Triều Tiên đồng ý đàm phán với Mỹ : bước đột phá hay mưu mẹo chính trị ? (VOA, 07/03/2018)
Việc Triều Tiên thỏa thuận đàm phán với Hoa Kỳ có thể là một bước đột phá ngoại giao để đạt một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng hạt nhân, hoặc một mưu mẹo để làm suy yếu các biện pháp chế tài áp đặt lên chế độ miền Bắc, hoặc cả hai.
Tổng Thống Nam Triều Tiên Moon Jae-in đọc diễn văn đầu năm tại Dinh Tổng Thống ở Seoul, Hàn Quốc ngày 10/1/2018.
Lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un tỏ ý sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ để chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của nước ông, và hứa sẽ tạm ngưng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và tên lửa trong thời gian tiến hành đàm phán, đã được ông Chung Eui-yong, người đứng đầu Văn phòng An ninh Quốc gia Hàn Quốc báo cáo, sau cuộc họp giữa ông với ông Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng.
Những thông điệp mâu thuẫn
Chính quyền Triều Tiên vẫn chưa xác nhận lối diễn giải của miền Nam về bước đột phá ngoại giao tiềm tàng đó. Ngược lại, tờ báo của nhà nước Triều Tiên, tờ Rodong Sinmun, hôm 7/3 đăng một bài viết với những quan điểm dường như mâu thuẫn để biện minh cho sự cần thiết của khả năng răn đe hạt nhân của Triều Tiên để tự bảo vệ "chống lại các mối đe dọa hạt nhân từ Hoa Kỳ", và nói rằng đây không phải là một vấn đề để mang ra tranh cãi.
Bộ Thống Nhất của Hàn Quốc hôm thứ Tư bác bỏ lập trường không khoan nhượng của tờ Rodong Sinmun, nói rằng vị thế của chính quyền Kim Jong-un, như được trao đổi với đại diện của Hàn Quốc, là sẵn sàng chấm dứt chương trình hạt nhân của mình trong các điều kiện hợp lý.
Baik Tae-hyun, người phát ngôn của Bộ Thống nhất, nói : "Triều Tiên rõ ràng xác nhận rằng họ sẵn sàng phi hạt nhân hóa, và cũng nêu rõ rằng không có lý do gì để họ giữ vũ khí hạt nhân, nếu mối đe dọa quân sự chống lại Triều Tiên được giải quyết, và an ninh của chế độ được đảm bảo.
Tuy nhiên Triều Tiên đã phá vỡ những thỏa thuận đạt được trước đây để chấm dứt chương trình hạt nhân để đánh đổi trợ giúp kinh tế và đảm bảo an ninh. Trong hai năm gần đây, chính phủ Kim Jong-un đã tăng tốc các cuộc thử nghiệm tên lửa đạn đạo tầm xa và các cuộc thử nghiệm hạt nhân, đồng thời tỏ thái độ thách thức khi tuyên bố rằng Triều Tiên là một quốc gia có vũ khí hạt nhân và đang tiến gần tới chỗ có thể dùng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa để tấn công các mục tiêu tại các thành phố của Hoa Kỳ.
Đồng minh hoài nghi
Tổng thống Mỹ Donald Trump phản ứng với một chiến lược tăng "áp lực tối đa" để buộc Bình Nhưỡng phải đình chỉ chương trình hạt nhân bằng cách áp đặt các biện pháp trừng phạt gắt gao, cấm các sản phẩm xuất khẩu của Triều Tiên trị giá hàng tỷ đô la như than, quặng sắt, hàng may mặc và thủy sản. Chính quyền của Tổng thống Trump còn tuyên bố sẵn sàng sử dụng sức mạnh quân sự, nếu cần, để loại bỏ mối đe dọa hạt nhân từ Triều Tiên.
Đặc sứ hàng đầu của Nam Triều Tiên sẽ cùng Giám Đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Suh Hoon lên đường sang Washington vào tuần tới để trao đổi với các quan chức an ninh Hoa Kỳ về những kết luận của họ. Hai nhân vật này cũng sẽ đi thăm Bắc Kinh, Moscow và Tokyo để trao đổi với các quan chức của các nước này.
Ông Trump nói Bắc Triều Tiên tỏ ra "thành thực" khi đề nghị hai bên tham gia đàm phán. Tuy nhiên, Phó Tổng thống Mike Pence nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ sẽ duy trì áp lực của các biện pháp trừng phạt cho đến khi Bình Nhưỡng áp dụng những biện pháp có ý nghĩa để đình chỉ chương trình hạt nhân của họ.
Nhật Bản cũng lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ việc duy trì các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên trong khi tiến hành bất cứ cuộc đàm phán nào.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói :
"Nếu chúng ta muốn có một cuộc thảo luận có ý nghĩa, thì Triều Tiên phải cam kết thực thi một kế hoạch phi hạt nhân hoá có thể được kiểm chứng và không thể bị đảo ngược, họ cần phải có hành động cụ thể".
Trung Quốc khuyến khích các nỗ lực hòa giải, nhưng tờ Hoàn Cầu Thời báo của nhà nước Trung Quốc hôm thứ Tư 7/3 lại đăng một bài xã luận, nhấn mạnh rằng Trung Quốc, Nga và Hội đồng Bảo an LHQ phải được tham gia đàm phán để giải quyết vấn đề hạt nhân tại Triều Tiên.
Những tiến bộ thận trọng
Giới phân tích có phản ứng lẫn lộn, vừa lạc quan vừa hoài nghi trước đề nghị của Triều Tiên, muốn mở các cuộc đàm phán hạt nhân trong khi đình chỉ các vụ thử nghiệm mang tính khiêu khích, với sự pha trộn của sự lạc quan thận trọng và hoài nghi.
Trong khi tham gia đàm phán có thể là một bước tích cực, hiện không rõ Hoa Kỳ và Triều Tiên thậm chí có đồng ý với nhau về thế nào là phi hạt nhân hóa hay không. Washington muốn tháo gỡ toàn bộ chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, trong khi lập trường của Triều Tiên từ lâu là phi hạt nhân hoá phải bao gồm việc rút toàn bộ lực lượng Mỹ ra khỏi bán đảo Triều Tiên, đồng thời Mỹ phải rút lại cam kết sẽ sử dụng kho vũ khí hạt nhân để bảo vệ các đồng minh trong khu vực.
Ngoài ra còn có quan ngại cho rằng chính quyền Kim Jong-un chỉ mời Mỹ tham gia đàm phán để đạt được những sự nhượng bộ của miền Nam và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in khi lãnh tụ hai miền gặp nhau vào cuối tháng 4.
Thỏa thuận tổ chức hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm ở khu vực phi quân sự ở biên giới trên phần lãnh thổ của Hàn Quốc, cũng được đưa ra trong chuyến đi thăm Bình Nhưỡng của đặc sứ Hàn Quốc. Nếu diễn ra, thì đây sẽ là cuộc gặp mặt đầu tiên giữa lãnh đạo của hai miền Bắc-Nam, tính từ năm 2007.
Một số người lo lắng rằng Tổng Thống Nam Triều Tiên Moon Jae-in có thể yêu cầu miễn áp dụng các biện pháp chế tài, và đề nghị những biện pháp ưu đãi kinh tế cho Triều Tiên khi ông gặp lãnh tụ Triều Tiên Kim Jong-un vào tháng 4, như mở lại khu công nghiệp Kaesong chung giữa hai nước, nơi 5.000 công nhân Bắc Triều Tiên làm việc cho tới khi khu phức hợp này bị đóng cửa sau vụ thử hạt nhân năm 2016 của Bình Nhưỡng.
Ông Bong Young-shik, một nhà phân tích chính trị thuộc Học viện nghiên cứu Bắc Triều Tiên ở Seoul, nói :
"Bất cứ điều gì có thể làm suy yếu hoặc giảm tác động của các biện pháp trừng phạt kinh tế hiện hành đối với Triều Tiên, sẽ là một sai lầm lớn.
Hãng thông tấn Yonhap của Hàn Quốc hôm 7/3 dẫn lời Tổng thống Moon Jae in, khẳng định ông không có kế hoạch nới lỏng các các biện pháp chế tài liên quan tới hội nghị thượng đỉnh liên Triều.
*****************
Mỹ dè dặt trước đề nghị đàm phán của Triều Tiên (VOA, 08/03/2018)
Các giới chức Hoa Kỳ tỏ ý nghi ngờ về đề nghị của Triều Tiên muốn khởi sự đàm phán với Hoa Kỳ về việc từ bỏ vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Tổng thống Donald Trump phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh Lập pháp Châu Mỹ La tinh ở Washington, ngày 7/3/2018.
Buổi hội kiến chưa từng có trước đây giữa Kim Jong-un với các giới chức Hàn Quốc đưa đến gần như là một bước đột phá ngoại giao.
Ông Chung Eui-Yong, Giám đốc An ninh Quốc gia Hàn Quốc :
"Miền Bắc bày tỏ sẵn sàng đàm phán thẳng thắn với Hoa Kỳ để bàn về vấn đề tài giảm binh bị và khôi phục các mối quan hệ Mỹ-Triều".
Cũng có tin là Triều Tiên đang xem xét việc từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy những sự bảo đảm an ninh từ Washington.
Tuy nhiên, tại Washington, các giới chức Hoa Kỳ nói không nhanh thế đâu.
Dan Coats, Giám đốc An ninh Quốc gia Mỹ nói :
"Gần như chắc chắn sẽ có thêm các vụ phóng phi đạn và có thể sẽ có thêm các vụ thử nghiệm hạt nhân".
Trong những năm qua, Triều Tiên đã vài lần hứa từ bỏ vũ khí hạt nhân để đổi lấy viện trợ và những nhượng bộ khác của phương Tây.
Tuy nhiên nhiên mỗi lần như vậy, các nỗ lực đều thất bại, và Triều Tiên lại tái tục chương trình vũ khí của họ.
"Hiện chúng ta thực sự không biết Triều Tiên đòi hỏi những gì. Tuyên bố do Hàn Quốc đưa ra thực sự mơ hồ về những gì Triều Tiên kỳ vọng. Tuy nhiên không thể nào không nghĩ rằng chí ít họ cũng phải đồng ý đàm phán, và xem xem họ đòi hỏi những gì".
Ngày 6/3, tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Trump đáp ứng một cách dè dặt :
"Dĩ nhiên đã đạt tiến bộ về vấn đề Triều Tiên, nói một cách hoa mỹ ít nhất là như thế. Điều này tốt cho thế giới, cho Triều Tiên, cho bán đảo Triều Tiên, nhưng sẽ phải chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra".
Trước đó ông Trump đã chia sẻ trên Twitter rằng "Dù đường hướng nào đi nữa, Hoa Kỳ sẵn sàng đáp ứng quyết liệt".
***************
Tổng thống Hàn Quốc thận trọng với thiện chí của Bắc Triều Tiên (RFI, 07/03/2018)
Hôm 07/03/2018, tổng thống Hàn Quốc đã đón nhận thông tin Kim Jong-un ngỏ ý sẵn sàng đàm phán với Hoa Kỳ về giải trừ chương trình hạt nhân Bắc Triều Tiên một cách khá thận trọng, với nhận định : "Vẫn còn quá sớm để lạc quan".
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un tiếp ông Chung Eui Yong, trưởng phái đoàn Hàn Quốc, tại Bình Nhưỡng ngày 06/03/2018. Yonhap via Reuters
Ông Chung Eui-yong, cố vấn của tổng thống Hàn Quốc, sau cuộc tiếp kiến lãnh đạo Kim Jong-un tại Bình Nhưỡng đã tiết lộ rằng Bắc Triều Tiên sẵn sàng nói chuyện với Mỹ về chương trình vũ khí của Bắc Triều Tiên, một chủ đề mà mới đây Bình Nhưỡng vẫn kiên quyết không đặt lên bàn đàm phán. Về thông tin này, tổng thống Moon Jae-in hôm nay tại Seoul đã tuyên bố với các quan chức rằng : "Chúng ta mới chỉ ở điểm xuất phát".
Tổng thống Hàn Quốc cũng phủ nhận tin đồn rằng Seoul đã có thỏa thuận bí mật để thuyết phục Bắc Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. Ông Moon khẳng định "không có thỏa thuận bí mật dưới bất cứ hình thức nào với miền Bắc, không có món quà nào cho miền Bắc".
Ngoài ra, tổng thống Hàn Quốc cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải duy trì hợp tác chặt chẽ với Hoa Kỳ thì các cuộc thảo luận về phi hạt nhân hóa bán mới khả thi. Về điểm này, ông Moon nhận định : "Các cuộc thảo luận liên Triều sẽ không đủ để đạt được hòa bình".
Còn truyền thông Hàn Quốc ghi nhận biến chuyển lập trường của Bình Nhưỡng là tích cực, tuy không khỏi hoài nghi về sự chân thành của chế độ Kim Jong-un.
Chosun ilbo, một nhật báo bảo thủ ở Hàn Quốc, nghi là Bình Nhưỡng thông qua việc xích lại gần với Seoul đang tìm cách làm nới lỏng trừng phạt của quốc tế, kéo dài thêm thời gian để hoàn thiện chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Còn nhật báo Joongang Ilbo nhận định cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều tới đây cũng sẽ vô ích, nếu không dẫn tới việc giải trừ hạt nhân.
Trong khi đó, tờ báo độc lập Hankyoreh lại hồ hởi cho rằng chuyển biến này là "ngoài mong đợi" và "mở ra con đường hướng tới giải trừ hạt nhân hoàn toàn trong tương lai".
Hoa Kỳ và Trung Quốc hoan nghênh đối thoại liên Triều
Còn tại Bình Nhưỡng, tờ báo chính thức Rodong Sinmun hôm qua dành trọn trang nhất cho cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo Bắc Triều Tiên và các đại diện của Seoul, chạy tựa "Đồng chí Kim Jong-un tiếp các đặc phái viên của tổng thống Hàn Quốc". Ông Kim Jong-un tỏ ra rất vui vẻ trong một số bức ảnh, còn cô em gái Kim Yo Yong xuất hiện rất nhiều lần.
Trung Quốc, sau khi có những thông tin về một hội nghị thượng đỉnh liên Triều, đã kêu gọi hai nước Triều Tiên "nắm lấy cơ hội" phi hạt nhân hóa bán đảo.
Trong thông cáo tối qua 07/03/2018, bộ ngoại giao Trung Quốc hoan nghênh "lối thoát tích cực" trên. Phát ngôn viên Cảnh Sảng cho biết : "Chúng tôi hy vọng Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc sẽ thực hiện thỏa thuận này một cách chân thành, và tiếp tục nỗ lực nhằm hòa giải và hợp tác. Trung Quốc sẵn sàng đóng tiếp vai trò lâu nay vì mục đích trên".
Về phía tổng thống Mỹ Donald Trump cũng hoan nghênh các dấu hiệu cởi mở của Bắc Triều Tiên về khả năng đối thoại với Hoa Kỳ, nhưng vẫn kêu gọi thận trọng trong khi chờ đợi có được những tiến bộ cụ thể.
Theo ông Donald Trump, các tuyên bố của cả hai miền Nam Bắc đều "rất tích cực". Ông cho rằng đề nghị đối thoại của Bình Nhưỡng là "thành thật". Trong cuộc họp báo, khi được hỏi chuyển biến này là do đâu, tổng thống Mỹ vừa cười vừa nói "Đó là nhờ tôi !"
Nhưng vài giờ sau đó, bộ ngoại giao Hoa Kỳ loan báo các biện pháp trừng phạt kinh tế mới đối với Bắc Triều Tiên, sau khi đã xác quyết rằng Bình Nhưỡng sử dụng chất độc VX để ám sát ông Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong-un. Một bằng chứng khác cho việc "gây áp lực tối đa" lên Bình Nhưỡng, là các cuộc tập trận thường niên Mỹ-Hàn sẽ được tiến hành sau khi Thế vận hội dành cho người tàn tật kết thúc.
Anh Vũ, Thụy My
******************
Kim Jong-un tranh thủ thời gian để cứu chế độ (RFI, 07/03/2018)
Tiếp phái đoàn đặc sứ Hàn Quốc ngày 06/03/2018, lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un lần đầu tiên chấp nhận trao đổi với Mỹ về một chủ đề cấm kỵ : bỏ vũ khí hạt nhân đổi lấy sự sinh tồn của chế độ nếu an ninh được bảo đảm. Đây là thực tâm hay chỉ là một mưu đồ ?
Kim Jong-un tiếp phái đoàn Hàn Quốc ngày 06/03/ 2018 tại Bình Nhưỡng.House/Yonhap via Reuters
Trở về Seoul sau hai ngày sang thăm Bình Nhưỡng, đặc sứ Chung Eui-yong (Trịnh Nghĩa Dung), cố vấn an ninh của tổng thống Hàn Quốc, cho biết lãnh đạo Bắc Triều Tiên đưa ra nhiều đề nghị mới. Cụ thể là một cuộc gặp thượng đỉnh vào cuối tháng tư ở Bàn Môn Điếm và "đối thoại thẳng thắn với Mỹ" để bàn về phi hạt nhân hóa bán đảo, một yêu sách then chốt của cộng đồng quốc tế, chứ không riêng gì của Washington và Seoul. Để tỏ thiện chí, Kim Jong-un hứa sẽ tạm ngưng thử nghiệm bom hạt nhân và phóng tên lửa.
Qua thái độ và tuyên bố hoà nhã này, Bình Nhưỡng mưu tính gì ?
Bà Juliette Morillot, chuyên gia về bán đảo Triều Tiên, tác giả quyển sách "Le Monde selon Kim Jong-un" (Thế giới theo quan điểm của Kim Jong-un), phân tích :
Bắc Triều Tiên tìm kiếm trước hết là sự sống còn của chế độ và hai miền nam bắc đều muốn nắm vận mệnh đất nước trong tay. Bình Nhưỡng luôn yêu cầu đối thoại trực tiếp với Seoul cũng như với Washington. Dĩ nhiên là phải có điều kiện. Điều kiện đó là bảo đảm sự sống còn của chế độ và những bảo đảm về an ninh quốc phòng.
Hoa Kỳ phải cam kết gì để Bình Nhưỡng yên tâm ? Rất có thể Bắc Triều Tiên sẽ đòi hỏi như đã nhiều lần đề nghị trong quá khứ : Trước hết là một hiệp định bất tương xâm. Bước thứ hai là một hiệp ước hoà bình, bởi vì, chúng ta đừng quên là hai nước Triều Tiên trên lý thuyết vẫn còn trong tình trạng chiến tranh. Tuy nhiên, đối với Bắc Triều Tiên, vũ khí hạt nhân là bảo hiểm nhân thọ. Do vậy, chỉ khi nào Bình Nhưỡng thực sự yên tâm là chế độ sẽ tồn tại thì họ sẽ từ bỏ hạt nhân".
Hàn Quốc đón nhận các đề nghị của Kim Jong-un một cách thận trọng. Tổng thống Moon Jae In tuyên bố "còn quá sớm để lạc quan". Báo chí tại Seoul nhắc lại là Bắc Triều Tiên đã từng cam kết "phi hạt nhân hóa có kiểm soát và không đảo ngược" qua thỏa thuận 2005, để rồi sau đó lại thất hứa.
Phe đối lập Hàn Quốc, dứt khoát hơn, cho là Bình Nhưỡng chỉ tìm cách tháo gỡ cấm vận kinh tế. Lãnh đạo đảng Tự Do, Hong Hoon Pyo, cảnh báo mưu toan lừa bịp của Kim Jong-un như Hitler trước Thế chiến thứ hai, qua thỏa thuận Munich 1938, ru ngủ Anh, Pháp, để xáp nhập một vùng lãnh thổ của Tiệp Khắc.
Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi ở đây là Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ từ bỏ hạt nhân, nếu không được đối phương nhượng bộ tương xứng. Do vậy, theo chuyên gia Juliette Morillot, sớm muộn gì, các bên cũng phải đi đến hoà đàm :
Trong nội bộ chính quyền Washington, nhiều người thân cận với tổng thống Donald Trump ở Lầu năm góc cũng muốn thương lượng trực tiếp với Bình Nhưỡng. Do vậy, tổng thống Mỹ sẽ nương theo chiều gió, mỗi lần đụng đường ranh đỏ do mình đặt ra, thì ông ấy vượt qua. Theo tôi, Mỹ sẽ chọn con đường đối thoại, và bắt buộc sẽ đi tới chuyện phi hạt nhân hóa bán đảo và hai bên sẽ trở lại điểm then chốt là bảo đảm sự tồn vong của chế độ Bình Nhưỡng, với một hiệp định bất tương xâm.
Đây không phải là lần đầu tiên Bắc Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng từ bỏ hạt nhân quân sự. Washington và Bình Nhưỡng đã từng ký hai thỏa thuận phi hạt nhân hóa vào năm 1994 và 2005. Cả hai đều thất bại và mỗi bên đổ trách nhiệm cho nhau không tôn trọng chữ ký.
Nhưng sau nhiều năm căng thẳng leo thang, những tiến triển đạt được trong quan hệ liên Triều từ Thế Vận Hội Pyeonchang là một cơ may thực sự để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho cuộc khủng hoảng.
Cho dù Washington không để cho Bình Nhưỡng và Seoul tự quyết.
Tú Anh
*****************
Mỹ khẳng định Kim Jong-nam đã bị Bình Nhưỡng sát hại (RFI, 07/03/2018)
AFP dẫn thông cáo bộ ngoại giao Mỹ ra ngày 06/03/2018 cho biết, Hoa Kỳ đã xác định rằng Kim Jong-nam, anh cùng cha khác mẹ của lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong-un, đã bị chế độ Bình Nhưỡng sát hại bằng chất độc thần kinh VX.
Kim Jong-nam khi đến sân bay Bắc Kinh ngày 11/02/2007. Kyodo/via Reuters
Trong thông cáo, phát ngôn viên ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố : "Hoa Kỳ kiên quyết lên án việc sử dụng vũ khí hóa học để ám sát" Kim Jong-nam. Người anh cùng cha khác mẹ của Kim Jong-un đã bị hạ sát ngay giữa sân bay Kuala Lumpur, Malaysia ngày 13/02/2017.
Các nhà điều tra ngay sau đó đã phát hiện các dấu vết chất độc thần kinh VX, bị xếp vào loại vũ khí hóa học hủy diệt hàng loạt, trên mặt và trong mắt nạn nhân Kim Jong-nam.
Bà Nauert nói rõ là từ ngày 22/02/2018, Washington đã "xác định" chất độc trên "đã được chính phủ Bắc Triều Tiên" sử dụng để hạ sát Kim Jong-nam.
Kết luận này đã dẫn tới việc áp dụng ngay lập tức các trừng phạt mới của Washington đối với Bắc Triều Tiên vì sử dụng vũ khí hóa sinh học bị cấm.
Tuy nhiên, Bắc Triều Tiên hiện đã bị quá nhiều trừng phạt của Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc, liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân. Nếu có trừng phạt vì sử dụng vũ khí hóa học thì Bình Nhưỡng cũng không bị tác động thêm là bao nhiêu.
Anh Vũ