Thổ Nhĩ Kỳ : Vụ sát hại ký giả Khashoggi được hoạch định dã man (VOA, 23/10/2018)
Vụ sát hại ký giả người Saudi Arabia, Jamal Khashoggi, là một vụ giết người phức tạp được hoạch định dã man, phát ngôn nhân đảng AK cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố ngày 22/10.
Video của CCTV cho thấy nhà báo Saudi Jamal Khashoggi, (được khoanh đỏ) đến tòa lãnh sự Saudi tại Istanbul, ngày 2/10/2018.
Ông Khashoggi mất tích từ hôm 2/10 sau khi bước vào tòa lãnh sự của Saudi Arabia tại Istanbul. Sau nhiều tuần khẳng định không hay biết gì về số phận của ông Khashoggi, các giới chức Saudi Arabia xác nhận ký giả này đã bị giết chết trong một hành động côn đồ.
Phát biểu với báo giới ở Ankara, phát ngôn nhân Omer Celik cũng tố cáo rằng các cuộc thương lượng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia trong phạm vi cuộc điều tra về cái chết của nhà báo Khashoggi là phi đạo đức và nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ có bổn phận phải phanh phui sự thật vụ án mạng.
Giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nghi ông Khashoggi bị sát hại bên trong tòa lãnh sự bởi các mật vụ Saudi Arabia rồi bị chặt thi thể ra từng khúc. Các nguồn tin từ Thổ Nhĩ Kỳ cho hay nhà chức trách có băng ghi âm vụ sát hại nhà báo 59 tuổi này.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan loan báo sẽ công bố thông tin về cuộc điều tra vào ngày 23/10.
*****************
Vụ Khashoggi : Đức ngưng bán vũ khí cho Saudi Arabia (VOA, 23/10/2018)
Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 22/10 gọi vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul là "khủng khiếp" và nhất quyết ngưng xuất khẩu vũ khí sang Saudi Arabia cho đến khi vụ này được sáng tỏ.
Tổng thống Thổ Nhỉ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng Đức Angela Merkel, tại cuộc họp báo ở Berlin, ngày 28/9/2018.
Bà Merkel chỉ trích điều bà gọi là "sự dã man tại lãnh sự quán Saudi Arabia ở Thổ Nhĩ Kỳ" trong một cuộc tập họp vận động tranh cử tại thị trấn Ortenberg, cách Frankfurt khoảng 50 kilômét về phía đông bắc.
"Việc này phải được làm sáng tỏ. Chừng nào không được sáng tỏ, sẽ không có việc xuất khẩu vũ khí sang Saudi Arabia. Tôi bảo đảm chắc chắn như thế", bà Merkel nói.
Cùng ngày 22/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói ông vẫn chưa hài lòng về những gì ông nghe được từ Saudi Arabia đối với việc nhà báo Jamal Khashoggi bị giết, nhưng ông không muốn mất những khoản đầu tư từ Riyadh.
Ông Jamal Khashoggi là một người viết bình luận cho tờ Washington Post và thường chỉ trích Thái tử Mohammed bin Salman, người cai trị trên thực tế Saudi Arabia. Nhà báo này mất tích cách đây 3 tuần sau khi vào lãnh sự quán Saudi Arabia tại Istanbul để xin giấy tờ làm thủ tục kết hôn.
Lúc đầu Riyadh nói không biết gì về số phận của ông Khashoggi, nhưng sau đó công nhận ông này bị giết trong một vụ xung đột trong lãnh sự quán, một phản ứng bị một vài chính phủ phương Tây nghi ngờ, gây nên căng thẳng trong mối quan hệ với quốc gia xuất khẩu dầu hỏa lớn nhất thế giới này.
******************
Saudi Arabia : Giết nhà báo trong lãnh sự quán là ‘sai lầm lớn, nghiêm trọng’ (VOA, 22/10/2018)
Saudi Arabia cho biết Thái tử Mohammed bin Salman đã gọi điện thoại cho con trai của nhà báo bị giết chết, Jamal Khashoggi, hôm 22/10 để chia buồn.
Nhà báo Jamal Khashoggi
Nhà báo Khashoggi chết sau khi vào lãnh sự quán của Saudi Arabia tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vào ngày 2/10.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, trong phát biểu tại Quốc hội hồi tuần trước, hứa sẽ công bố chi tiết về vụ này.
Ông nói với những người tuần hành ở Istanbul hôm Chủ nhật rằng "Chúng tôi đang tìm kiếm công lý và sẽ làm sáng tỏ tất cả sự thật trần trụi của nó, không phải bằng những bước thông thường".
Ông Erdogan đã nói chuyện với Tổng thống Mỹ Donald Trump qua điện thoại hôm Chủ Nhật. Cơ quan thông tấn nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ cho biết cả hai nhà lãnh đạo đồng ý với nhau rằng vụ giết nhà báo Khashoggi cần phải được "làm rõ mọi khía cạnh".
Saudi Arabia nói vụ giết ông Khashoggi trong lãnh sự quán của mình ở Istanbul là "một sai lầm lớn và nghiêm trọng", và cam kết sẽ quy trách nhiệm những người liên quan.
Ngoại trưởng Adel al-Jubeir nói với kênh tin tức Fox News hôm Chủ nhật rằng các điệp viên Saudi Arabia "đã làm việc này ngoài phạm vi thẩm quyền của họ", và gọi đây là "một hành động côn đồ".
Nhà ngoại giao hàng đầu của Saudi Arabia đã gửi lời chia buồn tới gia đình ông Khashoggi, nhưng không tiết lộ thông tin mới về việc nhà báo này đã bị giết như thế nào, thi thể của ông hiện ở đâu hay liệu Thái tử, người nắm quyền cai trị trên thực tế, có liên quan đến vụ này hay không.
Saudi Arabia tuyên bố nhà báo Khashoggi, 59 tuổi, đã bị giết vào ngày 2/10 sau khi một cuộc cãi vã dẫn đến ẩu đả, một lời giải thích khiến cho quốc tế hoài nghi và khinh thường, kể cả Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump. Sau khi lúc đầu có vẻ tin Saudi Arabia, thì giờ ông Trump nói rằng "rõ ràng có sự lừa dối, và có những lời nói dối".
Saudi Arabia cho biết họ đã sa thải 5 quan chức chính liên quan đến vụ giết người và bắt giữ 18 người khác.
Những người chỉ trích đang đặt câu hỏi làm thế nào mà một nhóm gồm 15 điệp viên Saudi Arabia có thể bay đến Istanbul để gặp ông Khashoggi và cuối cùng giết ông mà không tham khảo và được sự đồng ý của hoàng tử. Nhưng ông al-Jubeir khẳng định "Không có người nào quan hệ mật thiết với ông ấy", mặc dù nhiều bản tin cho biết một số giới chức an ninh Saudi Arabia thân cận với Thái tử Mohammed có tham gia vào vụ này.
Nhà báo Khashoggi tự sống lưu vong ở Hoa Kỳ và là một cây viết chuyên mục cho tờ Washington Post, vốn hay chỉ trích sự can thiệp của Saudi Arabia và Thái tử Mohammed trong cuộc xung đột ở Yemen.
Các nhà điều tra Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng các điệp viên của Saudi Arabia đã tra tấn ông Khashoggi, giết chết và sau đó phân thây ông để tẩu tán.
Các nhà lãnh đạo Châu Âu và nhóm nhân quyền Ân xá Quốc tế bày tỏ hoài nghi về lời giải thích của Saudi Arabia.
Anh, Đức và Pháp đã ban hành một tuyên bố chung lên án vụ giết ông Khashoggi và nói rằng việc làm rõ chính xác những gì đã xảy ra là một nhu cầu cấp bách. Các nước Châu Âu nói cần phải có những chứng cứ hỗ trợ thì lời giải thích của Saudi Arabia mới đáng tin cậy.
Tổ chức Ân xá Quốc tế kêu gọi Saudi Arabia phải trao thi thể ông Khashoggi ngay lập tức để có thể thực hiện khám nghiệm tử thi.
Giám đốc chiến dịch của Ân xá Quốc tế khu vực Trung Đông, Samah Hadid, nói cần có cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc để tránh Saudi Arabia xóa dấu vết những gì diễn ra xung quanh cái chết của ông Khashoggi. Ông Hadid nói việc che đậy này có thể đã được thực hiện để duy trì mối quan hệ thương mại quốc tế của Saudi Arabia.
*********************
Quan chức Saudi Arabia lại nói khác về cái chết của ông Khashoggi (VOA, 21/10/2018)
Giữa lúc Saudi Arabia phải đối mặt với sự hoài nghi ngày càng tăng của quốc tế về thông báo của nước này về cái chết của nhà báo Jamal Khashoggi, một quan chức chính phủ cấp cao lại đưa ra lời kể khác về vụ tử vong xảy ra bên trong lãnh sự quán của Saudi Arabia ở Istanbul.
Bên ngoài lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul hôm 20/10/2018
Lời kể mới nhất, do một quan chức Saudi Arabia muốn giấu tên đưa ra, chứa đựng các chi tiết về việc một nhóm 15 công dân Saudi Arabia, được cử đến đối đầu với ông Khashoggi vào ngày 2/10, đã đe dọa và sau đó giết ông với hành động làm nghẹt thở ra sao khi ông chống đối. Một thành viên của nhóm sau đó đã mặc quần áo của ông Khashoggi để làm như thể là ông đã rời khỏi lãnh sự quán.
Saudi Arabia vào sáng 20/10 thông báo ông Khashoggi, 59 tuổi, đã chết trong một cuộc đấm đá lẫn nhau ở lãnh sự quán. Một giờ sau, một quan chức Saudi Arabia khác nói vụ tử vong xảy ra vì hành động làm nghẹt thở.
Ông Kashoggi là một nhà báo của tờ Washington Post và là người chỉ trích mạnh mẽ Thái tử Mohammed bin Salman.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nghi rằng thi thể của ông Khashoggi đã bị phân thành nhiều mảnh, nhưng quan chức Saudi Arabia lại nói rằng người ta đã cuộn xác của ông bằng một tấm thảm và giao cho một "người cộng tác ở địa phương" để xử lý. Khi được hỏi về những cáo buộc rằng ông Khashoggi đã bị tra tấn và chặt đầu, vị quan chức nói kết quả điều tra sơ bộ không cho thấy điều đó.
Đây là lời tường thuật mới nhất của Saudi Arabia sau nhiều lần họ thay đổi các thông tin được đưa ra. Các nhà chức trách ban đầu khẳng định tin tức nói rằng ông Khashoggi đã mất tích trong lãnh sự quán là thông tin sai, và tuyên bố ông đã rời khỏi tòa nhà không lâu sau khi ông vào trong. Khi báo giới đưa tin một vài ngày sau đó rằng ông đã bị giết ở đó, họ gọi những cáo buộc đó là "vô căn cứ".
Khi Reuters hỏi tại sao các thông tin của chính phủ A-rập Xê-ut về ông Khashoggi lại tiếp tục thay đổi, quan chức nước này nói thông báo ban đầu của chính phủ dựa trên "thông tin sai lệch được báo cáo nội bộ vào thời điểm đó".
"Khi người ta thấy rõ là các báo cáo ban đầu là sai, họ đã tiến hành điều tra nội bộ và hạn chế đưa ra thêm các bình luận trước công chúng", quan chức nói và cho biết thêm rằng cuộc điều tra vẫn đang tiếp tục.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 20/10 nói ông không hài lòng với việc Saudi Arabia xử lý vụ ông Khashoggi bị chết và vẫn còn có những câu hỏi cần được giải đáp. Đức và Pháp hôm 20/10 nói những lời giải thích của Saudi Arabia về việc ông Khashoggi chết ra sao là không đầy đủ.
Các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nói với Reuters rằng những kẻ giết ông Khashoggi có thể đã vứt những phần thi thể của ông ở Rừng Belgrad gần Istanbul, và tại một địa điểm nông thôn gần thành phố Yalova, cách Istanbul 90 km về phía nam.
Việc ông Khashoggi mất tích đã biến thành một cuộc khủng hoảng lớn đối với vương quốc vùng Vịnh, buộc quốc vương 82 tuổi, ông Salman, phải đích thân tham gia giải quyết. Nó cũng đe dọa đến các mối quan hệ làm ăn của vương quốc, khi các lãnh đạo doanh nghiệp và các quan chức chính phủ một số nước không muốn dự một hội nghị đầu tư ở Riyadh dự kiến diễn ra vào tuần tới, cũng như một số nhà lập pháp Mỹ gây áp lực lên Tổng thống Trump, đòi áp đặt lệnh trừng phạt và ngừng bán vũ khí cho Saudi Arabia.
Quan chức Saudi Arabia cho biết tất cả 15 thành viên trong nhóm đã bị bắt và bị điều tra, cùng với ba nghi phạm khác là người địa phương.