Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

15/06/2018

Điểm báo Pháp - Thượng đỉnh Singapore : "Chiến tranh"

RFI tiếng Việt

Thượng đỉnh Singapore : "Chiến tranh", mặc cả và một màn trình diễn

Chính sách đón nhận người nhập cư gây chia rẽ sâu đậm trong Liên Hiệp Châu Âu và đẩy nội các Đức sát đến bên bờ vực thẳm, là chủ đề chính được các báo Paris quan tâm trong ngày. Dù vậy, thượng đỉnh tại Singapore giữa Donald Trump và Kim Jong-un vẫn đọng lại dư âm trên các tờ báo Pháp.

summit0

Ttổng thống Mỹ Donald Trump trưng trên văn bản được ký kết trong cuộc gặp lịch sử tại Singapore ngày 12/06/2018. SAUL LOEB / AFP

Nhà báo Laure Mandeville trên Le Figaro trong một bài phân tích nhắc lại : năm 2016, vài ngày sau khi Donald Trump đắc cử, cựu ngoại trưởng Mỹ, Henry Kissinger đã nhắc nhở công luận là chớ nên xem thường Trump. Sau thượng đỉnh Singapore vừa qua, có lẽ lời khuyên của Kissinger không thừa.

Trong buổi làm việc ngắn ngủi này, lãnh đạo Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên đã mở ra một con đường mới, dẫn tới viễn cảnh "phi hạt nhân hóa toàn diện" bán đảo Triều Tiên. Lập tức nhiều chuyên gia cảnh cáo rằng "nhà độc tài Bắc Triều Tiên" đã gài bẫy tổng thống Mỹ, một người "ngây thơ và mù quáng vì cái Tôi quá lớn của ông".

Trên thực tế, không một ai biết rằng chuyện gì sẽ xảy ra sau thượng đỉnh Singapore ngày 12/06/2018.

Không có gì bảo đảm là Mỹ sẽ chiều lòng Bắc Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân. Trump có đề cập đến khả năng rút quân khỏi Hàn Quốc, nhưng cũng tổng thống Hoa Kỳ trên đài Fox News đã nhắc lại, "trước mắt" kịch bản đó chưa thể xảy ra.

Có một điều chắc chắn là hai ông Trump và Kim đã "mở ra viễn cảnh một thế giới mới". Nhìn lại chính sách của tổng thống Mỹ trên hồ sơ Bắc Triều Tiên trong thời gian qua thì ta thấy rõ là thoạt đầu Donald Trump mang lá bài chiến tranh ra uy hiếp đối phương, chơi đòn chiến tranh tâm lý. Trò hù dọa đó đã khiến các cường quốc khu vực run sợ, từ Trung Quốc đến Nhật Bản, Hàn Quốc. Cùng với màn hù dọa đó là một cuộc khẩu chiến khi hai ông Trump và Kim thóa mạ lẫn nhau. Ở bước thứ hai, tổng thống Mỹ dồn Liên Hiệp Quốc tăng cường các biện pháp trừng phạt Bắc Triều Tiên, qua đó "siết chặt thêm gọng kềm" nhắm vào ông Kim. Ở hồi thứ ba, Donald Trump tung đòn chiêu dụ chế độ Bình Nhưỡng và không hề đả động tới vế nhân quyền tại quốc gia có hàng ngàn tù nhân chính trị.

Chẳng những thế tổng thống Mỹ còn ca ngợi đồng sự Bắc Triều Tiên là một người "yêu nước, yêu dân". Cũng trong cuộc họp thượng đỉnh Singapore, hai nguyên thủ đã cùng nhau xem một đoạn băng video, vẽ ra một viễn cảnh đẹp đẽ trên một đất nước Bắc Triều Tiên phát triển...

Tác giả bài báo, Laure Mandeville, nhìn nhận, đành rằng cách hành xử ấu trĩ và thô thiển của tổng thống Hoa Kỳ đã khiến các nhà ngoại giao Mỹ choáng váng, nhưng Trump là như vậy... để đạt được điều mà ông muốn nhắm tới.

Thẩm định tai họa Trump

Trong mọi trường hợp, sau 18 tháng dưới chính quyền Trump, các chuyên gia vẫn chưa giải mã được chính sách đối ngoại của chủ nhân Nhà Trắng.

Alain Frachon trên Le Monde thắc mắc : Trên vế hạt nhân, rõ ràng là nguyên thủ Mỹ tung bài chiêu dụ một Kim Jong-un đang có vũ khí nguyên tử trong tay và ông lại xử tệ với Iran, một quốc gia chưa có loại vũ khí nguy hiểm này.

Với NATO Liên Minh Bắc Đại Tây Dương hay nước Nga và cả trên hồ sơ chống biến đổi khí hậu cũng vậy, tổng thống tuyên bố bừa bãi để rồi các cố vấn của ông chạy theo sau chữa cháy và đôi khi là đưa ra những nhận định trái ngược lại với quan điểm của chủ nhân Nhà Trắng. Cho dù mạnh miệng đả kích Liên Minh Bắc Đại Tây Dương nhưng tác giả bài báo nhìn nhận cho tới giờ phút này, Hoa Kỳ vẫn gánh vác lấy trách nhiệm, đóng góp tài chính nhiều nhất cho đại gia đình NATO. Có điều, sự tin tưởng lẫn nhau giữa Mỹ và các đồng minh phương Tây đã sứt mẻ. Phải chăng Donald Trump thoải mái khi chơi với Kim Jong-un hơn là với các đối tác Châu Âu hay Canada ? Đó là một trong những bí ẩn trong chính sách đối ngoại của Donald Trump.

Khai thác lá bài Bắc Triều Tiên, đảng cầm quyền tại Hàn Quốc "bội thu"

Về nội tình bán đảo Triều Tiên, cũng Le Monde cho biết, đảng dân chủ của tổng thống Moon Jae-in đã thắng lớn trong cuộc bầu cử cấp địa phương hôm 13/06/2018. Chính sách thân thiện với Bình Nhưỡng, thượng đỉnh Bàn Môn Điếm với Kim Jong-un, thượng đỉnh Mỹ-Bắc Triều Tiên tại Singapore là những yếu tố làm nên thắng lợi.

Nhiều cử tri đã bỏ phiếu cho đảng Minju của tổng thống Moon Jae-in bởi họ muốn thực sự "hai miền nam bắc trong tương lai sẽ mở rộng các chương trình hợp tác, giao lưu ở tất cả mọi cấp, để người dân Triều Tiên biết rõ nhau hơn, bước đầu tiến tới một tiến trình hòa giải".

Một điểm bất ngờ là ngay cả công luận Hàn Quốc cũng có cảm tình với lãnh đạo Bắc Triều Tiên. Phụ nữ Hàn Quốc ngoài 50 tuổi đánh giá Kim Jong-un là một người "có giáo dục, biết tôn kính bề trên, ăn nói chững chạc và duyên dáng".

Châu Âu lao đao về số phận các thuyền nhân

"Châu Âu xâu xé vì vấn đề nhập cư", tựa lớn trên báo Le Figaro. Bài xã luận mang tựa đề "rạn nứt", tờ báo nhắc lại : hồ sơ này đã thách thức các nước Châu Âu từ ba năm nay, nhưng các thành viên Liên Hiệp Châu Âu cố tình nhắm mắt làm ngơ.

Nhưng tình thế đã thay đổi từ khi cử tri Ý đã bầu lên một chính phủ mạnh tay đóng cửa các hải cảng của Ý, từ chối tiếp nhận thuyền nhân. Vấn đề càng thêm nghiêm trọng khi biết rằng thái độ của tân chính quyền Roma không là một hành động riêng lẻ. Một trục Áo-Ý và một phần trong chính phủ liên hiệp của thủ tướng Đức đang hình thành. Xã luận trên Le Figaro kết luận : "Chính sách tiếp nhận người nhập cư không còn là một hồ sơ bình thường, đợi nguyên thủ các nước đưa vào chương trình nghị sự của các thượng đỉnh Châu Âu. Đã đến lúc cần hành động khẩn cấp".

Libération dành hai trang để trả lời câu hỏi : trong Liên Hiệp Châu Âu tới nay, nước nào đã đón người nhập cư và đón bao nhiêu ?

Báo kinh tế Les Echos đặc biết chú ý đến trường hợp của nước Đức khi nhận định "thủ tướng Merkel bị cuốn vào vòng xoáy vì hồ sơ nhập cư" trước khi giải thích : cuộc đọ sức tay đôi giữa bà Angela Merkel với đồng minh thân thiết trong liên minh Dân Chủ Thiên Chúa Giáo là bộ trưởng Nội Vụ Horst Seehofer. Bà Merkel chủ trương một chính sách nhân đạo hơn với người nhập cư, còn ông Seehofer thì ngay từ năm 2015 đã tỏ ra rất cứng rắn trên chuyện này. Căng thẳng dâng cao tới nỗi có thể đe dọa đến sự tồn tại của nội các mà bà Merkel đã mất nhiều tháng để lập được.

Cúp Bóng Đá Thế Giới : Nga khởi đầu tốt đẹp

Về sự kiện thể thao được chú ý nhất vừa mở ra hôm qua, Libération chú ý tới trận đấu quyết liệt chiều nay giữa Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, hai đội bóng lớn của Châu Âu : "Cú sốc" đầu tiên mùa hội bóng đá 2018.

Các tờ báo Paris đương nhiên không quên ca ngợi đội tuyển Nga, trong trận đấu khai mạc World Coup 2018 đã "đè bẹp" Saudi Arabia với tỉ số 5-0. Tờ báo này cho rằng, tổng thống Vladimir Putin đã thở phào nhẹ nhõm, bởi vì trong những tuần lễ gần đây, ông cũng như là phần còn lại của giới hâm mộ bóng đá Nga, không mấy tin tưởng vào đội nhà.

Le Figaro bình luận : thua Nga, là một vố đau với hoàng tử Saudi Arabia. Mohamad Ben Salman là người muốn biến bóng đá thành một công cụ ngoại giao trong lúc mà trên sân cỏ Saudi Arabia đang bị Qatar bỏ lại xa phía sau.

Le Monde bên cạnh các bài phân tích về tầm mức quan trọng của Cúp bóng đá đối với Putin, trong bài xã luận đã nhấn mạnh rằng, đây trước hết là lễ hội thể thao của các ngôi sao bóng đá, của những người hâm mộ quả bóng tròn.

Về đội tuyển Pháp, ngày mai trong trận đầu đối mặt với đội Úc, La Croix nhấn mạnh : "huấn luyện viên Didier Deschamp đánh cược vào đội ngũ trẻ". Le Figaro nói tới một bộ ba Mbappé, Griezmann và Dembélé đem lại một làn gió mới cho hàng tiền đạo của đội tuyển "Les Bleus".

Cá độ vào mỗi mùa bóng đá

Thi đấu và các cuộc cá cược, gần như là hai hoạt động đi kèm với nhau. Les Echos tiết lộ : công ty xổ số quốc gia Pháp FDJ trong mùa bóng Cúp Châu Âu 2016 đã thu về 300 triệu tiền cá cược, lần này, tối thiểu các vụ đánh cá cũng phải lên tới 200 triệu. Tờ báo nhận định : các hoạt động cá cược, nhất là trên mạng hiện đang rất thịnh hành. Năm ngoái, doanh thu trong lĩnh vực này tăng 21 %.

Một bức tường kính bao quanh tháp Eiffel

Báo Le Figaro lưu ý độc giả, trong một tháng nữa dưới chân tháp Eiffel có thêm một bức tường bằng kính. Công trình vừa được khởi động hôm qua 14/06/2018. Sau loạt khủng bố tại Pháp năm 2015, công ty quản lý ngọn tháp nổi tiếng này quyết định tăng cường an ninh cho "La Dame de Fer" ngự trị trên quảng trường Trocadero này và cả từ 6 đến 7 triệu khách tham quan công trình nổi tiếng nhất của Gustave Eiffel.

450 tấm kính nặng hơn 1 tấn mỗi tấm, cao 3 mét, dầy 6 phân rưỡi, đang được dựng lên. Sở cảnh sát và văn phòng kiến trúc Dietmar Feichtinger đã phối hợp chặt chẽ để mục tiêu tăng cường an ninh cho biểu tượng của nước Pháp này không ảnh hưởng đến toàn cảnh chung với tầm nhìn từ quảng trường Trocadéro đến tận trường võ bị Ecole Militaire.

Thanh Hà

Quay lại trang chủ
Read 511 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)