Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quốc tế

22/10/2018

Điểm báo Pháp - Thế giới không thể chấp nhận "biệt đội tử thần" Saudi Arabia

RFI tiếng Việt

Vụ Khashoggi : Thế giới không thể chấp nhận "biệt đội tử thần" Saudi Arabia

Tất cả các nhật báo Pháp hôm 22/10/2018 đều tiếp tục đề cập đến vụ nhà báo đối lập người Saudi Arabia Jamal Khashoggi bị sát hại dã man.

khashoggi1

Hoàng thái tử Saudi Arabia Mohammad bin Salman trong một cuộc họp tại Ryad, ngày 26/11/2017. ©BANDAR AL-JALOUD/Saudi Royal Palace/AFP

Giáo sư Dominique Moïsi trong bài phân tích "Saudi Arabia và ảo vọng hiện đại hóa" đăng trên Les Echos nhận định, đối với phương Tây mà đứng đầu là Hoa Kỳ, thái tử Mohammad bin Salman (MbS) đại diện cho hy vọng về một vương quốc Ả Rập có thể giao du được. Nhưng vụ nhà báo Khashoggi bị giết hại đã chứng tỏ điều ngược lại.

Đặt trọng tâm vào những giá trị mà mình bảo vệ hay lợi ích, vào đạo đức hay tính thực dụng ? Vụ sát hại ông Jamal Khashoggi là minh chứng cụ thể nhất cho thế lưỡng nan trong chính sách đối ngoại. Saudi Arabia không đơn thuần là một đất nước mà phương Tây bán vũ khí và mua dầu lửa. Đó là một quốc gia chủ chốt để tạo thăng bằng trong khu vực trước một Iran đầy tham vọng và Hồi giáo đang trỗi dậy trên thế giới, một đất nước lần đầu tiên từ nhiều thập kỷ qua bắt đầu con đường cải cách.

Năm 1979, cách mạng Hồi giáo chiến thắng tại Iran, nhưng thất bại ở Saudi Arabia, sau mưu toan chiếm đóng thánh địa Mecca của một nhóm biệt kích. Trong gần 40 năm qua, các nhà lãnh đạo nước này, duờng như bị ám ảnh bởi sự kiện trên, có vẻ luôn sẵn sàng thỏa hiệp với các xu hướng Hồi giáo cực đoan nhất.

Lần đầu tiên, một thái tử trẻ tuổi là Mohammad bin Salman quyết định phá vỡ vòng vây đang kiềm tỏa Saudi Arabia. Phương Tây, nhất là Hoa Kỳ vui mừng, thế giới Hồi giáo Sunni tìm được một nhà lãnh đạo xứng tầm để đối phó với một Iran theo Hồi giáo Shia. Ai Cập thì đã tự đứng ra bên ngoài, Thổ Nhĩ Kỳ của ông Erdogan là một đối tác phức tạp, nên đối với Donald Trump, MbS là một "món quà của Thượng Đế".

Đã hẳn là thái tử MbS không ngần ngại trước việc thường dân phải đổ máu ở Yemen, do sự yếu kém của quân đội nước mình. Vụ bắt cóc thủ tướng Lebanon, rồi vụ bắt giam các hoàng tử đã gây ấn tượng vì tính chất thô bạo, nhưng khi buộc các đại gia Saudi Arabia phải móc ví ra, vị thái tử trẻ muốn gởi đi thông điệp : đấu tranh chống tham nhũng là ưu tiên của chế độ.

Trong vụ Khashoggi, thông điệp cũng rất rõ ràng : dù là nhà ly khai hay chỉ là một người hay chỉ trích chế độ, từ nay số phận được dành cho họ đã rõ. Không thể mơ tưởng đến một cuộc cách mạng dân chủ trong thế giới Ả Rập, đừng nhầm lẫn cuộc cải cách từ bên trên với một cuộc cách mạng từ phía dưới.

Thủ tiêu nhà bình luận Mỹ tại một đất nước thù địch : Không đơn giản

Tuy nhiên, theo tác giả Dominique Moïsi, có lẽ do thiếu chín chắn, bốc đồng, ỷ lại vào mối quan hệ thân thiết với Donald Trump và con rể tổng thống Mỹ Jared Kushner, thái tử MbS đã đi quá xa. Người ta không thể "hô biến" một nhà báo nổi tiếng, tuy là người Saudi Arabia, nhưng là cây bút bình luận của Washington Post, tại một đất nước thù địch như Thổ Nhĩ Kỳ.

Tội ác tàn bạo này được thực hiện với đôi phần ngây thơ : làm thế nào mà họ không tính đến việc lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul được cài đầy micro và caméra gián điệp, giúp chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ có thể theo dõi trực tiếp vụ ám sát ? Ông Erdogan đã cô lập được đối thủ Saudi Arabia, với thông điệp : "Tại Thổ Nhĩ Kỳ, có thể bỏ tù các nhà báo, nhưng không sát hại và phân thây họ".

Hơn nữa, 17 năm sau các vụ tấn công khủng bố ngày 11/9, thế giới không sẵn sàng chấp nhận một "biệt đội tử thần" Saudi Arabia xuất hiện ở lãnh thổ nước khác. Thái tử MbS không chỉ tự cho mình đứng trên luật pháp, mà còn bất khả xâm phạm về mặt chiến lược và kinh tế. Nhưng ngày nay, Saudi Arabia cần đến Hoa Kỳ chứ không phải ngược lại. Washington nay độc lập về năng lượng nhờ nguồn dầu lửa và khí đá phiến, còn Riyadh hoàn toàn lệ thuộc vào vũ khí của Mỹ.

Theo Les Echos, vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi đã tạo ra hai nạn nhân cùng lúc là MbS và tiếp theo là Donald Trump. Vị thái tử vốn có vô số kẻ thù trong hoàng gia Saudi Arabia, có thể chống chọi được trước áp lực đòi ông ra đi ? Liệu MbS đang đưa đất nước vào tình trạng cô lập, dẫn đến hỗn loạn ? Dưới mắt nhiều nhà đầu tư, vị thái tử trẻ nay là một rủi ro lớn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng không bình an vô sự sau vụ tai tiếng này. Trong chính sách đối với Saudi Arabia, ông đã "bỏ tất cả những quả trứng vào cùng một giỏ", khi tạo ra mối quan hệ cá nhân thân thiết với MbS.

Saudi Arabia gây bối rối cho đồng minh

Bài xã luận của La Croix nhấn mạnh, vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi cần phải được tố cáo mạnh mẽ. Sự lúng túng có thể nhận thấy rõ trong giới ngoại giao và kinh tế trên thế giới, tất cả đều cho rằng những giải thích của Riyadh là không phù hợp. Cái chết của ông Khashoggi mang dấu ấn của một chế độ tàn bạo.

Nhưng Saudi Arabia lại là người đối thoại không thể thiếu vắng ở Trung Đông, đang chiến đấu với Iran trên nhiều mặt trận từ Lebannon cho đến Yemen, Afghanistan. Quốc gia này còn là nhân tố kinh tế mang tính toàn cầu, thành viên của G20 và sở hữu năng lực tài chính khổng lồ nhờ vào nguồn lợi dầu khí. Đồng thời còn có được mạng lưới ảnh hưởng trong cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới.

Tuy vậy, theo La Croix, bây giờ là lúc để nước Pháp, vốn có quan hệ đối tác chiến lược với Saudi Arabia, cần phải đòi hỏi nơi thái tử MbS sự minh bạch và tôn trọng nhân quyền.

Le Mondenói thêm, từ khi lên nắm quyền, thái tử Salman liên tục có những sai lầm, từ cuộc chiến đẫm máu tại Yemen, việc phong tỏa Qatar, cho đến sự can thiệp vào Bahrein, quan hệ với Israel, những thất bại ở Syria và Iraq, căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ và Canada… Vương quốc của MbS có nguy cơ trở thành gánh nặng cho các đồng minh, và vụ Khashoggi là cơ hội lớn cho các cường quốc khu vực khác như Iran.

La Croix nhận định, hội nghị kinh tế quan trọng sẽ diễn ra ngày mai 23/10 tại Riyadh có nguy cơ không thể trở thành "Davos của vùng sa mạc" như MbS mong muốn, do nhiều tập đoàn lớn và chính khách quan trọng vắng mặt. Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Steven Mnuchin, tổng thư ký Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde, các nhà lãnh đạo Úc, Pháp không tham dự. Tuy vậy, chưa thấy nước nào hủy bỏ các hợp đồng quan trọng với Saudi Arabia.

Bắc Kinh dùng võ mồm để cứu thị trường chứng khoán

Liên quan đến Châu Á, trên lãnh vực kinh tế, Les Echos ghi nhận "Bắc Kinh dùng võ mồm để cứu thị trường chứng khoán". Cả Ngân hàng Trung ương lẫn cơ quan quản lý chứng khoán và các thành viên chính phủ đều vào cuộc nhằm cố gắng giảm bớt đà suy sụp của thị trường và tái lập lòng tin.

Trong bối cảnh thị trường chứng khoán không ngừng lao dốc kể từ tháng Giêng, vài giờ trước khi công bố tỉ lệ tăng trưởng tệ hại của quý III, Bắc Kinh đã dùng đến vũ khí hạng nặng trên truyền thông. Phó thủ tướng phụ trách kinh tế Lưu Hạc cố gắng trấn an về cuộc chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, phát biểu trên Tân Hoa Xã là "tác động tâm lý nặng nề hơn thực tế". Ngân hàng Trung ương (PBOC) cho rằng "giá trị cổ phiếu hiện nay là quá thấp, tương phản với sự cải thiện căn bản về kinh tế". Còn Quách Thụ Thanh (Guo Shuqing), chủ tịch Ủy ban Điều hành Ngân hàng Trung Quốc tố cáo các hoạt động "bất bình thường", "hoàn toàn tách rời" khỏi nền kinh tế Trung Quốc.

Đợt "võ mồm" này đã giúp chỉ số CSI 300 tăng được 2,97%. Nhưng liệu ngôn từ có đủ để đảo ngược xu hướng, khi chứng khoán từ đầu năm đến nay đã mất giá tới 22% ? Les Echos nhấn mạnh, GDP của Trung Quốc trong quý III thấp nhất kể từ 2009 đến nay, trong khi hậu quả của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ còn gây ảnh hưởng lớn trong thời gian tới.

Việt Nam có thể được lợi nhờ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung

Trong bài "Trump đảo lộn bản đồ sản xuất tại Châu Á", Le Monde cho biết chiến tranh thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã thúc đẩy một số tập đoàn kỹ nghệ Nhật Bản di dời các nhà máy tại Trung Quốc sang các nước khác trong khu vực.

Cụ thể là Toshiba Machine Co. từ tháng 10 chuyển sang lắp ráp tại Nhật và Thái Lan, nhà sản xuất máy công cụ Komatsu chuyển nhà máy đến Mexico, công ty Iris Ohyama cho sản xuất tại Hàn Quốc… Theo một cuộc điều tra của Nihon Keizai hồi tháng Chín, bước đầu đã có 22 tập đoàn Nhật dịch chuyển sản xuất nhằm hạn chế thiệt hại do Mỹ đánh thuế lên hàng Trung Quốc, và nhiều công ty khác sẽ theo chân vì không ai biết được chiến tranh thương mại sẽ kéo dài đến bao giờ.

Nhiều nước hy vọng được hưởng lợi, như Thái Lan đang mong chờ "làn sóng công nghệ và đầu tư sẽ rời Trung Quốc". Còn Việt Nam, vốn rất lệ thuộc vào xuất khẩu, cũng có tâm lý tương tự. Theo phân tích của Natixis : "Trong số 10 mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Việt Nam, có đến 8 mặt hàng liên quan đến mức thuế hải quan cao nhất mà Hoa Kỳ áp đặt cho Trung Quốc. Cùng với giá thành sản xuất tăng cao tại Trung Quốc, và nhờ vị trí địa lý gần gũi, Việt Nam có thể được lợi từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung".

Tựa chính báo Pháp

Le Mondequan tâm đến việc "Phe Macron tìm cách sáng tạo như thế nào" : các nhà lãnh đạo đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LRM) cố gắng tạo ra một nền tảng tư tưởng để chứng tỏ LRM không phải là đảng của cá nhân tổng thống Emmanuel Macron.

Cũng về chính trị, nhật báo Libération chạy tít lớn "Hệ thống Mélenchon". Trong khuôn khổ cuộc điều tra về tài chính liên quan đến cuộc vận động tranh cử 2017, tư pháp chú ý tới ba định chế do những nhân vật trung thành với lãnh tụ đảng Nước Pháp Bất Khuất điều hành.

Trên lãnh vực xã hội, La Croix đặt câu hỏi với bốn nhà sử học về ưu tiên dành cho môn học này, chạy tựa "Lịch sử nào được giảng dạy trong nhà trường ?". Về kinh tế, nhật báo Les Echos ghi nhận "Đánh thuế GAFA : Pháp lại tấn công". Le Figaro nhìn sang nước Mỹ, với tựa chính "Bầu cử giữa kỳ : Trump bị phe Dân chủ thách thức ngay tại thành trì của mình".

Thụy My

Quay lại trang chủ
Read 494 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)