Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Giáo hoàng Francis trước nguy cơ "đảo chính"

Trước tai tiếng ấu dâm mà Giáo hội đang trải qua, với đỉnh điểm là quyết định ngày 28/09/2018 huyền chức linh mục Fernando Karadima, người Chile, giáo hoàng Francis triệu tập toàn bộ chủ tịch các hội đồng giám mục đến họp thượng hội đồng giám mục tại Roma từ ngày 21-24/02/2019. Mục tiêu là "phòng ngừa lạm dụng đối với trẻ em và người lớn yếu đuối".

francis1

Giáo hoàng Francis tại quảng trường Thánh Phêrô, Vatican, ngày 26/06/2018. Reuters/Tony Gentile

Với chủ đề "Hiểm họa lơ lửng trên Vatican", Courrier international trở lại tai tiếng ấu dâm đeo bám Tòa Thánh với một số bài nhận định của báo chí nước ngoài. Tai tiếng này càng làm gia tăng sự sứt mẻ trong nội bộ Vatican, dù những người ủng hộ vẫn đoàn kết bảo vệ giáo hoàng Francis.

Liệu giáo hoàng Francis phải ra đi sau 5 năm đứng đầu Giáo hội ?

Ít ra đây là một toan tính của cánh bảo thủ trong Vatican do lo sợ Giáo hội bị thay đổi chưa từng có. Đây là nhận định của báo Financial Times (Luân Đôn), được Courrier international trích dịch. Tờ báo Anh cho rằng "trước khuynh hướng cởi mở và các chính sách cải cách của giáo hoàng, cánh truyền thống trong Giáo hội tìm cách khai thác sự phản đối kịch liệt về các vụ lạm dụng tình dục để lật đổ giáo hoàng".

Âm mưu này bắt đầu từ cuối tháng 08/2018. Giáo hoàng Francis tông du Ireland, nơi Vatican bị lên án nhắm mắt làm ngơ trước những lời tố cáo ấu dâm xảy ra tại quốc gia này trong suốt nhiều năm. Giáo hoàng đã gặp gỡ nạn nhân, không ngừng xin lỗi, thể hiện hổ thẹn và cầu nguyện cho các nạn nhân. Mọi nỗ lực của giáo hoàng Francis bị dội gáo nước lạnh ngay khi trở về. Trong bức thư ngỏ, sứ thần Vatican ở Mỹ, tổng giám mục Carlo Maria Viganò, cáo buộc giáo hoàng bao che các vụ ấu dâm của cựu giám mục Washington Theodor McCarrick. Không vòng vo, tác giả bức thư yêu cầu giáo hoàng từ chức.

Chỉ trích thì nhiều nhưng bằng chứng thì ít, bức thư dài 11 trang còn nhắm đến 12 quan chức Vatican, phần lớn là những người thân cận của giáo hoàng Francis và có những quan điểm tiến bộ. Theo ông Brendan Walsh, tổng biên tập tuần báo Công giáo Anh The Tablet, "kẻ thù của giáo hoàng Francis và những cải cách của ngài sử dụng "bằng chứng" của Viganò để yêu cầu giáo hoàng từ chức. Họ sử dụng tai tiếng ấu dâm phục vụ cho mục đích chính trị riêng".

Tư tưởng cởi mở của giáo hoàng Francis bị phản đối trong Vatican

Thực vậy, phe bảo thủ rộng quyền hành động trong suốt 50 năm qua, ngay cả dưới thời giáo hoàng John Paul II và Benedict XVI. Vì vậy, họ tìm cách hạ uy tín giáo hoàng Francis, người chủ trương cải cách và quan trọng hơn là phải làm được trước khi giáo hoàng lập được một đa số tiên tiến trong hội đồng bầu giáo hoàng. Đây chính là điểm mấu chốt của cuộc chiến hiện nay. Họ không muốn giáo hoàng tương lai sẽ tiếp tục những cải cách của người tiền nhiệm Francis.

Ngoài ra, phe bảo thủ còn chống giáo hoàng Francis vì những lời kêu gọi độ lượng, thái độ từ bi đối với người đồng tính, người li hôn hoặc tái hôn. Với Vatican, đây là cách thích ứng với thực tế xã hội, nhưng với phe bảo thủ, đây là "một cách lách giáo lý" và điều này không chấp nhận được.

Phe chống giáo hoàng Francis không ngần ngại gắn những vụ ấu dâm với việc giáo hoàng không lên án người đồng tính. Theo ông Chris Patten, chủ tịch danh dự đại học Oxford, kiêm cố vấn truyền thông của giáo hoàng, "gắn vấn đề đồng tính với các vụ ấu dâm là cách đê hèn mà phe cực hữu trong Giáo hội không ngần ngại sử dụng" để hạ uy tín giáo hoàng Francis.

Bài báo kết luận cuộc chiến tranh giành quyền lực không những gây ảnh hưởng đến danh tiếng của Vatican, mà còn kéo dài nỗi đau, sự chịu đựng của các nạn nhân lạm dụng tình dục trong Giáo hội. Nhiều tiếng nói bắt đầu chỉ trích giáo hoàng Francis còn lưỡng lự để đưa thủ phạm ra pháp luật.

Với báo La Repubblica (Roma), khi tung tin đồn Vatican bị chia rẽ sâu sắc, những người tung tin có một mục đích chính trị rất rõ ràng : thu phục lại số giáo dân bảo thủ nhất, thất vọng vì giáo hoàng Francis.

Nhìn từ nước Mỹ, nhật báo Washington Post, được Courrier international trích dịch, nhận định những con chiên mộ đạo nhất cũng bắt đầu nghi ngờ sau những phát giác ấu dâm gần đây trong Giáo hội. Điều trớ trêu, theo nhận định của giáo sư thần học Mỹ Joseph Capizzi, "chúng ta không tin vào hội đồng giám mục để giải quyết các vấn đề này. Rất nhiều người muốn một cơ quan thế tục điều tra. Họ quen hơn và cảm thấy thoải mái hơn với ý tưởng này".

Đây chính là trường hợp tại Pháp. Mới đây, nhiều nhân vật quan trọng đã yêu cầu thành lập một ủy ban điều tra nghị viện về tình trạng ấu dâm trong Giáo hội Pháp, hiện còn rất chậm trễ so với những gì đã được tiến hành ở một số nước như Chile, Úc, Mỹ, Đức...

Iran : Tại sao tổng thống Trump sẽ thắng ?

Mỹ đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015. Dù các nước còn lại muốn duy trì thỏa thuận và tiếp tục quan hệ kinh tế với Tehran, thì việc này vẫn khó có thể thực hiện trước quyết tâm của tổng thống Mỹ và những bất đồng nội bộ Iran. Courrier international trích bài phân tích của Foreign Policy (Washington) để trả lời câu hỏi : "Tại sao Trump sẽ thắng trong hồ sơ Iran ?"

Thứ nhất, tổng thống Trump tuyên bố rõ ràng sẽ trừng phạt bất kỳ ai làm ăn với Iran. Mục đích chính là bóp nghẹt nền kinh tế và chặn mọi nguồn thu nhập của Iran, chủ yếu là từ dầu lửa. Ý đồ phản đối của Châu Âu sẽ còn được thử thách trong thời gian tới, khi Mỹ áp dụng loạt trừng phạt thứ hai từ đầu tháng 11.

Thứ hai, các tập đoàn lớn nước ngoài đã rời khỏi Iran, nhiều doanh nghiệp khác từ chối vận chuyển dầu của nước này do lo sợ bị cấm tham gia vào hệ thống tài chính Mỹ. Đối với phần lớn các đại tập đoàn này, bị cắt đứt khỏi thị trường Mỹ, nhất là hệ thống tài chính thế giới mà Mỹ thống trị, sẽ cầm chắc cái chết trong tay.

Theo đánh giá của chuyên gia Matthew Kroenig, đại học Georgetown, "thỏa thuận hạt nhân đã bị chôn vùi ngay khi Mỹ thông báo sẽ rút. Châu Âu tự gây ảo tưởng nếu họ nghĩ có thể cứu vãn thỏa thuận này". Nhưng dù sao Liên Hiệp Châu Âu vẫn có thể kéo dài thỏa thuận thêm một thời gian thông qua "trao đổi" nhờ hệ thống ngân hàng quốc tế Swift mà Iran vẫn là thành viên từ năm 2015. Chừng nào còn là thành viên của hệ thống có 11.000 thành viên trên khắp thế giới, Iran vẫn có thể chuyển tiền ra nước ngoài. Tuy nhiên, trong quá khứ, Swift đã phải lùi bước trước sức ép của Hoa Kỳ, loại Iran ra khỏi hệ thống tài chính Mỹ trong khuôn khổ loạt trừng phạt do chính quyền Obama ban hành năm 2012.

Để ngăn cản hệ thống này, chính quyền Trump sẽ phải trừng phạt Châu Âu, nhưng chưa chắc tổng thống Mỹ sẵn sàng đi xa đến như vậy. Hiện tại, ngoại trưởng Mỹ Pompeo mới chỉ lên án "hệ thống đặc biệt" trên chỉ giúp cho Iran tài trợ khủng bố.

Ngoài sức ép từ Mỹ, tổng thống Iran Rohani còn phải đối mặt với nhiều vấn đề chính trị nghiêm trọng trong nước. Chương trình mở cửa của ông bị phe bảo thủ chỉ trích, ngay cả người dân, với hy vọng cải thiện cuộc sống từ 3 năm qua, cũng tỏ ra thất vọng.

Số nước thách thức các biện pháp trừng phạt Iran của Mỹ cũng bắt đầu giảm dần. Ví dụ như Ấn Độ, sau thời gian đầu kiên quyết tiếp tục mua dầu của Iran, dường như New Delhi đã ngừng nhập khẩu.

Dựa vào những yếu tố trên, có thể nói tổng thống Mỹ sẽ thắng. Nhưng thỏa thuận hạt nhân Iran khi trở nên vô hiệu lực, thì càng đẩy Tehran vào con đường phát triển hạt nhân, trong khi Iran hiện đang hùng mạnh hơn so với thời điểm năm 2013 khi các cuộc đàm phán về thỏa thuận hạt nhân được bắt đầu.

Pháp : Hành trình tìm nguồn gốc của những trẻ sinh từ hỗ trợ sinh sản

Dự luật về hỗ trợ sinh sản (procréation médicalement assistée, PMA) sẽ được Nghị Viện Pháp nghiên cứu vào đầu năm 2019. Theo L’Obs, tại Pháp có khoảng 50.000 đến 70.000 đứa trẻ được sinh từ người cha hiến tinh trùng vô danh.

Theo luật năm 1994 về hỗ trợ sinh sản, người hiến tinh trùng hoàn toàn vô danh và phụ nữ nhận tinh trùng hoàn toàn miễn phí. Tuy nhiên, theo bài phóng sự : "Sinh từ tinh trùng hiến tặng", ngày càng có nhiều người đòi quyền được biết nguồn gốc của mình. Họ "không tìm một người cha, vì đã có, mà muốn tìm hiểu về chính bản thân mình", theo phát biểu với L’Obs của một nha sĩ, sinh ra nhờ PMA. Nhiều hiệp hội được thành lập vì mục đích này và lời kêu gọi của họ đã được lắng nghe. Cuối tháng 09/2018, Ủy ban Tư vấn Đạo đức Quốc gia (CCNE) tuyên bố ủng hộ quyền được biết nguồn cội.

Theo thẩm định của giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Bảo quản Trứng và Tinh trùng (Cecos), "chỉ có khoảng 20% cha mẹ cho con cái biết chúng được sinh ra trong điều kiện như nào". Hiện nay, các bác sĩ khuyến khích nói sự thật cho người được sinh ra nhờ PMA. Thậm chí, năm 2007, một cơ sở tư vấn tâm lý được thành lập trong bệnh viện Cochin ở Paris để hỗ trợ cha mẹ trong quá trình tiết lộ bí mật với con cái.

Phóng sự của L’Obs cho biết những người sinh từ tinh trùng hiến tặng không đòi hỏi gì hết, mà chỉ muốn có thêm một vài chi tiết sinh học trong cơ thể họ, và biết đâu có thể gặp được người đã giúp họ trào đời. Với tiến bộ khoa học ngày nay, họ còn cần những thông tin để theo dõi tình trạng sức khỏe và điều trị trong trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo.

Kẻ giết giải Nobel Văn Học

Mùa giải Nobel 2018 sẽ không có Nobel Văn Học mà thay vào đó là một phiên tòa được theo dõi sát sao. Jean-Claude Arnault, một người Pháp và là tâm điểm của vụ tai tiếng tiền-tình theo phong trào MeToo, vừa bị kết án hai năm tù vì tội hiếp dâm. Tuần báo Le Point điều tra về "Kẻ huênh hoang đã giết giải Nobel".

Vụ tai tiếng bắt đầu được phanh phui vào tháng 11/2017, 18 phụ nữ, đúng với số phụ nữ tại Viện Hàn Lâm Thụy Điển, tố cáo ông Arnault, 72 tuổi, cưỡng bức và quấy rối tình dục từ năm 2006 đến 2017.

Về các cáo buộc tình dục, ông Jean-Claude Arnault, giám đốc Forum, một trung tâm văn hóa có ảnh hưởng tại Stockholm, bị cáo buộc lợi dụng vị thế và quyền lực của mình để buộc phụ nữ phục tùng. Về tài chính, trung tâm Forum sống được một phần lớn là nhờ trợ cấp của Viện Hàn Lâm Thụy Điển và do chính vợ của ông, bà Katarina Frostenson, thành viên Viện Hàn Lâm, cấp cho. Bà cũng là người sở hữu một nửa trung tâm Forum, nơi mọi người dồn dập đổ về vì Forum là "nơi kích thích trí tuệ nhất ở Stockholm về nghệ thuật như âm nhạc, đọc và thảo luận về các nhà tư tưởng Pháp".

Tại Thụy Điển, hình ảnh Arnault giờ như một con quỷ bất trị. Một cuộc đời được thêu dệt từ những chiến tích, tiệc tùng náo nhiệt, thật giả lẫn lộn trong câu chuyện về "người Pháp". Theo bà Aline Bohman Gauguin (cháu gái họa sĩ Gauguin), một cộng tác viên khi mới thành lập Forum, Arnault là người dễ nổi nóng, "có thể mất kiên nhẫn đến mức thành hung hăng" và tuôn ra hàng tràng bực tức bằng tiếng Pháp. Từ vài chục năm qua, ông luôn có những hàng động, cử chỉ khêu gợi như vuốt tóc phụ nữ, thì thầm vào tai một lời khen hoặc tay quàng qua eo.

Nữ nhà văn kiêm luật gia Malin Persson Giolito nhận xét với Le Point : "Đây là một chấn thương ở Thụy Điển. Giới hoạt động văn hóa nghĩ rằng Arnault là một gương mặt quan trọng của văn hóa Pháp… Chúng tôi bị sốc… khi thấy Viện Hàn Lâm Thụy Điển bị một kẻ lừa đảo gây ấn tượng mạnh như vậy, vì ông ta nói tiếng Pháp. Viện Hàn Lâm bị lừa. Tôi nghĩ là hiện giờ mọi người đều cảm thấy bị lừa và rất ngốc".

Charles Aznavour : 94 tuổi mới rời đỉnh cao sự nghiệp

Sự ra đi của Charles Aznavour, ca sĩ, nhạc sĩ, diễn viên nổi tiếng người Pháp là chủ đề trên trang nhất của L’Obs và L’ExpressL’Obs lấy câu mở đầu bài hát La Bohème nổi tiếng, "Tôi kể cho bạn nghe về một thời…" để thuật lại sự nghiệp của Aznavour.

Không được giới phê bình đánh giá cao khi mới vào nghề, nhưng Charles Aznavour đã từng bước nỗ lực vươn lên để đạt đến đỉnh cao danh vọng mà ông chỉ rời khi từ giã cõi đời ở tuổi 94. "Charles nhỏ bé" hát về cuộc sống, tình yêu, khiến cả thế giới rung động trước lời ca làm say đắm lòng người.

Tuần báo Courrier international trích dịch những lời chia buồn và ca ngợi sự nghiệp và tính cách của "Aznavour, cây đại thụ cuối cùng của làng nhạc Pháp" thông qua báo chí nước ngoài.

New York Times nhắc lại, "Mỹ là ngôi nhà thứ hai đối với Aznavour", nơi "Bob Dylan coi ông là một trong những nghệ sĩ lớn nhất trên sân khấu", theo Variety. Với báo Nhật Asahi Shimbum, ông là "hiện thân của làng nhạc Pháp". Bất chấp những phê bình ban đầu, "không có giọng hát hay. Không đẹp trai, thậm chí không cao lớn. Ông chẳng có tiêu chí gì để thành công. Nhưng ông đã bỏ ngoài tai và ông đã làm đúng", nhật báo Tây Ban Nha El País kết luận.

Thu Hằng

Published in Quốc tế

Pháp muốn duy trì quyền tự do hàng hải ở biển Đông (RFA, 24/09/2018)

Pháp sẽ thảo luận với Úc nhằm tìm cách phối hợp các hoạt động tại biển Đông để duy trì quyền tự do hàng hải ở khu vực này.

bd1

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly trong một cuộc họp báo vào ngày 23 tháng 8 năm 2018 tại Helsinki, Phần Lan. AFP

Truyền thông trong nước dẫn tin của mạng News.com.au cho biết bà Florence Parly, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, nói như vậy trong chuyến thăm thành phố Adelaide của Úc để dự một buổi hội thảo quốc phòng vào hôm 24/9.

Bà Bộ trưởng Quốc phòng Pháp nhận định Pháp ‘không đứng về phía nào’ nhưng Paris ý thức được rằng Trung Quốc ngày càng trở nên lấn lướt tại Biển Đông.

Tin cho biết bà Florence khẳng định lập trường của Pháp rất rõ ràng về việc Bắc Kinh đang vướng mắc các quy tắc quốc tế nhưng Paris vẫn đối thoại cởi mở. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp còn cho biết Pháp sẽ vẫn tiếp tục cho tàu hoạt động ở khu vực Biển Đông.

Hồi cuối tháng 5 vừa qua, Pháp đã cho tàu đổ bộ tấn công Dixmude và một tàu hộ vệ đi qua Biển Đông, gần một số bãi đá nhân đạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp trong khu vực Trường Sa.

Biển Đông là khu vực hiện đang tranh chấp giữa các nước gồm Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc đòi 90% diện tích với đường đứt khúc chín đoạn vốn đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế ở the Hague bác bỏ trong một phán quyết đưa ra vào tháng 7 năm 2016.

*****************

Đài Loan mở rộng điều kiện nhập tịch đối phó "chảy máu chất xám" (RFA, 24/09/2018)

Đài Loan vừa đề xuất Dự luật di trú kinh tế nhằm phản ứng lại những nỗ lực của Bắc Kinh đang thu hút nhiều nhân tài khỏi hòn đảo tự trị.

bd2

Quốc kỳ Đài Loan - AFP

Đây là nội dung được tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng loan đi vào ngày 24 tháng 9, và cho biết thêm các nhà lập pháp của Đài Loan dự kiến sẽ quyết định vào tháng tới về việc liệu có cung cấp quyền công dân cho sinh viên và công nhân lành nghề từ Đông Nam Á để giúp đối phó với việc chảy máu chất xám sang Đại Lục.

Theo dự luật được đưa ra thì những người có kỹ năng đặc biệt sẽ có thể nộp đơn xin thường trú sau khi làm việc tại Đài Loan trong 3 năm ; các chuyên gia nước ngoài sẽ có thể làm tương tự sau khi làm việc trên đảo trong 5 năm, và các kỹ thuật viên trung cấp hoặc công nhân lành nghề sau 7 năm.

Ngoài ra, sinh viên nước ngoài tốt nghiệp và làm việc tại Đài Loan từ 5 đến 7 năm sẽ hội đủ điều kiện để nộp đơn. Luật mới cũng sẽ áp dụng cho các công nhân nước ngoài có tay nghề đã làm việc tại Đài Loan trong 7 năm.

Nếu được thông qua, dự luật sẽ ưu tiên mở cửa cho các chuyên gia từ Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Myanmar và các thành viên khác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên, luật cũng áp dụng cho các chuyên gia và sinh viên từ các nước ngoài khối.

Các quan chức và nhà phân tích cho biết, bên cạnh việc giải quyết vấn đề mất đi nguồn nhân lực lành nghề, dự luật này là một cách để Đài Loan giải quyết vấn đề lực lượng trong tuổi lao động đang bị giảm đi đáng kể.

Những nhà lãnh đạo ngành công nghiệp hài lòng đón nhận dự luật này. Tuy nhiên các nhà phê bình chỉ ra rằng các công dân Đài Loan tiềm năng mới sẽ không đầu tư vào trái phiếu chính phủ hay doanh nghiệp vì lợi nhuận để thúc đẩy tạo việc làm tại địa phương.

Do đó, Tsai Lien-sheng, tổng thư ký Liên đoàn Công nghiệp Quốc gia cho rằng các nhà lãnh đạo Đài Loan cần phải học hỏi từ Singapore và Hoa Kỳ, cho phép các nhà đầu tư có được quốc tịch nếu họ đáp ứng các yêu cầu nhập cư đầu tư của họ.

*********************

Lần đầu tiên Hồng Kông cấm một đảng đòi độc lập (RFI, 24/09/2018)

Lần đầu tiên từ khi Anh Quốc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997, một tổ chức tranh đấu cho Hồng Kông độc lập với Hoa lục đã bị cấm hoạt động. Đảng Dân Tộc là nạn nhân mới trong bàn tay can thiệp của Bắc Kinh, theo nhận định của giới nhân quyền.

bd3

Trần Hạo Thiên, lãnh đạo Đảng Dân Tộc Hồng Kông phát biểu tại Hồng Kông, ngày 14/08/2018.Paul Yeung/Pool via Reuters

Trong một thông cáo công bố hôm thứ Hai 24/09/2018, bộ trưởng An Ninh Hồng Kông John Lee cho biết đã "ra lệnh cấm mọi hoạt động của Đảng Dân Tộc Hồng Kông tại Hồng Kông", theo một đề xuất của cảnh sát hồi tháng 07. Tuy thừa nhận Đảng Dân Tộc chưa bao giờ sử dụng bạo động, nhưng bộ trưởng John Lee viện lẽ tổ chức này có mục tiêu "thành lập một chế độ Cộng Hòa tại Hồng Kông", do vậy trái với "hiến pháp". Chính quyền thân Trung Quốc lo ngại là Đảng Dân Tộc có một số hoạt động "tuyên truyền trong giới học sinh, kích động bài người đại lục đang sống ở Hồng Kông".

Theo AFP, Đảng Dân Tộc Hồng Kông chỉ có vài chục thành viên ở tuổi đôi mươi, nhưng gây được nhiều tiếng vang qua các đòi hỏi chính trị triệt để. Lãnh đạo Trần Hạo Thiên (Andy Chan) ngay tức khắc từ chối bình luận về quyết định cấm này. Đồng sáng lập viên Lương Thiên Kỳ thì đang lãnh án 6 năm tù từ tháng 06/2018.

Phản ứng về quyết định này, chính phủ Anh và các tổ chức nhân quyền kêu gọi Hồng Kông tôn trọng quyền tự do ngôn luận, theo đúng tinh thần bản tuyên bố chung Luân Đôn - Bắc Kinh năm 1997.

Tổ chức Human Rights Watch xem lệnh cấm Đảng Dân Tộc là "một quyết định lịch sử, một tiền lệ nguy hiểm" trong nỗ lực của Bắc Kinh và chính quyền đặc khu nhằm bóp nghẹt các quyền tự do của người dân Hồng Kông. HRW lo ngại các đảng khác cũng nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc.

Tú Anh

*****************

Vatican và Bắc Kinh đạt đồng thuận lịch sử, tín đồ vẫn cảm thấy bất an (RFI, 24/09/2018)

Tòa thánh Vatican ngày 22/09/2018 thông báo đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh trong việc bổ nhiệm các giám mục Trung Quốc. Tuy nhiên, bước đi xích lại gần đầu tiên này chưa đủ để giải tỏa mối lo âu của hàng chục triệu tín đồ công giáo "thầm lặng" tại Trung Quốc.

bd4

Bên trong một nhà thờ ở thành phố Đại Lí (Dali) tỉnh Vân Nam (Yunnan), Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 10/12/2015by Zhang Peng/LightRocket via Getty Images

Theo nhận định của hãng tin Pháp AFP, sự xích lại gần mang tính lịch sử này là một phúc lành dành cho chế độ cộng sản. Như vậy, Trung Quốc sẽ có một vai trò trong việc bổ nhiệm các giám mục. Trước mắt, đức giáo hoàng đồng ý công nhận 7 giám mục đã được chính quyền Bắc Kinh bổ nhiệm mà không cần ý kiến của ngài.

Thỏa thuận này dấy lên hy vọng nối lại bang giao giữa Tòa Thánh và chính quyền Bắc Kinh, bị đoạn tuyệt từ năm 1951.

Trên đài RFI , sử gia về tôn giáo, ông Odon Vallet, cho rằng, thỏa thuận này cho phép giải quyết các mối xung khắc giữa Vatican và Trung Quốc lâu từ gần 70 năm qua :

"Vatican và Trung Quốc bất hòa với nhau từ năm 1949. Trung Quốc thời Mao Trạch Đông muốn kiểm soát tuyệt đối việc bổ nhiệm các giám mục. Điểm mới ở đây, chính là việc hai bên đã có một sự thỏa hiệp, theo đó, các giám mục sẽ được bổ nhiệm theo sự đồng thuận giữa chính phủ Trung Quốc và Tòa Thánh.

Tại Trung Quốc có hai Giáo hội. Một Giáo hội chính thức được chính phủ công nhận, nhưng các giám mục lại không được Vatican công nhận. Rồi có một Giáo hội thầm lặng, thường xuyên bị sách nhiễu, bởi vì các giám mục của Giáo hội này lại không được chính quyền Bắc Kinh chấp nhận, và đôi khi những vị này được Vatican bí mật bổ nhiệm".

Tuy nhiên, nhiều tín đồ Giáo hội thầm lặng vẫn chưa thật sự an tâm vì thỏa thuận Vatican – Trung Quốc không đề cập đến một sự bảo đảm nào về tự do tín ngưỡng tại Trung Quốc.

Minh Anh

Published in Châu Á

Những giới hạn của ngoại giao Vatican tại Miến Điện

Báo chí Pháp có nhiều bài nói về chuyến tông du Miến Điện và Bangladesh của giáo hoàng Francis.

vatican1

Giáo hoàng Francis tới nhà thờ Saint Mary để cử hành thánh lễ, Rangoon, Miến Điện, ngày 30/11/2017 -Reuters

Báo La Croix cho biết, "Tại Bangladesh, giáo hoàng kêu gọi hành động giúp người Rohingya".

Sau bốn ngày làm việc tại Miến Điện, hôm qua, giáo hoàng Francis đã tới Bangladesh và một trong những câu hỏi được một số nhà tranh đấu cho nhân quyền đặt ra là liệu ngài có dùng từ Rohingya để kêu gọi sự giúp đỡ cho sắc tộc thiểu số theo đạo Hồi đã phải chạy trốn khỏi Miến Điện để tị nạn tại đây. Cũng như tại Miến Điện, giáo hoàng vẫn không dùng từ Rohingya, nhưng lại một lần nữa, và rất cụ thể, ngài nhắc đến hoàn cảnh của cộng đồng này. Thực ra, thay vì nói, giáo hoàng hành động và thông thường là hành động kín đáo. Trên đường từ Rangoon Miến Điện sang Dacca, Bangladesh, ngài đã bay qua các khu tị nạn của người Rohingya. Trong cuộc gặp giới lãnh đạo Bangladesh và ngoại giao đoàn, ngày hôm qua, giáo hoàng đã kêu gọi cộng đồng quốc tế cần "tiến hành các biện pháp quyết định để đối phó với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng này", không chỉ tìm cách giải quyết các vấn đề chính trị đã gây ra cuộc di dân ồ ạt, mà còn phải trợ giúp vật chất ngay lập tức cho Bangladesh để đáp ứng một cách có hiệu quả các nhu cầu nhân đạo khẩn cấp.

Cũng theo hướng này, Le Figaro đưa tin, "Tại Bangladesh, giáo hoàng ủng hộ người Rohingya3. Theo tờ báo, giáo hoàng Francis đã biết giữ im lặng để sau đó, tiếng nói của ngài được lắng nghe hơn. Tuy không dùng từ Rohingya, nhưng trong bài diễn văn đầu tiên ngay khi tới Bangladesh, ngài đã kêu gọi cộng đồng quốc tế giúp đỡ những người tị nạn từ bang Rakhine, Miến Điện, ồ ạt chạy sang đây. Bang Rakhine là nơi sinh sống của đại đa số người Rohingya.

Thực ra, từ Vatican, nhiều tuần trước chuyến tông du này, giáo hoàng đã chuẩn bị lời kêu gọi cứu giúp người Rohingya. Nếu như tại Bangladesh, ngài không ngần ngại nêu ra thảm cảnh của sắc tộc Rohingya, đó là bởi vì giáo hội Công giáo Miến Điện đã thuyết phục ngài không nên dùng từ này, lo ngại là giới quân sự sẽ lợi dụng cuộc khủng hoảng Rohingya để tấn công giải Nobel Hòa Bình, bà Aung San Suu Kyi, nhằm xóa bỏ tiến trình chuyển đổi hướng tới dân chủ.

Tối thứ Tư, phát ngôn viên của Giáo hội Công Giáo Miến Điện đã nhắc nhở rằng, hòa đồng với làn sóng quốc tế để chỉ trích giáo hoàng và bà Aung San Suu Kyi là rơi vào bẫy của giới quân sự Miến Điện. Nếu không có sự dũng cảm tranh đấu của bà Aung San Suu Kyi thì không thể có chuyến tông du của giáo hoàng. Hàng ngàn người đã ngã xuống để thúc đẩy tiến trình chuyển đổi dân chủ và chúng ta không thể phản bội những ai đã đổ máu cho cuộc đấu tranh này.

Le Monde có bài xã luận nhận định về "Những giới hạn của ngoại giao Vatican tại Miến Điện".

Trong chuyến tông du thứ 21 bên ngoài nước Ý, kể từ khi được bầu, đức giáo hoàng Francis đã chấp nhận một rủi ro chính trị rất cao. Khi tới Miến Điện, một quốc gia đang vất vả thoát ra khỏi 50 năm chính quyền quân sự độc tài, ngài biết là mọi người chờ đợi ngài có một thông điệp mạnh mẽ về sự trấn áp phũ phàng đang giáng lên cộng đồng thiểu số Hồi giáo Rohingya, sinh sống tại bang Rakhine từ nhiều thế hệ qua.

Từ hồi tháng Tám, quân đội Miến Điện đã tiến hành một chiến dịch trấn áp, hãm hiếp và xua đuổi cộng đồng này, bị Liên Hiệp Quốc tố cáo là một cuộc thanh lọc chủng tộc thực sự. Khoảng 600 ngàn người Rohingya vô tổ quốc đã phải trốn chạy sang Bangladesh. Đối với đa số người Miến Điện, bị khích động bởi một nhóm lãnh đạo Phật giáo, thì người Rohingya là dân nhập cư, thậm chí một số người còn coi họ là khủng bố.

Thế nhưng, theo Le Monde, giáo hoàng đã thể hiện sự khéo léo của ngoại giao Vatican. Ngày 28/11, ngay khi vừa đến Miến Điện, trước một cử tọa bao gồm các quân nhân và cả Giải Nobel Hòa Bình Aung San Suu Kyi, giáo hoàng đã kêu gọi "tôn trọng các quyền của tất cả những ai coi mảnh đất này là nhà của họ"

Ngài khẳng định, "tương lai của Miến Điện phải là hòa bình, một nền hòa bình dựa trên sự tôn trọng phẩm giá, các quyền của mọi thành viên trong xã hội, tôn trọng mọi nhóm sắc tộc và bản sắc của họ, tôn trọng Nhà nước pháp quyền và trật tự dân chủ cho phép mỗi cá nhân và mọi nhóm sắc tộc - không loại trừ bất kỳ ai – đóng góp một cách chính đáng vào lợi ích chung".

Thứ Tư 29/11, tại Hội Đồng Tăng Già, quản lý khoảng 500 ngàn phật tử, giáo hoàng đã nhắc lại những phát biểu trước đó và thậm chí còn trích dẫn đức Phật : "Hãy loại bỏ giận dữ bằng cách không giận dữ, hay thắng người làm điều xấu bằng điều tốt".

Tại Miến Điện có 700 ngàn tín đồ Công giáo và lãnh đạo tòa thánh Vatican đã cố tìm cách thuyết phục Phật giáo tiến hành đối thoại liên tôn giáo để chấm dứt các căng thẳng tôn giáo và "thắng vượt mọi hình thức hiểu lầm, bất khoan dung, thiên kiến và hận thù". Lại một lần nữa, từ Rohingya không được ngài nhắc đến nhưng dường như lãnh đạo Hồi Đồng Tăng Già chấp nhận những lời kêu gọi hòa giải, ngoại trừ việc vị lãnh đạo này lo ngại là các tín ngưỡng tôn giáo có thể bị sử dụng vào việc hỗ trợ khủng bố và cực đoan.

Kết quả chuyến tông du Miến Điện của giáo hoàng chỉ là vừa phải. Người ta nghe thấy những lời kêu gọi của giáo hoàng nhưng chắc chắn không nghe theo. Khi không dùng từ Rohingya, phải chăng ngài đã tỏ ra thận trọng quá mức ? Phát ngôn viên của tòa thánh Vatican giải thích rằng giáo hoàng không thể giải quyết được những vấn đề nan giải. Đúng là ngài đã có những phát biểu mạnh mẽ và không mập mờ về nội dung. Ngài đã tránh chỉ trích giới quân sự hiện vẫn nắm giữ các vị trí quan trọng. Giáo hoàng cũng khéo léo ủng hộ bà Aung San Suu Kyi vì khả năng hành động của bà cũng hạn hẹp. Kể từ khi được bầu, giáo hoàng không bỏ lỡ cơ hội nào để kêu gọi, ủng hộ những người bần hàn, thua thiệt. Thế nhưng, ảnh hưởng của ngài cũng có giới hạn.

Trump vẫn twitt như đang tranh cử

Trong bài "Chiến lược quá khích của Trump", báo Le Monde cho biết, trong những ngày qua, tổng thống Mỹ Donald Trump lại gây sự chú ý của công luận quốc tế qua việc chia sẻ, đăng lại những video bài Hồi giáo của một lãnh đạo đảng cực hữu Anh, tung các twitt chỉ trích chủ tịch nhóm nghị sĩ đảng Dân Chủ tại Hạ Viện và Thượng Viện, cũng như nhiều kênh truyền hình thời sự Mỹ, ngoại trừ đài truyền hình bảo thủ Fox News…

Tuy biết là tổng thống Mỹ vẫn có thói quen dùng mạng xã hội Twitter để bày tỏ thái độ trên mọi vấn đề, và thường là vào sáng sớm hoặc tối khuya, nhưng loạt tấn công này tiếp tục gây ngạc nhiên bởi vì dường như ông Trump muốn đánh lạc hướng dư luận trước những thách thức chính trị mang tính quyết định đối với bản tổng kết năm đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông. Các twitt này, nhìn bề ngoài có vẻ lộn xộn, nhưng thực ra lại gắn kết chặt chẽ với nhau nhắm tới các đối tượng cần tấn công, đặc biệt là trong những ngày gần đây : đó là đạo Hồi, phe Dân Chủ và giới truyền thông.

Dường như khi tung ra các twitt này, tổng thống Mỹ hành xử như vẫn tiếp tục chiến dịch vận động tranh cử và đáp ứng mong đợi của một bộ phận cử tri đã giúp ông vào Nhà Trắng. Theo nhận định của Le Monde, bình thường ra, một tổng thống vừa được bầu tìm cách chinh phục phần còn lại của cử tri, nhưng Donald Trump thì đi theo hướng ngược lại, tập trung vào thành phần cử tri đã ủng hộ ông. Điều này càng củng cố hình ảnh ông là người không chấp nhận những quy ước truyền thống, là người "nghĩ sao nói vậy", những nét đặc trưng của ông mà người ta có thể nhận ra trước khi ông bước vào vũ đài chính trị.

Vẫn liên quan đến Hoa Kỳ, trong bài "Washington đang chuẩn bị lên gân cốt cho ngành ngoại giao", Les Echos đưa lại tin của báo Mỹ New York Times : ngoại trưởng Rex Tillerson chuẩn bị phải ra đi. Khi được hỏi về thông tin này, tổng thống Donald Trump chỉ nói ngắn gọn : Rex vẫn ở đây. Điều này càng làm tăng thêm những đồn thổi về khả năng ngoại trưởng Mỹ bị thay thế.

Bộ ngoại giao Mỹ đã trải qua một năm đầy náo động và kể từ khi Donald Trump vào Nhà Trắng, khoảng một trăm nhà ngoại giao dày dặn kinh nghiệm đã từ nhiệm. Thay thế ngoại trưởng Rex Tillerson có thể là lãnh đạo CIA Mike Pompeo, người có đường lối cứng rắn và phù hợp với quan điểm của tổng thống Trump. Trong quá khứ, ông Pompeo có những phát biểu bị chỉ trích gay gắt, ví dụ, theo ông, thì Edward Snowden, người tiết lộ các tài liệu về việc tình báo Mỹ nghe lén, đáng tội tử hình, hay trong một số trường hợp, có thể áp dụng tra tấn tù nhân.

Cũng theo tin đồn, người có thể giữ vị trí lãnh đạo CIA là Tom Cotton, thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa, một đồng minh thân cận của Donald Trump.

Trang nhất các báo Pháp

Trang nhất các báo Pháp hôm nay đề cập đến nhiều chủ đề khác nhau. Le Monde quan tâm đến giá địa ốc : "Bất động sản : giá tăng vọt, bất bình đẳng càng gia tăng". Trong quý ba năm nay, giá nhà ở thủ đô Paris tăng 7,8% tính theo tỷ lệ cả năm, với giá trung bình một mét vuông là gần 9000 euro. Trên toàn nước Pháp, giá địa ốc tăng 3,9%. Do vậy, các hộ gia đình kém sung túc, nhất là giới trẻ, đã phải rời bỏ các thành phố lớn, trong lúc số lượng nhà cho thuê lại giảm.

Trong khi đó, Le Figaro nói đến "Cuộc đọ sức giữa Paris và Bruxelles về thâm hụt ngân sách". Hiện nay, Pháp đang thương lượng với Ủy Ban Châu Âu về một số thể thức liên quan đến ngân sách 2017 nhằm tôn trọng cam kết là sẽ giảm thâm hụt ngân sách xuống dưới 3% tổng sản phẩm quốc nội. Tuy nhiên, mọi việc không dễ dàng đối với Paris.

Nhân dịp thủ tướng Edouard Philippe công du Nouvelle Calédonie, lãnh thổ hải ngoại của Pháp, báo Libération chạy trên trang nhất : "Nouvelle Calédonie : Sự tức giận dưới bóng hàng cọ". Trong một năm nữa, vùng này tổ chức trưng cầu dân ý về nền độc lập, tình hình tại đây đang trở nên căng thẳng.

Trong lĩnh vực kinh tế, sự kiện đáng chú ý là việc tập đoàn thực phẩm nổi tiếng Danone thay đổi lãnh đạo và Les Echos đưa lên trang nhất "Danone chuẩn bị cuộc cách mạng thực phẩm như thế nào".

Cũng về kinh tế, báo La Croix đặt câu hỏi "Liệu chúng ta có còn đi xem phim nữa hay không ?". Nguồn cung ứng phim rất đa dạng, gây nhiều áp lực đối với một nền kinh tế vẫn còn được Nhà nước bảo trợ.

RFI tiếng Việt 

Published in Quốc tế

Hồng y Blase Cupich của Chicago nói rằng đây là "một thời kỳ đen tối của lịch sử Hoa Kỳ"

vatican1

Tổng Giám mục Angelo Becciu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao của Vatican

Trong nhận định đầu tiên của Tòa thánh kể từ khi ông Trump ban hành lệnh cấm công dân 7 quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi nhập cảnh Hoa Kỳ, khi được hỏi về sắc lệnh cấm di dân của ông Trump, Tổng Giám mục Angelo Becciu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao của Vatican, tuyên bố trên đài truyền hình của Tòa thánh :

"Tòa thánh Vatican tỏ ra lo lắng về lệnh cấm di dân của tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump".

Tổng Giám mục Angelo Becciu là nhân vật đứng hàng thứ ba trong hệ thống lãnh đạo của Tòa thánh, đã được hỏi về sắc lệnh cấm di dân, cũng như cam kết của ông Trump xây bức tường dọc theo biên giới Hoa Kỳ và Mexico, ông nói :

"Trong thực tế, Giáo hoàng Francis từng nhấn mạnh đến khả năng hội nhập của những người tị nạn đến trong các xã hội và văn hóa của chúng ta".

Một số nhà lãnh đạo Công giáo La Mã tại Hoa Kỳ đã lên tiếng chỉ trích sắc lệnh cấm di dân của ông Trump. Hôm Chủ Nhật 29/01, Hồng y Blase Cupich của Chicago nói rằng đây là "một thời kỳ đen tối của lịch sử Hoa Kỳ" (a dark moment in U.S. history) và nó đã "đi ngược với các giá trị của Hoa Kỳ cũng như Công giáo" (contrary to both Catholic and American values)

Trung tâm Columban có trụ sở tại Washington đưa ra tuyên bố nói rằng Quyết định của Trump "đưa ra các câu trả lời sai trái và vô nhân đạo" đối với thực tế khắc nghiệt của nghèo đói, bạo lực và xung đột, là thực tế khiến người ta phải di cư.

"Là người có đức tin, chúng ta được mời gọi vừa giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của di cư vừa tìm kiếm các chính sách đón nhận anh chị em di cư của chúng ta. Chúng tôi chống lại bất kỳ chính sách nào tìm cách xây dựng một bức tường, bắt giữ vô nhân đạo các phụ nữ và các gia đình, chấm dứt các nơi náu ẩn cuối cùng, tiến hành các cuộc tấn công người nhập cư, hạn chế di cư dựa trên yếu tố quốc gia nguồn gốc của người di cư và gia tăng quân sự hóa biên giới" – tuyên bố nói thêm.

Tổ chức Pax Christi USA tuyên bố sẽ vẫn "đứng về phía anh chị em di dân đang phải sống trong nỗi sợ bị trục xuất và tách khỏi gia đình của họ".

"Không ai thích bỏ trốn khỏi đất nước của họ" – Pax Christi USA tuyên bố. "Chúng tôi tôn trọng sự đa dạng về lý do người di cư đến Hoa Kỳ, nào là nghèo đói, nào là bạo lực băng đảng và khủng bố… Xây dựng một bức tường là biểu tượng trực quan của những lời dối trá chính trị".

Ông Gerry Lee, Giám đốc điều hành của Văn phòng Maryknoll vì Mối quan tâm Toàn cầu, phát biểu :

"Giáo hoàng Francis tuyên bố rằng người tị nạn không phải là những con tốt trên bàn cờ nhân loại. Họ là những trẻ em, những phụ nữ, và những đàn ông bị buộc phải rời bỏ nhà cửa của họ… Thịt của Chúa Kitô trong xác thịt của những người tị nạn". "Câu trả lời của đức tin không phải là xây dựng một bức tường hoặc phân biệt đối xử chống lại người Hồi giáo, nhưng là mở rộng trái tim của chúng ta và nhà cửa của chúng ta cho người tị nạn của tất cả các tôn giáo trong thái độ đón nhận lời mời gọi thiêng liêng, kêu mời chúng ta bảo vệ và nuôi dưỡng sự sống".

Các tu sĩ Dòng Tên tại Canada và Hoa Kỳ nói rằng họ lo ngại về các hành động của chính phủ Trump.

"Ngày càng có nhiều người di cư đến Hoa Kỳ chạy trốn bạo lực và bất ổn" – các linh mục Dòng Tên nói trong một tuyên bố. "Đức tin kêu gọi chúng ta nhìn thấy họ, hiểu hoàn cảnh của họ và cung cấp sự bảo vệ cho họ".

Giám mục giáo phận Austin (Texas) kiêm Chủ tịch Ủy ban Di dân của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Joe Vasquez đã lên án các sắc lệnh của Tổng thống Donald Trump về việc xây dựng bức tường tại biên giới Mỹ-Mexico và cắt giảm ngân sách liên bang đối với những thành phố chứa chấp di dân bất hợp pháp.

Hồi tháng 2 năm ngoái, khi trở về sau chuyến công du Mexico, Giáo hoàng Francis nói rằng quan điểm của ứng cử viên Trump về việc xây dựng bức tường "không phải là Ky Tô hữu" (Pope Francis said that Donald Trump is "not Christian" if he wants to build a wall along the U.S.-Mexican border).

Song Châu

Published in Quốc tế