Giáo hoàng Francis trước nguy cơ "đảo chính"
Trước tai tiếng ấu dâm mà Giáo hội đang trải qua, với đỉnh điểm là quyết định ngày 28/09/2018 huyền chức linh mục Fernando Karadima, người Chile, giáo hoàng Francis triệu tập toàn bộ chủ tịch các hội đồng giám mục đến họp thượng hội đồng giám mục tại Roma từ ngày 21-24/02/2019. Mục tiêu là "phòng ngừa lạm dụng đối với trẻ em và người lớn yếu đuối".
Giáo hoàng Francis tại quảng trường Thánh Phêrô, Vatican, ngày 26/06/2018. Reuters/Tony Gentile
Với chủ đề "Hiểm họa lơ lửng trên Vatican", Courrier international trở lại tai tiếng ấu dâm đeo bám Tòa Thánh với một số bài nhận định của báo chí nước ngoài. Tai tiếng này càng làm gia tăng sự sứt mẻ trong nội bộ Vatican, dù những người ủng hộ vẫn đoàn kết bảo vệ giáo hoàng Francis.
Liệu giáo hoàng Francis phải ra đi sau 5 năm đứng đầu Giáo hội ?
Ít ra đây là một toan tính của cánh bảo thủ trong Vatican do lo sợ Giáo hội bị thay đổi chưa từng có. Đây là nhận định của báo Financial Times (Luân Đôn), được Courrier international trích dịch. Tờ báo Anh cho rằng "trước khuynh hướng cởi mở và các chính sách cải cách của giáo hoàng, cánh truyền thống trong Giáo hội tìm cách khai thác sự phản đối kịch liệt về các vụ lạm dụng tình dục để lật đổ giáo hoàng".
Âm mưu này bắt đầu từ cuối tháng 08/2018. Giáo hoàng Francis tông du Ireland, nơi Vatican bị lên án nhắm mắt làm ngơ trước những lời tố cáo ấu dâm xảy ra tại quốc gia này trong suốt nhiều năm. Giáo hoàng đã gặp gỡ nạn nhân, không ngừng xin lỗi, thể hiện hổ thẹn và cầu nguyện cho các nạn nhân. Mọi nỗ lực của giáo hoàng Francis bị dội gáo nước lạnh ngay khi trở về. Trong bức thư ngỏ, sứ thần Vatican ở Mỹ, tổng giám mục Carlo Maria Viganò, cáo buộc giáo hoàng bao che các vụ ấu dâm của cựu giám mục Washington Theodor McCarrick. Không vòng vo, tác giả bức thư yêu cầu giáo hoàng từ chức.
Chỉ trích thì nhiều nhưng bằng chứng thì ít, bức thư dài 11 trang còn nhắm đến 12 quan chức Vatican, phần lớn là những người thân cận của giáo hoàng Francis và có những quan điểm tiến bộ. Theo ông Brendan Walsh, tổng biên tập tuần báo Công giáo Anh The Tablet, "kẻ thù của giáo hoàng Francis và những cải cách của ngài sử dụng "bằng chứng" của Viganò để yêu cầu giáo hoàng từ chức. Họ sử dụng tai tiếng ấu dâm phục vụ cho mục đích chính trị riêng".
Tư tưởng cởi mở của giáo hoàng Francis bị phản đối trong Vatican
Thực vậy, phe bảo thủ rộng quyền hành động trong suốt 50 năm qua, ngay cả dưới thời giáo hoàng John Paul II và Benedict XVI. Vì vậy, họ tìm cách hạ uy tín giáo hoàng Francis, người chủ trương cải cách và quan trọng hơn là phải làm được trước khi giáo hoàng lập được một đa số tiên tiến trong hội đồng bầu giáo hoàng. Đây chính là điểm mấu chốt của cuộc chiến hiện nay. Họ không muốn giáo hoàng tương lai sẽ tiếp tục những cải cách của người tiền nhiệm Francis.
Ngoài ra, phe bảo thủ còn chống giáo hoàng Francis vì những lời kêu gọi độ lượng, thái độ từ bi đối với người đồng tính, người li hôn hoặc tái hôn. Với Vatican, đây là cách thích ứng với thực tế xã hội, nhưng với phe bảo thủ, đây là "một cách lách giáo lý" và điều này không chấp nhận được.
Phe chống giáo hoàng Francis không ngần ngại gắn những vụ ấu dâm với việc giáo hoàng không lên án người đồng tính. Theo ông Chris Patten, chủ tịch danh dự đại học Oxford, kiêm cố vấn truyền thông của giáo hoàng, "gắn vấn đề đồng tính với các vụ ấu dâm là cách đê hèn mà phe cực hữu trong Giáo hội không ngần ngại sử dụng" để hạ uy tín giáo hoàng Francis.
Bài báo kết luận cuộc chiến tranh giành quyền lực không những gây ảnh hưởng đến danh tiếng của Vatican, mà còn kéo dài nỗi đau, sự chịu đựng của các nạn nhân lạm dụng tình dục trong Giáo hội. Nhiều tiếng nói bắt đầu chỉ trích giáo hoàng Francis còn lưỡng lự để đưa thủ phạm ra pháp luật.
Với báo La Repubblica (Roma), khi tung tin đồn Vatican bị chia rẽ sâu sắc, những người tung tin có một mục đích chính trị rất rõ ràng : thu phục lại số giáo dân bảo thủ nhất, thất vọng vì giáo hoàng Francis.
Nhìn từ nước Mỹ, nhật báo Washington Post, được Courrier international trích dịch, nhận định những con chiên mộ đạo nhất cũng bắt đầu nghi ngờ sau những phát giác ấu dâm gần đây trong Giáo hội. Điều trớ trêu, theo nhận định của giáo sư thần học Mỹ Joseph Capizzi, "chúng ta không tin vào hội đồng giám mục để giải quyết các vấn đề này. Rất nhiều người muốn một cơ quan thế tục điều tra. Họ quen hơn và cảm thấy thoải mái hơn với ý tưởng này".
Đây chính là trường hợp tại Pháp. Mới đây, nhiều nhân vật quan trọng đã yêu cầu thành lập một ủy ban điều tra nghị viện về tình trạng ấu dâm trong Giáo hội Pháp, hiện còn rất chậm trễ so với những gì đã được tiến hành ở một số nước như Chile, Úc, Mỹ, Đức...
Iran : Tại sao tổng thống Trump sẽ thắng ?
Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015. Dù các nước còn lại muốn duy trì thỏa thuận và tiếp tục quan hệ kinh tế với Tehran, thì việc này vẫn khó có thể thực hiện trước quyết tâm của tổng thống Mỹ và những bất đồng nội bộ Iran. Courrier international trích bài phân tích của Foreign Policy (Washington) để trả lời câu hỏi : "Tại sao Trump sẽ thắng trong hồ sơ Iran ?"
Thứ nhất, tổng thống Trump tuyên bố rõ ràng sẽ trừng phạt bất kỳ ai làm ăn với Iran. Mục đích chính là bóp nghẹt nền kinh tế và chặn mọi nguồn thu nhập của Iran, chủ yếu là từ dầu lửa. Ý đồ phản đối của Châu Âu sẽ còn được thử thách trong thời gian tới, khi Mỹ áp dụng loạt trừng phạt thứ hai từ đầu tháng 11.
Thứ hai, các tập đoàn lớn nước ngoài đã rời khỏi Iran, nhiều doanh nghiệp khác từ chối vận chuyển dầu của nước này do lo sợ bị cấm tham gia vào hệ thống tài chính Mỹ. Đối với phần lớn các đại tập đoàn này, bị cắt đứt khỏi thị trường Mỹ, nhất là hệ thống tài chính thế giới mà Mỹ thống trị, sẽ cầm chắc cái chết trong tay.
Theo đánh giá của chuyên gia Matthew Kroenig, đại học Georgetown, "thỏa thuận hạt nhân đã bị chôn vùi ngay khi Mỹ thông báo sẽ rút. Châu Âu tự gây ảo tưởng nếu họ nghĩ có thể cứu vãn thỏa thuận này". Nhưng dù sao Liên Hiệp Châu Âu vẫn có thể kéo dài thỏa thuận thêm một thời gian thông qua "trao đổi" nhờ hệ thống ngân hàng quốc tế Swift mà Iran vẫn là thành viên từ năm 2015. Chừng nào còn là thành viên của hệ thống có 11.000 thành viên trên khắp thế giới, Iran vẫn có thể chuyển tiền ra nước ngoài. Tuy nhiên, trong quá khứ, Swift đã phải lùi bước trước sức ép của Hoa Kỳ, loại Iran ra khỏi hệ thống tài chính Mỹ trong khuôn khổ loạt trừng phạt do chính quyền Obama ban hành năm 2012.
Để ngăn cản hệ thống này, chính quyền Trump sẽ phải trừng phạt Châu Âu, nhưng chưa chắc tổng thống Mỹ sẵn sàng đi xa đến như vậy. Hiện tại, ngoại trưởng Mỹ Pompeo mới chỉ lên án "hệ thống đặc biệt" trên chỉ giúp cho Iran tài trợ khủng bố.
Ngoài sức ép từ Mỹ, tổng thống Iran Rohani còn phải đối mặt với nhiều vấn đề chính trị nghiêm trọng trong nước. Chương trình mở cửa của ông bị phe bảo thủ chỉ trích, ngay cả người dân, với hy vọng cải thiện cuộc sống từ 3 năm qua, cũng tỏ ra thất vọng.
Số nước thách thức các biện pháp trừng phạt Iran của Mỹ cũng bắt đầu giảm dần. Ví dụ như Ấn Độ, sau thời gian đầu kiên quyết tiếp tục mua dầu của Iran, dường như New Delhi đã ngừng nhập khẩu.
Dựa vào những yếu tố trên, có thể nói tổng thống Mỹ sẽ thắng. Nhưng thỏa thuận hạt nhân Iran khi trở nên vô hiệu lực, thì càng đẩy Tehran vào con đường phát triển hạt nhân, trong khi Iran hiện đang hùng mạnh hơn so với thời điểm năm 2013 khi các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân được bắt đầu.
Pháp : Hành trình tìm nguồn gốc của những trẻ sinh từ hỗ trợ sinh sản
Dự luật về hỗ trợ sinh sản (procréation médicalement assistée, PMA) sẽ được Nghị Viện Pháp nghiên cứu vào đầu năm 2019. Theo L’Obs, tại Pháp có khoảng 50.000 đến 70.000 đứa trẻ được sinh từ người cha hiến tinh trùng vô danh.
Theo luật năm 1994 về hỗ trợ sinh sản, người hiến tinh trùng hoàn toàn vô danh và phụ nữ nhận tinh trùng hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, theo bài phóng sự : "Sinh từ tinh trùng hiến tặng", ngày càng có nhiều người đòi quyền được biết nguồn gốc của mình. Họ "không tìm một người cha, vì đã có, mà muốn tìm hiểu về chính bản thân mình", theo phát biểu với L’Obs của một nha sĩ, sinh ra nhờ PMA. Nhiều hiệp hội được thành lập vì mục đích này và lời kêu gọi của họ đã được lắng nghe. Cuối tháng 09/2018, Ủy ban Tư vấn Đạo đức Quốc gia (CCNE) tuyên bố ủng hộ quyền được biết nguồn cội.
Theo thẩm định của giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo quản Trứng và Tinh trùng (Cecos), "chỉ có khoảng 20% cha mẹ cho con cái biết chúng được sinh ra trong điều kiện như nào". Hiện nay, các bác sĩ khuyến khích nói sự thật cho người được sinh ra nhờ PMA. Thậm chí, năm 2007, một cơ sở tư vấn tâm lý được thành lập trong bệnh viện Cochin ở Paris để hỗ trợ cha mẹ trong quá trình tiết lộ bí mật với con cái.
Phóng sự của L’Obs cho biết những người sinh từ tinh trùng hiến tặng không đòi hỏi gì hết, mà chỉ muốn có thêm một vài chi tiết sinh học trong cơ thể họ, và biết đâu có thể gặp được người đã giúp họ trào đời. Với tiến bộ khoa học ngày nay, họ còn cần những thông tin để theo dõi tình trạng sức khỏe và điều trị trong trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo.
Kẻ giết giải Nobel Văn Học
Mùa giải Nobel 2018 sẽ không có Nobel Văn Học mà thay vào đó là một phiên tòa được theo dõi sát sao. Jean-Claude Arnault, một người Pháp và là tâm điểm của vụ tai tiếng tiền-tình theo phong trào MeToo, vừa bị kết án hai năm tù vì tội hiếp dâm. Tuần báo Le Point điều tra về "Kẻ huênh hoang đã giết giải Nobel".
Vụ tai tiếng bắt đầu được phanh phui vào tháng 11/2017, 18 phụ nữ, đúng với số phụ nữ tại Viện Hàn Lâm Thụy Điển, tố cáo ông Arnault, 72 tuổi, cưỡng bức và quấy rối tình dục từ năm 2006 đến 2017.
Về các cáo buộc tình dục, ông Jean-Claude Arnault, giám đốc Forum, một trung tâm văn hóa có ảnh hưởng tại Stockholm, bị cáo buộc lợi dụng vị thế và quyền lực của mình để buộc phụ nữ phục tùng. Về tài chính, trung tâm Forum sống được một phần lớn là nhờ trợ cấp của Viện Hàn Lâm Thụy Điển và do chính vợ của ông, bà Katarina Frostenson, thành viên Viện Hàn Lâm, cấp cho. Bà cũng là người sở hữu một nửa trung tâm Forum, nơi mọi người dồn dập đổ về vì Forum là "nơi kích thích trí tuệ nhất ở Stockholm về nghệ thuật như âm nhạc, đọc và thảo luận về các nhà tư tưởng Pháp".
Tại Thụy Điển, hình ảnh Arnault giờ như một con quỷ bất trị. Một cuộc đời được thêu dệt từ những chiến tích, tiệc tùng náo nhiệt, thật giả lẫn lộn trong câu chuyện về "người Pháp". Theo bà Aline Bohman Gauguin (cháu gái họa sĩ Gauguin), một cộng tác viên khi mới thành lập Forum, Arnault là người dễ nổi nóng, "có thể mất kiên nhẫn đến mức thành hung hăng" và tuôn ra hàng tràng bực tức bằng tiếng Pháp. Từ vài chục năm qua, ông luôn có những hàng động, cử chỉ khêu gợi như vuốt tóc phụ nữ, thì thầm vào tai một lời khen hoặc tay quàng qua eo.
Nữ nhà văn kiêm luật gia Malin Persson Giolito nhận xét với Le Point : "Đây là một chấn thương ở Thụy Điển. Giới hoạt động văn hóa nghĩ rằng Arnault là một gương mặt quan trọng của văn hóa Pháp… Chúng tôi bị sốc… khi thấy Viện Hàn Lâm Thụy Điển bị một kẻ lừa đảo gây ấn tượng mạnh như vậy, vì ông ta nói tiếng Pháp. Viện Hàn Lâm bị lừa. Tôi nghĩ là hiện giờ mọi người đều cảm thấy bị lừa và rất ngốc".
Charles Aznavour : 94 tuổi mới rời đỉnh cao sự nghiệp
Sự ra đi của Charles Aznavour, ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên nổi tiếng người Pháp là chủ đề trên trang nhất của L’Obs và L’Express. L’Obs lấy câu mở đầu bài hát La Bohème nổi tiếng, "Tôi kể cho bạn nghe về một thời…" để thuật lại sự nghiệp của Aznavour.
Không được giới phê bình đánh giá cao khi mới vào nghề, nhưng Charles Aznavour đã từng bước nỗ lực vươn lên để đạt đến đỉnh cao danh vọng mà ông chỉ rời khi từ giã cõi đời ở tuổi 94. "Charles nhỏ bé" hát về cuộc sống, tình yêu, khiến cả thế giới rung động trước lời ca làm say đắm lòng người.
Tuần báo Courrier international trích dịch những lời chia buồn và ca ngợi sự nghiệp và tính cách của "Aznavour, cây đại thụ cuối cùng của làng nhạc Pháp" thông qua báo chí nước ngoài.
New York Times nhắc lại, "Mỹ là ngôi nhà thứ hai đối với Aznavour", nơi "Bob Dylan coi ông là một trong những nghệ sĩ lớn nhất trên sân khấu", theo Variety. Với báo Nhật Asahi Shimbum, ông là "hiện thân của làng nhạc Pháp". Bất chấp những phê bình ban đầu, "không có giọng hát hay. Không đẹp trai, thậm chí không cao lớn. Ông chẳng có tiêu chí gì để thành công. Nhưng ông đã bỏ ngoài tai và ông đã làm đúng", nhật báo Tây Ban Nha El País kết luận.
Thu Hằng