'64% người Mỹ gốc Việt ủng hộ Tổng thống Trump' - Vì sao ? (VOA, 26/10/2018)
Dù có nhiều ý kiến khác nhau nhưng các cử tri Mỹ gốc Việt cho VOA biết chính các chính sách cứng rắn của chính quyền Hoa Kỳ đối với khối cộng sản, đặc biệt là Trung Quốc trong hai năm qua, là nguyên nhân chính khiến họ càng ngày càng ủng hộ Tổng thống Donald Trump.
Tổng thống Donald Trump tại cuộc vận động cho Thượng nghị sĩ Ted Cruz, ở thành phố Houston, bang Texas, ngày 22/10/2018.
Luật sư Nguyễn Quốc Lân, Ủy viên Chủ tịch của Hội đồng Quản trị Học khu Garden Grove bang California, và là một nhà hoạt động tích cực của đảng Cộng hòa trong cộng đồng Việt Nam tại Hoa Kỳ từ nhiều năm qua, cho VOA biết nhận xét của ông về lý do nhiều người trong cộng đồng có xu hướng ủng hộ ông Trump :
"Trong thời gian qua cộng đồng và cử tri gốc Việt vẫn tin rằng Tổng thống Donald Trump đã làm được nhiều việc để chống lại khối cộng sản, điển hình là Trung Quốc và Nga, và ông cũng có chính sách mạnh về quốc phòng, quân sự… và đây chính là những điều mà cộng đồng người Việt Nam mong muốn từ nhiều năm trước từ thời Tổng thống Ronald Reagan. Điều này giải thích vì sao sự ủng hộ của cộng đồng đối với Tổng thống Donald Trump lại cao hơn với các sắc dân Á Châu khác".
Vào đầu tháng 10, một cuộc khảo sát về cử tri gốc Á cho biết người Mỹ gốc Việt là cộng đồng gốc Á duy nhất có số đông ủng hộ Tổng thống Donald Trump với tỷ lệ cao nhất đến 64%, trong khi chỉ có 24% cử tri gốc Hoa ủng hộ.
Tổng thống Donald Trump và Thượng nghị sĩ Ted Cruz, Houston, Texas, 22/10/2018.
Từ bang Texas, ông Nhất Nguyên, người vừa tham dự một cuộc vận động với hàng chục ngàn người ủng hộ của đảng Cộng hòa do Tổng thống Donald Trump chủ trì tại thành phố Houton hôm 22/10, cho VOA biết :
"Cho đến hôm nay tôi ủng hộ ông Trump tuyệt đối. Gần đây ông có những chính sách rất mạnh mẽ đối với chính quyền Trung Quốc nơi người dân bị đưa đến những nơi khốn cùng, cũng giống như chính quyền cộng sản Việt Nam. Theo thiển ý của tôi, nếu Trung Quốc yếu đi thì có thể có lợi cho vấn đề đấu tranh cho nhân quyền của người Việt Nam. Đó là những lý do khiến tôi ủng hộ ông Trump mạnh mẽ".
Đông Y sĩ Nhất Nguyên nói thêm :
"Là một người ủng hộ đảng Cộng hòa từ lâu nay, đặc biệt là Tổng thống Trump, tôi thấy ông là một vị tổng thống từng nói những gì ông làm, và cố gắng làm những điều ông đã nói. Đó là điều mà tôi rất tôn trọng ông. Không những hiện nay tôi ủng hộ ông Trump mà tôi đã từng ủng hộ ông và bầu ông làm tổng thống".
Quốc Kỳ Trung Quốc và Mỹ - Ảnh minh họa
Ông Nguyễn Quốc Lân nói chính việc Washington mạnh tay ngăn chặn sự bành trướng bá quyền của Bắc Kinh là điểm mấu chốt để cử tri gốc Việt ủng hộ ông Donald Trump :
"Tôi nghĩ người gốc Việt vẫn kỳ vọng Tổng thống Donald Trump có thể kìm tỏa Trung Quốc. Họ nghĩ ông có thể ngăn cản sự bành trướng của Trung Quốc để bảo vệ Biển Đông cho Việt Nam. Họ hy vọng rằng với sự mạnh tay như vậy thì không những người Việt Nam cản trở được giao hảo giữa nhà nước Việt Nam với Trung Quốc mà còn ngăn cản khuynh hướng ngã theo cộng sản của chính quyền Việt Nam. Cộng đồng Việt Nam nói chung rất kỳ vọng rằng Tổng thống Donald Trump có thể làm được việc này. Họ luôn hỗ trợ sự mạnh tay hơn của ông Trump đối với Trung Quốc trong thời gian sắp tới".
An Hải
*****************
Vụ nhà báo Khashoggi bị giết : Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nói đến một số "bằng chứng mới" (RFI, 26/10/2018)
Trong một phát biểu sáng hôm nay, 26/10/2018, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định cơ quan điều tra nước này còn có trong tay "nhiều bằng chứng khác" liên quan đến vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi.
Cảnh biểu tình trước tòa lãnh sự Saudi Arabia tại Istanbul đòi sự thật về cái chết của nhà báo Khashoggi. Ảnh 25/10/2018. Reuters/Osman Orsal
Theo Reuters, trong một cuộc nói chuyện với các thành viên đảng cầm quyền AKK tại Ankara, nguyên thủ Thổ Nhĩ Kỳ đã yêu cầu chính quyền Riyadh trả lời cho câu hỏi : Ai là người ra lệnh sát hại nhà báo đối lập, tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istabul. "Ai ra lệnh cho 15 người (thành viên đội đặc nhiệm) đến Thổ Nhĩ Kỳ ?". Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gia tăng áp lực lên chính quyền Saudi Arabia, khi khẳng định an ninh nước này còn có nhiều bằng chứng khác.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan cũng cho biết viên chưởng lý Saudi Arabia sẽ đến Istanbul hôm Chủ Nhật tới để gặp lãnh đạo cơ quan công tố thành phố này.
Hôm qua, 25/10, chính quyền Saudi Arabia đã thay đổi lập trường trong vụ nhà báo bị sát hại, lần đầu tiên khẳng định đây là một vụ giết người được lên kế hoạch từ trước. Tuyên bố của chưởng lý Saudi Arabia dựa trên các chứng cứ được phía Thổ Nhĩ Kỳ cung cấp. Trước đó, Riayd cho rằng việc nhà báo Jamal Khashoggi qua đời là do một tai nạn bất ngờ, sau một vụ "ẩu đả" với nhân viên tòa lãnh sự.
Việc tư pháp Saudi Arabia thừa nhận vụ giết người có chủ đích là theo hướng điều tra của Thổ Nhĩ Kỳ cho đến nay. Riyadh thay đổi thái độ cũng có thể là để đối phó với các thông tin mà giám đốc CIA Mỹ đã thu thập được, trong chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ mới đây. Theo một tờ báo Thổ Nhĩ Kỳ thân cận với chính quyền Ankara, cơ quan an ninh nước này đã chia sẻ với lãnh đạo CIA Mỹ Gina Haespel một số đoạn ghi âm, cho thấy vụ giết người là do gia đình hoàng tộc Saudi Arabia chủ mưu. Hôm qua, lãnh đạo CIA cho biết đã thông báo với tổng thống Mỹ kết quả chuyến đi.
Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về các vụ hành quyết không qua tư pháp, bà Agnès Callamard, yêu cầu một cuộc điều tra quốc tế.
Đức muốn điều tra minh bạch, Nga tin tưởng lãnh đạo Saudi Arabia
Theo AFP, yêu cầu chính quyền Saudi Arabia tiến hành một cuộc điều tra "nhanh chóng, minh bạch, và đáng tin cậy" là đòi hỏi của Thủ tướng Đức Angela Merkel, trong cuộc điện đàm với quốc vương Saudi Arabia hôm qua. Ngược lại, cũng sau một cuộc điện đàm giữa tổng thống Nga với quốc vương Saudi Arabia, người phát ngôn phủ tổng thống Nga ra thông báo khẳng định Moskva không có lý do gì để nghi ngờ hoàng gia Saudi Arabia can dự vào cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi.
Nghị Viện Châu Âu yêu cầu trừng phạt
Hôm qua, trong phiên họp toàn thể tại Strasbourg, các nghị sĩ Châu Âu đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết yêu cầu các quốc gia thành viên có các biện pháp trừng phạt Saudi Arabia, nếu có đủ chứng cứ cho thấy chính quyền Riyadh đứng đằng sau vụ này. Nghị quyết được thông qua với 325 phiếu thuận, một chống, 9 vắng mặt.
Trọng Thành
*****************
Sau vụ Khashoggi, "MbS" lọt vào vòng kim cô của Donald Trump (RFI, 26/10/2018)
Trách nhiệm của thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman al-Saud "MbS" càng lúc càng rõ trong vụ sát hại nhà báo đối lập Jamal Khashoggi hôm 02/10/2018 trong tòa lãnh sự tại Istanbul. Trong ván cờ địa chính trị và nhiên liệu, Washington cần Riyadh nhưng "MbS" bắt đầu trở thành một đối tác phiền toái. Tổng thống Donald Trump đối phó bằng cách nào ?
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Ảnh chụp ngày 11/04/2017.Reuters
Tổng thống Donald Trump rất hài lòng khi thấy "MbS", biệt danh của thái tử Saudi Arabia 33 tuổi củng cố quyền lực tại Riyadh và cũng là bạn thân của Jared Kushner, con rễ kiêm cố vấn của chủ nhân Nhà Trắng. Đó là chuyện cũ. Chuyện mới là từ khi nghi án sát nhân, thủ tiêu nhà báo đối lập Jamal Khashoggi nổ ra, vị thái tử đầy quyền uy bị đặt vào ghế bị cáo. Hệ quả là hầu hết giới lãnh đạo quốc tế tẩy chay diễn đàn đầu tư "Viễn ảnh 2030", khai mạc ngày 23/10, tại Riyadh.
Bởi vì từ hơn hai tuần nay, thông tin từ cuộc điều tra của cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ được báo chí địa phương và Mỹ tiết lộ hàng ngày đã đánh tan những lập luận chống đỡ tình huống của chế độ Riyadh và giờ đây "MbS" bị xem là nghi can số một, người chủ mưu một chiến dịch trả thù cá nhân nhưng vụng về và thất bại thảm hại.
Hệ quả của vụ tai tiếng này ra sao ? Câu trả lời tùy thuộc vào quyết định của Washington, nếu không bỏ rơi MbS thì ít ra sẽ giữ khoảng cách lạnh nhạt để gây áp lực.
MbS tự trói tay
Theo phân tích của AFP, chính tổng thống Donald Trump, thoạt đầu còn tỏ ra bao dung nhưng sau đó phải tức giận vì cảm thấy bị phản bội. Biện pháp đầu tiên là cấm visa nhập cảnh những viên chức dính liếu với đoàn sát thủ. Trả lời phỏng vấn của Wall Street Journal, tổng thống Mỹ "để yên" cho quốc vương Salman 80 tuổi nhưng nhấn mạnh đến "trách nhiệm" quản lý đất nước của thái tử MbS, nếu "có một người can dự thì người đó không ai khác hơn là Mohammad bin Salman".
Về mặt chiến lược, Hoa Kỳ không muốn để cho chế độ Riyadh suy yếu. Saudi Arabia và Israel là hai đồng minh trụ cột của Mỹ tại Trung Đông. Ngoài nhu cầu chiến lược còn có lợi ích kinh tế. Dầu hỏa, đôla của Riyadh đóng góp đáng kể cho sự phồn vinh của Mỹ. Gần đây, trong chuyến công du Hoa Kỳ của thái tử MbS, hai bên đã ký hơn 300 tỷ đôla hợp đồng trong đó có 110 tỷ mua vũ khí. Chưa hết, Donald Trump còn cần Saudi Arabia trong vai trò "điều hòa" thị trường dầu khí trong khuôn khổ kế hoạch trừng phạt Iran và Nga. Riyadh bị mất ổn định đồng nghĩa với 13% lượng dầu cung cấp cho thị trường bị hao hụt, giá dầu sẽ leo thang.
Trợ lực và áp lực Mỹ
Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, vương quyền Saudi Arabia cần Mỹ để tồn tại. Không có Washington, dòng họ Salman khó giữ ngôi lâu dài, theo nhận định của Martin Indyk, cố vấn địa chính trị thời tổng thống Bill Clinton. Trong chủ trương "lợi ích nước Mỹ trước tiên", tổng thống Donald Trump từ từ nhường gánh nặng khu vực cho đồng minh Israel và Saudi Arabia. Thế nhưng "MbS" đánh mất tín nhiệm, gây nhiều phiền toái cho Mỹ, từ vụ Khashoggi cho đến chuyện gây xích mích với Qatar và can thiệp vào Yemen, gây ra thảm nạn nhân đạo tại sừng Châu Phi, vô tình tạo lợi thế cho Iran. Các chuyên gia khác như Gary Grappo, nhà ngoại giao nhiều năm hoạt động tại Riyadh cho rằng các nước Tây phương rất e dè MbS nhưng thái tử đã củng cố được quyền lực rất khó loại trừ.
Nhưng trong trường hợp "thoát nạn" và lên ngôi, MbS sẽ là một ông vua suy yếu. Chuyên gia Joseph Bahout, Viện nghiên cứu Carnegie ở Washington dự đoán như sau : Để tồn tại, MbS sẽ đàn áp tàn bạo đối lập trong nước. Nhưng về đối ngoại vua MbS sẽ tỏ ra là đồng minh trung thành với Mỹ và cực kỳ cứng rắn với Iran, theo chính sách của chủ nhân Nhà Trắng.
Tú Anh
Vụ Khashoggi : Thế giới không thể chấp nhận "biệt đội tử thần" Saudi Arabia
Tất cả các nhật báo Pháp hôm 22/10/2018 đều tiếp tục đề cập đến vụ nhà báo đối lập người Saudi Arabia Jamal Khashoggi bị sát hại dã man.
Hoàng thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman trong một cuộc họp tại Ryad, ngày 26/11/2017. ©BANDAR AL-JALOUD/Saudi Royal Palace/AFP
Giáo sư Dominique Moïsi trong bài phân tích "Saudi Arabia và ảo vọng hiện đại hóa" đăng trên Les Echos nhận định, đối với phương Tây mà đứng đầu là Hoa Kỳ, thái tử Mohammad bin Salman (MbS) đại diện cho hy vọng về một vương quốc Ả Rập có thể giao du được. Nhưng vụ nhà báo Khashoggi bị giết hại đã chứng tỏ điều ngược lại.
Đặt trọng tâm vào những giá trị mà mình bảo vệ hay lợi ích, vào đạo đức hay tính thực dụng ? Vụ sát hại ông Jamal Khashoggi là minh chứng cụ thể nhất cho thế lưỡng nan trong chính sách đối ngoại. Saudi Arabia không đơn thuần là một đất nước mà phương Tây bán vũ khí và mua dầu lửa. Đó là một quốc gia chủ chốt để tạo thăng bằng trong khu vực trước một Iran đầy tham vọng và Hồi giáo đang trỗi dậy trên thế giới, một đất nước lần đầu tiên từ nhiều thập kỷ qua bắt đầu con đường cải cách.
Năm 1979, cách mạng Hồi giáo chiến thắng tại Iran, nhưng thất bại ở Saudi Arabia, sau mưu toan chiếm đóng thánh địa Mecca của một nhóm biệt kích. Trong gần 40 năm qua, các nhà lãnh đạo nước này, duờng như bị ám ảnh bởi sự kiện trên, có vẻ luôn sẵn sàng thỏa hiệp với các xu hướng Hồi giáo cực đoan nhất.
Lần đầu tiên, một thái tử trẻ tuổi là Mohammad bin Salman quyết định phá vỡ vòng vây đang kiềm tỏa Saudi Arabia. Phương Tây, nhất là Hoa Kỳ vui mừng, thế giới Hồi giáo Sunni tìm được một nhà lãnh đạo xứng tầm để đối phó với một Iran theo Hồi giáo Shia. Ai Cập thì đã tự đứng ra bên ngoài, Thổ Nhĩ Kỳ của ông Erdogan là một đối tác phức tạp, nên đối với Donald Trump, MbS là một "món quà của Thượng Đế".
Đã hẳn là thái tử MbS không ngần ngại trước việc thường dân phải đổ máu ở Yemen, do sự yếu kém của quân đội nước mình. Vụ bắt cóc thủ tướng Lebanon, rồi vụ bắt giam các hoàng tử đã gây ấn tượng vì tính chất thô bạo, nhưng khi buộc các đại gia Saudi Arabia phải móc ví ra, vị thái tử trẻ muốn gởi đi thông điệp : đấu tranh chống tham nhũng là ưu tiên của chế độ.
Trong vụ Khashoggi, thông điệp cũng rất rõ ràng : dù là nhà ly khai hay chỉ là một người hay chỉ trích chế độ, từ nay số phận được dành cho họ đã rõ. Không thể mơ tưởng đến một cuộc cách mạng dân chủ trong thế giới Ả Rập, đừng nhầm lẫn cuộc cải cách từ bên trên với một cuộc cách mạng từ phía dưới.
Thủ tiêu nhà bình luận Mỹ tại một đất nước thù địch : Không đơn giản
Tuy nhiên, theo tác giả Dominique Moïsi, có lẽ do thiếu chín chắn, bốc đồng, ỷ lại vào mối quan hệ thân thiết với Donald Trump và con rể tổng thống Mỹ Jared Kushner, thái tử MbS đã đi quá xa. Người ta không thể "hô biến" một nhà báo nổi tiếng, tuy là người Saudi Arabia, nhưng là cây bút bình luận của Washington Post, tại một đất nước thù địch như Thổ Nhĩ Kỳ.
Tội ác tàn bạo này được thực hiện với đôi phần ngây thơ : làm thế nào mà họ không tính đến việc lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul được cài đầy micro và caméra gián điệp, giúp chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ có thể theo dõi trực tiếp vụ ám sát ? Ông Erdogan đã cô lập được đối thủ Saudi Arabia, với thông điệp : "Tại Thổ Nhĩ Kỳ, có thể bỏ tù các nhà báo, nhưng không sát hại và phân thây họ".
Hơn nữa, 17 năm sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, thế giới không sẵn sàng chấp nhận một "biệt đội tử thần" Saudi Arabia xuất hiện ở lãnh thổ nước khác. Thái tử MbS không chỉ tự cho mình đứng trên luật pháp, mà còn bất khả xâm phạm về mặt chiến lược và kinh tế. Nhưng ngày nay, Saudi Arabia cần đến Hoa Kỳ chứ không phải ngược lại. Washington nay độc lập về năng lượng nhờ nguồn dầu lửa và khí đá phiến, còn Riyadh hoàn toàn lệ thuộc vào vũ khí của Mỹ.
Theo Les Echos, vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi đã tạo ra hai nạn nhân cùng lúc là MbS và tiếp theo là Donald Trump. Vị thái tử vốn có vô số kẻ thù trong hoàng gia Saudi Arabia, có thể chống chọi được trước áp lực đòi ông ra đi ? Liệu MbS đang đưa đất nước vào tình trạng cô lập, dẫn đến hỗn loạn ? Dưới mắt nhiều nhà đầu tư, vị thái tử trẻ nay là một rủi ro lớn.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không bình an vô sự sau vụ tai tiếng này. Trong chính sách đối với Saudi Arabia, ông đã "bỏ tất cả những quả trứng vào cùng một giỏ", khi tạo ra mối quan hệ cá nhân thân thiết với MbS.
Saudi Arabia gây bối rối cho đồng minh
Bài xã luận của La Croix nhấn mạnh, vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi cần phải được tố cáo mạnh mẽ. Sự lúng túng có thể nhận thấy rõ trong giới ngoại giao và kinh tế trên thế giới, tất cả đều cho rằng những giải thích của Riyadh là không phù hợp. Cái chết của ông Khashoggi mang dấu ấn của một chế độ tàn bạo.
Nhưng Saudi Arabia lại là người đối thoại không thể thiếu vắng ở Trung Đông, đang chiến đấu với Iran trên nhiều mặt trận từ Lebannon cho đến Yemen, Afghanistan. Quốc gia này còn là nhân tố kinh tế mang tính toàn cầu, thành viên của G20 và sở hữu năng lực tài chính khổng lồ nhờ vào nguồn lợi dầu khí. Đồng thời còn có được mạng lưới ảnh hưởng trong cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới.
Tuy vậy, theo La Croix, bây giờ là lúc để nước Pháp, vốn có quan hệ đối tác chiến lược với Saudi Arabia, cần phải đòi hỏi nơi thái tử MbS sự minh bạch và tôn trọng nhân quyền.
Le Mondenói thêm, từ khi lên nắm quyền, thái tử Salman liên tục có những sai lầm, từ cuộc chiến đẫm máu tại Yemen, việc phong tỏa Qatar, cho đến sự can thiệp vào Bahrein, quan hệ với Israel, những thất bại ở Syria và Iraq, căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ và Canada… Vương quốc của MbS có nguy cơ trở thành gánh nặng cho các đồng minh, và vụ Khashoggi là cơ hội lớn cho các cường quốc khu vực khác như Iran.
La Croix nhận định, hội nghị kinh tế quan trọng sẽ diễn ra ngày mai 23/10 tại Riyadh có nguy cơ không thể trở thành "Davos của vùng sa mạc" như MbS mong muốn, do nhiều tập đoàn lớn và chính khách quan trọng vắng mặt. Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin, tổng thư ký Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde, các nhà lãnh đạo Úc, Pháp không tham dự. Tuy vậy, chưa thấy nước nào hủy bỏ các hợp đồng quan trọng với Saudi Arabia.
Bắc Kinh dùng võ mồm để cứu thị trường chứng khoán
Liên quan đến Châu Á, trên lãnh vực kinh tế, Les Echos ghi nhận "Bắc Kinh dùng võ mồm để cứu thị trường chứng khoán". Cả Ngân hàng Trung ương lẫn cơ quan quản lý chứng khoán và các thành viên chính phủ đều vào cuộc nhằm cố gắng giảm bớt đà suy sụp của thị trường và tái lập lòng tin.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán không ngừng lao dốc kể từ tháng Giêng, vài giờ trước khi công bố tỉ lệ tăng trưởng tệ hại của quý III, Bắc Kinh đã dùng đến vũ khí hạng nặng trên truyền thông. Phó thủ tướng phụ trách kinh tế Lưu Hạc cố gắng trấn an về cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, phát biểu trên Tân Hoa Xã là "tác động tâm lý nặng nề hơn thực tế". Ngân hàng Trung ương (PBOC) cho rằng "giá trị cổ phiếu hiện nay là quá thấp, tương phản với sự cải thiện căn bản về kinh tế". Còn Quách Thụ Thanh (Guo Shuqing), chủ tịch Ủy ban Điều hành Ngân hàng Trung Quốc tố cáo các hoạt động "bất bình thường", "hoàn toàn tách rời" khỏi nền kinh tế Trung Quốc.
Đợt "võ mồm" này đã giúp chỉ số CSI 300 tăng được 2,97%. Nhưng liệu ngôn từ có đủ để đảo ngược xu hướng, khi chứng khoán từ đầu năm đến nay đã mất giá tới 22% ? Les Echos nhấn mạnh, GDP của Trung Quốc trong quý III thấp nhất kể từ 2009 đến nay, trong khi hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ còn gây ảnh hưởng lớn trong thời gian tới.
Việt Nam có thể được lợi nhờ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung
Trong bài "Trump đảo lộn bản đồ sản xuất tại Châu Á", Le Monde cho biết chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã thúc đẩy một số tập đoàn kỹ nghệ Nhật Bản di dời các nhà máy tại Trung Quốc sang các nước khác trong khu vực.
Cụ thể là Toshiba Machine Co. từ tháng 10 chuyển sang lắp ráp tại Nhật và Thái Lan, nhà sản xuất máy công cụ Komatsu chuyển nhà máy đến Mexico, công ty Iris Ohyama cho sản xuất tại Hàn Quốc… Theo một cuộc điều tra của Nihon Keizai hồi tháng Chín, bước đầu đã có 22 tập đoàn Nhật dịch chuyển sản xuất nhằm hạn chế thiệt hại do Mỹ đánh thuế lên hàng Trung Quốc, và nhiều công ty khác sẽ theo chân vì không ai biết được chiến tranh thương mại sẽ kéo dài đến bao giờ.
Nhiều nước hy vọng được hưởng lợi, như Thái Lan đang mong chờ "làn sóng công nghệ và đầu tư sẽ rời Trung Quốc". Còn Việt Nam, vốn rất lệ thuộc vào xuất khẩu, cũng có tâm lý tương tự. Theo phân tích của Natixis : "Trong số 10 mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam, có đến 8 mặt hàng liên quan đến mức thuế hải quan cao nhất mà Hoa Kỳ áp đặt cho Trung Quốc. Cùng với giá thành sản xuất tăng cao tại Trung Quốc, và nhờ vị trí địa lý gần gũi, Việt Nam có thể được lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung".
Tựa chính báo Pháp
Le Mondequan tâm đến việc "Phe Macron tìm cách sáng tạo như thế nào" : các nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LRM) cố gắng tạo ra một nền tảng tư tưởng để chứng tỏ LRM không phải là đảng của cá nhân tổng thống Emmanuel Macron.
Cũng về chính trị, nhật báo Libération chạy tít lớn "Hệ thống Mélenchon". Trong khuôn khổ cuộc điều tra về tài chính liên quan đến cuộc vận động tranh cử 2017, tư pháp chú ý tới ba định chế do những nhân vật trung thành với lãnh tụ đảng Nước Pháp Bất Khuất điều hành.
Trên lãnh vực xã hội, La Croix đặt câu hỏi với bốn nhà sử học về ưu tiên dành cho môn học này, chạy tựa "Lịch sử nào được giảng dạy trong nhà trường ?". Về kinh tế, nhật báo Les Echos ghi nhận "Đánh thuế GAFA : Pháp lại tấn công". Le Figaro nhìn sang nước Mỹ, với tựa chính "Bầu cử giữa kỳ : Trump bị phe Dân chủ thách thức ngay tại thành trì của mình".
Thụy My
Thổ Nhĩ Kỳ : Vụ sát hại ký giả Khashoggi được hoạch định dã man (VOA, 23/10/2018)
Vụ sát hại ký giả người Saudi Arabia, Jamal Khashoggi, là một vụ giết người phức tạp được hoạch định dã man, phát ngôn nhân đảng AK cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ngày 22/10.
Video của CCTV cho thấy nhà báo Saudi Jamal Khashoggi, (được khoanh đỏ) đến tòa lãnh sự Saudi tại Istanbul, ngày 2/10/2018.
Ông Khashoggi mất tích từ hôm 2/10 sau khi bước vào tòa lãnh sự của Saudi Arabia tại Istanbul. Sau nhiều tuần khẳng định không hay biết gì về số phận của ông Khashoggi, các giới chức Saudi Arabia xác nhận ký giả này đã bị giết chết trong một hành động côn đồ.
Phát biểu với báo giới ở Ankara, phát ngôn nhân Omer Celik cũng tố cáo rằng các cuộc thương lượng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia trong phạm vi cuộc điều tra về cái chết của nhà báo Khashoggi là phi đạo đức và nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ có bổn phận phải phanh phui sự thật vụ án mạng.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nghi ông Khashoggi bị sát hại bên trong tòa lãnh sự bởi các mật vụ Saudi Arabia rồi bị chặt thi thể ra từng khúc. Các nguồn tin từ Thổ Nhĩ Kỳ cho hay nhà chức trách có băng ghi âm vụ sát hại nhà báo 59 tuổi này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan loan báo sẽ công bố thông tin về cuộc điều tra vào ngày 23/10.
*****************
Vụ Khashoggi : Đức ngưng bán vũ khí cho Saudi Arabia (VOA, 23/10/2018)
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 22/10 gọi vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul là "khủng khiếp" và nhất quyết ngưng xuất khẩu vũ khí sang Saudi Arabia cho đến khi vụ này được sáng tỏ.
Tổng thống Thổ Nhỉ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Đức Angela Merkel, tại cuộc họp báo ở Berlin, ngày 28/9/2018.
Bà Merkel chỉ trích điều bà gọi là "sự dã man tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ" trong một cuộc tập họp vận động tranh cử tại thị trấn Ortenberg, cách Frankfurt khoảng 50 kilômét về phía đông bắc.
"Việc này phải được làm sáng tỏ. Chừng nào không được sáng tỏ, sẽ không có việc xuất khẩu vũ khí sang Saudi Arabia. Tôi bảo đảm chắc chắn như thế", bà Merkel nói.
Cùng ngày 22/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông vẫn chưa hài lòng về những gì ông nghe được từ Saudi Arabia đối với việc nhà báo Jamal Khashoggi bị giết, nhưng ông không muốn mất những khoản đầu tư từ Riyadh.
Ông Jamal Khashoggi là một người viết bình luận cho tờ Washington Post và thường chỉ trích Thái tử Mohammed bin Salman, người cai trị trên thực tế Saudi Arabia. Nhà báo này mất tích cách đây 3 tuần sau khi vào lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul để xin giấy tờ làm thủ tục kết hôn.
Lúc đầu Riyadh nói không biết gì về số phận của ông Khashoggi, nhưng sau đó công nhận ông này bị giết trong một vụ xung đột trong lãnh sự quán, một phản ứng bị một vài chính phủ phương Tây nghi ngờ, gây nên căng thẳng trong mối quan hệ với quốc gia xuất khẩu dầu hỏa lớn nhất thế giới này.
******************
Saudi Arabia : Giết nhà báo trong lãnh sự quán là ‘sai lầm lớn, nghiêm trọng’ (VOA, 22/10/2018)
Saudi Arabia cho biết Thái tử Mohammed bin Salman đã gọi điện thoại cho con trai của nhà báo bị giết chết, Jamal Khashoggi, hôm 22/10 để chia buồn.
Nhà báo Jamal Khashoggi
Nhà báo Khashoggi chết sau khi vào lãnh sự quán của Saudi Arabia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 2/10.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, trong phát biểu tại Quốc hội hồi tuần trước, hứa sẽ công bố chi tiết về vụ này.
Ông nói với những người tuần hành ở Istanbul hôm Chủ nhật rằng "Chúng tôi đang tìm kiếm công lý và sẽ làm sáng tỏ tất cả sự thật trần trụi của nó, không phải bằng những bước thông thường".
Ông Erdogan đã nói chuyện với Tổng thống Mỹ Donald Trump qua điện thoại hôm Chủ Nhật. Cơ quan thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ cho biết cả hai nhà lãnh đạo đồng ý với nhau rằng vụ giết nhà báo Khashoggi cần phải được "làm rõ mọi khía cạnh".
Saudi Arabia nói vụ giết ông Khashoggi trong lãnh sự quán của mình ở Istanbul là "một sai lầm lớn và nghiêm trọng", và cam kết sẽ quy trách nhiệm những người liên quan.
Ngoại trưởng Adel al-Jubeir nói với kênh tin tức Fox News hôm Chủ nhật rằng các điệp viên Saudi Arabia "đã làm việc này ngoài phạm vi thẩm quyền của họ", và gọi đây là "một hành động côn đồ".
Nhà ngoại giao hàng đầu của Saudi Arabia đã gửi lời chia buồn tới gia đình ông Khashoggi, nhưng không tiết lộ thông tin mới về việc nhà báo này đã bị giết như thế nào, thi thể của ông hiện ở đâu hay liệu Thái tử, người nắm quyền cai trị trên thực tế, có liên quan đến vụ này hay không.
Saudi Arabia tuyên bố nhà báo Khashoggi, 59 tuổi, đã bị giết vào ngày 2/10 sau khi một cuộc cãi vã dẫn đến ẩu đả, một lời giải thích khiến cho quốc tế hoài nghi và khinh thường, kể cả Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Sau khi lúc đầu có vẻ tin Saudi Arabia, thì giờ ông Trump nói rằng "rõ ràng có sự lừa dối, và có những lời nói dối".
Saudi Arabia cho biết họ đã sa thải 5 quan chức chính liên quan đến vụ giết người và bắt giữ 18 người khác.
Những người chỉ trích đang đặt câu hỏi làm thế nào mà một nhóm gồm 15 điệp viên Saudi Arabia có thể bay đến Istanbul để gặp ông Khashoggi và cuối cùng giết ông mà không tham khảo và được sự đồng ý của hoàng tử. Nhưng ông al-Jubeir khẳng định "Không có người nào quan hệ mật thiết với ông ấy", mặc dù nhiều bản tin cho biết một số giới chức an ninh Saudi Arabia thân cận với Thái tử Mohammed có tham gia vào vụ này.
Nhà báo Khashoggi tự sống lưu vong ở Hoa Kỳ và là một cây viết chuyên mục cho tờ Washington Post, vốn hay chỉ trích sự can thiệp của Saudi Arabia và Thái tử Mohammed trong cuộc xung đột ở Yemen.
Các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng các điệp viên của Saudi Arabia đã tra tấn ông Khashoggi, giết chết và sau đó phân thây ông để tẩu tán.
Các nhà lãnh đạo Châu Âu và nhóm nhân quyền Ân xá Quốc tế bày tỏ hoài nghi về lời giải thích của Saudi Arabia.
Anh, Đức và Pháp đã ban hành một tuyên bố chung lên án vụ giết ông Khashoggi và nói rằng việc làm rõ chính xác những gì đã xảy ra là một nhu cầu cấp bách. Các nước Châu Âu nói cần phải có những chứng cứ hỗ trợ thì lời giải thích của Saudi Arabia mới đáng tin cậy.
Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi Saudi Arabia phải trao thi thể ông Khashoggi ngay lập tức để có thể thực hiện khám nghiệm tử thi.
Giám đốc chiến dịch của Ân xá Quốc tế khu vực Trung Đông, Samah Hadid, nói cần có cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc để tránh Saudi Arabia xóa dấu vết những gì diễn ra xung quanh cái chết của ông Khashoggi. Ông Hadid nói việc che đậy này có thể đã được thực hiện để duy trì mối quan hệ thương mại quốc tế của Saudi Arabia.
*********************
Quan chức Saudi Arabia lại nói khác về cái chết của ông Khashoggi (VOA, 21/10/2018)
Giữa lúc Saudi Arabia phải đối mặt với sự hoài nghi ngày càng tăng của quốc tế về thông báo của nước này về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi, một quan chức chính phủ cấp cao lại đưa ra lời kể khác về vụ tử vong xảy ra bên trong lãnh sự quán của Saudi Arabia ở Istanbul.
Bên ngoài lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul hôm 20/10/2018
Lời kể mới nhất, do một quan chức Saudi Arabia muốn giấu tên đưa ra, chứa đựng các chi tiết về việc một nhóm 15 công dân Saudi Arabia, được cử đến đối đầu với ông Khashoggi vào ngày 2/10, đã đe dọa và sau đó giết ông với hành động làm nghẹt thở ra sao khi ông chống đối. Một thành viên của nhóm sau đó đã mặc quần áo của ông Khashoggi để làm như thể là ông đã rời khỏi lãnh sự quán.
Saudi Arabia vào sáng 20/10 thông báo ông Khashoggi, 59 tuổi, đã chết trong một cuộc đấm đá lẫn nhau ở lãnh sự quán. Một giờ sau, một quan chức Saudi Arabia khác nói vụ tử vong xảy ra vì hành động làm nghẹt thở.
Ông Kashoggi là một nhà báo của tờ Washington Post và là người chỉ trích mạnh mẽ Thái tử Mohammed bin Salman.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nghi rằng thi thể của ông Khashoggi đã bị phân thành nhiều mảnh, nhưng quan chức Saudi Arabia lại nói rằng người ta đã cuộn xác của ông bằng một tấm thảm và giao cho một "người cộng tác ở địa phương" để xử lý. Khi được hỏi về những cáo buộc rằng ông Khashoggi đã bị tra tấn và chặt đầu, vị quan chức nói kết quả điều tra sơ bộ không cho thấy điều đó.
Đây là lời tường thuật mới nhất của Saudi Arabia sau nhiều lần họ thay đổi các thông tin được đưa ra. Các nhà chức trách ban đầu khẳng định tin tức nói rằng ông Khashoggi đã mất tích trong lãnh sự quán là thông tin sai, và tuyên bố ông đã rời khỏi tòa nhà không lâu sau khi ông vào trong. Khi báo giới đưa tin một vài ngày sau đó rằng ông đã bị giết ở đó, họ gọi những cáo buộc đó là "vô căn cứ".
Khi Reuters hỏi tại sao các thông tin của chính phủ A-rập Xê-ut về ông Khashoggi lại tiếp tục thay đổi, quan chức nước này nói thông báo ban đầu của chính phủ dựa trên "thông tin sai lệch được báo cáo nội bộ vào thời điểm đó".
"Khi người ta thấy rõ là các báo cáo ban đầu là sai, họ đã tiến hành điều tra nội bộ và hạn chế đưa ra thêm các bình luận trước công chúng", quan chức nói và cho biết thêm rằng cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20/10 nói ông không hài lòng với việc Saudi Arabia xử lý vụ ông Khashoggi bị chết và vẫn còn có những câu hỏi cần được giải đáp. Đức và Pháp hôm 20/10 nói những lời giải thích của Saudi Arabia về việc ông Khashoggi chết ra sao là không đầy đủ.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói với Reuters rằng những kẻ giết ông Khashoggi có thể đã vứt những phần thi thể của ông ở Rừng Belgrad gần Istanbul, và tại một địa điểm nông thôn gần thành phố Yalova, cách Istanbul 90 km về phía nam.
Việc ông Khashoggi mất tích đã biến thành một cuộc khủng hoảng lớn đối với vương quốc vùng Vịnh, buộc quốc vương 82 tuổi, ông Salman, phải đích thân tham gia giải quyết. Nó cũng đe dọa đến các mối quan hệ làm ăn của vương quốc, khi các lãnh đạo doanh nghiệp và các quan chức chính phủ một số nước không muốn dự một hội nghị đầu tư ở Riyadh dự kiến diễn ra vào tuần tới, cũng như một số nhà lập pháp Mỹ gây áp lực lên Tổng thống Trump, đòi áp đặt lệnh trừng phạt và ngừng bán vũ khí cho Saudi Arabia.
Quan chức Saudi Arabia cho biết tất cả 15 thành viên trong nhóm đã bị bắt và bị điều tra, cùng với ba nghi phạm khác là người địa phương.
Vụ Khashoggi : Thái tử Saudi Arabia tự hại thân (RFI, 19/10/2018)
Lần đầu tiên từ khi nhà báo đối lập Jamal Khashoggi mất tích khi vào Toà lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul ngày 02/10/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump gần như nhìn nhận nạn nhân đã chết và đe dọa trừng phạt nghiêm khắc Riyahd. Vương triều dự tính bắt một viên tướng an ninh làm vật tế thần, nhưng theo truyền thông quốc tế, nghi can số một chính là thái tử Mohammad Bin Salman, một nhà lãnh đạo hai mặt.
Hoàng thái tử Mohammad Bin Salman trong chuyến thăm Madrir, ngày 12/04/2018. AFP/Oscar Del Pozo
Jamal Khashoggi không phải là người Saudi Arabia lưu vong đầu tiên bị ám sát. Ai cũng còn nhớ nhà đối lập Nassir Al Said biệt tích tại Lebanon vào năm 1997. Năm 2003, hoàng thân Sultan bin Turki bị bắt cóc ở Geneve. Năm 2015, một hoàng thân khác, Turki ben Badar Al Saoud, đang xin tị nạn tại Paris, đột nhiên biến mất.
Tháng 06/2017, thái tử Mohammad Bin Salman, biệt hiệu MBS, đương kim bộ trưởng quốc phòng mới 32 tuổi, đã được chọn làm người kế vị vua cha Salman, tạo ra một bầu không khí đổi mới. MBS tự cho mình là một nhà lãnh đạo trẻ tuổi, hiện đại, hứa hẹn canh tân chế độ phong kiến lạc hậu và đã không tiếc tiền quảng cáo đánh bóng hình ảnh này.
Biện pháp cụ thể của ông là cho phụ nữ quyền lái xe, xem bóng đá và tung ra nhiều đợt chống tham nhũng mà sự kiện gây tiếng vang lớn nhất là bắt hàng chục hoàng thân, hoàng tử bị cáo buộc tham ô. Tuy nhiên, thái tử Mohammad Bin Salman cũng không tha bất kỳ ai chống lại mình, điển hình qua các cuộc thanh trừng liên tục được phát động nhân danh bài trừ tham nhũng, theo nhận định của chuyên gia về Saudi Arabia, Clarence Rodriguez, của đài France 24, cũng như báo chí Anh Mỹ nhắc lại trong những ngày qua.
Tháng 12/2017, thiếu tướng Ali Al Qahtani, ủng hộ một hoàng tử đối nghịch với thái tử Mohammad Bin Salman, chết trong lúc bị câu lưu, cổ có dấu hiệu bị vặn gẫy. Tại Saudi Arabia, nhiều nhà họat động nhân quyền bị kết tội khủng bố, theo tố cáo của tổ chức Human Rights Watch.
Nhà báo Jamal Khashoggi phải lưu vong để tránh nhà tù. Tại Mỹ, trong mục "Ý kiến" của Washington Post, nhà báo Jamal Khashoggi liên tục chỉ trích thiên hướng độc tài, trấn áp của thái tử MBS. Ngay trong vụ bài trừ tham ô hồi đầu năm 2018 mà hàng chục hoàng tử bị nhốt trong khách sạn Ritz Carlton ở Riyahd, nhiều người bị đánh đập và phải ký giấy nợ với giám đốc cảnh sát thủ đô, thân cận của MBS. Kết quả là nhân vật này thu được hàng chục tỷ đôla cho dự án "Vision 2030".
Theo một nhà ngoại giao Pháp tại Riyahd, thái tử MBS là một người thô bạo mà chính tổng thống Emmanuel Macron và ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian đã có cơ hội trải nghiệm "thực tế".
Tuy nhiên, nhân vật được chỉ định nắm vận mệnh Saudi Arabia cũng là một nhà lãnh đạo có viễn kiến và muốn canh tân thật sự : Hơn hai phần ba dân số Saudi Arabia là thành phần trẻ, chưa đến 30 tuổi. MBS tuyên bố cải cách cho thế hệ này và được giới trẻ ủng hộ. Rất nhiều doanh nhân và giới lãnh đạo chính trị thế giới cũng đổ xô về Saudi Arabia vì tin vào MBS, nhưng nay phải thất vọng vì thấy mình đánh giá sai lầm. Một bộ mặt khác của MBS xuất hiện đúng như Jamal Khashoggi cảnh báo từ hai năm nay.
Jamal Khashoggi có lẽ đã bị bịt miệng vì người ta không muốn nhà báo nói lên sự thật. "Sự thật, dân chủ và tự do" là ba mục tiêu quan trọng nhất đối với nhà báo Jamal Khashoggi, theo nhận định của Middle Est Eye, báo chuyên đề về thời sự Trung Đông.
Để tháo gọng kềm từ từ siết lại, triều đình Saudi Arabia dự tính quy trách nhiệm cho tướng Ahmed Assiri, một cố vấn của hoàng thái tử. Tuy nhiên, một nhân vật quan trọng khác có mặt trong toán ám sát bị Thổ Nhĩ Kỳ nhận diện là Maher Abdulaziz Mutreb, cũng là một người thân cận của MBS.
Thái tử lần này có thoát được hay không ? Tổng thống Donald Trump sẽ phản ứng ra sao ? Các tổ chức nhân quyền kêu gọi trao cho Liên Hiệp Quốc nhiệm vụ điều tra để tránh trường hợp "đổi chác" ở cấp chính phủ.
Tú Anh
*******************
Vụ Khashoggi đe dọa chiến lược của Mỹ tại Trung Đông (RFI, 18/10/2018)
Cái chết mờ ám của nhà báo người Saudi Arabia Jamal Khashoggi đang thách thức bang giao giữa Washington với Riyahd, một đồng minh truyền thống của Mỹ tại Trung Đông. Nhà Trắng tránh để mang tiếng là bao che cho Saudi Arabia bịt miệng một tiếng nói đối lập, nhưng cũng không thể làm phật lòng thái tử Mohammad Bin Salman, lá chủ bài của Hoa Kỳ để kềm tỏa ảnh hưởng của Iran trong vùng Vịnh. Về mặt kinh tế, dầu hỏa và những hợp đồng khổng lồ với Riyahd là hai yếu tố buộc chính quyền Trump phải thận trọng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cử Ngoại trưởng Mike Pompeo sang Riyahd trao đổi với thái tử Mohammad Bin Salman để giải quyết cuộc khủng hoảng về vụ mất tích của nhà báo Khashoggi. Reuters/Leah Millis/Pool
Sau khi lên cầm quyền, tổng thống Donald Trump đã dành chuyến xuất ngoại đầu tiên đến Saudi Arabia, nơi quyền lực thực sự được đặt trong tay thái tử Mohammad Bin Salman. Đành rằng Riyahd là một đồng minh lâu đời của Washington trong khu vực vùng Vịnh và nhiều đời tổng thống Mỹ liên tiếp đứng về phía vương quốc dầu hỏa này, nhưng chính quyền Trump đã có những bước tiến rất xa và kỳ vọng nhiều vào Saudi Arabia để thực hiện một chiến lược "đầy tham vọng" ở Trung Đông.
Phải đợi nhiều ngày sau khi nhà báo người Saudi Arabia Jamal Khashoggi mất tích, chính quyền Mỹ mới lên tiếng. Tổng thống Trump từng bực mình khi được báo chí hỏi về số phận của một cộng tác viên với tờ báo Washington Post và cho rằng, ông Khashoggi không phải là công dân Mỹ. Có điều, hơn hai tuần qua, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy là tiếng nói đối lập với chính quyền Riyahd này dường như đã bị "tra tấn và bị chặt đầu" trong tòa lãnh sự Saudi Arabia ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.
Thêm vào đó là hàng loạt bằng chứng cho thấy đằng sau cái chết mờ ám đó có bàn tay của thái tử Mohammad Bin Salman, nhân vật rất thân với cố vấn và cũng là con rể tổng thống Trump, Jared Kushner. Vụ việc lại càng gây bối rối cho Nhà Trắng khi mọi người phát hiện nhà báo Khashoggi sống lưu vong tại Hoa Kỳ và có thẻ thường trú của Mỹ. Chẳng đặng đừng, tổng thống Trump phải lên tiếng, nhất là khi ông chịu sức ép từ trong hàng ngũ của chính đảng Cộng hòa ở Quốc hội.
Dù nói sẽ "nghiêm phạt" Riyahd nếu chính quyền Saudi Arabia là thủ phạm vụ sát hại nhà báo Khashoggi, nhưng tổng thống Trump báo trước là quan hệ giữa Hoa Kỳ với đồng minh truyền thống này tại Trung Đông vẫn rất tốt đẹp.
Theo giới quan sát có nhiều lý do để chính quyền Trump nhẹ tay với Riyahd.
Trước hết, phải kể đến yếu tố kinh tế, chính quyền Trump cần giữ quan hệ tốt với Saudi Arabia tránh để vương quốc dầu hỏa này dọa khóa van dầu, đẩy giá vàng đen lên cao làm phương hại tới kinh tế của nước Mỹ. Ngoài ra, như chính tổng thống Trump tuyên bố, ông không có ý định hủy bỏ những hợp đồng mua bán vũ khí của Riyahd, hay gây phương hại đến 110 tỷ đầu tư của Saudi Arabia vào Hoa Kỳ.
Nhưng quan trọng hơn cả là về phương diện chiến lược, Mỹ cần Saudi Arabia trong nhiều hồ sơ. Theo giải thích của chuyên gia về Trung Cận Đông, Simon Henderson, thuộc trung tâm nghiên cứu Washington Institute for Near East Policy, tổng thống Trump khó xử với Riyahd, bởi Saudi Arabia là một lá chủ bài của Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố. Jared Kushner, con rể và cũng là cố vấn của Donald Trump có những mối liên hệ trực tiếp và gần gũi với thái tử Mohammad Bin Salman. Theo giới phân tích, vũng vì cần Saudi Arabia mà Mỹ - và cả Châu Âu đều nhắm mắt làm ngơ để cho thái tử Mohammad Bin Salman rộng bề hành động, đặc biệt là qua chiến dịch quân sự tại Yemen.
Thậm chí Nhà Trắng còn xem Saudi Arabia, một nước Hồi giáo theo hệ phái Sunni, là cột trụ trong chiến lược Trung Đông rộng lớn. Trong một bài báo trên Wall Street Journal, giáo sư Walter Russell Mead, chuyên gia về quan hệ quốc tế của Mỹ, nhận định : Khi quyết định rút Hoa Kỳ ra khỏi hiệp định hạt nhân Iran, tổng thống Trump và ban tham mưu của Nhà Trắng đánh cuộc trên một kịch bản. Đó là bóp ngạt kinh tế Iran, buộc Tehran phải tập trung tăng cường quân sự, triển khai tên lửa và hạt nhân. Khi đó Saudi Arabia và Israel, hai kẻ thù không đội trời chung của Tehran, sẽ là những cánh tay nối dài của Mỹ để "dạy cho Iran một bài học".
Chỉ khi đó, Washignton mới trở lại cuộc chơi, làm một công đôi việc. Một mặt ép Tehran để đạt được một thỏa thuận về hạt nhân "cân bằng hơn", mặt khác sẽ mặc cả với Iran để giải quyết hồ sơ Syria. Bởi ai cũng biết, Iran cùng với Nga đang là hai điểm tựa chính của chế độ Damascus.
Có điều cái chết đột ngột của nhà báo Jamal Khashoggi đã làm đảo lộn những nước cờ của Washington tại Trung Đông. Ba tuần trước bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, bài toán của tổng thống Donald Trump càng thêm nan giải, khi những nhân vật được cho là thân cận với Nhà Trắng, chẳng hạn thượng nghị sĩ Lindsey Graham, không vòng vo tố cáo là hoàng tử Mohammad Bin Salman đã "ra lệnh ám sát Jamal Khashoggi trước mắt Hoa Kỳ". Vẫn theo ông Lindsey Graham, trong trường hợp đó, hoàng thái tử Mohammad Bin Salman "phải ra đi".
Thanh Hà