Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vừa qua đến Hà Nội trong hai ngày 8-9/7/2018. Chuyến thăm được đánh giá không chỉ có tác động đến quan hệ song phương, mà còn thể hiện sự nỗ lực của Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy kiến tạo cấu trúc an ninh khu vực tại Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, mà trong đó Việt Nam có vị trí quan trọng.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Hà Nội hôm 9/7/2018. AFP
Chúng tôi ghi nhận ý kiến của một số chuyên gia trong nước về chuyến thăm đó.
Việt Nam là quốc gia Đông Nam Á duy nhất mà ông Mike Pompeo chọn đến thăm trong chuỗi công du Châu Á vừa qua và cũng là lần đầu ông đến Hà Nội trên cương vị đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ.
Chuyến thăm này là sự nối tiếp của hai chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Donald Trump hồi tháng 11/2017 và của Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis hôm 24/1 năm nay. Trong chuyến thăm lần này, ông Mike Pompeo đã tiếp xúc với Tổng bí thư Đảng cộng sản Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và hội đàm với người đồng cấp - Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ tuyên bố ủng hộ việc giải quyết bằng biện pháp hòa bình các tranh chấp trên Biển Đông dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế mà Việt Nam luôn đưa ra. Còn Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh thúc đẩy việc triển khai quan hệ đối tác toàn diện Việt – Mỹ với ba tiêu chí : ổn định – sâu rộng – hiệu quả.
Bài phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo trước các doanh nhân hai nước, theo đánh giá của Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng – Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, là “đậm đà cảm xúc cá nhân” về quan hệ Việt – Mỹ phong phú và sâu sắc, bao gồm cả cuộc chiến tranh Việt Nam mà hai bên đang quyết tâm “bất chấp những khó khăn to lớn để gác lại quá khứ và hướng tới tương lai”.
“Mỹ ghi nhận sự thành công về các mặt của Việt Nam, từ xóa đói giảm nghèo, đến tiến độ thúc đẩy quan hệ Mỹ - Việt, cho đến những cam kết chung giữa hai nước đối với tương lai bang giao, tương lai khu vực. Ngoại trưởng Pompeo thậm chí còn nói, những năm 60-70 thế kỷ trước, chẳng ai dám nghĩ sẽ có lúc ngoại trưởng Mỹ có thể gặp tổng bí thư Việt Nam ở ngay giữa Hà Nội để đàm đạo với nhau về tầm nhìn chung cho công việc hợp tác giữa hai nước.”
Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh ở cuối bài phát biểu : “Hoa Kỳ sẽ tiếp tục nỗ lực vì một Việt Nam hùng mạnh, thịnh vượng và độc lập, một quốc gia tham gia thương mại công bằng và đối ứng, đóng góp vào tình hình an ninh quốc tế và tôn trọng nhân quyền, pháp trị”.
Trong chuyến công du Châu Á lần này của Ngoại trưởng Mike Pompeo, vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên ở vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự.
Bài phát biểu của Ngoại trưởng Mike Pompeo trước cộng đồng doanh nghiệp Việt – Mỹ tối 8/7 tại Hà Nội có đoạn : “Trước sự thịnh vượng và mối quan hệ đối tác tưởng chừng như không tưởng mà chúng tôi có với Việt Nam ngày hôm nay, tôi có một thông điệp với Chủ tịch Kim Jong Un : Tổng thống Trump tin rằng nước ngài có thể tái tạo lại con đường này. Nó sẽ là của ngài nếu ngài nắm lấy cơ hội này. Phép màu này có thể là của ngài ; nó cũng có thể là phép màu của ngài ở Bắc Hàn”.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội hôm 8/7/2018. AFP
Ông Pompeo muốn nêu Việt Nam như một minh chứng sống động cho việc chuyển từ đối địch sang đối thoại và hợp tác với Hoa Kỳ - “một chìa khóa dẫn tới sự trỗi dậy lớn của Việt Nam trong vòng vài thập kỷ qua” để hướng đến sự thịnh vượng và phát triển. Việt Nam cũng có thể là hình mẫu cho Bắc Hàn nghiên cứu để cải cách kinh tế, mở rộng quan hệ bang giao – thương mại với các nước, đặc biệt là Hoa Kỳ.
“Mỹ đã chọn Việt Nam trong chuyến công du Châu Á lần này làm địa điểm trung chuyển để chuyển các thông điệp kép của chính quyền Trump. Điều này có ý nghĩa ở chỗ, Mỹ ghi nhận vai trò của Việt Nam trong khu vực nói chung và cũng có ý nghĩa gửi gắm, ít nhất ở sự đồng cảm, cao hơn nữa là đón đợi việc Việt Nam hỗ trợ Mỹ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.”
Một vấn đề trọng tâm khác trong chuyến thăm Việt Nam của Ngoại trưởng Mike Pompeo là việc thúc đẩy, củng cố cho chiến lược Ấn Độ – Thái Bình Dương mà Tổng thống Donald Trump công khai tại Hội nghị thượng đỉnh APEC 2017 tại Đà Nẵng hồi tháng 11/2017.
Trong các cuộc tiếp xúc, hội đàm tại Hà Nội, ông Mike Pompeo ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và nhất trí thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược ASEAN - Hoa Kỳ phát triển thực chất, hiệu quả hơn.
Theo Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng, Hoa Kỳ có ý muốn vận động sự ủng hộ và tham gia của Việt Nam và ASEAN vào việc xây dựng “một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” – điều mà Trung Quốc từng cảnh báo, đe dọa một cách bóng gió trên báo chí.
Ông Nguyễn Khắc Mai – Giám đốc Trung tâm Minh Triết cho rằng, Hoa Kỳ đang triển khai một kế hoạch tổng thể nhằm đối phó với các nguy cơ từ Trung Quốc trên nhiều mặt trận và nhiều con đường, trong đó có chiến lược “Ấn Độ- Thái Bình Dương” – nhằm tạo thế cân bằng động mới trong khu vực.
“Ông ngoại trưởng Mỹ đến đây và đưa một thông điệp sự hình thành một tình hình mới ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Họ báo gì cho Việt Nam ? Theo tôi nghĩ, họ nói rằng, đây là cơ hội cho các anh đấy. Đứng dậy đi ! Tổ chức lại đi ! Nâng năng lực của mình đi, tham gia vào các mối quan hệ ấy.”
Ông Nguyễn Khắc Mai nhận định, Việt Nam có vị thế ngày càng cao trong mắt Hoa Kỳ bởi vị trí địa chính trị chiến lược, mối quan hệ song phương ngày càng sâu sắc, và quan trọng nhất là đối với chiến lược “Ấn Độ – Thái Bình Dương”. Theo ông, một số lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã nhận thức được điều này và sự cần thiết của việc tham gia vào chiến lược này của Mỹ để bảo vệ chủ quyền và lợi ích quốc gia.
Tuy nhiên, từ nhận thức đến hành động còn là hành trình dài, phụ thuộc vào ý chí của giới lãnh đạo, cũng như vai trò tác động của Trung Quốc trong nền chính trị Việt Nam. Nhưng hơn hết, Việt Nam cần tận dụng vị thế của mình trong quan hệ với Mỹ và vị trí địa chính trị chiến lược trong cấu trúc an ninh khu vực mới đang hình thành.
“Tôi đánh giá thông điệp của Ngoại trưởng Mỹ giao cho Việt Nam là rất hay, rất quan trọng. Vấn đề là Việt Nam tiếp nhận thông điệp ấy và tổ chức cái năng lực của mình như thế nào để tham gia. Rút cái lợi ích từ đó cho bản thân dân tộc mình.”
Trong thời gian tới, theo sự bàn thảo của Ngoại trưởng Mike Pompeo và người đồng cấp Phạm Bình Minh vừa qua, Việt Nam và Hoa Kỳ nhất trí ưu tiên thúc đẩy trao đổi đoàn, đặc biệt là trao đổi đoàn và tiếp xúc cấp cao. Điều đó có nghĩa rằng, các chuyến thăm của quan chức cấp cao hai bên sẽ còn “tăng dày”, bởi những vấn đề song phương và đa phương đan xen ngày càng nhiều trong quan hệ hai nước.
**********************
RIMPAC 2018 : Mỹ, Nhật, Úc tập đánh chìm tàu để cảnh cáo Trung Quốc ? (RFI, 26/07/2018)
Tại cuộc tập trận hải quân quốc tế RIMPAC 2018 do Mỹ tổ chức ngoài khơi quần đảo Hawaii (Hoa Kỳ), hôm 19/07/2018, lực lượngMỹ và đồng minh đã tiến hành thành công một bài tâp Đánh Chìm Chiến Hạm SINKEX thứ hai, tiếp theo sau bài tập thứ nhất, thực hiện hôm 12/07. Theo giới chuyên gia quân sự, loạt bài tập này có thể được coi là một tín hiệu cảnh cáo nhắm vào Trung Quốc, vốn đã cử một chiếc tàu do thám thuộc loại tối tân của họ đến khu vực để theo dõi.
Lục quân Nhật Bản bắn tên lửa địa đối hạm từ đảo BARKING SANDS (Hawaii), nhân cuộc tập trận RIMPAC 2018 ngày 12/07/2018 ngoài khơi Hawaii (Mỹ)U.S. Army photo by Capt. Rachael Jeffcoat
Theo trang mạng nhật báo Maui Now phát hành tại Hawaii ngày 20/07, trong bài tập SINKEX thứ hai, hỏa lực thật từ một chiến hạm và một chiến đấu cơ tham gia cuộc tập trận RIMPAC đã đánh chìm chiếc tàu khu trục cũ USS McClusky ở vùng biển sâu, cách đảo Kauaʻi 55 hải lý về phía bắc.
Đối với các chuyên gia quân sự, thành công trong việc thực hiện các bài tập cho phép các lực lượng tham gia nâng cao lòng tự tin vào các loại vũ khí, thiết bị mà họ được trang bị và rèn luyện trong thực tế kỹ năng sử dụng các loại khí tài đó, những điều mà họ không thể có được một cách đầy đủ nếu chỉ dựa vào các bài học lý thuyết.
SINKEX 2018 phối hợp Mỹ, Nhật, Úc và Hải-Lục-Không Quân
Đây không phải là lần đầu tiên mà lực lượng tham gia RIMPAC rèn luyện kỹ năng đánh chìm chiến hạm của đối phương, nhưng năm nay, các bài tập SINKEX đã chứa đựng nhiều yếu tố mới.
Đặc biệt nhất là sự kiện lần đầu tiên lực lượng Mỹ, Nhật đã dùng đến loại tên lửa ven bờ Naval Strike Missile – trên nguyên tắc là của binh chủng Lục Quân - để tấn công và phá hủy tàu địch. Yếu tố này được thấy trong bài tập bắn đạn thật ngày 12/07.
Đây là bài diễn tập phối hợp lực lượng của ba nước tham gia RIMPAC 2018 là Mỹ, Nhật Bản và Úc, đồng thời phối hợp ba binh chủng khác nhau : Hải Quân, Không Quân và Lục Quân.
Một cách cụ thể, để đánh chìm chiếc USS Racine, một tàu tuần duyên cũ của Mỹ được dùng làm mục tiêu ở ngoài khơi xa, cách bờ khoảng 100km, Lục Quân Nhật Bản và Hoa Kỳ đã sử dụng các loại tên lửa địa đối hạm, trong lúc tàu chiến và tàu ngầm của Hải Quân Mỹ thì sử dụng các vũ khí thông dụng là tên lửa và ngư lôi. Một chiếc phi cơ trinh sát chống ngầm P-8A Poseidon của Không Quân Úc cũng tham gia cuộc tấn công. Phần định vị mục tiêu do phi cơ trinh sát hàng hải và drone Gray Eagle của Không Quân Mỹ, cùng máy bay trực thăng Apache của Lục Quân Mỹ, cung cấp.
Điều được hầu như toàn bộ các nhà quan sát nêu bật là sự kiện lần đầu tiên Mỹ và Nhật Bản đã dùng đến hệ thống tên lửa ven bờ của Lục Quân để tấn công tàu chiến ngoài khơi xa. Mỹ đã dùng đến hệ thống tên lửa ven bờ thế hệ 5 NSM, trong lúc Nhật Bản sử dụng loại tên lửa địa đối hải Mitsubishi Type 12.
Tín hiệu gởi đến Trung Quốc
Chuyên gia phân tích Christopher Woody trên trang mạng báo Business Insider ngày 17/07 ghi nhận là bài tập hợp đồng binh chủng để đánh chìm tàu địch trong phiên bản mới đã được Mỹ và đồng minh thực hiện trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc trong khu vực ngày càng tăng.
Có lẽ chính vì vậy mà bài tập đã bao hàm một số nhân tố mới cho thấy rõ các phương án mà Mỹ và đồng minh đang chuẩn bị để đối phó với các mối đe dọa mới hay tiềm tàng ở vùng Thái Bình Dương.
Nhật Bản chẳng hạn đã trở thành một tác nhân tích cực. Tướng Robert Brown, tư lệnh Lục Quân Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương, nêu bật sự kiện «lần đầu tiên trong lịch sử» tên lửa của Nhật Bản đã hòa vào màng lưới hỏa lực chung của Mỹ để nhắm vào một con tàu.
Bên cạnh đó, Mỹ cùng đồng minh cũng đặt trọng tâm vào việc dùng tên lửa đặt trên bờ trong bối cảnh các vùng biển và duyên hải ngày càng có thêm đối thủ tranh chấp. Đô đốc Harry Harris, thời còn đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Hoa Kỳ nhận định : «Các nước như Trung Quốc, Iran và Nga đang thách thức uy lực của Mỹ trên biển bằng những loại tên lửa chống hạm ngày càng tinh vi hơn».
Trong bối cảnh đó, tên lửa tầm xa, di động, bắn đi từ đất liền được xem là một lựa chọn khác để đánh vào tàu địch khi hoạt động của tên lửa chống hạm trên các chiếc tàu đó hạn chế hoạt động của lực lượng Hải Quân trong vùng tranh chấp.
Khái niệm “bảo vệ quần đảo – archipelagic defense”
Theo nhận xét của David B. Larter trên DefenseNews ngày 21/05, sự phối hợp liên binh chủng và liên quốc gia cụ thể hóa một khái niệm mà cả quân đội Nhật Bản lẫn Hoa Kỳ đã phát triển, được giới chuyên gia biết đến dưới tên gọi chiến thuật "bảo vệ quần đảo", chủ trương sử dụng các đơn vị trên bộ để cản đường đi của lực lượng Trung Quốc bằng cách triển khai các hệ thống chống hạm và tên lửa phòng không trên khắp các chuỗi đảo ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.
Nhiều nhà phân tích cho rằng việc triển khai lực lượng bộ binh được võ trang bằng tên lửa chống hạm và phòng không trên khắp các đảo, sẽ gây khó khăn cho Trung Quốc trong điều được cho là mục tiêu dùng sức mạnh quân sự kiểm soát 1,7 triệu dặm vuông của hai vùng Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Trong một bài báo đăng năm 2015 trên tạp chí Foreign Affairs, nhà phân tích Andrew Krepinevich đã lập luận rằng việc triển khai Lục Quân trên Chuỗi Đảo Thứ Nhất, từ cực nam quần đảo Nhật Bản, qua Biển Hoa Đông, xuống đến Biển Đông, có thể buộc được Trung Quốc thay đổi cách chơi.
Tác giả viết : «Nếu muốn Bắc Kinh thay đổi tính toán, Washington phải tước được khả năng của Trung Quốc kiểm soát bầu trời và vùng biển xung quanh Chuỗi Đảo Thứ Nhất, vì Quân Đội Trung Quốc cần phải thống trị cả lãnh vực này để cô lập Nhật Bản… Hoa Kỳ cũng phải gắn kết mạng lưới chiến đấu của các đồng minh với mạng lưới của mình, đồng thời tăng cường năng lực của đồng minh - cả hai điều này đều sẽ giúp chống lại những nỗ lực của Quân Đội Trung Quốc nhằm thay đổi cán cân quân sự của khu vực… Những mục tiêu đó có thể đạt được với các lực lượng trên bộ, vốn không thay thế mà chỉ bổ sung cho Không Quân và Hải Quân.»
Vào lúc mới hình thành, chiến thuật dùng lực lượng trên bộ để tham gia hải chiến đã thu hút được một số chú ý, nhưng giới lãnh đạo Lục Quân Hoa Kỳ chưa quan tâm lắm vì đa số lực lượng này đóng tại Châu Âu.
Đến năm 2016, nhân một hội nghị tại Hawaii, chính đô đốc Harry Harris, lãnh đạo toàn bộ lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương, đã yêu cầu Lục Quân suy nghĩ về cách sử dụng các hệ thống tên lửa trên bờ để tấn công chiến hạm trên biển.
Với các bài tập SINKEX phiên bản mới được đưa vào cuộc tập trận RIMPAC 2018, chiến thuật trên đã được đẩy mạnh. Đô đốc Phil Davidson, người kế nhiệm ông Harry Harris làm lãnh đạo Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, thẩm định rằng bài tập SINKEX đã chứng tỏ được năng lực hủy diệt và thích ứng của các lực lượng Mỹ và đồng minh.
Theo đô đốc Davidson : «Khi Hải Quân đưa kẻ thù vào gần bờ, Lục Quân có thể tấn công chúng. Ngược lại, khi Lục Quân đẩy kẻ thù ra ngoài khơi xa, thì chúng cũng bị lọt vào hỏa lực của Hải Quân».
Trọng Nghĩa
Cuộc tập trận hải quân đa phương lớn nhất thế giới RIMPAC 2018 do Mỹ dẫn đầu vừa chính thức khởi động ngày 27/06/2018. Trong thời gian qua, dư luận quốc tế đã hết sức chú ý đến sự kiện Trung Quốc không còn được Mỹ mời tham gia như hai lần trước đây do những hành vi quân sự hóa Biển Đông đã và đang được Bắc Kinh tiến hành. Tuy nhiên, theo chuyên san Nhật Bản The Diplomat ngày 02/07, có một sự kiện khác cũng đáng chú ý không kém là việc Việt Nam, đối thủ của Trung Quốc trên Biển Đông, lần đầu tiên được mời tham gia RIMPAC.
Chiến hạm RSS Tenacious của Singapore tham gia RIMPAC 2018. Ảnh 25/06/2018 tại căn cứ Pearl Harbor-Hickam, Hawaii. Reuters
Trong bài viết mang tựa đề "Tại sao việc Việt Nam tham dự RIMPAC đáng quan tâm - Why Vietnam’s First RIMPAC Participation Matters", chuyên gia Prashanth Parameswaran của The Diplomat đã phân tích rõ một số ý nghĩa chiến lược của việc Hà Nội lần đầu tiên tham dự cuộc tập trận RIMPAC để thẩm định rằng đây là một sự kiện đáng quan tâm, không kém sự kiện Bắc Kinh bị loại khỏi cuộc chơi.
Việt Nam đã từng dự RIMPAC 2 lần, nhưng chỉ là quan sát viên
Trước hết, theo The Diplomat, đây không phải là lần đầu tiên mà Việt Nam có mặt tại cuộc tập trận RIMPAC, gọi theo tiếng Việt là Vành Đai Thái Bình Dương, diễn ra 2 năm một lần vào mùa hè ở vùng quần đảo Hawaii và khu vực Nam California.
Hà Nội đã từng cử quan sát viên đến "nhìn" hai lần tập trận RIMPAC vào năm 2012 và 2016, cũng như các nước Đông Nam Á khác đã làm trước đó. Thế nhưng điểm mới năm nay là Việt Nam không còn là người đứng ngoài quan sát nữa, mà đã là thành viên thực thụ của RIMPAC 2018, được quyền tham gia vào các hoạt động.
Có thể là vì lần đầu tiên tham gia, cho nên Việt Nam không cử tàu đến RIMPAC cùng diễn tập với 24 nước còn lại, mà chỉ cử 8 sĩ quan Hải Quân tham gia.
Theo bộ Quốc Phòng Việt Nam, đây chính là một cơ hội tốt để Hải Quân Việt Nam học tập kinh nghiệm của các nước khác, tăng cường năng lực trong một số lãnh vực cụ thể như cứu trợ thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Ý nghĩa chiến lược
Giải thích về mức độ tham gia còn khiêm tốn của Việt Nam, báo chí trong nước đã nói đến vấn đề tốn kém kinh phí khi gởi tàu đi tập trận. Tuy nhiên, đối với The Diplomat, chỉ riêng việc Hà Nội đáp ứng lời mời đến tham gia RIMPAC đã là một sự kiện đầy ý nghĩa.
Theo tờ báo Nhật Bản, việc Mỹ mời Việt Nam tập trận, trong khi lại đóng cửa đối với Trung Quốc, hàm chứa một ý nghĩa chiến lược rộng lớn hơn một cuộc tập trận đơn thuần, nếu đặt nó trong bối cảnh hoạt động quốc phòng gia tăng đáng kể giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong những năm gần đây, và gia tăng mạnh thời chính quyền Donald Trump, mặc dù vẫn còn nhiều bấp bênh và thách thức.
Vào lúc Washington đang tìm cách xây dựng chiến lược về một vùng Ấn Độ Thái Bình Dương tự do và mở (gọi tắt là FOIPS - Free and Open Indo Pacific Strategy), Việt Nam được Mỹ xem như một đối tác then chốt.
Mặt khác, ý nghĩa không chỉ bó hẹp trong quan hệ song phương Mỹ Việt, mà còn mở rộng ra quan hệ giữa ASEAN với Mỹ.
Sự kiện Việt Nam tham gia RIMPAC 2018 đã nâng số lượng các quốc gia Đông Nam Á tham gia vào cuộc tập trận của Mỹ, lên 7 quốc gia trong số 10 nước ASEAN. Năm nay, bên cạnh Việt Nam, còn có 6 nước Đông Nam Á khác là Brunei, Indonesia, Malaysia Philippines, Singapore, và Thái Lan. Chỉ vắng có Cam Bốt, Lào và Miến Điện.
Điều đáng chú ý khác là quy mô tham gia. Ví dụ như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore đã từng tham gia RIMPAC trước đây, nhưng chưa hề gởi tàu đến diễn tập. Lần này, họ đều có chiến hạm đến góp mặt. Thậm chí Philippines còn gởi đến hai chiếc.
Như nói ở trên Việt Nam tham gia, nhưng không gởi tàu đến RIMPAC. Tuy nhiên, theo The Diplomat, nhìn bối cảnh chung, sự kiện Việt Nam có mặt và góp phần vào cuộc thao diễn to lớn này vẫn đáng được chú ý.
Ba điều kiện mà Trung Quốc phải làm để có thể trở lại RIMPAC
Về trường hợp của Trung Quốc, nước này đã hai lần tham gia cuộc tập trận RIMPAC trong những năm gần đây. Có điều là năm nay, sau một loạt những hành động khiêu khích, Bắc Kinh vào giờ chót đã không được hoan nghênh tại cuộc tập trận, và phía Mỹ đã nói rõ lý do rút lại lời mời : đó là vì vấn đề quân sự hóa Biển Đông.
Trung Quốc đã không che giấu thái độ bực tức trước quyết định của Washington, vì phải nói là Bắc Kinh có dấu hiệu rất lý thú với cuộc tập trận của Mỹ. Theo tờ báo của Quân Đội Mỹ, Stars and Stripes, số ra ngày 29/06/2018, vào năm 2016, Trung Quốc đã cử một đội tàu 5 chiếc và 2000 quân nhân đến tham gia RIMPAC.
Chuyên san Nhật Bản The Diplomat, ngày 25/06/2018, đã nêu bật một số điều kiện mà Thượng Viện Mỹ đã đề ra cho Trung Quốc nếu nước muốn được tham gia RIMPAC trở lại.
Theo tờ báo, Thượng Viện Mỹ chính là định chế đã rất gay gắt đối với Bắc Kinh. Trong Đạo Luật Chuẩn Chi Quốc phòng - U.S. National Defense Authorization Act (NDAA) - cho tài khóa 2019 mới được Thượng Viện Mỹ thông qua gần đây, các thượng nghị sĩ đã kèm theo một số điều kiện mà Trung Quốc phải hội đủ trước khi trở lại cuộc thao diễn RIMPAC.
Văn kiện được Thượng Viện Mỹ thông qua đã yêu cầu bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ không "cho phép hay tạo điều kiện dễ dàng" cho việc Hải Quân Trung Quốc tham gia RIMPAC, đến khi nào họ có thể chứng thực là Trung Quốc đã :
1/ Chấm dứt tất cả hoạt động bồi đắp đảo ở Biển Đông
2/ Triệt thoái tất cả vũ khí ra khỏi những nơi đã bồi đắp, và
3/ thiết lập một hồ sơ theo dõi nhất quán trong bốn năm về các hành động nhằm ổn định khu vực.
Đối với The Diplomat, các đòi hỏi của Thượng Viện Mỹ chỉ mang ý nghĩa biểu tượng và rất khó được Trung Quốc đáp ứng nghiêm túc.
Một vấn đề khác là không rõ các điều khoản được đưa vào Luật NDAA có hợp hiến hay không, và ngành hành pháp có rất nhiều cách thức để thực hiện chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ - có nghĩa là một vị tổng thống tương lai hoàn toàn có thể mời Hải Quân Trung Quốc trở lại RIMPAC.
Dẫu sao thì quan điểm của Thượng Viện rất rõ ràng. Trong phần khuyến nghị chính phủ, không có giá trị ràng buộc, nhưng được ghi trong Luật NDAA 2019, định chế lập pháp Mỹ đã lưu ý chính quyền rằng "không nên mời tham gia RIMPAC bất kỳ quốc gia nào có hành động bất lợi đối với Mỹ".
Trong số hơn 20 lực lượng hải quân ngoại quốc đã xác nhận tham gia vào cuộc tập trận RIMPAC năm nay, không có nước nào đối địch với Mỹ.
Tuy nhiên, đối với The Diplomat, các điều kiện mà Thượng Viện nêu lên đối với Trung Quốc vẫn bộc lộ một số hạn chế. Họ đòi Trung Quốc chấm dứt các hoạt động cải tạo bồi đắp. Thế nhưng đây là những hoạt động mà Trung Quốc đã dừng rồi vì đã hoàn thành phần cải tạo đất để bồi đắp bảy hòn đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa và hiện đang chuyển sang việc xây dựng và hoàn thiện các cấu trúc trên đảo.
Thượng Viện Mỹ cũng ra điều kiện đòi Trung Quốc tháo gỡ các cơ sở, thiết bị quân sự đã bố trí trên bảy hòn đảo nhân tạo đó. Không hề có lời lẽ nào về việc đòi Trung Quốc tuân thủ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016.
Mai Vân
Việt Nam cùng Israel, Sri Lanka lần đầu dự RIMPAC (BBC, 29/06/2018)
Cuộc tập trận trên biển đa quốc gia với quy mô lớn nhất thế giới bắt đầu diễn ra tại Hawaii, do hải quân Hoa Kỳ dẫn đầu.
Phó đô đốc John D. Alexander, chỉ huy Hạm đội 3, cùng các sĩ quan đa quốc gia tham dự cuộc tập trận trả lời các câu hỏi trong buổi họp báo về RIMPAC 2018 tại Căn cứ Quân sự Chung Trân Châu Cảng-Hickam, hôm 28/6/2018
Được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1971, cuộc diễn tập quốc tế năm nay đón ba quốc gia lần đầu tiên tham gia gồm Israel, Sri Lanka và Việt Nam.
Bộ Quốc phòng Việt Nam cử tám sĩ quan chỉ huy tới Hawaii, nhưng không đưa tàu hay phi cơ nào tới.
Truyền thông trong nước nói rằng việc cử chiến hạm đi sẽ khiến gây tốn kém kinh phí.
Sự kiện được tổ chức hai năm một lần lần này có sự tham gia của 25 quốc gia, nhưng không có Trung Quốc, giữa lúc quan hệ Washington - Bắc Kinh quanh chuyện Biển Đông vẫn đang căng thẳng.
Cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) sẽ kéo dài cho tới 2/8, tại khu vực quanh Quần đảo Hawaii và Nam California, chỉ huy Hạm đội Thái Bình Dương Đô đốc John C. Aquilino, cùng Chỉ huy Hạm đội 3 quân đội Hoa Kỳ, Phó Đô đốc John D. Alexander tuyên bố.
Trong lần tập trận năm nay, có tổng số hơn 45 tàu và tàu ngầm, lực lượng lục chiến của 17 quốc gia, cùng hơn 200 phi cơ và 25 nghìn quân nhân tham dự, theo thông cáo báo chí của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Image captionTàu KRI Makassar (590) của Hải quân Indonesia đậu tại Căn cứ Quân sự Chung Trân Châu Cảng-Hickam hôm 26/6
Mục đích của sự kiện năm nay là nhằm tạo "cơ hội huấn luyện độc đáo, được thiết kế nhằm nuôi dưỡng và duy trì lâu bền các quan hệ hợp tác cần thiết để đảm bảo an toàn đường biển và an ninh liên đại dương trên thế giới", bản thông cáo viết, và chủ đề của RIMPAC 2018 là "Năng lực, Thích ứng, Đối tác".
"Chúng ta đều là các quốc gia hàng hải", Phó đô đốc Alexander nói. "Chúng ta đều thịnh vượng nhờ vào việc giao thương, và phần lớn các hoạt động giao thương được đi qua khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương".
Cuộc tập trận chung là cơ hội để các bên xây dựng quan hệ trước khi có cuộc khủng hoảng, ông nói, và điều đó sẽ cho phép các nước kêu gọi bạn hữu, đối tác và đồng minh hợp tác với nhau để cứu trợ nhân đạo, chống nạn hải tặc cùng các hoạt động ngoài dự kiến trên biển.
Đây cũng là lần đầu tiên New Zealand giữ vai trò Chỉ huy chiến đấu trên biển, còn Chile là Chỉ huy các lực lượng hải quân hỗn hợp, và là lần đầu tiên một đơn vị đóng trên bộ sẽ tham dự sự kiện bắn đạn thật trong cuộc tập trận RIMPAC.
Image captionTàu khu trục có chở trực thăng JS Ise thuộc Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản vào Trân Châu Cảng hôm 26/6, chuẩn bị tham gia tập trận
Trong lần tập trận này sẽ có việc huấn luyện chiến đấu chung đầu tiên giữa Nhật Bản với Mỹ trong hoạt động đất đối hạm, hãng tin Kyodo của Nhật Bản loan tin.
Cuộc huấn luyện diễn ra trong tháng Bảy, với tình huống có một tàu địch trôi nổi ngoài khơi cách đảo Kauai chừng 100 km, phi cơ tuần tra thuộc Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản sẽ thu thập thông tin, trong lúc Lực lượng Phòng vệ Trên bờ sẽ phóng các hỏa tiễn đất đối hạm và quân đội Hoa Kỳ sẽ tấn công bằng rocket, Kyodo dẫn nguồn các quan chức Nhật Bản, nói.
Lực lượng Phòng vệ Biển của Nhật bắt đầu tham dự RIMPAC kể từ 1980, còn Lực lượng Phòng vệ Trên bờ từ 2014.
Hồi tháng Năm, Ngũ Giác Đài đã rút lại lời mời Trung Quốc tham gia với lý do Bắc Kinh đã nhanh chóng quân sự hóa Biển Đông, nơi có những chồng lấn trong việc tuyên bố chủ quyền giữa các quốc gia trong khu vực, trong đó có Việt Nam.
Lẽ ra đây sẽ là lần thứ ba Trung Quốc tham dự RIMPAC, sau khi góp mặt lần đầu tiên hồi 2014 và lần thứ hai tiếp theo đó, 2016.
**********************
Tập trận hải quân RIMPAC 2018 : Không có tàu Việt Nam tham dự (RFI, 27/06/2018)
Vào hôm 27/06/2018, cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới do Mỹ đứng ra tổ chức mang tên RIMPAC 2018 "Vành Đai Thái Bình Dương" chính thức khai mạc ngoài khơi quần đảo Hawaii (Hoa Kỳ) với sự tham gia của các lực lượng hải quân đến từ 26 quốc gia.
Tàu chiến của Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines và Singapore đang trên đường tới Haiwaii, để tham gia cuộc tập trận RIMPAC 2018 - @ Singapore Ministry of Defence.
Năm nay, Việt Nam chính thức được Mỹ mời tham dự, nhưng chỉ gởi một phái đoàn sĩ quan đến, trong lúc Trung Quốc đã tham dự hai lần trước đây (2014, 2016), thì năm nay không được mời.
Theo thông báo từ phía Mỹ, cuộc tập trận RIMPAC 2018 kéo dài hơn một tháng, từ ngày 27/06 cho đến ngày 02/08, sẽ diễn ra tại hai khu vực chính : Vùng biển quanh quần đảo Hawaii, và phía nam tiểu bang California (Hoa Kỳ).
Lực lượng tham gia rất hùng hậu, bao gồm 47 tàu mặt nước đủ loại, từ tàu sân bay, tàu khu trục, cho đến tàu đổ bộ, tàu tiếp liệu, cùng với 5 tầu ngầm. Bên cạnh đó, còn có hơn 200 phi cơ đủ loại, cùng với 25.000 quân nhân.
Trong một bản thông cáo, Hạm Đội 3 của Mỹ xác nhận, nội dung các bài tập bao gồm các kịch bản cứu trợ thiên tai, đổ bộ, chống cướp biển, bắn tên lửa, tháo gỡ mìn, an ninh hàng hải, chống tàu ngầm và phòng không. Nhiều cuộc tập trận bắn đạn thật cũng được dự trù, từ việc phóng tên lửa tầm xa chống hạm do chiến đấu cơ Mỹ thực hiện, hay bắn tên lửa chống hạm từ đất liền do một đơn vị Lục Quân Nhật Bản tiến hành. Lần đầu tiên Lục Quân Hoa Kỳ cũng tham gia tập trận.
Cùng với Sri Lanka, Brazil và Israel, Việt Nam năm nay lần đầu tiên được Mỹ mời tham gia tập trận (hai năm 2012 và 2016, Việt Nam chỉ dự trong tư cách quan sát viên). Cho dù vậy, Việt Nam cũng quyết định chỉ gởi một phái đoàn sĩ quan đến tham gia tập trận mà thôi.
Theo Thông Tấn Xã Việt Nam ngày 26/06, đó là một đoàn gồm 8 sĩ quan tham mưu, tới đảo Hawaii, tham gia nội dung "diễn tập Sở chỉ huy hợp phần Hỗ trợ nhân đạo - giảm nhẹ thiên tai".
Sự tham gia của Việt Nam như vậy là quá khiêm tốn, nếu so sánh với các nước Đông Nam Á khác, từ Indonesia, Malaysia, cho đến Singapore, thậm chí Philippines, tất cả đều cử một hoặc hai tàu đến tập trận.
Một sự kiện nổi bật khác là việc Trung Quốc đã bị Mỹ loại ra khỏi cuộc tập trận RIMPAC vì những hành vi quân sự hóa Biển Đông.
Khi loan báo quyết định không mời Trung Quốc, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Christopher Logan nói rõ, đó là "phản ứng bước đầu đối với tình trạng Trung Quốc liên tục quân sự hóa Biển Đông… đẩy căng thẳng leo thang và gây bất ổn cho khu vực… không phù hợp với nguyên tắc và mục đích của cuộc tập trận Vành Đai Thái Bình Dương".
Tàu sân bay Mỹ ghé Manila
Song song với cuộc tập trận RIMPAC 2018, Hải Quân Mỹ cũng đã cho triển khai một hàng không mẫu hạm thứ ba trong năm nay để tuần tra Biển Đông. Chiếc USS Ronald Reagan, chở theo hơn 70 phi cơ đã đến neo đậu tại vịnh Manila của Philippines từ ngày 26/06 sau khi tuần tra vùng Biển Đông.
Theo chuẩn đô đốc Marc Dalton, quân đội Mỹ hiện diện trong khu vực để phát huy quyền tự do hàng hải, hoạt động thương mại không bị cản trở, ngăn chặn xung đột, và tạo điều kiện tuân thủ các quy tắc quốc tế.
Trước chiếc Ronald Reagan, hai hàng không mẫu hạm khác khác của Mỹ cũng tuần tra tại Biển Đông trong năm nay.
Trọng Nghĩa
****************
Việt Nam không gửi tàu chiến tới cuộc diễn tập hải quân lớn nhất thế giới (VOA, 27/06/2018)
Bộ quốc phòng Việt Nam cử tám sĩ quan tham mưu nhưng không phái tàu chiến tới tham gia cuộc Diễn tập Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) bắt đầu vào ngày 27/6 tại Hawaii, Mỹ.
Tàu chiến của các nước tham gia RIMPAC 2016.
Thông Tấn Xã và truyền thông trong nước hôm 27/6 cho biết phái đoàn quân sự Việt Nam hôm 26/6 đã lên đường tới Hawaii nơi sẽ diễn ra cuộc diễn tập Hải quân đa phương lớn nhất trên thế giới do Mỹ tổ chức hai năm một lần.
Hải quân Mỹ hôm 30/5 công bố danh sách 26 quốc gia tham dự cuộc tập trận hải quân RIMPAC. Việt Nam cùng với Sri Lanka, Brazil và Israel là 4 nước lần đầu tiên tham dự cuộc tập trận này, theo trang mạng Stars & Stripes dẫn thông báo của Hải quân Mỹ cho biết.
Việc Mỹ lần đầu tiên mời Việt Nam tham gia RIMPAC đánh dấu một bước tiến lớn trong quan hệ hợp tác quốc phòng Việt-Mỹ, theo nhận định của Stars & Stripes.
Khi thông tin trên được công bố, đã có khá nhiều dự đoán về chủng loại tàu chiến sẽ được hải quân Việt Nam gửi đi tham dự cuộc tập trận này, theo Thanh Niên.
Nhưng một ngày trước khi RIMPAC khai mạc, Việt Nam vẫn không có động thái gì sẽ cử chiến hạm của mình tham gia và theo bản tin của Thông Tấn Xã (TTX) Việt Nam chỉ có một phái đoàn sĩ quan 8 người tới tham dự.
Theo bản tin này, trọng tâm của đoàn Việt Nam là "diễn tập Sở chỉ huy hợp phần Hỗ trợ nhân đạo – giảm nhẹ thiên tai". Truyền thông trong nước nhận định, do đó các tàu chiến không được cử đến cuộc tập trận này.
Việc tham gia của Việt Nam tại Diễn tập RIMPAC 2018 là để thể hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế và đối ngoại quốc phòng của Việt Nam, theo TTX và báo điện tử Chính phủ VGP News.
Mối quan hệ giữa hai cựu thù Việt Nam và Mỹ đã nồng ấm hơn kể từ chuyến thăm chính thức của Tổng thống Barack Obama tới Việt Nam hồi tháng 5/2016 và tháng 3 năm nay, chiến hạm USS Carl Vinson đã có chuyến thăm lịch sử tới Đà Nẵng.
Bản tin của Thanh Niên nói : "Hy vọng rằng lần tập trận RIMPAC tiếp theo, Việt Nam sẽ cử được chiến hạm góp mặt và tham gia đầy đủ các khoa mục huấn luyện của RIMPAC 2020, nhằm tăng cường khả năng hợp tác chiến đấu, góp phần duy trì hòa bình, bảo vệ chủ quyền quốc gia".
Theo thông báo từ phía Mỹ, cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương 2018 – dự kiến diễn ra từ 27/6 đến 2/8 – sẽ có sự tham dự của 47 tàu nước ngoài, 5 tàu ngầm, hơn 200 máy bay và 25.000 quân nhân đến từ 26 quốc gia trên thế giới.
Hải quân Việt Nam đã hai lần cử quan sát viên tham gia Diễn tập RIMPAC vào các năm 2012 và 2016. RIMPAC lần đầu tiên được tổ chức vào năm 1971 và đã trải qua 25 kỳ.
Vì sao lần đầu tiên từ năm 1975 và cũng là lần đầu tiên từ năm 1995 sau khi bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ, giới chóp bu Việt Nam lại ‘can đảm’ cho lực lượng hải quân nước này tham gia tập trận hải quân lớn nhất thế giới mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) tại Hawaii và Nam California - bắt đầu vào cuối tháng Sáu năm 2018 ?
Một giàn khoan của Tập đoàn Repsol. Ảnh: BBC.
‘Can đảm’ sau 5 năm
Theo não trạng và cũng là thói quen cố hữu của Đảng cộng sản, tin tức chưa có tiền lệ trên hoàn toàn không được thông báo bởi Bộ quốc phòng hay Bộ ngoại giao của Việt Nam, mà được phát ra bởi trang mạng Stars & Strips dẫn từ thông báo của Hải quân Mỹ. Vào ngày 30/5/2018, Hải quân Mỹ đã công bố danh sách 26 quốc gia tham dự cuộc tập trận hải quân RIMPAC, diễn ra từ ngày 27/6 đến 2/8/2018, trong đó Việt Nam, Sri Lanka, Brazil và Israel là 4 nước lần đầu tiên tham dự cuộc tập trận RIMPAC.
Nếu kế hoạch này diễn ra mà không có sự đổi ý từ Việt Nam, quyết định tham gia RIMPAC là một bước tiến khá dài của Việt Nam kể từ khi chế độ độc đảng này dám đăng ký để trở thành quan sát viên cho cuộc tập trận mang tên Hổ Mang Vàng do quân đội Mỹ chủ xướng vào đầu năm 2016.
Sự kiện Việt Nam dám tham gia RIMPAC diễn ra chỉ 2 tháng sau một sự kiện có mức độ ‘can đảm’ gần như thế : tháng 3/2018, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ đã cập cảng Đà Nẵng ở miền Trung Việt Nam - theo một thỏa thuận giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch.
Sự trùng hợp giữa hiện tại và quá khứ là cái tên Đà Nẵng. 5 năm trước, có 3 tàu chiến Mỹ đã đến vùng biển Đà Nẵng để tiến hành sứ mệnh "giao lưu hải quân" với quân đội Việt Nam. 2013 cũng là năm mà không khí "chiến tranh lạnh" giữa Mỹ và Việt Nam phần nào được cải thiện bằng một chuyến công du của nhân vật số 2 trong Đảng cộng sản Việt Nam - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - đến Tòa Bạch Ốc để có cuộc hội kiến với Tổng thống Mỹ Barak Obama. Cải hai đều cười tươi và cùng nói về triển vọng của Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ muốn chấp nhận cho Việt Nam tham gia.
Còn giờ đây, dưới thời Tổng thống Donald Trump, Washington đã chính thức rút khỏi TPP và khiến Việt Nam hụt hẫng bởi nước này chẳng còn hy vọng trở thành "quốc gia hưởng lợi nhiều nhất trong TPP" nếu TPP có mặt người Mỹ. Nhưng thay vào đó, giờ đây Việt Nam và Mỹ lại có cùng một cái nhìn về an ninh Biển Đông, cùng để bảo vệ lợi ích của của mình.
Phải mất đến 5 năm để quan hệ quốc phòng Việt - Mỹ nhích thêm một chút và có một nét gì đó thực chất hơn.
Cô đơn giữa khu rừng "đối tác chiến lược"
Khoảng thời gian nửa cuối năm 2017 và đầu năm 2018 đã chứng kiến một chủ trương có thể tạm gọi là "dựa Mỹ đối Trung" của giới chóp bu Việt Nam - như một biện pháp tình thế trong ngổn ngang và hỗn tạp tâm thế "không ưa Mỹ nhưng vẫn cần Mỹ", vẫn chưa có gì thay đổi tính từ giữa năm 2014 đến nay và đặc biệt trong gần nửa năm qua.
2014 là năm tung tóe vụ giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xông thẳng vào vùng lãnh hải Việt Nam như chốn không người và như một cú vỗ mặt nảy đom đóm vào Bộ Chính trị Việt Nam. Trong cuộc khủng hoảng mang tên "Hải Dương 981" kéo dài từ tháng Năm đến tháng Bảy năm 2014, hầu hết các "đối tác chiến lược" của Việt Nam, kể cả nước Nga của Putin, đều thờ ơ hoặc quay lưng khi Việt Nam bị uy hiếp. Thế nhưng sau đó, giới chóp bu Việt Nam có vẻ vẫn chưa tỉnh ngộ về thực chất "bạn vàng" là thế nào và vẫn tiếp tục theo đuổi chính sách "đu dây chính trị" cho tới khi "té lộn đầu" trong hai vụ khủng hoảng Bãi Tư Chính năm 2017 và 2018.
Rất nhiều lần, mặc dù luôn tuyên bố chủ quyền với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, nhưng phía Việt Nam đã tìm cách im lặng "cho nó lành" trước Trung Quốc. Ngay cả vụ việc giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc xâm phạm Biển Đông vào giữa năm 2014 cũng không làm cho giới lãnh đạo Việt Nam sôi sục nỗi liêm sỉ. Khi đó, đã không có bất kỳ một văn bản nào của Bộ Chính trị hay nghị quyết nào của Quốc Hội Việt Nam lên án hành vi xâm phạm của Trung Quốc.
Từ đó đến nay, giới chóp bu Việt Nam chưa bao giờ cô đơn đến thế trên trường quốc tế, dù Việt Nam đã thủ đến chẵn một tá "đối tác chiến lược" trong túi, kể cả một "đối tác chiến lược" khác là Đức mà Việt Nam đã bị quốc gia này "tạm thời đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam" ngay sau việc Nhà nước Đức cáo buộc mật vụ Việt Nam bắt cóc một nghi phạm kinh tế là Trịnh Xuân Thanh ngay tại Berlin vào tháng Bảy năm 2017.
Chỉ đến đầu năm 2016, sách lược "đu dây" của Việt Nam mới có chút xoay chuyển trước sức ép ngày càng gia tăng của Trung Quốc trên Biển Đông, đặc biệt Bắc Kinh nhòm ngó ngày càng lộ liễu vào việc khai thác dầu khí của Việt Nam ở mỏ Cá Rồng Đỏ thuộc Bãi Tư Chính và và mỏ Cá Voi Xanh ở ngoài khơi Đà Nẵng, cùng lúc tàu Trung Quốc tăng cường khiêu khích và bắn giết ngư dân Việt trên biển.
Từ đầu năm 2016 đến nay, có ít nhất ba lần thể chế một đảng ở Việt Nam đã "ngó lơ" chuyện chiến hạm Mỹ áp sát quần đảo Hoàng Sa như một động tác thách thức Trung Quốc, trong đó có hai lần Bộ ngoại giao Việt Nam bất thần tỏ ra "can đảm" khi đưa ra tuyên bố hoặc "tàu Mỹ đi qua vô hại" hoặc "tàu Mỹ tự do giao thông ở Biển Đông".
Hẳn là từ đầu năm 2016, "tập thể Bộ Chính Trị Việt Nam" đã bắt đầu phải tính toán việc dựa dẫm vào sức mạnh của hải quân Mỹ để bảo vệ vùng biển và lợi ích khai thác dầu khí của mình.
Cơn ác mộng mất ăn dầu khí
Một thực trạng trần trụi là mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ và mỏ Cá Voi Xanh là những tiềm năng cuối cùng có thể cứu vãn ngân sách. Nếu Repsol - một công ty Tây Ban Nha liên doanh với Việt Nam, và hãng Exxonmobil của Mỹ liên doanh với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam khai thác thành công hai mỏ dầu khí này thì ngân sách của chế độ Việt Nam sẽ được chia phần không ít.
Nhưng vào tháng Bảy năm 2017 và tháng Tư năm 2018 đã xảy ra hai vụ chấn động mà được dư luận xã hội liệt vào loại "nhục quốc thể" : cả hai lần đó chính quyền Việt Nam đều phải "giương cờ trắng" khi yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol ngay tại Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng "thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam". Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ ngoại giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ "nhục quốc thể" ấy, nhưng vụ "giương cờ trắng" này lại trùng hợp với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí.
Chưa hết, sau thất bại ở Bãi Tư Chính, Việt Nam lại có nguy cơ bị Trung Quốc cản trở việc khai thác dầu khí ở mỏ Cá Voi Xanh - dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam, nơi được phát hiện bởi Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ và có thể sẽ đóng góp gần 20 tỷ đô la vào ngân sách Việt Nam.
Trong khi đó, Tập Cận Bình lại cử Vương Nghị - Bộ trưởng Ngoại Giao Trung Quốc - đến Việt Nam ngay sau vụ Bãi Tư Chính lần hai, với một "tối hậu thư" : Việt Nam phải "cùng hợp tác khai thác" mỏ Cá Rồng Đỏ với Trung Quốc. Nếu không, "bản lĩnh Việt Nam" sẽ hết cửa kiếm tiền ngay trong vùng lãnh thổ của mình.
Không bao lâu sau ‘tối hậu thư’ của Vương Nghị, Trung Quốc đã tiến thêm một bước xa hơn bằng việc vẽ lại ‘đường lưỡi bò’ quét qua đến 67 lô dầu khí của Việt Nam ở Biển Đông, chặn toàn bộ cửa ‘làm ăn’ của kẻ vẫn đang mơ màng về ‘Bốn Tốt’ và ‘Mười sáu chữ vàng’.
Vì sao Việt Nam phải trở thành đồng minh gián tiếp của Mỹ ?
Vào thời gian này, ngày càng nhiều tàu cá Việt Nam bị tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc tấn công, đâm chìm, còn ngư dân Việt bị hành hung và bị hất xuống biển.
Không chỉ đặt tên lửa, Trung Quốc còn tiến thêm một bước dài khi mang cả máy bay quân sự ra đảo Đá Subi ở quần đảo Trường Sa.
Sau bi kịch quân sự là bi kịch xã hội. Phép thử chiến thuật "áo lưỡi bò" của du khách Trung Quốc phô diễn tại sân bay Cam Ranh - mang tính thách thức của giới chuyên gia tâm lý chiến Bắc Kinh - đã khiến cho toàn bộ bộ máy đảng cầm quyền, chính quyền và chính sách "Ba không" của Việt Nam hầu như tê liệt…
Rất có thể, tình trạng cô đơn cùng cực trên trường quốc tế cùng trạng thái mất ngủ lẫn mất ăn dầu khí đã khiến chính thể độc đảng ở Việt Nam phải tiến tới quyết định ‘bám Mỹ’, với bước đi liều lĩnh hơn hẳn khi tham gia vào cuộc tập trận hải quân lớn nhất ở Hoa Kỳ từ tháng Sáu đến tháng Tám năm 2018. Bằng cách thức này, Việt Nam đã gián tiếp xác nhận bước đi của mình như một đồng minh quân sự của Mỹ, chứ không chỉ là tư cách quan sát viên như hồi 2016.
Vài bước đi gần đây của Bộ quốc phòng Việt Nam trong mối quan hệ có tính giao hảo với quân đội Ấn Độ, Nhật Bản và Úc càng cho thấy Việt Nam đang dần ngả về khối quân sự đồng minh Đông Bắc Á - với ý đồ mượn tay khối này để đối trọng hay chống trả lại kế hoạch thôn tính toàn bộ biển Đông của Trung Quốc.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 27/06/2018
Không phải Bộ Quốc phòng hay Bộ Ngoại giao của Việt Nam, mà tin tức ‘Việt Nam sẽ tham gia tập trận hải quân lớn nhất thế giới tại Hoa Kỳ’ được phát ra bởi trang mạng Stars & Strips dẫn từ thông báo của Hải quân Mỹ.
Tập trận RIMPAC 2017 - Ảnh minh họa : AP
Vào ngày 30/5/2018, Hải quân Mỹ đã công bố danh sách 26 quốc gia tham dự cuộc tập trận hải quân mang tên Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC), diễn ra từ ngày 27/6 đến 2/8/2018, trong đó Việt Nam, Sri Lanka, Brazil và Israel là 4 nước lần đầu tiên tham dự cuộc tập trận RIMPAC.
Vào thời gian này, ngày càng nhiều tàu cá Việt Nam bị tàu hải giám và tàu cá Trung Quốc tấn công, đâm chìm, còn ngư dân Việt bị hành hung và bị hất xuống biển.
Không chỉ đặt tên lửa, Trung Quốc còn tiến thêm một bước dài khi mang cả máy bay quân sự ra đảo Đá Subi ở quần đảo Trường Sa.
Sau bi kịch quân sự là bi kịch xã hội. Phép thử chiến thuật "áo lưỡi bò" của du khách Trung Quốc phô diễn tại sân bay Cam Ranh – mang tính thách thức của giới chuyên gia tâm lý chiến Bắc Kinh – đã khiến cho toàn bộ bộ máy đảng cầm quyền, chính quyền và chính sách "Ba không" của Việt Nam hầu như tê liệt
Sự kiện Việt Nam dám tham gia RIMPAC diễn ra chỉ 2 tháng sau một sự kiện có mức độ ‘can đảm’ gần như thế : tháng 3/2018, hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson của Mỹ đã cập cảng Đà Nẵng ở miền Trung Việt Nam – theo một thỏa thuận giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và Bộ trưởng quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch.
Quyết định tham gia RIMPAC là một bước tiến khá dài của Việt Nam kể từ khi chế độ độc đảng này dám đăng ký để trở thành quan sát viên cho cuộc tập trận mang tên Hổ Mang Vàng do quân đội Mỹ chủ xướng vào đầu năm 2016.
Hẳn là từ đầu năm 2016, "tập thể Bộ Chính Trị Việt Nam" đã bắt đầu phải tính toán việc dựa dẫm vào sức mạnh của hải quân Mỹ để bảo vệ vùng biển của mình.
Gần đây, Việt Nam lại càng có khuynh hướng gần gũi hơn với Mỹ về quân sự và các đồng minh quân sự của Mỹ.
Khuynh hướng trên có nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp.
Hải quân Hoa Kỳ trong cuộc tập trận RIMPAC 2016. Ảnh : VOA
Đầu năm 2017, chính tân thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải thốt ra lời cảnh báo "sụp đổ tài khóa quốc gia". Tình trạng ngân sách cho đến lúc đó là "khó khăn gấp bội năm 2016" – như tiết lộ của vài chuyên gia tài chính của chính quyền.
Một trong những "khó khăn gấp bội" như thế có nguồn gốc từ thực trạng giảm thu trong xuất khẩu dầu thô. Từ năm 2015 đến nay, giá dầu thô quốc tế đã sụt gần một nửa và do đó đã khiến số thu từ xuất khẩu dầu thô của Việt Nam cũng giảm khoảng 40%, tức hụt đến 50.000 – 60.000 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2017, lần đầu tiên sau nhiều năm ngân sách Việt Nam bị hụt thu trên 3% so với dự toán đầu năm, phản ánh tình trạng sức khỏe của nền kinh tế, các doanh nghiệp và người dân đang lao vào suy thoái năm thứ 10 liên tiếp, cùng ngày càng nhiều phản kháng xã hội nổi lên đối với chính sách thuế "thu cùng diệt tận giai đoạn cuối" của Bộ Tài chính.
Kết quả thu ngân sách về thực chất chỉ đạt 96,8% dự toán của năm 2017 là một chỉ dấu lớn cho thấy thu ngân sách 2018 nhiều khả năng còn tồi tệ hơn năm 2017 và có thể sẽ sụt tới 5-7% so với dự toán đầu năm 2018, nếu không tính tới phần đè dân thu thuế và "bán mình" – tức phải bán vốn nhà nước tại các doanh nghiệp để có tiền trám vào khoảng trống toang hoác của ngân sách quốc gia.
Đó chính là nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp khiến chính quyền Việt Nam phải tìm mọi cách tăng thu ngân sách, dù lẽ ra họ cần kéo giãn tiến độ khai thác dầu để "bảo đảm an ninh năng lượng" như những từ ngữ hoa mỹ và thời thượng hiện nay.
Thực trạng trần trụi là mỏ khí đốt Cá Rồng Đỏ ở lô 136/03 thuộc Bãi Tư Chính và mỏ Cá Voi Xanh là những tiềm năng cuối cùng có thể cứu vãn ngân sách. Nếu Repsol và Exxonmobil khai thác thành công thì ngân sách cùng chế độ Việt Nam sẽ được chia phần không ít.
Nhưng vào tháng Bảy năm 2017 và tháng Tư năm 2018 đã xảy ra hai vụ chấn động mà được dư luận xã hội liệt vào loại "nhục quốc thể" : cả hai lần chính quyền Việt Nam đều phải "giương cờ trắng" khi yêu cầu ngừng hoạt động thăm dò khí đốt của Repsol ngay tại Bãi Tư Chính mà luôn được Bộ Ngoại giao Việt Nam chiến đấu võ miệng "thuộc vùng chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam". Dù chưa bao giờ giới tuyên giáo hay Bộ Ngoại giao Việt Nam dám nói toạc về cái nguồn cơn sâu xa của vụ "nhục quốc thể" ấy, nhưng vụ "giương cờ trắng" này lại trùng hợp với tin tức quốc tế cho biết sau khi Bắc Kinh đe dọa sẽ tấn công một số căn cứ quân sự của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa nếu Việt Nam cho phép Repsol tiếp tục khoan thăm dò dầu khí.
Chưa hết, sau thất bại ở Bãi Tư Chính, Việt Nam lại có nguy cơ bị Trung Quốc cản trở việc khai thác dầu khí ở mỏ Cá Voi Xanh – dự án dầu khí lớn nhất của Việt Nam, nơi được phát hiện bởi Tập đoàn dầu khí ExxonMobil của Mỹ và có thể sẽ đóng góp gần 20 tỷ đô la vào ngân sách Việt Nam.
Tình trạng cô đơn cùng cực trên trường quốc tế cùng trạng thái mất ngủ lẫn mất ăn dầu khí đã khiến chính thể độc đảng ở Việt Nam phải tiến tới quyết định ‘bám Mỹ’, với bước đi liều lĩnh hơn hẳn khi tham gia vào cuộc tập trận hải quân lớn nhất ở Hoa Kỳ từ tháng Sáu đến tháng Tám năm 2018. Bằng cách thức này, Việt Nam đã gián tiếp xác nhận bước đi của mình như một đồng minh quân sự của Mỹ, chứ không chỉ là tư cách quan sát viên như hồi 2016.
Thiền Lâm
Nguồn : VNTB, 24/06/2018