Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

09/08/2018

Thương mại Mỹ-Trung : cả hai đều thấm đòn từ quốc phòng qua thương mại, ra Biển Đông vào đất liền

Tổng hợp

Trung Quốc "thấm đòn" trong cuộc chiến thương mại với Mỹ (CaliToday, 10/08/2018)

Hậu quả thấy ngay của chiến tranh mậu dịch Trung-Mỹ, kể từ khi Tổng thống Trump loan báo cho tăng thuế vào hàng hóa nhập cảng vào tháng 5, là thị trường chứng khoán của Trung Quốc tuột dốc như xe không phanh.

don0

Nền kinh tế Trung Quốc loạng choạng giống như một võ sĩ quyền Anh bị đối phương tấn công dồn ép.Photo Credit : The Economist

Càng kéo dài, "chiến trận buôn bán" giữa hai siêu cường nhất nhì thế giới về kinh tế chỉ càng làm cho đồng yuan thêm mất giá. kể từ tháng 4 đến nay, đồng Yuan đã bị giảm giá đến 8%, tức gần đến mức yếu nhất của nó từ trên 1 năm qua.

Điều được ghi nhận thứ nhì là trong lúc nền kinh tế Mỹ tiếp tục phát triển rất tốt đẹp, kể từ năm 2014 đến nay, thì nền kinh tế Trung Quốc loạng choạng giống như một võ sĩ quyền Anh bị đối phương tấn công dồn ép.

Trước đây trung Quốc vẫn còn tự tin về mặt kỹ thuật nhưng với vụ công ty ZTE chuyên chế tạo chất bán dẫn bị Hoa Kỳ trừng phạt nặng nề mới đây, Bắc kinh bắt đầu thấy ‘thấm đòn’. Một nhà quản lý tài chính Trung Quốc nhận xét : "Người Mỹ không muốn thỏa hiệp, họ muốn "siết" chúng tôi trong tay".

Tổng thống Trump còn ra lệnh toán đàm phán mậu dịch chuẩn bị tăng thuế thêm 25% vào đầu tháng 9 trên tổng trị giá 200 tỉ đô la, khiến tổng trị giá hàng Trung Quốc bị tăng thuế đạt 250 tỉ. Trung Quốc phản pháo vào ngày 3 tháng 8 lên 60 tỉ đô la hàng của Mỹ, khiến tổng trị giá hàng Mỹ chịu thuế cao là 110 tỉ đô la.

Thời điểm của chiến tranh mậu dịch cũng gây bất lợi cho Bắc Kinh, vì từ 2 năm qua, chính phủ Trung Quốc cố ‘kềm cương lại’ về mức nợ quốc gia đã lên quá cao. Trong cuộc họp khẩn của Bộ Chính Trị vào ngày 31 tháng 7, các lãnh tụ của Trung Quốc đều đồng ý là phải kiểm soát cho được công nợ quốc gia.

Các quan sát viên cho là hậu quả của chiến tranh mậu dịch sẽ lộ rõ trong năm tới, nhưng theo hướng ngược lại, vì Trung Quốc dần dần sẽ lấy lại sức mạnh tài chính, còn Hoa Kỳ đã đạt đến đỉnh của vòng chu kỳ phát triển kinh tế với chuyện những mối lợi của chính sách giảm thuế của chính phủ Trump sẽ dần dần tan biến.

Trường Giang

*****************

Mỹ tăng ngân sách quốc phòng 2019 nhằm kìm hãm Trung Quốc (RFI, 09/08/2018)

Luật ngân sách quốc phòng Mỹ (NDAA) cho năm 2019, được Quốc Hội thông qua ngày 01/08/2018, đã tăng thêm hơn 10% so với tài khóa 2018 và đạt đến 716,3 tỉ đô la. Ngoài tăng cường một số hoạt động viễn chinh ở Afghanistan, Syria, Iraq, Somalia, tăng lương cho quân nhân và hiện đại hóa lực lượng quân sự, Trung Quốc trở thành đối tượng chính bị nhắm đến trong Luật Ngân sách Quốc Phòng Mỹ, theo phân tích của nhà báo Bill Gert trên trang Washington Free Beacon ngày 08/08/2018.

mytrung1

Trụ sở bộ Quốc Phòng - Lầu Năm Góc, Washington DC, Hoa Kỳ ngày 29/03/2018 - Reuters/Yuri Gripas/File Photo

Kiềm chế bành trướng quân sự

Thứ nhất, Luật ngân sách quốc phòng 2019 kêu gọi Lầu Năm Góc mở rộng bán vũ khí cho Đài Loan, đồng thời tổ chức các cuộc tập trận chung với lực lượng quốc phòng của hòn đảo mà Bắc Kinh luôn coi là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc.

Thứ hai, Luật NDAA còn kêu gọi bộ Quốc Phòng Mỹ không mời Quân Đội Giải Phóng Nhân Dân Trung Quốc (PLA) tham gia cuộc tập trận hải quân Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) có quy mô lớn nhất thế giới và được tổ chức hai năm một lần, chừng nào Bắc Kinh không rút hết vũ khí khỏi các đảo ở Biển Đông và phải chứng minh được hoạt động tham gia ổn định khu vực trong suốt bốn năm trước khi được mời tham gia lại RIMPAC.

Washington đã rút lời mời Hải Quân Trung Quốc tham gia RIMPAC 2018 vì Bắc Kinh tăng cường bồi đắp và quân sự hóa bất hợp pháp nhiều đảo đá đang có tranh chấp ở Biển Đông.

Lời kêu gọi không mời Trung Quốc tiếp tục tham gia RIMPAC được giải thích một phần qua nhận xét của thượng nghị sĩ Cộng Hòa Jim Inhofe, thành viên danh dự của Ủy ban Quân lực, về đà gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc. Ông Jim Inhofe đã nỗ lực để Luật ngân sách quốc phòng mới tập trung đối phó mọi hành động thù nghịch của Trung Quốc, như hỗ trợ và tham gia huấn luyện các đồng minh trong khu vực, thường xuyên báo cáo hoạt động bất hợp pháp, kể cả gián điệp của Trung Quốc.

Điểm thứ ba trong Luật ngân sách quốc phòng 2019 là yêu cầu bộ Quốc Phòng Mỹ công bố nhiều hơn hành vi bức hiếp của Bắc Kinh ở Biển Đông và những nơi khác. Ví dụ các hoạt động quân sự và bồi đắp đảo của Trung Quốc trong khu vực phải được thông báo ngay lập tức cho Quốc Hội lưỡng viện Mỹ và công bố rộng rãi để nắm rõ hơn về hoạt động của Trung Quốc.

Điểm thứ tư, căn cứ vào các cuộc tấn công tin học của Trung Quốc, Luật ngân sách quốc Phòng 2019 cũng trao cho quân đội quyền được phản công đáp trả các mối đe dọa từ Trung Quốc, Nga, Bắc Triều Tiên hoặc Iran. Ngoài ra, bộ Quốc Phòng Mỹ còn được yêu cầu đánh giá khả năng chiến tranh điện tử với Trung Quốc và Nga.

Vẫn theo Luật ngân sách quốc phòng 2019, Lầu Năm Góc có thể tự lập kế hoạch hành động 5 năm và xác định các lực lượng cần thiết nhằm ổn định vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. Ngoài ra, hàng năm, bộ Quốc Phòng cũng phải báo cáo với Quốc Hội lưỡng viện về hoạt động xây dựng hạ tầng, căn cứ quân sự trên biển của Trung Quốc, cũng như các chiến dịch gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc trong các lĩnh vực truyền thông, thương mại, văn hóa…

Theo dõi chặt chẽ hoạt động thương mại của Trung Quốc

Tuy nhiên có một thiếu sót trong luật ngân sách 2019 là việc bỏ điều khoản liên quan đến việc cấm xuất khẩu công nghệ Mỹ cho tập đoàn viễn thông ZTE của Trung Quốc, để chắc chắn được tổng thống Donald Trump phê chuẩn. Tập đoàn ZTE, sử dụng linh kiện của Mỹ và bị tình nghi có liên quan đến quân đội Trung Quốc, đã được Washington nới lỏng trừng phạt vốn được áp dụng do tập đoàn này vi phạm cấm vận đối với Iran và Bắc Triều Tiên.

Chính vì điểm này, thượng nghị sĩ Cộng Hòa Marco Rubio đã bỏ phiếu chống luật ngân sách 2019 vì theo ông các nghị sĩ Mỹ đã nhượng bộ quá dễ dàng, "đã đến lúc phải mở to mắt. Không một nước nào do thám chúng ta và đánh cắp sở hữu trí tuệ của đất nước chúng ta như Trung Quốc và họ sử dụng các công ty truyền thông như ZTE để làm việc này".

Một điểm mới được nêu trong Luật ngân sách quốc phòng 2019 là cứ hai năm, Ủy Ban Đầu Tư Nước Ngoài vào Mỹ thuộc bộ Ngân Khố phải lập một bản báo cáo chi tiết về hoạt động đầu tư của Trung Quốc tại Hoa Kỳ, như lĩnh vực đầu tư, các công ty mới lập hoặc bị mua lại có giá trị dưới 50 triệu đến 1 tỉ đô la, xác định danh tính của các công ty Trung Quốc và chi nhánh nằm dưới sự kiểm soát của Bắc Kinh, cũng như số người lao động.

Chỉ một ngày sau khi Luật ngân sách quốc phòng Mỹ 2019 được Quốc Hội thông qua ngày 01/08, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngay lập tức lên tiếng tố cáo "tâm lý chiến tranh lạnh" và kêu gọi chính quyền Mỹ không thông qua "những điều khoản tiêu cực liên quan đến Trung Quốc". Luật ngân sách quốc phòng Mỹ 2019 đang chờ được tổng thống Trump phê chuẩn.

Thu Hằng

******************

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung leo thang (RFI, 09/08/2018)

Sau khi Hoa Kỳ loan báo sẽ đánh thuế đợt hai ở mức 25% lên 16 tỉ đô la hàng Trung Quốc kể từ 23/8, hôm qua 08/08/2018, Bắc Kinh đã trả đũa ngay với việc áp đặt mức thuế tương đương, với cùng trị giá hàng và cùng một ngày áp dụng.

mytrung2

Với đậu tương nhập từ Mỹ, nhà máy Lương Hữu, Khúc Phụ, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, tinh chế dầu thực phẩm. (Ảnh chụp ngày 04/07/2018) - Reuters/Jason Lee/File Photo

Từ Bắc Kinh, thông tín viên Heike Schmidt gởi về bài tường trình :

"Bắc Kinh vẫn trung thành với nguyên tắc ăn miếng trả miếng. Xe hơi, xe tải, than đá, khí đốt và xăng dầu, thậm chí kim loại phế liệu… tất cả là 333 mặt hàng sẽ bị đánh thuế 25% kể từ ngày 23/8.

Thêm một lần nữa phát ngôn viên bộ Thương Mại lại biện minh : Trung Quốc buộc lòng phải có biện pháp trả đũa để bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, và đả kích các hành động hoàn toàn phi lý của Hoa Kỳ.

Nhưng nếu Bắc Kinh đánh trả từng đòn một, trên thực tế, hai nền kinh tế lớn nhất thế giới không chiến đấu với vũ khí tương xứng, và sự leo thang sắp tới sẽ đạt đến giới hạn. Bởi vì Trung Quốc nhập khẩu 130 tỉ đô la hàng Mỹ, trong khi Hoa Kỳ mua hàng của Trung Quốc gấp bốn lần.

Dù vậy báo chí Nhà nước vẫn nói rằng Trung Quốc chẳng việc gì phải lo ngại, đưa ra lý lẽ : tăng trưởng vẫn vững vàng vì tiêu thụ nội địa giờ đây tăng đến 58%, và không còn lệ thuộc vào Hoa Kỳ".

Hồi đầu tuần, Nhân Dân Nhật Báo mỉa mai ông Donald Trump đã tổ chức một "vụ đánh nhau trên đường phố", còn hôm nay China Daily viết rằng Hoa Kỳ chứng tỏ "lối suy nghĩ kiểu mafia" khi tiếp tục áp thuế hải quan lên hàng Trung Quốc.

Thụy My

****************

Trung Quốc khuyến khích các công ty quốc doanh hoạt động tại biển Đông (RFA, 09/08/2018)

Một nghiên cứu của Viện Yusof Ishak tại Singapore cho thấy các công ty nhà nước Trung Quốc đang được khuyến khích xây dựng và mở các cơ sở kinh doanh tại hai quần đảo đang tranh chấp ở Biển Đông là Trường Sa và Hoàng Sa.

mytrung3

Giàn khoan HD 981 trên biển đông. AFP

Nghiên cứu liệt kê một số công ty như Tập đoàn xây dựng viễn thông Trung Quốc (CCCC), Công ty dịch vụ lữ hành quốc gia Trung Quốc (CTSG), và Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC).

Theo nghiên cứu, công Ty CCCC đã thiết lập những cơ sở tại quần đảo Hoàng Sa đang tranh chấp với Việt Nam và đang để mắt tới các dự án mở rộng du lịch, hậu cần, dánh bắt cá. Công ty đã đầu tư 15 tỷ đô la trên nhiều lĩnh vực. Công ty này cũng phối hợp với CTSG phát triển các tuyến du lịch đến Hoàng Sa.

Theo cơ quan an toàn hàng hải Hải Nam của Trung Quốc, từ tháng 4 năm 2013 đến nay, Trung Quốc đã tổ chức cho hơn 70.000 khách du lịch đến Hoàng Sa.

Theo nghiên cứu mới, công ty CNOOC cũng đang thúc đẩy việc khoan tìm, khai thác dầu khí ở vùng biển tranh chấp. Chính CNOOC là công ty đã đầu tư 32 tỷ đô la cho việc khai thác và lắp đặt giàn khoan HD 981 được đưa ra Hoàng Sa hồi năm 2014 khiến quan hệ Việt Trung căng thẳng.

Tác giả của nghiên cứu này là bà Tiết Công cho rằng nếu Bắc Kinh duy trì được sức mạnh của họ tại các đảo này, đồng thời vẫn duy trì được ổn định tại khu vực, thì cơ hội làm ăn trên hải lộ thương mại lớn bậc nhất thế giới của các công ty này là vô cùng lớn.

Một số chuyên gia và nhà ngoại giao lại cho rằng sự hiện diện của các công ty này sẽ làm cho giải pháp về Biển Đông trong tương lai trở nên rắc rối hơn.

Chính phủ Bắc Kinh chưa lên tiếng về nghiên cứu này.

*******************

Nỗi sợ 'chết vì nóng' buộc Trung Quốc di cư xuống miền Nam ? (BBC, 08/08/2018)

Dân số đông và biến đổi khí hậu có thể là nhân tố thúc đẩy hàng trăm triệu cư dân Trung Quốc xuống phía Nam để tránh nóng, theo phân tích của tác giả Jamie Seidel tờ News.com của Úc.

mytrung4

Khoảng 400 người đã tạm trú tại một trạm tàu điện có điều hòa tại Thượng Hải để tránh đợt sóng nhiệt vào 2013

Tác giả còn mạnh bạo cho rằng, đây có thể chính là lý do "Trung Quốc rất quan tâm đến Biển Đông".

Theo một báo cáo mới công bố trên tạp chí khoa học Nature Communications, các đợt sóng nhiệt chết người sẽ càn quét khắp miền bắc Trung Quốc trong vòng 50 năm. Nếu không di cư, 400 triệu người dân ở đó chỉ có vài giờ để sống.

Báo cáo cho biết chi tiết ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đối với vùng Bình nguyên Hoa Bắc, bao gồm các siêu đô thị Bắc Kinh và Thiên Tân.

Khu vực này từng là những cánh đồng màu mỡ mênh mông giờ là những nơi có mật độ dân cư đông nhất trên Trái đất.

"Địa điểm này sẽ là điểm nóng nhất cho các đợt sóng nhiệt (heatwave) chết người trong tương lai, đặc biệt là dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu", giáo sư MITat Elf Eltahir, tác giả chính của báo cáo nói với kênh news.com.au.

Nhiệt độ + độ ẩm = chết người ?

mytrung5

Nhiều người dân Thượng Hải nằm la liệt bên bờ sông để giải nhiệt khi thành phố này có đợt nắng nóng kỉnh lục vào năm ngoái.

Trong 50 năm, các nhà khoa học dự báo rằng ngay cả trong bóng râm, nhiệt độ và độ ẩm xung quanh vẫn có thể sẽ giết chết con người trong vòng sáu giờ.

Vì vấn đề không chỉ là ở nhiệt độ mà còn là lượng ẩm trong không khí quyết định liệu cơ thể có thể hạ nhiệt hay không.

Khái niệm này được gọi là nhiệt độ 'bầu ướt' (wet-bulb).

Khả năng chịu được nhiệt của cơ thể con người phụ thuộc vào khả năng thoát mồ hôi và thông qua sự bốc hơi làm mát da.

Độ ẩm cao có nghĩa là không có không gian trong không khí thoát lượng mồ hôi đó đi và nó sẽ cứ bám vào cơ thể, khiến cơ thể cứ tiếp tục nóng lên.

"Điều này tạo ra một tình trạng gọi là 'độc tính tế bào nhiệt' gây hại cho nhiều cơ quan nội tạng", Nhà nghiên cứu Đại học Hawaii, Camilo Mora nói với AFP.

"Nó giống như bị cháy nắng, nhưng bên trong cơ thể".

Báo cáo của tờ Nature Communications cho biết với các điều kiện thời tiết hiện tại thì tình trạng 'nhiệt độ bầu ướt' có thể xảy ra vào 2070.

Trung Quốc đang 'nóng lên rất nhanh'

Tình trạng thời tiết khí hậu ở miền Bắc Trung Quốc nhiều năm qua đang đi theo chiều hướng xấu.

mytrung6

Người dân Trung Quốc đổ xô đến một công viên nước ở một tỉnh phía Tây Nam để giải nhiệt

Theo các dữ liệu khí tượng, từ 1970, các đợi sóng nhiệt đã trở nên gay gắt hơn và thường xuyên hơn. Từ năm 1990, tần suất sóng nhiệt gia tăng nhanh chóng.

Theo báo cáo, nhiệt độ trung bình ở vùng Bình nguyên Hoa Bắc tăng 1,35 độ C so với nhiệt độ được ghi nhận vào thập niên 1950.

Nhiều thành phố lớn của Trung Quốc đã và đang chịu ảnh hưởng.

Vào năm 2013, nhiệt độ ở thành phố Thượng Hải đạt mức kỷ lục trong 141 năm qua, khiến hàng chục người chết.

Thêm vào đó, khu vực này đang trải qua tình trạng biến đổi khí hậu với tốc độ gấp đôi những nơi còn lại trên thế giới.

Viễn cảnh 2070 ?

Các đợt sóng nhiệt chết người kết hợp với tình trạng nhiệt độ bầu ướt có thể sẽ quá giới hạn chịu đựng của những người nông dân, Giáo sư Eltahir nói.

mytrung7

Nhiều nông dân sẽ không thể làm việc trong đợt sóng nhiệt, hoặc thậm chí sẽ chết vì đột quỵ trong vài giờ và sẽ dẫn đến tình trạng khan hiếm thực phẩm.

Vào những năm 2070, nhiều người nông dân sẽ chết vì đột quỵ do nhiệt trong vòng sáu giờ, dù họ đang nghỉ ngơi trong bóng râm hay không.

Các điều kiện trong các thành phố sẽ khủng khiếp nhưng có thể sống được nếu có điều hòa không khí.

Nhưng nguồn cung cấp thực phẩm sẽ rơi vào tình trạng khủng hoảng. Và điều kiện sống sẽ không thể bảo đảm.

Khoảng 400 triệu người có thể bị buộc phải di cư đến nơi khác để có khí hậu mát lạnh hơn.

Bản báo cáo kết luận : "Trung Quốc hiện là nước thải ra nhiều khí thải tạo hiệu ứng nhà kính nhất trên thế giới, với những tác động nghiêm trọng đến dân số của chính mình : Việc tiếp tục mô hình xả thải hiện tại có thể hạn chế khả năng sinh sống của khu vực đông dân nhất ở quốc gia đông dân nhất trên trái đất".

Quay lại trang chủ
Read 477 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)