Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

17/03/2018

Điểm báo Pháp - Putin muốn tiếp tục lãnh đạo Nga

RFI tiếng Việt

Putin muốn tiếp tục lãnh đạo Nga trong tư thế một chiến tướng

Trái với các đồng nghiệp đã chú trọng đến nội tình nước Pháp, Courrier International số ra tuẫn lễ này (15-21/03/2018) đã dành trang nhất cho nhân vật Putin, người chắc chắn sẽ trở thành tổng thống nước Nga nhân cuộc bầu cử ngày 18/03. Tuần báo đã nhấn mạnh trên giọng điệu "sắt thép" nhắm vào nước ngoài, để nêu bật sự kiện ông Putin đã phô trương vai trò chiến tướng của mình để chinh phục cử tri trong nước.

nga1

Tổng thống Nga Vladimir Putin mít tinh vận động bầu cử ngày 14/03/2018 tại Crimea. Reuters/Maxim Shemetov

Trang bìa tuần báo Courrier International rất rõ ràng : Hàng tựa lớn "Putin, ông chủ cuộc chơi" nổi bật bên trên ảnh vẽ một hệ hành tinh, với mặt ông Putin ở trung tâm, kèm theo ghi chú : "Chắc chắn được bầu lại ngày 18 tháng Ba, tổng thống Nga thách thức Phương Tây và chứng tỏ mình là chiến tướng.

Đối với tuần báo Pháp, ngay trước ngày bầu cử, Vladimir Putin đã muốn gây ấn tượng mạnh nơi cử tri ủng hộ ông cũng như cộng đồng thế giới bằng cách phô trương một kho vũ khí hạt nhân mới. Sự kiện này đã được báo chí Nga cũng như quốc tế bình luận rộng rãi.

Putin nỗ lực khai thác chiêu bài sức mạnh quân sự Nga

Trong một hồ sơ chạy trên 6 trang, Courrier International đã trích dẫn báo Nga nhận định : Ngày 18 tháng Ba tới đây, các công dân Nga sẽ bầu "một vị tổng tư lệnh quân đội" lên làm tổng thống, và để bảo vệ quyền lợi của đất nước được cho là đã bị phương Tây "chà đạp", Putin sẽ quyết tâm khôi phục nước Nga thành một cường quốc đáng gờm như Liên Xô thời xưa.

Đối với tờ Nezavissimaïa Gazeta, nếu vào năm 2012, cử tri Nga đã bầu ông Putin lên làm tổng thống trong tư cách là một người bảo vệ thành quả của những năm 2000 chống lại các tầng lớp tự do giàu có trong nước, vào năm 2018, người Nga sẽ bày tỏ lập trường ủng hộ vị tổng tư lệnh quân đội chống lại một kẻ thù ở bên ngoài.

Theo nhật báo Nga, trong một vài tuần lễ gần đây, Vladimir Putin đã liên tục khai thác chiêu bài sức mạnh quân sự. Ngày 05/03, cuộc mít tinh tại Moskva để ủng hộ ứng cử viên Putin đã diễn ra dưới khẩu hiệu "Vì một nước Nga hùng mạnh". Bản thân ông Putin cũng khai triển chủ đề này trước đó nhân một buổi lễ trao huân chương ngày 23/02, hoặc là trong bài phát biểu gần hai tiếng đồng hồ tại Quốc hội. Putin không còn nói đến khái niệm quyền lực mềm rất phổ biến ở phương Tây, mà chủ yếu đề cập đến sức mạnh quân sự và vũ khí siêu tối tân.

Xã hội Nga, theo tờ Nezavissimaïa, đã chuyển biến từ năm 2014, thời xẩy ra vụ sát nhập bán đảo Crimea, và chiến sự ở vùng Donbass bên Ukraine, dẫn đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Dư luận nhập tâm lập luận của chính quyền về việc Nga là một pháo đài bị bao vây, và cần phải đấu tranh chống lại các mối đe dọa bên ngoài.

Trong bối cảnh đó, cuộc bỏ phiếu năm 2018 không còn là bầu lên một người có nhiệm vụ quản lý các nguồn lực của đất nước, mà là bày tỏ sự ủng hộ đối với nhân vật lãnh đạo lực lượng vũ trang. Theo các cuộc thăm dò dư luận, cử tri của ông Putin đã chấp nhận cách tiếp cận đó, và trong thời chiến - dù đó là chiến tranh "tiềm tàng", chiến tranh lạnh, hay thậm chí chiến tranh ấm, mọi người đều sẵn sàng chịu đựng gian khó.

Muốn Nga hùng mạnh như Liên Xô "phi Xô Viết"

Courrier International cũng trích dẫn tạp chí "Chuyên Gia", ấn hành tại Moskva, phân tích ý đồ của Vladimir Putin là xây dựng một nước Nga hùng mạnh như Liên Bang Xô Viết thời xưa.

Tuy nhiên, theo tạp chí Nga, ông Putin không hề muốn quay trở lại mô hình chính trị Xô Viết, mà chỉ muốn tiếp tục đề án khôi phục sự thịnh vượng của nước Nga đã bắt đầu từ thời perestroika trước khi Liên Xô bị phân rã. Và trong một thế giới cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, việc khôi phục đó sẽ không làm được nếu không có sức mạnh quân sự.

Tạp chí Chuyên Gia không che giấu thái độ phấn khởi khi nhận định rằng nước Nga đã hùng mạnh trở lại về mặt quân sự, và cho rằng đã có lại một cơ may hoàn thành những gì đã bỏ lỡ trong quá khứ.

Với nước Nga của Putin ngày càng phô trương cơ bắp, phương Tây, và cụ thể là Mỹ, cần phản ứng ra sao ? Courrier International đã trích dẫn một bài báo trên tờ báo Mỹ Washington Post, cho rằng Hoa Kỳ cần phải nhanh chóng tái lập đối thoại với Nga, một quan hệ đang càng lúc càng phức tạp sau khi Donald Trump được bầu làm tổng thống Mỹ.

Riêng nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung thì cho rằng khi tuyên bố hung hăng trên vấn đề vũ khí hạt nhân, Vladimir Putin đã lao vào một chuộc chạy đua võ trang mà ông ta không thể thắng. Có điều là hành động này của tổng thống Nga không phải là không nguy hiểm.

Bí mật về các điệp viên

Hồ sơ lý thú nhất trên các tạp chí Pháp tuần này có lẽ nằm trên tờ Le Point, đã dành trang bìa cho các "Bí mật của các điệp viên Pháp".

Trong hồ sơ dài 15 trang, Le Point trước tiên ghi nhận quân số ngày càng tăng của lực lượng bí mật này : Ở cơ quan tình báo hải ngoại DGSE, hiện có 6500 người, so với 5000 nhân viên trong năm 2014. Còn tại cơ quan phản gián DGST, đang có 4400 người làm việc, trong khi mà vào năm 2014, đơn vị này chỉ có khoảng 3300 nhân viên.

Tạp chí Pháp đặc biệt phác họa chân dung của một số gương mặt lớn của ngành tình báo Pháp, và dành 5 trang để nói về tướng Philippe Rondot (1936-2017), bí danh Max, một nhân vật được coi huyền thoại của ngành tình báo Pháp, nổi tiếng với vụ bắt giữ tay khủng bố khét tiếng Carlos tại Sudan vào năm 1994.

Theo ghi nhận của Le Point, tổng thống Pháp Macron rất quan tâm đến ngành tình báo, nhưng một sĩ quan Pháp đã nhắc nhở rằng ông không nên quên quân đội nói chung trong nhiệm vụ bảo đảm an ninh cho đất nước.

Le Point đã được độc quyền giới thiệu trước quyển Từ Điển Tình Báo (Dictionnaire du renseignement) mà tác giả là những nhân vật thực thụ trong ngành. Quyển sách sắp ra mắt độc giả bao gồm hàng trăm đề mục, nói về những khuôn mặt tiêu biểu trong lịch sử tình báo, những vụ gián điệp nổi bật, các phương pháp hoạt động, các tổ chức…

Ngoài những thông tin bổ ích, quyển từ điển còn có nhiều mẩu chuyện vui nhưng có thật, ví dụ như trường hợp một nhân viên CIA của Mỹ vào năm 2008 hoạt động tại Afghanistan. Vào lúc đang bị khó khăn trong việc thu thập thông tin, điệp viên Mỹ này gặp một tộc trưởng Afghanistan đã già nhưng có bốn cô vợ trẻ. Anh đã sáng trí tặng cho người này bốn viên thuốc Viagra. Lần tiếp xúc thứ hai đã cho thấy ngay hiệu quả của món quà : Vị tộc trưởng đã vui vẻ cung cấp rất nhiều thông tin về phong trào Taliban và các tuyến cung cấp của lực lượng này. Và cuộc nói chuyện kết thúc bằng việc xin thêm vài viên Viagra !

Dân Pháp ủng hộ việc mang thai hộ và thụ tinh nhân tạo

L’Obs đã chú ý đến vấn đề được gói trong hai nhóm từ tắt PMA-GPA, ghi bằng chữ lớn trên trang bìa, dưới ảnh một cậu bé kháu khỉnh, bên trên lời hô : "Người Pháp đồng ý !". Bên trong là một hồ sơ dài 15 trang.

PMA đến từ Procréation Médicalement Assistée, nghĩa là "Sinh sản với sự hỗ trợ của y học", hay nói đơn giản hơn là thụ thai nhân tạo, hoặc là thụ tinh trong ống nghiêm. GPA là chữ viết tắt của Gestation Pour Autrui, tức là "Mang thai hộ người khác".

Đây là hai hoạt động vẫn còn bị hạn chế tại Pháp, mang thai hộ người khác bị cấm hoàn toàn, trong lúc thụ tinh nhân tạo để có con bị cấm nơi các cặp đồng giới tính hay phụ nữ độc thân. Thế nhưng, điều được tuần báo L’Obs ghi nhận, thông qua một cuộc thăm dò do viện BVA thực hiện, là đa số người Pháp ngày nay đã cởi mở hẳn ra và chấp nhận hai vấn đề này :

Có đến gần 60% ủng hộ việc cho các cặp phụ nữ đồng tính, cũng như phụ nữ độc thân được quyền dùng phương pháp thụ tinh nhân tạo để có con. Điều đáng ngạc nhiên hơn là 55% người được hỏi cũng tán đồng hành động mang thai hộ người khác, và hơn 70% người Pháp giờ đây nghĩ rằng một cặp vợ chồng đồng tính có thể nuôi dạy một đứa trẻ một cách đàng hoàng.

Cuộc thăm dò như vậy đã xác nhận một chuyển biến nhận thức quan trọng trong xã hội Pháp vào lúc bộ luật về đạo đức sinh học sẽ được điều chỉnh từ nay đến cuối năm (2018).

Nhà thần học Hồi giáo Tariq Ramadan bị tố lạm dụng tình dục

Tạp chí L’Express cũng bỏ qua các vấn đề quốc tế nóng bỏng để xoáy vào một vụ tai tiếng lạm dụng tình dục đang sôi nổi tại Pháp : Học giả Tariq Ramadan, giáo sư thần học Oxford, một tên tuổi của xu hướng Hồi giáo có thể nói là cực đoan, từng được nhiều học giả, trí thức hay giới trẻ Hồi giáo tung hô, đã bị nhà chức trách Pháp tống giam sau khi bị ít nhất là ba phụ nữ tố cáo về tội hiếp dâm.

L’Express đã dành trang bìa và một hồ sơ dài 12 trang để công bố những "Tiết lộ mới về vụ Ramadan", đặc biệt là trường hợp của "Marie", một cô gái đã nộp đơn kiện Tariq Ramadan tại Paris về tội cưỡng dâm. Cho đến nay, học giả Hồi giáo này luôn bác bỏ những cáo buộc, cho rằng những phụ nữ kiện ông là những kẻ hoang tưởng, trục lợi, nhưng theo L’Express, "câu chuyện của Marie, với hàng ngàn tin nhắn SMS hoặc tài liệu khác mà các nhà điều tra sẽ phân tích, có vẻ rất đáng tin cậy".

Điểm mà L’Express chú ý là hiện một chiến dịch bênh vực Tariq Ramadan đang được tung ra, mà một trong những nhà tài trợ là một doanh nhân người Tunisia, thành thạo trong việc phản công trên Internet, có dưới tay cả một đạo quân gồm từ 1000 đến 2000 "tài khoản giả" trên các mạng xã hội…

Theo L’Express, những người ủng hộ của Ramadan đã được khuyến khích gởi thơ khiếu nại việc Tariq Ramadam bị truy bức đến các tòa soạn báo chí, một bức thư được định dạng sẵn. Bên cạnh đó, cũng có khoảng sáu mươi "trí thức và nhân sĩ thuộc mọi giai tầng xã hội" đã ký tên vào một bài viết đăng trên báo mạng Mediapart ở Pháp, đòi "công lý bình đẳng và vô tư" cho Tariq Ramadan.

Vấn đề được L’Express ghi nhận tuy nhiên là nếu chiến dịch bênh vực Tariq Ramadan có vẻ sôi nổi trên mạng, thì trên đường phố, chiến dịch này hầu như thất bại. Thứ Bảy, mồng 03 tháng Ba vừa qua, trên quảng trường Trocadéro ở Paris, chỉ là một vài chục người là đã dũng cảm chịu đựng giá rét cuối mùa đông để đến biểu tình ủng hộ học giả Hồi giáo.

Cuộc chiến tranh nhôm thép của Donald Trump

Quyết định của tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế trên nhôm thép nhập khẩu dĩ nhiên đã được các tuần báo bình luận. Đáng chú ý nhất có lẽ là phân tích trên Courrier International, trích dịch bài viết của tờ báo Mỹ Bloomberg Businessweek tại New York, tố cáo sự kiện "Chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của Trump làm lợi cho Bắc Kinh".

Theo tờ báo, khi đánh thuế nhập khẩu trên thép và nhôm, Washington đã đánh vào những nước bạn mà lẽ ra Mỹ nên kết hợp để ngăn chặn Trung Quốc, một nước nổi tiếng là không từ một trò xấu nào để giành thắng lợi.

Tuần báo Pháp L’Express cũng lo lắng về cuộc chiến tranh thương mại có thể nổ ra giữa Liên Hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ do vụ thuế thép và nhôm của Donald Trump.

L’Express đã nêu bật phản ứng của châu Âu khi cho biết : "Jean-Claude Juncker, chủ tịch Uỷ Ban Châu Âu, vừa vạch ra một danh sách các sản phẩm thường được sản xuất tại Mỹ, như bơ đậu phộng, nước cam ở California, rượu Bourbon hoặc xe máy Harley-Davidson".

Có điều là L’Express đã nói thêm : "Tất cả đều được sản xuất tại các bang của trong tay đảng Cộng Hòa – những nơi mà Bruxelles có thể áp dụng các biện pháp trả đũa".

Nhận xét trên có phần không chính xác : California không hề là một tiểu bang trong tay đảng Cộng Hòa, thống đốc hiện thời của California là một đảng viên Dân Chủ, và bản thân tiểu bang này đang đấu tranh chống chính quyền Trump !

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 730 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)