Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

28/06/2018

Điểm báo Pháp - Châu Âu đối mặt với khủng hoảng nhập cư

RFI tiếng Việt

Châu Âu đối mặt với khủng hoảng nhập cư

Nhập cư là chủ đề chiếm trang nhất của hầu hết các báo Pháp ra hôm nay, trong bối cảnh hôm nay 28/06/2018 và ngày mai, 28 nước Liên Hiệp Châu Âu họp thượng đỉnh, trong đó cuộc khủng hoảng di dân chiếm phần lớn chương trình nghị sự.

migrant1

Quốc kỳ 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Reuters/Yves Herman

Tựa trang nhất nhật báo Le Monde ghi nhận : "Nhập cư : Châu Âu đối mặt với khủng hoảng chính trị". Theo tờ báo, cuộc gặp thượng đỉnh lần này hứa hẹn sẽ rất căng thẳng. Bởi vì số phận của những con tàu vớt người nhập cư trên biển trong những ngày qua đang là chủ đề gây tranh cãi, mặc cả gay gắt giữa các nước trong Liên Hiệp. Vấn đề nữa là chính sách phân bổ các nước thành viên EU phải đón người tị nạn đưa ra từ 2015 đến nay vẫn không được tôn trọng mà còn gây chia rẽ thêm giữa các nước.

Hàng nghìn người vẫn ùn ùn đổ về Châu Âu tìm đường thoát khỏi những bất ổn, đàn áp, và có khi cả nạn thất nghiệp, ở Châu Phi và Syria. Trong khi đó Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục bị chia rẽ trước hồ sơ đón người nhập cư. Libération dành kín trang bìa chạy tựa lớn : "Châu Âu : Ta đóng cửa", trên bức ảnh rất ấn tượng một thanh niên chạy tị nạn đang trèo qua một hàng rào dây thép gai dựng sát bờ biển.

Tờ báo bình luận : "Lịch sử của các cuộc di dân sang Châu Âu từ nhiều năm qua được rút lại bằng một câu đơn giản và tàn nhẫn : ta đóng cửa ! (…) Rất có thể hai quyết định sẽ được đưa ra : Tăng cường Frontex, một lực lượng cảnh sát Châu Âu chuyên trách kiểm soát người nhập cư từ bên ngoài biên giới của Liên Hiệp. Đưa ra nguyên tắc "lập các trung tâm khép kín" dựng tại những nước tiền đồn với nhập cư hoặc những nước lân cận với biên giới Châu Âu nhằm xét duyệt hồ sơ tại chỗ những đối tượng xin tị nạn".

Xã luận Libération kết luận : "Cùng lúc, Châu Âu biến thành nếu không muốn nói là pháo đài thì cũng là một lục địa ngày càng khó vào".

Trong khi đó Le Monde dẫn đánh giá của Tổ Chức Hợp Tác Phát Triển Kinh Tế OCDE : "Bốn triệu người xin tị nạn đã đến Châu Âu từ 2014 đến 2017 sẽ có thể làm tăng thêm 0,3% dân số Châu Âu trong độ tuổi lao động từ nay đến 2020. Nhờ tăng trưởng trở lại, các nền kinh tế Châu Âu dường như hoàn toàn có thể hấp thụ được những người lao động mới, với điều kiện phải đào tạo họ và dạy cho họ ngôn ngữ nước sở tại".

Tuy nhiên, Le Monde nhấn mạnh là ở phần Nam Âu sự việc trở nên phức tạp hơn vì kinh tế xuống dốc. Lấy thí dụ như nước Ý, từ nhiều năm nay, người tị nạn ngày càng vấp phải sự chống đối trong dân chúng.

Hơn thế nữa vấn đề cốt lõi là Châu Âu đang bị xé nát bởi những bất đồng. Hy vọng vào một chính sách nhập cư chung cho cả khối là điều gần như không thể. Các nước mạnh ai nấy làm và xu hướng co lại, tái lập kiểm soát biên giới, quay lưng lại với người nhập cư đang ngày càng thắng thế. Vì thế mà La Croix nhận định bằng hàng tựa lớn trang nhất trên bức ảnh chiếc xuồng cao su trở đầy kín người nhập cư : "Sự gắn kết của Châu Âu đang gặp thử thách".

Trung Quốc tham vọng chiếm lĩnh thị trường hạt nhân Châu Á

Chuyển qua với đề tài Châu Á, trang kinh tế báo Le Figaro có bài : "Tương lai hạt nhân nằm ở Châu Á", theo bài báo thì Trung Quốc và Ấn Độ là hai thị trường chính hiện nay có nhiều hứa hẹn nhất cho toàn bộ ngành hạt nhân.

Tờ báo trích dẫn số liệu của Cơ Quan Năng lượng Quốc tế (AIEA), cho thấy Châu Á là một thị trường vô cùng rộng lớn cho ngành hạt nhân dân sự. Ấn Độ và Trung Quốc chiếm tới 90% tăng trưởng ngành hạt nhân trên toàn thế giới từ nay đến năm 2040. Châu Á ngay từ giờ đã là một trong những nơi chủ yếu cung cấp các nhà máy điện hạt nhân. Một trong những ưu thế của hạt nhân : Đó là nguồn năng lượng phi các bon, một yếu tố căn bản trong cuộc chiến chống hâm nóng bầu khí hậu.

Trong số bốn lò phản ứng khởi động năm 2017, có 3 lò ở Trung Quốc và 1 lò ở Pakistan. Tất cả đều được tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc xây dựng. Bên cạnh đó, theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) còn có 4 lò phản ứng hạt nhân khác đã được xây tại Trung Quốc, Bangladesh, Hàn Quốc và Ấn Độ. Thị trường hạt nhân dân sự ở Châu Á đang có xu hướng bị Nga và Trung Quốc thâu tóm.

Thương mại Mỹ - Trung : Bắc Kinh tung vũ khí tiền tệ

Vẫn liên quan đến Trung Quốc, nhưng trong cuộc đọ sức thương mại với Mỹ. Les Echos có bài viết về phản ứng đáp trả của Bắc Kinh trước các đòn tấn công thương mại liên tiếp của Washington.

Gần đây thế giới đã chứng kiến tổng thống Trump liên tục đưa ra các tuyên bố, biện pháp bảo hộ thương mại đối với hàng hóa Trung Quốc. Trong khi đó lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tỏ ra ít lời hơn.

Bắc Kinh đã có những biện pháp đáp trả nhưng có vẻ như chưa có được hiệu quả như mong muốn. Lần này dường như Bắc Kinh đang chuẩn bị kích hoạt một thứ vũ khí hiệu quả hơn. Đó là vũ khí tiền tệ nhằm vào tỷ giá hối đoái của đồng đô la Mỹ.

Les Echos cho hay, từ giữa tháng 6/2018, thị trường trao đổi tiền tệ đã chứng kiến giá trị đồng nhân dân tệ bị mất giá liên tục so với đồng tiền Mỹ. Điều này có thể làm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc, nhưng theo các chuyên gia thì đó cũng là con dao 2 lưỡi vì Trung Quốc biết họ phải giữ sự ổn định của đồng tiền của mình nếu họ muốn tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài.

Theo Les Echos, Trung Quốc còn vũ khí nữa là nợ. Nhiều số liệu mới đây cho thấy Bắc Kinh đã bán các khoản nợ của Mỹ (dưới dạng trái phiếu). Việc làm này có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng cho Hoa Kỳ, nhất là vào lúc Mỹ đang có nhu cầu tài chính rất lớn để đáp ứng chính sách kinh tế của ông Trump.

Les Echos nhận thấy trong động tác đáp trả này Trung Quốc cũng phải thận trọng, không khéo lại bắn vào chân mình, tức là làm giảm giá trị khối tài sản đang giữ đó là món nợ khổng lồ của Mỹ. Nhưng dù gì thì Bắc Kinh vẫn dùng những đòn đe dọa như vậy nhằm khiến Nhà Trắng phải lùi bước, hoặc chí ít cũng để Donald Trump phải biết kiềm chế.

Kho báu Ali Baba trong nhà cựu thủ tướng Najib Razak

Nhật báo Les Echos cho biết, trong cuộc điều tra nhằm vào cựu lãnh đạo chính phủ Malaysia, Najib Razak liên quan đến nghi án biển thủ công quỹ, cảnh sát đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Họ đã tìm thấy ở nhà vị cựu thủ tướng này một kho báu Ali Baba với tiền mặt trị giá 234 triệu euro cùng vô số đồ trang sức, hàng hóa đắt tiền. Hồi tháng 5/2018, cảnh sát đã phát hiện ra nhiều thùng tiền mặt cả triệu đô la cùng các túi xách tay hàng hiệu đắt tiền ở nhà ông, công việc kiểm kê đến giờ mới xong.

Một nhà điều tra tham gia vụ án đã nhận xét đây sẽ là vụ tịch biên tài sản lớn nhất trong lịch sử Malaysia. Bộ sưu tập đồ trang sức gồm 1400 vòng cổ, 2200 nhẫn. Trang sức đắt tiền nhất là chiếc vòng cổ có giá tới 1,3 triệu euro. Tổng số có 567 túi xách tay mác lớn trong đó có 272 túi hiệu Hermes được định giá 10,9 triệu euro. Các nhà điều tra còn thu giữ 423 đồng hồ đeo tay trị giá 17 triệu euro và 234 cặp kính đắt tiền.

Đó là hiện vật thu tại chỗ còn tiền cất giữ trong các ngân hàng còn lớn hơn nhiều. Trong vụ bê bối này, có các ngân hàng ở 6 nước trong đó có Mỹ liên quan đến các vụ chuyển ngân. Như thế cũng đủ thấy quy mô lớn thế nào của vụ nghi án nhằm vào ông Nazib Razak. Khi còn đương chức ông đã nhiều lần ngăn cản báo chí, đình chỉ các cuộc điều tra liên quan đến các phát giác bê bối này.

World Cup 2018 : Bi kịch lịch sử của đội tuyển Đức

Chuyển qua với thời sự đang thu hút sự chú ý đông đảo nhất của dư luận hiện nay mà tất cả các báo không thể bỏ qua : Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018.

Ngày thi đấu thứ 3 ở bảng F hôm qua đã có một bất ngờ toàn cầu : Đội tuyển Đức, đương kim vô địch thế giới, bị tuyển Hàn Quốc, một đội bóng bị đánh giá yếu hơn về đẳng cấp và đã hết cơ hội đi tiếp, loại khỏi World Cup bằng tỷ số thua 0-2.

Le Figaro viết : "Bị hạ nhục, kết thúc ở vị trí cuối bảng, Đức gia nhập nhóm các nhà đương kim vô địch bị loại khỏi World Cup ngay sau vòng bảng như một lời nguyền chưa dứt".

Libération nhắc lại : "Để thấy hết tầm mức của sự kiện, cần phải trở lại phía sau, trong lịch sử bóng đá Đức từ 80 năm qua, Mannchaft chưa bao giờ bị loại ngay sau vòng bảng của Cúp Thế giới. Chưa bao giờ đội tuyển Đức bị thua trước đội bóng Châu Á ở tất cả các đấu trường chính thức trong 5 lần gặp nhau.

Bất ngờ càng lớn khi mà nhà đương kim vô địch thế giới ban đầu được đánh giá là một trong những ứng viên sáng giá nhất giải lần này. Họ đến với World Cup Nga 2018 với hừng hực tham vọng làm cú đúp chưa từng có.

Tờ báo thể thao L'Equipe thì nhận định, sau thất bại kinh khủng này, đội tuyển Đức chìm vào hư vô, không còn biết mình là ai, tương lai sẽ ra sao. Đây là giải đấu sẽ đánh dấu chấm hết của một thế hệ cầu thủ tài năng nổi lên từ Nam Phi 2010 : Đó là những Thomas Muller, Jérôme Boateng, Mesut Ozil hay Sami Khedira. Họ đã làm nên vinh quang cho bóng đá Đức ở Brazil 2014 nhưng bất lực không làm gì được để cứu đội tuyển rơi vào bi kịch ngày hôm qua trên sân Kazan.

Anh Vũ

Quay lại trang chủ
Read 698 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)