Ngày thứ Năm, 9 tháng Tám, Bắc Kinh đưa ra danh sách những món hàng nhập cảng từ Mỹ sẽ bị đánh thuế 25%, cùng tổng số 16 tỷ USD để trả đũa Mỹ. Trong danh sách đó, có một món dự trù sẽ bị đánh nhưng sau cùng đã bỏ ra ngoài ; đó là dầu lửa, dầu thô mua về chế biến.
Trung Quốc cần nhập dầu lửa. Hơn 70% nhiên liệu dùng trong xứ phải nhập cảng, và trong 20 năm nữa sẽ tăng lên thành 80%. Nhưng Trung Quốc mua dầu nhiều nhất của Nga và Saudi Arabia, dầu lửa Mỹ chỉ chiếm 3% tổng số nhập cảng.
Dầu thô của Mỹ, Nigeria, Lybia thuộc loại "ngọt", chứa chất lưu huỳnh (sulfur) dưới 1% ; dầu Trung Đông, Nga "chua" hơn nên khi lọc rất tốn kém. Trong hai năm vừa rồi số dầu thô Trung Quốc mua của Mỹ đã tăng lên gấp 200 lần ! Các nước ở Châu Á cũng mua nhiều dầu thô của Mỹ hơn.
Nếu Trung Quốc dầu thô của Mỹ, các nước Châu Á khác sẵn sàng mua, vì họ đã lập những nhà máy lọc dầu mới cho thích hợp với loại ít lưu huỳnh. Quyết định đánh thuế 25% trên dầu thô Mỹ sẽ không gây một hiệu quả "trả đũa" nào cả, mặc dù Trung Quốc mua nhiều dầu của Mỹ chỉ thua Canada !
Trước đây Mỹ mua dầu vào nhiều hơn bán ra, lệ thuộc dầu từ Trung Đông. Gần đây Quốc Hội Mỹ bãi bỏ luật cấm xuất cảng dầu vì số dầu, khí đốt sản xuất bỗng tăng nhanh, nhờ phát minh các phương pháp khai thác mới.
Câu chuyện Trung Quốc không đánh thuế 25% trên dầu thô của Mỹ cho thấy trong cuộc chiến tranh mậu dịch đang diễn ra cán cân nghiêng về phía Mỹ. Nếu mỗi nước cứ tiếp tục tăng thuế nhập cảng từ nước kia, Mỹ có thể chịu đựng một cuộc chiến lâu dài trong khi Bắc Kinh sẽ đuối sức sớm !
Kinh tế Trung Quốc tùy thuộc vào xuất cảng nhiều, Mỹ thì ít. Nếu số xuất cảng sụp giảm, kinh tế Tàu bị đòn nặng hơn, và sớm hơn Mỹ. Năm ngoái Mỹ chỉ bán 130 USD tỷ cho Trung Quốc, mua vào gần 500 tỷ USD. Nếu tiếp tục leo thang từng bước, Mỹ đánh 34 tỷ USD, Tàu theo 34 tỷ USD, đánh 16 tỷ USD cũng theo 16 tỷ USD, sẽ đến lúc Trung Quốc hết hàng Mỹ để đánh thuế !
Nhưng điều quan trọng hơn cả, là kinh tế Mỹ có sức sống mạnh và bền bỉ hơn, vì do các công ty tư nhân đóng vai chủ động. Lúc nào họ cũng đầy phát minh, sáng kiến, thay đổi nhanh chóng để sẵn sàng lâm chiến, đáp ứng với thị trường. Trong khi đó kinh tế Trung Quốc vẫn do các cán bộ, đảng viên điều khiển ! Kinh nghiệm nửa thế kỷ chiến tranh lạnh cho thấy khi đám công chức thư lại đấu trận kinh tế với tư nhân, có thể đoán trước bên nào sẽ thắng.
Tình trạng trì trệ của guồng máy thư lại biểu lộ rõ ngay trong những ngày đầu lâm chiến, từ tháng Ba, 2018. Tập Cận Bình rõ ràng ở thế bị động, cứ Trump đánh tới đâu thì trả đũa tới đó ; trong khi Tôn Tử đã nói rằng phương pháp phòng thủ tốt nhất là tấn công !
Nhiều người giải thích rằng chiến lược đối đầu của Cộng Sản Trung Quốc đặt trên giả thuyết là Donald Trump "tháu cáy". Ông tổng thống Mỹ chỉ dọa thôi, nhưng sẽ giơ cao đánh khẽ. Vì ông Trump đã theo cách đó khi đối đầu với ông Kim Jong Un, với ông Bashar al-Assad ở Syria.
Ý kiến này nghe bùi tai giới lãnh đạo Trung Nam Hải. Cho nên Trung Quốc không có một kế hoạch chủ động đối phó với Mỹ trong cuộc chiến quan thuế leo thang. Cho nên, họ cứ chờ coi Trump hành động trước rồi phản ứng.
Tại sao những con người như Tập Cận Bình lại chấp nhận vai trò thụ động như vậy ? Ông ta đã từng hạ tất cả các đối thủ, đè bẹp Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào, leo lên cao gần bằng Mao Trạch Đông, hơn cả Đặng Tiểu Bình.
Nguyên nhân chính là ông Tập Cận Bình vẫn dựa vào một guồng máy thư lại trong đảng Cộng Sản xưa nay vẫn quen sống ù lì, mà chính ông ta làm cho nó trì trệ hơn.
Trong năm, sáu năm qua, ông Tập Cận Bình chú tâm vào "Hai Củng Cố". Một là củng cố địa vị của mình, trở thành một chủ tịch không bị hạn chế hai nhiệm kỳ. Ông đã thành công. Hai là củng cố uy quyền của đảng Cộng Sản trong nước Trung Hoa. Ông đang tiến những bước quyết liệt, đàn áp những nhà tranh đấu cho tự do dân chủ.
Nhưng để thực hiện "Hai Củng Cố" này, ông Tập Cận Bình tự làm thế yếu đi. Ông ta tự cô lập, không còn được nghe những ý kiến trái ngược với ý muốn của "thiên tử".
Đặt niềm tin vào một số cận thần, ông Tập Cận Bình đã không sử dụng cả những cơ quan nghiên cứu trong nội bộ, như Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển thuộc Quốc Vụ Viện (国务院发展研究中心) đã hoàn toàn bị gạt ra ngoài các cuộc thảo luận chiến lược kinh tế. Bên ngoài guồng máy đảng, ông Tập Cận Bình ra lệnh kiểm soát chặt chẽ những cơ quan nghiên cứu của các đại học, chỉ nhắm ngăn chặn các ý kiến trái nghịch, không khuyến khích các công trình nghiên cứu độc lập.
Cuối cùng, ông Tập Cận Bình chỉ còn được nghe những ý kiến "làm vui tai lãnh tụ".
Cho nên, theo nhật báo Hồng Kông South China Morning Post, đứng trước những lời đe dọa tăng thuế quan, gây chiến tranh mậu dịch của ông Donald Trump, ông Tập Cận Bình không hề được chuẩn bị. Không có ai thu thập các dữ kiện, con số. Không có người vạch ra các giả thiết cuộc chiến sẽ xảy ra như thế nào, cần đối phó với mỗi kịch bản ra sao.
Dưới chế độ Tập Cận Bình, vẫn theo tờ báo, các học giả Trung Quốc sang Mỹ bị hạn chế không được tiếp xúc nhiều với các đồng nghiệp trong những "think tank" và đại học Mỹ. Họ không được nghe những ý kiến "chống Tàu" với các kịch bản để thi hành. Bắc Kinh vẫn tin tưởng quá đáng vào những "cố vấn" như ông Henry Kissinger, một tay cựu trào giỏi khai thác tiếng tăm của mình để kiếm hợp đồng nghiên cứu, nhưng không còn chút ảnh hưởng nào trong chính trị ở Washington. Thiếu dữ liệu, không có kịch bản, bộ máy chiến lược của ông Tập Cận Bình lâm vào thế thụ động.
Vì vậy, cách đối phó của ông Tập Cận Bình với ông Donald Trump là đi theo từng bước một. Các bước đi được quyết định vào phút chót, như việc rút dầu thô ra khỏi danh sách bị đánh thuế trả đũa – như một quan chức tiết lộ với báo South China Morning Post.
Sau khi Tổng Thống Donald Trump phát pháo tấn công thật, Chủ Tịch Tập Cận Bình đã tính nước cờ Liên Hoành, kết thân với Liên Âu, Nga và Nhật Bản để cùng chống Mỹ. Khi Nhật và Liên Âu ký hiệp ước lập một khối mậu dịch tự do lớn nhất thế giới, và ông Jean-Claude Juncker tới Washington gặp Donald Trump, thế cờ đó tan vỡ.
Một điều mà các cố vấn thân cận của ông Tập Cận Bình không dám nói cho ông chủ nghe, là các nước Châu Âu, Nhật Bản và Mỹ không phải chỉ giao thương hàng hóa và dịch vụ với nhau, họ còn chia sẻ những giá trị chung của chế độ tự do dân chủ. Sau khi ông Juncker từ Washington trở về, ông Donald Tusk, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu (European Council), đã tuyên bố trên Twitter, "Mỹ và Châu Âu là những bạn bè thân thiết nhất".
Những ý kiến đó các nhà nghiên cứu độc lập ở Trung Quốc cũng biết, và đã nói.
Một giáo sư Bắc Kinh Đại Học, ông Cổ Khánh Quốc (Jia Qingguo, 贾庆国) đã nói trong một cuộc hội thảo gần đây khuyên "Trung Quốc nên giữ một đường lối khiêm tốn trong bang giao quốc tế… Đừng để người ta nghĩ rằng mình sắp chiếm địa vị của nước Mỹ".
Một người táo bạo hơn là Giáo Sư Từ Trường Nhuận (徐张润), phân khoa Luật (Pháp Học Viện) của Đại Học Thanh Hoa (清华大学法学院教授). Ông mới viết một bài vào cuối tháng Bảy đăng trên mạng Viện Nghiên Cứu Unirule (Thiên Tắc Kinh Tế Nghiên Cứu Sở 天则经济研究所), một tổ chức mới bị đóng cửa.
Từ Trường Nhuận phê bình thẳng rằng quyết định bãi bỏ giới hạn hai nhiệm kỳ chủ tịch là sai lầm. Ông yêu cầu quốc hội Trung Hoa hãy hủy bỏ quyết định đó, và cũng công kích cuộc tàn sát Thiên An Môn năm 1989. Nhật báo South China Morning Post cho biết ông Từ Trường Nhuận đang chờ bị thanh trừng !
Chính ông Tập Cận Bình tạo ra không khí đàn áp tư tưởng, không muốn nghe các lời nói "nghịch ý thiên tử". Gieo gió gặt bão, bây giờ ông Tập Cận Bình lúng túng khi đứng trước các cuộc tấn công quan thuế của ông Donald Trump vì cả bộ tham mưu không được chuẩn bị để đối phó.
Nhưng đó là tình trạng tất yếu sẽ đến với những lãnh tụ độc tài.
Ngô Nhân Dụng
Nguồn : Người Việt, 10/08/2018
Tổng thống Donald Trump nói ông sẵn sàng tăng cường cuộc chiến thương mại với Trung Quốc bằng cách áp thuế quan lên toàn bộ 500 tỷ USD hàng nhập khẩu từ nước này.
Tổng thống Donald Trump nói ông sẵn sàng tăng cường cuộc chiến thương mại với Trung Quốc - Ảnh minh họa
"Tôi sẵn sàng tăng lên mức 500 [tỷ USD]," ông Trump nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh CNBC.
Ông Trump có bình luận này trước khi đợt thuế quan mới nhất của Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc đi vào hiệu lực vào cuối tháng 7.
Tuần trước, Washington liệt kê danh sách các mặt hàng Trung Quốc có trị giá 200 tỷ USD mà Mỹ dự định sẽ áp thuế bắt đầu từ tháng 9/2018.
Danh sách này gồm hơn 6000 mặt hàng gồm thực phẩm, khoáng sản, hàng tiêu dùng như túi xách. Các mặt hàng này dự tính sẽ chịu mức thuế 10%.
Danh sách này hiện vẫn đang trong giai đoạn tham khảo ý kiến của công chúng cho tới hết tháng 8/2018.
Mỹ 'bị trừng phạt'
Tổng thống Donald Trump cũng phàn nàn rằng đồng đô la Mỹ mạnh hơn đang làm ảnh hưởng đến các doanh nghiệp Mỹ.
Trong một loạt các dòng tweet, ông đổ lỗi việc "thao túng" tiền tệ của Trung Quốc và EU đã làm tăng giá đồng đô la Mỹ.
Ông cũng chỉ trích động thái tăng lãi suất của Cục dự trữ Liên bang Mỹ hôm 20/7.
"Hoa Kỳ không nên bị trừng phạt vì chúng ta đang phát triển tốt. Biện pháp thắt chặt lúc này làm ảnh hưởng tất cả những gì chúng ta đã làm," ông viết trên Twitter.
Mỹ và Trung Quốc đã áp dụng thuế quan 'ăn miếng trả miếng' lên 34 tỷ USD hàng hóa của nhau. Lời đe dọa nâng thuế quan lên 500 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc của ông Trump cho thấy sự leo thang đáng kể của cuộc chiến thương mại.
"Chúng ta vẫn thiệt [thâm hụt thương mại] một khoản rất lớn," ông Trump nói với kênh CNBC, nhấn mạnh lại quan điểm của ông rằng Trung Quốc có thặng dư thương mại lớn đối với Mỹ do những tập quán thương mại không công bằng.
Khi được hỏi liệu động thái tiếp tục áp thuế bổ sung lên nhiều mặt hàng có dẫn đến chuyện rút vốn khỏi thị trường chứng khoán hay không, ông Trump đáp : "Nếu điều đó xảy ra, chuyện là vậy. Tôi không làm điều này vì lý do chính trị. Tôi làm điều này vì đó là điều đúng đắn cho đất nước chúng ta".
Mỹ cũng muốn Trung Quốc ngưng các tập quán kinh doanh được cho là khuyến khich việc chuyển giao sở hữu trí tuệ - những ý tưởng sản phẩm và thiết kế - cho các công ty Trung Quốc, chẳng hạn yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài phải cùng sở hữu với các đối tác trong nước nếu họ muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc.
Nhiều công ty Mỹ phản đối các biện pháp thuế quan của chính quyền Trump với Trung Quốc. Họ nói các biện pháp này có nguy cơ làm tổn hại doanh nghiệp và kinh tế Mỹ mà không làm thay đổi cách làm ăn của Trung Quốc.
Thị trường chứng khoán Châu Âu mất điểm sau cuộc phỏng vấn của ông Trump được phát sóng, với chỉ số FTSE 100 giảm 0,4% trong phiên giao dịch chiều ngày 20/7.
"Đó là bằng chứng cho thấy, nếu cần thiết, vị tổng thống sẵn sàng đi tới cùng trong cuộc chiến thương mại để đạt được nhượng bộ từ phía Trung Quốc," ông Neil Wilson, nhà phân tích thị trường từ hãng Markets.com cho biết.
"Trong bối cảnh EU và các nước khác tuyên bố họ sẵn sàng đáp trả thuế quan đánh vào xe hơi, nguy cơ leo thang chiến tranh thương mại đang tăng nhanh. Liệu chúng ta có một cuộc chiến tổng lực hay không thì còn phải xem xét, nhưng khả năng đó ngày một lớn," ông Wilson nhận định.
Cửa hàng Mi Store đầu tiên của thương hiệu smartphone Trung Quốc Xiaomi mở cửa ở Hà Nội hồi tháng 5/2018
Tác động đến Việt Nam
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung sẽ có hệ lụy khó lường đến các nước thứ ba, trong đó có Việt Nam, theo nhận định của Tiến sĩ Nguyễn Văn Phú, từ Đại học Strasbourg, Pháp.
""Vì hàng hóa Trung Quốc xuất qua Mỹ bị đắt hơn, các doanh nghiệp Trung Quốc tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu qua các thị trường khác, trong đó có Việt Nam. Điều này sẽ tăng thâm hụt thương mại của Việt Nam đối với Trung Quốc.
"Ngoài ra, việc đồng tiền Nhân dân tệ rớt giá, hàng hóa của Trung Quốc sẽ rẻ hơn so với hàng Việt Nam trên thị trường thế giới, sẽ làm xuất khẩu Việt Nam gặp thêm khó khăn".
"Do vậy mà nhiều khả năng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ gây sức ép rất lớn lên kinh tế Việt Nam trong thời gian tới," TS Nguyễn Văn Phú bình luận với BBC Tiếng Việt.
Tiến sĩ Giang Lê, chủ nhân blog KinhteTaichinh, thì bình luận với BBC hôm 10/7 :
"Nếu cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và các căng thẳng thương mại khác tiếp tục leo thang, tác động trong dài hạn sẽ rất xấu vì không chỉ các hoạt động kinh tế bị gián đoạn mà trật tự thương mại quốc tế có thể bị đảo lộn.
"Có thể nói sau hơn 10 năm gia nhập WTO và trải qua một số sóng gió ban đầu, Việt Nam đang gặt hái nhiều lợi ích của hệ thống này trong vài năm gần đây.
"Tất cả những thuận lợi này có thể bị đảo lộn nếu các trật tự/thể chế kinh tế chính trị thế giới (Wto, Nafta, Imf, Wb, Eu) tan vỡ chỉ vì một vài chính sách thiển cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump.
"Ngay cả nếu điều này không xảy ra mà chỉ cần Mỹ quay lưng lại với thế giới, Việt Nam sẽ dễ dàng rơi vào một trật tự mới do Trung Quốc xác lập, nhiều phần sẽ tồi tệ hơn hệ thống hiện tại".
Cố vấn thương mại của Tổng thống Trump muốn mở cửa thị trường Trung Quốc (VOA, 03/05/2018)
Đại diện Thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1/5 nói ông không đàm phán nhằm thay đổi hệ thống kinh tế Trung Quốc, mà thương thuyết để mở nền kinh tế Trung Quốc cho cạnh tranh từ nước ngoài. Dự kiến Đại diện Thương mại Mỹ sẽ đàm phán với phía Trung Quộc ở Bắc Kinh trong tuần này.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer.
Theo hãng tin Reuters, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer nói với Phòng thương mại Hoa Kỳ rằng ông coi các nội dung đàm phán với các quan chức hàng đầu Trung Quốc vào ngày thứ Năm và thứ Sáu như là bước đầu tiên trong một tiến trình học hỏi lâu dài cho cả Washington lẫn Bắc Kinh để giải quyết tốt hơn những khác biệt thương mại giữa hai nước.
Ông Lighthizer nói : "Mục tiêu của tôi không phải là thay đổi hệ thống kinh tế của Trung Quốc, mặc dù theo các dấu hiệu bề ngoài, hệ thống này dường như có lợi hơn cho phía họ… Nhưng tôi phải đặt mình trong vị thế làm thế nào để Hoa Kỳ có thể giải quyết tình trạng dó, để Hoa Kỳ không là nạn nhân của hệ thống đó, và đó là nhiệm vụ của chúng tôi".
Ngoài ông Lighthizer, trong phái đoàn của chính quyền ông Trump đi đàm phán ở Bắc Kinh còn có Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin, Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, Cố vấn Sản xuất và Thương mại thuộc Tòa Bạch Ốc Peter Navarro, và cố vấn Kinh tế Tòa Bạch Ốc Larry Kudlow.
Hôm 1/5 ông Ross cho biết Tổng thống Trump sẵn sàng áp thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc nếu phái đoàn không đạt được một thỏa thuận để giảm thâm hụt cán cân thương mại Mỹ - Trung.
Phát biểu trên đài truyền hình CNBC trước khi lên đường sang Trung Quốc, ông Ross nói ông đã đạt được thỏa thuận "với nhiều hy vọng" có thể giải quyết những căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
*********************
"Chip điện tử" : Một cuộc chiến khác giữa Washington và Bắc Kinh (RFI, 03/05/2018)
Ngày 03/05/2018, một phái đoàn của Hoa Kỳ đã đến Trung Quốc để thảo luận về các tranh chấp thương mại đôi bên. Thế nhưng, cuộc chiến nhôm, thép và nông sản chỉ là bề nổi. Ẩn sau cuộc tranh chấp thương mại này là một cuộc đọ sức khác không kém phần gay cấn, đang khiến Washington lo ngại : "Cuộc chiến con chip điện tử".
Đại diện Thương Mại Mỹ Robert Lighthizer (giữa) khi rời khách sạn ở Bắc Kinh, ngày 03/05/2018. Reuters/Jason Lee
Trung Quốc "phải tự cung tự cấp" trong lĩnh vực công nghệ quan trọng và "tập hợp mọi sức lực để thực hiện những điều lớn lao", chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nhấn mạnh như trên khi đến thăm một hãng công nghệ cao.
Nhưng con đường "thực hiện những điều lớn lao" đó vẫn còn một cản lực : Bắc Kinh chưa thể làm chủ công nghệ bán dẫn để tự sản xuất chip điện tử, một linh kiện điện tử thiết yếu trong các sản phẩm điện tử, từ điện thoại thông minh cho đến các loại máy vi tính. Trung Quốc, công xưởng thế giới giá rẻ, lại phải nhập khẩu đến 80% chip điện tử, chủ yếu là từ Hoa Kỳ, nơi mà những thương hiệu lớn như Intel, Qualcomm và Micron đang thống lĩnh thị trường này.
Với "Kế hoạch 2025", Trung Quốc thời Tập Cận Bình giờ muốn khắc phục sự chậm trễ đó. Mục tiêu của kế hoạch là làm thế nào hoàn thiện việc sản xuất trong nước công nghệ bán dẫn để giảm 50% sự lệ thuộc vào nguồn cung ứng bên ngoài, biến Trung Quốc thành một cường quốc công nghệ tân tiến, có thể cạnh tranh với Hoa Kỳ.
Tham vọng này của Bắc Kinh thật sự khiến Washington lo ngại vì có liên quan đến vấn đề "sở hữu trí tuệ", một điểm gai góc nhất trong cuộc tranh chấp này, như nhận định của ông Robert Lighthizer, Đại diện Thương Mại Mỹ USRT với hãng tin Pháp AFP.
Hoa Kỳ luôn lên án cách hành xử của Bắc Kinh, như "ép buộc" doanh nghiệp nước ngoài phải chuyển giao công nghệ nếu muốn làm ăn tại Trung Quốc ; hay cạnh tranh không lành mạnh, luồn lách các luật lệ cạnh tranh, qua việc thực hiện những chính sách hỗ trợ tài chính ồ ạt.
Theo các số liệu thống kê của USTR, từ năm 2014, chính quyền trung ương và địa phương tại Trung Quốc đã tài trợ khoảng 100 tỷ đô la cho nhiều tập đoàn Nhà nước hoạt động trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn, như Hua Hong, có nhà xưởng ở thành phố Vô Tích (đông Trung Quốc), Thanh Hoa Unigroup hay ZTE…
Bộ trưởng Thương Mại Mỹ Wilbur Ross đã đánh giá "Kế hoạch 2025" này của Trung Quốc là"đáng sợ", và cho đấy là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm thủng thương mại của Mỹ ngày càng lớn.
Trong bối cảnh đó, chính quyền Donald Trump đã ra sức ngăn chặn các chiến dịch Trung Quốc mua lại công nghệ Mỹ. tháng 9/2017, tổng thống Mỹ, lấy lý do an ninh quốc gia, phản đối thương vụ một tập đoàn Nhà nước Trung Quốc mua lại công ty chế tạo bán dẫn Lattice. Tương tự, Thanh Hoa Unigroup năm 2015 đã thất bại trong việc tìm cách sở hữu Micron.
Dù có nhiều ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ còn phải mất đến nhiều năm nữa mới có thể "sánh vai" với Hoa Kỳ, nhưng điều gì có thể cản trở được nước này trong tương lai sở hữu được lĩnh vực công nghệ này, khi mà giờ đây Trung Quốc gần như đã có tất cả, từ bom nguyên tử cho đến cả công nghệ không gian. Thậm chí, "Silicon Valley của Trung Quốc" cũng đang trên đà qua mặt các cường quốc khác. Theo nhận định của AFP, rõ ràng, "cuộc chiến chip - rận điện tử đang làm "mẩn ngứa" quan hệ thương mại Mỹ - Trung".
Minh Anh
*********************
Thương mại : Mỹ hoãn binh ở Châu Âu để rảnh tay đối phó Trung Quốc (RFI, 02/05/2018)
Vì sao vào giờ chót hôm 30/04/2018 chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định hoãn thêm một tháng việc áp thuế mới trên nhôm và thép nhập khẩu từ Liên Hiệp Châu Âu ? Theo nhiều chuyên gia được hãng tin Pháp AFP phỏng vấn, đây là một chiến thuật hoãn binh mà Mỹ áp dụng đối với một khối có tầm quan trọng chiến lược, để rảnh tay bước vào cuộc đàm phán thương mại gay go với Bắc Kinh.
Nhôm thép của thế giới trong tầm ngắm bảo hộ mậu dịch của tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh : Một xưởng chế biến nhôm tấm tại Đức. TOBIAS SCHWARZ / AFP
Phản ứng trước quyết định tạm hoãn được Nhà Trắng công bố, Liên Hiệp Châu Âu không hề tỏ vẻ vui mừng, mà trái lại đã biểu lộ thái độ thất vọng, cho rằng quyết định không dứt khoát miễn áp thuế đối với Châu Âu chỉ "kéo dài tình trạng bấp bênh", không có lợi cho kinh doanh.
Giới phân tích đã gắn liền động thái hoãn binh của Mỹ đối với Châu Âu, với sự kiện một phái đoàn Mỹ lên đường qua Trung Quốc vào hôm nay để đấu tranh với Bắc Kinh về việc Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Theo bà Monica de Bolle, chuyên gia cao cấp tại Viện Kinh Tế Quốc Tế Peterson, tổng thống Mỹ không thể đơn độc đương đầu với Trung Quốc trong một cuộc chiến tranh thương mại, và "Liên Hiệp Châu Âu biết rõ điều đó".
Đối với bà de Bolle, tầm quan trọng của Liên Hiệp Châu Âu đối với Hoa Kỳ vượt xa khuôn khổ thương mại hay bất cứ thứ gì liên quan đến thép hoặc nhôm, vì lẽ Bruxelles có một trọng lượng về chiến lược và ngoại giao hiển nhiên mà Washington không thể bỏ qua.
Mặt khác, Liên Hiệp Châu Âu cũng phản đối chính sách của Bắc Kinh về sở hữu trí tuệ, nhưng sẽ không ủng hộ Mỹ trong cuộc chiến chống Trung Quốc, nếu vẫn bị Washington tấn công trong lãnh vực nhôm và thép.
Ông Edward Alden, một chuyên gia về thương mại tại trung tâm nghiên cứu Hội Đồng Quan Hệ Đối Ngoại, cho rằng Washington không muốn gây sự với Bruxelles vào lúc mà phái đoàn thương mại hùng hậu của Mỹ đổ bộ xuống Bắc Kinh. Chính vì không muốn mở ra một mặt trận khác với Châu Âu mà chính quyền Trump đã quyết định hoãn áp thuế trên nhôm và thép.
Lý do rất đơn giản : Nếu thuế nhôm thép có hiệu lực đối với Châu Âu ngay từ ngày 01/05 như dự kiến, Liên Hiệp Châu Âu sẽ lập tức ra đòn trả đũa và điều đó, theo ông Alden, "sẽ khiến Mỹ bị cô lập trong việc đối phó với Trung Quốc".
Tuy nhiên, quyết định tạm hoãn áp thuế trên thép và nhôm đối với Châu Âu chưa giải quyết được dứt khoát mầm mống gây bất đồng giữa Mỹ và Châu Âu, với việc Liên Hiệp Châu Âu vẫn tiếp tục đòi miễn giảm vĩnh viễn các sắc thuế này.
Đối với ông Eswar Prasad, giáo sư chính sách thương mại tại Đại Học Cornell ở Hoa Kỳ, việc chỉ kéo dài việc miễn áp thuế một thời gian ngắn, cho phép chính quyền Trump duy trì áp lực trên Châu Âu, buộc Bruxelles nhượng bộ trên một số lãnh vực thương mại theo mong muốn của Hoa Kỳ.
Theo ông Alden, trong vấn đề này, Washington đang đặt cược trên khả năng một số nước khác ngoài Châu Âu như Brazil, Úc, Achentina và Hàn Quốc, chịu thua và chấp nhận các điều kiện của Mỹ. Trong tình hình đó Liên Hiệp Châu Âu sẽ bị đơn độc nếu tiếp tục cứng rắn.
Trọng Nghĩa
********************
Phái đoàn thương mại Mỹ đến Bắc Kinh (RFI, 02/05/2018)
Một phái đoàn Mỹ do bộ trưởng Tài Chính Steve Mnuchin dẫn đầu hôm nay 02/05/2018 đến Bắc Kinh để cố gắng tìm kiếm lối thoát cho các xung đột hiện nay, tránh cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.
Bộ trưởng Tài Chính Mỹ Wilbur Ross (giữa) và bộ trưởng Thương Mại Steven Mnuchin tại Washington, 24/04/2018. Reuters/Jim Bourg
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump từ nhiều tháng qua tố cáo tình trạng thâm hụt thương mại khổng lồ với Trung Quốc và các cung cách cạnh tranh thiếu sòng phẳng của Bắc Kinh. Ông Trump đòi giảm bớt 100 tỉ đô la (tổng thâm hụt năm 2017 là 375 tỉ đô la), và Trung Quốc phải mở cửa rộng hơn cho hàng hóa của Mỹ.
Hoa Kỳ cũng muốn tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, ngăn tình trạng liên doanh "cưỡng bức" nhằm buộc các công ty phương Tây phải chuyển giao công nghệ.
Tháp tùng ông Mnuchin có bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross, đại diện thương mại Mỹ (USTR) Robert Lighthizer, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Larry Kudlow. Phái đoàn Mỹ sẽ gặp gỡ các đồng nhiệm Trung Quốc dự kiến trong hai ngày 3 và 4/5, thời gian lưu lại Bắc Kinh tùy thuộc vào tiến triển của cuộc đàm phán.
Ông Robert Lighthizer nhìn nhận đây là một "thách thức rất lớn", "danh sách các vấn đề vướng mắc rất dài, đặc biệt là sở hữu trí tuệ". Bộ trưởng Tài Chính Steve Mnuchin trả lời Fox News trước khi lên đường cho biết sẽ có những "trao đổi thẳng thắn" và bày tỏ sự "lạc quan thận trọng". Còn theo bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross, Trung Quốc mất nhiều hơn là được nếu xung đột với Hoa Kỳ.
Tân Hoa Xã hôm nay loan báo phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc (Liu He), nhân vật thân cận với Tập Cận Bình, sẽ phụ trách đàm phán với phía Mỹ. Bắc Kinh hoan nghênh chuyến đi của phái đoàn Mỹ, và ông Tập Cận Bình hôm 9/4 đã khẳng định Trung Quốc "đang đi vào giai đoạn mở cửa mới".
Thụy My
*********************
Áp thuế nhôm, thép : Mỹ hoãn thêm một tháng cho Châu Âu (RFI, 01/05/2018)
Hoa Kỳ thông báo tạm hoãn áp thuế hải quan lên thép và nhôm nhập khẩu từ Liên Hiệp Châu Âu, Canada và Mêhicô cho đến ngày 01/06. Châu Âu ngày 01/05/2018 cho rằng quyết định này "kéo dài thêm tình trạng bất định", mà không chấm dứt được đối đầu thương mại.
Công du Hoa Kỳ hôm 23/04/2018 tổng thống Pháp E. Macron (trái) kêu gọi Mỹ miễn áp thuế vào thép và nhôm của Liên Hiệp Châu Âu. Reuters/Kevin Lamarque
Tối 30/04/2018 trong một thông cáo vào giờ chót, Nhà Trắng cho biết gia hạn thêm 30 ngày, thay vì đánh thuế lên các mặt hàng trên từ ngày 01/05. Nhưng Liên Hiệp Châu Âu không hài lòng trước sự nhượng bộ của tổng thống Mỹ Donald Trump.
Ủy Ban Châu Âu ngay sáng nay đã phản ứng, cho rằng : "Quyết định của Mỹ chỉ kéo dài thêm sự bất an của thị trường, vốn đã bị ảnh hưởng".
Theo Bruxelles, Châu Âu "lẽ ra cần phải được miễn trừ toàn bộ và vĩnh viễn việc đánh thuế này, do không thể chứng minh bằng lý do an ninh quốc gia". Đối thoại với Hoa Kỳ vẫn tiếp tục, nhưng "chúng tôi sẽ không thương lượng dưới sự đe dọa".
Đức cho biết "vẫn chờ đợi được miễn hẳn", riêng Anh Quốc hoan nghênh quyết định tạm hoãn của Mỹ, nhưng nhấn mạnh tiếp tục tìm kiếm một giải pháp lâu dài.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 08/03 đã quyết định tăng 25% thuế hải quan lên thép nhập khẩu và 10% lên nhôm, nhưng miễn đánh vào Canada và Mêhicô do việc tái thương lượng hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ NAFTA, và đến cuối tháng Ba Nhà Trắng thông báo tạm hoãn đánh thuế nhắm vào Liên Hiệp Châu Âu.
Hoa Kỳ đòi hỏi các nhượng bộ về thương mại, và đã đạt được với Hàn Quốc : Seoul giảm xuất thép qua Mỹ, đồng thời mở cửa thị trường xe hơi. Nhưng Châu Âu cho rằng chính Trung Quốc mới là nguyên nhân của tình trạng sản xuất thừa trên thế giới, với việc trợ giá ồ ạt cho kỹ nghệ thép.
Bruxelles trong những tuần lễ gần đây đã nghiên cứu các biện pháp trả đũa. Trước mắt là đánh thuế khoảng vài chục mặt hàng nổi tiếng của Mỹ, trong đó có những mặt hàng được sản xuất tại các tiểu bang đã bầu cho ông Donald Trump. Một danh sách các mặt hàng bị áp thuế đã được các nước thành viên thông qua vào giữa tháng Tư. Liên Hiệp Châu Âu cũng có thể kiện lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO), nhưng vụ kiện sẽ kéo dài nhiều năm.
Thụy My
Cuộc tấn công thương mại của Donald Trump thử lửa "tình bạn" với Tập Cận Bình (RFI, 23/03/2018)
Người Việt có câu : Yêu nhau lắm, cắn nhau đau.Phải chăng tổng thống Mỹ Donald Trump đâm sau lưng "ông bạn" Tập Cận Bình khi cuối cùng chỉ tăng thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc ? Chủ nhân Nhà Trắng đã quyết định tạm ngừng áp dụng mức thuế mới với sáu nước và đồng minh (Liên Hiệp Châu Âu, Canada, Mêhicô, Úc, Achentina, Brazil và Hàn Quốc).
Donald Trump ký quyết định áp thuế nhập khẩu nhắm vào thép và nhôm ngày 08/03/2018. Reuters/Leah Millis TPX IMAGES OF THE DAY
Quyết định tăng mức thuế đối với hàng hóa Trung Quốc được đưa ra trong bối cảnh ông Donald Trump, nguyên là doanh nhân 71 tuổi, kể từ khi vào Nhà Trắng không ngừng ca ngợi "mối quan hệ tuyệt vời" với nhiều nhà lãnh đạo thế giới : tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan, tổng thống Nga Putin hay tổng thống Achentina Mauricio Macri. Nhưng "mối quan hệ tốt đẹp nhất", có vẻ được ông Trump tâm huyết nhất, vẫn là với chủ tịch Tập Cận Bình, người trở thành nhân vật quyền lực nhất Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông (1949-1976).
"Tình bạn" và "tình đoàn kết" giữa hai nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới vẫn còn lưu trong hình ảnh chuyến công du Hoa Kỳ vào tháng 04/2017 của chủ tịch Trung Quốc : cô cháu ngoại Abella hát tiếng Trung tặng chủ tịch Tập Cận Bình tại Nhà Trắng ; cả hai nguyên thủ thưởng thức chiếc bánh sôcôla "tuyệt vời nhất" tại tư dinh Mar-a-Lago (Florida)…
Tổng thống Trump chấp nhận cư xử bình đẳng với Trung Quốc và chủ tịch Tập cũng tỏ ý cùng chí hướng với chủ nhân Nhà Trắng khi hai quốc gia có chung lợi ích. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nguyên thủ Trung Quốc không chú trọng đến "việc chăm chút cho quan hệ cá nhân" với tổng thống Mỹ mà chỉ tỏ vẻ như vậy nếu điều đó mang lại lợi ích cho Trung Quốc. Vì "Ông Tập không để tình cảm chi phối", theo phân tích của Ryan Hass, cựu cố vấn về Châu Á của Barack Obama.
Đúng là "mối quan hệ tốt đẹp" giữa hai nhà lãnh đạo đã mang lại một số kết quả, như tiến triển trong hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, thương mại song phương dường như đang trở thành vật cản chính.
Tổng thống Trump luôn lên án Trung Quốc là nguyên nhân của mọi khó khăn trên lĩnh vực kinh tế Mỹ, trong đó nhiều cáo buộc là có căn cứ. Khi công bố "giác thư" bao gồm những biện pháp trừng phạt đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc ngày 22/03, tổng thống Mỹ không ngại "vừa đấm vừa xoa""ông bạn" Tập Cận Bình : ông lên án đích danh "sự xâm lược kinh tế của Trung Quốc", nhưng vẫn tuyên bố "vô cùng tôn trọng chủ tịch Tập".
Chuyên gia Hass cho rằng việc công bố "giác thư" dường như mới mang tính chất cảnh cáo tại thời điểm này hơn là những biện pháp tức thì, vì văn bản này, sau khi được tổng thống ký, sẽ cho phép bộ Thương Mại tiến hành tham vấn về các sản phẩm sẽ bị đánh thuế. Tuy nhiên, sự phản công của chủ tịch Trung Quốc sẽ nhắm vào tâm điểm cử tri ủng hộ tổng thống Trump.
Trường hợp này đã xảy ra khi Mỹ áp thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm máy giặt được sản xuất tại Trung Quốc vào tháng 01/2018. Chính quyền Bắc Kinh đã cho mở điều tra chống bán phá giá hạt bo bo Mỹ, một loại nông phẩm được trồng ở miền trung nước Mỹ, nơi cử tri đã ồ ạt bỏ phiếu cho tỉ phú Trump.
Nếu căn cứ vào một số trường hợp trước đây, ông Trump thường "giơ cao đánh khẽ". Ví dụ gần đây nhất là tuyên bố tăng thuế vào ngày 08/03 đối với mặt hàng thép và nhôm, cuối cùng mức thuế mới lại được tạm hoãn áp dụng đối với nhiều nước, trong đó có Mêhicô, Canada, Úc, Brazil, Liên Hiệp Châu Âu, Hàn Quốc, New Zealand.
Các biện pháp trừng phạt mà Washington công bố ngày 22/03 nhắm vào hàng nhập khẩu vẫn chưa có gì cụ thể. "Khoản tiền 60 tỉ đô la" không được nêu rõ là tổng giá trị hàng nhập khẩu sẽ bị đánh thuế, hay tổng số tiền thuế thu từ hàng nhập khẩu Trung Quốc. Thêm vào đó, bộ Thương Mại Mỹ có 15 ngày để lập danh sách chính xác các sản phẩm và các loại thuế áp dụng.
Liệu tổng thống Mỹ sẽ "giơ cao đánh khẽ" với hàng Trung Quốc ? Và mối quan hệ Trump-Tập sẽ ra sao sau quyết định đơn phương của chủ nhân Nhà Trắng ? Thời gian tới sẽ trả lời hai câu hỏi này.
Thu Hằng
**************************
Thương mại : Trung Quốc quyết chiến với Hoa Kỳ (RFI, 23/03/2018)
Ngày 23/03/2018, Bắc Kinh lên tiếng đe dọa tăng thuế đối với khoảng 100 mặt hàng của Mỹ. Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo một loạt biện pháp trừng phạt nhắm vào hàng nhập khẩu Trung Quốc với tổng trị giá có thể lên đến 60 tỉ đô la. Mục tiêu chính là chấm dứt tình trạng "cạnh tranh thiếu lành mạnh" và đánh cắp sở hữu trí tuệ.
Phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh : "Bắc Kinh không khoanh tay đứng nhìn"Reuters
Thông tín viên RFI Heike Schmidt tường trình từ Bắc Kinh :
"Không chút chần chừ, bộ trưởng Thương Mại Trung Quốc đã lên tiếng đe dọa Washington về thuế hải quan đối với hàng nhập khẩu Mỹ với tổng trị giá khoảng 3 tỉ đô la, đánh vào các mặt hàng thịt lợn, thép, hoa quả, rượu vang…
Đậu nành của các nhà nông Mỹ, trong đó 1/3 sản lượng được xuất sang Trung Quốc, cũng có thể biến thành vũ khí trả đũa, như lời cảnh báo của ông Hồ Tích Tiến (Hu Xijin), cây bút xã luận của Hoàn Cầu Thời Báo.
Ông nói : Trước hết, đậu nành Brazil có thể thay thế đậu nành Mỹ. Ngoài ra, chúng ta có thể dùng lạc để sản xuất dầu ăn. Thứ hai, một cuộc chiến thương mại có thể sẽ làm tăng giá cả ở Trung Quốc và kể cả ở Hoa Kỳ. Người Mỹ khó lòng mà thay thế được sản phẩm của chúng ta. Nếu Hoa Kỳ muốn rạch một nhát sâu vào da thịt chúng ta, thì chúng ta sẽ nhổ răng của họ.
Không có chuyện để Hoa Kỳ lấn lướt. Như dự kiến, tối thứ Năm (22/03), bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc, phát biểu : Chúng tôi kịch liệt phản đốihành động đơn phương và chính sách bảo hộ của Mỹ. Trung Quốc sẽ không khoanh tay đứng nhìn, chúng tôi sẽ đưa ra mọi biện pháp cần thiết, kiên quyết bảo vệ quyền lợi và lợi ích chính đáng của mình.
Sáng nay (23/03), Hoàn Cầu Thời Báo còn viết : Người dân Trung Quốc ủng hộ những luận điểm trên, đồng thời cảnh báo Washington rằng người Trung Quốc có sức chịu đựng bền bỉ mà Hoa Kỳ không thể sánh được".
Thu Hằng
*******************
Trung Quốc đe dọa trả đũa thuế quan mới của Mỹ (BBC, 23/03/2018)
Trung Quốc đang cân nhắc áp đặt thuế quan đối với hàng nhập khẩu trị giá 3 tỷ đôla của Hoa Kỳ để trả đũa khoản thuế quan mới mà Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump công bố.
Trung Quốc tiêu thụ một lượng lớn thịt heo và các sản phẩm thịt heo từ Hoa Kỳ
Trung Quốc đang xem xét đánh thuế các loại hàng hóa từ Hoa Kỳ như thịt lợn, rượu vang, trái cây và các loại hạt và các ống thép không gỉ, và một số các sản phẩm khác.
Đồng thời, Trung Quốc yêu cầu Hoa Kỳ tránh đưa mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung đến "vùng nguy hiểm".
Bắc Kinh nói hy vọng Mỹ sẽ rút khỏi "bờ vực" của một cuộc chiến thương mại.
Hôm thứ Năm, Mỹ tuyên bố kế hoạch áp đặt mức thuế lên đến 60 tỷ đô la đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và hạn chế đầu tư của nước này vào Mỹ.
Động thái này là một phản ứng đối với cáo buộc Trung Quốc trộm cắp sở hữu trí tuệ Hoa Kỳ nhiều năm qua.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh nói :
"Các sáng tạo công nghệ của Trung Quốc không dựa vào trộm cắp, mà nhờ vào nỗ lực và quyết tâm của người dân Trung Quốc, và Hoa Kỳ có thể nhìn thấy điều đó".
Hôm thứ Sáu, Bộ Thương mại Trung Quốc nói họ phản đối động thái chống hàng nhập khẩu Trung Quốc của Hoa Kỳ.
Bộ này cho biết đang có kế hoạch áp thuế 25% đối với thịt lợn nhập khẩu của Mỹ và nhôm tái chế, và 15% đối với ống thép, trái cây và rượu vang.
Bộ này nói thêm rằng Trung Quốc không muốn một cuộc chiến tranh thương mại, nhưng cũng không ngần ngại đối đầu.
Bắc Kinh cũng có kế hoạch kiện Hoa Kỳ lên Hiệp hội Thương mại Thế giới về mức thuế quan mà Washington công bố vào tháng trước đối với các sản phẩm thép và nhôm nhập khẩu từ Trung Quốc.
Các thị trường ở Châu Á đang lo ngại rằng Mỹ và Trung Quốc sẽ rơi vào một cuộc chiến thương mại.
Chỉ số Nikkei 225 đã giảm gần 4% vào giữa phiên giao dịch buổi sáng, và các thị trường Trung Quốc đều nằm trong diện tiêu cực.
*********************
Trung Quốc kêu gọi Mỹ lùi lại từ bờ vực chiến tranh thương mại (VOA, 23/03/2018)
Trung Quốc hôm 23/3 thúc giục Hoa Kỳ hãy "lùi lại khỏi bờ vực" chiến tranh thương mại, giữa lúc kế hoạch của Tổng thống Trump đánh thuế vào hàng Trung Quốc trị giá tới 60 tỷ đôla đang đẩy hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tới gần hơn một cuộc chiến thương mại.
Táo nhập càng từ Mỹ được bán tại một cửa hàng ở Bắc Kinh. (Hình minh họa : AP Photo/Mark Schiefelbein)
Danh sách đánh thuế này bao gồm 25% đối với thịt heo và nhôm phế phẩm, và 15% đối với rượu, táo, và thép ống.
Bộ Thương Mại Trung Quốc kêu gọi Hoa Kỳ thương thuyết để giải quyết ngay mâu thuẫn trong việc Tổng Thống Trump đánh thuế vào nhôm và thép nhập cảng, nhưng chưa cho biết lúc nào.
Ngoài ra, cơ quan này cũng chỉ trích quyết định của Tổng Thống Trump đánh thuế hàng Trung Quốc nhập cảng vào Mỹ.
Bộ Thương Mại tố cáo Mỹ theo "chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch", nhưng không cho biết Bắc Kinh sẽ phản ứng như thế nào.
Sự căng thẳng giữa hai quốc gia làm thị trường chứng khoán khắp nơi xuống điểm, vì giới đầu tư e rằng sẽ có một cuộc chiến thương mại. (Đ.D.)
************************
Mỹ tạm miễn thuế nhập khẩu thép nhôm đối với Liên Hiệp Châu Âu (RFI, 23/03/2017)
Ngày 22/03/2018, tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định miễn áp thuế nhập khẩu đánh vào thép và nhôm cho đến ngày 01/05 đối với nhiều đối tác thương mại của Hoa Kỳ : Liên Hiệp Châu Âu, Achentina, Úc, Brazil, Canada, Mêhicô và Hàn Quốc. Nhưng chính giới của Liên Hiệp Châu Âu tỏ ra thận trọng về quyết định này của nguyên thủ Hoa Kỳ.
Từ trái sang phải : Robert Lighthizer (Hoa Kỳ), Cecilia Malmstrom (Liên Hiệp Châu Âu) và bộ trưởng Kinh Tế, Thương Mại và Công Nghiệp Hiroshige Seko (Nhật Bản) tại cuộc đàm phán về thương mại, Bruxelles, ngày 10/03/2018. Reuters/Stephanie Lecocq
Từ Bruxelles, thông tín viên Quentin Dickinson gởi về bài tường trình :
"Viễn cảnh chiến tranh thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương tạm lùi xa, giới doanh nghiệp Châu Âu dĩ nhiên là thở phào nhẹ nhõm. Nhưng chính giới tỏ ra thận trọng vì hiểu rằng sự hòa dịu giữa Châu Âu và Hoa Kỳ sẽ không kéo dài. Việc miễn thuế đối với thép và nhôm nhập vào thị trường Mỹ chỉ là tạm thời, trong khi chờ kết quả đàm phán giữa Ủy Ban Châu Âu, đại diện cho 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu, với đại diện thương mại của Hoa Kỳ.
Washington đã ấn định hạn chót của các cuộc đàm phán này là 30/04. Từ đây đến đó hai bên phải đạt được thỏa thuận. Phía Châu Âu đang lo ngại về những đề nghị của phía Mỹ đổi lấy việc miễn thuế nhập khẩu đối với thép và nhôm.
Phát biểu hôm qua bên lề thượng đỉnh Châu Âu, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhắc nhở các nhà thương thuyết Châu Âu là không nên nhượng bộ Hoa Kỳ quá nhiều, đến mức đi ngược lại những cam kết của Liên Hiệp Châu Âu về khí hậu và xã hội".
Thanh Phương