Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Châu Á

25/09/2018

Tự do hàng hải, Đài Loan, Hồng Kông và Vatican

Tổng hợp

Pháp muốn duy trì quyền tự do hàng hải ở biển Đông (RFA, 24/09/2018)

Pháp sẽ thảo luận với Úc nhằm tìm cách phối hợp các hoạt động tại biển Đông để duy trì quyền tự do hàng hải ở khu vực này.

bd1

Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly trong một cuộc họp báo vào ngày 23 tháng 8 năm 2018 tại Helsinki, Phần Lan. AFP

Truyền thông trong nước dẫn tin của mạng News.com.au cho biết bà Florence Parly, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp, nói như vậy trong chuyến thăm thành phố Adelaide của Úc để dự một buổi hội thảo quốc phòng vào hôm 24/9.

Bà Bộ trưởng Quốc phòng Pháp nhận định Pháp ‘không đứng về phía nào’ nhưng Paris ý thức được rằng Trung Quốc ngày càng trở nên lấn lướt tại Biển Đông.

Tin cho biết bà Florence khẳng định lập trường của Pháp rất rõ ràng về việc Bắc Kinh đang vướng mắc các quy tắc quốc tế nhưng Paris vẫn đối thoại cởi mở. Bộ trưởng Quốc phòng Pháp còn cho biết Pháp sẽ vẫn tiếp tục cho tàu hoạt động ở khu vực Biển Đông.

Hồi cuối tháng 5 vừa qua, Pháp đã cho tàu đổ bộ tấn công Dixmude và một tàu hộ vệ đi qua Biển Đông, gần một số bãi đá nhân đạo do Trung Quốc xây dựng phi pháp trong khu vực Trường Sa.

Biển Đông là khu vực hiện đang tranh chấp giữa các nước gồm Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam. Trong đó, Trung Quốc đòi 90% diện tích với đường đứt khúc chín đoạn vốn đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế ở the Hague bác bỏ trong một phán quyết đưa ra vào tháng 7 năm 2016.

*****************

Đài Loan mở rộng điều kiện nhập tịch đối phó "chảy máu chất xám" (RFA, 24/09/2018)

Đài Loan vừa đề xuất Dự luật di trú kinh tế nhằm phản ứng lại những nỗ lực của Bắc Kinh đang thu hút nhiều nhân tài khỏi hòn đảo tự trị.

bd2

Quốc kỳ Đài Loan - AFP

Đây là nội dung được tờ Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng loan đi vào ngày 24 tháng 9, và cho biết thêm các nhà lập pháp của Đài Loan dự kiến sẽ quyết định vào tháng tới về việc liệu có cung cấp quyền công dân cho sinh viên và công nhân lành nghề từ Đông Nam Á để giúp đối phó với việc chảy máu chất xám sang Đại Lục.

Theo dự luật được đưa ra thì những người có kỹ năng đặc biệt sẽ có thể nộp đơn xin thường trú sau khi làm việc tại Đài Loan trong 3 năm ; các chuyên gia nước ngoài sẽ có thể làm tương tự sau khi làm việc trên đảo trong 5 năm, và các kỹ thuật viên trung cấp hoặc công nhân lành nghề sau 7 năm.

Ngoài ra, sinh viên nước ngoài tốt nghiệp và làm việc tại Đài Loan từ 5 đến 7 năm sẽ hội đủ điều kiện để nộp đơn. Luật mới cũng sẽ áp dụng cho các công nhân nước ngoài có tay nghề đã làm việc tại Đài Loan trong 7 năm.

Nếu được thông qua, dự luật sẽ ưu tiên mở cửa cho các chuyên gia từ Thái Lan, Malaysia, Philippines, Indonesia, Myanmar và các thành viên khác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Tuy nhiên, luật cũng áp dụng cho các chuyên gia và sinh viên từ các nước ngoài khối.

Các quan chức và nhà phân tích cho biết, bên cạnh việc giải quyết vấn đề mất đi nguồn nhân lực lành nghề, dự luật này là một cách để Đài Loan giải quyết vấn đề lực lượng trong tuổi lao động đang bị giảm đi đáng kể.

Những nhà lãnh đạo ngành công nghiệp hài lòng đón nhận dự luật này. Tuy nhiên các nhà phê bình chỉ ra rằng các công dân Đài Loan tiềm năng mới sẽ không đầu tư vào trái phiếu chính phủ hay doanh nghiệp vì lợi nhuận để thúc đẩy tạo việc làm tại địa phương.

Do đó, Tsai Lien-sheng, tổng thư ký Liên đoàn Công nghiệp Quốc gia cho rằng các nhà lãnh đạo Đài Loan cần phải học hỏi từ Singapore và Hoa Kỳ, cho phép các nhà đầu tư có được quốc tịch nếu họ đáp ứng các yêu cầu nhập cư đầu tư của họ.

*********************

Lần đầu tiên Hồng Kông cấm một đảng đòi độc lập (RFI, 24/09/2018)

Lần đầu tiên từ khi Anh Quốc trao trả Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997, một tổ chức tranh đấu cho Hồng Kông độc lập với Hoa lục đã bị cấm hoạt động. Đảng Dân Tộc là nạn nhân mới trong bàn tay can thiệp của Bắc Kinh, theo nhận định của giới nhân quyền.

bd3

Trần Hạo Thiên, lãnh đạo Đảng Dân Tộc Hồng Kông phát biểu tại Hồng Kông, ngày 14/08/2018.Paul Yeung/Pool via Reuters

Trong một thông cáo công bố hôm thứ Hai 24/09/2018, bộ trưởng An Ninh Hồng Kông John Lee cho biết đã "ra lệnh cấm mọi hoạt động của Đảng Dân Tộc Hồng Kông tại Hồng Kông", theo một đề xuất của cảnh sát hồi tháng 07. Tuy thừa nhận Đảng Dân Tộc chưa bao giờ sử dụng bạo động, nhưng bộ trưởng John Lee viện lẽ tổ chức này có mục tiêu "thành lập một chế độ Cộng Hòa tại Hồng Kông", do vậy trái với "hiến pháp". Chính quyền thân Trung Quốc lo ngại là Đảng Dân Tộc có một số hoạt động "tuyên truyền trong giới học sinh, kích động bài người đại lục đang sống ở Hồng Kông".

Theo AFP, Đảng Dân Tộc Hồng Kông chỉ có vài chục thành viên ở tuổi đôi mươi, nhưng gây được nhiều tiếng vang qua các đòi hỏi chính trị triệt để. Lãnh đạo Trần Hạo Thiên (Andy Chan) ngay tức khắc từ chối bình luận về quyết định cấm này. Đồng sáng lập viên Lương Thiên Kỳ thì đang lãnh án 6 năm tù từ tháng 06/2018.

Phản ứng về quyết định này, chính phủ Anh và các tổ chức nhân quyền kêu gọi Hồng Kông tôn trọng quyền tự do ngôn luận, theo đúng tinh thần bản tuyên bố chung Luân Đôn - Bắc Kinh năm 1997.

Tổ chức Human Rights Watch xem lệnh cấm Đảng Dân Tộc là "một quyết định lịch sử, một tiền lệ nguy hiểm" trong nỗ lực của Bắc Kinh và chính quyền đặc khu nhằm bóp nghẹt các quyền tự do của người dân Hồng Kông. HRW lo ngại các đảng khác cũng nằm trong tầm ngắm của Trung Quốc.

Tú Anh

*****************

Vatican và Bắc Kinh đạt đồng thuận lịch sử, tín đồ vẫn cảm thấy bất an (RFI, 24/09/2018)

Tòa thánh Vatican ngày 22/09/2018 thông báo đạt được một thỏa thuận với Bắc Kinh trong việc bổ nhiệm các giám mục Trung Quốc. Tuy nhiên, bước đi xích lại gần đầu tiên này chưa đủ để giải tỏa mối lo âu của hàng chục triệu tín đồ công giáo "thầm lặng" tại Trung Quốc.

bd4

Bên trong một nhà thờ ở thành phố Đại Lí (Dali) tỉnh Vân Nam (Yunnan), Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 10/12/2015by Zhang Peng/LightRocket via Getty Images

Theo nhận định của hãng tin Pháp AFP, sự xích lại gần mang tính lịch sử này là một phúc lành dành cho chế độ cộng sản. Như vậy, Trung Quốc sẽ có một vai trò trong việc bổ nhiệm các giám mục. Trước mắt, đức giáo hoàng đồng ý công nhận 7 giám mục đã được chính quyền Bắc Kinh bổ nhiệm mà không cần ý kiến của ngài.

Thỏa thuận này dấy lên hy vọng nối lại bang giao giữa Tòa Thánh và chính quyền Bắc Kinh, bị đoạn tuyệt từ năm 1951.

Trên đài RFI , sử gia về tôn giáo, ông Odon Vallet, cho rằng, thỏa thuận này cho phép giải quyết các mối xung khắc giữa Vatican và Trung Quốc lâu từ gần 70 năm qua :

"Vatican và Trung Quốc bất hòa với nhau từ năm 1949. Trung Quốc thời Mao Trạch Đông muốn kiểm soát tuyệt đối việc bổ nhiệm các giám mục. Điểm mới ở đây, chính là việc hai bên đã có một sự thỏa hiệp, theo đó, các giám mục sẽ được bổ nhiệm theo sự đồng thuận giữa chính phủ Trung Quốc và Tòa Thánh.

Tại Trung Quốc có hai Giáo hội. Một Giáo hội chính thức được chính phủ công nhận, nhưng các giám mục lại không được Vatican công nhận. Rồi có một Giáo hội thầm lặng, thường xuyên bị sách nhiễu, bởi vì các giám mục của Giáo hội này lại không được chính quyền Bắc Kinh chấp nhận, và đôi khi những vị này được Vatican bí mật bổ nhiệm".

Tuy nhiên, nhiều tín đồ Giáo hội thầm lặng vẫn chưa thật sự an tâm vì thỏa thuận Vatican – Trung Quốc không đề cập đến một sự bảo đảm nào về tự do tín ngưỡng tại Trung Quốc.

Minh Anh

Quay lại trang chủ
Read 730 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)