Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

19/10/2018

Vụ Khashoggi : Saudi Arabia mang tai tiếng và mất uy tín quốc tế

RFI tiếng Việt

Vụ Khashoggi : Thái tử Saudi Arabia tự hại thân (RFI, 19/10/2018)

Lần đầu tiên từ khi nhà báo đối lập Jamal Khashoggi mất tích khi vào Toà lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul ngày 02/10/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump gần như nhìn nhận nạn nhân đã chết và đe dọa trừng phạt nghiêm khắc Riyahd. Vương triều dự tính bắt một viên tướng an ninh làm vật tế thần, nhưng theo truyền thông quốc tế, nghi can số một chính là thái tử Mohammad Bin Salman, một nhà lãnh đạo hai mặt.

sda1

Hoàng thái tử Mohammad Bin Salman trong chuyến thăm Madrir, ngày 12/04/2018. AFP/Oscar Del Pozo

Jamal Khashoggi không phải là người Saudi Arabia lưu vong đầu tiên bị ám sát. Ai cũng còn nhớ nhà đối lập Nassir Al Said biệt tích tại Lebanon vào năm 1997. Năm 2003, hoàng thân Sultan bin Turki bị bắt cóc ở Geneve. Năm 2015, một hoàng thân khác, Turki ben Badar Al Saoud, đang xin tị nạn tại Paris, đột nhiên biến mất.

Tháng 06/2017, thái tử Mohammad Bin Salman, biệt hiệu MBS, đương kim bộ trưởng quốc phòng mới 32 tuổi, đã được chọn làm người kế vị vua cha Salman, tạo ra một bầu không khí đổi mới. MBS tự cho mình là một nhà lãnh đạo trẻ tuổi, hiện đại, hứa hẹn canh tân chế độ phong kiến lạc hậu và đã không tiếc tiền quảng cáo đánh bóng hình ảnh này.

Biện pháp cụ thể của ông là cho phụ nữ quyền lái xe, xem bóng đá và tung ra nhiều đợt chống tham nhũng mà sự kiện gây tiếng vang lớn nhất là bắt hàng chục hoàng thân, hoàng tử bị cáo buộc tham ô. Tuy nhiên, thái tử Mohammad Bin Salman cũng không tha bất kỳ ai chống lại mình, điển hình qua các cuộc thanh trừng liên tục được phát động nhân danh bài trừ tham nhũng, theo nhận định của chuyên gia về Saudi Arabia, Clarence Rodriguez, của đài France 24, cũng như báo chí Anh Mỹ nhắc lại trong những ngày qua.

Tháng 12/2017, thiếu tướng Ali Al Qahtani, ủng hộ một hoàng tử đối nghịch với thái tử Mohammad Bin Salman, chết trong lúc bị câu lưu, cổ có dấu hiệu bị vặn gẫy. Tại Saudi Arabia, nhiều nhà họat động nhân quyền bị kết tội khủng bố, theo tố cáo của tổ chức Human Rights Watch.

Nhà báo Jamal Khashoggi phải lưu vong để tránh nhà tù. Tại Mỹ, trong mục "Ý kiến" của Washington Post, nhà báo Jamal Khashoggi liên tục chỉ trích thiên hướng độc tài, trấn áp của thái tử MBS. Ngay trong vụ bài trừ tham ô hồi đầu năm 2018 mà hàng chục hoàng tử bị nhốt trong khách sạn Ritz Carlton ở Riyahd, nhiều người bị đánh đập và phải ký giấy nợ với giám đốc cảnh sát thủ đô, thân cận của MBS. Kết quả là nhân vật này thu được hàng chục tỷ đôla cho dự án "Vision 2030".

Theo một nhà ngoại giao Pháp tại Riyahd, thái tử MBS là một người thô bạo mà chính tổng thống Emmanuel Macron và ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian đã có cơ hội trải nghiệm "thực tế".

Tuy nhiên, nhân vật được chỉ định nắm vận mệnh Saudi Arabia cũng là một nhà lãnh đạo có viễn kiến và muốn canh tân thật sự : Hơn hai phần ba dân số Saudi Arabia là thành phần trẻ, chưa đến 30 tuổi. MBS tuyên bố cải cách cho thế hệ này và được giới trẻ ủng hộ. Rất nhiều doanh nhân và giới lãnh đạo chính trị thế giới cũng đổ xô về Saudi Arabia vì tin vào MBS, nhưng nay phải thất vọng vì thấy mình đánh giá sai lầm. Một bộ mặt khác của MBS xuất hiện đúng như Jamal Khashoggi cảnh báo từ hai năm nay.

Jamal Khashoggi có lẽ đã bị bịt miệng vì người ta không muốn nhà báo nói lên sự thật. "Sự thật, dân chủ và tự do" là ba mục tiêu quan trọng nhất đối với nhà báo Jamal Khashoggi, theo nhận định của Middle Est Eye, báo chuyên đề về thời sự Trung Đông.

Để tháo gọng kềm từ từ siết lại, triều đình Saudi Arabia dự tính quy trách nhiệm cho tướng Ahmed Assiri, một cố vấn của hoàng thái tử. Tuy nhiên, một nhân vật quan trọng khác có mặt trong toán ám sát bị Thổ Nhĩ Kỳ nhận diện là Maher Abdulaziz Mutreb, cũng là một người thân cận của MBS.

Thái tử lần này có thoát được hay không ? Tổng thống Donald Trump sẽ phản ứng ra sao ? Các tổ chức nhân quyền kêu gọi trao cho Liên Hiệp Quốc nhiệm vụ điều tra để tránh trường hợp "đổi chác" ở cấp chính phủ.

Tú Anh

*******************

Vụ Khashoggi đe dọa chiến lược của Mỹ tại Trung Đông (RFI, 18/10/2018)

Cái chết mờ ám của nhà báo người Saudi Arabia Jamal Khashoggi đang thách thức bang giao giữa Washington với Riyahd, một đồng minh truyền thống của Mỹ tại Trung Đông. Nhà Trắng tránh để mang tiếng là bao che cho Saudi Arabia bịt miệng một tiếng nói đối lập, nhưng cũng không thể làm phật lòng thái tử Mohammad Bin Salman, lá chủ bài của Hoa Kỳ để kềm tỏa ảnh hưởng của Iran trong vùng Vịnh. Về mặt kinh tế, dầu hỏa và những hợp đồng khổng lồ với Riyahd là hai yếu tố buộc chính quyền Trump phải thận trọng.

sda2

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cử Ngoại trưởng Mike Pompeo sang Riyahd trao đổi với thái tử Mohammad Bin Salman để giải quyết cuộc khủng hoảng về vụ mất tích của nhà báo Khashoggi. Reuters/Leah Millis/Pool

Sau khi lên cầm quyền, tổng thống Donald Trump đã dành chuyến xuất ngoại đầu tiên đến Saudi Arabia, nơi quyền lực thực sự được đặt trong tay thái tử Mohammad Bin Salman. Đành rằng Riyahd là một đồng minh lâu đời của Washington trong khu vực vùng Vịnh và nhiều đời tổng thống Mỹ liên tiếp đứng về phía vương quốc dầu hỏa này, nhưng chính quyền Trump đã có những bước tiến rất xa và kỳ vọng nhiều vào Saudi Arabia để thực hiện một chiến lược "đầy tham vọng" ở Trung Đông.

Phải đợi nhiều ngày sau khi nhà báo người Saudi Arabia Jamal Khashoggi mất tích, chính quyền Mỹ mới lên tiếng. Tổng thống Trump từng bực mình khi được báo chí hỏi về số phận của một cộng tác viên với tờ báo Washington Post và cho rằng, ông Khashoggi không phải là công dân Mỹ. Có điều, hơn hai tuần qua, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy là tiếng nói đối lập với chính quyền Riyahd này dường như đã bị "tra tấn và bị chặt đầu" trong tòa lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Thêm vào đó là hàng loạt bằng chứng cho thấy đằng sau cái chết mờ ám đó có bàn tay của thái tử Mohammad Bin Salman, nhân vật rất thân với cố vấn và cũng là con rể tổng thống Trump, Jared Kushner. Vụ việc lại càng gây bối rối cho Nhà Trắng khi mọi người phát hiện nhà báo Khashoggi sống lưu vong tại Hoa Kỳ và có thẻ thường trú của Mỹ. Chẳng đặng đừng, tổng thống Trump phải lên tiếng, nhất là khi ông chịu sức ép từ trong hàng ngũ của chính đảng Cộng hòa ở Quốc hội.

Dù nói sẽ "nghiêm phạt" Riyahd nếu chính quyền Saudi Arabia là thủ phạm vụ sát hại nhà báo Khashoggi, nhưng tổng thống Trump báo trước là quan hệ giữa Hoa Kỳ với đồng minh truyền thống này tại Trung Đông vẫn rất tốt đẹp.

Theo giới quan sát có nhiều lý do để chính quyền Trump nhẹ tay với Riyahd.

Trước hết, phải kể đến yếu tố kinh tế, chính quyền Trump cần giữ quan hệ tốt với Saudi Arabia tránh để vương quốc dầu hỏa này dọa khóa van dầu, đẩy giá vàng đen lên cao làm phương hại tới kinh tế của nước Mỹ. Ngoài ra, như chính tổng thống Trump tuyên bố, ông không có ý định hủy bỏ những hợp đồng mua bán vũ khí của Riyahd, hay gây phương hại đến 110 tỷ đầu tư của Saudi Arabia vào Hoa Kỳ.

Nhưng quan trọng hơn cả là về phương diện chiến lược, Mỹ cần Saudi Arabia trong nhiều hồ sơ. Theo giải thích của chuyên gia về Trung Cận Đông, Simon Henderson, thuộc trung tâm nghiên cứu Washington Institute for Near East Policy, tổng thống Trump khó xử với Riyahd, bởi Saudi Arabia là một lá chủ bài của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Jared Kushner, con rể và cũng là cố vấn của Donald Trump có những mối liên hệ trực tiếp và gần gũi với thái tử Mohammad Bin Salman. Theo giới phân tích, vũng vì cần Saudi Arabia mà Mỹ - và cả Châu Âu đều nhắm mắt làm ngơ để cho thái tử Mohammad Bin Salman rộng bề hành động, đặc biệt là qua chiến dịch quân sự tại Yemen.

Thậm chí Nhà Trắng còn xem Saudi Arabia, một nước Hồi giáo theo hệ phái Sunni, là cột trụ trong chiến lược Trung Đông rộng lớn. Trong một bài báo trên Wall Street Journal, giáo sư Walter Russell Mead, chuyên gia về quan hệ quốc tế của Mỹ, nhận định : Khi quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran, tổng thống Trump và ban tham mưu của Nhà Trắng đánh cuộc trên một kịch bản. Đó là bóp ngạt kinh tế Iran, buộc Tehran phải tập trung tăng cường quân sự, triển khai tên lửa và hạt nhân. Khi đó Saudi Arabia và Israel, hai kẻ thù không đội trời chung của Tehran, sẽ là những cánh tay nối dài của Mỹ để "dạy cho Iran một bài học".

Chỉ khi đó, Washignton mới trở lại cuộc chơi, làm một công đôi việc. Một mặt ép Tehran để đạt được một thỏa thuận về hạt nhân "cân bằng hơn", mặt khác sẽ mặc cả với Iran để giải quyết hồ sơ Syria. Bởi ai cũng biết, Iran cùng với Nga đang là hai điểm tựa chính của chế độ Damascus.

Có điều cái chết đột ngột của nhà báo Jamal Khashoggi đã làm đảo lộn những nước cờ của Washington tại Trung Đông. Ba tuần trước bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, bài toán của tổng thống Donald Trump càng thêm nan giải, khi những nhân vật được cho là thân cận với Nhà Trắng, chẳng hạn thượng nghị sĩ Lindsey Graham, không vòng vo tố cáo là hoàng tử Mohammad Bin Salman đã "ra lệnh ám sát Jamal Khashoggi trước mắt Hoa Kỳ". Vẫn theo ông Lindsey Graham, trong trường hợp đó, hoàng thái tử Mohammad Bin Salman "phải ra đi".

Thanh Hà

Quay lại trang chủ
Read 464 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)