Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ukraine tiếp tục thanh toán di sản Liên Xô

Với tựa đề : "Ukraine vĩnh biệt Lênin", nhật báo Công giáo La Croix ghi lại một thực tế đang diễn ra ở đất nước Đông Âu thuộc Liên Xô cũ, đó là việc chính quyền ra đời từ sau cuộc cách mạng Maidan đang muốn xóa đi ký ức về Liên Xô, bắt đầu là từ hình ảnh của Lênin, cha đẻ ra cuộc cách mạng Nga tháng 10/1917 dẫn đến hình thành Liên Bang Xô Viết.

disan1

Tượng Vladimir Lenine bị những người biểu tình thân Ukraine lật đổ ở thành phố phía đông Kharkiv ngày 28/09/2014. Reuters/Stringer

Tác giả bài viết ghi nhận : "Ở Ukraine Lênin đã rơi khỏi bệ. Những bức tượng bán thân, đầu, thân bằng đồng, sắt, đá hay thạch cao của nhà cách mạng đã bị cơn gió của một cuộc cách mạng khác cuốn đi, đó là cuộc cách mạng Maidan (2013-2014)". Từ các thành phố đến vùng nông thôn, các cơ quan chính quyền mới thân Châu Âu đang xóa đi các biểu tượng của ký ức Liên Xô sau khi thông qua bộ luật về ký ức hồi tháng 4/2015. Chính sách phi cộng sản đã hạ 1.500 bức tượng Lênin và đặt tên lại 22.000 đường phố. Một chương trình được tiến hành rầm rộ, nhưng không diễn ra nhẹ nhàng.

Tác giả bài phóng sự của La Croix đưa độc giả đến Korji, một làng nhỏ cách thủ đô Kiev 80 km. Dân làng nơi đây cũng là những người ái quốc không kém những người Ukraine khác. Họ nói tiếng Ukraine thường ngày, quyên góp tiền ủng hộ các binh sĩ đang chiến đấu ở miền Đông chống lại phe ly khai thân Nga. Tuy nhiên khi luật phi cộng sản được thông qua, việc hạ tượng Lênin đã gây chia rẽ trong người dân. Dân làng đã quyết định cứu bức tượng Lênin bán thân bằng sắt duy nhất ở địa phương ra khỏi bãi rác bằng cách sơn lại bức tượng bằng màu vàng và xanh, màu cờ Ukraine. Họ muốn bán lại bức tượng Lênin để lấy tiền hoàn thiện ngôi nhà thờ của xã với cái giá 10 nghìn euro. Nhưng đến giờ vẫn chưa có ai hỏi mua.

Trở lại Kiev, tác giả bài viết gặp giám đốc viện Ký Ức Quốc Gia trong văn phòng làm việc từng là tổng hành dinh của Tcheka, cơ quan an ninh chính trị của cách mạng Bolsevik. Tại đó ông Volodymyr Viatrovitch chỉ đạo tiến trình phi công sản ở Ukraine. Ông nhận định : "Nhiều nước đã rũ bỏ hết, từ tội ác Lênin cho đến phá bỏ bức tường (Berlin), hãy xem chúng tôi giờ đang ở đâu. Ở miền Đông, những phần tử ly khai thân Nga đang bảo vệ bản sắc Xô Viết. Phi cộng sản là vấn đề an ninh đất nước".

Sau tượng Lênin, theo bài viết, mục tiêu sắp tới của tiến trình phi cộng sản đó là các biểu tượng búa liềm trên đại lộ Viktor ở Kiev. Đây cũng không phải là vấn đề được nhất trí hoàn toàn. Vẫn còn có người nhận thấy đó không phải là cách tốt nhất để hòa hợp dân tộc trong lúc người Ukraine đang chia rẽ.

"Lênin cũng hung bạo như Stalin ?"

Đó là tiêu đề bài viết ngắn cùng chủ đề của La Croix. Bài viết ngược dòng lịch sử với nhận định : "Cuộc cách mạng Bolsevik chiến thắng trong máu và trong một cuộc nội chiến kinh hoàng". Theo tác giả bài viết, dưới cái nhìn của Lênin, cần phải tước bỏ vũ khí của tất cả những bộ phận xã hội chống lại cải cách, đó là : Nhà thờ, giới quý tộc, những người nông dân ngang bướng, giới tư sản và những người Xã Hội-Dân Chủ…. Để làm được việc đó, Lênin sẵn sàng dùng các biện pháp như hành quyết hàng loạt, bắt đi đày vào các trại tập trung. Cuộc nội chiến tiếp theo sau khi những người Bolsevik lên nắm quyền tháng 11/1917 là một chiến trường đầy bạo lực kinh hoàng của tất cả các bên tham chiến.

Theo đánh giá của nhà sử học, François-Xavier Néard, được bài báo trích dẫn : "Bạo lực theo kiểu Lênin hướng ra vòng ngoài, những người chống chế độ Bolsevik. Bạo lực của Stalin lại là vô lối và nhằm vào tứ hướng để trở thành một hệ thống quản lý xã hội. Khi Stalin phát động cuộc đại thanh trừng (1936-1938) gây ra gần một triệu nạn nhân, ông ta không hề có kẻ thù thực sự hay cụ thể trước mặt".

Pháp : Luật lao động, cải cách gây nhiều chú ý

Ngày 31/08/2017, chính phủ Pháp công bố 5 nội dung cải cách luật lao động bằng sắc lệnh, một hồ sơ nóng liên quan trực tiếp đến nền kinh tế nói chung cũng như công ăn việc làm, đời sống người lao động Pháp. Sự kiện này đã được dư luận Pháp mong đợi từ đầu nhiệm kỳ của tổng thống Emmanuel Macron và đây cũng là một trong những lời hứa tranh cử quan trọng của ông. Bởi thế mà cải cách luật lao động là chủ đề phủ kín các trang báo Pháp hôm nay. Hầu hết các báo đều dành dung lượng lớn để khai thác mổ xẻ nội dung cải cách luật lao động với các ý kiến ủng hộ và chống, những cái được và mất của người lao động, của các doanh nghiệp.

Điểm qua những hàng tựa lớn trang nhất của một số tờ báo, ta thấy : "Việc làm : Cuộc cải cách làm thay đổi ván bài", tựa của Le Figaro. Trong khi đó Libération, một tờ báo có xu hướng thiên tả thì ghi nhận nội dung cải cách lần này mang lợi nhiều cho giới chủ. Trang nhất của tờ báo đăng hình lớn chủ tịch nghiệp đoàn giới chủ bắt tay tổng thống Macron cùng hàng tựa : Luật lao động : "Cảm ơn Macron". Libération tập trung chủ yếu vào phản ứng của các công đoàn vẫn coi nội dung cải cách luật nhằm chiều lòng giới chủ.

Nhật báo kinh tế Les Echos ghi nhận : Luật lao động : "Chìa khóa của một cuộc cải cách lớn". Nhật báo công giáo La Croix cũng ghi nhận bằng hàng tựa trang nhất : "Lao động : những động lực của một cuộc cải cách". Tờ báo nhận định, các nội dung cải cách luật lao động bằng sắc lệnh vừa thông báo tạo nhiều thuận lợi cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Quyền lợi của người lao động và công ăn việc làm sẽ đến theo sau những phát triển của các doanh nghiệp. Tờ báo nhận định, nhìn chung những nội dung cải cách là giúp luật lao động trở nên linh hoạt hơn.

Đàm phán Brexit vẫn trong ngõ cụt

Về thời sự nổi cộm của Châu Âu. Nhật báo Le Figaro chú ý đến tiến trình ly dị giữa Anh Quốc với Liên Hiệp Châu Âu với bài "Các cuộc đàm phán về Brexit sa lầy".

Tờ báo ghi nhận đảo quốc Anh và Liên Âu lục địa đã kết thúc vòng 3 của cuộc thảo luận để chia tay nhau, nhưng không đạt được một tiến bộ quyết định nào. Trong khi đó, thời điểm ấn định cho cuộc chia tay là ngày 29/03/2019. Đến giờ đã qua 3 vòng đàm phán, nhưng "mỗi bên vẫn cứ tố cáo nhau là phủ nhận thực tế và giữ cho mình các lá bài trước khi đến thời điểm sự thật dự kiến vào giữa tháng 10 tới (Thượng đỉnh thường niên Liên Hiệp Châu Âu)".

Trưởng đoàn đàm phán của Châu Âu, ông Michel Barnier khẳng định, vòng đàm phán kéo dài 4 ngày vừa qua, không thu được tiến bộ quyết định nào. Còn đại diện của nước Anh, ông David Davis thì cho biết, các cuộc trao đổi đã diễn ra "rất căng thẳng" và "khó khăn kinh khủng", nhất là trên các khoản nợ tồn đọng mà Liên Hiệp Châu Âu muốn Luân Đôn phải thanh toán, ước chừng từ 50 đến 100 tỷ euro. Thời điểm ấn định cho cuộc ra đi chính thức của nước Anh, ngày 29/03/2019 không phải là quá xa. Tại cuộc gặp Thượng đỉnh Liên Hiệp Châu Âu thường kỳ vào ngày 19/10, hai bên hy vọng sẽ ấn định được các quy định để chuyển qua bước mới cho cuộc ly dị. Đó là mối quan hệ thương mại hậu Brexit giữa Anh Quốc và Châu Âu.

Với tiến trình đàm phán như hiện nay, những người trong cuộc đều nhận thấy khó có thể lịch trình chia tay sẽ được bảo đảm. Tóm lại, theo Le Figaro, không một bên nào thấy được lối ra cho cuộc ly dị đầy toan tính vào lúc này.

Bảo hộ mậu dịch : Tổng thống Mỹ dọa dẫm và đàm phán

Chuyển qua bên kia bờ Đại Tây Dương, báo chí Pháp tiếp tục dành sự chú ý đến vụ thiên tai lớn ở bang Texas. Tuy nhiên chủ đề được nhật báo Le Monde quan tâm là các động thái của chính quyền Trump với hồ sơ kinh tế đối ngoại.

Theo Le Monde, "tiếp theo các hứa hẹn trong tranh cử của ông Donald Trump, giờ là lúc chuyển qua hành động. Tổng thống Mỹ, trong mùa hè này đã tấn công vào hai hồ sơ thương mại lớn : Đàm phán lại Thỏa thuận tự do trao đổi Bắc Mỹ (Alena) với Canada và Mexico mà vòng hai của cuộc đàm phán mở ra hôm nay (01/09). Bên cạnh đó, là mở điều tra về những nghi ngờ Trung Quốc cưỡng đoạt sở hữu trí tuệ của các công ty Mỹ qua đòi hỏi chuyển giao công nghệ để đổi lại việc được cắm chân vào thị trường Trung Quốc".

Le Monde nhận thấy trên hai hồ sơ Trung Quốc và Alena : "Trump đe dọa nhưng vẫn phải đàm phán". Đã không ít lần tổng thống Mỹ, dọa đơn phương dẹp bỏ Thỏa thuận Alena hay đánh thuế nặng vào hàng nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng cuối cùng Hoa Kỳ vẫn cứ phải ngồi vào đàm phán với các đối tác khó chịu của tổng thống Trump. Bởi trong một thế giới toàn cầu hóa sâu rộng như hiện nay, Hoa Kỳ dù có là cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới cũng không thể hành động đơn phương mà không có sự đáp trả lại tương tự.

Mỹ : Donald Trump vẫn còn rất đông fan

Le Figaro có bài viết với tựa đề đáng chú ý : "Các fan của Trump vẫn luôn ở bên ông". Theo Le Figaro, mặc dù gây ra không ít tranh cãi, chỉ trích từ khi lên lãnh đạo nước Mỹ, tổng thống Trump không bị mất đi sự ủng hộ của các cử tri cơ sở.

Le Figaro nhận thấy, "khi xem phần lớn các kênh truyền hình Mỹ từ Washington, người ta có cảm giác chính quyền Trump đang sắp chết chìm trong những vụ lùm xùm. Thế nhưng thực tế tại các tiểu bang từng bỏ phiếu cho ông Trump, những cử tri ủng hộ ông vẫn còn rất đông" . Tờ báo trích dẫn khá nhiều ý kiến của người dân bênh vực bảo vệ ông trước các chuyện lùm xùm xung quanh các phát ngôn của ông từng bị báo chí Mỹ không ngớt lời lên án, bêu riếu.

Thế nhưng không ít cử tri hoàn toàn tin rằng những lời mắng nhiếc của tổng thống Trump đối với giới báo chí gần đây là hoàn toàn đúng. Tờ báo dẫn một người dân nói, nếu ngày mai ông Trump ra tái cử tổng thống, ông ta không ngần ngại bỏ phiếu cho Donald Trump. Le Figaro cho biết : ở thành phố Orange thuộc bang Virginia, gần 75% cử tri của đảng Cộng Hòa vẫn ủng hộ tổng thống.

Bóng đá Pháp : Thế hệ trẻ thể hiện

Một tin thể thao mà tất cả các báo Pháp hôm nay đều hân hoan đăng tải. Đó là chiến thắng đậm đà 4-0 của đội tuyển quốc gia bóng đá Pháp tối qua trước đội tuyển Hà Lan trong khuôn khổ vòng loại khu vực Châu Âu cho Cúp bóng đá Thế giới 2018.

Các báo đều chạy những tít lớn bằng những câu cảm thán hoan hỉ : "Một buổi tối trong mơ", tựa của nhật báo Le Parisien. Báo thể thao L’Equipe thì ngắn gọn "Huy hoàng !". Các báo đều đồng thanh ghi nhận màn trình diễn của các cầu thủ Pháp, đặc biệt là lớp cầu thủ trẻ, là rất thuyết phục, đẹp mắt và đem lại những hy vọng cho người hâm mộ Pháp. Đội tuyển Pháp đang tiến gần đến chiếc vé đi dự vòng chung kết Cúp Thế giới 2018 tại Nga.

Anh Vũ

 

Published in Quốc tế

Theo hãng tin Reuters ngày 28/08/2017, Trung Quốc sẽ lập một liên doanh để khai thác methane hydrate, còn được gọi là "băng cháy" ở vùng Biển Đông đang tranh chấp.

bangchay1

Trung Quốc thí điểm khai thác băng cháy ở Biển Đông. Ảnh chụp ngày 09/07/2017. Reuters/Stringer

Cụ thể, bộ Tài Nguyên và Đất Đai của Trung Quốc, cùng với tập đoàn dầu khí Nhà nước CNPC và tỉnh Quảng Đông đã quyết định liên kết với nhau để thực hiện một dự án thí điểm thăm dò nguồn methane hydrate ở vùng Biển Đông.

Theo CNPC, dự án thí điểm này được đưa ra sau các cuộc khai thác thử nghiệm thành công vào tháng 5 vừa qua tại vùng Thần Hồ, bắc Biển Đông.

Còn được gọi là "băng cháy", methane hydrate là loại khí bị đông lại thành dạng rắn giống như băng, nằm chôn dưới đáy đại dương. Tuy là một loại nhiên liệu hóa thạch, nhưng băng cháy thải ra lượng CO2 chỉ bằng phân nửa dầu hỏa và than đá, cho nên được xem là năng lượng sạch. Ngoài Trung Quốc, một số nước khác như Nhật Bản cũng đang cố gắng khai thác nguồn nhiên liệu này tại các vùng biển của họ.

Thông tin của CNPC không nêu ra chi tiết về thời hạn cũng như về đầu tư tài chính vào dự án thí điểm nói trên. Chính phủ Trung Quốc đã cho biết sẽ "tích cực phát triển" methane hydrate trong giai đoạn 2016-2020, mặc dù theo các chuyên gia công nghiệp, hiện chưa có công nghệ để giúp khai thác thương mại nguồn tài nguyên này. Giới chuyên gia dự đoán là phải đến 2030 Trung Quốc mới có thể khai thác thương mại methane hydrate.

Thanh Phương

Published in Châu Á

Cho tới nay, mỗi khi xảy ra khủng hoảng lớn, các nhà đầu tư thường đổ vốn vào những đơn vị tiền tệ có giá trị "bảo đảm" như đồng franc Thụy Sĩ hay đồng đôla, hoặc mua vàng. Thế nhưng kể từ khi tổng thống Donald Trump lên cầm quyền, với chính sách tiền tệ hiện nay của Mỹ, đồng đôla đang mất dần giá trị, nhất là so với đồng euro.

dola1

Ảnh minh họa. Reuters/Dado Ruvic

Sau vụ bắn tên lửa Bắc Triều Tiên ngang qua không phận Nhật Bản hôm qua, khiến thế giới lo ngại về nguy cơ nổ ra xung đột lớn, đồng euro đã vượt qua ngưỡng tỷ giá 1,20 đôla lần đầu tiên từ tháng 01/2015.

Như ghi nhận của ông Brad Bechtel, đặc trách thị trường hối đoái của công ty đầu tư Jeffreires, Mỹ, được hãng tin AFP trích dẫn hôm nay, cũng giống như các trái phiếu của Mỹ, đôla thường được xem là một ngoại tệ có giá trị bảo đảm, nhưng nay chẳng ai muốn giữ đôla.

Theo giải thích của ông Bechtel, lý do là vì mọi người không tin tưởng vào chính quyền Mỹ hiện nay, trong khi đó Cục Dự trữ Liên bang (Ngân hàng Trung ương Mỹ) lại không tỏ vẻ gì là sẽ nhanh chóng tăng các lãi suất, một biện pháp sẽ giúp đôla tăng giá trở lại.

Vào cuối năm 2016, đồng đôla đã tăng giá mạnh nhờ ứng cử viên Donald Trump lúc đó đã hứa hẹn nhiều cải cách kinh tế quan trọng. Nhưng kể từ khi lên cầm quyền cho tới nay, ông đã không thể thực hiện được bất cứ cải tổ nào.

Trong khi đó, đồng euro lại thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư. Nhờ chính sách tiền tệ rất linh động của Ngân hàng Trung ương Châu Âu, các lãi suất tại khu vực đồng euro vẫn còn rất thấp, thậm chí ở mức âm.

Cho nên, theo lời chuyên gia Greg Anderson, thuộc Ngân hàng Montréal BOM, đồng tiền duy nhất của Châu Âu nay trở nên hấp dẫn không thua gì đồng yen Nhật Bản hay đồng franc Thụy Sĩ. Các nhà đầu tư vay bằng đồng euro với chi phí rất thấp rồi dùng tiền đó vào những đầu tư có mức lợi nhuận rất cao.

Tình hình chính trị của Liên Hiệp Châu Âu cũng đã ổn định trở lại sau các cuộc bầu cử ở Pháp và Hà Lan năm 2017. Theo nhận định của chuyên gia Anderson, "trong 5 năm trở lại đây, Châu Âu đã chứng tỏ khả năng giải quyết một cuộc khủng hoảng, trong khi tình hình chính trị hiện nay ở Hoa Kỳ quá lộn xộn".

Về phần mình, bà Sireen Harajlin, thuộc ngân hàng Mizuho, Nhật Bản, cũng ghi nhận là tăng trưởng của Châu Âu trong những tháng qua rất vững chắc và Ngân hàng Trung ương Châu Âu chuẩn bị giảm bớt những biện pháp hỗ trợ tiền tệ. Những yếu tố đó sẽ giúp làm tăng thêm giá trị của đồng euro.

Tuy vậy, theo bà Harajlin, đôla dầu sao vẫn là ngoại tệ có giá trị vững chắc lâu dài. Chỉ cần Ngân hàng Trung ương Mỹ bắn đi một tín hiệu tích cực, hoặc tình hình việc làm ở Hoa Kỳ khả quan hơn hoặc lạm phát tăng trở lại là đồng đôla khởi sắc ngay.

Thanh Phương

Published in Quốc tế

Hỏa tiễn liên lục địa Bắc Triều Tiên và bẫy rập chiến tranh

Bắc Triều Tiên bắn hỏa tiễn liên lục địa, chương trình hành động của chính phủ Pháp được thủ tướng Edouard Philippe trình bày trước Quốc hội lưỡng viện hôm qua, đó là hai đề tài được các báo Paris chú ý nhiều nhất hôm nay.

hoatien1

Hỏa tiễn liên lục địa Hwasong-14 của Bắc Triều Tiên. Ảnh của KCNA phát ngày 05/07/2017. KCNA/via Reuters

Hỏa tiễn Bắc Triều Tiên nay có thể tấn công đất Mỹ

Les Echos báo động : "Bắc Triều Tiên từ nay có thể tấn công các mục tiêu ở Hoa Kỳ". Lần đầu tiên Bình Nhưỡng chứng tỏ khả năng bắn đi một hỏa tiễn đạn đạo đi xa gần 7.000 km, làm đảo lộn bàn cờ địa chính trị vì rốt cuộc đã sở hữu được vũ khí răn đe thực sự.

Các nhà chiến lược Mỹ lâu nay vẫn phải bất lực chứng kiến các tiến bộ kỹ thuật của Bắc Triều Tiên, nay với vụ bắn hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa (ICBM) này, Donald Trump sẽ buộc phải xem lại cách đối phó. Les Echos nhắc lại, ngay từ đầu năm nay, Kim Jong-un đã tuyên bố sắp sửa phóng đi một ICBM có thể mang theo trọng lượng quy ước, bay xa đến 5.500 km.

Từ nhiều năm qua, các kỹ sư Bắc Triều Tiên đã làm chủ được công nghệ hỏa tiễn đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, về lý thuyết có thể bắn đến Hàn Quốc, Nhật Bản và đảo Guam của Mỹ. Theo đài truyền hình Nhà nước KCTV, Bắc Triều Tiên vừa bổ sung vào kho vũ khí này một ICBM loại Hwasong-14, và điều này cũng phù hợp với các dữ liệu của tình báo Hàn Quốc và Nhật Bản. Hỏa tiễn bắn đi từ căn cứ không quân Panghyon ở tây bắc Bình Nhưỡng, 39 phút sau đã rơi xuống biển Nhật Bản.

Ông David Wright, đồng giám đốc UCS Global Security giải thích : "Tầm bắn này chưa đủ để chạm đến 48 tiểu bang Mỹ hoặc đảo Hawai, nhưng có thể bay đến Alaska". Jeffrey Lewis của Viện nghiên cứu quốc tế Middlebury cảnh báo, Hwasong-14 có thể bay xa 10.000 km với đầu đạn nhỏ.

Việc nắm được công nghệ này là ưu tiên hàng đầu đối với Kim Jong-un , vốn đã giám sát gần 80 vụ bắn tên lửa từ khi lên nắm quyền cuối năm 2011. Nhận định rằng Saddam Hussein ở Iraq hay Mouammar Kadhafi ở Libya bị cộng đồng quốc tế trừ khử là do từ bỏ chương trình vũ khí hủy diệt hàng loạt, Kim Jong-un đã thúc giục quân đội phát triển không chỉ hỏa tiễn đạn đạo mà cả các đầu đạn nguyên tử thu nhỏ gắn vào hỏa tiễn, để ngăn chận mọi cuộc tiến công từ nước ngoài.

Trump cứ phản đối trên Twitter, Bình Nhưỡng vẫn bắn tên lửa

"Kim Jong-un thách thức nước Mỹ đúng vào ngày 4 tháng Bảy", mặc cho những lời đe dọa của tổng thống Donald Trump - Le Figaro nhận xét. "Kim bắn hỏa tiễn, Trump bực tức", Libération ghi nhận định.

Bắc Triều Tiên vốn ưa thích các dịp kỷ niệm. Hỏa tiễn Hwansong-14 bắn đi từ một giàn phóng cơ động do Trung Quốc sản xuất, đúng vào dịp Quốc khánh Hoa Kỳ, làm bữa tiệc pháo hoa của ông Trump mất vui và là thách thức cá nhân đối với tổng thống Mỹ, đặt ông vào chân tường. Tổng thống Donald Trump trước đây coi việc phóng hỏa tiễn liên lục địa là "lằn ranh đỏ", nay đành giảm nhẹ sự việc. Ông viết trên Twitter : "Chắc là gã này chẳng có việc gì khác để làm trong đời ?"

Libération nhắc lại, hồi đầu năm khi Kim Jong-un khoe "đang trong giai đoạn cuối cùng trước khi bắn thử nghiệm một hỏa tiễn liên lục địa", đang đêm, tổng thống Mỹ trên Twitter đã khẳng định "điều đó sẽ không xảy ra". Từ đó đến nay, ông Trump tiếp tục viết Twitter, còn Bình Nhưỡng thì vẫn đều đều thử tên lửa.

Theo Le Figaro, thành công này của Bắc Triều Tiên đã cung cấp đạn dược cho phe diều hâu Mỹ, chủ trương "tấn công phòng vệ" bất chấp rủi ro chiến tranh khu vực. Giáo sư Daniel Pinkston thuộc trường đại học Troy cho rằng : "Trên thực tế, không có giải pháp trước mắt. Khả năng can thiệp quân sự là thiếu thực tiễn, vì sẽ dẫn đến việc các căn cứ Mỹ ở Hàn Quốc và Nhật Bản bị trả đũa". Còn Libération nhận định, đối với Seoul, sự kiện này làm suy yếu chủ trương của tân tổng thống Hàn Quốc muốn hòa giải với người anh em phương bắc.

Hỏa tiễn liên lục địa Bắc Triều Tiên thay đổi bàn cờ địa chính trị

Les Echos phân tích các vấn đề địa chính trị đặt ra từ vụ bắn hỏa tiễn liên lục địa của Bình Nhưỡng.

Trước hết, liệu có thể tự vệ trước loại hỏa tiễn này không ?

Câu trả lời là chưa. Các nước cảm thấy bị đe dọa trong những năm gần đây đã triển khai nhiều loại lá chắn tên lửa. Hoa Kỳ lắp đặt nhiều hệ thống THAAD (Terminal High Altitude Area Defense) trên lãnh thổ Mỹ và tại Hàn Quốc. Tuy nhiên, hệ thống này không thể bắn hạ hỏa tiễn liên lục địa, và chỉ chận được các loại tầm ngắn hay tầm trung như Nodong hay Musudan. Quân đội Mỹ và Nhật sở hữu các chiến hạm trang bị hệ thống chống hỏa tiễn đạn đạo Aegis, nhưng chủ yếu nhằm bảo vệ các tàu chiến.

Washington đặt hy vọng vào hệ thống bắn chận GMD (Ground Based Midcourse Defense) vừa phức tạp vừa tốn kém. Phối hợp một mạng lưới gồm radar rất mạnh, vệ tinh và hai giàn phóng, hệ thống này nhận ra ICBM và phóng đi một hỏa tiễn sát thủ EKV (Exoatmospheric Kill Vehicle) để phá hủy ICBM ở độ cao 600 km. Tháng Năm vừa rồi quân đội Mỹ loan báo thử nghiệm thành công GMD, tuy nhiên hệ thống này chỉ có thể đi vào hoạt động trong nhiều năm tới.

Thứ hai, Bình Nhưỡng sở hữu những loại vũ khí nào ?

Khá đầy đủ, khoảng vài chục hỏa tiễn từ loại Scud (tầm bắn 500 km, có thể bắn tới Hàn Quốc) hay Nodong (chỉ trong 7 phút đã bay đến Tokyo), và cả loại Musudan (tầm bắn 2.500 đến 4.000 km), Hwangsong-12 (4.500 km, bắn đến căn cứ Guam của Mỹ). Trong dịp diễu binh kỷ niệm 105 năm sinh nhật Kim Il-sung hồi mùa xuân, các chuyên gia nhận ra nhiều loại hỏa tiễn thế hệ mới. Bị bất ngờ trước vụ bắn Hwasong-14 hôm qua, các nhà chuyên môn cho rằng Bình Nhưỡng sở hữu nhiều loại hỏa tiễn liên lục địa.

Thứ ba, Bắc Triều Tiên có trang bị được đầu đạn nguyên tử cho hỏa tiễn hay không ?

Không chắc lắm, dù Bình Nhưỡng khẳng định điều này. Vụ thử nguyên tử gần đây nhất đạt đến 10 kilotonne, tức tương đương 10.000 tấn TNT. Để so sánh, hai quả bom mà Hoa Kỳ thả xuống nước Nhật trong Đệ nhị Thế chiến có sức mạnh lần lượt là 15 kilotonne (ở Hiroshima) và 17 kilotonne (Nagasaki). Tuy nhiên chưa có bằng chứng nào cho thấy Bình Nhưỡng có thể thu nhỏ được đầu đạn để gắn vào tên lửa, cũng như đủ vững chắc trước độ rung và nhiệt độ trong đường bay xuyên lục địa.

Cuối cùng, liệu có thể ngăn chận được các chương trình đạn đạo và nguyên tử Bắc Triều Tiên hay không ?

Câu trả lời là không. Từ 11 năm qua, đất nước khép kín này đã bị nhiều trừng phạt của Liên Hiệp Quốc hoặc trực tiếp từ các quốc gia. Nhưng bất chấp cấm vận, Bắc Triều Tiên sẵn sàng hy sinh việc phát triển kinh tế và mức sống người dân cho các chương trình vũ khí. Đã có nhiều tiếng nói muốn hòa dịu hơn với Bình Nhưỡng, nhưng chính quyền Trump lo sợ đây là một dạng công nhận tư cách cường quốc nguyên tử cho Bắc Triều Tiên. Gần đây Washington hàm ý khả năng can thiệp quân sự, nhưng tiến bộ kỹ thuật mới nhất của Bình Nhưỡng khiến giải pháp này trở nên đầy bất trắc.

Vì sao không ngăn chặn được hỏa tiễn Bắc Triều Tiên ?

"Vì sao không ngăn chặn được Bắc Triều Tiên ?". Để trả lời câu hỏi này, La Croix đăng tải ý kiến khác nhau của hai chuyên gia.

Nhà nghiên cứu Antoine Bondaz của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược cho rằng, đó là do cộng đồng quốc tế không có được một chiến lược chung, trong khi Bình Nhưỡng rất quyết tâm và có phương pháp. Còn theo nhà sử học chuyên về Triều Tiên Juliette Morillot thì vấn đề là do không hiểu tường tận về Bắc Triều Tiên. Vũ khí nguyên tử là một loại bảo hiểm nhân thọ, bảo đảm cho sự sống còn của chế độ.

Bên cạnh đó, mỗi nước có lợi ích khác nhau. Trung Quốc cần một vùng đệm, nên không sẵn sàng bỏ rơi đồng minh Bình Nhưỡng. Đối với Hoa Kỳ, sự hiện diện của Bắc Triều Tiên là cần thiết, chẳng hạn để duy trì sự hiện diện quân sự trong khu vực mà Bắc Kinh đang vươn lên. Hàn Quốc cũng chẳng mong một nước Triều Tiên thống nhất vì cái giá phải trả quá lớn cho nền kinh tế. Tóm lại, tất cả đều tỏ ra nhập nhằng và chừng như không ai muốn thông cảm cho quan điểm của người khác.

Donald Trump trước bẫy rập chiến tranh

Trong bài viết mang tựa đề "Donald Trump, Tập Cận Bình và chiếc bẫy Thucydide", Le Figaro cho biết cách đây vài tuần, giáo sư khoa học chính trị Graham Allison, giám đốc Belfer Center của trường đại học Havard đã đến thăm Hội đồng An ninh Quốc gia tại Nhà Trắng.

Ông giới thiệu tác phẩm "Chiếc bẫy Thucydide", với những phân tích rút ra từ cuộc chiến Péloponèse giữa Sparte (Sparta, một trong hai cường quốc hùng mạnh nhất lục địa Hy Lạp khoảng 110 năm trước Công nguyên) với Athens cách đây 2.500 năm, để đoán định tương lai quan hệ Mỹ-Trung. Nhà sử học cổ đại Thucydide đã viết : "Chính vì sức mạnh đang lên của Athens và nỗi sợ của Sparte đã khiến chiến tranh không thể tránh khỏi".

Sau khi thấy rằng nỗ lực của Trung Quốc "không hiệu quả", một bộ phận trong ê-kíp ông Trump chủ trương phải cứng rắn hơn. Giọng điệu giữa hai cường quốc bắt đầu gay gắt từ thứ Sáu tuần trước, Bắc Kinh tức tối trước việc Mỹ bán vũ khí cho Đài Loan và trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc có quan hệ với Bắc Triều Tiên.

Giáo sư Allison nhận xét : "Cường quốc đang lên không hề tin tưởng ở cường quốc đang thống trị, và ngược lại". Theo ông, cả Bắc Kinh lẫn Washington đều ý thức về chiếc bẫy mà ông gọi là Thucydide. Nhưng cả hai nhà lãnh đạo Đức và Anh năm 1914 cũng đều ý thức về mối nguy hiểm, tuy nhiên cả hai đều không thể ngồi vào bàn thương lượng để tránh được cuộc chiến.

Tương tự, trong bài xã luận mang tựa đề "Chiếc bẫy Bắc Triều Tiên", Les Echos nhận định một cuộc chiến tranh có thể xảy ra do thiếu ý thức hoặc do căng thẳng lên cao giữa hai lãnh đạo thiếu bình tĩnh.

Từ sau hai quả bom nguyên tử của Mỹ thả xuống Hiroshima và Nagasaki, vũ khí hạt nhân không hề được thế giới sử dụng mà chỉ mang tính răn đe. Nhưng ngày nay, đại cường số một thế giới lại được lãnh đạo bởi một tổng thống có tính khí khó đoán định là Donald Trump. Có nguy cơ ông Trump quyết định tấn công phòng vệ, mà theo tờ báo, như vậy là rơi vào chiếc bẫy của Bình Nhưỡng với việc trả đũa vào Hàn Quốc, trừ phi Bắc Kinh hiểu rằng thời gian không còn nhiều để tránh kịch bản này.

Tàu cao tốc Made in China

Cũng liên quan đến Trung Quốc nhưng trên lãnh vực kinh tế, Libération cho biết "Trung Quốc đã tự sản xuất tàu cao tốc". Sau thất bại cay đắng với "China Star" năm 2006, mạng lưới xe lửa của nước này vừa đón nhận chiếc tàu cao tốc nội địa đầu tiên. Tiến bộ này là kết quả của đòi hỏi chuyển giao kỹ thuật từ phương Tây trong nhiều thập kỷ qua.

Trung Quốc hiện có đến trên 1.000 toa tàu cao tốc, nhiều gấp đôi nước Pháp. Tuy nhiên một số được nhập bằng đường biển từ Nhật, Ý, Đức, số khác dưới dạng bán thành phẩm, được lắp ráp tại các công ty liên doanh ở Hoa lục. Đoàn tàu cao tốc ra mắt lần này có các bộ phận chính như thắng, hệ thống kiểm soát… made in China, nhưng với công nghệ không phải do bản thân Trung Quốc sáng tạo ra.

Các nhà sản xuất ngoại quốc muốn vào được thị trường Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ cụ thể, đào tạo các kỹ sư tại chỗ. Trong thập niên 80, tập đoàn Alstom của Pháp đã bán các đầu máy diesel cho Trung Quốc, rồi sau đó bị sao chép lại ngay tại các xưởng sản xuất ở Hoa lục.

Tập đoàn CRRC của Bắc Kinh dù có công suất lớn nhất thế giới, nhưng chỉ xuất khẩu được có 8%. Ngay cả tại những nước bạn bè, cũng gặp phải trở ngại. Tại Thái Lan, dự án Bangkok-Nakhon Ratchasima đến cuối năm nay mới khởi động được ; còn tại Mexico, tổng thống đành phải từ bỏ dự án tuyến đường cao tốc nối với Querétaro định giao CRRC, vì vấp phải phản ứng của Quốc hội.

Như thường lệ, lễ khai trương đoàn tàu cao tốc đầu tiên sản xuất trong nước được tổ chức rất tưng bừng - nhiều ống kính truyền hình theo sát và những dải băng cùng với bông hoa to màu đỏ rực trước mũi tàu.

Chiếc tàu mang tên "Phục Hưng" - mang hơi hướng chủ trương "làm tái sinh Trung Hoa vĩ đại" của Tập Cận Bình – được cho ra đời lúc này không phải là sự tình cờ : vài tháng nữa là đến Đại hội Đảng, ông Tập sẽ được giao "phục vụ" thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa.

Thụy My

Published in Quốc tế

Miến Điện : Nobel hòa bình Aung San Suu Kyi không cứu được người Rohingya

Xung đột giữa quân đội Miến Điện và sắc tộc thiểu số Rohingya theo đạo Hồi giáo gia tăng cường độ trong những ngày qua tại bang Rakhine, phía tây Miến Điện. 104 người bị thiệt mạng và hơn 3 000 người Rohingya phải chạy lánh nạn. Đề tài này được nhiều báo Pháp (29/08/2017) đề cập đến. Hầu hết các báo nhận định cuộc khủng hoảng sắc tộc này ngày càng làm lu mờ hình ảnh giải Nobel hòa bình Aung San Suu Kyi.

aung1

Aung San Suu Kyi bị chỉ trích thiếu lòng trắc ẩn trước thảm cảnh của người Rohingya. Reuters/Simon Lewis

"Cuộc tấn công du kích của người Rohingya tại Miến Điện", "Người Rohingya ồ ạt chạy trốn chiến sự" hay như "Người Rohingya bị giam hãm giữa Bangladesh và Miến Điện" là tựa đề các bài viết trên Le Monde, Le Figaro La Croix.

Trong bối cảnh đó, người trên thực tế đứng đầu bộ máy hành pháp tại Miến Điện, bà Aung San Suu Kyi, vẫn tiếp tục có lập trường không rõ ràng. Trong bài nhận định có tựa đề "Tại Miến Điện, Nobel hòa bình Aung San Suu Kyi trong tình thế bó buộc", Libération lấy làm khó hiểu về những tuyên bố mà bà liên tiếp đưa ra trong hai ngày Chủ Nhật (27/08) và thứ Hai (28/08), từ cáo buộc các nhà hoạt động nhân đạo quốc tế đã giúp đỡ những "kẻ khủng bố cực đoan" vây hãm một ngôi làng ở bang Rakhine cho đến việc tố cáo những kẻ khủng bố đã sử dụng trẻ em làm chiến binh, chống lại lực lượng an ninh và những kẻ khủng bố đốt phá làng mạc của các sắc dân thiểu số.

Trước những cáo buộc không có bằng chứng, Libération cho rằng bà Aung San Suu Kyi đã không thận trọng và đang nhắc lại lập luận tuyên truyền của quân đội Miến Điện. Trong khi đó, chính quân đội nước này bị tố cáo là có những vụ sách nhiễu, tiến hành các "chiến dịch thanh lọc sắc tộc" tại thành phố Buthidaung và Maungdaw ở bang Rakhine.

Tờ báo nhắc lại trước đó bà Aung San Suu Kyi từng có thái độ khó hiểu này. Khi Liên Hiệp Quốc vào tháng 2/2017 cáo buộc quân đội Miến Điện rất có thể đã phạm các tội ác chống nhân loại, như hãm hiếp, hành quyết không qua xét xử, đốt phá làng mạc…, bà Aung San Suu Kyi trong tháng 4/2017 lại khẳng định không hề có chuyện "thanh lọc sắc tộc" tại bang Rakhine.

Thái độ lập lờ đó không khỏi khiến người ta nghĩ rằng giải Nobel hòa bình dường như không quan tâm đến số phận các thường dân thường xuyên phải hứng chịu các đợt nã pháo dồn dập của quân đội Miến Điện và sống trong những điều kiện như địa ngục, không được hưởng những quyền cơ bản của con người.

Làm sao có thể giải thích nổi thái độ "thiếu dũng cảm, thiếu nhân bản và không có lòng trắc ẩn" của bà Aung San Suu Kyi, như các giải Nobel hòa bình đã nêu ra trong một bức thư công bố hồi tháng 12 năm ngoái ? Họ lấy làm tiếc là bà Aung San Suu Kyi đã "không hề đưa ra sáng kiến nào để bảo đảm các quyền đầy đủ cho người Rohingya".

Theo giải thích của nhật báo, dù rằng bà Aung San Suu Kyi đã lên nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 2015, nhưng bà lại ở trong tình thế tế nhị trong quan hệ với bên quân đội vì phe này mặc nhiên kiểm soát 25% số ghế tại Quốc hội và nắm giữ ba bộ chủ chốt. Chính quân đội đã lôi kéo bà vào trong tiến trình chuyển tiếp, qua đó, buộc bà phải chia sẻ trách nhiệm, đồng thời có thể gây áp lực và kiểm soát giải Nobel hòa bình.

Mặt khác, vẫn theo Libération, bà Aung San Suu Kyi không hề là một người chống quân đội, mà luôn tỏ ra khâm phục quân đội được coi là định chế duy nhất bảo đảm sự thống nhất đất nước.

Aung San Suu Kyi thuộc sắc tộc Bamar – thường gọi là Miến – chiếm đa số tại Miến Điện, theo đạo Phật. Sắc tộc này thường xuyên cảm thấy bị đe dọa trước các lực lượng nổi dậy thuộc các sắc dân thiểu số. Do vậy, bà Aung San Suu Kyi phải sống thỏa hiệp với một xã hội luôn được thôi thúc bởi lòng tự hào dân tộc và tinh thần này có thể dẫn đến thái độ bài Hồi giáo, chống sắc tộc Rohingya.

Căng thẳng Doklam : New Dehli nhượng bộ Bắc Kinh ?

"Căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc trên dãy Himalaya đến hồi kết" là ghi nhận của nhật báo kinh tế Les Echos. Xung đột trên cao nguyên Doklam giữa Ấn Độ và Trung Quốc có vẻ như đã được giải quyết.

Báo chí Ấn Độ ngày hôm qua (28/08) dẫn thông cáo Bộ Ngoại giao cho hay thông qua đối thoại ngoại giao, hai bên đã đồng ý "nhanh chóng rút quân ra khỏi cao nguyên và tiến trình này đang diễn ra". Tuy nhiên, Les Echos nhận thấy sự việc lại được báo chí Trung Quốc diễn giải theo một cách khác. Ngoài việc hoan nghênh Ấn Độ đơn phương rút quân, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định quân đội nước này vẫn tiếp tục tuần tra tại khu vực trên.

Tờ báo nhắc lại căng thẳng đã bùng lên tại Doklam, vùng biên giới giữa ba nước Trung Quốc, Ấn Độ và Bhutan hồi trung tuần tháng 6/2017. Ấn Độ đã đưa quân đến khu vực trên theo lời yêu cầu của Bhutan, sau việc Trung Quốc cho tiến hành xây đường tại đây.

Việc nắm được kiểm soát vùng cao nguyên Doklam là thiết yếu cho Ấn Độ, cho phép nước này được ưu tiên đi vào cửa ngỏ hành lang Siliguri, hay còn được gọi là vùng "cổ gà" do vị trí địa hình hiểm trở, ngăn cách Ấn Độ với các bang phía Đông Bắc của nước này.

Les Echos nghi ngờ đặt câu hỏi : Liệu những tuyên bố mới đây có giúp giải quyết được xung đột hay không ? Những thông báo này được đưa ra vào đúng thời điểm quan trọng cho cả hai cường quốc Châu Á. Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi sắp tới phải đến Trung Quốc nhân kỳ thượng đỉnh các nước thành viên trong khối BRICS.

Châu Á và các nước Ả Rập : Thị trường vũ khí tiềm năng của Nga

Trên lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, Les Echos có bài viết đề tựa "Moskva ráo riết tìm kiếm thị trường quân sự mới", liên quan đến hội chợ vũ khí ARMIA 2017 mở ra hồi tuần trước ở một vùng ngoại ô của Moskva.

Trong ấn bản hội chợ lần 3 này, ARMIA 2017 đang tìm cách mở rộng thị trường truyền thống ngoài Ấn Độ nhắm vào các nước Châu Á mới trỗi dậy, vốn dĩ cho rằng "công nghệ vũ khí Nga là khả tín và giá cả hợp lý".

Hiện tại, Nga là quốc gia xuất khẩu vũ khí đứng hàng thứ hai trên thế giới, sau Hoa Kỳ. Trong năm 2016, bất chấp việc bị phương Tây cô lập kể từ khi bùng nổ khủng hoảng ở Ukraine, Nga đã bán vũ khí cho hơn 50 nước thu về 15 tỷ đô la theo con số do điện Kremlin đưa ra.

Les Echos cho rằng chính việc can thiệp quân sự vào Syria đã cho phép Nga phô bày tính năng các loại vũ khí của mình. Với ARMIA 2017 lần này, Nga muốn nhắm đến một thị trường tiềm năng khác, đó là các quốc gia Ả Rập hay như Thổ Nhĩ Kỳ, những khách hàng truyền thống của Hoa Kỳ. Một số cuộc thương lượng kín giữa các này với Nga đang diễn ra. Đương nhiên, những thương vụ này cũng đang làm cho Washington bực bội "nghiến răng kèn kẹt".

Sau Thế Vận Hội là Hội Thao Quân Sự

Cũng liên quan đến Nga, Les Echos chú ý đến "Hội Thao Quân Sự, một dạng thế vận hội theo kiểu của điện Kremlin" : 4.000 quân nhân đến từ 28 quốc gia phải tranh tài các môn : đổ bộ từ trực thăng, điều khiển chiến đấu cơ, đi bộ 5 km theo địa bàn, tác chiến thủy lục phối hợp, leo núi Elbrouz và có cả thi "nấu bếp dã chiến"… tổng cộng là 30 môn tranh tài.

Cuộc tranh tài này kéo dài trong vòng hai tuần từ ngày 29/07 cho đến hết ngày 12/08/2017. Đây là lần thứ ba nước Nga tổ chức kỳ đại hội thể thao này. Hội thao quân sự cũng có lễ khai mạc và bế mạc, chào mừng 150 đội tham gia tranh tài.

Trong số 28 nước tham gia năm nay, có 9 quốc gia mới : Bangladesh, Lào, Thái Lan, Uzbekistan, Nam Phi, Uganda, Morocco, Israel và Syria và đương nhiên không có một nước phương Tây nào tham dự.

Thổ Nhĩ Kỳ thật sự muốn chuyển hướng sang Đông ?

Sau thất bại của các cuộc đàm phán về việc gia nhập Liên Hiệp Châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ giờ đây hướng nhìn sang phía Đông và tìm kiếm các đối tác mới, nhưng không từ bỏ hẳn các đồng minh truyền thống. Libération tóm tắt tình trạng này qua bài "Thổ Nhĩ Kỳ lửng lơ giữa hai chính sách đối ngoại".

Cánh cửa gia nhập Liên Hiệp Châu Âu gần như khép hẳn với Thổ Nhĩ Kỳ, sau 12 năm đàm phán nhưng không mang lại kết quả. Ngày 24/08 vừa qua, ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel đã nói thẳng : Rõ ràng là trong tình hình hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ trở thành thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Không phải vì Châu Âu không muốn, mà bởi vì chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và tổng thống Erdogan đã nhanh chóng xa rời những gì mà Châu Âu bảo vệ, đặc biệt là sau vụ đảo chính hụt ngày 15/07/2016 và nhiều vụ vi phạm các quyền tự do cơ bản.

Vào lúc tiến trình gia nhập bế tắc, các tranh cãi ngoại giao ngày càng nhiều giữa Liên Hiệp Châu Âu và Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống Recep Erdogan giờ muốn nhòm sang hướng Đông và Tổ Chức Hợp Tác Thượng Hải - OCS, do Nga và Trung Quốc dẫn đầu. Nhiều cuộc thảo luận về việc Ankara gia nhập OCS đã được tiến hành nhưng chưa có kết quả.

Thế nhưng, theo giới chuyên gia, thì đây là một dự án ảo tưởng và đó không phải là một giải pháp đối với Thổ Nhĩ Kỳ do mối quan hệ tùy thuộc lẫn nhau giữa Ankara và Bruxelles : Liên Hiệp Châu Âu tiếp nhận 50% tổng xuất khẩu Thổ Nhĩ Kỳ và thực hiện 70% tổng đầu tư trực tiếp tại Thổ Nhĩ Kỳ. Về mặt an ninh, Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường hợp tác với Nga và Iran, đặc biệt trong hồ sơ Syria.

Thế nhưng, giới phân tích tỏ ra thận trọng và cho rằng qua các động thái nói trên, Thổ Nhĩ Kỳ muốn gửi tới các đối tác truyền thống, đặc biệt là Hoa Kỳ, những thông điệp bày tỏ sự bất bình, hẫng hụt. Đó không phải là một sự đổi hướng chiến lược mà chỉ là những hoạt động hợp tác mang tính thực dụng và nhất thời.

Samsung : Tai họa giáng xuống đầu cháu chắt

Phải chăng kế thừa tài sản gia đình cũng như nghề nghiệp hay sự nghiệp chính trị không bao giờ qua được đời thứ ba ? Có câu nói rằng "Đời ông khởi dựng, đời cha phát triển và đời con tàn phá". Le Monde đặt câu hỏi phải chăng ngạn ngữ này giờ đang ứng dụng cho tập đoàn Samsung ?

Lee Jae-yong, 49 tuổi và là cháu của nhà khai sáng tập đoàn vừa bị kết án 5 năm tù giam vì tội tham nhũng. Đương nhiên giờ khó có thể khẳng định được người này đã làm mất danh dự cha mình. Chưa bao giờ Samsung lại hưng thịnh như lúc này. Trong quý 3 vừa qua, doanh thu của tập đoàn đã đạt gần 10 tỷ đô la, trở thành doanh nghiệp có lợi nhuận cao nhất trên thế giới, qua mặt cả Apple trong lĩnh vực công nghệ nhờ vào điện thoại thông minh và các con chip điện tử.

Thế nhưng bản thân người ông cũng khó có thể rao giảng đạo đức cho hàng con cháu vì người sáng lập Samsung đã từng bị kết án tù vì tội tham nhũng, nhưng sau đó đã được tổng thống ân xá do những "công trạng" đóng góp cho đất nước.

Tuy nhiên, Le Monde cho rằng điều này có lẽ sẽ không diễn ra với đứa cháu Lee Jae-yong. Tổng thống Moon Jae-in lần này quyết định giữ vững các cam kết tiệt trừ tệ nạn tham nhũng mà Samsung là trung tâm của vụ tai tiếng, dẫn đến việc bà tổng thống Park Geun-hye bị phế truất.

Nhưng chính vì để củng cố vương triều Samsung, thống lĩnh trong 60 ngành nghề, từ đóng tầu thuyền cho đến xây cầu đường, đi qua cả bảo hiểm và điện tử, tập đoàn tặng không biết bao nhiêu món quà cho các lãnh đạo chính trị. Tiến bộ dân chủ, đòi hỏi của tầng lớp trung lưu mới giờ không thể tách rời với việc thay đổi sâu sắc cách quản lý doanh nghiệp. Do đó, Le Monde cho rằng tai họa mà lớp con cháu đang gánh chịu cũng là một cơ hội tốt để thay đổi chế độ.

Mireille Darc : Tóc vàng tắt nắng

Báo Pháp hôm nay cũng dành nhiều trang để nói về cuộc đời và sự nghiệp điện ảnh của nữ minh tinh Mireille Darc, qua đời ngày hôm qua ở tuổi 79. Le Monde trên trang nhất dành một góc nhỏ thông báo "Mireille Darc qua đời". Les Echos dành một góc nhỏ đăng tấm ảnh nữ minh tinh thời son trẻ nét mặt tươi cười, chạy tựa : "Mireille Darc qua đời ở tuổi 79".

Le Figaro trên trang nhất ưu ái chạy tựa "Mireille Darc, gương mặt sáng ngời của điện ảnh Pháp". Riêng tờ Libération theo thói quen gây sốc, trang nhất đăng tấm ảnh lớn nữ minh tinh trong chiếc áo tắm đen, đứng áp tường phô trương tấm lưng trần thon thả đầy khêu gợi để rồi chạy tít "Mireille Darc thoát y".

Nét đẹp rạng ngời với mái tóc vàng óng, thân hình gợi cảm lẽ dĩ nhiên là những gì người hâm mộ điện ảnh không quên qua những thước phim mà bà đã trải qua. Báo chí Pháp cũng không quên điểm lại những bộ phim đình đám làm nên tên tuổi, đưa hình ảnh của nữ minh tinh đi vào lòng người hâm mộ.

Sắc đẹp thiên thần nhưng cũng rất nhạy cảm, và nhân văn. Rời trang phục điện ảnh, bà thực hiện nhiều bộ phim tài liệu gây xúc động, chứa đậm tình người kể về cuộc sống thường nhật của các tù nhân, những người tu hành, các bệnh nhân ung thư, những phụ nữ hành nghề mãi dâm, những người vô gia cư…

Chính sự tinh tế và lòng tôn trọng con người mà bà xứng đáng được La Croix gọi là "Mireille Darc, người đẹp tóc vàng với hai gương mặt".

Minh Anh

Published in Châu Á

Hội nghị Stockholm báo động : Nước sạch ngày càng hiếm

Các dự án cải cách của chính phủ Pháp đứng trước nhiều thách thức, vào lúc kỳ nghỉ hè kết thúc, năm mới bắt đầu, là chủ đề chính của nhiều nhật báo Pháp hôm nay. Trước hết xin giới thiệu bài "Tình trạng khan hiếm nước ngày càng nghiêm trọng hơn trên hành tinh" trên Les Echos, đăng tải nhân dịp Tuần Lễ Nước Thế Giới, khai mạc hôm qua tại Stockholm, 27/08/2017.

Germany UNICEF Photo of the Year

Nước sạch ngày càng trở nên khan hiếm là mối đe dọa lớn với nhân loại - Ảnh minh họa

Hơn 3.200 chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới tụ về Stockholm để bàn về chủ đề đang ngày càng trở nên nóng bỏng : Nước sạch cho tất cả mọi người. Theo Les Echos, mục tiêu bảo đảm cho toàn nhân loại có được nước sạch từ đây đến năm 2050, theo các mục tiêu phát triển bền vững (ODD), được Liên Hiệp Quốc thông qua, tỏ ra khó đạt.

Hiện tại, còn đến 633 triệu người không có đủ nước dùng, và tình trạng sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn ở khắp nơi trênTrái Đất. Đó là kết luận chủ yếu được rút ra từ rất nhiều nghiên cứu, báo cáo nhân dịp Tuần Lễ Nước Thế Giới ở Stockholm.

Nguyên cớ đầu tiên là do khí hậu Trái Đất bị hâm nóng, các đợt khô hạn ngày càng trở nên thường xuyên. Đến cả một số nơi ở Châu Âu, cụ thể là tại Roma, cũng bắt đầu thiếu nước trong mùa hè này.

Vấn đề thứ hai là việc khí hậu ngày càng trở nên bất thường "đang làm đảo lộn việc phân bổ mưa trên địa cầu". Trong lúc mây ngày càng dày đặc hơn tại các vùng cực, thì tại các vùng xích đạo – như Châu Phi nam sa mạc Sahara, Nam Mỹ - hay Trung Đông mây lại mỏng mảnh hơn. Cũng trong xu hướng khí hậu biến đổi thất thường này, mưa lũ xảy ra "khốc liệt hơn" tại một số vùng, như Bangladesh, với khoảng 6 triệu dân thường xuyên bị nạn lũ đe dọa.

Một vấn đề thứ ba được các chuyên gia chú ý đến là trữ lượng nước trong các mạnh nước ngầm sụt giảm nghiêm trọng. Các mạch nước ngầm chiếm đến 30 % lượng nước dự trữ của hành tinh, tuy nhiên ở khắp nơi, lượng nước được lấy đi vượt quá lượng nước bổ sung nhờ mưa. Dự kiến là tại Ấn Độ, trong 20 năm nữa, có đến 60% mạch nước ngầm sẽ lâm vào tình trạng khan hiếm.

Cùng với tình trạng nguồn nước suy kiệt, nhân loại phải đối mặt với mức tăng dân số vô cùng lớn, thêm 2,3 tỷ người, ở ngưỡng cửa năm 2050, tức hơn 20% so với hiện nay, khiến nhu cầu nước tăng vọt.

Biện pháp hàng đầu : Bảo vệ rừng trên các lưu vực sông

Từ nay đến thứ Sáu (1/9), các chuyên gia tại Stockholm sẽ phải đề ra các biện pháp. Biện pháp được coi có thể làm ngay là "tiết kiệm nước". Riêng tại Hoa Kỳ, mỗi ngày có gần 23 tỉ lít nước bị lãng phí, do hệ thống ống nước bị rò rỉ, theo một nghiên cứu của Americain Water Works Association. Tuy nhiên, chỉ tiết kiệm không đủ, vấn đề là phải nhằm thẳng vào các nguyên nhân chính.

Cụ thể là bảo vệ rừng trên các lưu vực, để bảo đảm chế độ nước được ổn định. Đây là việc cần làm khẩn cấp. Tổ chức bảo vệ rừng Global Forest Watch (GFW) cảnh báo, trong 14 năm gần đây, có đến 22% thảm thực vật của các lưu vực sông lớn bị phá hủy.

Một giải pháp khác, cũng được các chuyên gia đề xuất là lập biểu giá nước sao cho phù hợp với giá thành thực sự của tài nguyên này, đồng thời cổ vũ tiết kiệm. Như vậy, các doanh nghiệp có thể sẽ có động lực để tích cực đầu tư hơn.

Trump kẹt bẫy Afghanistan

Về thời sự quốc tế, Le Monde có bài phân tích về chiến lược của tổng thống Mỹ đối với Afghanistan, sau khi Donald Trump đưa ra kế hoạch mới nhằm giải quyết cuộc xung đột mà Hoa Kỳ đã can dự từ 16 năm nay.

Bài "Donald Trump kẹt bẫy Afghanistan" nhận xét là kế hoạch được cho là mới của tổng thống Mỹ trên thực tế "giống với" kế hoạch của người tiền nhiệm, và "không có dấu hiệu nào cho thấy" là ông Trump sẽ có thể làm được hơn những người tiền nhiệm, với một chiến lược tương tự và ít binh sĩ hơn.

Le Monde phân biệt hai cuộc chiến Afghanistan. Cuộc chiến thứ nhất, của lực lượng Moudjahidine Afghanistan, tiến hành sau vụ 11/09/2001, chống lại quân Taliban và al-Qaeda. Cuộc chiến được coi là chính đáng, và đã giành thắng lợi trong thời gian ngắn, với sự hỗ trợ từ xa của Mỹ. Quân đội Mỹ không tham chiến, không đóng quân tại nước này. Le Monde lên án cuộc chiến Afghanistan thứ hai là một "thảm họa". Cuộc chiến này được khởi sự từ năm 2002, với sự triển khai của lực lượng Mỹ và NATO, tại một đất nước trên thực tế không còn "kẻ thù thực sự", sau khi Bin Laden lẩn trốn.

Theo Le Monde, hiện tại lực lượng Taliban đã chiếm được 60% lãnh thổ Afghanistan, và không gì cho thấy một chiến thắng quân sự là nằm trong tầm tay. Cùng lúc đó xu thế tham gia "thánh chiến" đang gia tăng tại quốc gia này. Tuy nhiên, hiện tại Washington vẫn cho rằng "còn quá sớm" để thương lượng với Taliban.

Bài phân tích của Le Monde nhấn mạnh là tại Afghanistan hiện tại có hai cuộc chiến. Một cuộc nội chiến, mà về nguyên tắc, không liên quan đến người Mỹ, và cuộc chiến du kích chống Mỹ. Nhưng cuộc chiến thứ hai này sẽ không tồn tại, nếu không có người Mỹ.

Một bài học mà theo Le Monde có thể rút ra là : Để chống các lực lượng thánh chiến (trừ phi quân thánh chiến chiếm được các khu vực rộng lớn như tại Syria và Iraq), không cần đến sự hiện diện của quân đội, mà chỉ cần một mạng lưới tình báo và các đơn vị đặc nhiệm hoạt động một cách kín đáo là đủ.

Nếu không hiểu được điều này, ông Trump chắc chắn sẽ là tổng thống Mỹ thứ ba (hậu 11/09) rơi vào chiếc bẫy Afghanistan, chiếc bẫy của "một cuộc chiến không có hồi kết".

Hội nghị các ngân hàng trung ương tại Mỹ : Ưu tiên bảo vệ thành quả

Hội nghị thường niên Jackson Hole, tại tiểu bang Wyoming, của thống đốc ngân hàng trung ương của các cường quốc năm nay vốn là sự kiện rất được giới kinh tế trông đợi. Tuy nhiên, trong hội nghị diễn ra cuối tuần trước, lãnh đạo các ngân hàng lớn tỏ ra rất dè dặt khi nói về tương lai. Theo Les Echos, việc các giám đốc ngân hàng trung ương "im lặng", được coi là chỉ dấu cho việc "duy trì nguyên trạng". Các thị trường coi đây là một tín hiệu tốt đối với đồng euro. Ngay sau đó, đồng euro tăng giá lên 1,19 ăn 1 đô la, giá cao nhất kể từ năm 2015.

Theo Le Figaro, cả giám đốc Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, bà Janet Yellen, và giám đốc Ngân Hàng Trung Ương Châu Âu, ông Mario Draghi, đều tuyên bố trước hội nghị này là họ sẽ không bàn đến vấn đề "chính sách tiền tệ" trong thời gian tới. Lãnh đạo Ngân Hàng Trung Ương Mỹ tập trung vào việc bảo vệ thành quả của cuộc cải cách điều chỉnh lĩnh vực ngân hàng, diễn ra tại Hoa Kỳ cũng như trên quy mô toàn cầu, kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008.

Bà Janet Yellen nhấn mạnh là "mọi điều chỉnh bổ sung" trong lĩnh vực này phải được tiến hành một cách cẩn trọng, và nhằm gia tăng độ dẻo dai của các định chế tài chính lớn. Quan điểm của lãnh đạo ngân hàng Mỹ được nhìn nhận như là một lời cảnh báo nhắm thẳng vào chính sách nới lỏng các quy định về tài chính – ngân hàng, vốn là một ưu tiên của tổng thống Mỹ.

Nhiệm kỳ của đương kim giám đốc Janet Yellen sẽ hết vào tháng 2/2018. Người ta không rõ ông Trump có quyết định để bà Janet Yellen tại vị thêm một nhiệm kỳ nữa hay không.

Brexit : Căng thẳng trước vòng đàm phán thứ ba

Về thời sự Châu Âu, không khí căng thẳng dâng cao giữa Anh Quốc với Liên Hiệp Châu Âu trước ngưỡng cửa vòng đàm phán thứ ba về các thủ tục cho việc Anh chia tay với Bruxelles. Vòng đàm phán khai mạc chiều hôm nay.

Theo Le Figaro, các nhà đàm phán Châu Âu đang gây áp lực để Luân Đôn làm rõ các điều kiện cụ thể của thủ tục "ly dị". Cụ thể là, nhóm 27 nước muốn có được "các tiến bộ đáng kể" trong ba vấn đề lớn : Quyền của các công dân Châu Âu cư trú tại Anh, vấn đề quy chế đặc biệt của Ireland và các quy định về tài chính. Quan điểm của Châu Âu là ba vấn đề này phải được làm rõ trước khi chuyển sang bước đàm phán tiếp theo.

Đứng từ quan điểm của Bruxelles, Luân Đôn hiện đang lúng túng với các tranh luận nội bộ về đường hướng đàm phán, giữa chủ trương Brexit cứng với Brexit mềm, do đó khó đưa ra được các đề xuất cụ thể và rõ ràng như Châu Âu trông đợi.

Le Figaro cho rằng, cho dù nhóm 27 nước "khẳng định như đinh đóng cột" là muốn hoàn tất việc chia tay với Anh trước tháng 3/2019, theo quy định, nhưng cái mốc này tỏ ra ngày càng ít có khả năng trở thành hiện thực.

Sau hè : Tổng thống Pháp trước áp lực gia tăng

Tiêu điểm của nhiều nhật báo Pháp hôm nay là những thách thức sau kỳ nghỉ hè đối với chính phủ, trong bối cảnh tỉ lệ ủng hộ đối với tổng thống Macron sụt giảm mạnh. Từ 62% xuống còn 40% trong vòng ba tháng, theo một thăm dò dư luận, được Le Figaro dẫn lại.

tờ báo phổ thông Le Parisien, trước cuộc họp các bộ trưởng hôm thứ Tư tới, tất cả thành viên chính phủ sẽ họp trước hôm nay để xem xét lại toàn bộ các hồ sơ, đặc biệt là ngân sách cho năm tới 2018, cải cách Luật Lao Động, cải cách hưu trí, đào tạo nghề, trợ giúp nhà ở hay đào tạo đại học. Theo Le Parisien, người dân Pháp hy vọng là đích thân tổng thống Pháp sẽ có "những giải thích rõ ràng" để mọi người hiểu được các định hướng mà ông muốn đưa xã hội đi theo.

Theo tờ báo thiên hữu Le Figaro, đây là lúc tổng thống Macron phải chuyển các mục tiêu đã cam kết thành hành động. Vấn đề là hành động một cách kiên quyết, "không được tìm cách tránh né hay cố gắng làm hài lòng tất cả mọi người". Le Figaro kêu gọi tổng thống Pháp lấy thủ tướng Đức Angela Merkel làm "một tấm gương".

Trong khi đó, tờ báo thiên tả Libération chạy trang nhất hàng tựa : "Macron, phải chăng là một tổng thống của những người giàu ?". Libération khẳng định các quyết định được chính phủ đưa ra trong vài ba tháng trở lại đây nhắc lại câu nói của cố tổng thống Mitterrand, là những người cánh trung – ngụ ý nói đến tổng thống Macron – không thuộc cánh tả, cũng như cánh hữu. Nếu tổng hợp lại cải cách trong các lĩnh vực, có thể thấy những người giàu tựu chung sẽ được hưởng lợi nhiều nhất, đặc biệt là với chính sách thuế của chính phủ.

Vẫn về chủ đề áp lực với tổng thống Macron, Les Echos dẫn lại quan điểm của người phát ngôn chính phủ Pháp, thừa nhận các khó khăn mà chính phủ đang phải đối mặt, tuy nhiên, ông nhấn mạnh, không nên "chỉ" nhìn vào các thăm dò dư luận, để căn cứ vào đó mà điều hành đất nước.

Le Monde thì giới thiệu quan điểm của bộ trưởng Bộ lao động Pháp, bà Muriel Pénicaud, một nhân vật trụ cột của cuộc cải cách bộ Luật Lao Động rất được chú ý. Theo bộ trưởng Pénicaud, cho đến nay dự án cải cách đã "nhận được nhiều đóng góp nhờ phối hợp với các đối tác xã hội", và sẽ hoàn toàn không có nguy cơ "đổ vỡ xã hội" do cải cách.

Trọng Thành

Published in Quốc tế

Trong các sân bay tương lai, hành lý sẽ do người máy thu cất, hành khách sẽ ngồi chờ trong những gian phòng được biến thành vườn cây. Để kiểm tra an ninh, khuôn mặt của họ sẽ được soi bằng máy scan trước khi qua các cửa kiểm tra hải quan... Tất cả các thao tác đều được tự động hóa.

sanbay1

Một góc sân bay quốc tế Changi, Singapore. Pixabay/Cegoh

Những ý tưởng mới như vậy có thể trở thành hiện thực nếu căn cứ vào những tiến bộ công nghệ đang được nhanh chóng áp dụng tại các sân bay hiện nay. Nhờ vậy, thời gian chờ đợi của đoàn người rồng rắn tại các sân bay sẽ trở thành những khoảnh khắc dễ chịu.

Sân bay Changi của Singapore, được đánh giá là một trong số sân bay tốt nhất thế giới hiện nay, dự kiến sẽ triển khai công nghệ nhận dạng khuôn mặt tự động ở nhà ga hàng không mới, khai trương vào cuối năm 2017. Khuôn mặt hành khách sẽ được số hóa lần đầu tiên vào lúc làm thủ tục đăng ký. Quá trình này sẽ giúp hành khách có thể nhanh chóng qua mọi khâu kiểm tra khác (an ninh, xuất-nhập cảnh) mà không cần đến con người.

Tại Hàn Quốc, người máy đã xuất hiện tại một số sân bay lớn, trong đó có sân bay Seoul, Incheon, để làm nhiều việc khác nhau, như vận chuyển hành lý, lau dọn. Còn sân bay mới của Singapore sẽ được trang bị người máy quét dọn.

Máy tự động làm thủ tục đăng ký và in thẻ lên máy bay cũng trở nên phổ biến. Nhiều hành khách đã có thể tự in vé ở nhà hay tại sân bay. Các sân bay đang tìm cách cải thiện hình ảnh để thu hút thêm hành khách trung chuyển. Một số sân bay đưa thêm hệ thống tự làm thủ tục gửi hành lý, giúp hành khách in và dán thẻ lên hành lý của mình sau khi đã nhập thẻ lên máy bay. Sau đó, họ chỉ việc đặt hành lý lên băng chuyền.

Tháng 07/2017, chính phủ Canberra thông báo đầu tư 15,1 triệu euro vào công nghệ nhận diện khuôn mặt, dự định được áp dụng tại các sân bay của Úc. Dubai Airports cũng nghĩ đến việc này.

Châu Âu và Mỹ bị thụt lùi

Các sân bay ở Châu Á-Thái Bình Dương và khu vực Trung Đông đi đầu trong lĩnh vực này, đồng thời cũng cạnh tranh nhau gay gắt, và bỏ xa các đối thủ ở Châu Âu và Hoa Kỳ.

Theo ông Seth Young, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hàng không tại đại học Ohio (Mỹ), đây là "hai khu vực chính tăng cường sáng kiến công nghệ vì cả hai cạnh tranh thực sự để trở thành các cảng hàng không quốc tế". Trong khi đó, theo ông, "Hoa Kỳ và Châu Âu từng đi đầu trong thị trường hàng không trong suốt 75 năm, 100 năm trước đây, nhưng lại rất khó cải tiến cơ sở hạ tầng trên nền móng được xây cách đây 75 năm".

Tuy nhiên, thay đổi cũng đồng nghĩa với thách thức lớn vì cách hoạt động tại sân bay, được áp dụng từ vài thập kỷ, sẽ bị xáo trộn, đồng thời chi phí cải tạo sẽ rất lớn.

Một số sân bay tại Châu Âu và Hoa Kỳ sẵn sàng đầu tư nhiều hơn. Sân bay chính John F. Kennedy ở New York dự tính chi 10 tỉ đô la để cải tạo cơ sở hạ tầng với hy vọng cải thiện danh tiếng.

Tương tự, sân bay Amsterdam-Schipol có tham vọng trở thành sân bay số hóa đầu tiên trên thế giới từ nay đến năm 2019 với công nghệ sinh trắc học và soi hành lý xách tay mà hành khách không cần phải bỏ máy tính xách tay và chất lỏng ra ngoài.

Thu Hằng

Published in Quốc tế

Chính phủ Miến Điện cáo buộc quân nổi dậy Rohingya dùng trẻ em làm lính (RFI, 28/08/2017)

Hôm 28/08/2017, bà Aung San Suu Kyi, người trên thực tế lãnh đạo chính phủ Miến Điện, cáo buộc quân nổi dậy người Rohingya Hồi giáo sử dụng trẻ em làm lính và đốt cháy nhiều ngôi làng.

myanmar1

Lính biên phòng Bangladesh ngăn người Rohingya vượt biên từ Miến Điện qua biên giới tị nạn ngày 27/08/2017. Reuters/Mohammad Ponir Hossain

Trên trang Facebook cá nhân, cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi tố cáo "quân khủng bố" chống lại lực lượng an ninh Miến Điện bằng cách đưa lính trẻ em lên chiến tuyến. Chính quyền Miến Điện khẳng định rằng chính những trẻ em đó đã dùng dao tham gia các vụ tấn công từ thứ Sáu tuần trước (25/08) vào các đồn cảnh sát biên phòng.

Tuy nhiên, theo hãng tin AFP, cần phải thận trọng trước cáo buộc nói trên, bởi vì cho tới nay chính phủ của bà Aung San Suu Kyi vẫn ủng hộ quân đội Miến Điện, trong khi lực lượng này bị các tổ chức nhân quyền quốc tế, như Human Rights Watch, tố cáo là đã phóng hỏa nhiều ngôi làng của người Hồi giáo và phạm nhiều tội ác.

Quân đội Cứu nguy Rohingya Arakan, lực lượng nổi dậy, đã tấn công vào các đồn biên phòng, bác bỏ lời cáo buộc của chính phủ Aung San Suu Kyi. Trên trang Twitter, lực lượng này khẳng định, khi bố ráp các làng của người Hồi giáo, binh lính Miến Điện đã đem theo các "phần tử cực đoan" Phật Giáo, và những người này đã đốt nhiều nhà của dân làng.

Bạo động hiện vẫn tiếp diễn tại bang Rakhine, miền tây Miến Điện, nơi từ nhiều năm qua, tình hình vẫn rất căng thẳng giữa cộng đồng Hồi giáo Rohingya và cộng đồng Phật Giáo. Theo thống kê của cảnh sát, từ thứ Sáu đến nay, các trận giao tranh đã khiến ít nhất 92 người thiệt mạng, trong đó có 12 người bên phía lực lượng an ninh.

Giáo hoàng Francis hôm qua đã bày tỏ tình liên đới và kêu gọi tôn trọng quyền của thiểu số Hồi giáo Rohingya. Hôm nay, tòa thánh Vatican cũng vừa thông báo là giáo hoàng sẽ thăm Miến Điện vào cuối tháng 11 tới, trước khi thăm Bangaldesh.

Thanh Phương

************************

Miến Điện : Thường dân Rohingya kẹt giữa hai làn đạn (RFI, 28/08/2017)

Do chiến sự nổ ra giữa quân nổi dậy với quân đội Miến Điện, hàng ngàn người Hồi giáo Rohingya đang chạy về phía biên giới Bangladesh để lánh nạn. Như vậy là một lần nữa, thường dân của cộng đồng thiểu số này lại bị kẹt giữa hai làn đạn.

myanmar2

Người Rohingya vượt rào biên giới tìm đường chạy nạn sang Bangladesh ngày 27/08/2017. Reuters/Mohammad Ponir Hossain

Hiện có khoảng 1,1 triệu người Rohingya sinh sống tại bang Rakhine và đây vẫn được xem là một trong những cộng đồng thiểu số bị truy bức nặng nề nhất thế giới, nhất là vì họ là những người vô tổ quốc, không được xem là công dân Miến Điện, mà chỉ là người Bengali nhập cư trái phép. Nhưng Bangaldesh thì cũng xem người Rohingya là những người nhập cư trái phép và thường không cho họ sang tị nạn.

Không những thế, thường dân Rohingya còn thường xuyên là mục tiêu trả đũa của quân đội Miến Điện. Tháng 10 năm ngoái, sau cuộc tấn công vào các đồn cảnh sát, mà quân nổi dậy Rohingya bị nghi là thủ phạm, quân đội Miến Điện đã mở các "chiến dịch chống khủng bố" tại bang Rakhine. Binh lính Miến Điện lúc đó bị tố cáo đã gây ra nhiều vụ truy bức sắc tộc, giết người, hãm hiếp và tra tấn đối với thường dân Rohingya.

Lần này cũng vậy, sau cuộc tấn công của quân nổi dậy Rohingya vào các đồn cảnh sát thứ Sáu tuần trước, quân đội Miến Điện, cùng với các phần tử Phật Giáo cực đoan đã bố ráp các ngôi làng Rohingya, đốt cháy nhiều nhà của dân làng, theo lời tố cáo của các tổ chức phi chính phủ.

Trước tình hình đó, hàng ngàn người của cộng đồng thiểu số này trong những ngày qua đã vượt biên chạy sang láng nạn bên nước Bangladesh láng giềng. Khoảng 3000 người đã sang được Bangladesh, nhưng từ hôm qua, lính biên phòng Bangladesh đã đẩy trở lui hàng ngàn người tị nạn Rohingya khác, mặc dù có tin là lính Miến Điện đã bắn vào thường dân vượt biên.

Liên Hiệp Quốc và các tổ chức nhân đạo quốc tế đang nỗ lực cứu trợ cho những người tị nạn Miến Điện, nhưng các tổ chức này đã buộc phải rút một số nhân viên, sau khi chính phủ cho biết họ đang điều tra về sự dính líu của các tổ chức nhân đạo vào cuộc tấn công của quân nổi dậy vào một ngôi làng trong tháng tám.

Vào tuần trước, một ủy ban quốc tế, đứng đầu là cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đã kêu gọi chính quyền Miến Điện nên cho thiểu số Rohingya được hưởng thêm nhiều quyền, nếu không thì có nguy cơ là ngày càng có nhiều người thuộc cộng đồng này trở nên cực đoan. Ủy ban Annan được thành lập vào năm ngoái chính là theo yêu cầu của bà Aung San Suu Kyi.

Báo cáo của ủy ban này đề nghị chính quyền đóng cửa toàn bộ các trại tạm cư, hiện đang có tổng cộng 120 000 người Rohingya tản cư, ở bang Rakhine và cho họ một nơi ở đàng hoàng hơn.

Nhưng trong báo cáo, Ủy ban Kofi Annan đã tránh dùng chữ "Rohingya", một từ vẫn là cấm kỵ ở Miến Điện. Điều này cho thấy là không dễ gì giải quyết được vấn đề Rohingya và như vậy là thường dân của cộng đồng thiểu số này sẽ còn tiếp tục kẹt giữa hai làn đạn.

Thanh Phương

************************

Miến Điện : Nguy cơ nội chiến ở bang miền tây Rakhine (RFI, 27/08/2017)

Bang Rakhine ở phía tây Miến Điện lại rơi vào vòng xoáy bạo lực sau loạt tấn công ngày 25/08/2017 của người nổi dậy Rohingya theo Hồi giáo nhắm vào các trạm cảnh sát Miến Điện. Ít nhất 92 người chết trong các cuộc đụng độ.

myanmar3

Đoàn người Rohingya vượt biên giới sang Banladesh trốn chạy xung đột bạo lực ngày 26/08/2017. Reuters/Mohammad Ponir Hossain

Hàng nghìn người Hồi giáo Rohingya tìm đường trốn khỏi Miến Điện thông qua ngả Bangladesh. Ngày 26/08, lực lượng an ninh Miến Điện gần đồn biên phòng Ghumdhum thậm chí đã nổ súng vào thường dân, khiến 12 người thiệt mạng. Tình hình hiện nay có thể dẫn đến một đợt trấn áp mới của quân đội Miến Điện đối với thường dân người Rohingya.

Thông thông tín viên RFI trong khu vực, Arnaud Dubus, tường trình :

Bạo lực lại nổi lên ở bang Rakhine và bắt đầu giống một cuộc nội chiến nhỏ. Những người Rohingya nổi dậy, được huấn luyện và nhận tài trợ từ nước ngoài, đã tấn công lực lượng an ninh Miến Điện. Lực lượng này buộc phải phản công truy đuổi quân nổi dậy. Cuộc tấn công cũng nhắm vào thường dân thiểu số Hồi giáo Rohingya đang đi lánh nạn.

Cách đây vài hôm, cựu tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Kofi Annan đã trình một bản báo cáo lên ngoại trưởng Miến Điện Aung San Suu Kyi. Trong đó, ông Annan đề xuất trao thêm quyền tự do đi lại cho thường dân Rohingya và đóng cửa các trại tị nạn nơi có khoảng 120.000 người Rohingya sinh sống từ năm 2012.

Trước các đợt bạo động xảy ra trong những ngày qua, bà Aung San Suu Kyi khó có thể phản ứng ngay lập tức, trong khi đó, quân đội mới là người có tiếng nói cuối cùng về hồ sơ Rakhine.

Các cuộc đụng độ gần đây có nguy cơ đẩy mạnh vòng xoáy bạo lực và xâm phạm nhân quyền, trong đó có cả tình trạng hãm hiếp tập thể và sát hại thường dân, như từng xảy ra ở vùng này vào tháng 10/2016 sau những cuộc tấn công đầu tiên của các nhóm nổi dậy Rohingya.

Ngày hôm qua (26/08) quân đội bắn súng cối vào một số nhóm người, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, đang tìm cách vượt biên giới giữa Miến Điện và Bangladesh là một dấu hiệu đầu tiên.

Bangladesh không nhận thêm người Rohingya Miến Điện

Ngày 26/08/2017, chính quyền Dhaka tuyên bố không nhận thêm người Rohingya vào nước này, vì hiện đã có khoảng 400.000 người Miến Điện sống tại Bangladesh. Theo trang Prothom Alo, Bộ Ngoại giao Bangladesh đã triệu ông Aung Myint, quan chức ngoại giao Miến Điện tại Dhaka, để bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về những sự kiện mới diễn ra, đồng thời yêu cầu chính quyền Naypyidaw có những biện pháp chấm dứt nhanh chóng làn sóng người Rohingya tràn sang Bangladesh.

Theo một tổ chức phi chính phủ của Malaysia bảo vệ người Hồi giáo (Malaysia Consultative Council of Islam Organisations, Mapim), Kuala Lumpur và Jakarta nên gây sức ép với chính quyền Miến Điện để ngừng truy bức người Hồi giáo Rohingya.

Cũng trong ngày 26/08, hãng tin AP trích phát biểu của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert, cho biết Hoa Kỳ cũng lên tiếng yêu cầu chính quyền Miến Điện nhanh chóng có những biện pháp nhằm giảm căng thẳng, đồng thời tôn trọng luật pháp và bảo vệ nhân quyền cũng như những quyền tự do cơ bản.

Trước hàng nghìn giáo dân tập trung trên quảng trường Saint-Pierre sáng 27/08, giáo hoàng Francis "cầu nguyện đấng Tối cao cứu giúp" cộng đồng thiểu số Rohingya theo Hồi giáo ở Miến Điện đang bị truy bức và yêu cầu tôn trọng các quyền của họ. Theo báo chí, giáo hoàng Francis có thể đến thăm Miến Điện và Bangladesh vào cuối tháng 11/2017.

Thu Hằng

Published in Châu Á

Trung Quốc và Hồng Kông : Hai lãnh thổ, một chế độ

Thời sự Châu Á tuần lễ cuối tháng 8/2017 rất được tờ báo Anh The Economist chú ý, với tình hình tại Hồng Kông, nhượng địa cũ của Anh đã được trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997. Bắc Kinh đã cam kết tiếp tục duy trì một chế độ tương đối tự do tại vùng lãnh thổ này, theo chủ trương được gọi là "Một đất nước, hai chế độ". Thế nhưng, bản án tù mà tư pháp Hồng Kông vừa ban hành nhắm vào ba thủ lĩnh của phong trào Dù Vàng đã khiến The Economist phải lên tiếng báo động về nguy cơ các quyền tự do mà Bắc Kinh hứa tôn trọng bị xóa bỏ, dẫn đến thực tế là chủ trương Một đất nước, hai chế độ áp dụng cho Hồng Kông sẽ biến thành "Hai lãnh thổ, một chế độ", và đó là chế độ khắc nghiệt của Trung Quốc.

tqhk1

Đoàn biểu tình phản đối án tù nhắm vào ba nhà đấu tranh dân chủ tại Hồng Kông ngày 20/08/2017 - REUTERS/Tyrone Siu

Trong bài viết "Trung Quốc đang đe dọa chế độ nhà nước pháp quyền ở Hồng Kông", The Economist đã nhắc lại vụ ba thủ lĩnh học sinh và sinh viên đấu tranh cho dân chủ Hồng Kông vào năm 2014 đã bị tư pháp Hồng Kông kết án tù giam ngày 17/08, để tỏ ý lo ngại cho tương lai vùng lãnh thổ này, đồng thời phê phán thái độ hầu như dửng dưng của Anh Quốc và cộng đồng Quốc Tế.

Nhắc lại câu nói bất khuất của sinh viên Hoàng Chi Phong gởi qua Twitter ít lâu sau khi anh và hai người bạn bị tuyên án – "Các người có thể giam hãm thân xác, nhưng không thể cầm tù tinh thần của chúng tôi" - tuần báo Anh Quốc ghi nhận phản ứng phẫn nộ của những người ủng hộ ba tù nhân trẻ, với hàng chục ngàn người xuống đường phản đối.

Theo rất nhiều người Hồng Kông, ba thanh niên vừa bị kết án là ba tù nhân chính trị, và sự im lặng của phương Tây, đặc biệt là của Anh Quốc, rất đáng thất vọng.

Theo The Economist, người dân Hồng Kông lo ngại là đúng, vì dù không phải là một nền dân chủ, nhưng đặc khu này cởi mở hơn so với Trung Hoa Lục Địa, và uy tín của Hồng Kông phụ thuộc một phần vào việc nơi này có một hệ thống tư pháp nghiêm ngặt và vô tư. Đó là lý do tại sao rất nhiều người nước ngoài chọn sống và đầu tư ở Hồng Kông và bất kỳ một sự xói mòn nào của nhà nước pháp quyền nào tại đấy cũng đe dọa sự thịnh vượng của Hồng Kông, cũng như uy tín của của Trung Quốc, vốn đã hứa hẹn tôn trọng quyền tự do của Hồng Kông khi thu hồi lãnh thổ từ tay nước Anh vào năm 1997.

Tập Cận Bình muốn bóp nghẹt quyền tự do ở Hồng Kông

Theo The Economist, dưới thời chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Bắc Kinh ngày càng công khai tìm cách bóp nghẹt các tiếng nói bất đồng ở Hồng Kông. Tập Cận Bình đặc biệt bực tức trước những cuộc biểu tình của phong trào Dù Vàng, đòi cho Hồng Kông được nhiều quyền dân chủ hơn. Trung Quốc đã cử mật vụ qua Hồng Kông bắt cóc những nhân vật mà Bắc Kinh không thích, đã thúc đẩy việc tước quyền đại biểu của các nghị sĩ dân chủ, và đã thẳng thừng gây áp lực lên các thẩm phán Hồng Kông.

Tuần báo Anh ghi nhận : Chính do việc chính quyền Hồng Kông kháng cáo mà ba sinh viên trong phong trào Dù Vàng bị kết án tù. Đối với The Economist, việc các thẩm phán khuất phục trước sức ép từ bên ngoài là điều chưa thể xác minh, nhưng không một chút nghi ngờ về việc Bắc Kinh áp lực buộc chính quyền Hồng Kông thúc đẩy các bản án khắc nghiệt hơn. Một cách hết sức vô lý, đảng Cộng Sản Trung Quốc lại coi ba người này là thành phần ly khai nguy hiểm, và bản án tù đối với họ có nghĩa là họ không được ứng cử trong vòng 5 năm.

Tâm lý hoài nghi về các thẩm phán có thể khiến người dân mất lòng tin vào luật pháp và làm cho Hồng Kông dễ bị bất ổn như vào năm 2014, khi vào tháng 11, Nghị Viện do Trung Quốc chuẩn y đã giáng một đòn như búa tạ vào tính chất độc lập của tư pháp Hồng Kông khi muốn tác động lên một phiên xử của tòa án về việc có nên bác bỏ hay không tư cách nghị sĩ của hai nhà lập pháp ủng hộ dân chủ chỉ vì họ không tuyên thệ trung thành với Trung Quốc. Ít lâu sau, hai người này, rồi thêm bốn người khác, trong đó có La Quán Thông, một trong ba người vừa bị án tù, đã bị tước tư cách nghị sĩ.

Trung Quốc cũng muốn Hồng Kông ban hành luật chống nổi loạn và lật đổ. Năm 2003, chính quyền đặc khu đã phải gác qua một bên một dự luật như vậy sau các cuộc biểu tình phản đối của quần chúng. Nếu giờ đây, chính quyền Hồng Kông khôi phục lại ý định đó, thì họ cũng vấp phải phản ứng dữ dội tương tự, bởi vì người dân sẽ sợ rằng luật mới đó có thể được dùng để bắt người phạm tội chính trị, và qua đó biến Hồng Kông tự do thành một thành phố khác của Trung Quốc.

Đảng cộng sản có thể nhún vai xem thường các phản đối vì Trung Quốc vẫn cứ thịnh vượng bất chấp những hành vi côn đồ của họ. Tuy nhiên, vẫn có một cái giá phải trả.

Đối với một đất nước muốn trở thành cường quốc trong một hệ thống toàn cầu dựa trên luật lệ, sự tôn trọng thỏa thuận đảm bảo quyền tự do của Hồng Kông là thước đo quan trọng về uy tín của Trung Quốc. Nhưng hiện tại Bắc Kinh đã bội ước, cho nên thế giới phải lên tiếng.

Hải quân Mỹ : Thêm một tai nạn và nhiều câu hỏi

Tuần báo The Economist cũng chú ý đến tai nạn mà chiến hạm Mỹ USS John S. McCain vừa gặp phải ngoài khơi Singapore và cho rằng nguyên nhân có thể chỉ đơn giản đến từ việc Hải quân Mỹ phải hoạt động quá mức, nên không có thì giờ ôn lại những quy tắc căn bản của công việc thủy thủ.

Có lẽ chính vì thế mà tư lệnh Hải quân Mỹ, đô đốc John Richardson, đã có một quyết định cực kỳ bất thường khi ra lệnh cho toàn bộ hạm đội Mỹ là phải "tạm dừng hoạt động" trong vài ngày để các thủy thủ có thể làm quen trở lại với những điều cơ bản của công việc đi biển.

Đối với The Economist, việc Hải quân Mỹ bị mất trong vài tháng hai tàu khu trục tiền phương, được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis và công tác tại các vùng biển gần Bắc Triều Tiên, quả là không đúng lúc chút nào. Căng thẳng với Bắc Triều Tiên đang dâng cao. Trong trường hợp một cuộc tấn công bằng tên lửa vào cả Nhật Bản lẫn căn cứ Mỹ ở Guam, các tên lửa đánh chặn bắn đi từ các chiếc tàu tuần tra sẽ là một trong những hàng rào phòng ngự đầu tiên.

Giới phân tích cho rằng hạm đội Mỹ gồm 277 chiếc tàu đã phải làm việc quá căng thẳng, đặc biệt là ở vùng Tây Thái Bình Dương, nơi mà sự cạnh tranh Hải quân với Trung Quốc ngày càng có năng lực, đòi hỏi nhịp độ làm việc cao.

Nguyên nhân tai nạn : Làm việc quá mức ?

Các tai nạn xảy ra đối với tàu Mỹ đã gợi lên nhiều câu hỏi về việc liệu có một nguyên nhân chung nào hay không ? Dĩ nhiên là đã có nhiều ý kiến cho rằng có thể là Trung Quốc và Bắc Triều Tiên đã xâm nhập máy tính hoặc hệ thống dẫn đường của tàu Mỹ khiến cho tai nạn xẩy ra, tuy nhiên Hải quân Hoa Kỳ cho biết họ đã không thấy gì có bằng chứng gì về điều này.

Đối với The Economist, có rất nhiều khả năng là nhu cầu hoạt động không ngừng của các tàu triển khai ở tiền phương, cộng thêm với việc ngân sách của Lầu Năm Góc bị thu hẹp trong nhiều năm trời, đã có tác hại như trên. Một báo cáo chính thức năm 2015 cho thấy lực lượng Hải quân sử dụng tàu tuần dương và tàu khu trục đặt căn cứ tại Nhật Bản đã dành đến 67% thời gian cho việc triển khai trên hiện trường, và chỉ 33% cho việc bảo trì.

Điều đó có nghĩa là lực lượng Mỹ không có thời gian để tập luyện. Nếu không có các cuộc tập huấn để nhắc nhở về các "căn bản của nghề thủy thủ" như lời của đô đốc Richardson, thì sẽ không có gì là đáng ngạc nhiên khi hoạt động của thủy thủ Mỹ vướng phải sự lúng túng và một số thói quen xấu.

Trang bìa các tuần báo

Chú ý đến Châu Á, nhưng The Economist đã dành trang bìa cho thời sự cực nóng tại Châu Âu sau các vụ khủng bố tại Tây Ban Nha, mổ xẻ tình trạng cực kỳ phân tán của "Hồi giáo Cực Đoan", để cho rằng thẳng tay đàn áp không phải là giải pháp tốt.

Về thời sự quốc tế, tuần báo Pháp Courrier International có nguyên hồ sơ về tổng thống Mỹ Donald Trump, bị tờ báo cho là đã đứng về phe chủ trương da trắng thượng đẳng, qua đó đào sâu thêm sự chia rẽ trong lòng ước Mỹ.

Còn về thời sự Pháp, nếu L’Express tiếp tục quan tâm đến chính trị, với hồ sơ chính phân tích về sự kiện chỉ số được lòng dân của tân tổng thống Pháp sụt giảm đáng kể, thì L’Obs nêu bật hướng cải tổ giáo dục mà chính quyền Pháp đang chuẩn bị, với bài phỏng vấn tân bộ trưởng Giáo Dục. Riêng Le Point thì chú ý đến một vấn đề xã hội, công bố bảng xếp hạng các bệnh viện Pháp năm 2017.

Điểm tín nhiệm của tổng thống Pháp tuột dốc

Như giới thiệu lúc đầu, tuần báo Pháp L’Express đã dành trang bìa cho đăng một bức ảnh đen trắng, chụp tổng thống Pháp Emmanuel Macron mắt nhìn xuống... một tấm biểu đồ cho thấy điểm tín nhiệm tuột dốc, với hàng tựa "Macron – Vị tổng thống... bình thường".

Tờ báo ghi nhận nghịch lý : Tổng thống Macron không hề phạm phải những sai lầm của một người mới bắt đầu vào nghề, nhưng chỉ số được lòng dân vẫn rơi... Trong cuộc thăm dò ngày 23/07 do viện Ifop thực hiện chẳng hạn, ông bị mất 10 điểm. Đánh giá về 100 ngày làm việc đầu tiên của ông thậm chí còn khắt khe hơn : chỉ có 36% hài lòng, ít hơn nhiều so với François Hollande (46%) vào năm 2012.

Hào quang ban đầu phải chăng đã biến mất ? Theo Arnaud Leroy, một nhân vật thân cận với tổng thống Pháp nhắc lại rằng "Đừng quên là ở vòng đầu cuộc bầu cử tổng thống, Emmanuel Macron chỉ được 24,01%". Tỷ lệ này ít hơn François Hollande (28,63%) và còn ít hơn nhiều so Nicolas Sarkozy (31,18%).

Tóm lại, theo L’Express, "sau khi bay bổng lên trên mọi khuôn khổ của chính trị, Emmanuel Macron đã rơi trở lại xuống cái thế giới cũ mà ông đã chỉ trích rất nhiều".

Tuy nhiên, phóng viên tờ New York Times ở Paris vẫn bái phục một nghệ sĩ tài ba : "Trên trường quốc tế, ông Macron đã làm tất cả mọi người phải ngạc nhiên, đồng hương của ông cũng như người nước ngoài, qua cách tiếp cận khéo léo của ông với hai mối đe dọa chính đối với hòa bình thế giới, Vladimir Putin và Donald Trump. Người kế thừa François Hollande đã thành công trong một công việc mà không ai nghĩ là có thể làm được : Đó là vừa kết thân với ông Trump, vừa khiến những người Mỹ ghét tổng thống của họ phải khâm phục. Ai có thể dự đoán được rằng ông Macron vốn hoàn toàn trái ngược với ông Trump về mọi mặt, lại có thể trở thành tác nhân đối thoại đặc biệt tại lục địa Châu Âu của ông chủ Nhà Trắng ?"

Nước Mỹ hoài nghi về chính mình

Cũng về tổng thống Mỹ Donald Trump, tuần báo Pháp Courrier International trong loạt bài trích dịch nhiều tờ báo Mỹ đã nêu bật phản ứng phẫn nộ trước thái độ thiếu dứt khoát của ông Trump trong vụ Charlottesville. Trong bài xã luận, Courrier International đã không ngần ngại cho rằng : "Người kế nhiệm Barack Obama đã trở thành cơn ác mộng của nước mình, và mỗi tuần trôi qua đều biến thành "tuần lễ tồi tệ nhất" kể từ khi ông nhậm chức".

Tuy nhiên, theo tuần báo Pháp, quy tội ông Trump về tất cả những điều tệ hại đối với nước Mỹ, như một bộ phận báo chí đã làm, là một điều không đúng vì những mâu thuẫn xã hội, tình trạng phân biệt giữa người giàu và người nghèo, người da trắng và các nhóm thiểu số, người thành thị và nông thôn, giới quyền chức và nhân dân đã tồn tại từ lâu...

Ông Trump, theo tuần báo Pháp, đã thắng cử nhờ đã kích động một cách vô trách nhiệm các mối chia rẽ đó, nhưng lại không làm gì để hàn gắn lại sau khi đắc cử. Lời hứa lúc tranh cử đã bay đi, trong lúc hố chia cách trong xã hội tiếp tục sâu rộng thêm.

Courrier International nêu bật hai số liệu : Vào năm 2017 chẳng hạn, theo tính toán của tổ chức Tax Foundation, nhờ vào các biện pháp thuế của ông Donald Trump, lợi tức của nhóm 1% có thu nhập cao nhất sẽ tăng 16%, so với vỏn vẹn 1,9% cho 80% hộ gia đình Hoa Kỳ. Thậm chí, một bản nghiên cứu vào tháng 6 vừa qua do tạp chí Health Affairs công bố, còn cho thấy khoảng cách kỷ lục về tuổi thọ giữa người giàu và người nghèo : 87 tuổi ở bang Colorado (bầu cho Hillary Clinton) và 66 tuổi ở bang South Dakota (nơi ông Trump chiến thắng).

Đối với Courrier International, thay vì la ó sau mỗi tin nhắn Twitter của chủ nhân Nhà Trắng, hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ, nếu muốn được người dân coi trọng, cần cố gắng giảm các vết nứt trong xã hội Mỹ, và xoa dịu một quốc gia đang trong cơn khủng hoảng bản sắc.

Barcelona và Hồi giáo

Các vụ khủng bố ở Tây Ban Nha dĩ nhiên thu hút sự quan tâm của báo giới. Le Point đã dành 12 trang cho hồ sơ này, với hàng tựa sốc "Người giáo sĩ Hồi giáo (imam) muốn Barcelona nổ tung".

Tuần báo Pháp cố trả lời cho các câu hỏi : Làm thế nào mà hai anh em Abouyaaqoub, Younès, 22 tuổi, và Hussein, 17 tuổi, đã đi đến mức tiến hành một vụ tấn công man rợ như vậy ? Nguyên nhân bức bách nào đã thúc đẩy những người Morocco  này nẩy sinh ý định thảm sát hàng trăm người vô tội, trong khi mà họ chủ yếu sinh sống tại vùng Catalunya, hội nhập khá tốt vào xã hội tại chỗ, không gặp khó khăn lớn về tài chính, không có kiến thức về đạo Hồi, không có kinh nghiệm thánh chiến ở Syria hay Iraq ?

Đối với Le Point, tranh luận về sự khác biệt giữa đạo Hồi (Islam) và chủ nghĩa Hồi giáo (islamisme) vẫn tiếp diễn. Và tạp chí Pháp đã nêu lại một quan điểm chỉ trích đạo Hồi và sự ngây thơ của phương Tây đối với tôn giáo này, qua lời nhà văn Tây Ban Nha Arturo Pérez-Reverte.

Đối với tác giả này, Hồi giáo "giống như một tảng đá", trong đó "tách biệt giữa tôn giáo và nhà nước là điều không thể tưởng tượng nổi". Theo nhà văn Tây Ban Nha, đạo Hồi không bao giờ "từ bỏ quyền cai trị tất cả các khía cạnh trong đời sống của tín đồ, không có nhân quyền theo cách hiểu ở Châu Âu, không có tự do cá nhân".

Một FBI Châu Âu ?

Nếu Le Point nói rất dài về các vụ tấn công ở Tây Ban Nha, L’Obs tuần này chỉ có hai trang cho đề tài này, với một bài phỏng vấn ông Gilles de Kerchove, điều phối viên Châu Âu đặc trách chống khủng bố.

Quan chức này "kêu gọi tăng cường quyền lực của Liên Hiệp Châu Âu trong lãnh vực tình báo", rất cần thiết trong cuộc chiến chống khủng bố, nhưng cũng tỉnh táo nhìn nhận rằng việc lập ra một "cơ quan Châu Âu theo kiểu FBI (của Mỹ) không phải là ngày mai".

Các bệnh viện tốt nhất

Le Point đã dành trang bìa và một hồ sơ dầy cộm trải dài trên 64 trang cho bảng xếp hạng các bệnh viện và dưỡng đường y khoa tại Pháp năm 2017, với 1.400 cơ sở đạt tiêu chuẩn, bao trùm 70 chuyên khoa.

Điểm đáng chú ý : Trong top 50 các cơ sở y tế tốt nhất tại Pháp, các bệnh viện "tỉnh" thống trị, còn trên cả Paris. 5 bệnh viện hàng đầu là ở Bordeaux, Toulouse, Lille, Strasbourg và Tours, và phải xuống đến hạng thứ 6 mới thấy bệnh viện đầu tiên ở Paris : La Pitié-Salpétrière.

Đà xuống dốc của Paris, hay nói cách khác là đà vươn lên của các tỉnh còn thể hiện qua yếu tố : La Pitié-Salpétrière là cơ sở duy nhất ở Paris nằm trong top 20.

Trọng Nghĩa

Published in Quốc tế

Ngày 23/08/2017, Hoa Kỳ đã lên án "sự suy thoái của bầu không khí dân chủ tại Cam Bốt", sau khi chính quyền Phnom Penh thi hành các biện pháp cấm đoán đối với báo chí và xã hội dân sự.

cambot1

Logo của Viện Dân Chủ Quốc Gia (National Democratic Institute, NDI). Ảnh minh họa. CC/National Democratic Institute

Trong cuộc họp báo tại Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert tuyên bố rằng thành công của các cuộc bầu cử địa phương gần đây đã bị che khuất bởi những hành động "đáng quan ngại" của chính quyền Cam Bốt cản trở quyền tự do báo chí và công việc của các tổ chức xã hội dân sự.

Ngày 23/08, chính quyền đã ra lệnh đóng cửa một tổ chức phi chính phủ của Mỹ, Viện Dân chủ Quốc gia (NDI), và trục xuất các nhân viên nước ngoài của tổ chức này, với lý do NDI nợ thuế. Trong những tuần qua, các phương tiện truyền thông thân chính phủ vẫn cáo buộc NDI, mà chủ tịch là cựu ngoại trưởng Madelaine Albright, hỗ trợ cho phe đối lập Cam Bốt để tìm cách lật đổ chính quyền Hun Sen.

Trước đó, thủ tướng Hun Sen đã dọa sẽ đình bản nhật báo Cambodia Daily, một trong số ít tờ báo chỉ trích chính quyền, với lý do tờ báo này nợ tiền thuế lên tới 6,3 triệu đô la.

Ngày 23/08, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã kêu gọi chính phủ Phnom Penh cho phép tổ chức NDI, tờ Cambodia Daily, cũng như các phương tiện truyền thông độc lập khác và các tổ chức dân sự được tiếp tục hoạt động "để cho cuộc bầu cử Quốc hội năm 2018 được diễn ra trong một môi trường tự do và cởi mở".

Thanh Phương

Published in Châu Á