các thành viên của đảng, theo đạo luật CARI.
Các biện pháp chế tài chỉ được dỡ bỏ khi Ngoại trưởng Mỹ xác nhận rằng Campuchia củng cố ổn định và an ninh khu vực, đặc biệt trong các tranh chấp Biển Đông.
Đây là luật trừng phạt nặng tay nhất nhắm vào Campuchia kể từ năm 1997, lúc Mỹ cắt viện trợ cho nước này sau khi ông Hun Sen lật đổ ông Norodom Ranariddh, đồng Thủ tướng, trong một cuộc đảo chính đẫm máu.
Kể từ năm 1993, Campuchia đã nhận hàng tỷ đô la viện trợ quốc tế và các khoản vay từ các định chế quốc tế giúp phát triển đất nước. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, Bắc Kinh đã tăng cường các khoản vay và viện trợ cho Campuchia, làm suy yếu ảnh hưởng của phương Tây đối với quốc gia nghèo khó ở Đông Nam Á này.