Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

08/08/2018

Căng thẳng trong nội bộ Iran và Saudi Arabia : Trung Đông trở nên bất ổn

RFI tiếng Việt

Mỹ trừng phạt Iran : Đức cảnh báo gia tăng bất ổn tại Trung Đông (RFI, 08/08/2018)

Hôm 08/08/2018, một ngày sau khi Washington tái áp đặt các trừng phạt kinh tế đối với Iran, nhằm ngăn chặn tham vọng mở rộng ảnh hưởng của Tehran tại Trung Đông, ngoại trưởng Đức lên tiếng cảnh báo, quyết định của Mỹ có thể có tác dụng ngược, khiến tình hình khu vực này thêm trầm trọng hơn.

trungdong1

Hình vẽ chống Mỹ trên một bức tường ở thủ đô Tehran, Iran. Ảnh chụp ngày 13/10/2017.Nazanin Tabatabaee Yazdi/TIMA via Reuters

Trả lời báo chí địa phương, ngoại trưởng Đức Heiko Maas báo động với tổng thống Mỹ là : "Việc cô lập Iran có thể tạo thuận lợi cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của các thế lực cực đoan". Lãnh đạo ngoại giao Đức nhắc đến Irak và Libya như các bài học nhãn tiền cho thấy, nếu Iran rơi vào hỗn loạn, tình hình của khu vực vốn đã bất ổn này lại càng thêm bất ổn hơn.

Theo ngoại trưởng Heiko Maas, quan điểm của Berlin là từ bỏ hiệp định về hạt nhân với Iran (đạt được năm 2015) "là một sai lầm". Dù thỏa thuận này có nhiều điều bất cập, nhưng có được thỏa thuận này rõ ràng còn hơn không.

Nhiều công ty lớn Châu Âu rút lui

Trước việc Mỹ tái áp đặt trừng phạt, Đức cùng các đối tác Châu Âu khác như Pháp và Anh, kêu gọi các doanh nghiệp tiếp tục hợp tác với Iran, và hứa hẹn có các biện pháp để giảm nhẹ các hậu quả, đặc biệt với việc tái áp dụng "luật ngăn chặn trừng phạt", cho phép các doanh nghiệp Châu Âu kiện những đối tượng, định chế gây thiệt hại cho họ, do thực thi trừng phạt của Mỹ. Tuy nhiên, cho đến nay, nhiều doanh nghiệp lớn Châu Âu, như các công ty Pháp Total hay PSA và Renault, đã quyết định rút khỏi thị trường Iran, để tránh bị vạ lây. Hôm qua, đến lượt tập đoàn xe hơi Đức Daimler tuyên bố ra đi.

Thông tín viên Pascal Thibaut tường trình từ Berlin :

Daimler từng dự kiến sản xuất và bán xe tải Mercedes tại Iran trong khuôn khổ một kế hoạch hợp tác với nhiều doanh nghiệp địa phương. Nhà chế tạo xe hơi Đức - từng làm việc tại Iran trong vòng 50 năm, cho đến 2010 - nêu lý do tình hình kinh tế Iran và thị trường xe hơi nước này tiến triển ít thuận lợi để lấy cớ rút khỏi quốc gia này.

Nhiều doanh nghiệp lớn khác của Đức rút khỏi Iran do sợ các trừng phạt của Mỹ. Đây là trường hợp của hãng Adidas, từng ký một hợp đồng với Liên đoàn bóng đá Iran hồi năm ngoái. Còn tổng giám đốc của Siemens mới đây đã đưa ra các số liệu để chứng minh tầm quan trọng của thị trường Mỹ : 60.000 nhân viên của hãng làm việc tại Mỹ, với 24 tỉ đô la doanh thu, so với 600 triệu ở Iran.

Theo Phòng Thương Mại Đức - Iran, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Đức có thể sẽ không thay đổi chiến lược, nếu các doanh nghiệp này không làm ăn tại Mỹ. Điều này đặc biệt đúng với trường hợp lĩnh vực máy công cụ.

Hàng hóa xuất khẩu Đức sang Iran tăng 16% trong năm ngoái. Tuy số hàng này chỉ chiếm 0,2% trong toàn bộ xuất khẩu của Đức, nhưng nước vẫn là một đối tác thương mại quan trọng của Iran. Hai nước có mối quan hệ lâu đời. Trong những năm 1970, Iran từng là đối tác kinh tế thứ hai của Đức ở ngoài Châu Âu, sau Hoa Kỳ.

Trọng Thành

****************

Saudi Arabia làm căng với bên ngoài để ổn định bên trong ? (RFI, 08/08/2018)

Thái độ cứng rắn bất ngờ của chính quyền Saudi Arabia với Canada trong những ngày qua đã làm cho không ít nhà quan sát ngạc nhiên. Thế nhưng động thái gây căng thẳng này của chế độ Ryad dưới quyền điều hành của thái tử Mohammed ben Salmane được cho là nhắm vào đối nội, tăng cường uy tín trong nước của thái tử vào lúc nhân vật này đang cho tiến hành những biện pháp cải tổ đầy rủi ro vì đụng chạm tới thành phần bảo thủ còn rất mạnh ở vương quốc này.

trungdong2

Thái tử Vương Quốc Saudi Arabia Mohammed benn Salmane tại thượng đỉnh Liên Đoàn Ả Rập ở Dhahran 15/04/2018. BANDAR AL-JALOUD / Saudi Royal Palace / AFP

Điều đầu tiên thu hút sự chú ý trong cuộc khủng hoảng ngoại giao hiện nay giữa Ryad và Ottawa là tính chất dữ dội khác thường của các phản ứng từ phía Saudi Arabia, nhằm trả đũa một sự kiện về bản chất chỉ là một tin nhắn twitter của đại sứ Canada tại Ryad, bày tỏ thái độ "quan ngại sâu sắc" trước việc có thêm một số nhà hoạt động nhân quyền Saudi Arabia bị chính quyền bắt giữ.

Ngay sau khi tin nhắn được tung ra, Ryad đã ra lệnh trục xuất đại sứ Canada, triệu hồi đại sứ của mình về nước, đình chỉ giao thương với Canada, đình chỉ các chuyến bay của hảng hàng không Saudi Arabia đến Toronto, cắt học bổng đại học cho sinh viên đang học ở Canada và sẽ chuyển hàng ngàn sinh viên Saudi Arabia qua học ở nước khác…

Theo hãng tin Pháp AFP, chuyên gia James Dorsey thuộc Trường Nghiên Cứu Quốc Tế S. Rajaratnam tại Singapore : "Đó rõ ràng là một cố gắng nhằm hù dọa các nước (ngoài) để giảm thiểu những lời chỉ trích Saudi Arabia".

Theo ghi nhận của AFP, đây không phải là lần đầu tiên mà chính quyền Ryad gây căng thẳng với nước ngoài khi bị chỉ trích.

Vào tháng 3 năm 2015, Saudi Arabia đã triệu hồi đại sứ tại Stockholm về nước để phản đối việc Thụy Điển chỉ trích về tình trạng nhân quyền ở Saudi Arabia.

Vào đầu năm 2018 này, theo hãng tin Mỹ Bloomberg, Ryad cũng đã giảm hẳn quan hệ với các công ty Đức sau một cuộc tranh cãi ngoại giao với Berlin, xuất phát từ việc ngoại trưởng Đức trước đó đã cho rằng xứ Liban là con "chốt" trong tay Saudi Arabia, sau khi thủ tướng Liban Saad Hariri bất ngờ tuyên bố từ chức trong chuyến thăm Ryad.

Ông Khalil Harb, một chuyên gia về các vấn đề vùng Vịnh, ghi nhận là trong lịch sử của mình, Saudi Arabia thường có một đường lối ngoại giao rất kín đáo, thận trọng. Do vậy, phản ứng "hung hăng và táo bạo" đối với Canada có thể minh họa cho một chính sách mới do thái tử Mohammed ben Salmane chủ trương.

Một trong những thành tố của chính sách này là chủ nghĩa dân tộc cao độ, như đã được ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir nhắc lại hôm 06/08 vừa qua, theo đó, nước ông "từ chối mọi hành vi can thiệp vào công việc nội bộ của mình và sẽ xử lý mọi sự can thiệp một cách kiên quyết".

Chuyên gia Kristin Diwan thuộc viện nghiên cứu các Quốc Gia Vùng Vịnh tại Washington nhận định rằng cuộc khủng hoảng với Canada là một ví dụ về "chủ nghĩa dân tộc cao độ đang phát triển tại Saudi Arabia, vốn chủ trương bảo vệ mạnh mẽ chủ quyền thông qua các biện pháp trừng phạt nhắm vào các nước" dám chỉ trích Ryad.

Tuy nhiên, những người ủng hộ thái tử Saudi Arabia cho rằng ông chỉ tìm cách tránh những rắc rối có thể tác hại đến kế hoạch cải cách xã hội và kinh tế mà ông đề ra, vốn đang vấp phải cản lực từ nhiều giới cực kỳ bảo thủ tại vương quốc này.

Vị thái tử trẻ tuổi - năm nay chỉ mới 32 tuổi - đã cho áp dụng một loạt biện pháp cải cách ở một đất nước mà một nửa dân số dưới 25 tuổi. Nổi bật nhất là quyết định hủy bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe chẳng hạn.

Bà Najah al Otaibi, chuyên gia phân tích tại Hiệp Hội Arabia Foundation, thân chính quyền Ryad, khẳng định : "Thái tử muốn thay đổi, nhưng không muốn bị nước khác hướng dẫn, và cũng không muốn thay đổi quá nhanh chóng gây nên xung đột trong vương quốc".

Trọng Nghĩa

Quay lại trang chủ
Read 503 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)