Vụ Trịnh Xuân Thanh : Đại diện Việt Nam tại Slovakia giữ im lặng (RFI, 09/08/2018)
Theo điều tra của báo Spectator ở Slovakia hôm nay 09/08/2018, không ai biết là ông Lê Hồng Quang, nguyên là cố vấn của cựu thủ tướng Robert Fico đang ở đâu.
Trụ sở công ty VIBA.AIR tại Slovakia (Ảnh chụp từ web spectator.sme.sk)
Các đại diện của Việt Nam tại Slovakia - những người có thể làm rõ thêm vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh - vẫn giữ im lặng từ tháng Sáu đến nay. Đại sứ quán Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Slovakia chỉ trả lời ngắn gọn cho Bộ Ngoại giao Slovakia, và các đại diện của họ vẫn ẩn náu phía sau những bức tường của tòa đại sứ.
Nhà riêng ông Lê Hồng Quang, nguyên cố vấn của cựu thủ tướng Robert Fico – người được cho là có mặt trên chiếc máy bay của chính phủ Slovakia được dùng vào việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh – được bảo trì cẩn thận. Trước lối vào, một cây đào xanh tốt, bãi cỏ được cắt xén, và hộp thư trống rỗng. Mặc dù một chiếc xe Mercedes sang trọng đang đậu gần ngôi nhà nằm tại quận Vajnory của thủ đô, nhưng không ai ra mở cửa.
Chúng tôi liên lạc với đại sứ quán Việt Nam để có được những bình luận về những thông tin mới nhất liên quan đến vụ bắt cóc ông Thanh. Mặc dù đã gọi lại rất nhiều lần trong tuần qua, vẫn không ai trả lời.
Đại sứ quán Việt Nam nằm trong một cao ốc văn phòng ở trung tâm thành phố Bratislava. Bạn không thể vào bên trong, mà phải bấm vào một nút chuông hoạt động rất tệ. Một nữ nhân viên sứ quán nói tiếng Anh trả lời sau tiếng chuông thứ hai.
Khi được hỏi có thể nói chuyện với một nhà ngoại giao hay không, bà nói : "Rất tiếc, nhưng văn phòng chúng tôi vừa đóng cửa". Sau khi được nhắc rằng còn 15 phút nữa mới hết giờ làm việc, nhân viên này nói rằng cả đại sứ lẫn tham tán công sứ đều vắng mặt. Và để dập tắt ý định của chúng tôi muốn vào bên trong tòa nhà, bà nói : "Tôi không biết chừng nào các vị ấy mới về, good-bye !". Hôm sau, không ai trả lời các hồi chuông nữa.
Không trả lời cả Bộ Ngoại giao Slovakia
Lần cuối cùng mà Bộ Ngoại giao Slovakia liên lạc được với các đại diện ngoại giao Việt Nam là vào tháng Sáu. Đại sứ quán khẳng định Trịnh Xuân Thanh không có mặt trên chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia hồi tháng 7/2017 đưa phái đoàn của bộ trưởng Nội Vụ Việt Nam Tô Lâm từ Bratislava đến Moskva.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Slovakia, ông Boris Gandel cho biết : "Bộ Ngoại Giao ngay lập tức đã hỏi đại sứ Việt Nam làm thế nào ông Thanh có thể bay từ Berlin đến Hà Nội. Cho đến nay, chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời". Ông Gandel nói thêm, Bộ Ngoại giao rất quan tâm đến vụ này, và định triệu mời đại sứ Dương Trọng Minh lần nữa. "Nếu xác định được rằng Cộng hòa Slovakia đã bị Việt Nam lợi dụng, thì không thể nào không để lại hậu quả".
Ông Gandel không muốn nói trước về khả năng Slovakia rút cơ quan đại diện khỏi Việt Nam, hay trục xuất đại sứ Việt Nam khỏi Slovakia. Tuy nhiên ông nhắc lại là đại sứ quán Slovakia tại Việt Nam đang do Ivana Belcáková lãnh đạo với tư cách đại biện, tức là thấp hơn cấp đại sứ.
Vị cố vấn bí ẩn của cựu thủ tướng Fico
Cho đến gần đây, đại diện Slovakia tại Việt Nam là ông Lê Hồng Quang, một người gốc Việt mang quốc tịch Slovakia, từ năm 2015 là cố vấn về ngoại thương cho thủ tướng thời đó là ông Robert Fico của đảng Smer cầm quyền.
Trả lời nhật báo Plus 7 Dní hồi tháng 5/2018, ông Lê Hồng Quang nói : "Tôi được giao chức vụ này vì có nhiều kinh nghiệm trong lãnh vực kinh doanh, cũng như từng làm việc ở nhiều vị trí khác nhau trong lãnh vực công ở Slovakia, đặc biệt trong việc hợp tác đầu tư".
Lúc đó (tháng 05/2018), ông Quang được Bộ Ngoại giao Slovakia triệu hồi để tham vấn, và không đưa trở lại Việt Nam.
Theo báo chí Đức, tháng 7/2017, ông Lê Hồng Quang tham gia một cuộc họp kỳ lạ giữa bộ trưởng Nội Vụ thời đó là Robert Kalinák và đồng nhiệm Việt Nam tại khách sạn Bôrik ở Bratislava. Cuộc gặp này được cho là cái cớ để hỏi mượn chiếc máy bay của chính phủ, nhằm dễ dàng đưa người bị bắt cóc là Trịnh Xuân Thanh ra khỏi không gian Schengen. Tại Việt Nam, ông Lê Hồng Quang bị nghi ngờ là tham nhũng khi cấp một visa và cũng có vai trò trong vụ bắt cóc.
Ông Quang đến Slovakia vào thời kỳ cộng sản, và đến năm 1990 tốt nghiệp kỹ sư – theo nhật báo Plus 7 Dní. Sau đó ông bắt đầu làm kinh doanh và đến năm 2001 được nhập quốc tịch Slovakia.
Mất tích ở Slovakia
Có rất ít thông tin trên internet về ông Lê Hồng Quang. Tên ông không có trong danh sách của Phòng Thương mại mặc dù trong quá khứ ông tham gia ba công ty.Thời gian làm việc lâu nhất là ở công ty Viba.Air, có trụ sở tại quận Vajnory ở thủ đô.
Tại địa chỉ này là một ngôi nhà cũ, được dùng làm chỗ ở cho một đại lý du lịch. Ở nhà thuốc tây kế bên, các nhân viên nói rằng công ty du lịch này đã đóng cửa cách đây khoảng một năm. Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin xảy ra cũng đúng một năm về trước. Trong cùng tòa nhà có trụ sở của Phòng Thương mại Việt – Slovakia, nhưng hôm thứ Hai 06/08/2018, dường như không có ai tại đây.
Cả khoảng sân lẫn không gian đằng trước tòa nhà đều có hệ thống camera theo dõi. Trên cánh cổng màu xanh ở bên trái căn nhà, có đặt một hộp thư. Hôm thứ Hai một tờ báo được bỏ vào đây, nhưng đến thứ Ba đã biến mất. Trong khoảng sân có vẻ được dọn dẹp thường xuyên, còn có một chiếc xe đạp ba bánh và những chiếc ghế dành cho mùa hè. Không có chuông ở đây, và không ai trả lời dù đã gào rất to.
Trên mảnh đất đối diện do hai vợ chồng ông Lê Hồng Quang sở hữu, là một ngôi nhà đã được nâng cấp, với một chiếc Mercedes sang trọng đậu phía trước. Gần đó là một cây táo to trĩu quả và một cây đào. Hôm thứ Hai có thể với lên hái một quả, thì đến thứ Ba chẳng còn quả nào.
Những người láng giềng không biết gì ngoài việc là có những người Việt sống ở đó. Địa chỉ này cũng là trụ sở của cộng đồng người Việt ở Slovakia.
Lần cuối cùng ông Lê Hồng Quang đăng ký kinh doanh có địa chỉ là một căn hộ ở Bratislava-Nové Mesto, được cho là nơi thường trú. Đây cũng là địa chỉ đăng ký kinh doanh của vợ ông, bà Trần Thị An Lộc, đồng sở hữu duy nhất của công ty Viba.Air.
Một người hàng xóm, mà tên ở nút chuông là Kovácová nói : "Tôi chưa bao giờ thấy có ai như thế ở đây". Năm cư dân khác cũng cho biết tương tự.
Địa chỉ của công ty Vinamarket mà ông Quang đã bán lại năm 2006, nằm tại một căn hộ ở Petrazalka. Roman Szalay, sống tại đây, nói : "Chưa bao giờ có một người Việt nào cư ngụ ở đây".
Sở hữu chủ hiện nay của Vinamarket, ông Oliver Kuzmický, đã đổi tên công ty thành K&K Market. Ông chẳng nhớ gì về Lê Hồng Quang, cũng chẳng tiếp xúc, nói rằng sở dĩ mua lại công ty vì nằm trong tòa nhà mà ông đang làm ăn.
Cựu thủ tướng Robert Fico không trả lời câu hỏi ông có còn giữ liên hệ với ông Lê Hồng Quang, hay có biết ông ấy hiện đang ở đâu hay không.
Thụy My
*******************
Vụ Trịnh Xuân Thanh : Nhà ngoại giao Slovakia gốc Việt biệt tăm (VOA, 09/08/2018)
Hôm 9/8, một tờ báo của Slovakia loan tin rằng ông Lê Hồng Quang, nhà ngoại giao cấp cao của Slovakia tại Việt Nam, người được cho là có mặt trên chuyến bay của chính phủ Slovakia được dùng để bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, vẫn bặt tin.
Ông Lê Hồng Quang phát biểu tại một sự kiện ở Đại sứ quán Việt Nam tại Bratislava, Slovakia. Photo Đại sứ quán Việt Nam tại Bratislava
Theo báo The Slovak Spectator (Spectator), không có ai trả lời khi phóng viên bấm chuông nơi cư ngụ của ông Lê Hồng Quang, nguyên cố vấn của cựu thủ tướng Slovakia Robert Fico.
Ông Quang được cho là có mặt trên chiếc máy bay của chính phủ Slovakia được dùng vào việc bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh. Cũng theo báo Spectator, tương tự như vậy, các đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Slovakia - những người có thể làm rõ thêm vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh - vẫn giữ im lặng từ tháng 6 cho đến nay. Tờ báo viết : "các đại diện của họ vẫn ẩn náu phía sau những bức tường của tòa đại sứ".
Báo Spectator nói : "Chúng tôi đã liên lạc với đại sứ quán Việt Nam để yêu cầu bình luận về những thông tin mới nhất liên quan đến vụ bắt cóc ông Thanh. Mặc dù đã gọi rất nhiều lần trong tuần qua, vẫn không ai trả lời".
Ông Trịnh Xuân Thanh ra tòa tại Hà Nội.
Đại sứ quán Việt Nam nằm trong một cao ốc văn phòng ở trung tâm thành phố Bratislava. Khi được hỏi có thể nói chuyện với một nhà ngoại giao hay không, một nữ nhân viên sứ quán nói tiếng Anh trả lời sau tiếng chuông thứ hai : "Rất tiếc, nhưng văn phòng chúng tôi vừa đóng cửa".
Tờ báo chia sẻ thêm rằng sau khi được nhắc nhở rằng còn 15 phút nữa mới hết giờ làm việc, nhân viên sứ quán Việt Nam nói cả ngài đại sứ lẫn tham tán công sứ đều vắng mặt. Và hôm sau, chúng tôi đến lần nữa, nhưng không ai trả lời các hồi chuông.
Lần cuối cùng mà Bộ Ngoại giao Slovakia liên lạc được với các đại diện ngoại giao Việt Nam là hồi tháng 6. Khi ấy, Đại sứ quán khẳng định "Trịnh Xuân Thanh không có mặt trên chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia" hồi tháng 7/2017 khi đoàn của Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm được đưa từ Bratislava đến Moscow.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Slovakia, ông Boris Gandel, thuật lại rằng ông đã đặt nghi vấn với sứ quán Việt Nam : "Làm thế nào ông Thanh có thể bay từ Berlin đến Hà Nội ?". Ông nói tiếp : "Cho đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được câu trả lời từ phía Việt Nam".
Theo ông Gandel, Bộ Ngoại Giao Slovakia rất quan tâm đến vụ này, và có ý định triệu mời đại sứ Việt Nam tại Slovakia Dương Trọng Minh một lần nữa. "Nếu xác định được rằng Cộng hòa Slovakia đã bị Việt Nam lợi dụng, thì không thể nào không có hậu quả", ông nhấn mạnh.
Ông Gandel không muốn đề cập tới khả năng Slovakia rút cơ quan đại diện khỏi Việt Nam, hay trục xuất đại sứ Việt Nam ra khỏi Slovakia. Tuy nhiên, ông nhắc lại là đại sứ quán Slovakia tại Việt Nam đang do bà Ivana Belcáková lãnh đạo với tư cách đại biện lâm thời, tức là thấp hơn cấp đại sứ.
Theo nhật báo TAZ của Đức, ông Lê Hồng Quang, người được hứa hẹn bổ nhiệm làm đại sứ nước này tại Hà Nội, là một trong 4 giới chức Slovakia có mặt trong cuộc họp với các đối tác Việt Nam tại khách sạn Borik ở Brastila, thủ đô của Slovakia, 3 ngày sau khi diễn ra vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh.
Theo báo chí Đức, tháng 7/2017, ông Lê Hồng Quang tham gia một cuộc họp bất thường giữa Bộ trưởng Nội Vụ thời đó là Robert Kalinák và đồng nhiệm Việt Nam tại khách sạn Bôrik ở Bratislava. Cuộc gặp này được cho là cái cớ để hỏi mượn chiếc máy bay của chính phủ Slovakia, nhằm dễ dàng đưa người bị bắt cóc, là ông Trịnh Xuân Thanh, ra khỏi khu vực Schengen. Tại Việt Nam, ông Lê Hồng Quang bị nghi ngờ là tham nhũng liên quan tới việc cấp một visa, và cũng vì vai trò của ông liên quan tới vụ bắt cóc.
*********************
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh : Chính phủ Slovakia bị khủng hoảng (RFI, 07/08/2018)
Theo bản tin của hãng thông tấn Đức DPA lúc 16 giờ chiều ngày 06/08/2018, vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Berlin đang thực sự gây ra một cuộc khủng hoảng cấp quốc gia ở Slovakia. Quan hệ Đức – Việt cũng bị căng thẳng.
Cựu bộ trưởng Nội Vụ Slovakia Robert Kalinak bị báo chí tố cáo có dính líu đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. (United States Department of State)
Thông tín viên Trung Khoa từ Berlin cho biết thêm chi tiết :
Nghi ngờ về sự dính líu của nhà chức trách Slovakia trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh từ Berlin đã gây ra một cuộc khủng hoảng chính trị tại thủ đô Bratislava. Bộ trưởng Nội Vụ, bà Denisa Sakova, tuyên bố hôm thứ Hai rằng, trong thời gian điều tra về nghi ngờ này, bà đã đình chỉ công việc của người đứng đầu cơ quan Nhà nước bảo vệ an ninh cho yếu nhân.
Mặc dù vậy, tổng thống Slovakia, ông Andrej Kiska, không thuộc đảng phái nào, còn đòi bãi nhiệm bà bộ trưởng Nội Vụ Denisa Sakova. Sau cuộc gặp thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini, thuộc đảng Dân Chủ Xã Hội, nguyên thủ Slovakia tuyên bố, ông không còn tin tưởng bà bộ trưởng Nội Vụ nữa và cơ quan của bà là cánh tay phải của cựu bộ trưởng Nội Vụ Kalinak.
Cùng ngày hôm qua, chưởng lý Jaromir Ciznar thỉnh cầu tổng thống triệu tập một cuộc họp với thủ tướng và chủ tịch Quốc Hội Slovakia nhằm giải quyết khủng hoảng.
Trên Facebook ông Kalinak, cựu bộ trưởng Nội Vụ Slovakia, phủ nhận các cáo buộc.
Tuần rồi nhật báo Đức "Frankfurter Allgemeine Zeitung" và nhật báo Slovakia "Dennik N" cáo buộc nhà chức trách Slovakia, bao gồm cả bộ trưởng Nội Vụ vào thời điểm đó, ông Robert Kalinak, đã dính líu đến vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hồi cuối tháng 7 năm 2017 mặc dù biết rõ vụ việc ngay từ đầu. Cựu bộ trưởng Nội Vụ Kalinak đã nhiều lần lên tiếng trên Facebook phủ nhận sự nghi ngờ này. Mặc dù ông đã cung cấp chiếc chuyên cơ của chính phủ Slovakia cho một phái đoàn Việt Nam để bay ra khỏi khu vực Schengen, nhưng ông có thể loại trừ trường hợp nạn nhân bị bắt cóc đã được đưa lên chuyên cơ này.
Trong thời gian qua, chính quyền Việt Nam bắt giữ và đưa ra xét xử nhiều quan chức cao cấp, nhân danh chiến dịch chống tham nhũng. Ông Trịnh Xuân Thanh bị kết án 2 lần tù chung thân trong hai phiên tòa xét xử ở Việt Nam về tội tham nhũng và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.Vụ bắt cóc ông Thanh tại Berlin đã gây căng thẳng trong quan hệ Đức-Việt.
Trọng Thành
****************
Slovakia cho cảnh sát khai chứng vụ Trịnh Xuân Thanh (VOA, 07/08/2018)
Bộ Nội vụ Slovakia sẽ cho phép cảnh sát khai chứng trong cuộc điều tra vụ Trịnh Xuân Thanh, người mà Đức nói bị các điệp viên Việt Nam bắt cóc đưa về Việt Nam thông qua ngã Slovakia.
Ông Trịnh Xuân Thanh khi ra tòa
Vụ bắt cóc, theo cáo giác, xảy ra trong chuyến công du đến Slovakia của Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm hồi tháng 7 năm ngoái.
Các công tố viên Đức cho rằng ông Thanh, người lúc đó đang làm hồ sơ xin tỵ nạn ở Đức, đã bị nhân viên mật vụ Việt Nam ‘bắt cóc’ trên đường phố ở Berlin và được đưa về Việt Nam. Sau đó, ông Thanh đã bị đưa ra xét xử và bị kết án chung thân.
Tuần trước, nhật báo Dennik N của Slovakia dẫn lời một số sỹ quan cảnh sát nước này xác nhận rằng ông Thanh đã bị bí mật đưa về Việt Nam trên một phi cơ công vụ của chính phủ Slovakia.
Ông Thanh đã bị bắt đưa vào một chiếc xe van từ Berlin đến Bratislava qua ngõ Prague, sau đó được dồn chung vào phái đoàn của ông Tô Lâm rồi rời khỏi Slovakia trên phi cơ của chính phủ nước này, tờ Dennik N tường thuật.
Vụ việc đã làm quan hệ giữa Đức và Việt Nam trở nên căng thẳng và khiến Đức cáo buộc Việt Nam vi phạm luật pháp quốc tế. Một tòa án Đức hồi tháng 7 đã kết án một người đàn ông Việt Nam 3 năm 10 tháng tù sau khi ông này thú nhận đã giúp đỡ mật vụ Việt Nam bắt cóc ông Thanh.
Slovakia cho đến nay vẫn tìm cách tránh liên can và cựu Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak hôm 3/8 đã phủ nhận mọi sự dính líu của Chính phủ Slovakia trong vụ bắt giữ Trịnh Xuân Thanh và gọi mọi cáo buộc là ‘khoa học viễn tưởng’.
Hôm thứ Hai ngày 6/8, Bộ Nội vụ Slovakia ra thông cáo : "Bộ trưởng Nội vụ Denisa Sakova đã quyết định rằng các cảnh sát được miễn trách nhiệm bảo mật thông tin trong vụ bắt cóc một công dân Việt Nam từ Đức đưa về Việt Nam".
Cáo buộc về sự dính líu của chính phủ Slovakia đã gây căng thẳng trong liên minh cầm quyền gồm ba đảng của nước này. Đối tác phụ trong liên minh là Đảng Most-Hid hôm 6/8 nói rằng họ sẽ không thể ở lại trong liên minh nếu tin tức mà báo chí loan tải được xác nhận là có thật.
Thủ tướng Peter Pellegrini hôm 6/8 nói rằng ông sẽ điều Bộ trưởng Sakova và Cảnh sát trưởng Milan Lucansky đến Đức để hợp tác với cảnh sát nước này điều tra vụ việc.