Thanh Phương, RFI, 26/02/2022
Hôm 26/02/2022, ngày thứ ba của cuộc xâm lược Ukraine, Nga đã bắn các tên lửa hành trình từ biển và từ trên không vào các cơ sở quân sự Ukraine. Đó là thông báo của phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga Igor Konachankov trong bài phát biểu trên đài truyền hình, được hãng tin AFP trích dẫn.
Một tòa nhà chung cư bị hư hại do trúng bom ở Kiev, Ukraine, ngày 26/02/2022. Reuters – Gleb Garanich
Phát ngôn viên này cũng khẳng định là tại miền đông Ukraine, nơi mà quân Nga đang yểm trợ các lực lượng ly khai ở hai vùng lãnh thổ Donetsk và Lugansk, các lực lượng này cũng đang tiến chiếm nhiều khu vực, nhưng hiện chưa có nguồn tin độc lập nào xác nhận thông tin đó.
Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga còn thông báo là quân đội Nga "đã kiểm soát hoàn toàn" thành phố Melitopol ở miền nam Ukraine, cách không xa bán đảo Crimea mà Moskva đã sát nhập vào năm 2014. Theo phát ngôn viên này, kể từ đầu cuộc tấn công vào Ukraine đến nay, quân đội Nga đã phá hủy 821 cơ sở quân sự, trong đó có 14 sân bay.
Hôm nay, lực lượng bảo vệ Kiev đang chiến đấu quyết liệt để thành phố này không rơi vào tay quân Nga. Các trận giao tranh đã nổ ra đêm qua trên đại lộ Chiến thắng, một trong những trục lộ chính của thủ đô Ukraine. Theo chính quyền Ukraine, các trận giao tranh dữ dội tiếp diễn sáng nay tại Kiev và trong những ngày qua họ đã phát súng cho thường dân để tham gia bảo vệ thành phố.
Lục quân Ukraine thì cho biết là trận giao tranh khốc liệt cũng đã nổ ra ở một nơi cách thủ đô Kiev 30 km về phía tây nam, nơi mà quân đội Nga đang cố đưa lính dù tới.
Theo thông báo của bộ trưởng Y tế Ukraine hôm nay, trong ba ngày nước này bị Nga tấn công, gần 200 thường dân, trong đó có 3 trẻ em, đã thiệt mạng và hơn 1.100 thường dân bị thương. Ngoài ra, hàng chục quân nhân Ukraine đã tử trận. Phía Kiev thì khẳng định quân Nga đã bị tổn thất nhân mạng nặng nề, nhưng phía Moskva chưa đưa ra tổng kết nào.
Bất chấp các trừng phạt của phương Tây, hôm qua, tổng thống Vladimir Putin đã kêu gọi quân đội Ukraine giành lấy chính quyền, chứng tỏ quyết tâm của ông tiếp tục cuộc tấn công và nhắm đến việc thay đổi chế độ ở Kiev. Ông gọi chính quyền của tổng thống Volodymyr Zelensky là chính quyền của "những kẻ nghiện ma túy và tân phát xít". Trước đó, ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cũng đã kêu gọi quân đội Ukraine đầu hàng.
Trong khi đó, hôm nay, trên mạng Twitter, tổng thống Zelensky tuyên bố là các đối tác phương Tây sẽ cung cấp các vũ khí mới cho Ukraine, đồng thời ông kêu gọi người dân Ukraine chiến đấu bảo vệ thủ đô Kiev. Trước đó, ông Zelensky cho phát một đoạn video trên mạng Facebook trong đó ông bảo mọi người đừng tin vào "những thông tin sai lạc" lan truyền trên Internet, theo đó tổng thống đã kêu gọi quân đội Ukraine buông súng đầu hàng quân Nga.
Hôm nay, đô trưởng Kiev vừa thông báo quyết định tăng cường lệnh giới nghiêm, cảnh báo là tất cả những người nào ra đường trong thời gian từ 17 giờ đến 8 giờ đều sẽ bị xem là thuộc "các nhóm phá hoại và tiền trạm của kẻ thù".
Thanh Phương
***********************
Thanh Phương, RFI, 26/02/2022
Theo thông báo của tổng thư ký Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO, Jens Stoltenberg hôm 25/02/2022, khối quân sự này đã bắt đầu triển khai lực lượng phản ứng nhanh để tăng cường hệ thống phòng thủ và sẵn sàng phản ứng nhanh chóng với mọi tình huống sau cuộc xâm lăng Ukraine của Nga.
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg phát biểu trong cuộc họp báo sau thượng đỉnh tại trụ sở NATO ở Bruxelles, Bỉ, ngày 25/02/2022. AP - Olivier Matthys
Phát biểu sau cuộc họp qua video giữa lãnh đạo các nước thành viên NATO, ông Stoltenberg tuyên bố : "Nước Nga đã phát động một cuộc xâm lược toàn diện Ukraine, với mục tiêu công khai là tiến về Kiev lật đổ chính phủ. Nhưng những mục tiêu của điện Kremlin không chỉ giới hạn ở Ukraine. Putin đã đòi NATO rút các lực lượng ra khỏi lãnh thổ các quốc gia đã gia nhập khối này từ năm 1997".
Lực lượng phản ứng nhanh của NATO bao gồm 40.000 quân, trong đó có một số đơn vị có thể được triển khai chỉ trong vòng 2 hoặc 3 ngày.
Riêng nước Pháp sẽ triển khai 500 binh lính ở Romania trong khuôn khổ khối NATO, theo thông báo của tướng Thierry Burkhard, tổng tham mưu trưởng quân đội Pháp, tối qua. Tướng Burkhard cũng cho biết là sự hiện diện quân sự của Nga trong khối NATO ở Estonia, quốc gia có biên giới chung với Nga, sẽ được kéo dài quá thời hạn dự trù là tháng 3.
Ngoài việc gởi quân đến Romania, Pháp còn quyết định cung cấp cho Ukraine các thiết bị phòng thủ để giúp nước này chiến đấu chống cuộc xâm lăng của Nga, theo thông báo của phát ngôn viên bộ tổng tham mưu quân đội Pháp hôm nay. Phát ngôn viên này nói thêm là Pháp cũng đang nghiên cứu việc gởi các vũ khí đến Ukraine.
Về phần Cộng hòa Czech, Bộ Quốc phòng nước này vừa thông báo sẽ tặng cho Ukraine các vũ khí trị giá tổng cộng 7,6 triệu euro. Theo hãng tin AFP, Hà Lan cũng đã thông báo ý định cung cấp các tên lửa và các thiết bị quân sự cho Ukraine.
Thanh Phương
************************
Chi Phương, RFI, 25/02/2022
Trong bối cảnh Nga tấn công Ukraine, đe dọa an ninh Châu Âu, lãnh đạo các nước thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) họp trực tuyến hôm 25/02/2022, để thể hiện sự đoàn kết trong Liên Minh nhưng quyết định không can thiệp trực tiếp nếu các thành viên không bị tấn công hoặc bị đe dọa.
Chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel (trái), tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen họp báo về cuộc tấn công của Nga vào Ukraine, Bruxelles, Bỉ, ngày 24/02/2022. © Reuters/Yves Herman
Trong cuộc họp, tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, lên án Nga và cho rằng hành động của Nga đã "chấm dứt hòa bình" trên lục địa Châu Âu, là một "hành động có chủ ý, lạnh lùng và được lên kế hoạch từ trước". Lãnh đạo NATO cáo buộc Moskva sử dụng vũ lực để viết lại lịch sử.
Tuy nhiên, theo tạp chí Times, liên minh quân sự được cho là mạnh nhất hành tinh không có ý định can thiệp quân sự vào Ukraine trừ khi Nga tấn công một trong những nước thành viên của NATO. Ukraine không phải là thành viên của khối và là nguyên nhân dẫn đến cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây từ hơn 10 năm qua. Ông Stoltenberg cho biết Ukraine đã được giúp đỡ trên nhiều mặt, quân đội nước này cũng đã nhận được đào tạo, Liên Minh sẽ vẫn tiếp tục giúp đỡ Ukraine, nhưng "vấn đề bây giờ là bảo vệ các thành viên đồng minh của NATO".
Liên Minh đã quyết địch kích hoạt kế hoạch phòng thủ. Lực lượng quân sự đã hiện diện ở Đông Âu sẽ được tăng cường thêm. Về phía Hoa Kỳ, tổng thống Joe Biden xác nhận sẽ không điều binh sĩ tới Ukraine. Hiện khoảng 90.000 lính Mỹ đã có mặt ở Châu Âu, đa số tập trung ở Đức. Lầu Năm Góc cũng tuyên bố gửi thêm 7.000 lính đến Đức trong tuần này.
Trước cuộc tấn công trên diện rộng của Nga, một số quốc gia lân cận Ukraine và là thành viên NATO như Litva, Estonia, và Ba Lan cảnh giác cao độ và yêu cầu tham vấn Điều 4 của Hiệp Ước Bắc Đại Tây Dương, tức là tiến hành trao đổi, thảo luận trong trường hợp an ninh của một số quốc gia bị đe dọa. Tuy nhiên, Time cho biết, điều này không bảo đảm đưa ra bất kỳ hành động nào mà chỉ dừng lại ở mức thảo luận.
Tối 24/02, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã điện đàm với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin để yêu cầu chấm dứt ngay lập tức cuộc tấn công vào Ukraine, nhưng không thu được kết quả gì. Macron cho biết thấy cần thiết phải duy trì đối thoại với Moskva nhưng cũng lên án sự gian dối của Putin. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, tối nay, tổ chức họp, bỏ phiếu quyết định trừng phạt cuộc tấn công của Nga.
Chi Phương
***********************
Trọng Nghĩa, RFI, 25/02/2022
Bất chấp những lời đe dọa trừng phạt "khủng khiếp" đến từ Châu Âu và Mỹ, tổng thống Nga Putin vẫn mở cuộc tấn công xâm lược Ukraine. Theo các nhà quan sát, sở dĩ Nga có vẻ dửng dưng trước các trừng phạt tất yếu, đó là vì trong gần một chục năm qua, sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, Moskva đã thực hiện một số biện pháp để giảm thiểu tác hại của các lệnh trừng phạt đối với nền kinh tế Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tại điện Kremlin, Moskva, ngày 21/02/2022. © Alexey Nikolsky / Sputnik / AFP
Biện pháp đầu tiên và được thấy rõ nhất là tăng cường quan hệ với Trung Quốc, một nước cũng rất nghi kỵ phương Tây như Nga. Thỏa thuận về khí đốt trị giá 400 tỷ đô la trong vòng 30 năm ký kết với Bắc Kinh ngày 21 tháng 5 năm 2014, chỉ hai tháng sau khi Nga sáp nhập Crimea, được coi là một bước ngoặt thực thụ.
Theo đài truyền hình Pháp France24 ngày 22/02/2022, ông Jean-François Di Meglio, chuyên gia tài chính kiêm chủ tịch trung tâm nghiên cứu về Châu Á Asia Centre, cho biết dù đã được thương thuyết từ lâu trước đó, nhưng hợp đồng Nga-Trung năm 2014 đánh dấu một bước ngoặt chiến lược lớn.
Theo chuyên gia Di Meglio, Vladimir Putin đã hiểu rằng việc phát triển quan hệ đối tác kinh tế với Trung Quốc có thể cho phép ông duy trì thế mạnh trong việc bảo vệ và tăng cường vùng ảnh hưởng của mình ở phía Tây. Trong khi đó, đối với Bắc Kinh, quan hệ chặt chẽ hơn với Nga cho phép nước này có thêm đồng minh chống lại đối thủ Mỹ.
Một điểm yếu của Nga dễ bị phương Tây khai thác : Châu Âu vẫn là khách hàng đầu tiên của Moskva. Để tránh gây hại cho nền kinh tế của mình khi phải trừng phạt Nga, phương Tây thường nhắm vào giới tài phiệt thân cận với Điện Kremlin, những người sở hữu tài chính và bất động sản ở Châu Âu.
Tuy nhiên, trong một báo cáo do Viện Quan hệ Quốc tế Pháp IFRI công bố, tiến sĩ kinh tế người Nga Vladislav Inozemtsev đã nêu bật là trong những năm gần đây điện Kremlin đã nỗ lực tìm cách hóa giải mối đe dọa này : "Ngay cả trước khi xâm lược Ukraine, Vladimir Putin đã khởi động một chương trình "quốc hữu hóa giới tinh hoa" nhằm giúp các quan chức và doanh nhân thân cận với chính quyền Nga giảm bớt lệ thuộc vào phương Tây và hợp pháp hóa tài sản của họ ở nước ngoài".
Đối với chuyên gia viện IFRI : "Chính sách này đã thành công : Một phần thu nhập đến từ tham nhũng ngày càng được đầu tư vào đất nước và các cựu quan chức không còn mua lâu đài ở Pháp hay du thuyền nữa, mà là các chuỗi cửa hàng, khu văn phòng, nhà máy và nhà hàng ở Nga". Nhà nghiên cứu này cho rằng các lệnh trừng phạt của Châu Âu hiện có nguy cơ trừng phạt các tài phiệt Nga thuộc diện phê phán chế độ Putin, không muốn hồi hương tài sản của họ về Nga.
Một vấn đề lớn đối với Vladimir Putin vẫn là sự phụ thuộc vào hệ thống tài chính Swift, một mạng lưới thanh toán quốc tế bằng đô la được hầu hết các tổ chức tài chính trên thế giới sử dụng để chuyển tiền.
Ngay cả về vấn đề này, vào năm 2018, Nga đã tung ra công cụ của riêng mình : hệ thống chuyển thông điệp tài chính (SPFS), hiện được kết nối với mạng liên ngân hàng Trung Quốc CIPS (Hệ thống thanh toán quốc tế Trung Quốc). Theo ông François Heisbourg, cố vấn đặc biệt của Quỹ Nghiên cứu Chiến lược Pháp FRS, dù không thể cạnh tranh với Swift, nhưng đây là một công cụ có thể cung cấp một giải pháp thay thế nếu Nga bị đẩy ra ngoài hệ thống của phương Tây.
Nhìn chung, như nhận định của môt quan sát viên trên tờ Les Echos số ra ngày 25/02/2022, Putin đã biết biến nước Nga thành một "pháo đài tự chủ", ít nợ nần quốc tế, đồng thời có trữ lượng ngoại tệ cao, có thể hoạt động một cách tự lập trong nhiều tháng trời vì đã bớt lệ thuộc nước ngoài.
Theo hãng tin Anh Reuters, hiện Nga có đến 643 tỷ đô la dự trữ ngoại hối, trong lúc doanh thu từ dầu khí đang bùng nổ nhờ giá tăng cao. Thặng dư tài khoản vãng lai của Nga lên đến 5% GDP hàng năm và tỷ lệ nợ trên GDP chỉ là 20%, một trong những mức thấp nhất trên thế giới. Ngoài ra chỉ một nửa các khoản nợ của Nga là bằng đô la, giảm hẳn so với mức 80% của hai thập kỷ trước đây.
Trọng Nghĩa
Leo thang quân sự ở biên giới Ukraine-Nga những ngày qua tăng thêm một nấc. Các nước phương Tây ráo riết chuẩn bị khả năng chiến sự nổ ra bất kỳ lúc nào. Ukraine chưa quên hồi 2014, quân đội Nga đã nhanh chóng khống chế các đơn vị của Ukraine để kiểm soát toàn bộ bán đảo Crimea. Từ đó đến nay, Kiev đã cố gắng cải thiện khả năng quốc phòng nhờ vào trợ giúp của phương Tây.
Đoàn xe tăng Nga di chuyển trên một xa lộ tại Crimea ngày, 18/01/2022. AP
Thực lực quân sự của Ukraine hiện nay thế nào ? Quân đội Ukraine liệu có đủ khả năng cầm cự trước một đội quân hùng hậu của Nga một khi chiến tranh nổ ra ?
Cảnh báo của Washington "Nga có thể tấn công Ukraine bất kỳ lúc nào" dường nhưng ngày càng gần với thực tế. Luân Đôn đã có hành động cụ thể bằng việc cung cấp thiết bị quân sự, chủ yếu là vũ khí chống tăng, cho Kiev.
Chính quyền Ukraine đang căng thẳng không biết chuẩn bị ra sao trước không khí chiến tranh đang lan gần đến bên kia biên giới quốc gia. Kiev đã phải gõ cửa nước Đức tìm kiếm sự trợ giúp quân sự của Berlin, nhưng đến giờ chưa có kết quả .
Không có gì nghi ngờ việc huy động quân sự ở bên kia biên giới đang tăng tốc từng ngày. Phía Ukraine muốn sẵn sàng trong trường hợp Nga tấn công. Cho dù Moskva vẫn phủ nhận không hề có ý định đánh chiếm Ukraine, đồng thời biện minh cho việc huy động binh lính đến biên giới là vì lo ngại NATO tăng cường sức mạnh bên sườn nước Nga.
Nhưng quân đội Ukraine liệu có thực sự đủ khả năng chống lại một đội quân của Nga mà theo ước tính của Mỹ, bao gồm khoảng 100 nghìn quân và chiến xa ở biên giới, được trang bị tên lửa tầm ngắn và được không quân yểm trợ ?
Năm 2014, trong vụ sáp nhập Crimea, người Nga đã không hề gặp trở ngại nào với binh lính Ukraine. Vào thời đó, "quân đội Ukraine ở trong tình trạng khá thảm hại" Julia Friedrich, chuyên gia các vấn đề an ninh giữa Nga và Ukraine, tại Viện Global Poublic Polcy, đóng trụ sở tại Berlin, nhắc lại. Còn theo Nicolo Fosola chuyên gia các vấn đề an ninh trong không gian hậu Xô Viết, đại học Birmingham, sự kiện 2014-2015 đã khiến Kiev phải tỉnh ngộ trước thực tế phũ phàng.
Thời gian đầu, sự cố gắng đã có kết quả. Quân đội Ukraine đã được tăng từ 6.000 lên gần 150.000 binh sĩ, theo một báo cáo tổng hợp của cơ quan nghiên cứu của Quốc Hội Mỹ thực hiện tháng 6/2021. "Quân đội Ukraine giờ đã có xe tăng, bộ binh cơ động, pháo binh, tên lửa và các đơn vị phòng không", bản báo cáo ghi nhận.
Kiev đã thông qua một ngân khoản lớn để hiện đại hóa quân đội. Tỷ lệ ngân sách dành cho an ninh đã từ 1,5% GDP trong năm 2014 tăng lên thành 4,1% trong năm 2020, theo các dữ liệu chính thức của Ngân hàng Thế giới. Nếu so sánh tỷ lệ này với các quốc gia khác, chi tiêu quân sự của Ukraine còn vượt phần lớn các nước NATO và tương đương với tỷ lệ chi phí quốc phòng của Nga
Hơn nữa, Ukraine không còn đơn độc đối mặt với nước Nga. Từ 2014, NATO, với tư cách là một tổ chức và một số nước thành viên "đã trợ giúp đáng kể, tương đương khoảng 14 tỷ đô la cho Ukraine", theo ông Nicolo Fasola. Hoa kỳ là nước chủ chốt cung cấp trang thiết bị quân sự cho Ukraine, như thiết bị liên lạc, các loại xe vận tải quân sự và hơn 200 tên lửa chống tăng Javelin. Anh Quốc, Ba Lan hay cả Litva cũng chuyển cho Ukraine các loại vũ khí phòng thủ.
Thậm chí Thổ Nhĩ Kỳ cũng tham dự hỗ trợ Ukraine bằng cách bán các drone loại Bayraktar TB2. "Nếu như việc giao tên lửa Mỹ Javelin cho Kiev đã gây không ít ồn ào thì việc Thổ Nhĩ Kỳ bán drone cũng gây lo ngại không kém cho Moskva", nhật báo Washington Post nhận xét.
"Thực sự các thiết bị quân sự nói trên đã chứng tỏ hiệu quả quyết định trong cuộc xung đột Thượng Karabagh, nhưng khó biết được chúng có thể có tác động thế nào trong cuộc xung đột có thể xảy ra với Nga, trong một hình thái hoàn toàn khác", chuyên gian Julia Fiedrich nhận định.
Nhưng việc hiện đại hóa quân đội Ukraine không chỉ ở số lượng. "Đã có những tiến bộ lớn trong vấn đề huấn luyện và chuẩn bị chiến đấu", Gustave Gressel, chuyên gia về các vấn đề quân sự Nga tại Hội đồng Châu Âu về quan hệ quốc tế, khẳng định. Theo ông, một trong những điểm yếu chính trong hệ thống phòng thủ Ukraine là các học thuyết quân sự đều từng do người Nga soạn ra từ thời Liên Xô. "Moskva biết rõ được điều gì sẽ đến và có thể chuẩn bị trước", chuyên gia này nhấn mạnh.
Chính vì thế việc huấn luyện của những chuyên gia quân sự phương Tây tại các cơ sở huấn luyện của NATO, lập nên gần Lviv, gần biên giới Ba Lan có tầm quan trọng đặc biệt. "Việc huấn luyện nhằm xóa đi trong các sĩ quan và binh sĩ Ukraine những phản xạ cũ mà Moskva có thể dễ dàng tính trước được", theo Gustav Gressel.
Một thế mạnh khác của quân đội Ukraine là ở các binh sĩ. Phần lớn quân số hiện nay nhập ngũ sau sự kiện 2014. "Đó là những người tình nguyện bảo vệ tổ quốc, điều này có nghĩa là các binh sĩ này có động cơ và tinh thần cao", ông Glen Grant, một nhà phân tích tại Baltic Security Foundation, từng làm việc tại Ukraine về cải cách quân đội nước này. Được trang bị tên lửa Javelin, drone cộng thêm tinh thần binh sĩ, lục quân Ukraine đã trở thành một đối thủ đáng sợ, chuyên gia này nhận xét thêm.
Hơn thế nữa các binh sĩ Ukraine đều đã tích lũy được kinh nghiệm từ cuộc xung đột trong vùng Donbass, nơi mà từ hơn 7 năm qua, Ukraine đã phải chiến đấu với lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn. Tình hình trong vùng Donbass, tuy nhiên, cũng như con dao 2 lưỡi đối với Ukraine. "Đây là một cuộc xung đột cường độ thấp, gần với chiến tranh du kích. Điều này đã dẫn đến việc phương Tây và Kiev tập trung vào học thuyết quân sự và các trang thiết bị thích ứng với kiều xung đột như vậy. Nhưng nếu Nga tấn công, thì sự việc sẽ rất khác", chuyên gia Nicolo Fasola nhận định.
Chẳng hạn, việc người Mỹ cung cấp cho quân độ Ukraine súng trường bắn tỉa để chống lại Nga, Donbass trở thành đất luyện tập cho các tay súng bắn tỉa của họ. Nhưng loại vũ khí này không có tác dụng gì để chặn xe tăng Nga tràn qua biên giới.
Đặc tính xung đột trong vùng Donabass, chủ yếu là đấu súng, đã khiến cho Kiev không phải sử dụng đến không quân. Ukraine hiện đại hóa rất ít lực lượng này. Đa phần các máy bay ném bom hay chiến đấu cơ của Ukraine đều đã qua 30 năm, phi công thì ít được luyện tập và lương thấp. Chính vì thế nếu Nga quyết định tấn công bằng máy bay, thì Ukraine phải được hỗ trợ khẩn cấp.
"Dù sao, sẽ rất khó khăn cho Ukraine và các đồng minh cân bằng được tương quan lực lượng nếu Nga quyết định tấn công", chuyên gia Julia Friedrich nhận định. Việc Anh cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraine cũng không phải là vô ích. Theo Dimitru Minzarari, chuyên gia về xung đột ở Đông Âu thuộc Viện nghiên cứu quốc tế Đức, sự trợ giúp của Anh cũng mang giá trị chiến lược. Điều đó cho thấy có nhiều khả năng nước hỗ trợ quân sự có thể quyết định can dự sâu hơn nếu xung đột vũ trang nổ ra.
Ngoài ra, nhờ có các thiết bị quân sự đó mà quân đội Ukraine gây thiệt hại hơn cho lực lượng xâm lược của Nga, có tác dụng ngăn chặn đường tiến quân. Mọi cuộc tấn công của Nga sẽ tiến hành với việc triển khai xe bọc thép, nếu Ukraine có trong tay vũ khí hiện đại để chống lại, thì có thể Moskva sẽ phải cân nhắc giữa lợi và hại của cuộc tấn công, theo phân tích của Dumitru Minzarari.
Vì thế, chuyên gia Glen Grant thuộc Baltic security Foundation, cho rằng cần phải khẩn cấp cung cấp cho quân đội Ukraine tất cả những gì có thể tăng cường tính cơ động và sức kháng cự của các đơn vị quân. Bởi Ukraine càng kéo dài được cuộc chiến thì quân Nga cũng càng phải chịu tổn thất. Như thế sẽ khiến Moskva phải cân nhắc trước khi hành động.
Anh Vũ
(Nguồn : France24.com)
Trọng Nghĩa, Đăng ngày : 10/04/2021 - 15 :00
Theo tiết lộ của Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm qua, 09/04/2021, Hoa Kỳ sẽ cử hai chiến hạm đến vùng Biển Đen (còn gọi là Hắc Hải) vào tuần tới. Động thái của Mỹ đã lập tức bị Nga, nước đã tăng cường lực lượng quân sự gần Ukraine, lên tiếng tố cáo.
Trong một thông báo, Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của khối NATO cho biết là hai tàu chiến sẽ đến Biển Đen vào khoảng 14-15 tháng Tư, và sẽ ở lại trong khu vực cho đến ngày 4 tháng 5.
Theo hãng tin Anh Reuters, tàu chiến Mỹ thường xuyên có mặt ở Biển Đen, mà gần đây nhất là vào cuối tháng Ba, với một tàu tuần dương và một tàu khu trục.
Phản ứng trước thông tin mà Thổ Nhĩ Kỳ tiết lộ, Lầu Năm Góc cho biết quân đội Mỹ vẫn thường xuyên gửi tàu đến khu vực, và viêc tàu quân sự Mỹ có mặt ở Biển Đen "không phải là điều gì mới lạ".
Theo Washington, Nga đã tập trung nhiều quân hơn ở biên giới phía đông của Ukraine so với bất kỳ thời điểm nào kể từ năm 2014, khi họ sáp nhập vùng Crimée của Ukraine và hỗ trợ lực lượng ly khai thân Nga ở khu vực Donbass phía đông Ukraine.
Moskva đã lên tiếng phản đối. Thứ trưởng ngoại giao Nga Alexander Grushko vào hôm qua đã nêu bật quan ngại về điều mà ông cho là "gia tăng hoạt động hải quân trên Biển Đen của các cường quốc không có bờ biển trong khu vực", ám chỉ Mỹ một cách rõ rệt.
Hãng thông tấn Nga Interfax đã dẫn lời ông tố cáo việc "Số lượng các chiến dịch của các nước NATO và thời gian lưu trú của các tàu chiến (của họ) đã tăng lên".
Thượng Đỉnh Ukraine-Thổ Nhĩ Kỳ ngày 10/04/2021
Trong thời gian qua, bạo lực bùng lên giữa quân đội Ukraine và phe ly khai ở vùng Donbass, miền đông nước này. Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong cuộc điện đàm với đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vào hôm qua đã cáo buộc Ukraine về "các hành động khiêu khích nguy hiểm" ở khu vực Donbass.
Cuộc điện đàm Nga-Thổ Nhĩ Kỳ được tổ chức một hôm trước chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ của tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy.
Trong cuộc gặp thượng đỉnh vào hôm nay, hai tổng thống Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ bàn về nhiều chủ đề, đặc biệt là hợp tác quân sự-công nghiệp. Các cuộc thảo luận chắc chắn sẽ được Nga theo dõi sát sao.
Thụy My, RFI, 09/04/2021
Bộ Quốc Phòng Nga hôm 08/04/2021 thông báo đang điều 10 chiến hạm đến Hắc Hải tập trận, trong khi phương Tây lo ngại về sự gia tăng hiện diện quân sự của Nga gần Ukraine. Thủ tướng Đức trong cuộc điện đàm với tổng thống Nga hôm qua đã kêu gọi rút bớt lực lượng ở biên giới với Ukraine.
Reuters hôm nay (09/04) dẫn tin của Interfax cho biết trên 10 chiến hạm Nga trong đó có tàu đổ bộ và chiến hạm trang bị đại pháo, được điều từ biển Caspi sang Hắc Hải để tập trận. Được biết hạm đội Hắc Hải đóng tại Crimée, bán đảo của Ukraine bị Nga dùng vũ lực sáp nhập năm 2014.
Tại khu vực biên giới Ukraine và Nga, Kiev và các nước phương Tây tố cáo phe ly khai và quân Nga gây ra các vụ xung đột đẫm máu hầu như hàng ngày. Hôm qua thủ tướng Đức Angela Merkel trong cuộc điện đàm đã yêu cầu tổng thống Nga Vladimir Putin rút lực lượng đang đóng dọc theo biên giới Ukraine để giảm bớt căng thẳng.
Moskva khẳng định quân Nga không phải là mối đe dọa, sự hiện diện quân sự chỉ nhằm mục đích phòng vệ, tuy nhiên vẫn "tiếp tục triển khai khi cần thiết tại vùng Donbass". Reuters dẫn thông báo của điện Kremlin cho biết trong cuộc điện đàm trên, ông Putin nói rằng "hành động khiêu khích của Kiev đã khuấy động tình hình dọc theo đường biên giới". Reuters dẫn lời một quan chức cao cấp của Kremlin đe dọa, những trận đánh dữ dội nếu xảy ra, sẽ là điểm khởi đầu cho hồi kết sự hiện diện của Ukraine với tư cách một quốc gia.
Tại Washington, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki tuyên bố Hoa Kỳ ngày càng quan ngại về sự leo thang quân sự của Nga tại miền đông Ukraine, đây là chủ đề đang được Mỹ thảo luận với các đồng minh NATO.
Về phía tổng thống Ukraine, ông Vododimir Zelenski hôm qua đã đích thân đến vùng Donbass để thị sát tình hình. Trước đó hôm thứ Ba 06/04 ông Zelenski đã kêu gọi NATO đẩy nhanh tiến trình xem xét việc Ukraine gia nhập Tổ chức Minh ước Bắc Đại Tây Dương.
Theo AFP, đàm phán hòa bình giữa Ukraine và Nga với Pháp và Đức làm trung gian hiện đang trong ngõ cụt. Cuộc họp thượng đỉnh gần nhất vào tháng 12/2019 không đạt một tiến triển nào, và cũng không có cuộc tiếp xúc mới nào được dự kiến.