Đại dịch Covid-19 đã tạo ra một cuộc khủng hoảng đối với nền dân chủ trên toàn thế giới, tạo lý do vỏ bọc cho chính phủ các nước có thể gây gián đoạn bầu cử, bịt miệng các nhà phê bình và báo chí, đồng thời làm suy yếu trách nhiệm giải trình cần thiết để bảo vệ nhân quyền cũng như sức khỏe cộng đồng.
Người Israel phản đối luật hạn chế biểu tình trong đợt cách ly Covid-19. Một trong ba tấm biểu ngữ có nội dung "Bảo vệ nền dân chủ". Ảnh chụp ngày 29/9/2020. Reuters/Ronen Zvulun
Nội dung vừa nêu nằm trong báo cáo mới nhất của Freedom House có tên Democracy under Lockdown, tạm dịch là Dân chủ trong thời kỳ cách ly, được công bố ngày 2/10.
Ông Michael J. Abramowitz, Chủ tịch của Freedom House, cho rằng đợt khủng hoảng sức khỏe trên toàn thế giới đã trở thành một phần trong cuộc khủng hoảng toàn cầu đối với nền dân chủ. Ông nói : "Các chính phủ ở mọi nơi trên thế giới đã lạm dụng quyền lực của họ nhân danh sức khỏe cộng đồng, nắm lấy cơ hội để gây hại cho dân chủ và nhân quyền".
Còn theo bà Sarah Repucci, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu và phân tích tại Freedom House và là đồng tác giả của báo cáo : "Các luật và thông lệ mới trong thời Covid-19 sẽ khó có thể thay đổi. Hệ lụy đối với các quyền cơ bản của con người sẽ còn tồn tại lâu dài sau đại dịch".
Theo các chuyên gia được dự án khảo sát, kể từ khi dịch coronavirus bùng phát, tình trạng dân chủ và nhân quyền đã trở nên tồi tệ hơn ở 80 quốc gia, đặc biệt là sự suy giảm nghiêm trọng ở các quốc gia có tính đàn áp cao và người dân phải đấu tranh cho dân chủ.
Các chuyên gia được khảo sát trong khuôn khổ dự án đã xác định 4 vấn đề là nghiêm trọng nhất trong đại dịch Covid-19 bao gồm sự thiếu minh bạch của chính phủ và thông tin về coronavirus, tham nhũng, thiếu bảo vệ đối với những thành phần dễ bị tổn thương và sự lạm quyền của chính phủ.
Báo cáo cho rằng đại dịch đang đẩy nhanh tình trạng suy giảm quyền tự do ngôn luận trên toàn cầu. Việc hạn chế các phương tiện thông tin đại chúng trong khuôn khổ phản ứng với Covid-19 đã xảy ra ở ít nhất 91 quốc gia. Các chính phủ đã ban hành luật mới chống lại việc phát tán "tin tức giả" về virus. Họ cũng hạn chế việc đặt câu hỏi độc lập tại các cuộc họp báo, đình chỉ việc in báo và chặn các trang web.
Bà Sarah Repucci cho rằng việc chính phủ các nước che giấu sự thật một cách trắng trợn luôn có hại, nhưng nó đặc biệt nghiêm trọng vào thời điểm mà mạng sống của rất nhiều người đang bị đe dọa.
Trong cuộc khảo sát, 62% số người được hỏi cho biết họ không tin tưởng vào những gì họ đang nghe về đại dịch từ chính phủ quốc gia. 77% các chuyên gia ở những nước mà báo cáo hàng năm Freedom in the World của Freedom House xếp loại là Không tự do cho biết họ không tin tưởng vào thông tin như vậy. Điều này cho thấy sự thiếu minh bạch phổ biến nhất ở các quốc gia yếu kém trước sự lạm dụng quyền lực.
Báo cáo cho rằng các chính phủ cũng đang sử dụng dịch bệnh như một lý do để tự cho mình những quyền hạn đặc biệt ngoài những gì cần thiết một cách hợp lý để bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Họ đã khai thác thẩm quyền khẩn cấp mới để can thiệp vào hệ thống tư pháp, áp đặt các hạn chế chưa từng có đối với các đối thủ chính trị và bỏ qua các chức năng lập pháp quan trọng.
Báo cáo Democracy under Lockdown được tiến hành từ tháng 1-9/2020 tại 192 quốc gia.
Trong Báo cáo Tự do trên thế giới năm 2019 của Freedom House, Đài Loan được đánh giá là "tự do", và xếp thứ 26 về Tự do trong số 195 quốc gia hay vùng lãnh thổ trong năm 2018. Trong khi đó, Trung Quốc xếp hạng thứ 180 và được coi là "không có tự do".
Các giáo sĩ và giới chức qua lại dưới giàn camera an ninh vào lúc rời đền thờ Hồi giáo Id Kah trong một chuyến đi thăm do Bắc Kinh tổ chức tới vùng Tân Cương. Ảnh chụp ngày 4/1/2019.
Trong phúc trình về Tự Do trên Thế Giới 2019 mang tựa đề "Dân chủ Lùi Bước"của Freedom House, tổ chức theo dõi tình trạng tự do dân chủ trên thế giới nói rằng trong năm 2018 vừa qua, nền dân chủ toàn cầu đã bị xói mòn và suy yếu liên tiếp trong 13 năm.
"Xu hướng đảo ngược dân chủ đã lan tới nhiều quốc gia ở tất cả mọi khu vực, từ các nền dân chủ lâu đời như Hoa Kỳ, cho đến các chế độ độc tài lâu đời như Trung Quốc và Nga", báo cáo của Freedom House nhận xét.
"Những sự mất mát nói chung còn nông cạn so với những thành quả đã đạt được vào cuối thế kỷ 20, tuy nhiên
Theo phúc trình của Freedom House, trong số 195 quốc gia hoặc vùng lãnh thổ được khảo sát, 86 nước/vùng lãnh thổ được đánh giá là "tự do", 59 "tự do một phần" và 50 "không có tự do".
Đài Loan đạt 93 điểm trên 100 về tự do, tương tự như năm trước đó-2017, đứng hạng hai ở Châu Á, chỉ sau Nhật Bản (96 điểm) và đứng trước các nền dân chủ phương Tây như Pháp (90 điểm), Ý (89 điểm) và Hoa Kỳ (86 điểm).
Đứng đầu đồng hạng về tự do là Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển, cả ba đều đạt 100 điểm, tiếp theo là Hà Lan (99), Canada (99), New Zealand (98), Uruguay (98), Úc (98), Luxembourg (98), Ireland ( 97) và Đan Mạch (97).
Trung Quốc là một trong những nước có số điểm thấp nhất. Với chỉ có 11 điểm, nước này bị xếp hạng180, ngang hàng với Azerbaijan và Yemen.
Phúc trình của Freedom House trích dẫn mối quan ngại về việc cá nhân hóa quyền lực tại Trung Quốc, trong khi quyền lực tập trung trong tay lãnh tụ Đảng Cộng sản Tập Cận Bình, và những cố gắng của Bắc Kinh nhằm đẩy một triệu người sắc tộc Duy Ngô Nhĩ và nhiều người khác vào các trung tâm "cải tạo" tàn bạo, nơi những thông tin đã bắt đầu xuất hiện về những cảnh tra tấn hết sức dã man, và những cái chết trong khi bị giam giữ".
Phúc trình của Freedom House còn cảnh báo về việc Trung Quốc xuất khẩu mô hình kiểm duyệt và giám sát internet.
Báo cáo này cảnh giác : "Khi mà mạng internet đóng vai trò của một cộng đồng toàn cầu trên không gian ảo, và giữa lúc chi phí cho các hệ thống giám sát tinh vi tiếp tục giảm, ý định và khả năng của Bắc Kinh trong việc truyền bá các mô hình toàn trị, có thể kiểm soát xã hội, đặt ra nguy cơ lớn đối với nền dân chủ trên toàn thế giới".
Chế độ cộng sản khiến Việt Nam bị xếp hạng không có tự do (RFA, 06/02/2019)
Theo báo cáo thường niên của Freedom House - một tổ chức phi chính phủ quốc tế có chức năng theo dõi tiến trình dân chủ hóa toàn cầu, khảo sát và nghiên cứu về tình trạng thực thi tự do chính trị cũng như các quyền tự do cơ bản của công dân tại các quốc gia trên thế giới - công bố hôm 5 tháng 2 năm 2019, thì Việt Nam vẫn là một quốc gia không có tự do về mọi mặt.
Công an, cảnh sát ngăn chặn mọi ngả đường đến tòa án trong phiên xử một người bất đồng chính kiến ở Hà Nội năm 2016. AFP
Cụ thể, theo thang điểm từ 0 đến 100, với điểm 0 là không có tự do đến điểm 100 là tự do nhất, thì Việt Nam được 20 điểm, thuộc vùng không có tự do.
Năm 1948 Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền ra đời. Trong đó, thuật ngữ Nhân quyền được hiểu một cách đơn giản nhất là quyền con người : "những bảo đảm pháp lý toàn cầu có tác dụng bảo vệ các cá nhân và các nhóm chống lại những hành động hoặc sự bỏ mặc làm tổn hại đến nhân phẩm, những sự được phép và tự do cơ bản của con người".
Tại Việt Nam, sau các bản Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992 thì Hiến pháp sửa đổi năm 2013 bổ sung nhiều quy định về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân như quyền bầu cử và quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân ; quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, biểu tình, quyền và cơ hội bình đẳng giới… Nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo cho những quyền đó được thực hiện trên thực tế.
Theo Nhà nhiên cứu văn hóa Nguyễn Khắc Mai thì khó mà kêu gọi nhà nước Việt Nam bảo vệ quyền con người như từng hứa hẹn :
Tôi nói là Việt Nam cộng sản có cái lịch sử từ chối nhân quyền, luôn luôn cho nhân quyền là vấn đề của tư sản, của chủ nghĩa tư bản, của kẻ thù nó lợi dụng để chống lại Nhà nước xã hội chủ nghĩa và chống lại đảng. Đấy là luận điệu rất lâu rồi. Vấn đề là nhân quyền đã trở thành khát vọng của Việt Nam nhưng vì cộng sản không coi đó là việc của mình nên không làm đến nơi đến chốn.
Theo nhà báo Phạm Thành, cũng là cựu phóng viên Đài tiếng nói Việt Nam thì Việt Nam có hiến pháp, có luật. Đọc hiến pháp Việt Nam thì thấy họ rất tiến bộ, nhưng họ có thực hiện đâu :
Cộng sản có một rừng luật nhưng họ thực hiện theo luật rừng. Họ nói rất hay, rất đẹp nhưng họ không thực hiện. Họ điều hành và quản lý xã hội theo quyền lực của họ. Ông Nguyễn Phú Trọng đã nói hiến pháp là một đạo luật rất quan trọng nhưng đứng sau đường lối của đảng.
Hôm 16/11/2018, tổ chức Freedom Now công bố báo cáo về tình trạng chính quyền Việt Nam xây dựng và sử dụng luật như một thứ vũ khí để khống chế, đàn áp xã hội dân sự. Điều này đi ngược với giá trị đích thực của luật pháp là để bảo vệ người dân.
Cô Carol Nguyễn, Điều phối viên chương trình của Tổ chức BPSOS, một trong những tổ chức giúp Freedom Now, là một trong các diễn giả của buổi công bố báo cáo, hôm 16 tháng 11 nói rằng :
"Bất chấp những chỉ trích từ quốc tế Việt Nam tiếp tục gia tăng đàn áp tôn giáo với Luật tín ngưỡng, tôn giáo được sửa đổi và có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 nhằm gia tăng sự kiểm soát của Chính phủ lên các nhóm tôn giáo và dùng luật này để trừng mạnh mạnh tay những người mà họ cho là vi phạm luật tín ngưỡng. Bởi luật có những quy định cụ thể như cấm lợi dụng tự do tôn giáo gây tổn hại đến an ninh quốc gia, trật tự công cộng".
Ảnh minh họa chụp bên ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình ở Hà Nội trước đây. AFP
Theo hiến pháp Việt Nam thì người dân có quyền tự do hội họp và lập hội, thế nhưng một trong những hội bị đàn áp, bắt bớ nặng nề cho đến thời điểm này là Hội Anh Em Dân Chủ. Đây là một tổ chức xã hội dân sự độc lập, thành lập vào tháng 4 năm 2013 với tiêu chí hoạt động là phổ biến kiến thức luật pháp về nhân quyền và dân quyền cho người dân, cũng như vận động xây dựng xã hội dân chủ, tiến bộ, công bằng, văn minh tại Việt Nam.
Anh Lê Thanh Tùng, một người từng tham gia Hội Anh Em Dân Chủ xác nhận với RFA :
Tôn chỉ hoạt động của chúng tôi không đụng chạm gì đến kêu gọi lật đổ chính quyền, nhưng bản chất của nhà cầm quyền cộng sản độc tài, họ luôn lo ngại phong trào xã hội dân sự tại Việt Nam lớn mạnh lên thì họ khó nắm được quyền kiểm soát, cho nên khó khăn lớn nhất của chúng tôi là bị nhà cầm quyền cộng sản đàn áp khốc liệt, bách hại ngay từ những ngày đầu thành lập.
Trong bản Phúc trình Toàn cầu 2019 được công bố ngày 17/01/2019, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) một lần nữa nhận định chính phủ Việt Nam xâm phạm các quyền dân sự và chính trị cơ bản như quyền tự do biểu đạt, quyền tự do báo chí và tiếp cận thông tin, quyền tự do lập hội và nhóm họp, quyền tự do tôn giáo...
Nhà báo Phạm Thành nhận định nguyên nhân Việt Nam là một quốc gia mất tự do về nhiều mặt, là do sự cai trị của đảng cộng sản. Ông nói :
Không có tự do báo chí, không có tự do lập hội, không có tự do tư tưởng. Nguyên nhân là do những người cộng sản họ tổ chức mô hình xã hội theo học thuyết Mác- Lênin. Nhà nước đó không muốn cho những người dân, các tầng lớp người dân nói khác mình, nghĩ khác mình. Họ dùng bộ máy quân đội, công an cũng như các điều luật để đàn áp. Nói gọn một câu là do cộng sản đang cầm quyền. Có thế thôi.
Thống kê cho thấy trong năm 2018, ít nhất 42 người đã bị kết án vì bày tỏ ý kiến chỉ trích chính phủ hoặc tham gia các nhóm ủng hộ dân chủ như 9 thành viên của Hội Anh em Dân chủ và 5 thành viên của Liên minh Dân tộc Việt Nam Tự quyết… Hơn 100 người tham gia biểu tình chống hai dự luật đặc khu và an ninh mạng hồi tháng 6 cũng bị án tù.
Sang năm 2019, Việt Nam tiếp tục bắt giữ cũng như mời làm việc một số Facebookers chỉ vì những người này công khai quan điểm trên trang mạng xã hội này.
Diễm Thi
*********************
Freedom House : Việt Nam đất nước không có tự do (RFI, 06/02/2019)
"Dân chủ bị suy thoái" là chủ đề buổi họp tại Washington hôm thứ Ba 5 tháng Hai, kết hợp giữa Freedom House và Trường Nghiên Cứu Quốc Tế Đại Học Johns Hopkins.
Hình ảnh tại buổi báo cáo thường niên của Freedom House 2019, hôm 5/2 tại thủ đo Washington D.C. RFA
Như mọi năm trước, biểu đồ tự do thế giới của Freedom House năm nay vẫn sử dụng màu xanh lục đối với các nước có tự do (Free), màu vàng để chỉ các nước có tự do phần nào (Partly Free), và màu tím dành cho những nước không có tự do. Việt Nam thuộc về màu tím nhóm các nước thiếu tự do về mọi mặt.
Như vậy, sau 13 năm kể từ lúc Freedom House khởi sự quan sát và ghi nhận tình trạng tự do, dân chủ và nhân quyền tại các nước trên thế giới, Việt Nam vẫn nằm trong danh sách không có tự do về mọi mặt. Quan điểm của nhà cầm quyền Việt Nam về dân chủ, nhân quyền và quyền công dân không theo đúng giá trị phổ quát và cần thiết mà Freedom House căn cứ vào đó để thẩm định tính tự do của một chính phủ và một đất nước.
Giám đốc Freedom House, ông Michael Abramowitz, nói rằng tổ chức có người đảm trách việc theo dõi, tìm hiểu chuyên sâu về tình hình Việt Nam để có thể trả lời mọi thắc mắc liên quan đến việc tại sao Việt Nam là một trong những nước trên thế giới không có tự do đích thực.
Ngoài những điều kiện như dân chủ, quyền con người, một đất nước tự do còn có nghĩa là ý dân được tôn trọng, người dân được quyền ứng cử, công dân được hưởng quyền phổ thông đầu phiếu.
Những gì tôi có thể nói là một số lý do khiến Việt Nam không có tự do và vẫn bị giữ lại trên dánh sách các nước thiếu tự do là vì cái thể chế toàn trị và sự thiếu thốn quyền chính trị của người dân. Có những dấu chỉ cho thấy chính trị không được cải tổ đã làm chậm đi tiến trình dân chủ của đất nước này.
Đó là nhận định của bà Amy Slipowitz, chuyên gia nghiên cứu của Freedom House.
Ngoài hành động trấn áp đối lập, đàn áp các bloggers và các xã hội dân sự trong nước, Luật An Ninh Mạng của nhà cầm quyền Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1 tháng Giêng năm 2019 cũng là một bước lùi đáng tiếc về tự do dân chủ ở Việt Nam, bà Slipowitz nói tiếp :
Có thể nói như vậy, Luật An ninh Mạng được đặc biệt quan tâm bởi dưới nhãn quan toàn cầu thì đây là thí dụ điển hình của một chế đô toàn trị không chỉ thấy ở Việt Nam mà cả một vài nước trên thế giới.
Trong một đất nước đang phát triển với thành phần trung lưu ngày càng tăng cao như Việt Nam, nhu cầu hay sự đòi hỏi về tự do chính trị và tự do dân sự cũng tăng cao. Đó là chuyện đang xảy ra ở Việt Nam, chuyên gia Slipowitz của Freedom House kết luận.
Có mặt tại buổi họp báo để theo dõi bản phúc trình Freedom House về tự do thế giới 2019, từng phục vụ nghành truyền thông chuyên trách phát thanh quốc tế ở Hoa Kỳ, cũng là người có công trong việc hình thành Đài Âu Châu Tự Do, đài Radio Liberty và sau này là Đài Á Châu Tự Do, luật sư John Lindberg, phát biểu :
Rằng nếu quan tâm đến nhân quyền hẳn ai cũng biết từ năm 1948 đã có bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân quyền, khẳng định mọi quyền căn bản của con người là tự do ngôn luận, tự do hội họp, quyền được xét xử bằng những phiên tòa công bằng và nhiều quyền khác nữa. Đáng tiếc là khi chiến tranh lạnh chấm dứt, giấc mơ dân chủ, tường có thể nở rộ, đã có dấu hiệu thoái trào.
Tự do trên thế giới đã suy giảm trong 12 năm qua, ông Lindburg nói tiếp, phúc trình hôm nay của Freedom House đã chứng minh điều đó. Tự do đang tiếp tục suy thoái và đang trở thành mối quan tâm của những người luôn tôn trọng và đề cao quyền căn bản của con người trên trái đất này.
Trở lại với Việt Nam bị đánh giá là không có tự do tính đến lúc này, luật sư Lindburg nhận định :
Dù không phải là một chuyên gia về Việt Nam nhưng nhận định của tôi là trong vòng mưới, mưới lăm năm trở lại đây kinh tế Việt Nam đã phát triển một cách ngoạn mụ và sẽ còn tiến nhiều hơn nữa. Thế nhưng tình hình chính trị của đất nước này hãy còn là vấn đề. Trung quốc thường tự ca tụng rằng sự phát triển kinh tế của họ dẫn tới khuôn mẫu dân chủ tốt đẹp hơn các nước dân chủ Tây Phương. Theo tôi phát triển kinh tế phải đi đôi với tiến trình dân chủ hóa, không thể có phát triển kinh tế khi thiếu minh bạch, thiếu dân chủ.
Vậy trở lại với Việt Nam, tôi nghĩ Việt Nam phải cởi mở hơn, phải để cho người dân được quyền ăn nói, quyền hộp họp, quyền biểu tình, quyền được xét xử công bằng.
Phúc trình tự do thế giới 2019 của Freedom House được đăng tải trên mạng để mọi người có thể truy cập và tìm kiếm phần mình quan tâm.
Trong số 195 quốc gia và 14 vùng lãnh thổ liệt kê trên phúc trình, 86 quốc gia được coi là có tự do, 59 có tự do phần nào và 50 là hoàn toàn không có tự do ; trong số này có Việt Nam.
Thanh Trúc
********************
Việt Nam tiếp tục bị xếp hạng quốc gia không có tự do (RFA, 06/02/2019)
Việt Nam vẫn không phải là một quốc gia có tự do. Đó là đánh giá của Tổ chức theo dõi tự do và dân chủ Freedom House có trụ sở tại Hoa Kỳ, công bố trong báo cáo thường niên 2019 vào ngày 5/2.
Freedom House - Ảnh minh họa .
Cụ thể theo thang điểm từ 0 đến 100, với điểm 0 là ít tự do nhất đến 100 là tự do nhất, thì Việt Nam được 20 điểm, thuộc diện không có tự do.
Đối với thang điểm 1 là tự do nhất và 7 là không có tự do nhất, thì về đánh giá tự do Việt Nam ở mức 6/7, về các quyền chính trị, Việt Nam ở mức 7/7 và về các quyền tự do dân sự Việt Nam ở mức 5/7.
Theo báo cáo của Freedom House, năm 2018 là năm thứ 13 mà nền dân chủ gặp khủng hoảng và liên tiếp suy giảm trên toàn thế giới. Ngay cả Hoa Kỳ một quốc gia được xem là chuẩn mực của dân chủ nhưng đã bị xếp hạng ngang tầm với Hy Lạp, Croatia và Mông Cổ thấp hơn cả những quốc gia có nền dân chủ lâu đời như Đức và Anh.
Theo bảng báo cáo của Freedom House, sau 13 năm kể từ năm 2006 tổng cộng có 116 quốc gia có suy giảm ở mức báo động về tình trạng mất tự do và chỉ có 63 quốc gia có cải thiện đáng kể.
Các quốc gia được xếp hạng tệ nhất về tự do vẫn là Syria, Bắc Hàn và một số nước khác vùng Trung Đông, Trung Á và Châu Phi.
Tại khu vực Châu Á, được Freedom House đánh giá là nơi tình trạng mất tự do dân chủ ở mức báo động với sự tăng cường kiểm soát đối với truyền thông và an ninh mạng của Trung Quốc, Việt Nam và một số nước khác trong khu vực.
Bản phúc trình thường niên về "Tự do Internet năm 2017" của Freedom House đánh dấu 17 năm liên tục suy giảm chung về tự do internet toàn cầu. Trong đó, Việt Nam được xếp vào danh sách các quốc gia không có tự do internet.
Các cử tọa trong buổi công bố Bản phúc trình "Tự do Internet năm 2017" của Freedom House, tại Washington DC, ngày 14/11/2017. RFA
Lên tiếng tại buổi công bố Bản phúc trình thường niên về "Tự do Internet năm 2017" tại Thủ đô Washington, bà Sanja Kelly, Giám đốc dự án "Tự do Internet" của Freedom House cho biết có thêm nhiều chính phủ thao túng truyền thông mạng xã hội cũng như đàn áp các nhà bất đồng chính kiến trực tuyến, như là một động thái đe dọa dân chủ nghiêm trọng, tăng từ 23 lên 30 chính phủ trong vòng 1 năm qua.
Nga và Trung Quốc được nhắc đến trong Bản phúc trình là hai quốc gia tiên phong sử dụng các nhà bình luận được trả lương và các chương trình chính trị để tuyên truyền cho chính phủ, nhưng giờ đây cách thức này đã lan rộng ra toàn cầu và sự lan rộng nhanh chóng như thế có thể gây ảnh hưởng đến dân chủ cùng các hoạt động dân sự.
Bản phúc trình cho thấy số liệu trong năm qua có đến 87% dân số thế giới sử dụng internet ; trong đó bao gồm 23% được hưởng tự do internet, 28% internet không hoàn toàn tự do, 36% không có tự do internet và 13% không thể truy cập internet. Bà Sanja Kelly nhấn mạnh các số liệu vừa nêu được cho là hậu quả của việc chính phủ thao túng truyền thông mạng, như tung tin giả mạo hay đưa tin sai lệch cũng như có nhiều nỗ lực để lọc và chặn thông tin trực tuyến. Giám đốc dự án "Tự do Internet" của Freedom House nói rằng :
"Chúng tôi nhận thấy các thể loại hình thức thao túng truyền thông mạng đóng vai trò quan trọng trong các cuộc bầu cử ở 18 quốc gia chỉ trong năm 2016. Điều này nhắc nhở chúng ta không chỉ tập trung vào việc thao túng truyền thông mạng ở Hoa Kỳ và Châu Âu, mà đó là xu hướng toàn cầu. Tôi có thể nêu ra vài trường hợp ví dụ như Philippines sử dụng quân đội để đưa những thông tin ủng hộ các chính sách của chính phủ cũng như chiến dịch diệt trừ ma túy một cách tàn bạo tại nước này. Chúng ta cũng có thể thấy hình thức thao túng thông tin mạng xã hội như thế ở Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam".
Việt Nam được xếp điểm số 76 trên thang điểm 100, lọt vào danh sách các quốc gia không có tự do internet.
Báo cáo tự do internet 2017 của Freedom House về Việt Nam. Courtesy : Freedom House
Bản Phúc trình liệt kê tự do internet ở Việt Nam trong năm 2017 bị kiểm soát chặt chẽ do sự gia tăng bắt bớ và đe dọa. Nhiều nhóm blogger và dân sự bị cảnh sát trấn áp và dùng vũ lực tịch thu các thiết bị điện tử. Hàng chục người bị bắt giữ và bỏ tù theo các điều luật mơ hồ như 88, 258 trong Bộ luật Hình sự Việt Nam. Các vụ biểu tình phản đối thảm họa môi trường biển do Nhà máy Formosa Hà Tĩnh thải độc tố ra biển, bùng nổ từ tháng 4 năm 2016 kéo dài cho đến năm 2017, được nêu ra trong Bản phúc trình như là bằng chứng rõ ràng việc đe dọa và bắt bớ các nhà hoạt động xã hội tại Việt Nam.
Bản Phúc trình cũng đề cập đến Chính phủ kiến tạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, kể từ khi điều hành quốc gia, hồi nửa năm 2016 đến nay đã không có một biểu hiện nào cho thấy cố gắng cải thiện môi trường tự do internet. Trong Bản Phúc trình còn cho biết sau khi một vài blogger được trả tự do khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương- TPP, thì lại gia tăng bắt bớ kể từ 6 tháng cuối năm của năm 2016. Theo số liệu ghi nhận của Tổ chức Phóng viên không Biên giới, tính đến thời điểm tháng 4 năm 2017, ít nhất 19 nhà hoạt động xã hội, bị bắt giữ vì bày tỏ chính kiến trên mạng xã hội. Và báo cáo cho thấy nhà cầm quyền Hà Nội lại có đợt đàn áp mới vào mùa hè năm 2017.
Giám đốc Báo cáo "Tự do Internet", ông Adrian Shahbaz nói với RFA về tình hình tự do internet năm 2017 của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á :
"Chúng tôi ghi nhân ở Việt Nam và trong khu vực có sự gia tăng thao túng truyền thông mạng. Việt Nam cũng như một số các quốc gia kiểm soát gắt gao ý kiến của người dân và đó là điều rất đáng quan ngại. Việt Nam bị xếp vào danh sách quốc gia không có tự do internet cùng với Thái Lan và Myanmar, mà có thể được cho là chịu nhiều trở ngại trong việc không cho phép và bắt bớ cư dân mạng, nếu như so sách với đất nước Campuchia láng giềng. Tôi nghĩ có rất nhiều những nhà hoạt động xã hội tại các nước này đang làm những công việc để vượt qua tình trạng khó khăn. Tôi hy cọng chúng ta sẽ chú ý nhiều hơn về các công việc ủng hộ dân chủ cũng như ủng hộ quyền tự do biểu đạt của các nhà hoạt động xã hội. Chúng ta cần hỗ trợ họ bởi vì họ đang làm những việc thật sự cam go trong môi trường nguy hiểm".
Các chuyên gia nghiên cứu của Freedom House cho biết một dấu hiệu lạc quan trong Bản phúc trình "Tự do Internet năm 2017" là sự tương tác cùng chiều giữa các chính phủ với cư dân mạng mỗi khi chính phủ gia tăng các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn tự do internet thì những nhà hoạt động xã hội sẽ tích cực tìm kiếm nhiều giải pháp vượt qua. Nhà hoạt động xã hội Nguyễn Chí Tuyến, từ Hà Nội, sau khi theo dõi buổi công bố trực tuyến Bản phúc trình thường niên "Tự do Internet năm 2017" lên tiếng với Đài Châu Á Tự Do :
"Tôi nghĩ rằng đó cũng là một lẽ rất tự nhiên và tôi hoàn toàn đồng ý với Freedom House về viêc các chính phủ đều muốn kiểm soát hay kiểm duyệt những thông tin hay bằng các biện pháp về kỹ thuật, hoặc bằng các bộ luật, thậm chí có thể ghép tội dễ dàng nhằm mục đích làm cho người dân không được quá chỉ trích đối với chính quyền.
Những người công dân như chúng tôi chẳng hạn, tôi nghĩ rằng quyền được tự do biểu đạt, quyền được tự do suy nghĩ và nói lên tiếng nói của mình, quan điểm của mình về đất nước, chế độ chính sách, các câu chuyện xã hội xảy ra…thì đó là nhu cầu căn bản và nhu cầu bức thiết. Và đã là nhu cầu thì chúng tôi phải tìm cách để đạt được điều là chúng tôi muốn cất tiếng nói của mình. Tôi cho rằng nhà cầm quyền tìm cách kiểm duyệt thì người dân cũng sẽ tìm cách để ‘lách’, theo ngôn từ của Việt Nam".
Đài RFA ghi nhận trong những ngày vừa qua, cư dân mạng tại Việt Nam cũng như dư luận trong nước lo ngại Dự thảo Luật An ninh mạng, nếu được thông qua có thể đẩy các tập đoàn công nghệ thông tin lớn như Google, Facebook, Youtube…ra đi trong trường hợp họ không hợp tác theo yêu cầu của pháp luật Việt Nam. Trong khi một số tổ chức nhân quyền thế giới cảnh báo đây có thể là một biện pháp hạn chế tự do internet của dân chúng tại Việt Nam, thì Bộ trưởng Bộ Công An-Thượng tướng Tô Lâm tuyên bố buổi thảo luận của Quốc Hội về Dự thảo Luật an ninh mạng hồi cuối tháng Mười rằng nếu Việt Nam chặn internet thì không "chơi" được với ai.
Hòa Ái
Nguồn : RFA, 14/11/2017
Một báo cáo của tổ chức Freedom House xếp Việt Nam vào nhóm 49 nước không có tự do". So với các năm trước, mức độ tự do của Việt Nam không có chuyển biến gì.
Freedom House, một tổ chức theo dõi nhân quyền độc lập có trụ sở ở Mỹ, mới công bố báo cáo Tự do trên thế giới 2017". Theo báo cáo, có 195 nước được đánh giá, 87 nước được xếp hạng có tự do, 59 nước tự do phần nào và 49 nước không có tự do.
Trên thang điểm 100, Việt Nam được 20 điểm, số điểm càng thấp đồng nghĩa càng ít tự do. Trong hai hạng mục riêng rẽ, Việt Nam ở mức 7/7 về các quyền chính trị và 5/7 về các quyền tự do dân sự. Trên thang điểm này, 7 điểm là ít tự do nhất.
Báo cáo nhìn nhận rằng các lĩnh vực rất quan trọng mà Việt Nam thiếu là tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin và tự do trên mạng Internet. Việt Nam bị coi là chẳng có thay đổi nào đáng kể so với năm ngoái" với thực tế nhiều người đối lập vẫn bị bắt giữ, tiếng nói của các xã hội dân sự hay của những nhà hoạt động độc lập bị dập tắt.
Từ Việt Nam, hai nhà hoạt động thúc đẩy dân chủ Phạm Đoan Trang và Vũ Quốc Ngữ nói với VOA họ hoàn toàn đồng ý với những kết luận của Freedom House.
Ông Vũ Quốc Ngữ, tổng giám đốc của Người Bảo vệ Nhân quyền, nói :
Chính quyền Việt Nam trong năm 2016 họ đã bắt, xét xử hơn 18 người bất đồng chính kiến, nhà hoạt động nhân quyền, nhà hoạt động xã hội. Họ bắt giữ rất nhiều đầu năm 2017, kể cả một tuần trước Tết Nguyên đán. Những cái chỉ số như thế thì tôi nghĩ là họ [Freedom House] đánh giá rất là chính xác".
Nhà hoạt động Phạm Đoan Trang bày tỏ ý kiến :
Trong quyền dân sự không có một thay đổi nào cả. Còn về các quyền chính trị, năm vừa qua 2016, chúng ta thấy rất rõ là người dân Việt Nam không có một chút nào, nên tôi đồng ý là về quyền chính trị họ chấm 7/7, tức là điểm thấp nhất, là hoàn toàn chính xác".
Trong bối cảnh lãnh đạo Việt Nam thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc, một nước cũng khét tiếng về đàn áp, chuyên chế ; trong khi Mỹ và các nước vốn thường cổ súy cho dân chủ, nhân quyền đang vật lộn với các vấn đề lớn về nội bộ hoặc địa chính trị, hai nhà hoạt động đưa ra dự báo bi quan về tình trạng tự do của Việt Nam trong ngắn hạn.
Họ cũng cho rằng những người đấu tranh ở Việt Nam phải dựa vào chính mình thay vì trông cậy vào tác động từ bên ngoài.
Ông Vũ Quốc Ngữ, người cũng là thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam, nói :
Tôi nghĩ rằng chính quyền Việt Nam sẽ trở nên thân thiết hơn với Trung Quốc. Họ sẽ tìm mọi cách để giữ địa vị độc tôn của Đảng Cộng sản ở Việt Nam và do đó họ sẽ đàn áp mạnh mẽ hơn nữa và sẽ có nhiều vụ bắt bớ. Do đó tôi chưa nhìn thấy một cái cải thiện về tình hình nhân quyền, về dân chủ ở Việt Nam trong thời gian ngắn hạn, trước hết là một đến hai năm. Mỹ và những nước như EU họ có bớt quan tâm về tình hình nhân quyền ở Việt Nam. Họ không thể quan tâm đến mức như trước nữa. Những người ở trong nước, những người hoạt động chính trị, hoạt động nhân quyền, hoạt động xã hội sẽ vấp phải những khó khăn hơn nữa. Tôi được tiếp xúc với nhiều người thì họ cũng sẵn sàng đón nhận mọi cái thử thách. Họ cũng xác định là việc đấu tranh không phải là món quà của Trời mà phải tự thân vận động".
Bà Phạm Đoan Trang nhận định :
Tôi nghĩ rằng sẽ không có thay đổi gì theo hướng tốt lên cả từ phía chính quyền Việt Nam. Tôi cảm thấy rất rõ quan điểm của họ là khủng bố và đàn áp nó có tác dụng thật, có gây hiệu ứng sợ hãi thật. Tôi nghĩ rằng với cái tư duy như vậy họ sẽ còn tiếp tục, còn bắt nhiều hơn, đàn áp nhiều hơn. Tôi tin năm 2017 họ sẽ tiếp tục bắt tiếp. Ông Trump trở thành tổng thống [Mỹ], tôi nghĩ là ông ấy sẽ không quan tâm đến Việt Nam. Quốc hội Mỹ có thể còn có một số dân biểu do bị tác động của cộng đồng người Việt thì họ còn có thể có một vài tiếng nói, một vài phát biểu. Tiếng nói về mặt quốc tế để phần nào đó ảnh hưởng đến chính quyền Việt Nam thì không còn nữa. Nhưng mà cũng không sao vì tôi vẫn cho rằng việc của Việt Nam thì Việt Nam sẽ tự giải quyết hơn là trông chờ vào sức ép, ảnh hưởng của quốc tế".
Trong báo cáo năm nay của Freedom House, Việt Nam không bị xếp vào nhóm 11 nước kém tự do nhất, bao gồm các nước lần lượt theo điểm số kém dần là Syria, Eritrea, Bắc Hàn, Uzbekistan, Nam Sudan, Turkmenistan, Somalia, Sudan, Guinea Xích đạo, Cộng hòa Trung Phi và tồi tệ nhất là A-rập Xê-út.
Tai nạn giao thông vẫn cao trong dịp Tết (RFA, 01/02/2017)
Một vụ tai nạn giao thông ở ngoại thành Hà Nội. AFP photo
Tai nạn giao thông trong những ngày đầu năm âm lịch Định Dậu được nói vẫn cao tại Việt Nam.
Ủy ban An toàn Giao thông Việt Nam cho biết nhận được báo cáo của Cục Cảnh sát Giao thông thuộc Bộ Công an tường trình trong 4 ngày tết từ mồng 1 đến mồng 4 xảy ra hơn 170 vụ tai nạn giao thông.
Số nạn nhân thiệt mạng vì tai nạn giao thông trong bốn ngày qua là 109 người và có 119 người bị thương. Ngày mồng 3 tết được nói có số người không may chết trên đường cao nhất là gần 40 người.
Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, thống kê ghi nhận tai nạn giao thông chiếm 1/3 trong số những ca cấp cứu tại các bệnh viện suốt mấy ngày nghỉ tết âm lịch vừa qua.
Thống kê cho thấy tại Việt Nam trong gần 18.500 bệnh nhân tai nạn giao thông, có gần 67% người điều khiển phương tiện với hơn độ cồn trong máu cao ; gần phân nửa vẫn tham gia giao thông hai giờ sau khi uống rượu bia.
Hơn 77% nam giới tại Việt Nam sử dụng rượu bia. Đây là con số được nói cao nhất thế giới, gấp hai lần mức trung bình.
Bộ Y tế Việt Nam cũng báo cáo chỉ trong 3 ngày gồm ngày 30 tết và mồng một, mồng hai năm mới Đinh Dậu các bệnh viện trên toàn quốc tiếp nhận hơn 2200 người bị thương do đánh nhau gây nên. Trong số này có 14 người thiệt mạng.
Năm ngoái cũng theo ghi nhận của Bộ Y Tế Việt Nam thì chỉ có hơn 1 ngàn vụ đánh nhau nhân dịp tết.
******************
Hà Nội kỷ niệm 228 năm chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa (RFA, 01/02/2017)
Lễ kỷ niệm lần thứ 228 năm chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa hôm 1/2/2017. Photo courtesy of vtv.vn
Lễ kỷ niệm lần thứ 228 năm chiến thắng Ngọc Hồi, Đống Đa diễn ra hôm nay tại Gò Đống Đa, phường Quang Trung, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội.
Mồng 5 tết hằng năm là ngày kỷ niệm Vua Quang Trung dẫn đầu đoàn quân gồm các tướng lĩnh đất Việt, nghĩa quân Tây Sơn cùng nhiều binh lính khác đánh tan hơn 29 vạn quân Mãn Thanh sang xâm chiếm Việt Nam.
Ngoài Gò Đống Đa, Hà Nội tại quê hương vị anh hùng áo vải Quang Trung, Nguyễn Huệ ở Tây Sơn, tỉnh Bình Định lễ hội kỷ niệm chiến thắng quân Thanh cũng được tổ chức với những nghi lễ cổ truyền, biểu diễn võ thuật, trống trận Tây Sơn…
Trong những năm gần đây, Trung Quốc tiến hành nhiều hoạt động nhằm đơn phương lấn chiếm các đảo ở khu vực Biển Đông. Một số người dân trong nước tại Hà Nội, Sài Gòn tiến hành biểu tình chống hành động gây hấn của Trung Quốc nhưng bị lực lượng chức năng giải tán.
*********************
Freedom House : Việt Nam vẫn chưa có tự do (RFA, 01/02/2017)
Sơ đồ phúc trình về tự do toàn cầu với 195 quốc gia trên thế giới.
Feedom House, một tổ chức giám sát độc lập ở Hoa Kỳ công bố phúc trình về tự do toàn cầu với 195 quốc gia trên thế giới, trong đó Việt Nam vẫn giữ nguyên vị trí một nước không có tự do và không có dấu hiệu cải thiện.
Trong số 195 quốc gia trên thế giới, 87 nước được công nhận là có tự do, 59 nước chỉ phần nào có tự do, 49 nước còn lại hoàn toàn không được tự do về nhiều mặt, trong đó Việt Nam là một.
Đó là phần mở đầu phúc trình lần thứ 11 về tự do toàn cầu 2017 của Freedom House, tổ chức chuyên theo dõi và đánh giá mức độ tự do dân chủ của người dân tại từng quốc gia thuộc từng khu vực trên thế giới.
Trong phúc trình về tự do toàn cầu 2017, Freedom House sử dụng sơ đồ màu xanh lá cho những nước thực sự có tự do, màu vàng dành cho những nước phần nào có tự do, màu tím là những nước không có tự do. Năm nay, Việt Nam vẫn nằm trong khung màu tím.
Bà Sarah Repucci, giám đốc chuyên trách xuất bản toàn cầu của Freedom House, nói rằng tổ chức tiếp tục đặt Việt Nam vào tư thế một quốc gia thiếu tự do :
Chúng tôi nhận thấy năm nay Việt Nam chẳng có thay đổi nào đáng kể so với năm ngoái, nhiều người đối lập vẫn bị bắt giữ, tiếng nói của các xã hội dân sự hay của những nhà hoạt động độc lập bị dập tắt.
Đã có lúc chúng tôi cảm thấy phần khởi thấy một vài cá nhân hoặc thành viên các tổ chức dân sự độc lập ở Việt Nam gọi là được phép tự ra ứng cử vào quốc hội. Đáng tiếc là chưa đủ để có thể tin rằng đó là sự thay đổi tích cực và đó là Việt Nam muốn chấp nhận có sự đối lập về chính trị.
Theo đánh giá của Freedom House trong phúc trình về tự do toàn cầu 2017, 3 lãnh vực quan trọng nhất mà Việt Nam thiếu hẳn là tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do thông tin, tự do mạng. Sơ đổ về tự do toàn cầu của Freedom House năm 2017 cho thấy trong số 39 quốc gia thuộc khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Việt Nam ở nhóm 20% những nước đang theo đuổi chính sách kiểm soát và chi phối mọi quyền tự do căn bản của công dân. Bà Sarah Repucci :
Freedom House chưa bao giờ nhận được sự phản hồi từ phía Việt Nam, đối với những phúc trình thường niên mà tổ chức thực hiện hàng năm. Có vẻ như chính phủ Việt Nam không thực sự quan tâm một cách nghiêm túc đến những báo cáo như thế này và cũng không muốn cải thiện để trở thành một thể chế thông thoáng hơn.
Những điểm chính cần nhấn mạnh là qua đại hội đảng lần thứ XII cho đến bầu cử quốc hội thì rõ ràng Việt Nam đã và vẫn muốn giữ nguyên trạng một nhà nước toàn trị, người dân không được thông báo trước điều gì và cũng không có cơ hội được tham gia vào những sinh hoạt chính trị vốn đã rất giới hạn.
Điểm thứ nhì là đã có những cuộc biểu tình lớn ở Việt Nam hồi năm ngoái, chứng tỏ người dân mong muốn nói ra những suy nghĩ của họ và mong muốn được quyền tự do bày tỏ những suy nghĩ đó.
Việt Nam thường tuyên bố mình là một quốc gia tự do, dân chủ nhưng để trở thành một nước dân chủ đích thực thì Việt Nam phải tôn trọng và thực thi quyền tự do bày tỏ chính kiến, tự do truy cập mạng để trao đổi tin tức, tự do báo chí để người dân biết những điều gì đang xảy ra trên đất nước của mìn. Đó là kết luận của Freedom House.
Thanh Trúc, phóng viên RFA