Châu Âu đối mặt với khủng hoảng nhập cư
Nhập cư là chủ đề chiếm trang nhất của hầu hết các báo Pháp ra hôm nay, trong bối cảnh hôm nay 28/06/2018 và ngày mai, 28 nước Liên Hiệp Châu Âu họp thượng đỉnh, trong đó cuộc khủng hoảng di dân chiếm phần lớn chương trình nghị sự.
Quốc kỳ 28 nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Reuters/Yves Herman
Tựa trang nhất nhật báo Le Monde ghi nhận : "Nhập cư : Châu Âu đối mặt với khủng hoảng chính trị". Theo tờ báo, cuộc gặp thượng đỉnh lần này hứa hẹn sẽ rất căng thẳng. Bởi vì số phận của những con tàu vớt người nhập cư trên biển trong những ngày qua đang là chủ đề gây tranh cãi, mặc cả gay gắt giữa các nước trong Liên Hiệp. Vấn đề nữa là chính sách phân bổ các nước thành viên EU phải đón người tị nạn đưa ra từ 2015 đến nay vẫn không được tôn trọng mà còn gây chia rẽ thêm giữa các nước.
Hàng nghìn người vẫn ùn ùn đổ về Châu Âu tìm đường thoát khỏi những bất ổn, đàn áp, và có khi cả nạn thất nghiệp, ở Châu Phi và Syria. Trong khi đó Liên Hiệp Châu Âu tiếp tục bị chia rẽ trước hồ sơ đón người nhập cư. Libération dành kín trang bìa chạy tựa lớn : "Châu Âu : Ta đóng cửa", trên bức ảnh rất ấn tượng một thanh niên chạy tị nạn đang trèo qua một hàng rào dây thép gai dựng sát bờ biển.
Tờ báo bình luận : "Lịch sử của các cuộc di dân sang Châu Âu từ nhiều năm qua được rút lại bằng một câu đơn giản và tàn nhẫn : ta đóng cửa ! (…) Rất có thể hai quyết định sẽ được đưa ra : Tăng cường Frontex, một lực lượng cảnh sát Châu Âu chuyên trách kiểm soát người nhập cư từ bên ngoài biên giới của Liên Hiệp. Đưa ra nguyên tắc "lập các trung tâm khép kín" dựng tại những nước tiền đồn với nhập cư hoặc những nước lân cận với biên giới Châu Âu nhằm xét duyệt hồ sơ tại chỗ những đối tượng xin tị nạn".
Xã luận Libération kết luận : "Cùng lúc, Châu Âu biến thành nếu không muốn nói là pháo đài thì cũng là một lục địa ngày càng khó vào".
Trong khi đó Le Monde dẫn đánh giá của Tổ Chức Hợp Tác Phát Triển Kinh Tế OCDE : "Bốn triệu người xin tị nạn đã đến Châu Âu từ 2014 đến 2017 sẽ có thể làm tăng thêm 0,3% dân số Châu Âu trong độ tuổi lao động từ nay đến 2020. Nhờ tăng trưởng trở lại, các nền kinh tế Châu Âu dường như hoàn toàn có thể hấp thụ được những người lao động mới, với điều kiện phải đào tạo họ và dạy cho họ ngôn ngữ nước sở tại".
Tuy nhiên, Le Monde nhấn mạnh là ở phần Nam Âu sự việc trở nên phức tạp hơn vì kinh tế xuống dốc. Lấy thí dụ như nước Ý, từ nhiều năm nay, người tị nạn ngày càng vấp phải sự chống đối trong dân chúng.
Hơn thế nữa vấn đề cốt lõi là Châu Âu đang bị xé nát bởi những bất đồng. Hy vọng vào một chính sách nhập cư chung cho cả khối là điều gần như không thể. Các nước mạnh ai nấy làm và xu hướng co lại, tái lập kiểm soát biên giới, quay lưng lại với người nhập cư đang ngày càng thắng thế. Vì thế mà La Croix nhận định bằng hàng tựa lớn trang nhất trên bức ảnh chiếc xuồng cao su trở đầy kín người nhập cư : "Sự gắn kết của Châu Âu đang gặp thử thách".
Trung Quốc tham vọng chiếm lĩnh thị trường hạt nhân Châu Á
Chuyển qua với đề tài Châu Á, trang kinh tế báo Le Figaro có bài : "Tương lai hạt nhân nằm ở Châu Á", theo bài báo thì Trung Quốc và Ấn Độ là hai thị trường chính hiện nay có nhiều hứa hẹn nhất cho toàn bộ ngành hạt nhân.
Tờ báo trích dẫn số liệu của Cơ Quan Năng lượng Quốc tế (AIEA), cho thấy Châu Á là một thị trường vô cùng rộng lớn cho ngành hạt nhân dân sự. Ấn Độ và Trung Quốc chiếm tới 90% tăng trưởng ngành hạt nhân trên toàn thế giới từ nay đến năm 2040. Châu Á ngay từ giờ đã là một trong những nơi chủ yếu cung cấp các nhà máy điện hạt nhân. Một trong những ưu thế của hạt nhân : Đó là nguồn năng lượng phi các bon, một yếu tố căn bản trong cuộc chiến chống hâm nóng bầu khí hậu.
Trong số bốn lò phản ứng khởi động năm 2017, có 3 lò ở Trung Quốc và 1 lò ở Pakistan. Tất cả đều được tập đoàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc xây dựng. Bên cạnh đó, theo số liệu của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (AIEA) còn có 4 lò phản ứng hạt nhân khác đã được xây tại Trung Quốc, Bangladesh, Hàn Quốc và Ấn Độ. Thị trường hạt nhân dân sự ở Châu Á đang có xu hướng bị Nga và Trung Quốc thâu tóm.
Thương mại Mỹ - Trung : Bắc Kinh tung vũ khí tiền tệ
Vẫn liên quan đến Trung Quốc, nhưng trong cuộc đọ sức thương mại với Mỹ. Les Echos có bài viết về phản ứng đáp trả của Bắc Kinh trước các đòn tấn công thương mại liên tiếp của Washington.
Gần đây thế giới đã chứng kiến tổng thống Trump liên tục đưa ra các tuyên bố, biện pháp bảo hộ thương mại đối với hàng hóa Trung Quốc. Trong khi đó lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình tỏ ra ít lời hơn.
Bắc Kinh đã có những biện pháp đáp trả nhưng có vẻ như chưa có được hiệu quả như mong muốn. Lần này dường như Bắc Kinh đang chuẩn bị kích hoạt một thứ vũ khí hiệu quả hơn. Đó là vũ khí tiền tệ nhằm vào tỷ giá hối đoái của đồng đô la Mỹ.
Les Echos cho hay, từ giữa tháng 6/2018, thị trường trao đổi tiền tệ đã chứng kiến giá trị đồng nhân dân tệ bị mất giá liên tục so với đồng tiền Mỹ. Điều này có thể làm tăng sức cạnh tranh của hàng hóa Trung Quốc, nhưng theo các chuyên gia thì đó cũng là con dao 2 lưỡi vì Trung Quốc biết họ phải giữ sự ổn định của đồng tiền của mình nếu họ muốn tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài.
Theo Les Echos, Trung Quốc còn vũ khí nữa là nợ. Nhiều số liệu mới đây cho thấy Bắc Kinh đã bán các khoản nợ của Mỹ (dưới dạng trái phiếu). Việc làm này có thể gây ra vấn đề nghiêm trọng cho Hoa Kỳ, nhất là vào lúc Mỹ đang có nhu cầu tài chính rất lớn để đáp ứng chính sách kinh tế của ông Trump.
Les Echos nhận thấy trong động tác đáp trả này Trung Quốc cũng phải thận trọng, không khéo lại bắn vào chân mình, tức là làm giảm giá trị khối tài sản đang giữ đó là món nợ khổng lồ của Mỹ. Nhưng dù gì thì Bắc Kinh vẫn dùng những đòn đe dọa như vậy nhằm khiến Nhà Trắng phải lùi bước, hoặc chí ít cũng để Donald Trump phải biết kiềm chế.
Kho báu Ali Baba trong nhà cựu thủ tướng Najib Razak
Nhật báo Les Echos cho biết, trong cuộc điều tra nhằm vào cựu lãnh đạo chính phủ Malaysia, Najib Razak liên quan đến nghi án biển thủ công quỹ, cảnh sát đã đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Họ đã tìm thấy ở nhà vị cựu thủ tướng này một kho báu Ali Baba với tiền mặt trị giá 234 triệu euro cùng vô số đồ trang sức, hàng hóa đắt tiền. Hồi tháng 5/2018, cảnh sát đã phát hiện ra nhiều thùng tiền mặt cả triệu đô la cùng các túi xách tay hàng hiệu đắt tiền ở nhà ông, công việc kiểm kê đến giờ mới xong.
Một nhà điều tra tham gia vụ án đã nhận xét đây sẽ là vụ tịch biên tài sản lớn nhất trong lịch sử Malaysia. Bộ sưu tập đồ trang sức gồm 1400 vòng cổ, 2200 nhẫn. Trang sức đắt tiền nhất là chiếc vòng cổ có giá tới 1,3 triệu euro. Tổng số có 567 túi xách tay mác lớn trong đó có 272 túi hiệu Hermes được định giá 10,9 triệu euro. Các nhà điều tra còn thu giữ 423 đồng hồ đeo tay trị giá 17 triệu euro và 234 cặp kính đắt tiền.
Đó là hiện vật thu tại chỗ còn tiền cất giữ trong các ngân hàng còn lớn hơn nhiều. Trong vụ bê bối này, có các ngân hàng ở 6 nước trong đó có Mỹ liên quan đến các vụ chuyển ngân. Như thế cũng đủ thấy quy mô lớn thế nào của vụ nghi án nhằm vào ông Nazib Razak. Khi còn đương chức ông đã nhiều lần ngăn cản báo chí, đình chỉ các cuộc điều tra liên quan đến các phát giác bê bối này.
World Cup 2018 : Bi kịch lịch sử của đội tuyển Đức
Chuyển qua với thời sự đang thu hút sự chú ý đông đảo nhất của dư luận hiện nay mà tất cả các báo không thể bỏ qua : Cúp Bóng Đá Thế Giới 2018.
Ngày thi đấu thứ 3 ở bảng F hôm qua đã có một bất ngờ toàn cầu : Đội tuyển Đức, đương kim vô địch thế giới, bị tuyển Hàn Quốc, một đội bóng bị đánh giá yếu hơn về đẳng cấp và đã hết cơ hội đi tiếp, loại khỏi World Cup bằng tỷ số thua 0-2.
Le Figaro viết : "Bị hạ nhục, kết thúc ở vị trí cuối bảng, Đức gia nhập nhóm các nhà đương kim vô địch bị loại khỏi World Cup ngay sau vòng bảng như một lời nguyền chưa dứt".
Libération nhắc lại : "Để thấy hết tầm mức của sự kiện, cần phải trở lại phía sau, trong lịch sử bóng đá Đức từ 80 năm qua, Mannchaft chưa bao giờ bị loại ngay sau vòng bảng của Cúp Thế giới. Chưa bao giờ đội tuyển Đức bị thua trước đội bóng Châu Á ở tất cả các đấu trường chính thức trong 5 lần gặp nhau.
Bất ngờ càng lớn khi mà nhà đương kim vô địch thế giới ban đầu được đánh giá là một trong những ứng viên sáng giá nhất giải lần này. Họ đến với World Cup Nga 2018 với hừng hực tham vọng làm cú đúp chưa từng có.
Tờ báo thể thao L'Equipe thì nhận định, sau thất bại kinh khủng này, đội tuyển Đức chìm vào hư vô, không còn biết mình là ai, tương lai sẽ ra sao. Đây là giải đấu sẽ đánh dấu chấm hết của một thế hệ cầu thủ tài năng nổi lên từ Nam Phi 2010 : Đó là những Thomas Muller, Jérôme Boateng, Mesut Ozil hay Sami Khedira. Họ đã làm nên vinh quang cho bóng đá Đức ở Brazil 2014 nhưng bất lực không làm gì được để cứu đội tuyển rơi vào bi kịch ngày hôm qua trên sân Kazan.
Anh Vũ
Thủ tướng Slovakia vừa có chuyến công du một ngày tới Đức, với vụ 'bắt cóc ở Berlin' nằm cao trong nghị trình thảo luận giữa ông với Thủ tướng Angela Merkel.
Hai thủ tướng Đức và Slovakia sau đó đã tổ chức họp báo trực tuyến tại Berlin chiều cùng ngày.
Trang Facebook của Thủ tướng Pellegrini đã chạy Live từ ngay cuộc họp báo.
Có mặt tại cuộc họp báo, ông Lê Trung Khoa, chủ biên trang tin thờibáo.de nói với BBC rằng cả phía Đức lẫn Slovakia đều đưa ra những tuyên bố mạnh mẽ liên quan tới vụ Trịnh Xuân Thanh.
Cụ thể, bà Merkel nói Đức "đã có những biện pháp cụ thể về vụ Việt Nam bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh", trong đó có việc tạm ngưng quan hệ đối tác chiến lược với Hà Nội và việc Tòa Thượng thẩm tại Berlin đang xét xử nghi phạm bị cho là có liên quan tới vụ bắt cóc.
Vị khách tới từ Slovakia nói nước ông đã nhận được đầy đủ hồ sơ từ phía Đức và nói sẽ triệu tập đại sứ Việt Nam tại Bratislava.
"Tôi bác bỏ Slovakia đã chủ ý đóng bất kỳ vai trò gì trong việc chuyên chở người bị bắt cóc", Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini nói với báo giới trước khi rời cuộc họp báo.
Trước đó, cũng trong ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Slovakia, Peter Susko tuyên bố trong ngày 3/5/2018 sẽ triệu tập đại sứ Việt Nam lên để yêu cầu giải thích về các khả năng liên quan tới việc bắt và đưa ông Trịnh Xuân Thanh từ Đức về Việt Nam, hãng thông tấn TASR của Slovakia tường thuật.
Ông Susko cho biết Bộ Ngoại giao Slovakia đã liên hệ với Đại sứ quán Việt Nam tại Slovakia để thông báo.
Theo báo chí hai nước, hồi tháng 1/2018, ông Dương Trọng Minh đã bắt đầu chính thức làm đại sứ Việt Nam tại Slovakia, sau khi bà Hồ Đắc Minh Nguyệt hết nhiệm kỳ.
Trước đó, truyền thông Đức nêu nghi vấn là ông Trịnh Xuân Thanh sau khi bị cơ quan an ninh Việt Nam bắt cóc tại Berlin hôm 23/7/2017 đã được đưa về Việt Nam qua ngả Slovakia.
Truyền thông Đức cũng nghi ngờ khả năng phái đoàn thuộc Bộ Công an Việt Nam do Bộ trưởng Tô Lâm dẫn đầu đã dùng chiếc chuyên cơ chính phủ mà Slovakia cho mượn hôm 26/7/2017 để đưa ông Trịnh Xuân Thanh ra khỏi EU.
Ban đầu, phía Đức đặt câu hỏi liệu Slovakia có chủ động tiếp tay cho Việt Nam không, nhưng sau nói vụ việc phức tạp hơn nhiều.
Slovakia luôn bác bỏ việc nước này có can dự vào việc vận chuyển người bị bắt cóc.
"Không có tên [ông Trịnh Xuân Thanh] trong bất kỳ tài liệu nào mà tôi được xem", tờ Pravda.sk dẫn lời Thủ tướng Peter Pellegrini nói.
"Điều duy nhất có thể xảy ra là lòng hiếu khách của Slovakia và dịch vụ mà Slovakia cung cấp đã bị phía Việt Nam lợi dụng".
Cuộc họp giữa Bộ trưởng Nội vụ khi đó của Slovakia, Robert Kalinak, và ông Tô Lâm, diễn ra tại khách sạn Borik ở Blatislava trong thời gian chóng vánh.
Trang tin aktuality.sk của Slovakia dẫn lời ông Robert Kalinak, người là Bộ trưởng Nội vụ kiêm Phó thủ tướng đã tiếp đón Tướng Tô Lâm tại khách sạn Borik, nói rằng việc cấp phi cơ riêng của chính phủ là 'theo yêu cầu của đoàn Việt Nam'.
Theo kế hoạch ban đầu, ông nói, phái đoàn Việt Nam lẽ ra đến Vienna, và phái đoàn của Slovakia cũng sẽ tới sân bay Vienna để gặp họ.
Tuy nhiên, đoàn của ông Tô Lâm đã đột ngột đến Prague, khiến Slovakia đồng ý cho mượn máy bay để đưa đoàn từ Prague tới Bratislava, rồi sau đó là tới Moscow.
"Đây không phải là việc thường xảy ra, nhất là khi chương trình làm việc có sự thay đổi đột ngột như vậy", ông Kalinak nói.
Tuy nhiên, "họ [đoàn Việt Nam] hỏi liệu chúng tôi có thể giúp được không. Và vì hai bên đang có quan hệ tiến triển tốt đẹp, nên chúng tôi đã tạo điều kiện giúp họ".
Ông Kalinak nói ông không biết lý do dẫn đến sự thay đổi đột ngột trong lịch trình di chuyển của các vị khách, và cũng không hỏi vì coi 'đó là chuyện riêng'.
Theo Bộ Nội vụ, cuộc họp được thu xếp trong chuyến đi trước đó của phái đoàn Slovakia tới Việt Nam nhằm củng cố quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Tờ FAZ của Đức, ngày 25/4/2018, nói rằng chỉ ba ngày sau vụ bắt cóc ở Berlin, vào ngày 26/7/2017, nhiều nhân vật tình nghi trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã từ Prague trên các xe thuê chạy tới Bratislava và đỗ xe tại bãi đỗ của khách sạn Borik.
Bộ Ngoại giao Đức hôm thứ Sáu tuần trước gọi Đại sứ Slovakia, ông Peter Lizák, lên để đặt câu hỏi, báo Spiegel của Đức đưa tin.
Tuy nhiên, phía Đức nói đây mới chỉ là cuộc gặp nhằm trao đổi thông tin chứ không phải để chính thức chất vấn theo trình tự ngoại giao.
Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini hôm 2/5 lên tiếng bác bỏ thông tin cho rằng Slovakia có chủ ý tham gia vào việc chuyên chở ông Trịnh Xuân Thanh bị mật vụ Việt Nam bắt cóc từ Đức hồi tháng 7 năm ngoái.
Ông Trịnh Xuân Thanh (mặc áo trắng) tại phiên toàn ngày 22/1/2018. AFP
Thủ tướng Slovakia đưa ra tuyên bố này trong cuộc họp báo với Thủ tướng Đức Angela Merkel nhân chuyến thăm Đức của ông vào buổi chiều ngày 2/5.
Nói với Đài Á Châu Tự Do sau cuộc họp báo, nhà báo Lê Trung Khoa của tờ Thời Báo có mặt tại buổi họp báo tường thuật rằng vụ bắt cóc cựu quan chức dầu khí Trịnh Xuân Thanh đã là một chủ đề quan trọng được lãnh đạo hai nước thảo luận trong cuộc gặp lần này.
Ông Trịnh Xuân Thanh là một cựu quan chức dầu khí bị Việt Nam cáo buộc tội tham nhũng và đã nhận 2 án tù chung thân trong hai phiên tòa khác nhau vào hồi đầu năm nay.
Theo nhà báo Lê Trung Khoa, phát biểu tại buổi họp báo, Thủ tướng Đức một lần nữa lập lại cáo buộc Việt Nam đã cho mật vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh trên đất Đức. Bà nói Đức đã có những biện pháp cụ thể đối với Việt Nam về hành động này, mà cụ thể là việc ngưng quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam. Hiện tòa thượng thẩm của Đức cũng đã mở phiên tòa xét xử một nghi can người Việt là Nguyễn Hải Long được cho là mật vụ Việt Nam tại Cộng hòa Czech, người đã tham gia vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Cũng trong cuộc họp báo hôm 2/5, Thủ tướng Slovakia cho biết ông đã nhận được hồ sơ đầy đủ về vụ Trịnh Xuân Thanh và cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ với phía Đức về mặt tư pháp.
Theo hãng thông tấn TASR của Slovakia, trước đó, trong cùng ngày, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Slovakia cho biết nước này sẽ triệu tập đại sứ Việt Nam tại nước này đến để hỏi về vụ bắt cóc và chuyên chở Trịnh Xuân Thanh.
Trước đó truyền thông Đức loan tin rằng ngày 26/7/2017, 3 ngày sau khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, Bộ trưởng Công an Việt Nam, tướng Tô Lâm đã đến thăm Slovakia và có cuộc làm việc ngắn với Bộ trưởng Nội vụ nước này. Theo báo chí Đức, trong đoàn của ông Tô Lâm có những nghi phạm đã tham gia vào vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh. Sau đó phía Việt Nam đã mượn Slovakia một chiếc máy bay để di chuyển. Truyền thông Đức viết rằng rất có thể Trịnh Xuân Thanh đã ở trên chiếc máy bay đó.
Hồi đầu tuần này, Bộ Nội vụ Slovakia ra thông báo thừa nhận đã cho Việt Nam mượn máy bay nhưng nói không biết có Trịnh Xuân Thanh trên máy bay. Thông cáo viết nếu những thong tin mà phía Đức đưa ra được xác minh thì Slovakia sẽ coi hành động của Việt Nam là lợi dụng lòng hiếu khách của nước này để nhằm vào mục đích khác và điều này sẽ làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.
Hiện phía Việt Nam vẫn chưa đưa ra phản hồi gì trước những thông tin này. Vào năm 2017, Việt Nam đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc bắt cóc và nói rằng Trịnh Xuân Thanh đã về nước đầu thú.
Trong lúc cựu Phó Chủ tịch Ủy ban tỉnh Hậu Giang ông Trịnh Xuân Thanh đang nhận 2 bản án chung thân ở các phiên xử sơ thẩm vì liên quan đến những sai phạm trong lĩnh vực kinh tế tại Việt Nam thì tại nước Đức, Tòa thượng thẩm Berlin hiện đang đưa mật vụ Nguyễn Hải Long ra xét xử với các cáo buộc về tội "hoạt động gián điệp" và "hỗ trợ việc cưỡng đoạt tự do" vì có liên quan đến vụ án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Thị Minh Phương. Mặc dù phiên xử mới diễn ra hai phiên nhưng nó đã cho dư luận biết nhiều thông tin hết sức "nóng", ảnh hưởng rất lớn đến mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Đức…
Ông Trịnh Xuân Thanh (SN 13/2/1996. Hà Nội), trước khi bị bắt và bị Tòa án Hà Nội đưa ra xét xử từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban tỉnh Hậu Giang. Ngày 5/2/2018 vừa qua, ông Thanh nhận thêm một án chung thân về tội "Tham ô tài sản". Đây là án chung thân thứ 2 mà ông Thanh bị Tòa án Hà Nội tuyên phạt tại phiên xử sơ thẩm, trước đó là vào tháng 1/2018, tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án xảy ra tại PVN và PVC, ông Thanh đã bị tuyên tổng hình phạt chung thân với hai cáo buộc tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản".
Việc ông Thanh nhận hai bản án chung thân tại các phiên xử sơ thẩm liên quan đến các sai phạm trong lĩnh vực kinh tế, theo số đông dư luận cho rằng đây là hình phạt thích đáng. Tuy nhiên, dư luận quan tâm đến vụ án xét xử ông Thanh còn ở một khía cánh khác, đó chính là việc nhà nước Đức đã cáo buộc Việt Nam đã cho mật vụ tự ý vào nước Đức để thực hiện một vụ bắt cóc và nạn nhân không ai khác chính là ông Trịnh Xuân Thanh. Như đã nói trên, có hai người bị bắt cóc trong vụ án này nhưng ông Thanh là nhân vật chính.
Thông tin vụ bắt cóc này được chính nhà báo Lê Trung Khoa, chủ trang Thoibao.de ở Đức thông tin cho dư luận khắp nơi trong đó có dư luận ở Việt Nam được biết.
Được sự trợ giúp của nhà báo Trung Khoa và trang Thoibao.de, qua những thông tin tìm hiểu thì Cali Today được biết hiện phía nhà nước Đức hầu như đã có đầy đủ những bằng chứng để khẳng định Việt Nam thực hiện vụ bắt cóc ông Thanh vào tháng 7/2017, phản bác lại thông tin trước đó được phía Việt Nam đưa ra là ông Thanh đã về Việt Nam đầu thú sau thời gian trốn truy nã tại Đức.
Theo nhà báo Trung Khoa và trang Thoibao.de thông tin, vào ngày 24& 25/4 vừa qua, Tòa thượng thẩm Berlin đã đưa mật vụ Nguyễn Hải Long (47 tuổi. Quốc tịch : Việt Nam và Cộng hòa Séc) ra xét xử với cáo buộc "hoạt động gián điệp" và "hỗ trợ việc cưỡng đoạt tự do" vì tham gia vào vụ bắt cóc ông Thanh do làm theo những gì người ta ra lệnh. Phiên xử này dự kiến gồm 21 phiên xử, trải dài thời gian từ ngày 24/4/2018 cho đến cuối tháng 8/2018.
Theo Hiếu Bá Linh của trang Thoibao.de biên dịch lại bài tường thuật ở chuyên mục Tội phạm đăng trên tờ Der Spiegel (Tấm Gương)- tuần báo lớn vàuy tín ở Đức và phát hành khắp thế giới liên quan đến vụ bắt cóc ông Thanh có nói về mật vụ Nguyễn Hải Long. Ông Long vốn là người lao động hợp tác thời Đông Đức cũ, vào năm 1991 xin tị nạn ở Đức nhưng bị từ chối. Từ năm 1999, ông Long sống ở Cộng hòa Séc. Vào ngày 18/07/2017, ông Long đã thuê một chiếc xe BMW X5 tại khu chợ Sapa Việt Nam ở Praha rồi sau đó đưa cho 2 người Việt Nam lái đến Berlin làm nhiệm vụ theo dõi và giám sát một cặp tình nhân, thời điểm này ông Thanh ở Đức cùng với một phụ nữ tên Đỗ Thị Minh Phương được cho là một cặp tình nhân. Hai ngày sau, ông Long thuê một chiếc xe VW Multivan có biển số 2AB-3140 đích thân lái đến Berlin. Chiếc xe này chính là chiếc xe được dùng để bắt cóc ông Thanh nhưng ngày thực hiện vụ bắt cóc ông Long không phải là người lái mà do một người khác lái.
Cũng theo thông tin của tờ Der Spiegel (Tấm Gương) và trang Thoibao.de thì có rất nhiều nghi can liên quan đến vụ bắt cóc ông Thanh, một trong số đó có Trung tướng tình báo Đường Minh Hưng của Bộ Công an Việt Nam. Vào ngày 23/7/2017, diễn ra vụ bắt cóc ông Thanh, các nhân viên điều tra ở Đức cho biết là ông Hưng có mặt tại Đức và rời khỏi Đức ngay sau đó để đến Praha. Ông Long và ông Hưng có gặp nhau tại một nhà hàng Việt Nam ở Praha, đây là thông tin ông Long kể lại với cảnh sát.
Tại phiên xử ngày 24/4 vừa qua, sau khi nghe Công tố viên của Tòa thượng thẩm đọc Bản cáo trạng dài khoảng 70 trang, ông Long đã im lặng và Luật sư bào chữa pháp lý cho ông Long là Luật sư Stephan Bonell sau đó cho báo đài biết là thân chủ của ông sau này sẽ có ý kiến. Ngoài ra, ông Stephan Bonell còn nhấn mạnh là ông Long chỉ là một con tốt thí. Được biết, ông Long hiện đang bị tạm giam ở một nhà tù ở Berlin.
Ngày 25/4, tức là ngày diễn ra phiên xử thứ 2 của vụ án, Tòa thượng thẩm Berlin đã triệu tập một số nhân chứng liên quan vụ án đến tòa để đối chất.
Vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh và bà Đỗ Thị Minh Phương tại Berlin được hiểu như sau ; Vào ngày 23/7/2107, ông Thanh cùng bà Phương đi bộ trong công viên Tiergarten (Vườn thú-Berlin) thì bị nhiều người đàn ông bắt cóc, tống lên chiếc xe VW Multivan có biển số 2AB-3140. Có rất nhiều người dân ở khu vực thấy vụ bắt cóc này nên điện thoại báo động đến cảnh sát. Điều đáng nói ở đây là chiếc xe bắt cóc ông Thanh sau đó chạy đến Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin. Ông Thanh sau đó bị đưa về Hà Nội bằng máy bay theo suy đoán là ngụy trang dưới hình thức chuyên chở bệnh nhân nằm trên cáng cứu thương.
Ngày 31/07/2017, báo đài Việt Nam đều đăng tin Bộ Công an cho biết ông Thanh đã ra đầu thú tại trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra, sau gần một năm trốn lệnh truy nã quốc tế.
Ngày 2/8/2017, Bộ Ngoại giao Đức cáo buộc Việt Nam vi phạm luật pháp nước Đức và luật pháp quốc tế khi cho người bắt cóc ông Thanh, một người đã xin tị nạn tại Đức và đang được xem xét. Bộ Ngoại giao Đức lên án, vụ bắt cóc này là đã vi phạm trắng trợn luật pháp Đức và công pháp quốc tế mà chưa từng có tiền lệ .
Trước đó là vào ngày 1/8/2017, Bộ ngoại giao Đức đã triệu tập đại sứ Việt Nam tại Đức, tuyên bố tùy viên tình báo của tòa đại sứ, ông Nguyễn Đức Thoa, cán bộ Tổng cục Tình báo Việt Nam phải rời khỏi Đức trong vòng 48 tiếng.
Quê Hương
Bộ Nội vụ Slovakia vào hôm 29 tháng 4 vừa qua đã bày tỏ quan ngại về chuyến thăm của Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm sang nước này hồi năm ngoái vì nghi ngờ chuyến thăm có thể được sử dụng nhằm mục đích khác hơn là thăm hữu nghị.
Hình chụp ông Trịnh Xuân Thanh, không rõ ngày tháng, tại một công viên ở Đức. AFP
Bộ Nội vụ Slovakia còn nói rằng một khi những thông tin này được xác minh, thì quốc gia Trung Âu này sẽ coi hành động của Việt Nam là không công bằng đối với đối tác của mình và lợi dụng lòng hiếu khách của họ cho mục đích khác thay vì tình hữu nghị, và điều này sẽ làm ảnh hưởng đến quan hệ hai nước.
Bộ Nội vụ Slovakia ra thông báo này sau khi truyền thông Đức loan tin Việt Nam có thể đã sử dụng Slovakia cho mục đích bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh, cựu quan chức ngành dầu khí Việt Nam hồi cuối tháng 7 năm ngoái ngay trên đất Đức. Ông Thanh là người vừa bị chính quyền Việt Nam kết án tù chung thân vì các cáo buộc cố ý làm trái quy định nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản.
Từ Đức, nhà báo Lê Trung Khoa, người theo dõi và cập nhật tin tức về vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh từ những ngày đầu, cho RFA biết một số thông tin :
Tình hình hiện nay khá căng thẳng vì việc này không chỉ liên quan đến Séc như trước đây mà bây giờ đã lan cả sang Slovakia, nơi mà ông Tô Lâm ngày 26/7/2017 đã có một cuộc họp nhanh ở đó với chính phủ nước này, cụ thể là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Slovakia.
Đi cùng đoàn ông Tô Lâm có 12 người tất cả, trong đó có những cán bộ rất cao cấp như Phó Tổng cục trưởng Cục Tình báo, Phó Tổng cục trưởng cục An ninh, ông Đường Minh Hưng mà phía Đức hiện nay cho rằng đã tổ chức vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh trước đó chỉ có mấy ngày.
Cơ quan Công tố Đức luôn khẳng định vụ bắt cóc đã được thực hiện bởi các nhân viên mật vụ Việt Nam, các nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, và một số công dân Việt Nam sống tại Âu châu. Trong số này có một người mang tên Đường Minh Hưng, một quan chức an ninh cao cấp của Việt Nam. Ông Đường Minh Hưng bị cáo buộc đã ra lệnh thực hiện vụ bắt cóc trước khi trở về Việt Nam ngay sau đó. Ông Hưng còn bị nghi ngờ đã thực hiện hơn 100 cuộc nói chuyện và trao đổi tin nhắn trên điện thoại với nhóm bắt cóc, khi đang trú tại một khách sạn gần nơi vụ bắt cóc xảy ra.
Theo Bộ Nội vụ Slovakia, vào tháng 7 năm ngoái, Bộ trưởng công An Tô Lâm đã đến Slovakia và gặp Bộ trưởng Nội vụ Robert Kalinak tại khách sạn Borik ở Bratislava. Mục đích của chuyến thăm được nói vào lúc đó là để tăng cường quan hệ giữa hai nước.
Báo chí Đức viết rằng có thể cuộc gặp đã bị lợi dụng vì mục đích khác. Nhà báo Lê Trung Khoa cho biết :
Cuộc gặp rất ngắn, theo tôi biết chỉ khoảng 1 tiếng đồng hồ ở một khách sạn ở thủ đô của Slovakia. Nhưng có một đoàn rất hùng hậu của Việt Nam sang gặp. Ông Tô Lâm đã nhờ ông Bộ trưởng Nội vụ của Slovakia để mượn một chiếc máy bay của Chính phủ nước này để đi công du cho kịp thời. Hiện nay ông Bộ trưởng này đã từ chức và ông ấy cũng đã giải trình rằng ông ấy không biết danh sách người đi trên chiếc máy bay đó có ông Trịnh Xuân Thanh hay không. Nhưng ông ấy cũng nghi ngờ chiếc máy bay đó đã được sử dụng một cách bất hợp pháp vào một việc nào đó.
Báo chí Đức đưa tin vào thứ Sáu ngày 27 tháng 4 vừa qua, Bộ Ngoại giao Đức đã cho triệu tập Đại sứ Slovakia tại Đức để hỏi về vụ việc liên quan ông Trịnh Xuân Thanh. Tuy nhiên nội dung cụ thể cuộc họp hiện chưa được thông báo.
Nhà báo Lê Trung Khoa còn cho biết thêm là vào thứ Tư ngày 2 tháng 5 tới đây, Thủ tướng Đức sẽ gặp gỡ với Thủ tướng Slovakia và sẽ công bố những thông tin quan trọng liên quan vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh bên lề buổi gặp này.
Thủ tướng Slovakia mới đây cũng nói rằng đã giao cho Bộ Nội vụ liên lạc với Việt Nam để điều tra xem trên chuyến bay đó có ai khác ngoài đoàn ngoại giao Việt Nam hay không.
Hiện phía Việt Nam chưa có phản hồi gì về những thông tin mới này. Việt Nam trước đó bác bỏ cáo buộc bắt cóc và nói Trịnh Xuân Thanh đã về nước đầu thú.
Quan hệ Việt Nam và Đức được đánh giá là đi xuống kể từ khi xảy ra vụ ông Trịnh Xuân Thanh. Phía Đức thì cáo buộc Việt Nam không tôn trọng pháp luật Berlin khi bắt cóc người ngay trên lãnh thổ của họ. Sau vụ bắt cóc, Đức đã tuyên bố đóng băng quan hệ chiến lược với Việt Nam.
Cách đây vài ngày, phía Đức đã bắt đầu xét xử một số nghi can trực tiếp tham gia vụ bắt cóc này.
Trước những căng thẳng ngoại giao giữa hai phía, nhiều nhà quan sát nhận định rằng điều này có thể sẽ ảnh hưởng đến việc ký kết Hiệp định Tự do Thương mại VN-EU vì Đức là một thành viên quan trọng của EU.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, Thành viên Ủy ban Chính sách Phát triển Liên Hiệp Quốc cho biết Hiệp định Tự do Thương mại VN-EU có thể sẽ bị ảnh hưởng, khi có dính líu tới Slovakia :
Liên minh Châu Âu và Việt Nam có cơ cấu kinh tế bổ sung cho nhau, ít cạnh tranh với nhau và EU hiện chiếm khoảng 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, tức là một trong những đối tác thương mại lớn nhất, quan trọng nhất của Việt Nam.
Vụ Trịnh Xuân Thanh hiện nay đang phủ một bóng đen đến việc thông qua hiệp định này. Tôi hi vọng bằng nỗ lực của cả hai phía, vì lợi ích lâu dài về kinh tế và lợi ích của những người lao động, thì cả hai cũng nỗ lực để cuối cùng sẽ thông qua và sẽ có thể đi vào thực hiện được.
Có điều bây giờ tôi thấy khả năng thông qua sớm là rất ít, và còn phải vượt qua khá nhiều trở ngại để khắc phục được.
Từ năm ngoái tới nay, Việt Nam liên tục thực hiện những chuyến thăm cấp cao tới các nước thành viên của EU để thúc đẩy EU thông qua hiệp định này. Điển hình như chuyến thăm cấp nhà nước của bà Nguyễn Thị Kim Ngân Chủ tịch Quốc hội đi Hungary, Cộng hòa Séc, và Thụy Điển vào tháng 4/2017, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ thăm Bỉ, Slovakia, Thụy sĩ vào tháng 9/2017. Ngoài ra còn có chuyến thăm nước Đức của ông Hoàng Bình Quân, Trưởng Ban đối ngoại của Đảng cộng sản Việt Nam vào tháng 7/2017. Và gần đây nhất là vào cuối tháng 3 vừa qua, Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam ông Nguyễn Phú Trọng sang thăm Pháp.
Trong vòng 10 năm trở lại đây, EU nhập khoảng 20% lượng hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, trong đó, các mặt hàng điện tử, điện thoại chiếm tới 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU.
Về đầu tư, EU cũng là một trong những đối tác hàng đầu của Việt Nam với 1.809 dự án từ 24 quốc thành viên còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 23 tỷ USD, chiếm 8,7% số dự án và 8% tổng vốn đầu tư đăng ký của Việt Nam.
Nếu Hiệp định này được thông qua, có thể hơn 99% số dòng thuế nhập khẩu sẽ được Việt Nam và EU xóa bỏ. Số còn lại sẽ được cắt giảm thuế một phần.
Tiến sĩ Vũ Quang Việt, một kinh tế gia của Liên Hiệp Quốc lại có cái nhìn khác. Ông nhận định là vụ bắt cóc ông Thanh sẽ không ảnh hưởng đến việc thông qua Hiệp định này :
Thường thường các hiệp định thương mại họ không dựa vào vấn đề nhân quyền. Những người làm ăn buôn bán hay các chính phủ cho đến bây giờ đều nhìn nhận vấn đề như vậy. Nó có thể ảnh hưởng một thời gian nào đó nhưng sau rồi sẽ trở lại như cũ. Chẳng hạn như những hiệp định với Trung Quốc hay cả với Việt Nam cũng có nhiều vấn đề nhân quyền nhưng TPP họ vẫn thông qua như thường, đâu có đặt vấn đề nhân quyền, thì các hiệp định khác cũng vậy thôi.
Còn nhà báo Lê Trung Khoa dự đoán rằng Hiệp định Tự do Thương mại VN-EU sẽ vẫn được thông qua nhưng Việt Nam sẽ gặp nhiều trở ngại khi phía EU có thể đặt ra nhiều điều kiện về tôn trọng pháp luật đòi hỏi chính phủ Hà Nội phải cam kết tuân theo.
Mới đây nhất vào ngày 19/2, Đại sứ Bruno Angelet, Trưởng Phái đoàn Liên minh EU tại Việt nam cho tờ VNeconomy biết hiệp định dự kiến sẽ được ký kết vào trước mùa hè năm 2018 và sau đó sẽ được nghị viên Châu Âu và Quốc hội Việt Nam phê chuẩn.
***********************
Hôm 25/4 và 29/4 báo Đức Frankfurter Allgemeine Zeitung (FAZ) nêu nghi vấn liệu Slovakia có liên quan cáo buộc Việt Nam bắt cóc ông Thanh ở Berlin tháng 7/2017 hay không.
Nghi ngờ từ Đức đã khiến giới chức ở Slovakia phải lên tiếng.
Slovakia bác bỏ việc họ có biết hay có liên quan tới vụ việc.
"Chúng tôi không chuyên chở" bất kỳ người nào liên quan, ông Robert Kalinak, bộ trưởng nội vụ vào thời điểm Bộ trưởng Công an Việt Nam Tô Lâm thăm Slovakia nhưng gần đây đã từ chức, viết trên mạng xã hội hôm 30/4.
"Trong danh sách các hành khách được cung cấp cho chúng tôi, không hề có tên công dân Việt Nam này [ông Trịnh Xuân Thanh] và chúng tôi không chở bất kỳ bệnh nhân phải nằm cáng nào", ông Kalinak viết trên Facebook.
Tuy nhiên, Bộ Nội vụ Slovakia không tiết lộ danh sách hành khách trên khoang, còn các nhà điều tra Đức tin rằng rất có thể có chuyện sử dụng tên giả, trang tin cas.sk của Slovakia nói.
Bộ Ngoại giao Đức hôm thứ Sáu tuần trước gọi Đại sứ Slovakia, ông Peter Lizák, lên để đặt câu hỏi, báo Spiegel của Đức đưa tin.
Tuy nhiên, phía Đức nói đây mới chỉ là cuộc gặp nhằm trao đổi thông tin chứ không phải để chính thức chất vấn theo trình tự ngoại giao.
Phía Slovakia nói họ cần điều tra xem liệu có phải đã bị các vị khách Việt Nam lợi dụng và 'qua mặt' hay không.
Cuộc họp giữa Bộ trưởng Nội vụ khi đó của Slovakia, Robert Kalinak, và ông Tô Lâm, diễn ra tại khách sạn Borik ở Blatislava hồi 7/2017.
Theo Bộ Nội vụ, cuộc họp được thu xếp trong chuyến đi trước đó của phái đoàn Slovakia tới Việt Nam nhằm củng cố quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Tờ FAZ của Đức, ngày 25/4/2018, nói rằng chỉ ba ngày sau vụ bắt cóc ở Berlin, vào ngày 26/7/2017, nhiều nhân vật tình nghi trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh đã từ Prague trên các xe thuê chạy tới Pressburg và đỗ xe tại bãi đỗ của khách sạn Borik.
Bộ Nội vụ Slovakia hôm 29/4 tỏ ý quan ngại.
Bộ thừa nhận rằng do phái đoàn Việt Nam có những thay đổi vội vã trong lịch trình di chuyển, nên họ đã cho các vị khách mượn một chiếc máy bay chính phủ, trang tin The Spectator của Slovakia tường thuật.
Theo kế hoạch ban đầu, phái đoàn Việt Nam lẽ ra sẽ bay tới Vienna, thủ đô nước Áo. Nhưng do những lý do không được tiết lộ, họ đã đổi đường đi để tới Prague vào phút chót, Bộ Nội vụ Slovakia nói.
"Do thay đổi này và do chương trình sau đó tại Moscow, chúng tôi cho họ mượn chiếc phi cơ chính phủ để đưa họ từ Prague tới Bratislava, và sau đó tới Moscow".
Tuy nhiên, Bộ này nói họ không biết có những ai bay trên chiếc chuyên cơ đó.
Image caption
Thủ tướng Slovakia nhanh chóng lên tiếng về vụ việc và nói ông đang yêu cầu được cung cấp thông tin chi tiết.
Kênh phát thanh quốc tế RSI của Slovakia hôm 30/4 dẫn lời Thủ tướng Peter Pellegrini nói rằng Bộ Nội vụ nước này đang phải xác minh xem liệu có phải phái đoàn Việt Nam đã sử dụng sai một số thông tin, hoặc cung cấp cho nước chủ nhà thông tin giả về vụ bắt cóc ông Thanh hay không.
"Bộ [Nội vụ] hiện đang liên hệ với phía Việt Nam để xác minh chính xác thành phần phái đoàn, và tìm hiểu xem liệu có phải có ai đó đã đưa người lên [chiếc phi cơ của chính phủ Slovakia] mà chính phủ không biết hay không", ông Pellegrini nói.
Nhà bình luận người Slovakia, Milan Nic, hiện sống ở Berlin, nói với báo Dennikn.Sk rằng : "Vụ bắt cóc người Việt Nam đưa ra khỏi Đức không phải là chuyện nhỏ và chúng ta nay sẽ phải trả giá cho Robert Kalinak".
*********************
Ông Tô Lâm làm bình phong để bắt Trịnh Xuân Thanh ở Slovakia ? (VOA, 01/05/2018)
Slovakia đang làm việc với phía Đức để xác minh khả năng ông Tô Lâm, Bộ trưởng Công an Việt Nam, đã sử dụng chuyến thăm của mình đến nước này hồi tháng Tám năm ngoái để làm bình phong bắt giữ Trịnh Xuân Thanh, Thông tấn xã Cộng hòa Slovakia TASR dẫn nguồn tin chính thức từ Bộ Nội vụ nước này cho biết.
Trịnh Xuân Thanh bị chính phủ Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam bắt cóc ở Berlin tháng 7/2017. Chính phủ Việt Nam luôn bác bỏ điều này.
Nếu việc này được xác nhận thì nó sẽ khiến phía Slovakia bất bình và ảnh hưởng tiêu cực đến quan hệ song phương đang phát triển tốt đẹp giữa nước này với Việt Nam, cũng theo Bộ Nội vụ nước này.
Chiếc xe khả nghi
Trước đó, truyền thông Đức đã tường thuật rằng Slovakia có khả năng có liên quan đến vụ bắt giữ ông Thanh hồi mùa hè năm ngoái khi ông này đang tìm cách xin tị nạn chính trị ở Đức. Theo đó, phía Đức đã liên kết vụ bắt giữ này, được cho là do mật vụ Việt Nam làm, với chuyến công tác chính thức của ông Tô Lâm đến Slovakia vì một số nghi phạm bắt giữ ông Thanh có thể đã có mặt ở Bratislava, thủ đô của Slovakia, khi ông Lâm đến thành phố này.
Nhật báo Frankfurter Allgemeine Zeitung của Đức tường thuật rằng trong cuộc gặp giữa các quan chức Việt Nam và Slovakia tại khách sạn chính phủ Bôrik vào ngày 26 tháng 7 năm 2017, có một chiếc xe cũng đậu tại khách sạn mà trên xe là những người tình nghi là mật vụ Việt Nam tham gia bắt ông Thanh. Vụ việc này được cho là xảy ra ba ngày sau vụ bắt ông Thanh, dựa trên dữ liệu định vị toàn cầu GPS mà cơ quan công tố của Đức có được.
Tờ báo Đức này cho rằng Slovakia có thể đã giúp Việt Nam che đậy vụ việc mà họ cho là ‘bắt cóc’. Cho đến nay, thông tin chính thức từ phía Việt Nam luôn cho rằng Trịnh Xuân Thanh ‘tự nguyện về nước đầu thú’.
Bộ Nội vụ Slovakia bày tỏ quan ngại và thừa nhận rằng phái đoàn Việt Nam đã thay đổi lịch trình một cách vội vã nên họ đã cung cấp cho đoàn Việt Nam một chuyên cơ chính phủ. Lúc đầu theo lịch trình thì phái đoàn Việt Nam không đến Slovakia mà là hạ cánh xuống Vienna, Áo. Tuy nhiên vì lý do gì đó mà đoàn Việt Nam lại chuyển hướng đến thủ đô Prague của Cộng hòa Czech. "Do có sự thay đổi lịch trình và chương trình làm việc ngay sau đó ở Moscow, Nga, nên chúng tôi đã cấp cho họ một chuyên cơ chính phủ để chở họ từ Prague đến Bratislava rồi sau đó đến Moscow", nhật báo Sme dẫn lời Bộ Nội vụ Slovakia cho biết nhưng không nói rõ những ai có mặt trên chiếc máy bay đó.
Do đó mà Bộ Nội vụ Slovakia cho rằng chuyến thăm của ông Tô Lâm, người đã có cuộc hội đàm với Bộ trưởng Nội vụ Slovakia lúc đó là ông Robert Kaliňák vào ngày 26/7 năm 2017, có thể đã được sử dụng cho mục đích nào khác thay vì mục đích làm việc và hữu nghị, cơ quan báo chí của bộ này nói với hãng thông tấn TASR và cho biết thêm rằng mục đích chuyến thăm của ông Tô Lâm chính thức là để tăng cường quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Kể từ tháng Tám năm ngoái, Bộ Nội vụ Slovakia đã hợp tác chặt chẽ với các cơ quan điều tra của Đức để xác minh vụ việc, cũng theo thông tin mà Bộ này cung cấp cho TASR.
Ảnh hưởng quan hệ
"Nếu thông tin mà giới chức Đức đưa ra được xác nhận là đúng thì chúng tôi sẽ xem đó là biểu hiện của sự bất công trắng trợn của đối tác Việt Nam, sự lợi dụng lòng hiếu khách của chúng tôi cho mục đích không phải là hữu nghị và gây bất ổn cho mối quan hệ song phương đang tiến triển tốt đẹp giữa hai nước", thông cáo của Bộ Nội vụ gửi cho TASR viết.
Phát biểu trên chương trình trò chuyện đặc biệt của Đài TV Markíza hôm 29/4, Thủ tướng Slovakia Peter Pellegrini nói rằng ông sẽ yêu cầu báo cáo chi tiết về việc liệu Slovakia có liên quan đến vụ việc bắt giữ ông Trịnh Xuân Thanh hay không. Ông nói rằng hiện giờ ông chưa có thông tin chi tiết gì.
Theo nhật báo Denník N của Slovakia thì Đảng Smer cầm quyền ở nước này xem Việt Nam là một đối tác kinh tế rất quan trọng, thậm chí còn quan trọng hơn cả Hoa Kỳ, theo như lời Bộ trưởng Kinh tế Peter Žiga nói hồi năm ngoái.
Tờ báo này cũng cho biết một người có tên là Lê Hồng Quân, một người Việt Nam có quốc tịch Slovakia và là cố vấn đặc biệt cho cựu Thủ tướng Slovakia Robert Fico, đã chào mời những tập đoàn Viettel, MobiFone và VNPT đầu tư vào Slovakia. Ông này hiện là nhà ngoại giao hàng đầu đại diện cho Hà Nội ở Cộng hòa Slovakia với chức vụ tham tán.
Nga chỉ trích Mỹ viện trợ quân sự cho Ukraine (RFI, 24/12/2017)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 23/12/2017 kêu gọi các bên ở Ukraine thi hành các hiệp định Minsk càng sớm càng tốt, vào lúc một lệnh hưu chiến mới nhân dịp lễ bắt đầu có hiệu lực từ nửa đêm thứ Bảy. Trong khi đó, Nga lên án Hoa Kỳ cổ vũ cho xung đột, sau khi Washington loan báo tăng cường khả năng phòng thủ cho Kiev.
Lính Ukraine tại vùng Donetsk. Ảnh minh họa. OLEKSANDR RATUSHNIAK / AFP
Từ Moskva, thông tín viên RFI Etienne Bouche cho biết thêm chi tiết :
"Đối với ông Serguei Riabkov, một lằn ranh đã bị vượt qua. Trong thông cáo đưa ra hôm qua, thứ trưởng Ngoại Giao Nga tố cáo Hoa Kỳ kích động hận thù tại Ukraine. Nhà ngoại giao này phản ứng lại trước việc Mỹ loan báo viện trợ quân sự cho Nhà nước Ukraine.
Washington khẳng định việ trợ đó là nhằm giúp cho Kiev bảo vệ được chủ quyền lãnh thổ, còn quan điểm của Moskva hoàn toàn trái ngược. Ông Serguei Riabkov tuyên bố : "Những người muốn trả thù ở Kiev không chịu thương lượng hòa bình, mơ xóa sổ những người dân bất khuất. Và Hoa Kỳ lại quyết định trao cho Kiev để làm điều đó".
Theo phía Nga, quyết định này đã phá hoại việc thực hiện hiệp định Minsk, được thương thảo trong năm 2015, với Pháp và Đức đóng vai trò trung gian hòa giải.
Nhưng Nga lại bị Ukraine và các đồng minh phương Tây lên án là đã yểm trợ quân sự cho phe đòi độc lập ở Donbass, điều mà Moskva luôn bác bỏ. Trong cuộc xung đột này, điện Kremlin muốn tổ chức đàm phán trực tiếp giữa chính quyền Ukraine và chính quyền vùng Donbass - vốn không được quốc tế nhìn nhận".
Thụy My
******************
Merkel, Macron : không có giải pháp nào khác về đông Ukraine (VOA, 23/12/2017)
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các bên dính líu vào các vụ vi phạm lệnh ngừng bắn đang ngày càng tăng ở Đông Ukraine hãy thực hiện các quyết định mà họ đã đồng ý càng sớm càng tốt.
Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel tại một hội nghị của EU mới đây ở Brussels.
Các quan chức Ukraine, các nhân viên giám sát an ninh, và các bên nước ngoài hậu thuẫn cho Kiev đã cảnh báo hôm 20/12 rằng quyết định của Moscow rút khỏi một nhóm kiểm soát ngừng bắn Ukraine-Nga có thể làm tồi tệ thêm cuộc chiến ở miền đông Ukraine.
Hai ông bà Macron và Merkel nói trong tuyên bố của họ rằng không có gì thay thế cho một giải pháp hòa bình duy nhất và kêu gọi các sĩ quan Nga quay lại với Trung tâm Kiểm soát và Điều phối Chung. Nga đã cáo buộc phía Ukraine cản trở công việc của họ và hạn chế việc tiếp cận tiền tuyến.
"Trước tình hình an ninh bấp bênh, họ [các lãnh đạo Pháp, Đức] yêu cầu các bên có các biện pháp tức thời và kiểm chứng được để khắc phục tình trạng này", tuyên bố của ông Macron và bà Merkel viết.
"Cần phải thực hiện các thoả thuận về ngừng giao chiến và rút vũ khí hạng nặng về phía sau các ranh giới rút quân đã được thoả thuận, rút xe tăng, pháo binh và súng cối về các vị trí kho bãi đã được thống nhất".
"Các khía cạnh khác của các hiệp định Minsk, như việc rút quân nước ngoài hoặc trả lại quyền kiểm soát biên giới Nga-Ukraine, cũng cần được giải quyết một cách nghiêm túc".
Chiến sự ở miền đông Ukraine đã leo thang đến mức tồi tệ nhất trong nhiều tháng, các quan chức giám sát cuộc xung đột cho biết hôm 19/12.
********************
Mỹ gia tăng trợ giúp Ukraine vũ khí tự vệ (RFI, 23/12/2017)
Hôm 22/12/2017, chính phủ Mỹ thông báo sẽ tăng cường cung cấp phương tiện để giúp Kiev "bảo vệ chủ quyền lãnh thổ", trong bối cảnh quan hệ phương Tây và Nga tiếp tục căng thẳng trong hồ sơ Ukraine.
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko tham dự một cuộc trưng bày xe quân sự trước ngày Quốc Khánh, Kiev, 23/08/2017. Reuters/Gleb Garanich
AFP dẫn thông báo của người phát ngôn bộ ngoại giao Mỹ, Heather Nauert, theo đó : "Hoa Kỳ đã quyết định cung cấp cho Ukraine nhiều phương tiện phòng vệ hiệu quả hơn (…) để giúp Ukraine xây dựng nền quốc phòng về dài hạn, bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, chống lại mọi can thiệp trong tương lai". Phát ngôn viên Mỹ cũng nhấn mạnh : "các trợ giúp của Mỹ hoàn toàn mang tính phòng thủ". Theo kênh truyền thông ABC, Hoa Kỳ sẽ cung cấp thêm cho Kiev nhiều tên lửa chống tăng tân tiến.
Washington đặc biệt lưu ý tầm quan trọng của các thỏa thuận Minsk, có mục tiêu lập lại hòa bình tại miền đông Ukraine, hiện một phần do phe ly khai thân Nga kiểm soát. Hồi đầu tháng 12, Hoa Kỳ cảnh báo Moskva : bất đồng sâu sắc về cuộc khủng hoảng Ukraine gây "trở ngại cho mọi nỗ lực bình thường hóa" quan hệ giữa hai nước, vốn được coi là xấu nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt.
Hôm nay, sau thông báo nói trên, Moskva tố cáo ý đồ của Washington hậu thuẫn cho "một cuộc tắm máu mới" tại miền đông Ukraine. Một thứ trưởng ngoại giao Nga ra thông cáo, lên án việc "những kẻ thù hận Kiev đang bắn phá hàng ngày tại vùng Donbass, họ không muốn thương thuyết hòa bình, và chỉ mơ tưởng đến việc tiêu diệt toàn bộ những ai không vâng lời".
Liên Âu triển hạn trừng phạt
Thông báo gia tăng hỗ trợ quốc phòng của Mỹ cho Ukraine được đưa ra đúng một ngày sau khi Liên Hiệp Châu Âu quyết định kéo dài, thêm sáu tháng, các trừng phạt kinh tế nặng nề đang nhắm vào Nga. Moskva bị cáo buộc can thiệp vào Ukraine, ủng hộ phe ly khai từ hơn 3 năm nay.
Trong một thông điệp về gia tăng trừng phạt nói trên, Liên Hiệp Châu Âu lấy làm tiếc là các thỏa thuận Minsk, mà Nga là một bên tham gia, đã "không được tôn trọng đầy đủ". Người phát ngôn Liên Âu nhấn mạnh là kể từ tháng 2/2017, tình hình an ninh tại miền đông Ukraine càng trở nên tồi tệ hơn, với nhiều vụ vi phạm lệnh ngừng bắn.
Việc Nga thông báo rút người khỏi một trạm kiểm soát đa phương, hồi đầu tuần qua, cũng bị lên án khiến cho tình hình xấu đi hơn nữa. Kiev lo ngại, phe ly khai thân Nga chuẩn bị một đợt phản công mới.
Theo một báo cáo của Liên Hiệp Quốc công bố hôm thứ Năm, 21/12, trong năm 2017, mỗi ngày có một em nhỏ Ukraine là nạn nhân của chiến sự tại miền đông. Theo Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF, mạng sống của hai trăm nghìn em bị đe dọa, khi buộc phải sống tại một trong những khu vực được coi là nhiều bom mìn nhất thế giới.
Nga lên án Chiến Lược An Ninh quốc gia mới của Mỹ
Vẫn về quan hệ Nga – Mỹ, theo AFP, hôm qua, trong một cuộc họp với các giới chức quân đội, được truyền hình trực tiếp, tổng thống Nga Vladimir Putin đã lên án tính chất "gây hấn" của Chiến Lược An Ninh quốc gia mới của Washington, vừa được công bố hồi đầu tuần. Lãnh đạo Nga cũng tố cáo Mỹ "vi phạm" thỏa thuận Mỹ-Xô hồi 1987 về các lực lượng hạt nhân tầm trung (FNI), đe dọa an ninh "tại Châu Âu và trên toàn cầu".
Ông Putin khẳng định lực lượng hạt nhân răn đe của Nga hiện tại là đáng tin cậy, nhưng cần được tăng cường. Chiến lược quân sự của Moskva sắp tới sẽ là tập trung phát triển các vũ khí "có độ chính xác cao… cùng với các hệ thống tình báo và thông tin hiện đại hơn", để Nga tiếp tục nằm trong nhóm các quốc gia dẫn đầu.
Trọng Thành
Ba Lan, nước Đông Âu tiên phong dân chủ nay đứng bên lề Châu Âu
Trong bài xã luận mang tựa đề "Ba Lan bị Liên Hiệp Châu Âu ruồng bỏ", Le Monde nhận xét, đây là cả một nghịch lý ! Thời Liên Xô cũ, Ba Lan là nước đi tiên phong trong cuộc chiến chống cộng. Tại đây, công đoàn độc lập đầu tiên đã ra đời, và qua thương thảo đã khai sinh ra một chính quyền dân chủ.
Người dân biểu tình phản đối cải cách tư pháp ở Warsawa, Ba Lan ngày 24/11/2017. Reuters/Kacper Pempel
Ba Lan đóng một vai trò tích cực trong sự tan rã của Liên Xô, và là nước cột trụ trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường. Là mẫu mực cho việc hội nhập Châu Âu, quốc gia thành viên có dân số đứng hàng thứ sáu của Liên Hiệp Châu Âu (EU), Ba Lan có tầm nhìn và tham vọng trở thành một nước lãnh đạo của Liên hiệp. Đến hôm thứ Tư 20/12, Ba Lan lại nổi lên hàng đầu, nhưng lần này không lấy gì làm vinh dự.
Sau hai năm do dự và liên tục cảnh cáo, Ủy ban Châu Âu lần đầu tiên trong lịch sử đã kích hoạt tiến trình được quy định trong điều 7 hiệp ước Lisboa, đối với một Nhà nước thành viên bị nghi ngờ "vi phạm trầm trọng và kéo dài" các giá trị của EU. Ba Lan, quốc gia đầy hãnh diện khi hội nhập Châu Âu năm 2004, nay bị gạt ra bên lề - một cách tượng trưng.
Còn cả một loạt những thủ tục nữa trước khi tiến đến trừng phạt, chủ yếu là ngưng một số quyền lợi của nước vi phạm, như quyền bỏ phiếu ở Hội đồng Châu Âu. Warsawa có ba tháng để giải trình với Bruxelles về "nguy cơ vi phạm trầm trọng Nhà nước pháp quyền tại Ba Lan".Giai đoạn hai sẽ được tiến hành nếu Warsawa không đáp ứng : một hội nghị thượng đỉnh Châu Âu được triệu tập, qua đó tất cả các nước phải nhất trí cho rằng Ba Lan vi phạm. Một giả thiết khó thành sự thực, vì Hungary của ông Viktor Orban đã cho biết là sẽ không bỏ phiếu chống lại Ba Lan.
Cần phải đến nước này chăng ? Le Monde cho rằng, rất tiếc là phải như thế. Chính phủ Ba Lan do đảng dân tộc chủ nghĩa Pháp luật và Công lý (PiS) lãnh đạo từ khi lên cầm quyền vào tháng 10/2015 không ngừng hạn chế tự do báo chí, tự do sáng tạo, và gây trở ngại cho sự độc lập của bộ máy tư pháp.
Có thể do nghĩ rằng Ủy ban Châu Âu - nhiều năm qua đã làm ngơ trước Hungary, sẽ không đi đến cùng trong việc kích hoạt điều 7 – Warsawa không đáp ứng những lời cảnh cáo liên tục của Bruxelles cũng như áp lực của xã hội dân sự trong nước. Jaroslaw Kaczynski, chủ tịch đảng PiS, người thực sự nắm quyền ở Ba Lan, đã gặt bão sau khi gieo gió.
Đối với Ủy ban Châu Âu, nếu không hành động sẽ là một sự yếu kém đáng lên án. Chủ nghĩa dân túy và cực hữu đang phát triển tại EU, nay trở thành một lực lượng chính trị có sức nặng, và tham gia vào nhiều chính phủ, như mới đây là Áo quốc. Dù bị Bruxelles phê phán, các chính phủ này vẫn cho rằng ở lại trong EU có lợi hơn cho mình. Như thế cũng tốt, tuy nhiên theo Le Monde, các thành viên cần phải tôn trọng các quy định và giá trị của Liên hiệp, mà đứng hàng đầu là Nhà nước pháp quyền, một trong những cơ sở của nền dân chủ Châu Âu.
Đài Loan phải đối mặt với chiến tranh cân não của Trung Quốc
Nhìn sang Châu Á, Libération nhận định "Đài Loan đối mặt với cuộc chiến tranh cân não của Trung Quốc". Với hàng loạt cuộc tập trận và sự tăng cường đe dọa, Bắc Kinh đang gây áp lực nặng nề lên Đài Bắc.
Hôm qua, bộ Quốc Phòng Đài Loan tố cáo không quân Trung Quốc đã xâm nhập đến lần thứ 10 không phận nước này, kể từ sau Đại hội Đảng 19. Tuần trước, Bắc Kinh cho tập trận quy mô : cho quân bao vây hòn đảo và cho các oanh tạc cơ mang theo hỏa tiễn trông rất rõ, lượn qua lượn lại để thị uy. Đài Loan trả đũa bằng các cuộc tập trận bộ binh có trực thăng tham gia.
Theo Libération, việc bà Thái Anh Văn đắc cử tổng thống Đài Loan, và trong bài diễn văn nhậm chức đã kêu gọi tôn trọng "môt hệ thống dân chủ, đặc thù quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ" khiến Bắc Kinh rất bực bội. Nhưng việc Hoa Kỳ và Đài Loan xích lại gần nhau hơn làm Trung Quốc căm tức nhất. Trong văn bản về ngân sách quốc phòng, Mỹ dự trù tăng cường hợp tác với Đài Loan, đặc biệt là cho các chiến hạm thăm viếng lẫn nhau ; trong khi Bắc Kinh coi đây là "can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc".
Đạt Lai Lạt Ma được về Trung Quốc hành hương ?
Cũng liên quan đến Trung Quốc, Le Monde cho biết "Đạt Lai Lạt Ma chuẩn bị hành hương" tại nước này. Một đặc sứ của lãnh tụ tinh thần Tây Tạng lưu vong đã tái lập liên lạc với Bắc Kinh.
Chuyến thăm Trung Quốc của giáo sư Samdhong Rinpoché, nguyên chủ tịch Quốc Hội Tây Tạng lưu vong và là đặc sứ của Đạt Lai Lạt Ma, đang gây ra những lời đồn đãi về việc lãnh tụ Tây Tạng sẽ đi thăm Ngũ Đài Sơn (Wutai), một ngọn núi thiêng của đạo Phật, tại tỉnh Sơn Tây (Shanxi).
Việc để cho Đạt Lai Lạt Ma quay lại xưa nay vẫn là yêu sách hàng đầu của những người dân Tây Tạng biểu tình chống Bắc Kinh. Nhiều người tin rằng ông Tập Cận Bình trong nhiệm kỳ thứ hai có thể chịu nhượng bộ, sau khi đã nắm trọn được quyền hành. Theo một nhà quan sát người Tây Tạng, nhân kỷ niệm 10 năm cuộc nổi dậy Tây Tạng tháng 3/2008, Bắc Kinh có thể đưa ra một giải pháp để tránh mọi rủi ro xung đột.
Bắc Triều Tiên sẽ để yên cho Hàn Quốc trong Thế vận hội ?
Trên bán đảo Triều Tiên, "Seoul kêu gọi Bình Nhưỡng hưu chiến trong Thế vận hội". Hàn Quốc muốn dời lại cuộc tập trận chung với Hoa Kỳ trong thời gian diễn ra Olympic mùa đông tại Pyeongchang.
Le Monde nhận định, bối cảnh hiện nay rất căng thẳng, và mới nhất là vụ lính biên phòng Hàn Quốc canh gác tại vùng phi quân sự đã phải bắn hơn 20 phát cảnh cáo vào sáng sớm hôm qua, về phía các binh lính Bắc Triều Tiên đang truy lùng một người lính đào tẩu. Trước đó hôm 13/11, đã có một binh sĩ Bắc Triều Tiên khác vượt qua Bàn Môn Điếm.
Quân đội Miến Điện lo sợ nhà báo đưa ra các bằng chứng đàn áp
Tại Đông Nam Á, "Trong một làng Rohingya, một vụ thảm sát và các hình ảnh bị quân đội Miến Điện ngăn cấm" - Le Monde tố cáo. Hai nhà báo của hãng tin Reuters đã bị bắt giữ vì nắm được trong tay các bằng chứng của tội ác.
Các hình ảnh vệ tinh được Amnesty International công bố cho thấy tại làng Inn Din ở phía bắc bang Arakan tức Rakhine, nơi người Rohingya sinh sống, chỉ có nhà cửa của người thiểu số theo đạo Hồi này là bị đốt cháy, còn nhà của người theo đạo Phật vẫn còn y nguyên. Một người sống sót cho biết quân đội Miến Điện cùng với một nhóm dân quân đã vào đốt làng, bắn chỉ thiên, sau đó nã đạn vào những người Rohingya đang chạy trốn.
Hai nhà báo người Miến Điện của Reuters là Wa Lone, 31 tuổi và Kyaw Soe Oo, 27 tuổi đã bị bắt giữ tại Răngun vì "thu thập thông tin bất hợp pháp với ý định cung cấp cho báo chí nước ngoài". Trước đó hai nhà báo này đã đến làng Inn Din, cho thấy quân đội lo ngại các hình ảnh họ chụp được khiến cộng đồng quốc tế thêm phẫn nộ. Bốn giáo viên và một dân làng Inn Din theo đạo Phật đã bị tình báo quân đội bắt và thẩm vấn chỉ vì đã trò chuyện với hai nhà báo Reuters. Quân đội Miến Điện chỉ chấp nhận cho một tổ chức duy nhất là hội Hồng Thập Tự hoạt động.
Noel không an bình trên thánh địa Jerusalem
"Châu Âu muốn trừng phạt những vi phạm của Ba Lan về Nhà nước pháp quyền", đó là tựa chính của Le Monde hôm nay. Tại Tây Ban Nha, Le Figaro nhận định "Bầu cử Catalunya : Cú sốc độc lập".
Về tình hình nước Pháp, Libération quan tâm đến "Nợ nần, hưu bổng, hỏng hóc…", những vấn đề trong năm của công ty đường sắt Pháp SNCF, mà đỉnh điểm là việc bị đặt trong vòng điều tra hôm qua. Tờ báo chơi chữ "Trạm cuối của một năm đen tối".
Nhật báo kinh tế Les Echos nói về "CAC 40 : Những bí mật tuổi 30". Được thành lập năm 1987, chỉ số thị trường chứng khoán Pháp đã trải qua ba thập niên, tổng vốn tăng lên 20 lần.
Giáng Sinh đã cận kề, ảnh bìa của nhật báo công giáo La Croix là những hàng trái châu sáng rực trong đêm đen, với tựa đề "Noel, đơn giản thế thôi", đề nghị "Năm ý tưởng để giữ lại tinh thần của ngày lễ Noel".
Tại Trung Đông, Le Figaro có bài phóng sự đăng trên mạng về một "Noel căng thẳng ở Jerusalem". Bị chinh phục trên 40 lần và bị san bằng hai lần trong quá khứ, thành phố nhiều ngàn năm tuổi này chuẩn bị đón một lễ Giáng Sinh không bình an, sau quyết định lịch sử của tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel.
Thành phố cổ có diện tích một km vuông và 40.000 cư dân, là thánh địa của ba tôn giáo lớn đang trong không khí dễ bùng nổ xung đột. Nếu ở những ngã tư thường xuyên kẹt xe của thành phố mới, khi đèn xanh bật lên mà chưa kịp nổ máy là một loạt còi xe bèn rền vang thúc giục ; thì ở trung tâm phố cổ, các giáo sĩ Hồi giáo, những người Do Thái giáo và du khách đi ngang qua mặt nhau lặng lẽ. Những vụ bạo động xảy ra thường xuyên. Một luật sư nổi tiếng thuộc cánh tả Israel vốn có nhiều bạn bè người Palestine và thông thạo thành phố như lòng bàn tay, buồn bã cho biết, bây giờ ông cũng chẳng dám ra đường một mình.
Donald Trump, ông già Noel của các đại tập đoàn Mỹ
Trên lãnh vực kinh tế, Le Monde nói về "Noel của các tập đoàn đa quốc gia Mỹ". Năm nay, ông già Noel của nước Mỹ có mái tóc vàng lộ ra dưới chiếc nón chóp đỏ : với đạo luật thuế mới, ông Donald Trump muốn chứng tỏ là người bảo vệ quyền lợi giai cấp trung lưu. Nhưng hiện thời không phải là giới trung lưu vỗ tay hoan nghênh ông, mà là các đại công ty.
Tập đoàn viễn thông AT&T cho biết sẽ thưởng cho 300.000 nhân viên mỗi người 1.000 đô la. Ngân hàng Wells Fargo tăng lương tối thiểu từ 13,5 lên 15 đô la/giờ. Nhưng không phải công ty nào cũng làm như thế. Thượng nghị sĩ Dân Chủ Charles Schumer đã cho phổ biến một danh sách 30 tập đoàn loan báo mua lại trên 80 tỉ đô la cổ phiếu, sau khi Thượng Viện thông qua đạo luật. Nhiều nhà kinh tế cảnh báo, việc kích thích tăng trưởng bằng cách giảm thuế như thế sẽ làm két bạc của các công ty thêm đầy, và họ sẽ chia cho các cổ đông dưới dạng cổ tức hoặc mua lại cổ phiếu.
Pháp : Hàng hóa Noel bán chạy
Tại Pháp, các nhà phân phối năm nay mãn nguyện vì có được một weekend Noel đặc biệt, "mười năm mới có một lần". Các cửa hàng dù nhỏ hay lớn đều đầy khách, vì đêm réveillon 24/12 rơi vào Chủ nhật. Các siêu thị tha hồ bán các bữa ăn chuẩn bị sẵn vào cuối tuần, còn các thương xá Paris cũng nhộn nhịp người mua vì học sinh đến thứ Bảy 23/12 mới đi nghỉ hè. Có nghĩa là cho đến ngày cuối, vẫn có đông khách đi mua hàng, mua quà Noel.
Chẳng hạn các siêu thị Carrefour trong ngày thứ Bảy lượng hàng giao tận nhà tăng gấp đôi, chuẩn bị bán 350.000 bánh khúc cây Noel và 4.000 tấn hải sản. Bưu điện Pháp một ngày phải chuyển đến 2,6 triệu bưu kiện thay vì 1 triệu, phải tuyển hàng trăm lao động thời vụ và nhờ thêm các dịch vụ thuê ngoài. Les Echos cho biết người Pháp vẫn chuộng các cây thông tự nhiên hơn là nhân tạo. Điều này đáng khuyến khích vì thông nhân tạo gây 8,1 kg khí thải carbone, trong khi thông tự nhiên chỉ tạo ra có 3,1 kg ; và trang trí bằng cây thông thiên nhiên cũng giúp cho cả ngàn người có việc làm trong mùa Noel.
Thụy My
Liên Hiệp Châu Âu và sự thích nghi với thể chế dân chủ độc đảng ở Cuba
Trong báo cáo nhân quyền thường niên, được công bố hôm 16/11/2017, Liên Hiệp Châu Âu gọi Cuba là một "thể chế dân chủ độc đảng" có được thông qua bầu cử cấp địa phương, cấp vùng và quốc gia.
Du khách phương Tây trên đường phố La Havana, Cuba, ngày 09/11/2017 - Reuters/Alexandre Meneghini
Trong bài viết "Liên Hiệp Châu Âu thích nghi với thể chế dân chủ độc đảng ở Cuba", báo Le Monde nhận xét khái niệm "nền dân chủ độc đảng" có lẽ đã làm hài lòng những người luôn hoài niệm về các nền dân chủ nhân dân thời trước ở Đông Âu. Các quốc gia này giờ cũng đã là thành viên của Liên Hiệp.
Nhưng tại sao hai khái niệm vốn trái ngược nhau là "dân chủ" và "độc đảng" lại được Châu Âu lồng ghép vào một khái niệm chung như vậy ? Theo Le Monde, đó là vì Liên Hiệp đang nỗ lực bình thường hóa quan hệ với Cuba. Vào năm 1996, Châu Âu ra điều kiện chỉ hợp tác với Cuba nếu chính quyền cộng sản La Havana đạt được tiến bộ về dân chủ.
Giờ đây, việc cần làm là tạo điều kiện thúc đẩy giao thương và đầu tư song phương để cạnh tranh với Hoa Kỳ, trong bối cảnh hai kẻ thù thời chiến tranh lạnh là Washington và La Havana đã bình thường hóa quan hệ ngoại giao.
Các nhà nghiên cứu đại học và bình luận quan tâm tới "vùng nửa tối nửa sáng" giữa dân chủ và độc tài nhắc tới thể chế "dân chủ phi tự do". Trước đây, họ nói tới "dân chủ bá quyền", "dân chủ được tuyên truyền rầm rộ" và chế độ chuyên chế mà người ta quảng bá là có được thông qua bầu cử phổ thông đầu phiếu.
Độc đảng vẫn là một dấu hiệu của chế độ toàn trị trong thế kỷ XX. Cùng với Bắc Triều Tiên, Cuba là một trong hai nước cộng sản vẫn tiếp tục chế độ lãnh đạo "gia đình trị". Ngay cả khi Raul Castro hứa chuyển giao quyền lực vào tháng 02/2018, nhiều vị trí quan trọng vẫn sẽ nằm trong tay các thành viên khác thuộc gia đình Castro.
Để chuẩn bị cho kỳ bầu cử địa phương ngày 26/11/2017, cơ quan An Ninh Nhà Nước đã tìm đủ mọi cách, thậm chí là phi pháp để răn đe cử tri và ngăn cản các ứng viên độc lập.
Phó chủ tịch Miguel Diaz-Canel, người có nhiều khả năng kế nhiệm chủ tịch Raul Castro, cũng thừa nhận chính phủ đã tìm cách làm cho các ứng cử viên độc lập mất uy tín nhằm tránh hình thành một xã hội dân sự đúng nghĩa.
Người Cuba không có quyền tự do biểu đạt, tụ họp, tuần hành hay thành lập các hiệp hội, cũng không có tự do nghiệp đoàn và quyền bãi công. Viện công tố không được độc lập, các luật sư cũng không được quyền tự do bào chữa cho thân chủ.
Mới đây, chính quyền Cuba công bố danh sách 200 ngành nghề mà khu vực tư nhân có thể hoạt động, ngoại trừ nghề luật sư, kiến trúc sư, kỹ sư công nghệ thông tin, bác sĩ và nhà báo.
Đảng cộng sản Cuba độc quyền về truyền thông và báo chí, biến truyền thông và báo chí thành phương tiện tuyên truyền cho Đảng. Truyền hình, phát thanh, phim ảnh, biểu diễn và xuất bản đều bị kiểm duyệt. Chính phủ còn tìm cách kiểm soát không gian mạng và viễn thông. Cuba là nước ít kết nối mạng nhất thế giới.
Tuy nhiên, thế hệ nhà báo mới tại nước này không muốn bị báo chí Nhà nước kìm kẹp. Họ tìm mọi cách để "vượt tường lửa" của chế độ. Nhưng những con người can đảm đó đang trong tình trạng rất bấp bênh.
Các nhà báo độc lập bị quấy rầy, đe dọa bị tố cáo "vượt quá chức năng" ngay cả khi họ chỉ muốn tìm hiểu thông tin về thiệt hại do cơn bão Irma gây ra. Le Monde kết luận "ở Cuba làm gì có dân chủ !".
Ba Lan và Liên Hiệp Châu Âu: Hồi chuông báo động
Vẫn liên quan đến Châu Âu, Le Monde giới thiệu bài viết của phóng viên Sylvie Kauffmann : Warsawa và "kế hoạch của điện Kremlin". Hôm 09/11, trên tài khoản Twitter cá nhân, chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk đã đăng tải một tin nhắn bằng tiếng Ba Lan.
Theo phóng viên Sylvie Kauffmann, đó chỉ là một tin nhắn ngắn nhưng lại là một quả tên lửa đạn đạo nhắm vào Ba Lan, quê hương của chính ông Donald Tusk.
Ông Donald Tusk lên tiếng "báo động" và đặt câu hỏi liệu mâu thuẫn của Ba Lan với Ukraine, sự xa cách với các thành viên Liên Hiệp Châu Âu, khoảng cách với Nhà nước pháp quyền và tư pháp, cuộc chiến chống các tổ chức phi chính phủ và các phương tiện truyền thông độc lập là chiến lược của đảng cầm quyền dân tộc thiên hữu Luật Pháp Và Công Lý (PiS) của Ba Lan hay là kế hoạch của điện Kremlin, Nga.
Nghi vấn trên là sự tấn công nhắm vào đảng PiS và chính quyền của thủ tướng Kaczynski, kẻ trù truyền kiếp của Donald Tusk. Tác giả bài viết nói đến nguồn cội sâu xa của vấn đề. Trước khi trở thành chủ tịch Hội Đồng Châu Âu, Donald Tusk là thủ tướng Ba Lan, nhưng vào năm 2015 đảng Cương Lĩnh Công Dân (PO) của ông đã bị đảng PiS đánh bại.
Sau khi lên nắm quyền, đảng PiS đã hạn chế sự độc lập của tư pháp và truyền thông. Chính sách trên đương nhiên bị Ủy Ban Châu Âu và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk phản đối. Chính quyền Ba Lan đáp trả bằng việc bỏ phiếu chống ông Donald Tusk tiếp tục nắm quyền ở Liên Hiệp Châu Âu.
Nhưng theo tác giả bài viết, mọi chuyện không chỉ là do sự thù hằn chính trị trỗi dậy, mà còn là câu hỏi để ông Donald Tusk lưu ý dân chúng Ba Lan về vị trí của của nước này trong Liên Hiệp, rằng liệu Ba Lan có muốn chia sẻ các giá trị chung, sự đoàn kết và vận mệnh của Châu Âu hay đơn giản Ba Lan chỉ muốn được hưởng lợi từ ngân sách và thị trường Châu Âu.
Tại các cơ quan đầu não của Liên Hiệp, nhiều người cho rằng Tweet của ông Donald Tusk là một dấu hiệu vụng về cho thấy ông muốn quay lại chính trường Ba Lan để chuẩn bị cho kỳ tranh cử tổng thống 2020.
Thường thì các lãnh đạo Châu Âu không can thiệp vào công việc nội bộ các nước. Và người ta nói rằng ông Donald Tusk đang lơ đãng, thờ ơ hơn với công việc của Liên Hiệp. Nhưng một dân biểu Châu Âu người Ba Lan cho rằng, đó là tiếng kêu đầy lo ngại của ông Donald Tusk về tình hình đất nước.
Thực vậy, ngày 15/11, khi đang tham dự diễn đàn Á-Âu ASEM tại Miến Điện, ông Donald Tusk cũng đã đăng Tweet bày tỏ lo ngại rằng cuộc tuần hành của 60.000 người cực đoan với những khẩu hiệu kỳ thị ở Warsawa làm xấu hình ảnh của đất nước Ba Lan.
Sau Hoa Kỳ, Anh Quốc và Tây Ban Nha cũng đã nói tới sự can thiệp của Nga vào bầu cử. Người Ba Lan chắc chắn cũng sẽ lo ngại về nghi vấn Moskva nhúng tay vào công việc nội bộ của mình. Nhưng theo tác giả Sylvie Kauffmann, chính phủ Ba Lan đã không khoanh tay.
Ngay hôm Chủ Nhật, thủ tướng Ba Lan, bà Beata Szyclo, đã phẫn nộ coi Tweet của ông Donald Tusk là một vụ tấn công nhắm vào đất nước và chỉ trích là ông Donald Tusk không làm được gì cho đất nước từ khi nắm quyền ở Liên Hiệp.
Hôm nay 23/11 thủ tướng Ba Lan tới Paris và có buổi làm việc với tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Quan hệ giữa hai nước đang xấu do hồ sơ lao động biệt phái ở Châu Âu, nhưng quan hệ giữa Ba Lan với Đức cũng chẳng tốt đẹp gì. Liên Hiệp Châu Âu không thể để hố sâu ngăn cách Đông Âu và Tây Âu thêm lớn.
"Lời qua tiếng lại" giữa ông Donald Tusk và giới lãnh đạo Ba Lan là biểu hiện của một sự bất hòa sâu sắc. Và đó chính là một lời báo động. Giờ đã đến lúc hai bên tìm ra một con đường chung. Tổng thống Pháp Macron có thể góp phần làm được điều đó. Và Ủy Ban Châu Âu cũng như Hội Đồng Châu Âu phải coi đó là một ưu tiên.
Zimbabwe : tổng thống Mugabe ra đi, Trung Quốc mất một người bạn lâu năm
Nhờ nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, Zimbabwe đã luôn được Trung Quốc ủng hộ, giúp đỡ. Nhưng giờ đây, khi "tổng thống Mugabe ra đi, Trung Quốc mất một người bạn lâu năm". Đó là nhận xét của báo kinh tế Les Echos.
Khi vị tổng thống cao tuổi nhất hành tinh từ chức, Bắc Kinh đã ngay lập tức ca ngợi sự lãnh đạo của ông Mugabe trong suốt 37 năm qua. Ngoại trưởng Trung Quốc coi ông Mugabe vẫn "là một người bạn tốt của nhân dân Trung Quốc".
Khi Trung Quốc bắt đầu đầu tư vào Zimbabwe, Bắc Kinh đã dựa vào ông Mugabe đồng thời ủng hộ nhà lãnh đạo này vô điều kiện. Kể cả khi ông bị quốc tế trừng phạt vì vi phạm nhân quyền, Bắc Kinh vẫn đứng về phía ông Mugabe. Lý do ? Đơn giản là vì Zimbabwe giàu khoáng sản (platine, vàng, kim cương, niken) và đất đai phì nhiêu, thuận lợi cho trồng trọt (ngô, cây thuốc lá, bông).
Còn Zimbabwe, quốc gia này hướng về Bắc Kinh để tìm nguồn đầu tư. Và kể từ năm 2005, sự phụ thuộc của Zimbabwe vào Trung Quốc ngày càng tăng, sau khi đồng nhân dân tệ trở thành một tiền tệ đơn vị của Zimbabwe.
Mặc dù sự ra đi của tổng thống Mugabe khiến Trung Quốc mất một đồng minh, nhưng theo báo Les Echos, cựu phó tổng thống Emmerson Mnangagwa, người kế nhiệm ông Mugabe, về cơ bản, sẽ không thay đổi chính sách với Bắc Kinh. Bởi vì ông Emmerson Mnangagwa cũng đã được đào tạo quân sự tại Trung Quốc, rồi sau đó tham gia cuộc đấu tranh để giải phóng Zimbabwe khỏi Anh Quốc năm 1980.
Hạn hán ở Bồ Đào Nha
Trên lĩnh vực xã hội, báo công giáo La Croix cho biết "Trước nạn hạn hán, Bồ Đào Nha tìm kiếm giải pháp khắc phục". "Đại hạn hán" xảy ra trên 94% lãnh thổ Bồ Đào Nha. Lượng nước mưa năm 2017 thấp kỷ lục tính từ năm 1931. Thêm vào đó, nạn cháy rừng đã khiến chính quyền phải tốn rất nhiều nước cho công tác chữa cháy.
Hạn hán diện rộng ảnh hưởng trước tiên tới nông dân và khiến toàn thể dân chúng lo ngại. Ở những nơi bị ảnh hưởng nặng nề, chính quyền địa phương phải khẩn cấp can thiệp và yêu cầu hạn chế sử dụng nước.
Hàng ngàn thành phố, làng mạc, kể cả thủ đô Lisboa cũng phải hạn chế sử dụng nước. Các đài phun nước ngưng hoạt động, hoạt động tưới cây nơi công cộng, phun nước rửa đường đều bị hạn chế. Người dân được tuyên truyền tiết kiệm nước sinh hoạt.
Ở nhiều địa phương, nước bị cắt vào ban đêm. Nhưng theo một quan chức, biện pháp này không hiệu quả, mà chỉ khiến người dân đổ xô tích trữ nước, khiến việc cung cấp nước sạch này càng khó khăn.
Cách duy nhất là cầu cho trời mưa ! Và trời phải mưa liên tục trong hai tháng mới khắc phục được tình trạng khan hiếm nước ở Bồ Đào Nha. Mà theo dự báo thời tiết, còn lâu trời mới mưa !
Bạo hành phụ nữ : những con số đáng lo ngại
Trong lĩnh vực xã hội, báo Le Figaro đề cập tới "Bạo hành phụ nữ : những con số đáng lo ngại". Theo một báo cáo thường niên của một ủy ban liên bộ của Pháp, "trong năm 2016, cứ ba ngày lại có một phụ nữ bị người đàn ông đang sống chung hoặc đã từng sống chung giết hại" và nhóm đàn ông này cũng là thủ phạm gây ra 1/3 số các vụ cưỡng hiếp phụ nữ.
Lý do chủ yếu là cãi cọ, ghen tuông và không thống nhất trong việc chia tay. Tuy nhiên, chỉ có 20% nạn nhân trình báo cảnh sát và khởi kiện. Và 2/3 số vụ sau đó không bị xử lý. Thêm vào đó, số bản án về tội hiếp dâm lại có chiều hướng giảm.
Trái Đất quay chậm gây ra động đất cường độ mạnh ?
Trong lĩnh vực khoa học, báo Le Figaro đặt câu hỏi : "Trái Đất quay chậm gây ra nhiều trận động đất cường độ mạnh hơn ?". Liệu năm 2018 sẽ là năm đen tối về động đất ? Không ai có thể dự đoán vì động đất thường khó đoán định.
Nhưng hai nhà địa chấn học của Mỹ cho rằng đã tìm thấy mối liên hệ giữa tốc độ xoay của Trái Đất và tần xuất các trận động đất cường độ cao hơn 7 độ trên thang Richter : Tốc độ quay của Trái Đất càng giảm thì nguy cơ động đất cường độ mạnh càng cao.
Thùy Dương
Hôm 10/11/2017, Liên Hiệp Châu Âu đã gia hạn cho Anh Quốc trong hai tuần phải làm rõ những cam kết của Luân Đôn về thủ tục ra khỏi khối này, xem đây là điều kiện tiên quyết để Bruxelles chấp nhận mở các cuộc đàm phán về thương mại trong tháng tới. Đàm phán về thương mại vẫn là điều mà Anh Quốc khẩn thiết yêu cầu để chuẩn bị cho thời kỳ hậu Brexit.
Nhà đàm phán Anh David Davis (T) và Châu Âu Michel Barnier họp báo tại Bruxelles, ngày 10/11/2017. Reuteurs/Eric Vidal
"Tối hậu thư" nói trên đã được trưởng đoàn đàm phán của Liên Hiệp Châu Âu Michel Barnier đưa ra trong một cuộc họp báo tại Bruxelles sau một phiên họp kéo dài một ngày rưỡi. Phiên họp này đã làm nổi rõ một bất đồng mới giữa Bruxelles với Luân Đôn, đó là vấn đề biên giới giữa Anh với Ireland.
Theo lời ông Barnier, chỉ khi nào có những cam kết "rõ ràng và thành thật" của Luân Đôn trong vòng 2 tuần tới, Liên Hiệp Châu Âu mới mở đợt đàm phán thứ hai với Anh Quốc, nhân cuộc họp thượng đỉnh Châu Âu vào giữa tháng 12.
Nếu Luân Đôn không tuân thủ thời hạn đó, cuộc đàm phán sẽ bị dời sang tháng 2 hoặc tháng 3 năm tới, nhân các cuộc họp thượng đỉnh kế tiếp của Liên Hiệp Châu Âu. Đợt đàm phán thứ hai này sẽ bàn luôn cả quan hệ tương lai giữa Anh Quốc với Liên Hiệp Châu Âu.
Nhưng đối với 27 nước thành viên còn lại của Liên Hiệp Châu Âu, trước khi bàn về quan hệ tương lai, phải giải quyết ba vấn đề, mà gai góc nhất là vấn đề thanh toán tài chính của thủ tục Brexit, tức là số tiền mà Anh Quốc phải trả để ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu, mà nước này đã là thành viên trong suốt hơn 40 năm. Số tiền này được thẩm định là khoảng 50 hoặc 60 tỷ euro. Hai vấn đề kia là các quyền của những công dân Châu Âu sống tại Anh thời kỳ hậu Brexit và ảnh hưởng của Brexit đối với đường biên giới giữa Ireland với tỉnh Bắc Ireland của Anh.
Trong cuộc họp báo hôm qua, trưởng đoàn đàm phán Michel Barnier nhắc lại rằng Anh Quốc sẽ chính thức ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu đúng nữa đêm ngày 26/03/2019.
Thanh Phương
Merkel ‘đối đầu’ Trump vì vấn đề khí hậu (BBC, 29/06/2017)
Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố hội nghị G20 sẽ ưu tiên bàn về thỏa thuận khí hậu Paris, tạo khả năng mâu thuẫn
Angela Merkel nói mạnh mẽ với quốc hội Đức
Hội nghị các nền kinh tế thế giới lớn nhất diễn ra tuần sau.
Là chủ nhà, bà Merkel có quyền đề ra ưu tiên thảo luận cho cuộc họp thường niên, lần này diễn ra ở Hamburg.
Phát biểu với quốc hội hôm thứ Năm, bà Merkel mạnh mẽ nói về ông Trump.
"Các khác biệt là rõ ràng và sẽ dối trá nếu cố che giấu".
"EU hoàn toàn tuân thủ thỏa thuận ở Paris và sẽ tiến hành nó nhanh chóng, quyết tâm".
Dường như nhắm vào Donald Trump, bà Merkel nói :
"Những ai nghĩ rằng các vấn đề của thế giới có thể giải quyết nhờ cô lập hay bảo hộ, đã sai thậm tệ".
Ông Trump đã rút Mỹ ra khỏi thỏa thuận Paris hôm 1/6, nói rằng nó chỉ làm nghèo nước Mỹ.
Tổng thống bị nhiều phía lên án sau khi ông tuyên bố Hoa Kỳ rút khỏi Thỏa thuận khí hậu Paris.
Hoa Kỳ trở thành một trong ba nước nằm ngoài thỏa thuận này.
Trong chiến dịch vận động tranh cử, ông Trump đã nói rằng biến đổi khí hậu là một trò lừa bịp, và kể từ khi tuyên bố hôm 1/6, ông tránh né những câu hỏi về chủ đề này.
***********************
Trung Quốc bác bỏ cáo buộc là nguồn chính cung cấp hàng giả ở Châu Âu (RFI, 29/06/2017)
Bắc Kinh hôm nay 29/06/2017 bác bỏ báo cáo của Cảnh Sát Châu Âu Europol và Cơ Quan Sở Hữu Trí Tuệ Châu Âu theo đó Trung Quốc là nguồn chính cung cấp hàng giả tại Liên Châu Âu, gọi báo cáo trên là "vô trách nhiệm" và Hiệp cam kết tiếp tục đối phó với nạn vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.
Hàng giả của Trung Quốc do hải quan Thụy Sĩ tịch thu được trưng bày trong một cuộc họp báo, năm 2012. FABRICE COFFRINI / AFP
Theo Reuters, Europol cho biết Trung Quốc vẫn là nước xuất khẩu chính hàng giả sang Liên Hiệp Châu Âu. Hàng giả được sản xuất tại Trung Quốc và trung chuyển qua Hồng Kông để tới Châu Âu. Báo cáo trích dẫn số liệu thống kê từ Phòng Thương Mại Hoa Kỳ ước tính rằng 72% hàng giả lưu thông tại ba trường lớn nhất thế giới là Liên Hiệp Châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ năm 2016 có xuất xứ từ Trung Quốc. Hàng giả chiếm 12,5% tổng xuất khẩu và hơn 1,5 % tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc vào năm 2016.
Tại Bắc Kinh, phát biểu với các phóng viên, phát ngôn viên bộ Thương Mại Trung Quốc gọi các cáo buộc của Cảnh Sát Châu Âu là "vô trách nhiệm" và cho rằng tính xác thực và khách quan của các số liệu thống kê trong báo cáo trên cần được nghiên cứu thêm.
Phát ngôn viên bộ Thương Mại Trung Quốc còn cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục "trấn áp mạnh mẽ" mọi hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đặc biệt là trong xuất khẩu các sản phẩm trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ và vật tư trong đầu tư cơ sở hạ tầng trên quy mô lớn.
Thùy Dương
Pháp : Macron muốn tạo dấu ấn nhân thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu (RFI, 22/06/2017)
Trong hai ngày, 22 và 23/06/2017, 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp thượng đỉnh tại Bruxelles để thảo luận nhiều hồ sơ quan trọng như vấn đề nhập cư, an ninh, phòng thủ Châu Âu. Đây là cuộc gặp đầu tiên của Liên Hiệp Châu Âu với tân tổng thống Pháp. Theo giới quan sát, Emmanuel Macron muốn tạo dấu ấn trong cuộc gặp này.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn tạo dấu ấn trong cuộc họp thượng đỉnh đầu tiên của Liên Hiệp Châu Âu, hai ngày 22 và 23/06/2017, tại Bruxelles. REUTERS/Philippe Wojazer
Từ Bruxelles, thông tín viên Quentin Dickinson gửi về bài tường trình :
"Có những người sẽ đón tiếp Emmanuel Macron như một đấng cứu thế, nhưng cũng có những người e ngại một "cậu bé" rất tài giỏi, tới đây làm thay đổi các thói quen của họ. Và trên thực tế, Macron đã gặp một số người trong số này, kể cả trước khi có cuộc bầu cử tổng thống Pháp.
Tất cả mọi người đều thừa nhận là Emmanuel Macron có công đưa dự án phát triển Châu Âu trở thành tâm điểm thảo luận và đã chứng minh được rằng người ta vẫn có thể đắc cử vẻ vang với một cương lĩnh ủng hộ Châu Âu. Nói tóm lại, Macron đã thành công với chủ đề Châu Âu trong khi một số lãnh đạo khác thì lại thất bại.
Về phần mình, Emmanuel Macron muốn thúc đẩy các đồng nhiệm Châu Âu đề cập đến nhiều lĩnh vực đa dạng nhưng có thể đạt được đồng thuận như phòng thủ Châu Âu, chế độ bảo hiểm xã hội hay chế độ thù lao cho các lao động biệt phái.
RFI tiếng Việt
**********************
Liên Hiệp Châu Âu : nỗ lực phòng thủ chung tiến triển (RFI, 23/06/2017)
Cuộc họp thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles, Bỉ, ngày 22/06/2017. REUTERS/John Thys/Pool
Trong cuộc họp tại Bruxelles ngày 22/06/2017, Liên Hiệp Châu Âu quyết định tiến hành một loạt biện pháp để cụ thể hóa dự án phòng thủ chung : mua trang thiết bị quân sự, nghiên cứu, yểm trợ cho ngành công nghiệp vũ khí, phản ứng nhanh khi xảy ra khủng hoảng nghiêm trọng từ quân sự cho đến y tế.
Theo AFP, nguyên thủ và thủ tướng chính phủ trong Liên Hiệp Châu Âu đồng thanh cam kết "tăng cường hợp tác chung để bảo vệ lãnh thổ và công dân Liên Hiệp Châu Âu cũng như để đóng góp cho hòa bình và ổn định ở vùng lân cận biên cương và xa hơn nữa".
Biện pháp cụ thể đầu tiên là đóng góp vào Quỹ Phòng Thủ Châu Âu trước mắt 90 triệu euro và kể từ năm 2020, mỗi năm 5,5 tỷ.
Thượng đỉnh Bruxelles cũng xem xét lại ngân sách tài trợ cho các đơn vị chiến thuật gồm nhiều trung đoàn cơ động, có nhiệm vụ phản ứng nhanh mỗi khi xảy ra khủng hoảng. Cho đến nay, các đơn vị này chưa bao giờ được huy động.
Trong bối cảnh quan hệ căng thẳng với Nga, đồng minh Washington thiếu nhiệt tình và Anh Quốc rút lui, Liên Hiệp Châu Âu buộc phải tự lo thân.
Nhận định về kết quả đạt được trong ngày hôm qua tại Bruxelles, tổng thống Pháp Emmanuel Macron hoan nghênh các tiến triển mà ông gọi là "lịch sử". Chính sách phòng thủ chung bị dậm chân tại chỗ trong nhiều năm vì nội bộ Châu Âu chia rẻ. Một bên, trong đó có Anh Quốc, muốn để cho Liên Minh Bắc Đại Tây Dương - NATO chủ động và bên kia là các thành viên khác, nhất là Pháp, muốn Liên Hiệp Châu Âu có tiếng nói mạnh mẽ hơn trên trường quốc tế.
Củng cố phòng thủ chung không có nghĩa lơi là chính sách quốc phòng. Tổng thống Pháp cho biết sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng đến mức 2% tổng thu nhập quốc gia GDP kể từ năm 2025.
Tú Anh
*************************
Brexit, một đề tài tại Hội nghị thượng đỉnh EU (VOA, 24/06/2017)
Một áp phích của đảng cộng hòa về Brexit ở Tây Belfast, Bắc Ireland.
Thủ tướng Anh Theresa May nói đề nghị do bà đưa ra để đảm bảo các quyền của công dân EU sinh sống tại Anh sau khi nước này ra khỏi Liên hiệp Âu Châu là "rất công bằng" và "rất nghiêm túc".
Thủ tướng Anh nói bà muốn có những đảm bảo tương tự đối với công dân Anh đang sinh sống ở các nước EU.
Phát biểu trong ngày thứ 2 của cuộc họp thượng đỉnh EU ở Brussels hôm 25/6, bà May nói chính phủ của bà "sẽ đưa ra những đề xuất chi tiết hơn vào thứ Hai tới đây".
Các nhà lãnh đạo EU không tin những đề xuất của Thủ Tướng May là đúng mức, và cho rằng hãy còn nhiều câu hỏi chưa được trả lời…
"Chúng ta sẽ không chứng kiến cảnh các gia đình bị ly tán" bà May nói trước cuộc họp hôm thứ 6. Thủ tướng Anh nói bà muốn có những đảm bảo tương tự đối với công dân Anh đang sinh sống ở các nước EU.
Thủ tướng Anh Theresa May (trái) nói chuyện với thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy tại hội nghị thượng đỉnh EU ở Brussels hôm 23/6.
Hôm 22/06, Chủ tịch Quốc hội Châu Âu nói Châu Âu cần có thái độ thực tiễn trong việc giao hảo với nước Anh sau khi nước này quyết định rút ra khỏi khối EU, nhưng mặt khác, cũng thúc giục hợp tác trong những giao dịch trong tương lai.
Chủ tịch Quốc hội EU Antonio Tajani nói : "Anh sẽ ra khỏi Liên hiệp Châu Âu chứ không phải là rời Châu Âu. Đây là điều quan trọng để mở ra những mối quan hệ tốt sau khi nước Anh ra khỏi EU".
Về vấn đề di dân, ông Tajani nói điều "thiết yếu" là Châu Âu phải đề ra một giải pháp để giải quyết cuộc khủng hoảng di dân đang ảnh hưởng tới cả châu lục. Ông nói Châu Âu cần làm nhiều hơn nữa để chặn đứng làn sóng di dân tới Châu Âu từ khu vực tiểu Sahara của Châu Phi qua ngả Libya.
Các nhà lãnh đạo Châu Âu nhóm họp tại hội nghị thượng đỉnh 2 ngày kết thúc hôm thứ 6 tại Brussels để giải quyết mọi vấn đề, từ việc Anh rời khỏi EU, tới chủ nghĩa khủng bố, vấn đề di dân và một số vấn đề khác mà EU đang phải đối mặt.
*********************
Kiểm soát đầu tư Trung Quốc ở Châu Âu : Pháp lẻ loi (RFI, 23/06/2017)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong cuộc họp báo tại Bruxelles, ngày 22/06/2017. REUTERS/Gonzalo Fuentes
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron muốn Ủy Ban Châu Âu có thêm nhiều quyền hành để kiểm soát những dự án đầu tư của Trung Quốc vào Liên Hiệp Châu Âu, nhằm bảo vệ những lĩnh vực công nghiệp chiến lược. Thế nhưng, theo hãng tin AFP, các lãnh đạo khác của Châu Âu, họp thượng đỉnh trong hai ngày 22 và 23/06 ở Bruxelles, sẽ bác bỏ đề nghị đó.
Vào năm ngoái, Đức và Liên Hiệp Châu Âu đã bất lực đứng nhìn công nghệ cao cấp "made in Germany" bị chuyển giao cho Trung Quốc qua việc tập đoàn điện tử gia dụng Midea của Trung Quốc mua lại công ty sản xuất máy công cụ Kuka của Đức với giá 4,6 tỷ euro.
Từ đầu thập niên 2000, đầu tư của Trung Quốc vào Châu Âu đã tăng mạnh. Tính đến năm 2016, tổng vốn đầu tư của Trung Quốc ở Châu Âu đã lên đến mức kỷ lục là 46 tỷ đôla, tăng đến 90% từ năm 2015.
Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư Trung Quốc đua nhau mua lại các công ty trong các ngành công nghiệp mũi nhọn của Châu Âu, nhất là của Đức. Điều này đã gây lo ngại ngày càng nhiều, bởi vì qua những vụ mua bán, các công ty Trung Quốc, trong đó có cả các công ty nhà nước, thâu tóm những công nghệ cao cấp của Châu Âu với giá rẻ mạt một cách bất chính.
Trong thời gian tranh cử tổng thống Pháp, cựu bộ trưởng kinh tế Emmanuel Macron đã đề nghị thiết lập ở cấp độ Châu Âu một "công cụ kiểm soát các đầu tư ngoại quốc ở Châu Âu", chủ yếu nhắm vào các đầu tư của Trung Quốc. Tổng thống Macron đã dự định đưa đề nghị này ra biểu quyết tại thượng đỉnh Bruxelles, với sự ủng hộ kín đáo của Đức.
Thế nhưng, nhiều nước Châu Âu lại không muốn như thế. Theo bản dự thảo văn kiện kết thúc thượng đỉnh Bruxelles, các nước này chỉ chấp nhận yêu cầu Ủy Ban Châu Âu xem xét "những nhu cầu" của Liên Hiệp Châu Âu trong vấn đề này. Theo một nhà ngoại giao Châu Âu, được hãng tin AFP trích dẫn, đây là một "thỏa hiệp" để không làm mất mặt tổng thống Macron, một nhân vật chủ trương đẩy mạnh hợp nhất Châu Âu, nên rất được ủng hộ ở Bruxelles.
Tuy đề nghị của ông chưa được thông qua, nhưng tổng thống Macron ít ra đã đạt được một điều, đó là thượng đỉnh Châu Âu đề cập đến vấn đề kiểm soát một số đầu tư trực tiếp ngoại quốc trong những lĩnh vực nhạy cảm và sẽ yêu cầu Ủy Ban Châu Âu nghiên cứu việc này.
Tổng thống Pháp nói rõ quan điểm của ông là, về thương mại, Châu Âu hoàn toàn đi theo hướng tự do mậu dịch, nhưng phải biết bảo vệ lợi ích của mình khi những quốc gia khác không tuân thủ một số quy định.
Tuy vậy, như lời của ủy viên thương mại Châu Âu Cecilia Malmstrom, kiểm soát đầu tư nước ngoài là một vấn đề rất nhạy cảm về chính trị, vì một số quốc gia như Hy Lạp hay Bồ Đào Nha rất cần đến đầu tư ngoại quốc để kinh tế nước họ tiếp tục tăng trưởng, cho nên họ chống lại đề nghị của tổng thống Macron. Những quốc gia khác cũng không đồng tình với lãnh đạo Pháp, vì chủ trương của họ là phải mở cửa hoàn toàn các thị trường.
Tóm lại, làm sao dung hòa được tự do lưu thông vốn với việc bảo vệ các ngành công nghiệp chiến lược, đó là thách đố đang đặt ra cho các lãnh đạo Châu Âu.
Thanh Phương
Nỗi hoài nghi mang tên Brexit
Vào ngày này cách đây tròn 1 năm, Anh Quốc tổ chức trưng cầu dân ý về việc ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu. Một năm đã trôi qua, nhưng theo nhận định của Le Figaro, mọi chuyện vẫn "dậm chân tại chỗ", hiện chưa có gì chắc chắn về Brexit.
Thủ tướng Anh Theresa May đến hội nghị thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu tại Bruxelles., Belgium, June 23, 2017. REUTERS/Eric Vidal
Trong bài viết "Sau 1 năm, Brexit đang ở thời khắc của mối ngờ vực", Le Figaro cho biết trong khi thủ tướng Anh Theresa May đang nỗ lực nâng chủ đề Brexit thành tâm điểm của cuộc họp của Hội Đồng Châu Âu diễn ra trong hai ngày hôm qua và hôm nay tại Bruxelles, thì thủ tướng Đức Angela Merkel đã "ra đòn phủ đầu" khi phát biểu là tương lai của 27 nước thành viên còn lại của Liên Hiệp Châu Âu đáng được ưu tiên hơn việc thương lượng với Anh Quốc về việc nước này ra khỏi khối.
Le Figaro nhận định thủ tướng Anh Theresa May đã bị lãnh đạo các nước thành viên Liên Hiệp "gạt ra ngoài lề". Phớt lờ bà Theresa May, nguyên thủ 27 quốc gia còn lại hiện đang đặt ra giải thiết nước Anh vẫn ở lại Liên Hiệp.
Tối hôm qua, thủ tướng Anh đã được yêu cầu tóm tắt trong vòng 30 phút về những tác động của việc bà thất bại trong kỳ bầu cử Quốc Hội ngày 08/06 đối với Brexit. Sau đó, bà May đã phải rời khỏi cuộc họp để 27 nước còn lại thảo luận. Le Figaro gọi đó là một nỗi nhục của thủ tướng Anh. Bởi vì khi đề nghị bầu cử Quốc Hội, bà May nghĩ rằng bà sẽ đến dự thượng đỉnh Châu Âu khi quyền lực đã được củng cố. Nhưng mọi chuyện đã bị đảo ngược. Đảng của bà đã mất đa số tuyệt đối trong Quốc Hội. Bản thân bà Theresa May chỉ còn là một nhà lãnh đạo theo kiểu "đang chịu án treo". Ở Luân Đôn cũng như ở Bruxelles, không ai biết liệu bà còn trụ được trên cương vị thủ tướng qua hết mùa hè này hay không.
Trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit, 52% cử tri ủng hộ Brexit, nhưng điều lạ là trong suốt một năm qua, cuộc chiến giữa Anh Quốc và Châu Âu lại nhường chỗ cho cuộc chiến trong nội bộ nước Anh. Trước đây, Anh Quốc nghĩ rằng Châu Âu sắp lụn bại trước chủ nghĩa dân túy, nhưng giờ đây người Anh ngày càng ý thức hơn rằng đất nước đang đơn độc. Kết quả bầu cử Quốc Hội vừa qua đã cho thấy dự án "Brexit tới cùng, cứng rắn" của thủ tướng Theresa May không được ủng hộ.
Trong khi đó, phần còn lại của Liên Hiệp Châu Âu, sau một năm, đã "lau khô nước mắt", mạnh mẽ trở lại. Chính chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Donald Tusk còn mường tượng là Anh Quốc sẽ ở lại Liên Hiệp, mượn lời bài hát của danh ca John Lennon, thành viên cựu nhóm nhạc Beatles nói rằng "Quý vị có thể nghĩ rằng tôi mơ mộng viển vông, nhưng tôi không phải người duy nhất như vậy đâu". Tổng thống Pháp Emmanuel Macron - "một tài năng mới của Châu Âu" - trong vòng một tuần đã hai lần nhắc tới "cánh cửa bỏ ngỏ" cho Anh Quốc ở lại Liên Hiệp. Điều này khó trở thành hiện thực, nhưng theo Le Figaro, một tín hiệu mới đã được đưa ra.
Mặc dù ngay tại nước Anh, thủ tướng Theresa May và bộ trưởng Brexit David Davis quả quyết không thay đổi ý định, không thể làm khác ý nguyện dân chúng trong cuộc trưng cầu dân ý. Nhưng nhiều chính trị gia, chuyên gia phân tích nhận thấy đường hướng chính trị đã có sự thay đổi. Giới kinh tế lại hy vọng vào một "Brexit mềm mỏng" để hạn chế các nguy cơ xáo trộn nền kinh tế. Những người ủng hộ Liên Hiệp mạnh mẽ nhất, thậm chí một số thành viên trong đảng của thủ tướng May còn hy vọng "Brexit không phải là việc không thể tránh được".
Cách đây một năm, thủ tướng Anh đã nói ưu tiên cho thương lượng về quyền của công dân Liên Hiệp Châu Âu sống tại Anh và quyền của công dân Anh đang sinh sống tại các nước thành viên Liên Hiệp (tổng cộng 5,5 triệu người), nhưng cho tới giờ bà May vẫn luôn từ chối thảo luận chi tiết. Và lần này, để thể hiện thiện chí, thủ tướng Anh Theresa May đến Bruxelles với một kế hoạch để giải quyết hồ sơ nhạy cảm nói trên. Nhưng lãnh đạo 27 nước thành viên còn lại của Châu Âu đã thể hiện quan điểm rõ ràng : không thảo luận về chủ đề trên tại thượng đỉnh.
Người Châu Âu gắn bó trở lại với Liên Hiệp
Liên quan tới Châu Âu, Les Echos nhận định "người Châu Âu gắn bó trở lại với Liên Hiệp", có thể do hiệu ứng Brexit, hiệu ứng Donald Trump hoặc cũng có thể do Liên Hiệp đang dần thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng. Theo kết quả khảo sát của Pew Research Center tại 10 nước (Ba Lan, Pháp, Đức, Ý, Anh và Hy Lạp, Tây Ban Nha …), năm nay tỉ lệ người dân đánh giá tích cực Liên Hiệp đã tăng vọt so với năm 2016, đặc biệt là ở Đức, Pháp, Tây Ban Nha, kể cả Anh Quốc cho dù kết quả trưng cầu dân ý của nước này là ủng hộ Brexit. Chỉ có người dân Ý là bất mãn.
Không hài lòng với chính sách nhập cư của Châu Âu, 66% số người được hỏi mong muốn chính phủ nước họ kiểm soát lại được đường biên giới, kể cả biên giới giữa các thành viên Liên Hiệp. Và mặc dù đánh giá cao Đức, nhưng 49% số người được hỏi lo ngại là Đức sẽ chi phối các quyết định của Liên Hiệp Châu Âu.
Dân số thế giới năm 2050 : 9,8 tỉ người
Theo dự báo của Liên Hiệp Quốc công bố hôm thứ Tư, dân số thế giới năm 2050 là 9,8 tỉ người. Hiện nay, có 7,6 tỉ dân sống trên Trái Đất. Libération cho biết theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, trong bảy năm tới, Ấn Độ vượt qua Trung Quốc và trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới. Nigeria, với tốc độ tăng trưởng dân số rất nhanh, đến năm 2050 sẽ chiếm vị trí thứ ba hiện đang thuộc về Hoa Kỳ. Số người trên 60 tuổi sẽ tăng hơn gấp đôi, vào khoảng 2,1 tỉ người so với con số 962 triệu như hiện nay.
Liên quan tới dân số của Pháp, nhật báo kinh tế Les Echos cho biết theo số liệu của Viện Thống Kê, dân số Pháp sẽ tăng lên đến 74 triệu người vào năm 2050, tốc độ tăng trưởng dân số cao nhất là ở các tỉnh miền Tây và miền Trung : đảo Corse, Occitanie, Pays de la Loire và Auvergne-Rhônes-Alpes. Còn báo La Croix lại chú ý tới tình trạng lão hóa dân số trong tương lai. Vào năm 2050, số người trên 65 tuổi sẽ chiếm trên 25% dân số Pháp.
Nga : Người dân Moskva biểu tình giữ nhà cửa
Từ nhiều tuần nay, bên cạnh các cuộc biểu tình phản đối chính phủ, trên đường phố Moskva còn diễn ra nhiều cuộc biểu tình của người dân phản đối việc chính quyền thành phố phá dỡ 4.000 tòa nhà cũ, nơi ở của hơn 1 triệu người. Ngày 14/05, hơn 60.000 người tham gia biểu tình không chỉ ở các khu phố có liên quan mà ở cả khu vực trung tâm thủ đô. Hôm 21/06, cảnh sát đã giải tán đám đông vài trăm người biểu tình trước trụ sở Hạ Viện Duma.
Về lý thuyết, kế hoạch của thành phố rất hợp lý : Xây dựng các tòa tháp hiện đại thay thế cho các tòa nhà "Khrouchtchevki" 5 tầng bằng gạch được xây dưới thời Khrouchchev. Vào thời kỳ đó, những căn hộ trong các tòa nhà này được coi là những căn hộ cao cấp trong bối cảnh người dân phải sống tập thể trong suốt nhiều thập kỷ. Thế nhưng, hiện giờ, các tòa nhà này đã xuống cấp. Các tòa tháp cao tầng hơn, tiện nghi hơn sẽ giúp Moskva giải quyết việc thiếu chỗ ở cho người dân. Hiện tại Moskva có 12 triệu dân. Tuy nhiên, người dân lo ngại rằng họ phải chuyển đi đến sống ở những khu vực xa xôi, căn hộ cấp cho họ có thể rộng bằng nhưng giá trị lại thấp hơn căn hộ mà họ đang ở. Thêm vào đó, người dân bất mãn vì chính quyền thành phố ra quyết định tự phát và áp đặt họ. Họ cho rằng chính quyền không tôn trọng dân chúng.
Trong bài viết có tiêu đề "Người Nga, vào thời khắc dân chủ ở địa phương", Les Echos cho biết người dân Nga ngày càng có khuynh hướng biểu tình vì những lý do cụ thể và liên quan tới một cộng đồng nhất định.
Nắng nóng : Nạn "street pooling" nở rộ ở vùng Paris
Nước Pháp vừa trải qua những ngày nắng nóng cao điểm. Les Echos cho biết, trong những ngày này, lực lượng cứu hỏa còn phải đối mặt với vấn nạn "street pooling" - hành động tự động mở các họng, trụ tiếp nước chữa cháy trên đường phố. "Street pooling" xuất hiện lần đầu ở New York và lan sang Pháp trong đợt nắng nóng hè 2016. Sau đó, với sự tiếp sức của mạng xã hội, "street pooling" nở rộ tại vùng Paris. Hôm qua 22/06, công ty cấp nước của Paris thông báo lượng nước tiêu thụ ngày 21/06 (ngày nắng nóng cao điểm) đã tăng thêm 50%. Chỉ trong một ngày, 500 họng, trụ tiếp nước chữa cháy đã bị người dân mở trộm, gây lãng phí 150.000 m3 nước (lượng nước của 60 bể bơi Olympic), làm thiệt hại 600.000 - 800.000 euro.
Theo ước tính của công ty cấp nước Veolia, tính từ ngày 26/05/2017, tại vùng phụ cận của Paris (không tính thành phố Paris), 600.000m3 nước đã bị thất thoát do "street pooling". Tại các vùng khác, hiện tượng này cũng xảy ra nhưng mức độ ít nghiêm trọng hơn.
Chuyện lãng phí nước, việc người dân tự động mở các họng tiếp nước chữa cháy rất nguy hiểm : áp lực nước từ các trụ họng nước này rất mạnh, tới 60m3/giờ, có thể tai nạn cho người xung quanh, đặc biệt là trẻ em, gây ngập nước trong khu vực, ảnh hưởng giao thông và có thể cản trở công tác cứu hỏa trong trường hợp hỏa hoạn.
Trang nhất các báo Pháp
Le Monde ra từ chiều hôm qua chạy tựa "Macron bổ nhiệm chính phủ gồm nhiều chuyên gia"và nhận định các gương mặt mới của nội các cân bằng về trình độ và lòng trung thành với tổng thống.
Les Echos lại quan tâm tới "Thành công rực rỡ của triển lãm hàng không Bourget" và cho biết trong 4 ngày diễn ra triển lãm, giới kinh doanh đã đạt được các đơn hàng trị giá 150 tỉ đô la, lần đầu tiên Boeing vượt mặt Airbus kể từ năm 2012. Hai hãng sản xuất động cơ là Sẩn và General Electric gặt hái được những thành công lịch sử.
Dành trọn trang nhất cho chủ đề Brexit, Libération chơi chữ "Biển Manche thứ hai, một năm sau Brexit" với bức ảnh nữ hoàng Elisabeth đệ nhị đang ngồi cúi đầu buồn bã. Libération cho biết một số người thì nuối tiếc, một số người thì vẫn kiên định, nước Anh vẫn đang bị chia rẽ bởi vấn đề Brexit. Trong khi đó thì vị thế của thủ tướng Anh lại bấp bênh và nước Anh bắt đầu đàm phán rời khỏi Châu Âu với một thế yếu. Libération cũng dành 6 trang bài bên trong cũng như bài xã luận cho hồ sơ Brexit.
Vẫn trên hồ sơ Châu Âu nhưng liên quan tới tân tổng thống Pháp Emmanuel Macron, báo La Croix chạy tựa trang nhất "Châu Âu, ván bài mới chia lại" và cho biết lần đầu tiên tham dự cuộc họp của Hội Đồng Châu Âu vào hôm qua, nguyên thủ Pháp đã bảo vệ quan điểm về Châu Âu phòng thủ và xích lại gần Berlin.
Thùy Dương
Helmut Kohl, công dân Châu Âu vĩ đại
Trong bài xã luận mang tựa đề "Bài học Châu Âu của ông Helmut Kohl", cựu thủ tướng Đức vừa qua đời vào cuối tuần trước, Le Monde nhận xét, cái chết đôi khi mang lại công lý cho một vĩ nhân.
Tổng thống Mikhail Gorbachev (Nga), Tổng thống George Bush cha (Mỹ) và Thủ tướng Helmut Kohl (Đức) họp mặt ngày 31/10/2009 tài Berlin nhân dịp kỷ niệm ngày Bức tường Bá Linh sụp đổ- Fabrizio Bensch / Reuters
Trong những năm cuối đời, ông Helmut Kohl chỉ còn là cái bóng của chính mình. Người Đức đã có thói quen nhìn thấy nơi ông Kohl một ông già sức khỏe sa sút, ngồi xe lăn, và báo chí chỉ nhắc đến cùng với vụ kiện tụng nhà báo đã giúp ông viết hồi ký. Cựu thủ tướng cáo buộc nhà báo này đã công bố các cuộc đối thoại mà ông muốn giữ bí mật, về các cuộc đấu đá với nhiều nhân vật trong đó có bà Angela Merkel.
Sự kiện ông từ trần hôm thứ Sáu 16/6 ở tuổi 87, đã đặt lại mọi việc vào đúng chỗ của nó. Đã hẳn là Helmut Kohl rời chính trường Đức một cách không mấy vinh quang, sau khi thất bại trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 1998 và vài tháng sau thì uy tín bị sút giảm trong vụ quỹ đen của đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) mà ông lãnh đạo suốt 25 năm. Nhưng lịch sử đã lưu lại hình ảnh một Helmut Kohl khác.
Chính khách lớn của nước Đức, công dân Châu Âu
Khi người tiền nhiệm qua đời, bà Angela Merkel đã vinh danh "một người Đức vĩ đại và là một người Châu Âu vĩ đại". Câu này có vẻ công thức, nhưng mang nặng ý nghĩa.
"Một người Đức vĩ đại".Ông Helmut Kohl đúng là một chính khách lớn, một người công giáo bảo thủ của bang Rheinland-Pfanz, không hề nghĩ rằng định mệnh sẽ khiến ông lãnh đạo việc thống nhất một quốc gia đã bị chia đôi, sau khi thất trận trong Đệ nhị Thế chiến. Việc thống nhất nước Đức ngày nay tỏ ra logic, tuy nhiên vào thời đó lại đầy rủi ro chính trị, và cái giá phải trả về kinh tế quy mô đến nỗi chỉ có một vị nguyên thủ mang tầm vóc lớn mới có thể lãnh đạo được.
Khi lao vào công cuộc thống nhất Đức quốc, ông Helmut Kohl có thể quay lưng lại với Châu Âu. Bây giờ thì người ta đã quên, nhưng vào thời điểm đó nhiều người lo sợ chủ nghĩa dân tộc Đức lại trỗi dậy. Tuy nhiên thủ tướng Helmut Kohl - khi công nhận sự bất khả xâm phạm của đường biên giới Oder-Neiße với Ba Lan, được ấn định bởi hiệp ước "2+4" sau Đệ nhị Thế chiến (1990), và áp đặt lên người dân Đức việc từ bỏ đồng Deutsche Mark, thay vào đó là đồng Euro thông qua hiệp ước Maastricht (1992) - đã đi vào lịch sử khi thực hiện thành tích : làm nên một nước Đức thống nhất mà không khiến Châu Âu tan rã.
Nhận định rằng có thể bảo vệ tầm vóc của nước Đức mà vẫn tôn trọng lợi ích Châu Âu, và cả hai mục tiêu này chỉ có thể đạt được qua quan hệ đặt trọn lòng tin với Pháp : chính niềm tin ấy của Helmut Kohl đã mang lại âm hưởng đặc biệt khi ông từ trần.
Vào lúc mà các cuộc thương lượng Brexit đang tiến hành, nước Pháp vừa bầu lên một tổng thống hứa hẹn gầy dựng lại Châu Âu, và thủ tướng Merkel cổ vũ cựu lục địa "tự nắm lấy định mệnh của mình" - vì không thể trông cậy vào một nước Mỹ dưới quyền lãnh đạo của ông Donald Trump, Le Monde cho rằng sự qua đời của Helmut Kohl đã đưa chúng ta quay lại một thời kỳ mà ta cần rút tỉa các bài học. Một thời kỳ mà những biến đổi to lớn về địa chính trị, đồng thời có thể là những cơ hội lịch sử cho tương lai Châu Âu.
Cha đẻ của nước Đức thống nhất
Trong bài "Helmut Kohl, người thống nhất nước Đức", Les Echos nhắc lại, người giữ kỷ lục làm thủ tướng Đức lâu nhất sau thế chiến, cũng là người có viễn kiến về một nước Đức thống nhất và gắn bó với Liên Hiệp Châu Âu.
Cuộc hẹn hò với lịch sử diễn ra vào ngày 09/11/1989, khi "Bức tường ô nhục" chia cắt thành phố Berlin, nước Đức và Châu Âu suốt 28 năm trời đã sụp đổ. Helmut Kohl chủ động nắm lấy tiến trình, mạnh tay áp đặt một liên minh tiền tệ và chính trị mà sau này chính ông thú nhận : "Chúng tôi phiêu lưu vào một miền đất lạ".
Bất chấp những ý kiến phản đối trong Quốc hội, Helmut Kohl có quyết định nổi tiếng "một đổi một" - một đồng mác Đông Đức được đổi ngang với đồng Deutsche Mark hùng mạnh của Tây Đức. Và buộc được điện Kremlin chấp nhận nước Đức thống nhất là thành viên của NATO.
Ngày 01/10/1990, vừa 330 ngày sau khi Bức tường Berlin sụp đổ, một đám đông khổng lồ tập trung trước Reichstag (Quốc hội liên bang), mừng sự khai sinh một cường quốc 80 triệu dân. Một quốc gia thống nhất đã nhìn nhận trách nhiệm trong việc diệt chủng người Do Thái, và tìm lại thủ đô lịch sử là Berlin.
Ái quốc, nhưng không dân tộc chủ nghĩa
Helmut Kohl bước lên đỉnh vinh quang – tờ Vanity Fair gọi ông là "King Kohl", "nhân vật đã đóng vai trò quan trọng nhất trong việc thành lập một hệ thống chính trị mới và đưa đến thành công".
Tiến trình hội nhập năm bang Đông Đức, một công trình to lớn, liên hệ chặt chẽ với việc xây dựng Châu Âu. Theo thủ tướng Đức, đây chỉ là "hai mặt của cùng một tấm mề-đay". Helmut Kohl là người ái quốc, nhưng không dân tộc chủ nghĩa. Ông đóng góp rất nhiều vào việc dựng lên "ngôi nhà Châu Âu", với thị trường chung và hiệp ước Maastricht. Theo ông : "Châu Âu là vấn đề chiến tranh và hòa bình trong thế kỷ 20. Chúng ta, những người Đức, còn cần đến Châu Âu hơn hẳn những nước khác, để không lại bị rơi vào một định mệnh khắc nghiệt".
Vị thủ tướng hiểu rõ những gì mình nói. Một người cậu của Helmut Kohl tử trận trong Đệ nhất Thế chiến, còn người anh của ông ngã xuống trong Đệ nhị Thế chiến. Bản thân ông bị buộc phải thề trung thành với chế độ quốc xã ở tuổi 15, rồi sau đó phải lang thang trong một đất nước bị tàn phá vì bom đạn để tìm lại cha mẹ. Trải nghiệm về "cái chết và sự hủy diệt"đã thúc đẩy ông gắn bó với cựu thù là nước Pháp, làm nên cặp đôi cột trụ của Châu lục.
"Sự nghiệp độc đáo, vinh danh đặc biệt". Le Figaro cho biết, chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Jean-Claude Juncker đã đề nghị vinh danh cố thủ tướng Đức ở cấp độ Châu Âu chứ không chỉ trong phạm vi nước Đức vì sinh thời ông đã là công dân danh dự Châu Âu. Từ tối thứ Sáu, những lá cờ được treo rủ tại các công sở Đức, và cả tại Quốc hội Châu Âu ở Strasbourg - đây là lần đầu tiên.
"Làn sóng Macron" từ Dinh Tổng thống tràn sang Quốc hội
Chiến thắng đã được báo trước trong vòng hai cuộc bầu cử Quốc hội Pháp của đảng Cộng Hòa Tiến Bước (LREM), do tân tổng thống Emmanuel Macron thành lập chỉ mới một năm, chiếm trang nhất của tất cả các báo Paris ra hôm nay.
Nhật báo cánh hữu Le Figaro chạy tựa : "Sau điện Elysée lại đến Quốc hội". Trang bìa tờ Libération thiên tả là một hình bán nguyệt với tỉ lệ ghế của các đảng trong Quốc hội, trong đó màu vàng của LREM áp đảo, chơi chữ "L’Emprise du Milieu" (tạm dịch "Dấu ấn cánh trung", gợi nhớ đến "L’Empire du Milieu", cụm từ thường dùng để chỉ Trung Quốc). Cũng với biểu đồ này, Les Echos đánh giá Macron đã "Thắng được thử thách", còn theo La Croix thì đây là một "Thành công bị tỉ lệ vắng mặt làm mờ nhòa". Le Monde ra từ cuối tuần nói về những gì đang chờ đợi tại một Quốc hội mà đa số thuộc phe tổng thống.
Libération tóm lược kết quả cuộc bầu cử Quốc hội : Với 310 ghế, ông Emmanuel Macron có được đa số tuyệt đối. Đảng Những Người Cộng Hòa (LR) giữ được thể diện, trong khi đảng Xã Hội (PS) đếm trên đầu ngón tay số người sống sót. Và với không đầy chục dân biểu, đảng Mặt Trận Quốc Gia (FN) chuẩn bị đối đầu với một cuộc nội chiến.
Libération nhận định, cách đây một năm, Emmanuel Macron hầu như chẳng có gì trong tay, bây giờ ông có tất cả. Quyền lực tập trung ? Độc tài cánh trung ? Tờ báo cho rằng cần tỉnh táo : Hiến Pháp vẫn nguyên vẹn, các quyền tự do được tôn trọng, đối lập vẫn giữ được các thành phố lớn và các vùng, một sự hiện diện khiêm tốn nhưng có thực tại Quốc hội. Điều đáng lo là phe đối lập thiếu cân bằng trong Quốc hội mới.
Cánh hữu bị giảm sút, nhưng cánh tả thì chỉ còn hiện diện tối thiểu. Phe Macron có xu hướng hữu khuynh để vô hiệu hóa các đối lập chủ chốt, bằng chứng là ba hồ sơ tình trạng khẩn cấp, luật lao động và giáo dục. Việc này có nguy cơ làm cho tân chính phủ tách rời khỏi cử tri cánh tả. Từ khẩu hiệu "không tả không hữu" trong vận động tranh cử, chính phủ của ông Macron có thể chuyển thành "phi cánh tả" - một sự bội ước.
Đa số tuyệt đối, trách nhiệm tối đa
Trong bài xã luận mang tựa đề "Đa số tuyệt đối, trách nhiệm tối đa", Le Figaro nhận định cuộc cách mạng "Tiến Bước" ào đến như một trận sóng thần. Cánh tả, cánh hữu, cực tả, cực hữu, tất cả những đảng truyền thống trong đời sống chính trị nước Pháp, nếu không bị chìm ngập thì cũng bị rung chuyển. Trên đống gạch vụn của "thế giới cũ xưa" này, một thế hệ mới đã nổi lên nắm lấy quyền lực của ngành lập pháp hôm nay, như đã nắm được chính quyền hôm qua. Đây là sự kiện chưa từng thấy từ năm 1958 đến nay. Tuy đã từng có tình trạng đa số tuyệt đối trong Quốc hội, nhưng đó là nhờ sự liên minh của các đảng chính trị, chứ một đảng nắm độc quyền thì chưa có tiền lệ.
Tổng thống Emmanuel Macron nay chẳng cần đến ai khác để lập đa số, kể cả đảng cánh trung MoDem đang liên kết. Đảng LREM chưa hề hiện hữu trước đó, và các dân biểu của đảng này được bầu lên nhờ gắn với tên ông. Chưa bao giờ một tổng thống được toàn quyền hành động như thế.
Tuy nhiên Le Figaro nhắc nhở, với tỉ lệ cử tri vắng mặt cao trong kỳ bầu cử tổng thống lẫn Quốc hội, chưa bao giờ một tổng thống có quyền lực như thế lại dựa trên một cơ sở bó hẹp đến vậy. Nếu một nước Pháp hầu hết là thị dân, có thu nhập khá sẵn sàng ủng hộ những cải cách của ông Macron, thì còn có một nước Pháp khác là dân ngoại ô có cuộc sống khiêm tốn, (66% công nhân và 61% nhân viên không đi bầu vòng một Quốc hội), đứng bên ngoài sự hồ hởi của giới tinh hoa.
Họ không chống đối ông, nhưng thất vọng với cả cánh tả lẫn cánh hữu, họ chờ đợi. Và các cử tri này sẵn sàng nhảy sang khuynh hướng cực đoan, một khi không có dịp bày tỏ chính kiến bằng lá phiếu (hai năm nữa mới có kỳ bầu cử mới), họ có thể sử dụng những hình thức chống đối khó kiểm soát hơn.
Nhắc lại những kết thúc đáng buồn của các đa số tuyệt đối từ thời vua Louis 18 cho đến Jacques Chirac năm 1987, tờ báo cho rằng Emmanuel Macron đang trên đà thắng lợi, khó thể lắng nghe những lời cảnh báo. Nhưng từ nay ông cần biết rằng việc nắm trọn quyền hành có cái giá của nó.
Donald Trump thu nhập 600 triệu đô la trong năm qua
Nhìn sang nước Mỹ, Le Figaro cho biết "Việc làm ăn của tổng thống Trump rất khấm khá". Nhà tỉ phú đã thu được ít nhất 600 triệu đô la trong khoảng năm 2016 đến tháng Tư 2017, qua nhiều hoạt động kinh doanh khác nhau.
Theo một tài liệu 98 trang được cơ quan phụ trách về mặt đạo đức chính phủ công bố hôm thứ Sáu, ông Trump có thu nhập ít nhất 594 triệu đô la. Số tài sản này thực ra còn lớn hơn trên thực tế. Chỉ riêng câu lạc bộ Mar-a-Lago tại Florida, mà phí đăng ký đã được tăng gấp đôi, ông Trump đã thu được 37 triệu đô la với "Nhà Trắng mùa đông" này. Sân gôn ở Scotland thu nhập trên 50 triệu đô la, cuốn sách "The Art of the Deal" (Nghệ thuật thương lượng) mang về 5 triệu đô la, và cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ giúp ông bỏ túi 11 triệu đô la. Tuy nhiên làm ăn lớn thì nợ lớn, Donald Trump có số nợ gần 316 triệu đô la.
Thụy My