Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Ngày 18/05/2017, Trung Quốc thông báo thành công đầu tiên trong việc thu thập được những mẫu khí mêtan hydrat (đôi khi còn được gọi là "đá cháy" hay "băng cháy") ở Biển Đông. Chỉ trong vòng 6 tuần, tính đến đầu tháng 07/2017, hơn 235.000 mét khối mêtan hydrat đã được Trung Quốc khai thác ở vùng biển cách 320 km phía đông nam thành phố Châu Hải (Zhuhai), tỉnh Quảng Đông (Guangdong).

khat1

Khối "đá cháy" được tầu nghiên cứu Đức FS Sonne tìm thấy trong một chuyến thám hiểm ở ngoài khơi Oregon, Mỹ, ở độ sâu 1.200 m. Ảnh minh họa. CC/Wusel007

Kết quả trên được Bắc Kinh đánh giá là "một bước tiến lịch sử" sau gần hai thập kỷ nghiên cứu với nhiều đợt khoan thăm dò trong vùng Biển Đông. Hãng tin AFP, trích phát biểu của ông Hiệp Kiến Lương (Ye Jianliang), giám đốc Cục Khảo sát Địa chất Quảng Châu, đánh giá : "Trung Quốc đã vượt qua mọi mong đợi trong quá trình khảo sát thăm dò "đá cháy" bằng những tiến bộ đổi mới của riêng mình về công nghệ và kỹ thuật. Sự kiện này đánh dấu một bước đột phá lịch sử".

Theo tuyên bố ngày 02/06/2017 của bộ Lãnh Thổ và Tài Nguyên, được Xinhua.net trích dẫn, Trung Quốc sẽ có khoảng 80 tỉ tấn "đá cháy". Khoảng 8.350 mét khối nhiên liệu này vẫn được khai thác hàng ngày ở ngoài khơi đông nam thành phố Châu Hải.

Trung Quốc nằm trong số vài nước có tham vọng khai thác nguồn tài nguyên mới này để đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng. Từ hai thập kỷ nay, quốc gia Đông Á này tăng cường các cuộc thăm dò dưới đáy đại dương để tìm "đá cháy", một loại năng lượng hóa thạch được ưa chuộng vì khí mêtan. Tuy nhiên, để sử dụng được "đá cháy" trên quy mô thế giới, còn cần ít nhất thêm 10 năm nữa.

Thành công của Trung Quốc : Cuộc cách mạng năng lượng hay dự án quảng bá ?

Thành công trong việc khai thác được khí mêtan hydrat vừa qua được Trung Quốc đánh giá là "một bước tiến lịch sử". Thế nhưng, trang Sputnik của Nga đặt câu hỏi liệu thành công này sẽ giúp Bắc Kinh tiến hành một cuộc cách mạng năng lượng hay đó chỉ là một dự án quảng bá ?

Trả lời trang Sputnik, chuyên gia Nga Igor Iouchkov, thuộc Quỹ Quốc gia vì An ninh Năng lượng, cho rằng bước đầu trong quá trình khai thác khí mêtan hydrat có thể là một tiến bộ công nghệ của Trung Quốc trong một lĩnh vực cụ thể, nhưng đó không phải là một cú đột phá lịch sử trong lĩnh vực năng lượng.

Chuyên gia Nga nhấn mạnh : "Trung Quốc thông báo thành công trong bước đầu chiết xuất "đá cháy", nhưng lại im lặng về chi phí cho hoạt động này. Dĩ nhiên, điều này gây thắc mắc, vì vấn đề giá cả của nhiên liệu được khai thác là điều quan trọng. Chỉ có giá, chứ không phải tiêu chí nào khác, cho phép đánh giá hiệu quả thương mại của công nghệ Trung Quốc và xa hơn là viễn cảnh khai thác "đá cháy" nói chung".

Theo chuyên gia Nga, Bắc Kinh hiểu rằng một cuộc cách mạng công nghệ trong lĩnh vực khí mêtan hydrat có thể sẽ tác động hơn đến năng lượng thế giới so với sản xuất khí đá phiến (schiste). Ông Igor Iouchkov nêu lên hai khả năng giải thích cho thông tin về thành công của Trung Quốc được truyền thông đăng tải : Thứ nhất, một thông tin như vậy phù hợp với chính sách của chính quyền Trung Quốc hiện nay. Thứ hai, Bắc Kinh đang bận tâm đến giá khí đốt ở nước ngoài.

Khí mêtan hydrat, nguồn năng lượng của tương lai ?

"Đá cháy" được hình thành từ những phân tử mêtan nằm trong các phân tử nước kết tinh, thường được tìm thấy bên dưới lớp băng vĩnh cửu và tầng địa chất sâu dưới lòng đại dương. Tuy nhiên, quy trình khai thác loại năng lượng này khó khăn và rất tốn kém.

Khí mêtan được chiết xuất bằng cách nâng nhiệt độ, hoặc giảm áp lực, để phân giải các hydrat thành khí và nước. Theo đánh giá của Bộ Năng Lượng Hoa Kỳ, 1 mét khối mêtan hydrat có thể tỏa 164 mét khối khí mêtan và 0,8 mét khối nước.

Hiện vẫn chưa có số liệu thống kê cụ thể về trữ lượng mêtan hydrat trên toàn thế giới. Tuy nhiên, theo Hoa Kỳ, trữ lượng loại khí này có thể lớn hơn cả "khối lượng của tất cả các nguồn năng lượng hóa thạch đã được biết" (như dầu hỏa, than đá…).

Các nhà nghiên cứu độc lập thì tỏ ra ngập ngừng trong việc đưa ra số liệu về quy mô của các mỏ "đá cháy". Nhưng theo họ, số lượng các mỏ này rất lớn và có thể "làm thay đổi cán cân" đối với các nước có trữ lượng hạn chế về năng lượng hóa thạch truyền thống.

Giảng viên Ingo Pecher, thuộc phân khoa Khoa Học, đại học Auckland, Úc, nêu trường hợp điển hình của Nhật Bản : "Họ không có nhiều khí đốt và đối với họ, loại khí này có thể là một nguồn dự trữ quan trọng". Quần đảo Nhật Bản bị lệ thuộc vào nhập khẩu khí đốt hóa lỏng tự nhiên, vì phần lớn các nhà máy điện nguyên tử của nước này vẫn đang ngừng hoạt động từ sáu năm nay, sau thảm họa Fukushima.

Tiềm năng rất lớn

"Đá cháy" được phát hiện trên khắp thế giới, từ New Zealand đến Alaska, nhưng thách thức chính là phải tìm được những mỏ tập trung và có thể thâm nhập được.

Rất nhiều nước có tham vọng khai thác được khí mêtan hydrat. Nhật Bản thông báo thành công trong việc khoan thăm dò ngoài khơi phía đông nước này. Hoa Kỳ cũng đạt được kết quả khả quan trong những lần khoan thử ở vịnh Mexico.

Nhưng để sản xuất một cách khả thi về mặt kinh tế thì sẽ còn cần "khoảng 10 năm", theo ước tính của ông Paul Duerlo, tổng giám đốc văn phòng cố vấn Boston Consulting Group, trụ sở tại Tokyo, Nhật Bản. Còn theo thẩm định của giới chuyên gia Trung Quốc, loại đá cháy có thể trở thành một nguồn năng lượng sinh lợi "trong khoảng những năm 2030".

Ông Duterlo giải thích : "Người ta biết các mỏ năng lượng này nằm ở đâu, người ta có công nghệ cần thiết, nhưng mức sản xuất từ các giếng này vẫn còn chưa khả thi về mặt thương mại do giá thành hiện nay".

Một thách thức khác trong việc chiết xuất, đó là loại khí mêtan cũng có thể gây hiệu ứng nhà kính, theo giải thích của giáo sư An Khắc (Yuan Xu), thuộc khoa Địa lý và Quản lý nguồn tài nguyên, đại học Hồng Kông. Dẫu sao, vẫn theo giáo sư An Khắc, loại nhiên liệu này vẫn là "tiềm năng lớn" nếu vượt qua được mọi cản trở về tài chính và công nghệ.

RFI tiếng Việt 

Published in Châu Á

Donald Trump và trò may rủi trong chính sách đối ngoại

Tính khí khó lường của Donald Trump đe dọa thế giới. Tầm nhìn chiến lược của ông không vượt quá khuôn khổ một nền "ngoại giao theo kiểu giao dịch", mà ở đó lợi ích của Hoa Kỳ luôn được đặt lên trên hàng đầu. Trên trang nhất, Les Echos (04/07/2017) khẳng định "Trump, một mối đe dọa cho thế giới".

may1

Tổng thống Mỹ Donald Trump trong buổi tiếp tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại Nhà Trắng, Washington, ngày 30/06/2017. REUTERS/Jim Bourg

Vì sao ? Ông Jacques Hubert-Rodière, cây bút xã luận về quan hệ quốc tế, trong bài phân tích đề tựa : "Trump và trò may rủi trong đối ngoại", cho rằng lên cầm quyền từ 6 tháng nay, nhưng vẫn chưa có ai đoán được chính sách đối ngoại của Donald Trump là gì.

Quả thật, trong sáu tháng qua, kể từ khi lên cầm quyền, tổng thống Donald Trump đã có những chính sách đối ngoại hoàn toàn khác hẳn với những người tiền nhiệm. Ông thực hiện một đường lối ngoại giao gần như theo kiểu "giao dịch" nhằm phục vụ cho mục tiêu chính "nước Mỹ trước hết" và làm thế nào đạt được tối đa các lợi ích từ những đối tác với các "thỏa thuận tốt nhất có thể".

Nhưng bên cạnh đó, người ta cũng có cảm giác tổng thống Mỹ đang đi theo một đường lối zigzag trên nhiều hồ sơ quốc tế. Ông có thái độ quay ngoắt so với những cam kết ban đầu đưa trong suốt cuộc vận động tranh cử từ mối quan hệ với Nga, trao đổi mậu dịch với Trung Quốc, hồ sơ khủng hoảng Syria hay như với NATO…

Chuyên gia Laurence Nardon, phụ trách chương trình Bắc Mỹ, Học Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp (Ifri), đặt câu hỏi : "Liệu ông Trump có một tư duy chặt chẽ hay không ?". Thật khó mà tiên đoán được ngày mai mối quan hệ giữa Donald Trump với Vladimir Putin sẽ ra sao trong khi mà điều tra về sự thông đồng giữa những người thân cận của ông Trump với Nga chỉ mới được bắt đầu.

Hiện tại, Donald Trump dường như không mấy bận tâm đến việc định hình chính sách đối ngoại, chỉ quan tâm nhiều đến vụ tai tiếng "Russiagate" và cho chính bản thân nước Mỹ. Do vậy, người ta không khỏi thắc mắc ai đang dẫn dắt chính sách ngoại giao nước Mỹ.

Bộ trưởng Quốc Phòng James Mattis và Bộ trưởng ngoại giao Rex Tillerson ? Đại sứ Mỹ bên cạnh Liên Hiệp Quốc Nikki Haley ? Hay cố vấn riêng Steve Bannon ?

Đương nhiên, trong vòng sáu tháng, ông Donald Trump đưa ra hai trục đối ngoại chính : chống khủng bố và Iran. Đến mức tham gia cùng với Saudi Arabia và các nước Vùng Vịnh cô lập Qatar nhưng theo một cách mơ hồ và khó hiểu. Bởi vì, không những Hoa Kỳ có một căn cứ quân sự tại Qatar mà còn vội vã bán vũ khí cho tiểu quốc Ả Rập này, mà Mỹ cáo buộc ủng hộ khủng bố.

Thái độ kiên quyết phá tan những di sản của người tiền nhiệm Barack Obama là một điểm khó hiểu khác. Từ việc ông lên án Hiệp Ước Khí Hậu Paris, cho đến việc đòi thương lượng lại thỏa thuận hạt nhân với Iran, hay như hủy bỏ chính sách mở cửa đối với Cuba…

Nhưng có lẽ điều khó hiểu lớn nhất chính là bản thân Donald Trump, và tính chất khó lường của ông. Cựu đại sứ Mỹ tại NATO, ông Ivo Daadler khẳng định : "Rủi ro xảy ra tai nạn và leo thang bất ngờ dẫn đến chiến tranh kể từ giờ ở mức cao nhất từ nhiều thập niên nay, không chỉ ở Châu Âu mà cả Trung Đông và Châu Á". Chuyên gia Laurence Nardon lưu ý, quan hệ căng thẳng với Bắc Triều Tiên rất có thể suy biến trong trường hợp Donald Trump cố tìm cách lấp liếm vụ "Russiagate".

Bài viết kết luận Donald Trump đang tạo cảm giác thúc ép thế giới chơi trò may rủi mà ở đó điều có thể đoán trước được chính là tính khí khó lường của ông.

Bắc Kinh - Washington : Cơm không lành, canh chẳng ngọt

Cũng trong lĩnh vực đối ngoại, nhưng cụ thể là quan hệ Mỹ - Trung. Báo La Croix có bài giải thích vì sao "Tuần trăng mật giữa Bắc Kinh và Washington đã chấm dứt" dưới dạng ba câu hỏi.

* Trước hết, điều gì đang làm Bắc Kinh tức giận ?

Đó là việc Mỹ điều khu trục hạm USS Stethem đi sát đảo Tri Tôn, trong vùng 12 hải lý, thuộc quần đảo Hoàng Sa. Hành động này thể hiện việc Mỹ không thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc tại đây. Bộ ngoại giao Trung Quốc, ngày 03/07, tố cáo đó là một hành động khiêu khích nghiêm trọng về chính trị và quân sự. Đây là lần thứ hai, kể từ khi Donald Trump vào Nhà Trắng, Hoa Kỳ đã cho tầu chiến đi vào vùng biển đang có tranh chấp mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố có chủ quyền.

* Vậy cội nguồn của việc Mỹ thay đổi thái độ phũ phàng với Trung Quốc là gì ?

Hồi tháng Tư, Donald Trump đã nồng nhiệt đón tiếp Tập Cận Bình tại Florida. Nguyên thủ Trung Quốc trở thành người bạn tuyệt vời của tổng thống Mỹ vì lúc đó, ông Trump cần Bắc Kinh gây sức ép với Bắc Triều Tiên trong hồ sơ nguyên tử.

Thế nhưng, trong thời gian qua, Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục bắn thử tên lửa và tổng thống Mỹ không còn kiên nhẫn nữa. Tuần trước, Donald Trump cho rằng các nỗ lực của Trung Quốc không có kết quả và Bắc Kinh không muốn bỏ rơi Bình Nhưỡng. Và ngay sau đó, chủ nhân Nhà Trắng tiến hành tấn công ngoại giao, kể cả trong các hồ sơ nhậy cảm nhất đối với Trung Quốc.

* Vậy Mỹ đang tấn công Trung Quốc trên những vấn đề gì ?

Trước tiên, trong vấn đề nhân quyền. Ngày 28/06 vừa qua, Hoa Kỳ xếp Trung Quốc trong danh sách đen về tệ nạn buôn người, ngang hàng với Syria, Bắc Triều Tiên. Đối với Bắc Kinh, những nhận định này của Washington là "vô trách nhiệm".

Sang ngày 29/06, Hoa Kỳ lại bày tỏ quan ngại về tình trạng vi phạm nhân quyền và tự do báo chí tại Hồng Kông vào lúc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới đây để kỷ niệm 20 năm ngày lãnh thổ tô nhượng này được trao trả cho Trung Quốc.

Nghiêm trọng hơn, ngày 30/06, Donald Trump cho phép bán 1,3 tỷ đô la vũ khí cho Đài Loan. Và cuối cùng, Washington thông báo trừng phạt một ngân hàng Trung Quốc vì có những giao dịch bất hợp pháp với Bắc Triều Tiên.

Như vậy, thời kỳ trăng mật giữa Mỹ và Trung Quốc đã chấm dứt và theo lời Robert Daly, giám đốc Học viện Kissinger tại Washington, được La Croix trích dẫn thì Mỹ quay trở lại chính sách truyền thống chống Trung Quốc, nhưng chính sách này giờ đây bất ổn một cách nguy hiểm.

Cùng chủ đề này, báo Le Figaro có bài "Bắc Kinh tức tối vì những hành động khiêu khích của Washington". Theo tờ báo, sau một thời kỳ yên ả, giờ đây, quan hệ giữa hai siêu cường lại căng thẳng trong cuộc chạy đua làm bá chủ thế giới.

Trung Quốc và Hoa Kỳ đối lập với nhau trên nhiều hồ sơ. Tuy nhiên, ít có khả năng xẩy ra một cuộc khủng hoảng lớn, nghiêm trọng giữa hai nước vì Bắc Kinh và Washington đều phụ thuộc vào nhau trong lĩnh vực kinh tế.

Hồ sơ Bắc Triều Tiên : Nga - Trung có đồng nhịp ?

Về quan hệ Trung-Nga, báo Les Echos có bài : "G20 : Trung Quốc tìm kiếm sự ủng hộ của Nga trong hồ sơ Bắc Triều Tiên". Hôm qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt đầu chuyến công du cấp Nhà nước tại Nga, trước khi tham dự thượng đỉnh G20 vào cuối tuần này tại Hambourg, Đức.

Đây là lần thứ sáu, Tập Cận Bình sang Nga với tư cách chủ tịch Trung Quốc. Ngoài quan hệ song phương, lãnh đạo Trung Quốc và Nga còn thảo luận hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.

Để đối phó với áp lực của phương Tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, Tập Cận Bình và Vladimir Putin có điểm đồng thuận : cả hai đều chống lại dự án lá chắn tên lửa THAAD của Mỹ được triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc, đe dọa nghiêm trọng đến các lợi ích chiến lược của Trung Quốc và Nga, cũng như các nước khác trong vùng.

Nguyên thủ Trung Quốc cho biết Bắc Kinh và Moskva sẽ đưa ra các biện pháp cần thiết để bảo vệ các lợi ích của mình.

Trang nhất các báo Pháp : Macron phát biểu trước lưỡng viện

Thứ Hai 03/07, tổng thống Pháp Emmanuel Macron có bài phát biểu dài và long trọng trước lưỡng viện được triệu tập tại cung điện Versailles. Đây là chủ đề được các báo Pháp bàn luận sôi nổi nhất trong ngày hôm nay. Libération trên nền ảnh Emmanuel Macron nét mặt đăm chiêu, chạy tít : "Hội nghị Versailles : Mù mờ và Hình thức".

Nếu như báo công giáo La Croix quan tâm đến "Khế ước xã hội của Emmanuel Macron", thì báo thiên hữu Le Figaro khẳng định "Macron để lại cho Philippe những chủ đề nóng bỏng". Trước lưỡng viện, trong suốt hơn một tiếng rưỡi đồng hồ, tổng thống Macron chỉ đưa ra các ý định cải cách các định chế, mà ông dự định thực hiện trong vòng một năm, như thông báo của Les Echos trên trang nhất.

Nhưng những chủ đề được cho là gây tranh cãi, tổng thống Pháp đã cẩn thận nhường việc trình bày lộ trình hành động cho thủ tướng vào hôm nay.

Trump và truyền thông : leo thang căng thẳng

Báo chí Pháp hôm nay có nhiều bài viết nhận định về cuộc chiến giữa Trump và truyền thông Mỹ. Sau những dòng Tweet chửi rủa hai người dẫn chương trình đài MSNBC, là cảnh dựng những cú đấm KO một "phóng viên" CNN. Theo nhận xét của Le Figaro, "Trump quyết tâm chiến đấu đến cùng chống truyền thông".

Những hình ảnh ông tung lên Twitter biểu dương hành động bạo lực chống lại giới nhà báo cho thấy "Cuộc xung đột giữa Trump và báo chí đang bước qua một ngưỡng mới", Les Echos nhận định. Nói tóm lại, như hàng tựa của Libération thì "Trump và giới truyền thông, leo thang trên mạng".

Châu Âu muốn kéo dài tuổi thọ sản phẩm ?

Trong lĩnh vực kinh tế, Le Figaro đặc biệt quan tâm đến mức lương của người lao động Cuba. Theo công bố chính thức của Cơ Quan Thống Kê và Thông Tin Quốc Gia Cuba, mức thù lao công nhật trung bình trả cho một người lao động Cuba là "99 xu/ngày" trong năm 2016, tức khoảng 740 peso Cuba/tháng (29,60 đô la). Thống kê cho thấy có sự khác biệt về mức lương theo từng vùng miền và lĩnh vực kinh tế. Nói tóm lại, "Cuba đang trông đợi một cuộc cách mạng lương bổng".

Le Monde trong bài xã luận "Thời đại của những bất công mới" ghi nhận tình trạng bất bình đẳng tăng mạnh trong 10 năm qua. Nhật báo lấy Hoa Kỳ làm ví dụ. Hiện nay, 10% người giàu nhất nước Mỹ có mức thu nhập bình quân cao gấp 20 lần so với 10% người nghèo nhất. Cách nay 10 năm, con số này chỉ là 15 lần.

Về phần mình, La Croix thông báo : "Các nghị sĩ Châu Âu muốn kéo dài tuổi thọ các sản phẩm". Nghị Viện Châu Âu cho rằng việc lập trình trước thời hạn sử dụng một sản phẩm đã có những tác động tiêu cực lên môi trường và người tiêu dùng.

Minh Anh

Published in Quốc tế
Trang 109 đến 109