Apple : 1000 tỷ đô la chứng khoán
Vào lúc 17 giờ 49 phút giờ Paris chiều ngày 02/08/2018, giá một cổ phiếu của tập đoàn Mỹ Apple lên đến đỉnh cao 207,05 đô la. Đó là thời khắc trị giá chứng khoán công ty do Steve Jobs lập ra phá kỷ lục, có trị giá 1.000 tỷ đô la trên các thị trường tài chính.
Apple, lãi 20 tỷ đô la trong quý 4/2017. Reuters
"Apple soán ngôi Exxon" thống lĩnh thị trường tài chính Hoa Kỳ. Phụ trang kinh tế trên Le Figaro nói đến một cột mốc quan trọng trong lịch sử kinh tế của Mỹ.
Trong gần một thế kỷ, tức là một chu kỳ rất dài, tập đoàn dầu khí Mỹ Exxon đứng đầu bảng trên thị trường tài chính, ngấp nghé ngưỡng 500 tỷ đô la trị giá chứng khoán. Nhưng Exxon chưa bao giờ vượt qua được cái ngưỡng 500 tỷ đó. Vậy mà chỉ trong chưa đầy 20 năm, những ông khổng lồ trong ngành tin học và kỹ thuật số đã vươn lên đến đỉnh cao.
Les Echos trên trang nhất đăng ảnh vẽ hình quả Táo với con số "1 000 000 000 000 $" : nặng ký tương đương với 10 tập đoàn lớn nhất của Pháp trong số 40 hãng tham gia chỉ số CAC 40. Tờ báo khẳng định : Apple là tập đoàn tư nhân đầu tiên đạt kỷ lục 1.000 tỷ đô la.
Bí quyết của hãng quả Táo nằm ở chỗ những sản phẩm của Apple đã trở thành "biểu tượng"phổ quát cho tất cả những người tiêu dùng trên 5 châu. Trên thế giới, có hãng nào lời 20 tỷ đô la trong vòng vỏn vẹn ba tháng như là thành tích Apple đã đạt được hồi quý 4/2017 ?
Tiền mặt sẵn có của Apple hiện nay là 250 tỷ đô la, lớn gấp 5 lần so với nguồn dự trữ ngoại tệ của toàn nước Mỹ. Doanh thu của Apple được nhân lên gấp ba trong 7 năm từ 2010 đến 2017. Les Echos kết luận : thời đại công nghệ viễn thông và thông tin đã mở ra từ những năm 1980, để rồi chưa đầy 4 thập niên sau, qua mặt từ ngành dầu hỏa đến tài chính, địa ốc.
Brexit : Anh cầu viện Pháp
Trong phần trang quốc tế, chủ đề nổi bật là buổi làm việc tối 03/08/2018 giữa thủ tướng Anh và tổng thống Pháp. Tổng thống Emmanuel Macron và phu nhân về Brégançon ở miền nam tĩnh dưỡng. Nhưng ngay trong ngày nghỉ phép đầu tiên, nguyên thủ Pháp tiếp thủ tướng Anh Theresa May tại khu nghỉ mát nổi tiếng này. Đôi bên thảo luận về thủ tục Brexit đang gặp bế tắc.
Les Echos đề tựa bà "May cầu viện Macron". Le Figaro giải thích : về mặt đối nội, thủ tướng Anh phải đương đầu với phe chủ trương đòi đoạn tuyệt với Liên Âu. Còn với Bruxelles, Luân Đôn đang bị dồn vào chân tường và có nguy cơ nước Anh không đạt được một thỏa thuận với Liên Hiệp Châu Âu khi chia tay. Thủ tướng Theresa May muốn tránh cả hai kịch bản đó và bà đang trông thấy ở Emmanuel Macron một điểm tựa quý giá.
La Croix đặt câu hỏi : nước Anh chờ đợi gì ở Pháp và Paris giúp được Luân Đôn đến đâu ? Tờ báo nhắc lại, Brégançon là buổi làm việc thứ ba trong vòng một tuần lễ giữa đại diện của hai nước. Những cuộc hội đàm dồn dập ấy thể hiện tính cấp bách của hồ sơ này.
Có hai yếu tố giải thích vì sao thủ tướng Anh trông cậy nhiều vào tổng thống Pháp. Thứ nhất, bà May đang đứng trước một bài toán nan giải. Trong cuốn sách trắng công bố vào giữa tháng 7/2018, Luân Đôn dự trù một khi chia tay với Liên Âu chỉ đồng ý về nguyên tắc tự do giao thương hàng hóa, nhưng im lặng trên các vế liên quan đến vốn đầu tư, dịch vụ và quyền tự do đi lại của các công dân.
Trưởng đoàn đàm phán Châu Âu, Michel Barnier, mạnh mẽ bác bỏ kế hoạch này của bà May. Giữa hai thái cực đó, Paris đề nghị một giải pháp thứ ba, để nước Anh được hưởng quy chế đối tác tương tự như Canada.
Lý do thứ nhì khiến Luân Đôn nỗ lực thắt chặt liên hệ với Paris, bởi Pháp là đầu tầu của Liên Âu và ông Macron là một tiếng nói có trọng lượng hiện nay trong đại gia đình ấy.
Đợt nắng nóng kéo dài, cơn ác mộng
Hiện tượng nắng nóng tại Pháp kéo dài chiếm nhiều trang trên các tờ báo trong ngày. Les Echos tóm lược tình hình "bệnh viện bị quá tải, kinh tế ngưng trệ".
Hai phần ba nước Pháp trong tình trạng báo động, nhiệt độ trung bình xấp xỉ 40 độ C. Trong số những mùa hè nóng nực nhất tại Pháp từ năm 1900, năm 2018 đứng hạng thứ ba. Ngành xây dựng bị ảnh hưởng nhiều. Hoạt động tại các công trường bị chựng lại, nhân viên không thể phơi nắng hàng giờ khi nhiệt độ ngoài trời cao gần 10 độ so với bình thường. Máy điều hòa nhiệt độ cho chạy tối đa, ngành điện lực bị quá tải không đủ sức đáp ứng nhu cầu.
Nhật báo La Croix nhắc lại trong hai đợt nắng nóng gay gắt nhất gần đây tại Pháp hồi năm 2003 và 2006, theo thứ tự đã làm 15.000 và 2.000 người thiệt mạng.
Một hệ quả khác từ nạn nắng nóng là nhiệt độ càng tăng, giá ngũ cốc trên thế giới cũng tăng theo. Le Monde báo động cuối tháng 7, giá ngũ cốc vượt ngưỡng 200 euro một tấn. Đây là mức cao nhất từ năm 2015. Thu hoạch của Pháp trong vụ mùa 2018 giảm xuống còn 35 triệu tấn thay vì 40 triệu tấn vào năm ngoái. Nga, nguồn xuất khẩu ngũ cốc số 1 của thế giới, cũng lao đao, thu hoạch giảm 20%.
Nắng nóng không chỉ là cơn ác mộng với con người mà cả với súc vật. Libération đưa tin tại Na Uy hạn hán và nắng nóng đẩy những con tuần lộc đi tìm bóng mát và chúng trú ẩn trong những đường hầm xa lộ. Tình hình trở nên nghiêm trọng tới mức, chính quyền Oslo kêu gọi người lái xe đề cao cảnh giác, tránh để xảy ra tai nạn vì đâm vào các đoàn thú.
Trước hiện tượng trái đất bị hâm nóng với những hậu quả nhãn tiền, La Croix đặt câu hỏi tại sao con người vẫn thụ động ? Nhà xã hội học Dominique Méda giảng dậy tại trường đại học Paris Dauphine trả lời : Ngày nào mà chúng ta còn bị tăng trưởng kinh tế làm mê hoặc thì chính sách chống biến đổi khí hậu, giảm hiệu ứng khí thải làm hâm nóng bầu khí quyển chỉ là những khẩu hiệu với một vỏ bọc bề ngoài.
Le Monde ngay trên trang nhất, đăng bức hí họa của Plantu : quả địa cầu đã cận kề vực thẳm, đang được một Donald Trump hì hục đẩy thêm cho càng chóng rơi xuống vực.
Buôn người, hoạt động "hái ra tiền"
Trong lĩnh vực xã hội, Les Echos chú ý đến báo cáo vừa được Nhóm Hành Động Tài Chính Liên Chính Phủ Gafi công bố, "tiền lãi của các mạng lưới buôn người tăng gấp 6 lần trong thời gian từ 2011 đến 2016". Thống kê này không bao hàm các đường dây đưa người nhập cư vào Châu Âu.
Năm 2016, gần 25 triệu người trên thế giới bị cưỡng bức lao động hay cưỡng bức tình dục. Các hoạt động này cho phép thu về 150 tỉ đô la, cao gần gấp 6 lần so với thời điểm 2011.
Paris, chủ nhà đón "Gay Games" 2018
Cũng về xã hội Libération lưu ý độc giả : thủ đô Paris lần đầu tiên tổ chức "Thế Vận Hội dành cho giới đồng tính, Gay Games". Sự kiện thể thao mang nặng màu sắc xã hội này, diễn ra từ ngày 4 đến 12/08/2018. Ban tổ chức chờ đợi đón 300.000 khách tham quan. Gay Games trước hết là biểu tượng của phong trào đấu tranh chống phân biệt giới tính. Khẩu hiệu của mùa Gay Games 2018 là "All Equal-Tất cả đều bình đẳng".
Libération nhắc lại : Lễ hội thể thao đầu tiên của giới đồng tính được tổ chức năm 1982 tại Los Angeles và tương tự như Olympic, Gay Games cũng được tổ chức bốn năm một lần. Năm nay, Paris quy tụ 10.300 vận động viên đại diện cho 91 quốc gia, thi đấu tại 67 địa điểm khác nhau ở Paris và vùng phụ cận Ile de France. Các vận động viên tranh tài trong 36 bộ môn. Phí tổn cho sự kiện thể thao này dự trù là 4 triệu euro và ban tổ chức chờ đợi Gay Games lần này bơm thêm 130 triệu euro cho kinh tế của nước chủ nhà.
Graham Greene : điệp viên và nhà văn
Kết thúc mục điểm báo xin giới thiệu loạt bài của Le Monde nói về những nhà văn rất gần gũi với bên tình báo, nếu không muốn nói họ làm cả hai nghề. Hôm nay, tờ báo chú ý tới nhà văn người Anh Graham Greene. Ông quen thuộc với độc giả Việt Nam nhờ tác phẩm Người Mỹ Trầm Lặng, sáng tác năm 1955 mà sau này được đạo diễn Philippe Noyce dựng thành phim với Đỗ Thị Hải Yến trong vai nữ.
Greene không chỉ là một nhà văn. Ông từng được tình báo Anh, MI6 mời cộng tác trong Thế Chiến Thứ Hai. Khi tham gia công tác Graham Greene đã để lại sau lưng gần một chục cuốn tiểu thuyết.
Trong nhiệm vụ đầu tiên, Greene được điều lên một chiếc tàu chở hàng mà điểm đến là Freetown, ở Sierra Leone. Đây là nơi quân phát xít Đức trung chuyển kim cương khai thác từ Tây Phi, nơi chính quyền Vichy của Pháp thân Đức Quốc Xã là một mối đe dọa.
Thời gian sống ở Freetown là chất liệu để ông soạn nên tác phẩm The Heart of the Matter (1948)
Từ Malaysia đến Panama, từ Kenya đến Nicaragua, Cuba, từ Liên Xô đến Trung Quốc và cả Đông Dương… chỗ nào cũng có dấu giầy của Graham Greene.
Sài Gòn là nguồn cảm hứng để ông sáng tác Người Mỹ Trầm Lặng, với hồi kết về chiến tranh Việt Nam được nhà văn người Anh biết trước.
Về mặt chính thức, nhà văn Graham Greene đã ngưng cộng tác với cơ quan tình báo Anh năm 1944 nhưng theo những người bạn thân thiết của ông, thì Greene vẫn thường xuyên lui tới trụ sở của MI6 và tại đây Graham luôn "như cá gặp nước".
Le Monde nhắc lại một chi tiết trong cuộc đời của nhà văn người Anh này : năm 1956, FBI cấm Greene nhập cảnh vào Hoa Kỳ với lý do ông từng tham gia đảng Cộng Sản Anh trong vòng 4 tuần lễ. Cùng lúc Cơ quan tình báo Hoa Kỳ CIA cấp giấy phép đạo diễn Joseph Mankiewicz khởi quay Người Mỹ Trầm Lặng tại Sài Gòn.
Thanh Hà