Vài điều có thể bạn chưa biết ẩn trong báo cáo Mueller (VOA, 20/04/2019)
Báo cáo của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller tập trung vào các câu hỏi cốt yếu về việc liệu ban vận động tranh cử của Tổng thống Donald Trump có thông đồng với Nga hay không và liệu tổng thống có tìm cách cản trở cuộc điều tra một cách bất hợp pháp hay không.
Báo cáo Mueller - Ảnh minh họa
Nhưng ẩn trong tài liệu dài 450 trang này là những mẩu chuyện sinh động và những tiết lộ có ý nghĩa về một dàn những nhân vật gây tò mò vướng vào cuộc điều tra của ông Mueller.
Dưới đây là một số người :
Cuộc truy lùng email
Ngay cả khi người Nga xâm nhập các tài khoản email của Đảng Dân chủ, một nhóm người Mỹ cũng tự mình thực hiện một nỗ lực song song : truy lùng hàng chục ngàn email bị xóa khỏi máy chủ email cá nhân của Hillary Clinton.
Việc này đã trở thành một niềm đam mê đối với ông Trump, người đã yêu cầu nhiều người xung quanh chiến dịch tranh cử tìm kiếm các email bị mất.
Trong số đó có Michael Flynn, cố vấn an ninh quốc gia tương lai của ông Trump. Ông Flynn tranh thủ sự giúp đỡ của một cựu nhân viên Thượng viện tên là Barbara Ledeen và Peter Smith, một cố vấn đầu tư và hoạt động tích cực trong chính trị của Đảng Cộng hòa.
Báo cáo ghi lại nhiều bước mà hai người đã thực hiện để truy tìm email. Chẳng hạn, ông Smith đã tuyển mộ các chuyên gia bảo mật và các cộng sự kinh doanh và tuyên bố với những người mà ông ta tìm kiếm nguồn tài trợ là ông ta đang liên lạc với các tin tặc liên kết với Nga.
Không rõ tuyên bố đó có nghĩa lí gì hay không vì ông Mueller không tìm thấy bằng chứng cho thấy bất cứ người Mỹ nào thực sự liên lạc với bất kì tin tặc người Nga nào hoặc có bất kì mối liên hệ nào với họ.
Cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions (trái) và cựu đại sứ Nga Sergey Kislyak
Sessions bị điều tra
Ông Mueller xác nhận văn phòng của ông đã điều tra Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions về chuyện liệu ông có khai man trong phiên điều trần chuẩn thuận vào tháng 1 năm 2017 hay không khi nói rằng ông không có liên lạc với người Nga trong chiến dịch tranh cử.
Phát biểu này là sai vì trên thực tế, ông Sessions có hai cuộc gặp riêng với đại sứ Nga lúc đó ở Mỹ — một cuộc gặp trong tuần lễ diễn ra Đại hội Đảng Cộng hòa Toàn quốc vào tháng 7 năm 2016 và một cuộc gặp khác tại văn phòng Thượng viện của ông hai tháng sau đó.
Ông Sessions sau đó giải thích rằng ông hiểu câu hỏi chỉ tập trung hạn hẹp vào việc liệu ông có trao đổi thông tin chiến dịch tranh cử với người Nga hay không, chứ không phải có những tương tác thường xuyên hơn với họ.
Báo cáo của ông Mueller nói các công tố viên chấp nhận tuyên bố này là hữu lí và khép lại điều tra mà không truy tố.
"Chúng ta sẽ được chiếu cố"
Cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử của ông Trump, Paul Manafort và cộng sự kinh doanh của ông ta, Rick Gates, là hai trong số những phụ tá đầu tiên của tổng thống bị ông Mueller truy tố về một loạt các tội tài chính.
Suốt nhiều tháng, họ sát cánh bên nhau như những đồng bị cáo nhưng mối quan hệ đó tan vỡ vào tháng 2 năm 2018 khi ông Gates đồng ý tuyên có tội và hợp tác với cuộc điều tra.
Báo cáo tiết lộ một cuộc gặp gỡ đáng tò mò một tháng trước đó khi ông Manafort tìm cách can ngăn ông Gates từ bỏ thỏa thuận. Ông nói với ông Gates rằng ông đã nói chuyện với luật sư riêng của tổng thống và rằng "chúng ta sẽ được chiếu cố", theo báo cáo.
Ông Gates vẫn tuyên có tội, khai chứng chống lại ông Manafort trong phiên tòa của mình. Mấy tháng sau ông Manafort theo bước và gần đây bị tuyên án hơn bảy năm tù.
Vô số đặc vụ FBI
Một ngày sau khi ông Trump sa thải Giám đốc FBI James Comey, phát ngôn viên Nhà Trắng Sarah Sanders đưa ra một tuyên bố mà ngay cả vào thời điểm đó nghe có vẻ sai.
Hóa ra sai thật.
Bà Sanders, khi bị các nhà báo truy vấn về quyết định sa thải ông Comey của tổng thống, nói Nhà Trắng "đã nghe từ vô số thành viên của FBI" phàn nàn về sự lãnh đạo của ông Comey. Tuyên bố này mâu thuẫn với điều được biết là tập thể nhân viên FBI rất buồn vì ông Comey bị sa thải. Ngày hôm sau, bà lại tiếp tục nói rằng cá nhân bà đã liên lạc, "qua email và tin nhắn văn bản", với một số lượng lớn nhân viên FBI nói rằng họ rất hài lòng với quyết định của tổng thống.
Tuyên bố của bà trong cuộc họp báo ở Nhà Trắng gây khó hiểu đến mức một phóng viên hỏi vặn, "Thật vậy à ?"
Nhưng khi được đội ngũ của ông Mueller phỏng vấn, bà Sanders đổi giọng, nói rằng tuyên bố "vô số thành viên" FBI là "buột miệng". Bà thừa nhận bà không có căn cứ nào cho một tuyên bố khác nói rằng các đặc vụ đã mất niềm tin nơi ông Comey.
Bà Sanders tuyên bố trong một loạt các cuộc phỏng vấn trên truyền hình vào ngày thứ Sáu rằng phát biểu "vô số" của bà là "buột miệng" và không phải một luận điểm được soạn sẵn.
"Xin lỗi tôi không phải là robot", bà nói trong một cuộc phỏng vấn.
Julian Assange
Vào mùa hè năm 2016, người sáng lập WikiLeaks bắt đầu quan tâm đến vụ sát hại một cựu nhân viên của Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc (DNC) ở Washington, D.C.
Các bản tin đã quy kết chính xác vụ xâm nhập máy tính DNC là do Nga thực hiện, nhưng ông Assange – người sở hữu website Wikileaks vốn đã nắm trong tay các email bị đánh cắp – muốn che giấu nguồn gốc của các tài liệu mà họ đang tung ra.
Để làm điều này, ông Mueller nói ông Assange đã chộp lấy các thuyết âm mưu sai trái liên kết các vụ xâm nhập với Seth Rich, nhân viên DNC bị sát hại.
Mặc dù WikiLeaks đã liên lạc qua lại với Guccifer 2.0, một nhân vật hư cấu của tình báo Nga giả dạng làm một tin tặc đơn độc, ông Assange tuyên truyền rằng anh Rich thực sự có thể là nguồn của những email bị đánh cắp và có liên hệ với vụ xâm nhập máy tính của DNC.
Có lúc ông Assange treo thưởng 20.000 đôla cho thông tin dẫn đến việc bắt giữ kẻ giết anh Rich.
Trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 25 tháng 8 năm 2016, ông Assange nói, "Nếu có một người nào đó có thể có liên hệ với ấn phẩm của chúng tôi, và người đó bị sát hại trong những tình huống đáng ngờ, điều đó không nhất thiết có nghĩa là hai chuyện đó có liên quan. Nhưng đó là một vấn đề rất nghiêm trọng ... cáo buộc kiểu đó rất nghiêm trọng, và chúng tôi xem cáo buộc đó là rất nghiêm túc".
Trong một vụ việc khác không liên quan, Bộ Tư pháp Mỹ tuần trước đã công bố một cáo trạng giữ kín cáo buộc ông Assange âm mưu với người từng là nhà phân tích tình báo Chelsea Manning phá mật khẩu của chính phủ Mỹ.
Cựu Cố vấn Anh Quốc gia Michael Flynn
Bàn về chế tài
Bản báo cáo làm sáng tỏ những gì xảy ra sau các cuộc thảo luận của Michael Flynn về các chế tài với ông Kislyak, đại sứ Nga lúc đó ở Mỹ, trong giai đoạn chuyển quyền tổng thống.
Sau khi một cây bút viết bài bình luận của báo The Washington Post tiết lộ vào tháng 1 năm 2017 rằng ông Flynn và ông Kislyak có bàn về các chế tài, ông Flynn — chịu áp lực từ tổng thống đắc cử — đã chỉ đạo K.T. McFarland, người từng là phó cố vấn an ninh quốc gia, liên lạc với tờ Post và phủ nhận không có chuyện thảo luận về các chế tài.
Bà McFarland thực hiện cuộc gọi mặc dù bà biết rằng mình đang trình bày thông tin sai lạc, báo cáo cho biết.
Một tháng sau, sau khi ông Flynn bị sa thải khỏi Nhà Trắng, ông Trump tìm cách bắt bà McFarland soạn một lá thư nội bộ nói rằng ông không có chỉ đạo ông Flynn thảo luận về các chế tài với ông Kislyak. Nhưng bà McFarland từ chối vì bà không biết liệu điều đó có đúng hay không, báo cáo viết.
Các cuộc thảo luận về chế tài của ông Flynn với ông Kislyak là trọng tâm của cuộc điều tra và ông Flynn đã nhận tội khai man với FBI về việc này.
******************
Mỹ : Đối lập vẫn hoài nghi tổng thống Trump trong báo cáo Muller (RFI, 20/04/2019)
Thượng nghị sĩ Mỹ bang Masschusetts ngày 19/04/2019 kêu gọi truất phế tổng thống Trump sau khi báo cáo của công tố viên đặc biệt, Robert Mueller được công bố. Elizabeth Warren là một trong số các ứng viên muốn đại diện cho đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020. Văn bản hơn 400 trang nói trên của ông Mueller đã kết luận không có bằng chứng ban vận động tranh cử của Donald Trump năm 2016 thông đồng với Nga, nhưng nghi ngờ về hành động cản trở pháp luật của tổng thống Hoa Kỳ vẫn tồn tại.
Bản báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Muller kết luận không có thông đồng với Nga nhưng vẫn không xóa hết nghi ngờ với ông Donald Trump. Reuters/Jonathan Ernst
Từ San Francisco, thông tín viên Eric de Salves cho biết thêm về tranh cãi kéo dài chung quanh bản báo cáo Mueller :
Trong bản báo cáo, Robert Mueller để cho Hạ Viện thẩm định xem Donald Trump đã có vi phạm luật hay không. Sau khi đọc qua 448 trang, phe đối lập đã bàng hoàng phát hiện nhiều cuộc trao đổi với những mục đích không mấy tốt đẹp hồi năm 2016 giữa những nhân vật thân tín với Donald Trump, như các cố vấn, luật sư, giám đốc chương trình vận động tranh cử, con rể và cả con trai của ông- với một số số đối tác Nga cũng không mấy trong sạch gì.
Êkip của ông Trump đã đề nghị với phía Nga nhiều tài liệu về Hillary Clinton. Đảng Dân chủ cũng đã phát hiện khoảng một chục sự cố cho thấy Donald Trump trực tiếp tìm cách gây trở ngại cho công tác điều tra.
Trước ngần ấy những thông tin, phe đối lập bị chia rẽ. Một số người, như thượng nghị sĩ Warren hay ngôi sao đang lên thuộc cánh tả của đảng Dân chủ là nữ đại biểu Quốc hội Alexandria Occazio Cortez, mạnh dạn đòi "impeachment", tức là truất phế tổng thống. Nhưng một số khác không mặn mà với khả năng này. Đây là trường hợp của chủ tịch Hạ Viện Mỹ, Nancy Pelosi.
Ngay từ đầu bà phản đối việc tiến hành thủ tục truất phế Donald Trump. Một vị dân biểu Mỹ nói "không bõ công" mở ra hồ sơ này, bởi vì 18 tháng nữa nước Mỹ bầu lại tổng thống.
Hôm qua bên đảng Dân chủ chỉ đòi bản báo cáo Mueller phải được công bố đầy đủ, không có những đoạn bị bôi đen. Phe này cũng yêu cầu công tố viên đặc biệt, Robert Mueller, phải ra điều trần tại Quốc hội vào ngày 23/05/2019.
Về phần mình, tổng thống Mỹ chỉ trích một bản báo cáo "điên rồ" do 18 người thuộc đảng Dân chủ với lập trường chống Trump soạn thảo. Đảng Cộng hòa đoàn kết ủng hộ Donald Trump ngoại trừ Mitt Rommey, cựu ứng cử viên tổng thống Mỹ. Ông Rommey lên án thái độ "gian manh" của Donald Trump và coi đó là một hành vi "đáng khinh bỉ".
Thanh Hà
*********************
Tổng thống Mỹ giảm 3 điểm tín nhiệm sau công bố báo cáo Mueller (BBC, 20/04/2019)
Số người Mỹ tán thành Tổng thống Donald Trump đã giảm 3 điểm phần trăm xuống mức thấp nhất trong năm 2019 sau khi báo cáo của Công tố viên đặc biệt về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mới nhất được công bố, theo một cuộc thăm dò dư luận của Reuters/Ipsos.
Tiếp tục có chia rẽ sâu sắc trong đánh giá của công chúng Mỹ về tín nhiệm và chấp nhận Tổng thống Trump, theo hãng tin Anh Reuters
Cuộc thăm dò, được thực hiện vào chiều thứ Năm đến sáng thứ Sáu (18-19/4), là cuộc khảo sát quốc gia đầu tiên để đo lường phản ứng từ công chúng Mỹ sau khi Bộ Tư pháp Hoa Kỳ công bố báo cáo dài 45 trang của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller kể lại nhiều sự kiện trong đó ông Trump có thể can thiệp vào cuộc điều tra, hãng Reuters hôm thứ Sáu đưa tin từ New York.
Theo cuộc thăm dò ý kiến này, 37% người trưởng thành ở Hoa Kỳ chấp thuận công việc của ông Trump tại Nhà Trắng, giảm từ 40% trong cuộc thăm dò tương tự được thực hiện vào ngày 15/4 và phù hợp với mức thấp nhất trong năm. Đó cũng là mức giảm từ 43% trong một cuộc thăm dò được thực hiện ngay sau khi Tổng chưởng lý Hoa Kỳ William Barr lưu hành một bản tóm tắt của báo cáo Mueller vào tháng Ba.
Trong báo cáo của mình, ông Mueller nói rằng cuộc điều tra của ông không xác định rằng chiến dịch vận động bầu cử của ông Trump đã phối hợp với người Nga. Tuy nhiên, các nhà điều tra đã tìm thấy nhiều hành vi của Tổng thống có khả năng gây ảnh hưởng quá mức đối với các cuộc điều tra thực thi pháp luật.
Trong khi Mueller cuối cùng đã quyết định không buộc tội Trump với một tội nào, ông cũng nói rằng cuộc điều tra cũng không giải hay miễn tội cho tổng thống.
Cuộc thăm dò của Reuters/Ipsos được thực hiện trực tuyến bằng tiếng Anh trên khắp Hoa Kỳ. Nó thu thập phản hồi từ 1.005 người lớn, bao gồm 924 người đã biết báo cáo Mueller. Thăm dò có một khoảng tin cậy, thước đo chính xác, là 4 điểm phần trăm.
Chia rẽ gay gắt
Cuộc thăm dò cho thấy 50% người Mỹ đồng ý rằng, "ông Trump hoặc ai đó từ chiến dịch của ông đã làm việc với Nga để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử năm 2016, và và 58% đồng ý rằng tổng thống đã cố gắng ngừng điều tra về ảnh hưởng của Nga đối với chính quyền của ông, vẫn theo hãng tin Anh.
Bốn mươi phần trăm nói rằng họ nghĩ ông Trump nên bị luận tội, trong khi 42 phần trăm nói rằng ông không nên bị như thế.
Các phản ứng thăm dò ý kiến đã bị chia rẽ mạnh mẽ theo các đảng phái, trong đó người thuộc phe Dân chủ chỉ trích Trump nhiều hơn so với những người thuộc đảng Cộng hòa của ông.
Cuộc điều tra Mueller trước đây đã buộc tội 34 người khác và ba thực thể của Nga, đã có kết án hoặc nhận tội từ một số cộng sự của ông Trump bao gồm cựu chủ tịch chiến dịch tranh cử Paul Manafort, cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng Michael Flynn và luật sư cá nhân lâu năm Michael Cohen.
Cho đến nay, bản báo cáo dường như không thuyết phục được nhiều người thay đổi ý kiến của họ về hành vi của tổng thống trong một chiến dịch tranh cử tranh cãi gắt gao, và liệu nhóm thân tín vòng trong của ông có can dự không phù hợp với các đặc vụ Nga, hay liệu ông Trump có cố gắng can thiệp vào các nhà điều tra liên bang sau đó không.
Trong số những người được hỏi cho biết họ đã biết báo cáo của Mueller, 70% cho biết báo cáo không thay đổi quan điểm của họ về ông Trump hay sự can thiệp của Nga vào cuộc chạy đua ghế tổng thống Mỹ. Chỉ có 15% cho biết họ đã biết được điều gì đó để thay đổi quan điểm về cuộc điều tra nhắm vào ông Trump hoặc Nga, và phần lớn những người được hỏi nói rằng họ có nhiều khả năng tin rằng "ông Trump hoặc ai đó thân cận với ông đã vi phạm pháp luật", hãng tin Anh Reuters cho hay.
******************
Tỷ lệ ủng hộ Trump xuống còn 37% sau báo cáo Mueller (VOA, 20/04/2019)
Số người dân Mỹ ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã giảm 3 điểm phần trăm xuống mức thấp nhất từ đầu năm 2019 sau khi bản báo cáo của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller được công bố, theo một cuộc khảo sát ý kiến do Reuters/Ipsos thực hiện.
Phân nửa người dân Mỹ vẫn tin rằng chiến dịch tranh cử của ông Trump có thông đồng vói Nga
Cuộc thăm dò này là cuộc khảo sát trên toàn quốc đầu tiên để đo lường phản ứng của người dân Mỹ sau khi Bộ Tư pháp công bố báo cáo dài 448 trang của ông Mueller mà trong đó kể lại nhiều sự việc cho thấy ông Trump đã tìm cách can thiệp vào cuộc điều tra.
Theo kết quả thăm dò, 37% cử tri Mỹ tán thành thành tích của ông Trump trong Nhà Trắng – tức là giảm so với mức 40% trong cuộc thăm dò tương tự hôm 15/4 và mức 43% trong cuộc thăm dò ngay sau khi Bộ trưởng Tư pháp William Barr công bố tóm tắt bản báo cáo hồi tháng 3.
Trong báo cáo của mình, ông Mueller nói rằng cuộc điều tra của ông không kết luận ban vận động tranh cử của ông Trump đã phối hợp với người Nga. Tuy nhiên, các nhà điều tra đã tìm thấy ‘rất nhiều hành động của ông Trump có khả năng gây ảnh hưởng quá mức lên cuộc điều tra’.
Mặc dù ông Mueller cuối cùng quyết định không truy tố ông Trump về tội cản trở công lý nhưng ông cũng không khẳng định rằng ông Trump vô tội.
Cuộc thăm dò cho thấy 50% người dân Mỹ đồng ý rằng ‘chính ông Trump hay ai đó trong đội ngũ làm việc cho ông đã phối hợp với người Nga để ảnh hưởng cuộc bầu cử 201’ và 58% đồng ý rằng ông Trump ‘tìm cách chấm dứt cuộc điều tra’.
Khoảng 40% cử tri đòi luận tội ông Trump trong khi 42% phản đối việc luận tội.
Kết quả thăm dò bị chia rẽ rõ ràng theo lập trường đảng phái với các cử tri Dân chủ chỉ trích ông Trump nặng nề hơn nhiều so với các cử tri Cộng hòa.
Báo cáo Mueller cuối cùng đã công bố : Chuyện gì kế tiếp ? (VOA, 19/04/2019)
Bản báo cáo 448 trang của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller về chuyện Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đã được công bố vào ngày thứ Năm, khép lại cuộc điều tra kéo dài 22 tháng mà Tổng thống Donald Trump liên tục đả kích là "săn phù thủy" với hàm ý ông bị truy bức chính trị.
Báo cáo Mueller về chuyện Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đã được công bố
Cuộc điều tra không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy ban vận động tranh cử năm 2016 của ông Trump tham gia trong một âm mưu phạm tội với Nga, và ông Mueller không thể đưa ra kết luận về việc liệu ông Trump có phạm tội cản trở công lí hay không.
Bộ trưởng Tư pháp William Barr kết luận rằng ông Trump không phạm tội. Nhưng báo cáo của ông Mueller liệt kê 10 sự việc liên quan đến ông Trump và thẩm định liệu hành vi cản trở công lí có xảy ra hay không.
Dưới đây có thể là những bước tiếp theo trong một câu chuyện trường thiên đã đeo bám ông Trump kể từ khi ông đắc cử và có phần chắc sẽ tiếp diễn sang năm 2020 khi ông nỗ lực tái đắc cử :
Bầu cử 2020
Ông Trump có thể tìm cách vận động tranh cử dựa trên cuộc điều tra Mueller, điều mà nhiều nhân vật đồng đảng Cộng hòa cho là nỗ lực của FBI nhằm hạ bệ ông. Lời hiệu triệu của ông nói rằng cuộc điều tra là một cuộc săn lùng phù thủy nhằm loại bỏ một tổng thống được bầu cử dân chủ có thể hữu hiệu trong việc huy động người ủng hộ ông bỏ phiếu cho ông một nhiệm kì thứ hai, nhiều người trong số này vốn ngờ vực Washington,
Ông Trump hôm thứ Năm cố gắng giành lấy lợi thế chính trị. Vài giờ trước khi báo cáo Mueller được công bố, ông đăng trên Twitter : "Trò bịp chính trị vĩ đại nhất mọi thời đại !/ Những tay Cớm gian trá, Bẩn thỉu và DNC/Phe Dân chủ mới là những kẻ phạm tội".
Các ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ phát biểu rất ít về cuộc điều tra Mueller gây chia rẽ sâu sắc một nước Mỹ vốn đã bị phân cực. Câu hỏi bây giờ là liệu việc công bố báo cáo có thôi thúc họ lên tiếng hay không, dù điều đó có nguy cơ đẩy họ vào một tranh cãi trên Twitter với ông Trump mà họ có thể thua.
Các cuộc khảo sát dư luận cho thấy cử tri quan tâm nhiều hơn đến các vấn đề sát sườn liên quan đến nền kinh tế hơn là cuộc điều tra. Vì vậy, có thể không có lợi lộc gì cho các ứng cử viên Dân chủ tìm kiếm lợi thế chính trị thông qua báo cáo này, đặc biệt là ở các khu vực chiến trường nơi cử tri có quan điểm ôn hòa chiếm đa số,
Điều tra ở New York
Các công tố viên liên bang ở Khu vực tư pháp phía Nam của New York đang điều tra các hoạt động kinh doanh và giao dịch tài chính của ông Trump, theo lời khai chứng được gửi tới Quốc hội vào tháng 2 bởi cựu luật sư của ông Trump, Michael Cohen, người bị tuyên án tù ba năm vì các tội liên quan đến các khoản chi trả cho những người phụ nữ tuyên bố đã có quan hệ tình dục với ông Trump.
Các công tố viên ở đây có thẩm quyền điều tra rộng hơn ông Mueller và họ sẽ hoạt động độc lập.
Các cáo trạng của các công tố viên liên bang ở New York có thể còn gây chú ý hơn cả báo cáo Mueller.
Báo cáo Mueller lưu ý rằng văn phòng công tố viên đặc biệt đã chuyển 14 hồ sơ đề nghị điều tra hình sự nằm ngoài phạm vi điều tra của công tố viên đặc biệt.
Báo cáo nói các bằng chứng đã được gửi đến "các cơ quan chấp pháp thích hợp", chủ yếu là các văn phòng khác thuộc Bộ Tư pháp và FBI.
Luận tội ?
Xác suất phe Dân chủ tại Hạ viện tiến hành luận tội ông Trump đã giảm xuống vào tháng trước khi Bộ trưởng Tư pháp William Barr tuyên bố ông Mueller không tìm thấy bằng chứng cho thấy sự thông đồng với Nga.
Nhưng những chi tiết về những phát hiện của ông Mueller có thể cung cấp thêm luận cứ để khởi động các thủ tục luận tội vốn được thực hiện chỉ ba lần trong lịch sử Mỹ.
Một nỗ lực luận tội sẽ tập trung vào việc liệu ông Trump có thể đã phạm "trọng tội và hành vi sai trái" hay không. Đó là một định nghĩa rộng cho Quốc hội thẩm quyền to lớn hơn thẩm quyền điều tra hạn hẹp của ông Mueller.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, nhân vật hàng đầu của theo Đảng Dân chủ Mỹ, nói vài tuần trước khi báo cáo được công bố rằng bà phản đối việc luận tội, nói rằng việc này sẽ gây chia rẽ quốc gia. Vì cho tới giờ không có nghị sĩ Cộng hòa nào tỏ ra hứng thú với chuyện luận tội, bất cứ nỗ lực nào như vậy có thể sẽ "chìm xuồng" tại Thượng viện, nơi có thể chuyển việc luận tội thành kết tội - trừ phi báo cáo này làm một số người đổi ý.
Tuy vậy, một số thành viên có chủ trương cấp tiến của phe Dân chủ vẫn tiếp tục thúc đẩy việc luận tội.
Phản ứng về việc che bớt thông tin
Nhiều nghị sĩ Dân chủ yêu cầu một bản báo cáo đầy đủ mà không có phần nào bị bôi đen.
Ủy ban Tư pháp Hạ viện có thể ra trát đòi giao nộp báo cáo đầy đủ, không bị bôi đen và các tài liệu liên quan, cũng như lời khai chứng mà ông Mueller thu thập từ một số cựu phụ tá Nhà Trắng hàng đầu của ông Trump.
Nếu hành động đó được thực hiện, không rõ liệu Bộ Tư pháp có tuân thủ trát hay không. Nếu không, tranh chấp này cuối cùng có thể được Tòa án Tối cao Hoa Kỳ phân xử.
Lời khai chứng của Barr
Bộ trưởng Tư pháp William Barr, quan chức chấp pháp hàng đầu của quốc gia, dự kiến sẽ ra khai chứng trước Ủy ban Tư pháp Hạ viện vào ngày 2 tháng 5.
Ông Mueller dự kiến sẽ khai chứng trong một phiên điều trần mở của Ủy ban Tư pháp Hạ viện, nhưng sau khi ông Barr xuất hiện.
Hồ sơ thuế của Trump
Bên cạnh việc xem xét các kết luận của ông Mueller, phe Dân chủ đang theo đuổi các kênh khác để tiến hành các cuộc điều tra của Quốc hội về những giao dịch của ông Trump khi ông là doanh nhân trước khi trở thành tổng thống và kể từ khi ông dọn vào Nhà Trắng vào năm 2017.
Ví dụ, Ủy ban Thuế khóa và Ngân sách của Hạ viện ra thời hạn 23 tháng 4 cho Sở Thuế vụ của Bộ Tài chính cung cấp hồ sơ thuế cá nhân và doanh nghiệp của ông Trump trong sáu năm. Phe Dân chủ cho rằng các hồ sơ này có thể hé lộ những manh mối về các thỏa thuận kinh doanh có thể có của ông Trump với Nga.
Không giao nộp hồ sơ đúng hạn có thể khiến Hạ viện khép các quan chức của bộ vào tội khinh thị Quốc hội, kích hoạt các thủ tục pháp lí để buộc cơ quan này tuân thủ.
Các cuộc điều tra khác của Quốc hội
Ủy ban Tình báo Thượng viện do phe Cộng hòa đứng đầu vẫn chưa công bố kết quả điều tra chuyên sâu về vai trò của Nga trong cuộc bầu cử năm 2016. Kết quả có thể được công bố vào một thời điểm sau đó trong năm nay. Trong khi đó, Ủy ban Tình báo Hạ viện đang đẩy mạnh điều tra trong khi phe Dân chủ còn đang nắm quyền kiểm soát.
Các Ủy ban Tình báo, Ủy ban Đối ngoại và Ủy ban Giám sát của Hạ viện vẫn đang tìm kiếm các tài liệu liên quan đến các cuộc trò chuyện của ông Trump với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ủy ban Giám sát cũng đang xem xét các vấn đề về quyền tiếp cận an ninh liên quan đến con rể của ông Trump, Jared Kushner và những người khác.
********************
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ họp báo công bố báo cáo Mueller vào ngày thứ Năm (VOA, 18/04/2019)
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào lúc 9:30 sáng giờ Washington (13:30 GMT) vào ngày thứ Năm để thảo luận về việc công bố báo cáo của Công tố viên Đặc biệt Robert Mueller về cuộc điều tra sự can thiệp của Nga trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, Bộ Tư pháp cho biết ngày thứ Tư.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr đã xác định không có đủ bằng chứng để chứng minh ông Trump đã phạm tội cản trở công lí, mặc dù ông Mueller không nói ông Trump vô tội trong khía cạnh này.
Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein, người đã bổ nhiệm ông Mueller làm công tố viên đặc biệt gần hai năm trước, cũng sẽ tham dự cuộc họp báo, bộ cho biết trong một thông cáo.
Tổng thống Donald Trump, người đã nhiều lần chỉ trích cuộc điều tra của ông Mueller là "săn phù thủy" (hàm ý ông bị truy bức chính trị), nói trong một cuộc phỏng vấn trên radio hôm thứ Tư rằng ông có thể tổ chức một cuộc họp báo sau ông Barr.
Ông Mueller ngày 22 tháng 3 đã nộp cho ông Barr một bản báo cáo dài gần 400 trang về cuộc điều tra kéo dài 22 tháng của ông xem xét liệu ban vận động tranh cử của ông Trump có thông đồng với Moscow nhằm xoay chuyển cuộc bầu cử theo hướng có lợi cho mình hay không, và liệu ông Trump có phạm tội cản trở công lí với những hành động nhằm cản trở cuộc điều tra hay không.
Trong một bức thư gửi các nhà lập pháp hai ngày sau đó, ông Barr nói rằng ông Mueller không nhận thấy các thành viên của ban vận động Trump tham gia vào một âm mưu phạm tội với Nga.
Ông Barr cũng nói rằng ông xác định không có đủ bằng chứng để chứng minh ông Trump đã phạm tội cản trở công lí, mặc dù ông Mueller không nói ông Trump vô tội trong khía cạnh cản trở công lí.
*******************
Báo cáo Mueller : Tám điều chúng ta mới được biết (BBC, 19/04/2019)
Bản báo cáo dài 448 trang về cáo buộc can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 của Mỹ, vừa được công bố, đã xác nhận những gì ông Trump khẳng định ngay từ đầu : không có sự thông đồng.
Cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt Robert Mueller đã vẽ nên một bức tranh hỗn tạp về hành vi của Tổng thống Donald Trump, vừa đáng ngờ vừa kỳ lạ.
Cuộc điều tra cũng tạo một hồ sơ dầy cộm cho thấy rằng vị tổng thống đảng Cộng hòa cũng đã cản trở công lý, nhưng nó lại không kết luận ông Trump phạm tội.
Và trong khi không có chứng cớ "nóng hổi" để ngay lập tức tiến hành các thủ tục luận tội, đảng Dân chủ cho biết bản báo cáo cũng cho họ rất nhiều thông tin khác để tiếp tục sự giám sát của Quốc hội đối với ông Trump.
'Nhiệm kỳ tổng thống của tôi kết thúc rồi'
Báo cáo mô tả cụ thể về nỗi kinh hoàng của ngài Tổng thống với những ngôn từ chửi rủa kể từ ngày ông Trump biết một công tố viên đặc biệt đã được bổ nhiệm để điều tra ông hồi tháng 5/2017.
Theo báo cáo của Mueller, khi cựu Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions nói với ông Trump về cuộc điều tra của Mueller, ông Trump đã nói :
"Ôi trời ơi ! Điều này thật tồi tệ. Nhiệm kỳ tổng thống của tôi kết thúc rồi". Ông Trump văng thêm hai câu chửi tục sau đó.
Ông nói thêm : "Mọi người nói với tôi nếu anh bị một trong những công tố viên độc lập này điều tra, điều đó có nghĩa là nhiệm kỳ tổng thống của anh coi như kết thúc. Nó sẽ kéo dài nhiều năm và tôi sẽ không làm gì được. Đây là điều tồi tệ nhất từng xảy ra cho tôi".
'Mueller phải ra đi'
Báo cáo của Mueller cho thấy vào tháng 6/2017, tổng thống đã gọi cho cố vấn Nhà Trắng Donald McGahn từ Trại David và ra lệnh cho ông phải loại bỏ công tố viên đặc biệt.
Trong cuộc gọi thứ hai, ông McGahn nói rằng tổng thống đã gia tăng áp lực, nói : "Gọi cho Rod [Phó Bộ trưởng Tư pháp Rod Rosenstein], nói với Rod rằng Mueller có mâu thuẫn và không thể là Công tố viên Đặc biệt", và "Mueller phải ra đi "và" Gọi lại cho tôi khi anh làm xong điều đó".
McGahn đã rất bực mình vì sự can thiệp này đến nỗi ông đe dọa sẽ bỏ việc thay vì tham gia vào những gì ông dự đoán sẽ xảy ra là một "Cuộc thảm sát đêm thứ Bảy" giống như vụ Nixon.
Vào tháng 1/2018 sau khi truyền thông tiết lộ những nỗ lực của ông Trump để loại bỏ Mueller, một trong các luật sư của tổng thống đã liên lạc với ông McGahn, yêu cầu ông công khai bác bỏ thông tin đó.
Nhưng McGahn, thông qua luật sư của mình, đã từ chối.
Không thông đồng
Báo cáo cho thấy có một số liên hệ giữa các thành viên trong nhóm của ông Trump và Nga, và báo cáo cũng phát hiện chiến dịch tranh cử của ông Trump "dự kiến sẽ có lợi về mặt bầu cử từ những thông tin bị đánh cắp và được tiết lộ thông qua các hỗ trợ của Nga".
Nhóm Trump cũng "thể hiện sự quan tâm" đối với các email bị hack do Wikileaks công bố và "hoan nghênh thiệt hại có thể gây ra" cho ứng cử viên Hillary Clinton. Đảng Dân chủ gọi đó là "không yêu nước và vô đạo đức". Nhưng nhóm Mueller nói rõ rằng nó không cấu thành âm mưu hình sự.
"Các mối liên hệ với Nga bao gồm các liên hệ kinh doanh, đề nghị hỗ trợ cho chiến dịch, lời mờiứng cử viên Trump và [Tổng thống Nga Vladimir] Putin gặp gỡ nhau trực tiếp, mời các quan chức chiến dịch tranh cử và đại diện của chính phủ Nga gặp gỡ, và các đề nghị chính sách giúp cải thiện Quan hệ Nga-Mỹ.
"Trong khi cuộc điều tra xác định có nhiều mối liên hệ giữa các cá nhân có mối quan hệ với chính phủ Nga và các cá nhân liên quan đến chiến dịch tranh cử Trump, không có đủ các bằng chứng để cáo buộc hình sự.
"Cuộc điều tra không xác định được rằng các thành viên của chiến dịch tranh cử của Trump đã âm mưu hoặc phối hợp với chính phủ Nga trong các hoạt động can thiệp bầu cử".
Không minh oan việc cản trở công lý
Tuy nhiên báo cáo của Mueller không hề là 'sự giải oan' như ông Trump đã tuyên bố hồi tháng trước.
Báo cáo cuối cùng kết luận : "Không giống như các trường hợp mà đối tượng liên quan đã cản trở công lý để che giấu tội ác, bằng chứng chúng tôi thu thập được không cho thấy Tổng thống có liên quan đến một tội ác tiềm ẩn liên quan đến sự can thiệp bầu cử của Nga".
Nhưng báo cáo cũng ghi chú rõ ràng :
"Nếu chúng tôi tự tin rằng, sau khi điều tra kỹ lưỡng, Tổng thống không có hành vicản trở công lý nào, chúng tôi đã tuyên bố như vậy. Tuy nhiên, dựa trên các sự việcvà các tiêu chuẩn pháp lý hiện hành, chúng tôi không thể đưa ra phán quyết đó.Các bằng chứng chúng tôi thu thập được về các hoạt động và ý định tìm cách gây khó khăn cho chúng tôi của Tổng thốngkhiến chúng tôi không thểkết luận một cách thuyết phục rằngkhông có bất kỳ hành vi phạm tội nào. "
Trong khi báo cáo thừa nhận một tổng thống tại vị không thể bị truy tố, nó cũng đề cập đến việc Quốc hội có quyền điều tra và có khả năng luận tội Tổng thống :
"Quốc hội có thể áp dụng luật cản trở công lý xem xét những hành vi sai phạm lạm dụng quyền lực của Tổng thống với hệ thống tam quyền phân lập (checks and balances) theo Hiến pháp của chúng ta và nguyên tắc không có ai đứng trên phápluật".
Trump cố ảnh hưởng cuộc điều tra thế nào
Báo cáo trích dẫn 10 trường hợp được cho là có tiềm năng cản trở công lý của ông Trump mà nhóm Mueller điều tra.
Hầu hết đã được ghi chú rất kỹ, chẳng hạn như việc Giám đốc FBI James Comey bị ông Trump sa thải.
Nhưng những phát hiện cũng xác nhận các thông tin truyền thông Mỹ trước đây đã bị Nhà Trắng từ chối.
Khi ông Trump biết các hãng truyền thông đã đặt câu hỏi về cuộc họp tháng 6/2016 tại Trump Tower giữa các quan chức chiến dịch vận động tranh cử cấp cao, bao gồm Donald Trump Jr., và một luật sư người Nga được cho là đang hứa hẹn sẽ tung những "tin xấu" cho đối thủ Hillary Clinton, tổng thống đã đưa ra một thông tin đánh lạc hướng, báo cáo cho biết :
"Trước khi các email được công khai, Tổng thống đã chỉnh sửa một thông cáo báo chí cho Trump Jr bằng cách xóa một dòng thừa nhận rằng cuộc họp với 'một cá nhân [Trump Jr] được cho biết có thể có thông tin hữu ích cho chiến dịch' và thay vào đó chỉ nói rằng cuộc họp là về việc nhận con nuôi của Nga".
Ông Trump cũng bảo cựu quản lý chiến dịch tranh cử Corey Lewandowski yêu cầu cựu Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions tuyên bố công khai rằng cuộc điều tra "rất không công bằng" và ông Trump đã không làm gì sai, báo cáo cho biết.
Sau khi Jeff Sessions tuyên bố rút khỏi cuộc điều tra Nga, để lại một ông Trump tức giận rằng mình đang mất quyền kiểm soát cuộc điều tra, tổng thống đã ép cựu Bộ trưởng Tư pháp rằng nếu ông nghĩ lại quyết định rút khỏi cuộc điều tra đó thì ông sẽ là "anh hùng".
Từ chối 'thi hành mệnh lệnh'
Báo cáo của Mueller cho thấy tiềm năng cản trở công lý của tổng thống chỉ đã thất bại vì các thành viên trong chính quyền ông từ chối "thi hành mệnh lệnh", bao gồm cựu Giám đốc FBI James Comey, cựu cố vấn Nhà Trắng Don McGahn và cựu quản lý chiến dịch tranh cử Corey Lewandowksi.
Trong một đoạn văn không hay ho gì cho Trump, báo cáo viết :
"Những nỗ lực của Tổng thống nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc điều tra hầu như không thành công, nhưng điều đó phần lớn là vì những người vây quanh Tổng thống đã từ chối thi hành mệnh lệnh hoặc chiều theo yêu cầu của ông. Comey đã không kết thúc cuộc điều tra cuối cùng dẫn đến việc Flynn bị truy tố và bị kết án tộinói dối với FBI. McGahn đã không nói với Bộ trưởng Tư pháp Sessions rằng Công tố viên Đặc biệt phải bị đuổi, nhưng thay vào đó, chuẩn bị từ chức nếu Tổng thốngra lệnh đó. Lewandowski và Dearborn không gửi thông điệp của Tổng thống cho Sessions rằng nên giới hạn cuộc điều tra Nga cho những cuộc bầu cử trong tương lai. Và McGahn từ chối rút lại những thông tin xoay quanh chỉ đạo loại bỏ Công tố viên Mueller của Tổng thống mặc cho Tổng thống liên tục yêu cầu ông làm như vậy. Tương tự như thế, chứng cớ chúng tôi thu thập được không hỗ trợ việc cáo buộc các trợ lý và cộng sự của Tổng thống có khả năng cản trở công lý ngoài những hồ sơ đã nộp. "
'Trả lời bằng văn bản không đầy đủ'
Những người theo dõi sát sao câu chuyện Mueller có thể nhớ lại rằng vào tháng 1/2018 tại Nhà Trắng, Tổng thống Trump nói với các phóng viên rằng ông "mong chờ" được ngồi xuống trả lời phỏng vấn với ông Mueller, rằng ông sẽ "thích làm điều đó càng sớm càng tốt", và khoe rằng ông ta sẽ trả lời câu hỏi và thề không nói dối như trước tòa án.
Nhưng báo cáo Mueller lại ghi chú, "sau hơn một năm thảo luận, Tổng thống đã từ chối phỏng vấn".
Ông đồng ý gửi câu trả lời bằng văn bản cho các câu hỏi của công tố viên đặc biệt cho các vấn đề liên quan đến Nga, nhưng từ chối "cung cấp câu trả lời bằng văn bản cho các câu hỏi về chủ đề cản trở công lý hoặc câu hỏi về các sự kiện trong quá trình chuyển giao quyền lực", báo cáo lưu ý.
Báo cáo của Mueller viết : "Nhận thấy rằng Tổng thống sẽ không tự nguyện trả lời phỏng vấn, chúng tôi đã xem xét liệu có nên gửi trát hầu tòa cho lời khai của ông hay không. Chúng tôi thấy các câu trả lời bằng văn bản của ông không thỏa đáng".
Nhưng nhóm Mueller cho biết cuối cùng họ quyết định không triệu tập ông Trump vì việc kiện tụng sẽ gây ra sự chậm trễ đáng kể ở giai đoạn cuối của cuộc điều tra.
Tại sao Sessions, Trump Jr và Kushner không bị truy tố
Đội ngũ Mueller đã không truy tố Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions vì tội khai man trước Quốc hội khi ông ta làm chứng sai rằng ông ta không liên lạc với người Nga trong chiến dịch tranh cử, vì những câu hỏi dùng từ không chính xác, theo báo cáo.
"Bằng chứng không đủ để chứng minh rằng Sessions có thể đưa ra câu trả lời sai cho các câu hỏi liên quan đến Nga theo cách diễn đạt và bối cảnh của những câu hỏi đó", báo cáo viết.
Nó cũng làm rõ Donald Trump Jr, Jared Kushner và các nhân viên chiến dịch tranh cử khác đã đi sát ranh giới phạm luật trong cuộc họp tháng 6/2016 tại Trump Tower với một luật sư người Nga.
Nhóm Mueller nói rằng họ đã không truy tố con trai cả và con rể của tổng thống vì vi phạm tài chính chiến dịch tranh cử vì họ không thể chứng minh rằng những người này đã "cố tình" vi phạm luật.
Trump nói chưa đọc báo cáo của công tố viên đặc biệt (VOA, 07/04/2019)
"Tôi chưa đọc Báo cáo Mueller, mặc dù tôi có quyền làm như vậy", ông Trump viết trên Twitter. "Chỉ mới biết các kết luận, và kết luận quan trọng nhất. Không có sự Thông đồng".
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Bảy cho biết ông chưa đọc báo cáo của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller điều tra những liên hệ giữa ban vận tranh cử tổng thống năm 2016 của ông với Nga.
Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr nói ông dự định sẽ công bố bản được che bớt thông tin của báo cáo điều tra dài gần 400 trang về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016 vào giữa tháng này, nếu không phải là sớm hơn.
Vào ngày 22 tháng 3, ông Mueller hoàn tất cuộc điều tra kéo dài 22 tháng và ông Barr gửi một bức thư bốn trang cho Quốc hội hai ngày sau đó phác thảo những kết luận chính. Ông Barr nói với các nhà lập pháp rằng cuộc điều tra không xác định rằng các thành viên của ban vận động Trump đã âm mưu với Nga, nhưng cũng không xác định tổng thống vô can về cáo buộc cản trở công lí.
Ông Barr nói ông kết luận rằng không có đủ bằng chứng cho thấy ông Trump phạm tội cản trở công lí. Nhưng các bản tin của giới truyền thông trong tuần này cho biết các thành viên trong đội ngũ của ông Mueller không hài lòng với cách mà ông Barr, một người được ông Trump bổ nhiệm, mô tả các kết luận của bản báo cáo.
*****************
Chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney hôm 7/4 tuyên bố rằng hồ sơ hoàn thuế của Tổng thống Donald Trump sẽ không bao giờ được chuyển giao cho các nhà lập pháp Dân chủ, theo Reuters.
Khi được hỏi trên chương trình "Fox News Sunday" liệu phe Dân chủ tại Quốc hội Mỹ sẽ thành công trong việc lấy được hồ sơ hoàn thuế của Tổng thống Trump hay không, ông Mulvaney nói : "Không bao giờ".
Quan chức này cũng bác bỏ nỗ lực tìm cách tiếp cận hồ sơ, chính thức được Chủ tịch Ủy ban thuế của Hạ viện Mỹ Richard Neal công bố hôm 3/4, coi đó là một thủ đoạn chính trị của phe Dân chủ mà ông cho là không ngừng công kích ông Trump.
"Phe Dân chủ yêu cầu IRS (Cơ quan Thuế vụ Mỹ) trao các hồ sơ. Điều đó sẽ không xảy ra và họ biết điều đó. Đây là một chiêu trò chính trị", ông Mulvaney nói.
Trong khi đó, phe Dân chủ đáp trả rằng yêu cầu tiếp cận hồ sơ thuế mà ông Neal gửi Bộ Tài chính có căn cứ về mặt pháp lý và cần thiết để điều tra vì ông Trump từ chối tiết lộ hồ sơ thuế và không từ bỏ các quyền lợi kinh doanh khi làm tổng thống.
Một luật sư của ông Trump hôm 5/4 chỉ trích bước đi của phe Dân chủ, đòi hồ sơ hoàn thuế cá nhân và kinh doanh trong sáu năm của ông Trump, là một "nỗ lực sai lệch" nhằm chính trị hóa các điều luật về thuế, đồng thời cáo buộc chuyện đó là việc can thiệp vào việc kiểm toán của Cơ quan Thuế vụ Mỹ.
**********************
Mỹ hủy visa của công tố viên ICC để ‘bảo vệ chủ quyền’ (VOA, 07/04/2019)
Công tố viên của Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) hôm thứ Sáu cho biết visa vào Mỹ của bà đã bị hủy bỏ.
Công tố viên Tòa án Hình sự Quốc tế, Fatou Bensouda, bị Mỹ hủy bỏ visa vì cuộc điều tra của bà nhắm vào lực lượng Mỹ ở Afghanistan.
Văn phòng của công tố viên Fatou Bensouda cho biết việc Mỹ hủy bỏ visa của bà không nên ảnh hưởng tới các chuyến đi của bà đến Mỹ dự các cuộc họp, bao gồm các cuộc họp thường xuyên tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Mỹ chưa bao giờ là thành viên của ICC, một tòa án đặt trụ sở tại thành phố The Hague đặc trách truy tố các tội nghiêm trọng chỉ khi các quốc gia khác không muốn hoặc không thể đưa nghi phạm ra trước công lí.
Người phát ngôn của Liên Hiệp Quốc Stephane Dujarric nói : "Chúng tôi hi vọng Hoa Kỳ tuân thủ thỏa thuận cho phép các nhân viên của ICC du hành để thực hiện công tác của họ tại Liên Hiệp Quốc".
Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận việc hủy bỏ visa của bà Bensouda.
"Hoa Kỳ sẽ thực hiện các bước cần thiết để bảo vệ chủ quyền của mình và bảo vệ người dân của chúng tôi khỏi việc điều tra và truy tố bất công của Tòa án Hình sự Quốc tế", bộ nói.
Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Washington sẽ hủy bỏ hoặc từ chối visa cấp cho nhân viên ICC đang tìm cách điều tra các tội ác chiến tranh và các hành vi ngược đãi khác của lực lượng Mỹ ở Afghanistan hoặc các nơi khác và có thể làm như vậy với những người tìm kiếm hành động nhắm vào Israel.
Công tố viên ICC này có một yêu cầu đang chờ thụ lí để xem xét các tội ác chiến tranh khả dĩ xảy ra ở Afghanistan mà có thể liên quan đến người Mỹ. Người Palestine cũng đã yêu cầu tòa án thụ lí các vụ kiện chống lại Israel.
Bà Bensouda năm ngoái đã yêu cầu mở một cuộc điều tra về các cáo buộc tội ác chiến tranh gây ra bởi lực lượng an ninh quốc gia Afghanistan, phiến quân mạng lưới Taliban và Haqqani, cũng như các lực lượng và quan chức tình báo Mỹ ở Afghanistan kể từ tháng 5 năm 2003.
Chính quyền Clinton năm 2000 kí Quy chế Rome sáng lập ICC, nhưng ông có những ngờ vực về phạm vi thẩm quyền tài phán của tòa án và không bao giờ đệ trình nó để Thượng viện phê chuẩn.