Châu Âu và Ấn Độ tẩy chay Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc (RFI, 15/05/2017)
Thượng đỉnh ' Con Đường Tơ Lụa' tại Bắc Kinh. Chủ tịch Tập Cận Bình (G), Tổng thống Nga Putin (T), Tổng thống Argentina Mauricio Macri (P). Ảnh ngày 15/05/2017. Reuters
Thượng đỉnh Con Đường Tơ Lụa thế kỷ 21 tổ chức tại Bắc Kinh kết thúc hôm nay, 15/05/2017. Nhiều thành viên trong Liên Hiệp Châu Âu từ chối ký kết văn bản về thương mại trong dự án Một Vành Đai Một Con Đường. Đối với New Delhi, tham vọng của Bắc Kinh thiết lập một vành đai từ Âu sang Á xuyên qua Kashmir vùng có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ là một mối đe dọa.
Theo một nguồn tin ngoại giao được hãng tin Pháp AFP trích dẫn, ít nhất 6 nước trong Liên Hiệp Châu Âu gồm Anh, Đức, Pháp, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Estonia từ chối ký kết vào thông cáo kết thúc thượng đỉnh ở Bắc Kinh liên quan đến vế thương mại. Nhiều nước Châu Âu tẩy chay đề xuất của Trung Quốc do văn bản này không quan tâm đúng mức đến "các chuẩn mực về môi trường, về các tiêu chuẩn xã hội, không bảo đảm tính minh bạch mỗi khi các cơ quan nhà nước gọi thầu".
Trong trường hợp của Ấn Độ, New Delhi tẩy chay thượng đỉnh Một Vành Đai Một Con Đường tổ chức tại Bắc Kinh trong hai ngày 14 và 15/05/2017 do bất đồng về chủ quyền lãnh thổ, theo như giải thích của thông tín viên đài RFI từ New Delhi, Sébastien Farcis :
"Thái độ kình địch giữa hai Ấn Độ và Trung Quốc trong khu vực lên đến đỉnh cao vào cuối tuần này. Điều ấy được thể hiện qua việc New Delhi tẩy chay thượng đỉnh quốc tế quan trọng được tổ chức tại Bắc Kinh. Thật vậy, từ lâu nay Trung Quốc đã yểm trợ kẻ thù truyền thống của Ấn Độ là Pakistan, xem Islamabad là một trong những cánh tay đắc lực để thực hiện dự án Con Đường Tơ Lụa mới.
Trung Quốc dự trù đầu tư 42 tỷ euro tại Pakistan, với nhiều dự án xây dựng cầu đường, hải cảng. Vấn đề đặt ra là xa lộ chính của dự án vĩ đại này lại đi ngang qua vùng Kashmir của Pakistan, nơi mà từ 70 năm nay Ấn Độ vẫn khẳng định chủ quyền. Đây là điều New Delhi không thể chấp nhận được.
Dù vậy trong cuộc đối đầu với Trung Quốc, Ấn Độ đang trong thế đơn độc. Tất cả các quốc gia trong vùng, ngoại trừ Bhoutan, đều đã ngả vào vòng tay Bắc Kinh. Trung Quốc hứa giúp các quốc gia này nhanh chóng phát triển cơ sở hạ tầng, cấp tín dụng và huy động các tập đoàn xây dựng của Trung Quốc.
Trước mắt, New Delhi đang mở chiến dịch phản công : vận động một vài nước lân cận như là Sri Lanka hay Nepal kháng cự với Bắc Kinh. Nhưng có khả năng, Ấn Độ sẽ khó cưỡng lại trước sức thuyết phục mạnh mẽ của Trung Quốc".
Thanh Hà
********************
Vì sao Ấn Độ phản đối 'Một Vành đai, Một Con đường' ? (BBC, 15/05/2017)
Ấn Độ không cử lãnh đạo dự hội nghị 'Vành đai và Con đường' tại Bắc Kinh, dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói sáng kiến này sẽ giúp "kinh tế các nước tăng trưởng mạnh hơn, cơ sở hạ tầng hoàn thiện hơn".
Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình nói Trung Quốc mong "cùng có lợi cùng thắng trong hợp tác"
'Một vành đai, một con đường', chủ trương của ông Tập Cận Bình từ 2013, là chương trình ngoại giao kinh tế lớn nhất của Trung Quốc.
Khoảng 30 lãnh đạo các nước, trong đó có Việt Nam, cùng đại diện hơn 100 nước, đang tham dự hội nghị tại Bắc Kinh.
Theo viễn kiến của Bắc Kinh, các dự án kinh tế, hạ tầng sẽ được dựng lên dọc Con đường Tơ lụa cổ xưa đi qua Á - Âu cùng tuyến đường biển qua Đông Nam Á.
Tuy vậy, Ấn Độ giận dữ vì sáng kiến này bao gồm đề xuất Hàng lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan đi qua thành phố cảng Gwadar của Pakistan đến Tân Cương, Trung Quốc.
Hàng lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan sẽ đi qua vùng Kashmir, phần do Pakistan kiểm soát, mà Ấn Độ cũng đòi chủ quyền.
Một người phát ngôn ngoại giao Ấn Độ tuyên bố :
"Không nước nào có thể chấp nhận một dự án bỏ qua lo ngại cốt lõi về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ".
Trả lời BBC Tiếng Việt, Giáo sư B. R. Deepak, chuyên gia về Trung Quốc tại Đại học Jawaharlal Nehru, New Delhi, Ấn Độ, xác nhận Ấn Độ không hài lòng vì dính đến tranh chấp Kashmir.
Quân Ấn Độ tuần tra ở một đoạn biên giới ở Kashmir với vùng do Pakistan kiểm soát
"Hàng lang Kinh tế Trung Quốc - Pakistan đi qua bang Kashmir đoạn do Pakistan chiếm đóng, và một phần cũng đang nằm trong kiểm soát của Trung Quốc".
"Ấn Độ tin rằng dựa theo hiệp ước sáp nhập 1947, toàn bộ Kashmir thuộc về Ấn Độ".
Ngoài ra, theo giáo sư B. R. Deepak, Ấn Độ lo ngại về quan hệ Trung Quốc - Pakistan.
"Ấn Độ chủ yếu xem quan hệ Trung Quốc - Pakistan là trục nhắm chống Ấn Độ, nên Ấn Độ tin rằng hai nước này sẽ càng chèn ép Ấn Độ".
"Ấn Độ cũng cho rằng khi các láng giềng gia nhập dự án, không gian chiến lược của Ấn Độ sẽ bị suy giảm cả ở tầm khu vực và toàn cầu".
Tờ báo mang quan điểm dân tộc chủ nghĩa của Trung Quốc, Global Times, đã chỉ trích Ấn Độ.
"Nếu Ấn Độ không muốn tham gia, thì hãy nên là khán giả tốt".
"Vai trò vẫn còn đó nếu Ấn Độ thay đổi ý kiến, nhưng có lẽ chỉ còn vai trò nhỏ thôi nếu chờ đến khi quá muộn", báo này viết.
Ngoài Pakistan, hai láng giềng của Ấn Độ là Sri Lanka và Nepal cũng tham dự hội nghị.
'Không bài xích'
Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang đang có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Trung Quốc và dự Diễn đàn cấp cao hợp tác quốc tế "Vành đai và Con đường".
Tiệc mừng quan khách dự Diễn đàn 'Một Con đường, một Vành đai' hôm 14/5
Nhìn từ Ấn Độ, Giáo sư B. R. Deepak nhận xét :
"Về các nước sẽ gia nhập 'Vành đai và Con đường', nó phụ thuộc loại dự án gì và ai sẽ chi tiền ?"
"Đa số các nước hợp tác với Trung Quốc là những nước đang nổi hoặc nghèo, họ cần tiền, khả năng và công nghệ của Trung Quốc".
"Trung Quốc cũng cần càng nhiều nước tham gia càng tốt, vì dự án quá khổng lồ, cần vốn quốc tế. Chỉ nguồn vốn của Trung Quốc thôi sẽ không đủ".
Họp báo tại Bắc Kinh, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói :
"Chúng tôi cho rằng việc xây dựng 'Một vành đai, một con đường' đã mở ra mặt bằng phát triển bao trùm, các nước đều là người tham gia, người đóng góp, người được hưởng lợi bình đẳng".
"Chúng tôi mong tiếp tục hợp tác trong mở cửa, cùng có lợi cùng thắng trong hợp tác, không có vạch đỏ về ý thực hệ, không có chương trình nghị sự về chính trị, cũng không có sự sắp xếp mang tính bài xích", ông Tập phát biểu.
Toàn cầu hóa "kiểu Trung Quốc" đe dọa nước yếu
Thứ Hai, 15/05/2017, báo Pháp nhất loạt nói về tân tổng thống Macron, người vừa nhậm chức hôm trước. Libération : "Hãy cố lên". Les Echos : "Vào cuộc". Báo Le Figaro nói đến "Những thách thức lớn". Về thời sự quốc tế, Le Monde chú ý đến thượng đỉnh "Con Đường Tơ Lụa Mới" tại Bắc Kinh, diễn ra trong hai ngày, 14 và 15/05, với bài phân tích : "Một cuộc toàn cầu hóa kiểu Trung Quốc".
Bản đồ Con Đường Tơ Lụa thời cổ đại nối liền Âu-Á - ảnh : Wikipedia
Le Monde ghi nhận một thực tế rất mới là, kể từ một năm nay, cứ mỗi tuần lại có một đoàn tàu chở hàng từ Trung Quốc vượt qua hơn 10.000 km, tới khoảng 15 thành phố Châu Âu, từ Lyon, đến Luân Đôn, Madrid, Duisburg (Đức)… Việc hàng hóa lưu chuyển bằng đường sắt từ Đông qua Tây, và ngược lại, là một trụ cột trong dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh, còn gọi là dự án "Một vành đai, một con đường", khởi sự từ năm 2013, có tham vọng bao trùm hơn 60 quốc gia, với hai phần ba dân số và gần một nửa GDP toàn cầu.
Phải chăng đây là dấu hiệu cho thấy một "thời kỳ vàng son" cho thương mại song phương Châu Âu – Trung Quốc đang đến ?
"Hoàn toàn không có gì chắc chắn" ! Bên cạnh một loạt các cản trở hiện tại, như hàng rào thuế quan còn tồn tại ở nhiều nơi, tuyến đường sắt hiện chưa được nối liền hoàn toàn, an ninh tại nhiều khu vực bất ổn suốt dọc tuyến đường sắt… Le Monde nhấn mạnh đến "tính chất nguy hiểm của dự án đối với các nước dễ tổn thương nhất".
Đầu tư rất khó hoàn vốn
Hồi tháng 1/2017, công ty thẩm định tài chính Ficht cho rằng các nước nghèo rất ít có khả năng hoàn trả các khoản tín dụng khổng lồ, để xây dựng các cơ sở hạ tầng, vay từ Trung Quốc. Cụ thể như, dự án đường sắt cao tốc qua Lào, có trị giá ước tính 7 tỉ đô la, tương đương một nửa GDP quốc gia nghèo nhất hành tinh này. Theo chuyên gia văn phòng tư vấn Gavekal Dragonomics, một số quan chức Trung Quốc thừa nhận rằng sẽ phải chấp nhận mất đến 80% số vốn đầu tư vào Pakistan chẳng hạn.
Dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ của Trung Quốc, về mặt hình thức, có vẻ rất hấp dẫn. Khoảng 140 thỏa thuận về giao thông các loại đã được Trung Quốc ký kết với các đối tác, riêng tại khu vực Trung Á. Thế nhưng theo chuyên gia François Godement của một viện tư vấn hàng đầu của Châu Âu (European Council on Foreign Relations), cách làm ăn của Trung Quốc rõ ràng mang tính manh mún, bởi các thỏa thuận song phương như vậy hoàn toàn không thể thay thế cho một thỏa thuận thương mại toàn thể.
Theo chuyên gia nói trên, phần lớn các dự án bắt nguồn từ mục tiêu "địa chính trị" hơn là "thuần túy thương mại". Rất nhiều quốc gia ký kết hợp đồng với Trung Quốc ở trong trạng thái rất mong manh về tài chính, bất ổn về an ninh và nạn tham nhũng đè nặng.
Chủ yếu để giải quyết hàng dư thừa
Phân tích của Le Monde nhấn mạnh đến động lực ẩn đằng sau quyết tâm mở ra dự án "toàn cầu hóa theo kiểu Trung Quốc" này, trước hết là để Bắc Kinh xuất khẩu khối lượng lớn hàng hóa công nghiệp đang dư thừa trong nước, sau nhiều thập niên tăng trưởng quá nóng. Bao nhiêu thép, xi măng, máy móc không có người tiêu thụ tại Trung Quốc cần đến các thị trường mới.
Theo Ngân hàng Phát Triển Châu Âu, từ nay đến 2030, nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng riêng tại Châu Á ước tính là 26.000 tỉ đô la. Với lý do này, nhiều người hy vọng, nếu được quản lý tốt dự án Một Vành Đai Một Con Đường có thể thúc đẩy nhiều khu vực kinh tế "chậm phát triển nhất". Nhưng nhiều thực tế như đã dẫn ở trên cho thấy trong hiện tại, dự án khổng lồ của Trung Quốc rõ ràng là một mối nguy với nhiều nước nghèo.
Cũng về chủ đề này, báo La Croix dẫn nhận định của đại sứ Liên Hiệp Châu Âu tại Trung Quốc, ông Hans Dietmar Schweisgut, lưu ý : để khẳng định thiện chí thúc đẩy tự do thương mại của mình, trước hết Trung Quốc nên thực hiện, ngay tại nước mình, những điều mà Bắc Kinh thường "rao giảng" trên trường quốc tế, cụ thể là không ngăn cản hàng hóa của Châu Âu vào Trung Quốc.
Bắc Triều Tiên dùng tên lửa mặc cả với Mỹ
Về thời sự Châu Á, Le Figaro cũng chú ý đến vụ Bắc Triều Tiên bắn thử tên lửa hôm qua, với bài "Bình Nhưỡng thách thức sự kiên nhẫn của tổng thống Mỹ". Vụ bắn tên lửa diễn ra chỉ bốn ngày sau khi tổng thống Hàn Quốc, một người chủ trương đối thoại với Bắc Triều Tiên, tuyên thệ nhậm chức.
Le Figaro cũng ghi nhận vụ bắn thử diễn ra song song với việc đại diện ngoại giao Bắc Triều Tiên tuyên bố sẵn sàng đối thoại với Hoa Kỳ, kể cả với mục tiêu giải trừ vũ khí hạt nhân, một hồ sơ vốn bị bế tắc từ năm 2008.
Theo Le Figaro, thử tên lửa, đối lại chiến lược xoa dịu của Donald Trump, Bình Nhưỡng đang đi vào một con đường nguy hiểm. Theo đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, việc Bình Nhưỡng thử tên lửa càng khiến Washington không chấp nhận đàm phán với Bắc Triều Tiên.
Pháp : Macron hãy cố lên !
Về tân tổng thống Macron, Libération chạy tựa "Hãy cố lên", với bức hình cuộc chia tay của Emmanuel Macron với người tiền nhiệm tại Điện Elysée. Báo Les Echos chọn tựa lớn trang nhất : "Vào cuộc", trên nền bức ảnh tân tổng thống đầu trần dưới trời mưa bụi trên đại lộ Champs-Elysées.
Xã luận báo Le Figaro thiên hữu, mang tựa đề "Điều cơ bản, đó là nước Pháp", bày tỏ : "Mong sao ông ấy thành công", "với tư cách là người Pháp, với tư cách các công dân, hãy thực sự mong muốn điều đó ! Đừng sa đà vào những mặc cả vụn vặt". Điều quan trọng "không phải là cánh tả, cánh hữu hay cánh trung, mà là nước Pháp… Nước Pháp nghìn lần xứng đáng hơn là những cuộc tranh cãi thấp kém". Le Figaro kêu gọi hãy thừa nhận một điều là Emmanuel Macron phải kế thừa một nước Pháp đang trong tình trạng được gọi là "thê thảm", về kinh tế, tài chính và xã hội.
"Sự hồi sinh kỳ diệu"
Trong khi đó, với tựa trang nhất "Bước đi đầu tiên", báo công giáo La Croix dẫn lại lời hiệu triệu mang đầy hy vọng của tân tổng thống : "Chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa của một sự hồi sinh kỳ diệu". Bài xã luận "Hương vị của tương lai" nhắc lại một diễn đạt đặc biệt của tân tổng thống Macron trong thời gian tranh cử : "En même temps" (tạm dịch là "Cùng lúc"). Cụm từ - vốn bị một bộ phận công luận Pháp nhạo báng – được Emmanuel Macron khẳng định như là tiêu biểu cho "khát vọng nhìn nhận toàn bộ tính phức tạp của thực tế, thay vì lập trường đơn giản hóa, đối lập triệt để thiện với ác".
La Croix đúc kết lại thông điệp của tân tổng thống. Đó là trước mắt cần đến "một nỗ lực bền bỉ", nhằm "trả lại cho người Pháp niềm tự tin, vốn bị suy yếu từ quá lâu, để làm sống dậy "khát vọng tương lai", với ba trọng điểm : giải phóng (thị trường) lao động, hỗ trợ doanh nghiệp, khuyến khích sáng kiến.
Xã luận của tờ báo thiên tả Libération, với tựa đề "Di sản", ghi nhận một loạt đòi hỏi trái ngược, đang chờ đợi người tổng thống thứ tám của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa. Tân tổng thống Emmanuel Macron có tham vọng kế thừa "toàn bộ tinh hoa" của nền Đệ Ngũ Cộng Hòa, trong khi nhiều người cho rằng định chế này đang rơi vào giai đoạn "kiệt sức" ; người được cử tri hy vọng sẽ nhúng tay giải quyết mọi việc, lại chủ trương là một nguyên thủ đứng bên trên để điều hành, một tổng thống "rất kiệm lời"…
Macron phải thuyết phục được Châu Âu và Đức
Bên cạnh cuộc tranh cử Quốc hội, hồ sơ số một đợi tân tổng thống là Châu Âu. Chuyến công du Đức của Emmanuel Macron hôm nay cũng là chủ đề chính của nhiều báo. Báo Libération có bài "Châu Âu : Macron còn phải quyến rũ được Bruxelles và Berlin".
Libération ghi nhận một nghịch lý là : Nước Đức nằm ở trung tâm trong chiến lược tương lai của Emmanuel Macron, nhưng dịp thể hiện đầu tiên lập trường của lãnh đạo 39 tuổi về vấn đề này lại là một bài diễn văn bằng tiếng Anh, đọc tại Đại học Humboldt, Đức, hôm 10/01/2017. Một phát biểu gần như không được công chúng Pháp và Đức biết đến.
Trong bài diễn văn này, ứng cử viên Macron cho biết để lấy lại niềm tin với Đức, ông chủ trương thực thi cam kết không bội chi quá 3%, giảm nợ công và cải cách thị trường lao động. Cùng lúc đó là một loạt dự kiến cải cách táo bạo, đặc biệt là việc cải cách khu vực đồng euro, ngay từ cuộc họp đầu tiên của Hội Đồng Châu Âu vào tháng 6 tới. Theo Libération, dự án cải cách khu vực đồng euro của lãnh đạo Pháp trẻ tuổi bị Bộ trưởng tài chính Đức cho là "phi thực tế".
Ngân sách riêng cho khối euro, hồ sơ hàng đầu
Báo kinh tế Les Echos giới thiệu 6 hồ sơ chính về Châu Âu trong cuộc hội kiến giữa tổng thống Pháp và thủ tướng Đức hôm nay, trong đó có việc xây dựng ngân sách chung của khối euro, thúc đẩy đầu tư công, xây dựng nền quốc phòng Châu Âu, khuyến khích mua hàng sản xuất tại Châu Âu (Buy European Act), chính sách phân bổ người tị nạn.
Về ngân sách chung của khối Euro, được coi là một hồ sơ hàng đầu, theo tân tổng thống Pháp, cần có một bộ trưởng Tài Chính chung của khối, hoạt động dưới sự kiểm soát của một Nghị Viện của toàn khối. Đề nghị này của ông Macron vốn được đảng Xã Hội Dân Chủ Đức ủng hộ, nhưng đảng này vừa lãnh thêm một thất bại nặng nề tại cuộc bầu cử Nghị Viện vùng Nordrhein-Westphalen.
Dầu sao, theo Les Echos, Bộ trưởng tài chính Đức không bác bỏ hoàn toàn sáng kiến của Pháp, nhưng cho rằng "trước mắt" đề nghị nói trên là bất khả thi. Vì để thực hiện, cần điều chỉnh một loạt các hiệp ước của Châu Âu. Điều này đồng nghĩa với việc phải tổ chức trưng cầu dân ý tại nhiều quốc gia thành viên. Theo phía Đức, nên sử dụng các cơ chế sẵn có, như chuyển đổi Cơ Chế Bình Ổn Châu Âu (MES) thành Quỹ Tiền Tệ Châu Âu, có vai trò quản lý ngân sách của khối các nước sử dụng đồng euro.
Bài "Liên Âu nín thở chờ đợi dự án Châu Âu của tổng thống Macron" của Le Figaro tỏ ra lạc quan là : khác với năm 2016, "năm của những kịch bản đen tối nhất, sau khi Anh Quốc quyết định rời Liên Âu và Donald Trump dự kiến Liên Hiệp Châu Âu tan vỡ", năm 2017 này có thể sẽ là năm khởi đầu cho một "sự trỗi dậy tập thể". Theo Le Figaro, Paris và Berlin đã tìm được đồng thuận trong nhiều chủ đề : đoàn kết trong hồ sơ Brexit, bảo vệ các giá trị dân chủ tại khu vực các nước Đông Âu, hay chính sách an ninh…
Bắc Cực : Ngoại trưởng Mỹ lại khẳng định sẽ thực thi Thỏa thuận khí hậu
Trong lĩnh vực môi trường, báo kinh tế Les Echos có bài thông báo Mỹ vừa thông qua một tuyên bố về Bắc Cực, trong một thượng đỉnh được tổ chức hai năm một lần, cùng với 7 quốc gia vùng Bắc Cực.
Tuyên bố nói trên kêu gọi thực thi Thỏa thuận khí hậu Paris, một hiệp ước quốc tế được coi là thành tựu hàng đầu của thời Obama, vốn bị Tổng thống kế nhiệm Donald Trump đe dọa hủy bỏ. Tuyên bố được Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ký tại Fairbanks, Alaska, hôm 11/05.
Tuy nhiên, Les Echos không mấy lạc quan với lập trường của Ngoại trưởng Mỹ, vì tuyên bố nói trên không mang tính ràng buộc. Mặt khác, cựu lãnh đạo tập đoàn dầu khí ExxonMobil khẳng định Hoa Kỳ không vội vã.
Tốc độ nóng lên của Bắc Cực được dự đoán sẽ nhanh gấp từ hai đến ba lần so với tốc độ trung bình của Trái đất. Nếu vào cuối thế kỷ, nhiệt độ Trái đất tăng 2°C, thì xứ sở của loài gấu trắng sẽ nóng lên từ 4°C đến 6°C. Hệ quả của mức tăng nhiệt độ này gây lo sợ.
Thành tựu sinh thái thời Hollande : Công lớn của bà Royal
Vẫn về sinh thái, báo Le Monde có bài tổng thuật "Sinh thái bị coi nhẹ" đáng chú ý, điểm lại những hay, dở của nhiệm kỳ tổng thống Pháp Hollande trong lĩnh vực môi trường. Ngoài Thỏa thuận khí hậu Paris, được coi là một "chiến thắng ngoại giao mang tính lịch sử không thể phủ nhận được", theo Le Monde, nhiệm kỳ của tổng thống Hollande để lại hai bộ luật quan trọng : luật chuyển đổi sang năng lượng tái tạo và luật đa dạng sinh thái (xem thêm : Môi trường : Bất đồng sâu sắc giữa 2 ứng cử viên tổng thống Pháp).
Điều đáng chú ý là vấn đề sinh thái đã từng là con ghẻ của tổng thống trong hai năm đầu của nhiệm kỳ. Chỉ đến khi chính trị gia Segolène Royal, vợ cũ của tổng thống Hollande, trở thành bộ trưởng Môi Trường thì lĩnh vực này mới thực sự khởi sắc. Lần đầu tiên, tội gây "tổn hại cho sinh thái" được ghi vào luật Dân Sự. Tuy nhiên, bộ trưởng Môi Trường đã bị thua trong cuộc chiến chống nạn bùn đỏ, do công ty Alteo sản xuất alumium, xả vào khu bảo tồn biển Calanques, Địa Trung Hải.
Nhìn chung, cho dù nhiệm kỳ của tổng thống Hollande đã tạo lập được một số nền tảng quan trọng cho cuộc chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, nhưng chính sách chung về môi trường của tổng thống tiền nhiệm thiếu một đường lối nhất quán. Hàng loạt mảng quan trọng bị bỏ ngỏ, như cuộc chiến chống ô nhiễm không khí, chống thuốc trừ sâu, các chất gây rối loạn nội tiết tố, thiết lập một sắc thuế thực sự vì sinh thái, hay bảo vệ đại dương…
Trọng Thành
Thượng đỉnh Con Đường Tơ Lụa : Trung Quốc hứa chi 124 tỷ đô la (RFI, 14/05/2017)
Phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh Con Đường Tơ Lụa Mới mở ra ngày 14/05/2017 tại Bắc Kinh, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cam kết một ngân khoản 124 tỷ đô la dành cho dự án đầy tham vọng của ông. Đó là kế hoạch "Một Vành Đai, Một Con Đường", nhằm làm sống lại con đường tơ lụa thời xa xưa, khôi phục lại động cơ của kinh tế toàn cầu, kết nối Trung Quốc với phần còn lại của Châu Á, Châu Âu và Châu Phi, thông qua một mạng lưới cơ sở hạ tầng mới.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại buổi khai mạc thượng đỉnh Con Đường Tơ Lụa Mới tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 14/05/2017. REUTERS/Thomas Peter
Hội nghị thượng đỉnh mà Trung Quốc tổ chức trong hai ngày nhằm phô trương lợi ích của sáng kiến liên quan trực tiếp đến hơn 65 quốc gia, chiếm tổng cộng một phần ba GDP của thế giới. Tham dự hội nghị, có 29 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng chính phủ, trong đó nổi bật nhất là tổng thống Nga Vladimir Putin, trong lúc các lãnh đạo cao cấp nhất ở các nước phương Tây đều vắng bóng.
Theo ghi nhận của thông tín viên RFI Heike Schmidt tại Bắc Kinh, dự án Con Đường Tơ Lụa Mới trước hết phục vụ cho Trung Quốc :
Cách nay 2000 năm, đế chế Trung Hoa đã dùng Con Đường Tơ Lụa để vận chuyển sản phẩm của họ sang Châu Âu bằng lạc đà. Ngày nay, sự khôi phục tuyến đường này sẽ cho phép Bắc Kinh áp đặt uy thế của cường quốc hàng đầu thế giới.
Theo ông Tom Miller, tác giả quyển biên khảo "Giấc mơ Châu Á của Trung Quốc", "một bước ngoặt quan trọng đã được thực hiện dưới thời Tập Cận Bình. Ngày nay, Trung Quốc muốn đóng một vai trò tích cực trên sân khấu quốc tế. Trung Quốc thực sự hiện diện ở hàng đầu và đang tìm cách đóng vai trò chủ đạo".
Guồng máy tuyên truyền của Trung Quốc cố gắng cho mọi người tin rằng các tuyến đường bộ, đường sắt và hệ thống hải cảng được tài trợ với hàng tỉ euro, sẽ có lợi cho tất cả. Trên thực tế, nước chủ yếu được lợi là Trung Quốc.
Trên vấn đề này, ông Tom Miller nhận định : "Trung Quốc muốn trở thành động lực kéo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đi lên và thành nhà lãnh đạo ở Châu Á. Trung Quốc tin rằng khi giúp các nước khác phát triển, các nước đó sẽ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Điều đó sẽ cho phép Bắc Kinh tăng cường ảnh hưởng !".
Trung Quốc cũng nhìn thấy rằng dự án đó là một giải pháp mầu nhiệm cho nền kinh tế của chính họ. Chuyên gia Tom Miller ghi nhận : "Tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm lại, và Trung Quốc đang tìm kiếm thị trường mới, cơ hội mới ở nước ngoài. Một ví dụ : Trung Quốc sản xuất quá nhiều thép. Vì vậy, nếu có thể xuất khẩu sản phẩm này, họ có thể giảm bớt tình trạng sản xuất thừa".
Trọng Nghĩa
***********************
Trung Quốc chi mạnh cho Con đường Tơ lụa mới (VOA, 14/05/2017)
Ông Tập Cận Bình phát biểu khai mạc diễn đàn kéo dài hai ngày ở Bắc Kinh hôm 14/5.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hôm 14/5 cam kết chi 124 tỷ đôla vào kế hoạch Con đường Tơ lụa mới, đồng thời kêu gọi chấm dứt mô hình hợp tác cũ dựa trên sự tranh giành quyền lực ngoại giao.
Theo Reuters, ông Tập sử dụng hội nghị thượng đỉnh với sự tham dự của nhiều nhà lành đạo và các quan chức hàng đầu thế giới, trong đó có Chủ tịch Việt Nam Trần Đại Quang, để củng cố vị trí lãnh đạo của Trung Quốc trên thế giới.
Chính sách củng cố thương mại tự do với sự tham gia của nhiều nước được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump thúc đẩy chiến lược "Nước Mỹ đầu tiên", đồng thời đặt dấu hỏi về các thỏa thuận thương mại tự do trên thế giới.
Phát biểu khai mạc diễn đàn kéo dài hai ngày ở Bắc Kinh, ông Tập nói : "Chúng ta cần phải xây dựng một nền tảng hợp tác mở và duy trì cũng như mở rộng một nền kinh tế mở trên thế giới".
Ông Tập chụp ảnh chung với các quan chức dự hội nghị thượng đỉnh.
Trung Quốc coi sáng kiến với tên gọi chính thức là "Vành đai và Con đường" là một cách thức mới nhằm củng cố phát triển.
Ông Tập công bố kế hoạch này năm 2013 nhằm mở rộng sự hợp tác giữa Châu Á, Châu Phi và Châu Âu với hàng tỷ đôla đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Reuters dẫn lời nhà lãnh đạo Trung Quốc nói rằng thế giới cần phải tạo ra "các điều kiện thúc đẩy phát triển và khuyến khích việc xây dựng các hệ thống luật lệ và thương mại đầ tư toàn cầu công bằng, hợp lý và minh bạch".
Vài giờ trước khi hội nghị thượng đỉnh khai mạc, Bắc Hàn lại phóng thử một quả tên lửa đạn đạo, trắc nghiệm sự kiên nhẫn của Trung Quốc, đồng minh chính của Bình Nhưỡng.
Hoa Kỳ hôm 12/5 đã gửi công hàm ngoại giao tới Bắc Kinh, phản đối sự tham dự của Bắc Hàn tại hội nghị thượng đỉnh.
*************************
7 nước vào ngân hàng được Trung Quốc ‘chống lưng’ (VOA, 14/05/2017)
Việt Nam mới đề nghị ông Kim Luật Quần (ảnh) tài trợ vốn cho Việt Nam.
Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB), vốn được Trung Quốc hậu thuẫn mạnh, hôm 13/5 đã chấp thuận thêm 7 thành viên mới, một ngày trước khi diễn ra sự kiện ngoại giao quan trọng nhất của Bắc Kinh trong năm 2017.
Lãnh đạo từ 29 quốc gia, trong đó có Việt Nam, sẽ tham dự một diễn đàn về Con đường Tơ lụa của Bắc Kinh vào ngày 14 và 14/5.
Đây là một sự kiện được tổ chức nhằm thúc đẩy sự hợp tác giữa nhiều nước ở Châu Á, Châu Phi và Châu Âu của Chủ tịch Tập Cận Bình, với việc đổ hàng tỷ đôla vào đầu tư cơ sở hạ tầng.
Theo Reuters, các quốc gia thành viên mới là Bahrain, Bolivia, Chile, Síp, Hy Lạp, Romania, và Samoa, đưa số thành viên của ngân hàng này lên 77 nước, trong đó có Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới kêu gọi AIIB "tài trợ vốn cho Việt Nam".
13 thành viên tiềm năng của AIIB từ khắp thế giới đã được thông qua vào tháng Ba vừa qua.
Thoạt đầu, Hoa Kỳ phản đối định chế tài chính đa phương, vốn được coi là đối thủ của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Á, do phương Tây thống trị, nhưng sau đó vẫn thu hút được các đồng minh của Mỹ, trong đó có Anh, Đức, Australia và Nam Hàn.
Trong một diễn biến mới nhất, Truyền hình Việt Nam đưa tin hôm 11/5 rằng trong khi tiếp Chủ tịch AIIB Kim Luật Quần, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng "nhu cầu về vốn của Việt Nam để phát triển cơ sở hạ tầng đang rất lớn" và kêu gọi "tài trợ vốn cho Việt Nam".
Lãnh đạo 28 quốc gia và quan chức cấp cao từ nhiều nước khác sẽ tề tựu về Bắc Kinh trong hai ngày 14-15/05/2017 để tham gia một hội nghị thượng đỉnh về sáng kiến Con Đường Tơ Lụa đầy tham vọng của Trung Quốc. Phía Trung Quốc loan báo sẽ có cả trăm nước cử đại diện đến tham dự hội nghị. Tuy nhiên, theo giới quan sát, nhiều chính phủ, từ Washington, Moskva cho đến New Delhi, Jakarta, vẫn không tránh khỏi lo ngại trước ý đồ chính trị của Bắc Kinh thông qua vỏ bọc kinh tế, thương mại của sáng kiến này.
Trung tâm Hội nghị Quốc gia Trung Quốc, nơi tổ chức thượng đỉnh Sáng Kiến Con đường Tơ lụa mới, Bắc Kinh. Ảnh chụp ngày 12/05/2017. REUTERS/Thomas Peter
Nhiều quốc gia cho rằng khi thúc đẩy việc xây dựng "Con Đường Tơ Lụa Mới", một chuỗi hải cảng cùng với các tuyến đường sắt và đường bộ, để mở rộng giao thương trong một vòng cung trải rộng từ Châu Á, qua Châu Phi và Châu Âu, mục tiêu thâm sâu của Bắc Kinh là bành trướng ảnh hưởng chính trị của riêng Trung Quốc, bào mòn ảnh hưởng của các đối thủ.
Một số nước khác thì lo ngại Trung Quốc có thể làm suy yếu các chuẩn mực về nhân quyền, môi trường và các tiêu chuẩn khác trong việc cấp tín dụng, hoặc là để cho các nước nghèo nhận trợ giúp của Trung Quốc bị nợ nần chồng chất.
Ấn Độ là một trong những nước nghi ngờ Trung Quốc. New Delhi không hài lòng với việc các công ty Nhà nước Trung Quốc đến hoạt động tại vùng Kashmir hiện do Pakistan kiểm soát, nhưng đang có tranh chấp với Ấn Độ. New Delhi xem việc công ty Trung Quốc có mặt ở Kashmir là một sự tán thành của Bắc Kinh đối với quyền kiểm soát của Pakistan.
Ngay cả Nga cũng không tránh khỏi nghi ngại, cho dù về danh nghĩa, Nga là đồng minh thân cận của Trung Quốc - tổng thống Vladimir Putin là một trong những lãnh đạo cường quốc hiếm hoi đến tham dự hội nghị thượng đỉnh về Con Đường Tơ Lụa Mới. Theo giới phân tích, Moskva đặc biệt quan ngại trước khả năng Bắc Kinh làm suy yếu ảnh hưởng của Nga ở vùng Trung Á bằng cách nối Uzbekistan và các nước Trung Á khác vào kinh tế Trung Quốc vốn năng động hơn Nga.
Bản thân tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 06/2016 đã tìm cách chống đỡ sáng kiến Con Đường Tơ Lụa của Trung Quốc bằng cách đề xuất một "Đại Dự Án Á-Âu", trong đó Bắc Kinh dẫn đầu về kinh tế, còn Moskva lo mảng chính trị và an ninh. Theo hai chuyên gia Ba Lan Marcin Kaczmarski và Witold Rodkiewicz thuộc một trung tâm tham vấn tại Warsawa, sáng kiến đó cho phép điện Kremlin "duy trì được cái mã bề ngoài là họ vẫn nắm quyền chủ động chính trị trong khu vực".
Tại khu vực Đông Nam Á, nước lớn nhất ASEAN là Indonesia, dù có quan hệ tốt với Trung Quốc, cũng thận trọng với các tham vọng chiến lược của Bắc Kinh, đặc biệt sau khi Trung Quốc phớt lờ dư luận để bồi đắp các hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông với mục tiêu áp đặt chủ quyền rộng khắp của Bắc Kinh.
Theo Christine Tjhin, chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế ở Jakarta, giới tinh hoa chính trị Indonesia lo ngại rằng Trung Quốc có thể lên làm "bá chủ khu vực".
Sáng kiến Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc dĩ nhiên cũng gióng lên những tiếng chuông báo động tại Hoa Kỳ. Theo hãng tin Mỹ AP, một số nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích chính trị cho rằng Bắc Kinh đang cố tạo ra một mạng lưới kinh tế chính trị lấy Trung Quốc làm tâm điểm, đẩy Mỹ ra khỏi khu vực và viết lại các quy tắc về thương mại và an ninh.
Điều oái oăm là bất chấp các nhận định đó, từ ngày lên cầm quyền, tân tổng thống Mỹ Donald Trump đã mặc nhiên để cho Trung Quốc tự do tung hoành, khi rút Hoa Kỳ ra khỏi khối Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, được cho là một công cụ tốt, khả dĩ để cản trở được Trung Quốc.
Trọng Nghĩa
Nguồn : RFI, 12/05/2017
***********************
Mỹ ‘khó chịu’ vì Trung Quốc mời Bình Nhưỡng dự thượng đỉnh (VOA, 13/07/2017)
Bên ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia ở Bắc Kinh, nơi diễn ra Diễn đàn Vành đai-Con đường.
Mỹ ngày 12/5 khuyến cáo Trung Quốc sự hiện diện của Bắc Triều Tiên tại thượng đỉnh "Vành đai-Con đường" của Bắc Kinh cuối tuần này có thể làm ảnh hưởng đến sự tham gia của các nước khác.
Reuters dẫn hai nguồn thạo tin cho hay đại sứ quán Mỹ tại Bắc Kinh đã gửi công hàm ngoại giao tới Bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ mời Bình Nhưỡng tới thượng đỉnh là gửi ra tín hiệu sai lệch giữa lúc thế giới đang tìm cách áp lực Bắc Triều Tiên về các cuộc thử nghiệm phi đạn và hạt nhân của nước này.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc và Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ chưa phản hồi yêu cầu bình luận.
Hôm thứ ba, Bắc Kinh loan báo Bình Nhưỡng sẽ gửi một phái đoàn sang thượng đỉnh, nhưng không nêu rõ chi tiết.
Theo nguồn tin được Reuters trích thuật, Mỹ nghĩ rằng không thích hợp để cho Bắc Triều Tiên đóng một vai trò gây chú ý.
Một nguồn tin khác cho Reuters biết một số nước Tây phương có thể sẽ bỏ vài buổi họp tại thượng đỉnh có phái đoàn Bình Nhưỡng tham dự nếu đoàn đại biểu của Bắc Triều Tiên được khoác một vai trò quá quan trọng.
Chưa rõ phái đoàn Triều Tiên sẽ tham dự những phiên họp nào trong thượng đỉnh. Trung Quốc không tiết lộ nhiều thông tin về các phái đoàn tham dự.
Một nguồn tin biết rõ về kế hoạch thượng đỉnh nói với Reuters rằng trưởng phái đoàn Bình Nhưỡng có thể sẽ xuất hiện trên sân khấu trong buổi chụp hình lưu niệm chung với các tham dự viên khác.
Lãnh đạo từ 29 nước sẽ tham gia Diễn đàn Vành đai-Con đường tại Bắc Kinh ngày 14 và 15 tháng này, một sự kiện nhằm cổ súy đề xướng mở rộng liên kết giữa Châu Á, Châu Phi, và Châu Âu qua hàng tỷ đô la đầu tư cơ sở hạ tầng.
Lãnh đạo duy nhất từ nhóm G7 tham dự sự kiện này sẽ là Thủ tướng Italy, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết.
Bắc Kinh ngày 12/5 loan báo Hoa Kỳ sẽ cử phái đoàn tham dự thượng đỉnh dẫn đầu bởi cố vấn Tòa Bạch Ốc Matt Pottinger.
Nguồn : Reuters