Với việc Hoa Kỳ có một chính quyền mới khi tân Tổng thống Joe Biden bước vào Nhà Trắng hôm 20/1 trong khi Đảng cộng sản Việt Nam sắp quyết định đường hướng lãnh đạo cho 5 năm tới tại Đại hội Đảng 13, một câu hỏi đặt ra là mối quan hệ giữa hai quốc gia cựu thù sẽ đi theo chiều hướng nào và Việt Nam cần làm gì để tránh khả năng bị trừng phạt trả đũa mở ngỏ từ chính quyền Tổng thống Donald Trump
Một phụ nữ đi qua poster quảng bá Đại hội Đảng 13 sắp tới tại Hà Nội. Việt Nam sắp chọn ra những lãnh đạo mới trong lúc Mỹ vừa có chính quyền mới sau khi ông Joe Biden bước vào Nhà Trắng.
Đại hội 13 của Đảng cộng sản Việt Nam trong vài ngày tới sẽ khai mạc để chọn ra những nhà lãnh đạo mới và đưa ra những chính sách cho 5 năm tiếp theo. Trọng tâm của đường lối chính sách của Hà Nội, theo các nhà quan sát, là đối phó với những thách thức trong việc cân bằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ, mà trong đó Việt Nam đã trở thành một đối tác chiến lược quan trọng.
Theo một số kịch bản được nhiều người nói tới và đã được thông qua tại Hội nghị Trung ương 15 vừa rồi mà Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp của Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore cho biết thì "Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ được ủng hội để ở lại thêm ít nhất một thời gian nữa" trong khi "Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng được sự ủng hộ trong Trung ương Đảng để ở lại tiếp để tiếp quản cương vị Chủ tịch nước".
Theo dự đoán của Tiến sĩ Hiệp, dàn lãnh đạo của Việt Nam theo kịch bản này sẽ "vừa cũ vừa mới" khi có hai gương mặt mới trong tứ trụ – gồm Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng Phạm Minh Chính được đề cử giữ chức thủ tướng trong khi Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ được đề cử vào chức chủ tịch Quốc hội.
Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales ở Úc, một nhà phân tích chính trường Việt Nam, cũng có nhận định tương tự về 4 vị trí cao nhất của dàn lãnh đạo Việt Nam có thể sẽ được bầu chọn tại Đại hội Đảng 13, dự kiến diễn ra từ 25/1 đến 2/2.
Dù có thể có sự chuyển giao quyền lực sau Đại hội 13, theo Tiến sĩ Hiệp và Giáo sư Thayer, thì điều này cùng với sự thay đổi chính quyền của Mỹ sẽ không có nhiều ảnh hưởng tới xu hướng phát triển của quan hệ song phương giữa hai nước, hiện đang gắn kết nhiều hơn về kinh tế và quốc phòng.
"Lý do cơ bản đấy là quan hệ song phương hiện tại đã được định hình chủ yếu bởi lợi ích quốc gia chứ không phải bởi các lợi ích đảng phái ở Mỹ hay bởi quan điểm của cá nhân lãnh đạo ở Việt Nam", Tiến sĩ Hiệp nói và cho rằng Việt Nam và Mỹ có sự song trùng về lợi ích trong nhiều lĩnh vực khác nhau, đặc biệt về chiến lược trong sự đối phó với Trung Quốc và xử lý tranh chấp trên Biển Đông".
Việt Nam là một trong những quốc gia mà Washington muốn thắt chặt quan hệ an ninh quốc phòng, theo như Khung chiến lược kiềm tỏa của Mỹ vừa được giải mật, vì là một trong những nước Đông Nam Á đóng vai trò trung tâm của khối ASEAN trong cấu trúc khu vực. Từ thời Tổng thống Barack Obama, Việt Nam đã trở thành một trọng tâm trong chiến lược Xoay trục về châu Á, mà sau này là Tầm nhìn Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Trump, trước sự bành trướng sức mạnh của Trung Quốc.
Nhận định về khả năng gắn kết của chính quyền mới của Mỹ với Việt Nam, Giáo sư Thayer cho rằng chính quyền Biden sẽ tiếp tục theo đuổi các mối quan hệ với Việt Nam trong khuôn khổ tuyên bố chung năm 2013 về quan hệ đối tác toàn diện được thông qua dưới thời Tổng thống Obama mà lúc đó ông Biden là phó tổng thống. "Chính quyền Trump đã đồng ý mở rộng quan hệ đối tác toàn diện và Chính quyền Biden sẽ làm theo", Giáo sư Thayer nói.
Mở ngỏ trừng phạt
Cùng với sự song trùng về lợi ích ngày càng tăng cao giữa Hà Nội và Washington, quan hệ giữa hai nước cũng ngày càng nồng ấm, nhất là từ khi Tổng thống Obama dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam khi tới thăm Hà Nội năm 2016. Nhưng hai quốc gia cựu thù gần đây đã vướng vào những tranh chấp thương mại, được cho là xuất phát từ việc chính quyền Trump muốn giảm thâm hụt thương mại ngày càng lớn giữa Mỹ và Việt Nam.
Trong khi sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu do cuộc chiến thương mại của cựu Tổng thống Trump với Trung Quốc gây ra đã mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu Việt Nam, thì ban lãnh đạo của Đảng sắp tới phải đối mặt với sự giám sát gia tăng của Mỹ và chính quyền mới trong Nhà Trắng, theo nhận định của giới quan sát.
Thâm hụt thương mại với Việt Nam của Mỹ gia tăng đáng kể và nhanh chóng dưới thời chính quyền Trump và Bộ Tài chính Mỹ đã coi Việt Nam là nước "thao túng tiền tệ", làm tăng triển vọng áp thuế của Hoa Kỳ đối với hàng hóa Việt Nam. Thâm hụt thương mại tăng lên 63 tỷ USD vào năm ngoái, so với 47 tỷ USD vào năm trước đó.
Giáo sư Thayer nhận định rằng một trong những trở ngại mà các lãnh đạo Việt Nam phải vượt qua là di sản của Tổng thống Trump để lại về nguy cơ bị áp thuế và các trừng phạt do thao túng tiền tệ.
Chỉ vài ngày trước khi Tổng thống Trump mãn nhiệm, Cơ quan Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) dưới chính quyền ông đã đưa ra kết luận về điều tra thao túng tiền tệ đối với Việt Nam nhưng không đề xuất bất kỳ hành động trả đũa nào như những lo ngại trước đó. Tuy nhiên cơ quan này nói họ sẽ tiếp tục đánh giá các lựa chọn hiện có trước những động thái và chính sách mà họ cho là "không công bằng" của Việt nam "gây thiệt hại cho lao động và doanh nghiệp Mỹ".
"Việc Chính quyền Trump, cụ thể ở đây là Cơ quan Đại diện Thương mại Hoa Kỳ đưa ra kết luận Việt Nam có thao túng tiền tệ nhưng chưa có hành động trừng phạt cụ thể thì tôi nghĩ đây là một hành động khôn ngoan", Tiến sĩ Hiệp nói. "Nếu Mỹ có các biện pháp trừng phạt Việt Nam ngay lập tức thì nó sẽ gây tổn hại quan hệ song phương và điều này không có lợi trong bối cảnh Mỹ đang muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam vì các mục tiêu chiến lược đặc biệt trong việc đối phó với Trung Quốc và kiểm soát sự gia tăng ảnh hưởng của quốc gia này trong khu vực, trong đó có Biển Đông".
Việt Nam hôm 16/1 đã lên tiếng "hoan nghênh kết luận" của USTR đồng thời cho rằng quyết định này "có ý nghĩa tích cực đối với quan hệ thương mại song phương".
Tuy nhiên Tiến sĩ Hiệp cho rằng việc USTR đưa ra kết luận và để ngỏ khả năng sẽ có một số hành động nào đó trong tương lai sẽ "trao cho Hoa Kỳ một đòn bẩy để đàm phán với Việt Nam không những chỉ trong vấn đề kinh tế thương mại mà cả những lĩnh vực khác nữa". Theo nhà nghiên cứu của ISEAS, điều này có thể tạo ra áp lực "khuyến khích Việt Nam đáp ứng một số yêu cầu hoặc mong muốn của phía Hoa Kỳ".
Chính quyền Biden giờ đây sẽ có toàn quyền quyết định giải quyết các tranh chấp thương mại này. Mặc dù chậm trễ trong việc công nhận ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ sau chiến thắng trước ông Trump nhưng các nhà lãnh đạo Việt Nam đã nhanh chóng chúc mừng ông ngay sau khi vị tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ nhậm chức hôm 20/1.
"Trong thời gian tới Việt Nam cần phải có những đối sách phù hợp đối với vấn đề này, làm sao vừa để duy trì được quan hệ tốt với Hoa Kỳ để phục vụ các lợi ích về mặt kinh tế cũng như chiến lược, vừa có thể tránh được một số sức ép từ phía Hoa Kỳ mà có thể họ muốn đặt ra những đòi hỏi mà Việt Nam khó có thể đáp ứng được", Tiến sĩ Hiệp nói. "Điều đó đòi hỏi một sự khéo léo trong việc ứng xử của Việt Nam trong mối quan hệ với Hoa Kỳ".
Nguồn : VOA, 22/01/2021
Mỗi lần năm mới tới, tôi hay viết "câu chuyện đầu năm" để cập nhật và dự báo chuyện gì đang đến. Như một sự trùng hợp ngẫu nhiên, nước Mỹ và Việt Nam đều bầu cử và chuyển giao quyền lực vào cuối tháng giêng. Thời điểm sau Tết Dương lịch và trước Tết Âm lịch là lúc giao mùa, khi mùa đông giá lạnh đang suy tàn và mùa xuân ám áp đang đến.
Thái độ ứng xử của Trump đã che khuất thông điệp và thành công của ông, và tệ hại hơn là qua thời gian làm ông càng bị tai tiếng
Câu chuyện nước Mỹ
Tại nước Mỹ, sau một năm biến động khó lường, do hệ quả của đại dịch Covid-19 làm khoảng 24,5 triệu người mắc dịch và hơn 407 ngàn người bị chết (gấp nhiều lần thương vong thời chiến tranh Việt Nam). Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và đại dịch Covid-19 đã làm cho kinh tế Mỹ đình đốn và xã hội Mỹ phân hóa sâu sắc, như thời nội chiến.
Tổng thống đắc cử Joe Biden đang ráo riết sắp xếp nhân sự, chuẩn bị tuyên thệ nhậm chức (ngày 20/1), sau hai tháng khủng hoảng chính trị vì Donald Trump không thừa nhận thất bại. Trump và các nghị sĩ cơ hội (như Ted Cruz, Josh Hawley) cùng các luật sư (như Rudy Giuliani) đã xúi giục đám đông quá khích (như Proud Boys) chống lại kết quả bầu cử.
Ngày 6/1 đã đi vào lịch sử nước Mỹ khi đám đông quá khích tấn công Nhà Quốc Hội (Capitol) là biểu tượng của nền dân chủ, đòi treo cổ Mike Pence. Bạo loạn như giọt nước tràn li đã làm người Mỹ phẫn nộ. Trump như một "kẻ đốt đền", không chỉ thách thức hiến pháp và nền dân chủ Mỹ, mà còn vô tình thiêu trụi cả vốn liếng chính trị của mình.
Cách đây bốn năm, sau khi đắc cử và giành được Nhà Trắng với thông điệp của chủ nghĩa dân túy, (làm nhiều người ngỡ ngàng), nay Chính quyền Trump thất cử và sụp đổ ngày 6/1 với vụ bạo động tại Nhà Quốc Hội (làm nhiều người kinh hoàng). Điều gì đã xảy ra làm Mỹ đứng trước sự chia rẽ và đổ nát mà chính quyền mới khó lòng khắc phục ?
Đó là một câu hỏi khó cho các nhà nghiên cứu. Có thể lý giải theo nhiều cách, nhưng theo Gerald Seib, thái độ ứng xử của Trump đã che khuất thông điệp và thành công của ông, và tệ hại hơn là qua thời gian làm ông càng bị tai tiếng (1).
Trump có thể đi vào lịch sử Mỹ là tổng thống "tồi tệ nhất" đã bị Quốc Hội luận tội (impeached) hai lần. Mặc dù Trump buộc phải tuyên bố sẽ chuyển giao quyền lực một cách trật tự, nhưng nay không còn ai tin Trump, kể cả phó tổng thống Mike Pence. An ninh tại Washington D.C. đang được tăng cường tối đa cho lễ tuyên thệ nhậm chức của Joe Biden.
Trong bầu cử bổ sung (runoff) cho Thượng Viện tại tiểu bang Georgia, đảng Dân chủ đã giành được đa số tối thiểu, nên việc sắp xếp nhân sự cho nội các Biden sẽ dễ hơn. Việc bổ nhiệm Kurt Campbell (cựu trợ lý ngoại trưởng thời Obama) làm "Indo-Pacific coordinator" tại Hội đồng An ninh Quốc gia (National Security Council - NSC), là một tín hiệu tích cực đối với Châu Á.
Để tăng cường đội hình phụ trách Châu Á, Rush Doshi sẽ được bổ nhiệm làm giám đốc phụ trách Trung Quốc tại NSC (dưới quyền Kurt Campbell). Một chuyên gia khác về Châu Á là Ely Ratner (cựu phó cố vấn an ninh quốc gia cho phó tổng thống Joe Biden, đã từng cộng tác với Kurt Campbell) sẽ được bổ nhiệm làm trợ lý bộ trưởng quốc phòng.
Kurt Campbell và Michele Flournoy (cựu thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đã lập ra Center for a New American Security (năm 2007). Sau đó, Campbell đã lập ra và làm chủ tịch Asia Group (một tổ chức tư vấn về chiến lược và quản trị). Hiện nay, Chính quyền Biden đã bổ nhiệm hoặc tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia của hai think tanks này.
Theo báo chí Úc, việc Biden bổ nhiệm Campbell phụ trách Châu Á là "điều tốt nhất cho Úc". Đó là "một tín hiện mạnh cho Bắc Kinh", vì Campbell là kiến trúc sư của chính sách "chuyển trục sang Châu Á" (Asia Pivot) thời Obama. Mỹ "vừa hợp tác với Bắc Kinh khi có thể, đồng thời cạnh tranh và đối đầu khi cần thiết" (2).
Bài báo khen Campbell là "người bạn tốt nhất của Úc tại Washington" và là "nhà tư tưởng chính sách của đảng Dân chủ, có nhiều ảnh hưởng nhất Châu Á". Nếu các nhân sự chủ chốt đã được bổ nhiệm phụ trách đối ngoại và an ninh như Jake Sulivan (NSC), Tony Blinken (State), Lloyd Austin (DoD), William Burns (CIA), John Kerry (climate change) chỉ có kinh nghiệm về Châu Âu và Trung Đông, thì Kurt Campbell là chuyên gia về Châu Á.
Để đối phó với thách thức của Trung Quốc, Campbell đề xuất phục hồi sự cân bằng (balance) và tính chính danh (legitimacy) trong quan hệ Mỹ-Trung, thông qua việc tái thiết các quan hệ đồng minh và đối tác trong khu vực Châu Á. Theo Campbell, Mỹ cần rải quân khắp Đông Nam Á và Ấn Độ Dương thay vì chỉ tập trung ở Nhật, Hàn Quốc và Guam.
Theo nhà báo David Hutt, "Campbell muốn chuyển trục của Mỹ sang Châu Á" (Pivot 2.0). Việc bổ nhiệm Campbell chứng tỏ chính quyền Biden vẫn tiếp tục cứng rắn với Trung Quốc, trong khi xây dựng lại quan hệ lâu bền với các đồng minh của Mỹ ở khu vực (3).
Campbell sẽ phối hợp chặt chẽ với Sullivan (tại NSC) vì hai người đã viết chung bài, chia sẻ tầm nhìn của Mỹ ở Châu Á. Theo tác giả, chung sống có nghĩa là "chấp nhận cạnh tranh theo một mô hình để quản trị chứ không phải một vấn đề phải giải quyết" (4).
Các tác giả lý giải "kiên nhẫn chiến lược" (strategic patience) phản ánh sự bất định là phải làm gì và bao giờ. Còn "mập mờ chiến lược" (strategic ambiguity) phản ánh sự bất định là phải gửi đi tín hiệu gì. Trong trường hợp này, "cạnh tranh chiến lược" (strategic competition) phản ánh sự bất định là phải làm gì để không cần cạnh tranh mà vẫn thắng.
Trong một bài khác viết cùng Doshi, Campbell lập luận rằng chính quyền Biden cần mở rộng liên minh Châu Á để hợp tác ngăn chặn Trung Quốc. Theo tác giả, nhu cầu xây dựng một trật tự mới ở Đông Á và Đông Nam Á cũng giống như kinh nghiệm các nước Châu Âu đã trải qua khi họ mất cân bằng địa chính trị (thời Napoleon thế kỷ 19) (5).
Campbell cho rằng tăng cường hợp tác sâu rộng ở Châu Á nhằm biến các liên minh tạm thời thành hệ thống đồng minh toàn diện, để đối phó với ý đồ của Trung Quốc muốn thay đổi trật tự khu vực và chính trị toàn cầu. Điều đó có nghĩa là phải kết hợp chính sách cứng rắn với Trung Quốc và hợp tác chặt chẽ với các đối tác ở Châu Á. Campbel có thể nhanh chóng đặt dấu ấn của mình trong chiến lược Indo-Pacific của chính quyền Joe Biden.
Vai trò của NSC
Nhưng vai trò của Kurt Campbell đối với Trung Quốc và Châu Á là tại Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC), chứ không phải tại Bộ Ngoại Giao (State). Nói cách khác, NSC sẽ là trung tâm phối hợp chính sách với Bộ Ngoại Giao và Bộ Quốc phòng. Đó là những địa chỉ tại Washington cho các nước muốn vận động hành lang chính sách. Theo Campbell và Sullivan, tuy Chính quyền Trump đúng khi điều chỉnh quan điểm coi Trung Quốc là "đối thủ chiến lược", nhưng Mỹ cần giảm đối đầu với Trung Quốc, và nhất quán hơn về thông điệp.
Trong cuốn sách The Pivot (xuất bản năm 2016), Campbell lập luận rằng Mỹ phải nhanh chóng mở rộng quan hệ đồng minh với Ấn Độ và Indonesia, vì Chính quyền Trump coi nhẹ Indonesia, trong khi ưu tiên hơn quan hệ với Singapore và Viêt Nam. Campbell nói Washington phải ủng hộ "một hệ thống thương mại tích cực và rộng mở" trong đó có thể giảm sự chú ý đến thâm hụt thương mại của Mỹ, như một di sản của Chính quyền Trump.
Theo Kurt Campbell, tuy các nước khu vực Indo-Pacific tìm kiếm sự giúp đỡ của Mỹ để duy trì tính độc lập của họ trước sự trỗi dậy của Trung Quốc, họ đều nhận ra là không thực tế và không có lợi nếu loại Trung Quốc khỏi tương lai năng động của Châu Á. Các nước khu vực không muốn chọn một bên giữa hai siêu cường. Giải pháp tốt nhất là Mỹ và các đối tác phải thuyết phục Trung Quốc rằng cạnh tranh trong hòa bình sẽ có lợi hơn.
Sau bốn năm suy nghĩ và viết về chủ đề này, Kurt Campbell nay có quyền biến những ý tưởng đó thành kết quả chính sách. Điều này có lợi cho Việt Nam vì tháng 12 vừa qua đã bị Bộ Tài Chính Mỹ cho vào sổ đen vì cáo buộc thao túng tiền tệ. Tháng trước, Campbell nói rằng sự có mặt của quân đội Mỹ ở Châu Á là "vé tham gia trò chơi lớn" (ticket to the big game). Nói cách khác, đó là phương tiện để răn đe quyền lực cứng của Trung Quốc.
Với Philippines, Kurt Campbell cho rằng Chính quyền Biden cần duy trì đàm phán với Manila về Hiêp định VFA để quân đội Mỹ sử dụng căn cứ quân sự và luân chuyển quân ở đó. Với Campuchia, Chính quyền Biden gây sức ép với Phnom Pẹnh, không cho quân đội Trung Quốc (PLA) đóng quân tại các căn cứ của Campuchia. Kể từ 2018, Mỹ thường xuyên nói công khai và kín đáo rằng Phnom Penh là đối tác thân Trung Quốc nhất Đông Nam Á, sẽ cho quân đội Trung Quốc đóng quân tại căn cứ hải quân Ream ở Vịnh Thailand.
Kurt Campbell hiểu rằng điều làm các chính phủ ở Đông Nam Á lo ngại nhất là họ phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc như "có tao thì không có mày". Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (Lee Hsien Loong) được coi là người phát ngôn cho khu vực, đã phát biểu vào cuối năm 2019 rằng "Nếu bạn yêu cầu họ phải chọn bên, buộc phải cắt đứt quan hệ với đối tác thương mại lớn nhất của họ, thì theo tôi bạn đặt họ vào một vị trí rất khói xử".
Tony Blinken đã viết (tháng 7/2020) để đối phó với Trung Quốc "chúng ta cần tập hợp đồng minh và đối tác thay vì làm mất lòng họ". Tổng thống đắc cử Joe Biden phàn nàn rằng Tổng thống Donald Trump đã không làm gì mà còn phá hoại, và trong một số trường hợp đã bỏ rơi các đồng minh và đối tác của Mỹ. Nhưng điều đáng mừng là chính quyền Joe Biden thừa hưởng các đồng minh và đối tác khu vực tốt hơn là họ hình dung (6).
Ngày 12/1, như một sự trùng hợp ngẫu nhiên (hoặc cố ý), Mỹ đã giải mật (declassification) tài liệu mật của Hội đồng An ninh Quốc gia (NSC) US strategy framework for the Indo-Pacific. Tài liệu này đề xuất chống Trung Quốc và hợp tác chặt chẽ hơn với các nước như Ấn Độ, Úc, Nhật Bản (trong "Bộ Tứ") và Hàn Quốc (7).
Đây là một động thái bất thường đẩy nhanh quá trình giải mật một tài liệu quan trọng, nhằm công khai hóa một việc đã rồi (fait accompli) để chính quyền mới khó đảo ngược, phản ánh sự nhất quán về chiến lược và đồng thuận quốc gia. Tài liệu này được soạn thảo tháng 12/2017, trên cơ sở "Chiến lược An ninh Quốc gia" (NSS), tầm nhìn "Indo-Pacific Tư do và Rộng mở" (Tokyo 2016), và "Sáng kiến Canberra" (Sách Trắng của Úc 2017).
Tài liệu mật này của NSC/White House do H.R. McMaster (cựu cố vấn An ninh Quốc gia) chủ trì, và do Matt Pottinger (cựu Giám đốc Châu Á, nay là Phó Cố vấn An ninh Quốc gia) soạn thảo. Ông Robert O’Brien (Cố vấn An ninh Quốc gia) cũng nhấn mạnh chiến lược này đảm bảo giúp "các nước đồng minh và đối tác của chúng ta có thể tự bảo vệ chủ quyền". Điều đó khẳng định chiến lược Indo-Pacific của Mỹ gắn với các đồng minh và đối tác của Mỹ trong khuôn khổ an ninh của "Bộ Tứ" (Quad) gồm Mỹ, Nhật Bản, Úc, Ấn Độ.
Câu chuyện Việt Nam
Theo Derek Grossman (RAND analyst), Mỹ có quan hệ tốt với Việt Nam. Trump đã đến Việt Nam hai lần, trong đó một lần để họp cấp cao với Bắc Triều Tiên. Hà Nội hài lòng vì Mỹ chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc tại Biển Đông, cũng như các dự án thủy điện mà Trung Quốc xây dựng tại thượng nguồn sông MeKong. Tuy Việt Nam muốn cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc, nhưng cần hợp tác quốc phòng với Mỹ (8).
Một là Việt Nam hài lòng với tuyên bố của ngoại trưởng Mike Pompeo (13/7) bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Hai là Việt Nam lặng lẽ ủng hộ chiến lược Indo-Pacific của Mỹ vì lập tường cứng rắn chống Trung Quốc ở Biển Đông và duy trì sự có mặt ở khu vực. Ba là ASEAN coi trọng sự có mặt cấp cao của Mỹ tại các diễn đàn quan trọng ở khu vực, vì ý nghĩa tượng trưng. Bốn là có nhiều cơ hội để Mỹ hợp tác an nình với Việt Nam, tuy Hà Nội vẫn duy trì chính sách quốc phòng "Ba không và một tùy" (Three No’s and one depend). Năm là sau khi nhậm chức, chính quyền Biden chắc muốn thảo luận với Việt Nam về việc nâng cấp quan hệ "đối tác toàn diện" lên thành "đối tác chiến lược".
Mấy năm qua đầy biến động do hệ quả của chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và đại dịch Covid-19, nhưng Chính phủ Việt Nam có quyền tự hào về những gì đã đạt được trong việc kiểm soát được dịch bệnh (chỉ có 35 người chết và 1.537 người mắc dịch). GDP của Việt Nam tăng trên 2% (năm 2020) và dự đoán sẽ tăng 6% (năm 2021). Đầu tư nước ngoài (chủ yếu là FDI) tăng đáng kể do sự chuyển dịch chuỗi cung ứng từ Trung Quốc.
Trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và đại dịch Covid-19 làm thế giới đảo điên, Viêt Nam đã đóng góp tích cực và nổi bật trong khu vực, với cương vị Chủ tịch ASEAN và thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Việt Nam đã tham gia các hiêp định thương mạị tự do quan trọng như CPTPP và EVFTA. Gần đây Viêt Nam lại tham gia hiệp định RCEP (Regional Comprehensive Economic Partnership). Việt Nam càng phải ứng xử khôn ngoan trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc cũng như các nước khác.
Sau khi Chính quyền Biden nhậm chức (20/1) và bắt tay vào phục hồi nước Mỹ (về đối nội) và củng cố lại quan hệ đồng minh (về đối ngoại), quan hệ Mỹ-Việt chắc sẽ tiếp tục phát triển mạnh theo đà từ trước, trong khuôn khổ chiến lược "Indo-Pacific An toàn và Thịnh vượng". Nhưng muốn tăng cường hợp tác chiến lược với các nước trong khuôn khổ "Bộ Tứ", để đối phó với sức ép của Trung Quốc, Việt Nam phải ưu tiên khắc phục hai thách thức (như deal breaker) là hồ sơ nhân quyền và thặng dư thương mại với Mỹ (US$58 tỷ năm 2020).
Theo các nguồn tin "không chính thức nhưng đáng tin cậy", Bộ Chính trị đã họp ngày 9/1 và Trung ương 15 đã họp ngày 16/1 để chốt các vấn đề chưa ngã ngũ sau Trung ương 13 và 14 (đặc biệt là về "Tứ trụ"). Kết cục là Tổng bí thư/Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ tiếp tục làm Tổng bí thư, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ làm Chủ tịch nước. Trưởng ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính sẽ làm Thủ tướng và Bí thư Hà Nội Vương Đình Huệ sẽ làm Chủ tịch quốc hội (9).
Thay lời kết
Có thể nói đó là kết cục của sự thỏa hiệp được dàn dựng mà các bên có thể chấp nhận được, nhằm duy trì nguyên trạng (status quo) trước một thế giới đầy bất an và khó lường. Kết cục đó không chỉ là thắng lợi của ông Nguyễn Phú Trọng, mà còn khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng hay của Chính phủ. Với kết quả đó, Đại hội 13 (họp 25/1-2/2) chắc chỉ có thể sửa đổi Điều lệ của Đảng, mà chưa thể đổi mới thể chế như dư luận mong đợi.
Nước Mỹ tuy đang phân hóa bất ổn, nhưng người Mỹ năng động, muốn đổi mới. Việt Nam tuy hòa bình ổn định, nhưng người Việt trì trệ, chỉ muốn giữ nguyên trạng. Gần 35 năm sau "đổi mới vòng một", người Hà Nội vẫn đùa : "Hà Nội không vội được đâu". Sau một thế kỷ tuy dân số Việt Nam đã tăng gấp bốn lần, nhưng câu sấm của Tản Đà dường như vẫn còn đúng : "Dân hai nhăm triệu ai người lớn. Nước bốn ngàn năm vẫn trẻ con".
Nguyễn Quang Dy
Nguồn : Viet-studies, 18/01/2021
Chú thích :
(1) Where Trump Came From and Where Trumpism Is Going, Gerald Seib, Wall Street Journal, January 15, 2021
(2) Kurt Campbell : China’s Dr Containment is Australia’s Dr Contentment, Greg Sheridan, Australian, January 15, 2021
(3) Campbell poised to pivot US policy in Asia, David Hutt, Asia Times, January 14, 2021
(4) Competition Without Catastrophe : How America Can Both Challenge and Coexist With China, Kurtt Campbell and Jake Sullivan, Foreign Affairs, September/October 2019
(5) America can shore up Asian Order, Kurt Campbell and Rush Doshi, Foreign Affairs, January12, 2021
(6) Biden will inherit healthy Indo-Pacific alliances, Derek Grossman, Nikkei, January 10, 2021
(7) Declassification of secret document reveals US strategy in the Indo-Pacific, Rory Medcalf, ASPI, January 13, 2021
(8) What Does Vietnam Want from the US in the South China Sea ? Derek Grossman, Diplomat, January 4, 2021
(9) Lộ diện ‘Tứ trụ’ và sự khó đoán định gia tăng trong chính trị Việt Nam, Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu quốc tế, 17/1/2021
Tài liệu tham khảo :
1. Competition Without Catastrophe : How America Can Both Challenge and Coexist With China, Kurtt Campbell and Jake Sullivan, Foreign Affairs, September/October 2019.
2. What Does Vietnam Want from the US in the South China Sea ? Derek Grossman, Diplomat, January 4, 2021
3. Biden will inherit healthy Indo-Pacific alliances, Derek Grossman, Nikkei, January 10, 2021
4. America can shore up Asian Order, Kurt Campbell and Rush Doshi, Foreign Affairs, January12, 2021
5. Declassification of secret document reveals US strategy in the Indo-Pacific, Rory Medcalf, ASPI Strategist, January 13, 2021
6. Campbell poised to pivot US policy in Asia, David Hutt, Asia Times, January 14, 2021.
7. Kurt Campbell : China’s Dr Containment is Australia’s Dr Contentment, Greg Sheridan, Australian, January 15, 2021
8. Where Trump Came From and Where Trumpism Is Going, Gerald Seib, Wall Street Journal, January 15, 2021.
9. Lộ diện ‘Tứ trụ’ và sự khó đoán định gia tăng trong chính trị Việt Nam, Lê Hồng Hiệp, Nghiên cứu Quốc tế, 17/1/2021).
Thu Hằng, RFI, 04/12/2020
Một tháng sau cuộc bầu cử Mỹ, tổng thống thứ 45 vẫn không thừa nhận thất bại và có thể không tham gia lễ chuyển giao quyền lực, trong khi theo tổng thống tân cử Joe Biden, sự hiện diện của ông Trump mang ý nghĩa quan trọng cho Hoa Kỳ. Có tin cho rằng ông Donald Trump sẽ chọn đúng ngày ông Joe Biden nhậm chức tổng thống 20/01/2021 để thông báo khởi động chiến dịch vận động tranh cử tổng thống cho năm 2024.
Trả lời phỏng vấn đài CNN ngày 03/12, ông Joe Biden nói : "Đó hoàn toàn là quyết định của ông ấy (Donald Trump). Điều đó không tác động đến cá nhân tôi, nhưng tôi nghĩ nên làm điều này cho đất nước". Về việc ông Trump vẫn từ chối chấp nhận kết quả bầu cử, ông Joe Biden cho rằng "đây là cách cư xử trong các nền độc tài". Nhưng ông cũng hy vọng tổng thống thứ 45 của Mỹ sẽ tham dự lễ bàn giao quyền lực, để cho những nước khác thấy rõ tiến trình dân chủ ở Hoa Kỳ vẫn rất vững chắc.
Trump quyên được 207 triệu đô la để đảo kết quả bầu cử
Ban vận động tranh cử của tổng thống Trump đã gây quỹ được 207 triệu đô la để tiếp tục các vụ kiện và "theo đuổi cuộc chiến xóa sạch tiến trình bầu cử tham nhũng tại nhiều vùng ở đất nước chúng ta", theo cáo buộc trong thông cáo ngày 03/12 của giám đốc chiến dịch tranh cử Bill Stepien. Tuy nhiên, hãng tin Reuters nhắc lại, phần lớn số tiền này sẽ dành chi trả cho những ưu tiên khác, như trả các khoản nợ trong chiến dịch vận động của ông Trump.
Theo thống kê của trang AP ngày 03/12, phe của tổng thống Mỹ tiến hành hơn 50 vụ kiện để đảo ngược kết quả bầu cử ngày 03/11. Tuy nhiên, hơn 30 vụ đã bị bác hoặc từ bỏ, khoảng 12 vụ vẫn đang chờ kết quả.
Về kết quả bầu cử tại bang Pennsylvania, đội ngũ của tổng thống Trump đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao Hoa Kỳ ngày 03/12 yêu cầu Tòa chặn việc xác nhận kết quả bầu cử tổng thống tại đây.
Cũng trong ngày 03/12, Tòa án Tối cao của bang Wisconsin, với tỉ lệ phiếu 4-3, đã từ chối thụ lý đơn kiện của đội ngũ ông Trump về "gian lận bầu cử" và cho rằng đơn kiện này phải được xem xét ở các tòa án cấp dưới, theo đúng trình tự.
Trước đó, nhóm tranh cử của tổng thống Trump đã nộp đơn kiện yêu cầu Tòa án Wisconsin bác hơn 221.000 phiếu bầu ở hai hạt ủng hộ đảng Dân Chủ ở bang này. Theo kết quả kiểm phiếu, ông Joe Biden hơn ông Donald Trump khoảng 20.700 phiếu.
Thu Hằng
************************
Thu Hằng, RFI, 04/12/2020
Thêm hơn 2.900 người chết và hơn 210.000 ca nhiễm mới tại Hoa Kỳ trong vòng 24 giờ, một kỷ lục chưa từng có, theo số liệu tối 03/12/2020 của đại học Johns Hopkins. Mỹ và Brazil vẫn là hai nước bị tác động nặng nhất vì Covid-19. Virus corona đã khiến hơn 1,5 triệu người chết trên thế giới, tính đến ngày 04/12, riêng Mỹ có tổng cộng 276.000 ca.
Số ca nhập viện tăng chóng mặt ở bốn bang đông dân nhất Mỹ (California, Florida, New York và Texas). Bang California sẽ cấm mọi cuộc tập hợp, các hoạt động không thiết yếu (nhà hàng chỉ được bán mang đi, cấm khách sạn đón khách ban đêm…) ở những khu vực virus corona lan nhanh, nhằm giảm tải cho các bệnh viện.
Theo AFP, tình hình trên toàn quốc sẽ không được cải thiện trong thời gian tới, trong khi Mỹ đang trông đợi vac-xin, được cho là biện pháp giúp khống chế dịch. Ngoài hàng triệu liều vac-xin của Pfizer/BioNTech, Mỹ đang chờ khối lượng lớn vac-xin của Moderna, với từ 100 đến 125 triệu liều dự kiến sẽ được giao trong quý I năm 2021. Ba cựu tổng thống Bush, Clinton, Obama, cùng với tổng thống tân cử Biden đều tuyên bố sẵn sàng được tiêm vac-xin Covid-19 công khai. Ông Joe Biden cũng cho biết sẽ mời bác sĩ Fauci tham gia đội chuyên gia chống dịch Covid-19 trong nội các mới.
Chống dịch Covid-19, kinh tế, bất bình đẳng về chủng tộc và khí hậu là những ưu tiên được tổng thống và phó tổng thống tân cử nêu lên trong buổi phỏng vấn chung đầu tiên với đài truyền hình CNN ngày 03/12, tròn một tháng sau kỳ bầu cử Mỹ.
Thông tín viên RFI Anne Corpet tường trình từ Washington :
"Như thường lệ, bà Kamala Harris và ông Joe Biden thể hiện rõ sự tôn trọng các quy định dịch tễ. Hai người ngồi cách xa nhau, họ cam kết sẽ đi tiêm phòng Covid-19 ngay khi có thể. Tổng thống tân cử Mỹ thông báo ông sẽ đề nghị người dân Mỹ đeo khẩu trang trong vòng 100 ngày ngay khi ông bước vào Nhà Trắng.
Ông tỏ ra quả quyết, ý thức được những thách thức đang đợi trước mắt. Ông nói : "Sẽ rất khó khăn, nhưng tôi tin tưởng". Tổng thống tân cử đã ca ngợi nội các của ông là đa dạng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.
Ông Biden chỉ trích ông Donald Trump về cách xử lý các hồ sơ quốc tế, về cách mà tổng thống thứ 45 điều hành chính phủ. Ông nói : "Tôi sẽ không làm chính trị trên Twitter", trong khi bà Kamala Harris, một cựu chưởng lý, nói rõ : "Mọi quyết định được đưa ra từ bộ Tư Pháp phải căn cứ trên thực tế, chứ không dựa vào chính trị. Chấm hết !".
Cặp bài trùng tương lai của cơ quan hành pháp cũng kêu gọi trở lại với những chuẩn mực. Và để khép lại những bàn tán về việc tổng thống Donald Trump có sẽ tham gia lễ chuyển giao quyền lực hay không, tổng thống tân cử đã nói thẳng : "Điều đó quan trọng để cho thấy sự hỗn loạn do ông ấy (Donald Trump) gây ra đã chấm dứt".
Thu Hằng
Tú Anh, RFI, 17/11/2020
Robert O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ đưa ra những tuyên bố đi ngược lại chủ nhân Nhà Trắng. Trong khi Donald Trump ngăn cản tiến trình chuyển gia quyền lực thì vị cố vấn này cam kết lễ bàn giao sẽ diễn ra vào ngày 20/01/2020.
Trong bối cảnh tổng thống Donald Trump khăng khăng phủ nhận chiến thắng của đối thủ Dân Chủ, ông Robert O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ tìm cách tháo gỡ các chướng ngại.
Trong cuộc hội thảo qua cầu truyền hình của Diễn đàn an ninh toàn cầu hôm 16/11/2020, Robert O’Brient cam kết cuộc chuyển giao quyền lực sẽ ôn hòa và thành công như đã từng diễn ra "trong những lúc tranh cãi nghiêm trọng nhất" trong lich sử nước Mỹ.
Cũng khác với tổng thống Donald Trump, cố vấn an ninh khen ngợi Joe Biden và Kamala Harris là những nhà chính trị chuyên nghiệp, đầy đủ khả năng tiếp thu chính quyền.
Từ Wilmington, tổng thống tân cử Biden phác họa chương trình chấn hưng kinh tế và chống khủng hoảng đại dịch.
Thông tín viên Eric de Salve tường thuật từ San Francisco :
"Một mùa đông u ám đang chờ người dân Mỹ", Joe Biden cảnh báo trong bối cảnh đại dịch tiếp tục bùng phát. "Donald Trump chỉ làm cho khủng hoảng y tế nghiêm trọng thêm nếu cứ tiếp tục cản ngăn tiến trình chuyển giao quyền lực một cách dân chủ. Sẽ có thêm nhiều người chết nếu chúng ta không hợp tác với nhau", tổng thống tân cử nói tiếp.
Từ Wilmington, Joe Biden đưa ra kế hoạch chống dịch Covid và chấn hưng kinh tế trong nước : lương tối thiểu mỗi giờ làm việc là 15 đôla, giảm 10.000 đôla tiền nợ cho sinh viên, tạo thêm 3 triệu việc làm qua năng lượng xanh .
Nhưng trước hết, Quốc Hội phải đồng thuận biểu quyết ngân sách tài trợ cho các hộ gia đình có thu nhập thấp nạn nhân của Covid -19. Một khi chúng ta chuyển ngân cho các hộ và công ty bị khó khăn thì chúng ta mới có thể xây dựng lại đất nước tốt đẹp hơn từ trước đến nay, theo Joe Biden.
Để có thể nhanh chóng tái thiết quốc gia, Joe Biden phải chận được siêu vi và do vậy phải đeo khẩu trang bắt buộc. Tổng thống tân cử than phiền là khẩu trang bị chính trị hóa, nhiều bang do đảng Cộng Hòa kiểm soát từ chối biện pháp y tế này.
Theo Reuterrs, về thương mại quốc tế, Joe Biden cho biết Mỹ và các đồng minh sẽ thương thuyết để ấn định những chuẩn mực thế giới chống lại ảnh hưởng Trung Quốc. Trả lời câu hỏi về hiệp định RCEP do Bắc Kinh chủ xướng vừa đươc 15 nước Châu Á-Thái Bình Dương ký kết hôm Chủ Nhật, ông Joe Biden tuyên bố : "Hoa Kỳ với sức mạnh của 25% GDP địa cầu, phải hợp sức với các nền dân chủ khác để hội đủ 50% hoặc hơn nữa để có thể buộc Trung Quốc theo chuẩn mực của chúng ta".
Tú Anh
**********************
Cố vấn của Trump hứa hẹn ‘cuộc chuyển giao rất chuyên nghiệp’
VOA, 17/11/2020
Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng hôm 16/11, Cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Donald Trump hứa sẽ "chuyển giao rất chuyên nghiệp" sang chính quyền của Tổng thống đắc cử Joe Biden, ngay cả khi ông Trump tiếp tục tuyên bố bị coi là sai rằng ông đã thắng cuộc bầu cử tháng 11, theo AP.
Cố vấn an ninh Robert O'Brien.
Phát biểu trước Diễn đàn An ninh Toàn cầu do Qatar chủ trì, ông Robert O'Brien nhiều lần đề cập đến quá trình chuyển giao và các thỏa thuận bình thường hóa gần đây mà Bahrain, Sudan và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã đạt được với Israel là "một di sản lớn của tổng thống khi ông rời nhiệm sở".
Trong khi vẫn cảnh giác nói rằng ông Trump đang có những thách thức tòa án nổi bật, bình luận của ông O’Brien cho thấy điều AP nói là tuyên bố chắc chắn nhất từ một quan chức cấp cao trong chính quyền, thừa nhận chiến thắng của ông Biden trong cuộc bỏ phiếu ngày 3 tháng 11.
"Nếu nhóm Biden-Harris được xác định là người chiến thắng-rõ ràng mọi thứ đang diễn ra theo hướng đó-chúng tôi sẽ có sự chuyển giao rất chuyên nghiệp từ Hội đồng An ninh Quốc gia. Không có gì phải nghi ngờ cả", ông O’Brien nói, theo AP.
Ông O’Brien là cố vấn an ninh quốc gia thứ tư của ông Trump. Trước đây, ông từng là đặc phái viên của ông Trump về các vấn đề con tin. Khi được hỏi về nhà báo Mỹ Austin Tice, người đã biến mất trong cuộc nội chiến ở Syria vào năm 2012 và được cho là bị Damascus bắt giữ, ông O’Brien cho biết Mỹ đang sử dụng "mọi đòn bẩy" để đưa nhà báo này trở về.
"Trường hợp đặc biệt", từng là "bất thường" tại Đại hội 12, nay tiếp tục "nóng", trong đó việc chuyển giao quyền lực tổng bí thư đang là "kịch tính", trước thềm Đại hội 13 tới đây. Khác với trước đây, lần này truyền thông của Đảng đưa công khai để dọn đường dư luận.
Tại Đại hội 12, việc chuyển giao quyền lực tổng bí thư đang là "kịch tính", trước thềm Đại hội 13 tới đây - AFP
Việc Đảng Cộng sản giới thiệu một hay hơn các ứng viên không nằm trong tiêu chuẩn đã quy định để có thể tham gia hoặc tiếp tục giữ chức vụ quan trọng nhất của chế độ được gọi là "trường hợp đặc biệt".
Bài viết phân tích "trường hợp đặc biệt" trong bối cảnh khủng hoảng của quá trình chuyển đổi chế độ đảng toàn trị nói chung. Đối với Việt Nam việc phá vỡ các tiêu chuẩn chuyển giao quyền lực liên tiếp trong hai nhiệm kỳ phản ánh một trong dấu hiệu "tình huống bất ổn".
Liệu quá trình chuyển đổi chế độ sẽ thay đổi như thế nào và liệu việc chuyển giao quyền lực ai sẽ là tổng bí thư tại Đại hội 13 là hai khía cạnh của cùng vấn đề được quan tâm.
Dưới chế độ đảng cộng sản toàn trị các lãnh tụ có vai trò quyết định bởi quyền lực tập trung tuyệt đối, điển hình trong thời kỳ sau cách mạng xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu và cho một số nước như Trung Quốc, Việt Nam và Cu Ba theo ý thức hệ này sau khi giành độc lập. Các lãnh tụ thường duy trì quyền lực tối cao suốt đời, cho đến chết. J. Stalin cai trị Liên Xô cũ 36 năm (1927–1953), Mao Trạch Đông cầm quyền ở Trung Quốc từ năm 1949 cho đến khi qua đời năm 1976, F. Castro lãnh đạo Cu Ba khoảng 50 năm từ năm 1961 –2011…
Thực tế đã minh chứng nhận định của John Locke là đúng khi cho rằng quyền lực tuyệt đối dẫn đến tha hóa tuyệt đối, và các nhà nghiên cứu chính trị cho rằng chế độ chuyên chế đã đang chuyển đổi. Trong bối cảnh chiến tranh lạnh các tiêu chuẩn chuyển giao quyền lực được thiết lập, như giới hạn không quá 2 nhiệm kỳ, quy định độ tuổi cho cấp lãnh đạo, cơ chế lãnh đạo tập thể… tùy thuộc mỗi quốc gia cộng sản.
Tuy nhiên, trong giai đoạn hậu chiến tranh lạnh, đặc biệt gần đây các tiêu chuẩn trên bị phá vỡ thường xuyên hơn với nhiều hình thức biểu hiện phức tạp. Tập Cận Bình, sau khi bắt đầu nhiệm kỳ cai trị thứ hai 2017-2022, đã thay đổi hiến pháp và điều lệ đảng để có thể tiếp tục duy trì chức vụ tổng bí thư và chủ tịch nước ; hoặc hậu cộng sản V. Putin cũng đã có động thái tương tự sau khi ở cương vị Tổng thống Liên bang Nga hơn 20 năm. A. Lukashenko đã cai trị Belarus 28 năm, từ 1991 đến nay, và đang bị cáo buộc gian lận trong cuộc bầu cử trong cuộc bầu cử vào tháng 8/2020…
Các tấm souvenir với hình chân dung Chủ tịch Mao Trạch Đông và Tập Cận Bình được bán ở một cửa hàng tại Bắc Kinh nhân đại hội 19 Đảng cộng sản Trung Quốc hôm 21/10/2017 / Reuters
Mô hình Trung Quốc dường như không còn là "biểu tượng" đối với các nước mới nổi. Việc bộc lộ ngày càng hung hăng tính chất chuyên chế của chế độ toàn trị trong bối cảnh khủng hoảng y tế và kinh tế gây nên bởi đại dịch Covid-19. Ngoài ra, sự leo thang căng thẳng cuộc thương chiến dẫn đến đối đầu Mỹ - Trung sang các hồ sơ bành trướng lãnh hải, lãnh thổ, nhân quyền, dân chủ, dân tộc và tôn giáo… kéo theo sự thay đổi chính sách ngoại giao của các nước Phương Tây… Một trật tự thế giới mới đang được dự báo, có thể là "cuộc chiến tranh lạnh mới", trong đó thời kỳ chuyển đổi của chế độ chuyên chế có thể sẽ chấm dứt ?
Chế độ đảng cộng sản ở Việt Nam, không nằm ngoài xu hướng chuyển đổi nêu trên, cũng đang trong khủng hoảng. Từ sau khi có đường lối Đổi mới, năm 1986, Đảng "mở cửa" để hội nhập kinh tế với khu vực và thế giới việc chuyển giao quyền lực đã diễn ra theo các tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo là tương đối ‘trật tự’. Tuy nhiên, một quan sát rất đáng lưu tâm để có lý giải thoả đáng, rằng công tác quy hoạch cán bộ, trong có vị trí tổng bí thư đảng luôn gặp thách thức, hơn thế đã không thể được thực hiện. Quá trình chuyển giao quyền lực qua các thế hệ lãnh đạo dường như đang thay đổi nhằm hạn chế tốc độ cải cách thể chế kinh tế theo hướng thị trường.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu giữa 200 ủy viên Trung ương Đảng tại lễ bế mạc Đại hội 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016 AFP
Đã có những ‘đồn đoán’ về phe phái được cho "cải cách" và "bảo thủ" trong Đảng. Tuy nhiên, theo tôi, đã không tồn tại bất cứ dấu hiệu "chuyển hoá" sang chế độ dân chủ, mà chủ yếu là sự khác biệt về quan niệm và cách thức điều hành nền kinh tế "thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Trong nhiệm kỳ trước những sai lầm của chính sách tăng trưởng nóng vội và cải cách thể chế chính trị trì trệ bởi ý thức hệ, không phù hợp với chuyển đổi kinh tế đã dẫn đến hậu quả "nhà nước tư bản thân hữu" với những "nhóm lợi ích", quan chức suy thoái đạo đức, lối sống, tham nhũng trầm trọng…
"Trường hợp đặc biệt" quá tuổi theo quy định được cho là "bắt buộc" khi được áp dụng tại Đại hội 12 đối với chức danh tổng bí thư và 4 ủy viên trung ương trong điều kiện bất ổn thể chế và kinh tế vĩ mô. Dàn cán bộ lãnh đạo cấp cao của nhiệm kỳ 12 này được cho là kết quả thoả hiệp theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo. Đây cũng chính là lý do để Đảng tập trung quyền lực cao hơn để duy trì sự tồn vong của chế độ. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay chỉnh đốn đảng và chống tham nhũng được tăng cường. Một mặt, Đảng ban hành các quy định mới về công tác cán bộ, trong đó có các tiêu chuẩn riêng cho từng loại lãnh đạo cấp cao nhất. Mặt khác, nhiều tổ chức đảng và hàng nghìn quan chức bị kỷ luật và kết án tù vì vi phạm quy định của đảng và pháp luật trong chiến dịch chống tham nhũng và "suy thoái về tư tưởng, đạo đức và lối sống".
Việc chuyển giao quyền lực tiếp tục bất ổn khi "trường hợp đặc biệt" trở nên kịch tính trước thềm Đại hội 13. Truyền thông của Đảng nhấn mạnh rằng xem xét trường hợp đặc biệt "phải vì lợi ích của Đảng, của Nhân dân" và lý giải quy trình này. Thời gian một nhiệm kỳ dường như chưa đủ để thử thách ứng viên thay thế chức vụ tổng bí thư hiện tại, vốn đã là "trường hợp đặc biệt" tại Đại hội 12. Nhà phân tích chính trị Việt Nam David Hutt suy đoán, rằng "cuộc đua tam mã", nghĩa là có ba "trường hợp đặc biệt" quá tuổi, hiện đang nắm các vị trí chủ chốt, đó là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Một hay ba trường hợp đặc biệt, thậm chí Tổng bí thư đương nhiệm có thể "kéo dài để giữ ổn định"… vẫn là phương án chứa đựng "kịch tính", bởi vì, theo quy trình, kết quả được quyết định bởi lá phiếu của các ủy viên Bộ Chính trị và Ban Chấp hành trung ương khóa 12, nhưng trên chính trường luôn có những bất ngờ, nhất là còn đó những bài học từ những trường hợp đặc biệt trong nhiệm kỳ trước !
Tóm lại, việc chuyển giao quyền lực dưới chế độ đảng toàn trị một cách hòa bình và trật tự như trước đây có thể đã chấm dứt. Khi người dân đứng ngoài "trò chơi quyền lực" thì sự ổn định chế độ vẫn phụ thuộc vào ‘sự anh minh’ và vai trò của tổng bí thư đảng.
Phạm Quý Thọ (Hà Nội)
Nguồn : RFA, 01/10/2020
Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam họp bàn 'phương hướng nhân sự' khóa tiếp theo
VOA, 11/05/2020
Ban chấp hành trung ương khóa 12 của Đảng cộng sản Việt Nam khai mạc hội nghị thứ 12 hôm 11/5 tại Hà Nội để bàn về các vấn đề nhân sự.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì Hội nghị Trung ương 12 ngày 12/05/2020 tại Hà Nội
Trong hội nghị kéo dài 3 ngày, Ban chấp hành trung ương sẽ bàn và quyết định về "phương hướng công tác nhân sự" Ban chấp hành trung ương khóa 13 tới, phương hướng bầu cử đại biểu quốc hội khóa 15 và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội 13 của đảng vào đầu năm 2021, theo tin trên truyền thông nhà nước Việt Nam.
VietnamNet trích lời Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu gợi ý tại phiên khai mạc hội nghị trung ương 12 rằng tiêu chuẩn ủy viên Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh phải "kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ; cương lĩnh, đường lối của đảng ; hiến pháp của nhà nước, và lợi ích của quốc gia, dân tộc".
Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh cho hay hội nghị lần này chưa đi vào nhân sự, ứng viên, con người cụ thể mà "tập trung về tiêu chuẩn cán bộ, các vấn đề về cơ cấu, số lượng ủy viên ban chấp hành các cấp, độ tuổi, quy trình giới thiệu nhân sự vào ban chấp hành các cấp".
Đảng cộng sản Việt Nam đặt ra khung tiêu chuẩn về ủy viên Trung ương, ủy viên Bộ Chính trị, Ban bí thư, và các chức danh cụ thể từ Tổng bí thư, Chủ tịch nước trở xuống trong hai quy định 90/2017 và 214/2020.
Những quy định này là "cơ sở quan trọng" để hội nghị trung ương 12 thảo luận, quán triệt một cách "kỹ lưỡng hơn, thống nhất hơn" vào phương hướng công tác nhân sự của Đại hội 13, theo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh.
Dựa vào tần suất ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư của đảng, xuất hiện trên truyền thông nhà nước, nhất là nhiều lần có mặt bên cạnh ông Nguyễn Phú Trọng, một số nhà quan sát, phân tích gần đây dự đoán rằng ông Vượng là nhân vật sáng giá nhất để trở thành Tổng bí thư tiếp theo, kế nhiệm ông Trọng.
Tuy nhiên, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á ISEAS - Yusof Ishak nói với VOA rằng xét theo hai quy định 90 và 214, ông Trần Quốc Vượng "không đạt tiêu chuẩn" :
"Bởi vì ông ấy quá tuổi rồi. Thứ hai là ông ấy còn thiếu kinh nghiệm công tác ở địa phương, tức là chưa bao giờ làm bí thư tỉnh ủy hay lãnh đạo ở địa phương cả. Thế nhưng người ta vẫn có thể giới thiệu. Nếu giới thiệu đặc biệt như thế thì sẽ phải hiệp thương trước đại hội. Hiệp thương mà được trong nội bộ, người ta mới giới thiệu".
Vẫn nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp cho rằng trong Đại hội 13, các đại biểu hàng đầu của đảng cộng sản sẽ bầu ra tổng bí thư và chủ tịch nước riêng rẽ, đưa Việt Nam trở lại cơ chế "tứ trụ" – một thuật ngữ dùng để chỉ bốn vị trí lãnh đạo quan trọng nhất của đất nước, gồm tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng và chủ tịch quốc hội.
Hồi tháng 10/2018, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng được quốc hội bầu làm chủ tịch nước, kế nhiệm ông Trần Đại Quang, người qua đời trước đó do bệnh tật.
Trong khi một số nhà quan sát cho rằng đó là bước "nhất thể hóa" hai chức danh cho một người nắm giữ, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp không đồng ý về điều này.
Ông Hợp khẳng định với VOA rằng việc ông Trọng kiêm nhiệm 2 chức vụ chỉ có tính tạm thời trong giai đoạn Việt Nam chưa tìm được người thích hợp cho chức chủ tịch nước bị để trống sau khi ông Trần Đại Quang chết.
Chỉ khi nào Việt Nam sửa hiến pháp để sáp nhập hai chức vụ làm một, kể cả sáp nhập hai bộ máy giúp việc là Văn phòng Trung ương Đảng và Văn phòng Chủ tịch Nước, khi đó việc "nhất thể hóa" mới là chính thức, nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp nói với VOA.
Về các nhân vật sáng giá có thể được giao các trọng trách hàng đầu khác của đất nước sau Đại hội 13, tiến sĩ Hợp nhận định với VOA rằng Phó Thủ tướng-Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đạt đủ mọi tiêu chuẩn để giữ một trong ba chức vụ là chủ tịch nước, thủ tướng hoặc chủ tịch quốc hội, và Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ hoàn toàn đủ khả năng để trở thành thủ tướng.
*******************
Hội nghị Trung ương 12 tập trung về nhân sự trước đại hội 13
RFA, 11/05/2020
Hội nghị Ban chấp hành trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 12 (Hội nghị trung ương 12) được khai mạc tại Hà Nội vào sáng ngày 11 tháng 5. Nội dung chính của hội nghị này được cho biết chủ yếu tập trung bàn về vấn đề nhân sự cho đại hội đảng lần thứ 13 dự kiến diễn ra vào đầu năm tới.
Hội nghị Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam ở Hà Nội hôm 11/5/2020 - Hình Báo Chính Phủ
Truyền thông trong nước đồng loạt loan tin về hội nghị được cho là quan trọng này của Ban chấp hành trung ương khóa 12.
Ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam, chủ trì hội nghị trung ương 12. Ông Trọng được cho biết đã 'nêu bật một số ý kiến có tính chất gợi mở về công tác nhân sự'. Cùng điều hành hội nghị trung ương 12 còn có ông Nguyễn Xuân Phúc, ủy viên Bộ Chính trị-Thủ tướng chính phủ.
Những nội dung liên quan đến vấn đề nhân sự được nêu rõ gồm phương hướng công tác nhân sự Ban chấp hành trung ương khóa 13, phương hướng bầu cử đại biểu quốc hội khóa 15 và đại biểu hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, số lượng và việc phân bổ đại biểu tham dự dự đại hội lần thứ 13 của đảng cộng sản Việt Nam vào tháng giêng sang năm.
Ông Nguyễn Phú Trọng cho rằng trong thời điểm hiện nay một vị ủy viên trung ương Ban chấp hành trung ương, một ủy viên ban bí thư và ủy viên bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam cần kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác- Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, cương lĩnh- đường lối của đảng …
Ngoài ra tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam còn nhắc lại những vị thuộc các cơ quan đầu não của đảng như vừa nêu còn phải không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực …
Vào cuối tháng tư vừa qua, một bài viết của ông Nguyễn Phú Trọng liên quan công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng lần thứ 13 cũng được truyền thông Nhà nước loan đi ; nhiều nhà quan sát trong nước cho rằng những nội dung mà vị đương kim tổng bí thư nêu ra không có gì mới, vẫn mang tính giáo điều, bảo thủ như bấy lâu nay.
Hội nghị lần thứ 12 Ban Chấp Hành Trung ương đảng cộng sản Việt Nam như vừa nêu dự kiến kéo dài đến ngày 14 tháng 5. Và theo thông lệ, sau cuộc họp ban chấp hành trung ương đảng, vào tuần sau từ ngày 20 tháng 5, Quốc hội Việt Nam khóa 14 sẽ bắt đầu nhóm kỳ họp thứ 9.
**********************
Đại hội 13 : Chuyển giao quyền lực khó khăn trong thể chế bất ổn
Phạm Quý Thọ, RFA, 11/05/2020
Tổng bí thư và 'tam trụ' (chủ tịch nước, thủ tướng, chủ tịch quốc hội) là các vị trí quyền lực lãnh đạo tập trung cao nhất và mang tính nguyên tắc đối với chế độ đảng cộng sản toàn trị. Việc chuyển giao quyền lực có tầm quan trọng để ổn định chế độ. Quá trình chuyển đổi nền kinh tế tập trung sang thị trường đòi hỏi sự phân quyền ngày càng lớn hơn, làm thay đổi cách lãnh đạo tập thể, nguyên tắc dân chủ tập trung… làm gia tăng sự bất ổn thể chế. Tại Đại hội 13 Đảng cộng sản Việt Nam, dự kiến tổ chức đầu năm 2021, sự chuyển giao quyền lực, đặc biệt ở cấp cao nhất sẽ là thách thức trong tình hình thể chế bất ổn ngày càng phức tạp qua các nhiệm kỳ gần đây, đặc biệt trong Khóa 12.
Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng - Reuters
Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là lãnh đạo cao nhất có thâm niên đảng kéo dài liên tục, hơn 20 năm là ủy viên Bộ Chính trị, giữ nhiều cương vị trọng trách như Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội, Tổng bí thư nhiệm kỳ Khóa 11 (2011-2016) và đương nhiệm Khóa 12 kiêm Chủ tịch nước từ 2017 đến nay… Ông thấu hiểu thực trạng suy thoái của bộ phận đội ngũ lãnh đạo đảng viên, kể cả cấp cao là nguy cơ lớn nhất với sự tồn vong chế độ. Với tư cách Trưởng Tiểu ban Nhân sự cho Đại hội 13 ông kêu gọi hãy làm tốt công tác cán bộ không để lọt những kẻ cơ hội lọt vào bộ máy lãnh đạo đảng các cấp, nhất là cấp trung ương.
Trong bài phát biểu gần đây ông cho rằng thực trạng 'tự diễn biến, tự chuyển hoá', 'suy thoái về tư tưởng và đạo đức', tham nhũng, lợi ích nhóm… của 'bộ phận không nhỏ' cán bộ lãnh đạo đảng trong hệ thống chính quyền' là nghiêm trọng nhất, đặc biệt đã diễn ra từ các nhiệm kỳ đại hội đảng gần đây, nhất là Khóa 12, mà chính ông trải nghiệm.
Ông là người hơn ai hết hiểu một số 'đồng chí', được thế hệ đi trước tin tưởng giới thiệu, nắm trọng trách đã 'suy thoái' như thế nào. Mức độ nghiêm trọng ở chỗ đã hình thành phe nhóm trong đảng, đã tạo nên hiện tượng 'bất tuân' của đa phần các ủy viên trung ương khóa 11 khi bỏ phiếu không ủng hộ quyết định của Bộ Chính trị về việc kỷ luật 'đồng chí X' (nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) tại Hội nghị trung ương 6 Khóa 11 năm 2012.
Hơn thế, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chắc chắn biết rằng vẫn còn những 'đồng chí' thuộc 'phe kia', đã hình thành bởi sự thoả hiệp theo nguyên tắc lãnh đạo tập thể, hiện vẫn đang hoạt động trong bộ máy cầm quyền hiện hành. Liệu họ có thể là những kẻ cơ hội, 'giấu mình, chờ thời' hay có ứng xử kiểu "… gặp thời thế, thế thời phải thế" - như câu đối đáp của Ngô Thì Nhậm (1746 – 1803), danh sĩ đời hậu Lê và Tây Sơn, trước thách đố nghiệt ngã, thâm thù bởi Đặng Trần Thường, nghịch quan cùng thời xét xử.
Mặc dù, cho rằng cần tổng kết rút kinh nghiệm từ những khóa đại hội trước, nhưng trong bài viết ông đã chỉ ra các yêu cầu 'kiên quyết không để lọt vào Ban chấp hành trung ương khóa 13' những người có một trong các khuyết điểm được mô tả bởi sáu nhóm biểu hiện 'suy thoái', đơn cử như 'cơ hội chính trị', 'dân tuý', 'kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh'…
Bởi vậy, ngay sau Đại hội 12 đầu năm 2016, dưới sự lãnh đạo của ông Tổng bí thư, Nghị quyết trung ương 4 đã được ban hành, làm cơ sở để ngăn chặn quá trình suy thoái này. Theo đó, hai nhóm giải pháp chủ yếu được Đảng tập trung là chống tham nhũng và sửa đổi, ban hành các quy định để củng cố tổ chức đảng. Trước hết, chiến dịch 'đốt lò', biểu tượng chống tham nhũng, được đẩy mạnh. Từ năm 2016, đầu nhiệm kỳ đến nay 'gần 100 cán bộ lãnh đạo cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị và Ban bí thư quản lý đã bị kỷ luật và bị án tù, trong đó có các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên trung ương của khóa 11 và 12, thậm chí có nhiều các tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang…
Đơn cử một số trường hợp 'nổi cộm'. Năm 2018 nguyên ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng bị án tù 30 năm, nguyên Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh bị cách chức, các nguyên bộ trưởng Bộ Thông tin nhận hối lộ trong đại án AVG… Mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên bí thư Hà Nội bị cảnh cáo và luân chuyển công tác là phó trưởng Tiểu ban Văn kiện Đại hội. Ông Lê Thanh Hải bị cách chức nguyên ủy viên Bộ Chính trị thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2011-2015. Nguyên tư lệnh Quân chủng hải quân bị khai trừ đảng, và theo quy trình, sẽ bị xét xử theo pháp luật…
Mặt khác, một loạt các chỉ thị, quyết định của đảng về kỷ luật, và nêu gương của cán bộ cấp trung ương, về tiêu chuẩn cụ thể cho các vị trí lãnh đạo cho đến cấp cao nhất được ban hành, sửa đổi để làm căn cứ cho công tác nhân sự cho nhiệm kỳ tới…
Sau Đại hội 12 đầu năm 2016, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng dần tập trung được quyền lực đảng, hơn thế khi ông kiêm giữ vị trí Chủ tịch nước. Ông hiện ở thế 'thượng phong' để có thể kiểm soát tình hình bất ổn. Tuy nhiên, theo các quy định hiện hành về giới hạn độ tuổi, không quá hai nhiệm kỳ và sức khoẻ… sự chuyển giao quyền lực cao nhất là một trọng trách, bởi vậy việc tìm kiếm sự ổn định chế độ là ưu tiên cá nhân. Bởi vậy, ông dồn tâm sức cho công tác cán bộ chuẩn bị cho Đại hội 13.
Ngoài việc nhấn mạnh các tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo, đức và tài… ông yêu cầu cán cán bộ làm công tác tổ chức đảng phải nhìn người 'tinh tường', đánh giá đúng bản chất cán bộ đảng, đừng để 'bề ngoài che đậy sơ sài bên trong'… Và theo Quyết định 224/QD-TW năm 2014 về Quy chế bầu cử trong Đảng thì Ban chấp hành khóa trước có vai trò quan trọng đề cử cán bộ lãnh đạo chủ chốt cho khóa sau… Ông đặt vấn đề quy trách nhiệm đối với tổ chức, cá nhân giới thiệu nhân sự lãnh đạo đảng.
Chuyển đổi sang kinh tế thị trường, dù có định hướng XHCN hay không, đều khiến bùng nổ các hoạt động kinh tế đa dạng, phức tạp, phát sinh mạng lưới các mối quan hệ xã hội chằng chịt, phức tạp ngoài tầm kiểm soát của cơ chế hiện hành. Bởi vậy, trong quá trình vận hành hệ thống chuyển đổi sẽ có nhiều loại cán bộ lãnh đạo với các hình thức thể hiện hành vi khác nhau, trong đó khó tránh khỏi không ít kẻ bị 'cám dỗ' bởi lòng tham, 'sẵn sàng chui đầu vào thòng lọng' nếu món lợi đủ lớn và nhiều kẻ trục lợi bởi 'lỗi hệ thống' đang thay đổi…
Bất luận 'lò đốt củi' tham nhũng của ông Tổng bí thư vẫn đang cháy, mới đây, vụ án 'băng nhóm 'Đường Nhuệ' núp bóng doanh nghiệp, 'tung tác' trong thời gian dài do được bảo kê bởi một số lãnh đạo tỉnh Thái Bình, vừa bị khởi tố điều tra với sự tham gia của Bộ Công an. Việc phá rừng nghiêm trọng ở Kon Tum cũng do được bảo kê, hơn thế vụ việc được phát hiện và đưa lên công luận bởi phóng viên chứ không phải chính quyền. Trong điều kiện cả nước đối phó với đại dịch Covid-19, thì cán bộ lãnh đạo trung tâm kiểm soát bệnh dịch (CDC) Hà Nội và một số tỉnh vẫn 'tham nhũng' bằng cách nâng khống gấp nhiều lần giá trị gói thầu mua sắm Hệ thống Realtime PCR tự động - xét nghiệm virus corona chủng mới, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước…
Chuẩn bị nhân sự cho Đại hôi 13, Đảng muốn loại bỏ những kẻ 'suy thoái về tư tưởng và đạo đức', đồng thời tuyển chọn đội ngũ cán bộ 'vừa hồng vừa chuyên', nhưng một bộ máy cầm quyền với sự đan xen phức tạp các loại cán bộ lãnh đạo sẽ là khó khăn đối với chuyển giao quyền lực, kể cả ở cấp cao nhất. Nhân sự lãnh đạo là công việc nội bộ của Đảng, ngoài ra, trong tình thế bất ổn hiện nay thì 'các vị trí tứ trụ' cho chế độ vẫn là ẩn số. Tuy nhiên, theo cơ chế hiện hành những ai được ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng 'hậu thuẫn' sẽ có thể có ưu thế.
Phạm Quý Thọ (Hà Nội)
Nguồn : RFA, 11/05/2020
******************
Việt Nam và nhân sự Đại hội 13 : 'Khó nhất vẫn là chức Tổng bí thư'
Quốc Phương, BBC, 11/05/2020
Một hội nghị quan trọng bậc nhất trước Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam đang được nhóm họp tại Hà Nội để trình phương hướng công tác nhân sự Trung ương đảng khóa tới, theo báo chí chính thống nhà nước.
Việc lựa chọn nhân sự tại Đại hội 13 được cho là sẽ không phức tạp như trước Đại hội 12
Sáng 11/5/2020, Hội nghị Trung ương 12 (khóa XII) của Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam (dự kiến nhóm từ ngày 11 đến ngày 14/5) chính thức khai mạc với Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, chủ trì, phát biểu khai mạc, và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thay mặt Bộ Chính trị điều hành phiên khai mạc, báo Nhân dân đưa tin.
"Tại Hội nghị lần này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ bàn và quyết định các vấn đề : phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII ; phương hướng bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 ; Tiêu chuẩn, tiêu chí, số lượng và việc phân bổ đại biểu dự Đại hội XIII của Đảng.
"Cũng tại Hội nghị, Ban Chấp hành Trung ương sẽ cho ý kiến về Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2019 ; Báo cáo những công việc quan trọng mà Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 11 (tháng 10/2019) đến nay ; Báo cáo công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật trong Đảng năm 2019 ; bàn và quyết định một số vấn đề quan trọng khác", vẫn theo tờ báo là cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Việt Nam.
Cũng hôm 11/05, Báo điện tử của Đảng cộng sản Việt Nam trích dẫn phát biểu khai mạc và chỉ đạo hội nghị của Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, theo đó nói :
"Tôi đề nghị mỗi đồng chí Ủy viên Trung ương cần nhận thức đầy đủ vị trí, ý nghĩa to lớn của công việc hệ trọng này, tập trung thảo luận, phân tích, làm sâu sắc các nội dung trên. Cần lưu ý, nhấn mạnh thêm vấn đề gì, những khâu nào ? Phải chăng, về tiêu chuẩn Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong thời điểm hiện nay cần nhấn mạnh phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia - dân tộc ; có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thật sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm ?
"Trong công tác chuẩn bị nhân sự, phải chăng cần nhấn mạnh phải có tinh thần trách nhiệm rất cao, thật sự khách quan, thật sự công tâm, trong sáng, gương mẫu chấp hành nghiêm các nguyên tắc tổ chức, quy chế, quy định của Đảng, đặt sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của dân tộc lên trên hết, trước hết ? Kiên quyết chống mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, cục bộ, bè phái, "lợi ích nhóm", chạy chức, chạy quyền..".
Phương án tứ trụ ?
Mô hình bộ máy quyền lực và các phương án nhân sự lãnh đạo cao cấp ngay trước và trong dịp Hội nghị Trung ương 12 diễn ra là một chủ đề được quan tâm trong giới quan sát và phân tích chính trị Việt Nam.
Hôm 08/5, trên trang Nghiên cứu Quốc tế, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, nhà nghiên cứu thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á Iseas Yusof Ishak của Singapore đưa ra một số nhận định :
"Việc quay lại mô hình 'tứ trụ' cũng có khả năng được Bộ Chính trị và Ủy ban Trung ương Đảng nhiệm kỳ mới ủng hộ…
"Số lượng ủy viên Bộ Chính trị tiếp theo vẫn chưa được xác định. Tuy nhiên, con số này nhiều khả năng nằm trong khoảng từ 15 đến 19 như tại các kỳ đại hội gần đây…
"Nếu xét việc Đảng nhấn mạnh việc quy hoạch nhân sự cấp chiến lược trong thời gian gần đây, Đảng có thể sẽ muốn bầu tối đa 19 ủy viên Bộ Chính trị để có được một lực lượng nhân sự cấp chiến lược lớn hơn, qua đó có nhiều lựa chọn hơn cho các vị trí lãnh đạo trong tương lai…".
Về các ứng viên cho bốn vị trí lãnh đạo cao cấp nhất của đảng, nhà nước và chính quyền, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nhận định :
"Như đã nói, theo truyền thống, ứng viên cho vị trí tổng bí thư thường được chọn trong số bốn chính trị gia hàng đầu của nhiệm kỳ trước. Tuy nhiên, Thường trực Ban Bí thư cũng có thể là một ứng viên đủ điều kiện…
"Do giới hạn nhiệm kỳ cũng như tuổi cao và sức khỏe yếu, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ nghỉ hưu tại đại hội tiếp theo. Do đó, ba ứng viên thay thế cho ông sẽ là ông Nguyễn Xuân Phúc, bà Nguyễn Thị Kim Ngân và ông Trần Quốc Vượng. Vì cả ba đã quá 65 tuổi vào tháng 9/2020, người được chọn nắm ghế tổng bí thư sẽ được miễn giới hạn tuổi tác, còn hai người còn lại sẽ phải nghỉ hưu…".
Ông Nguyễn Xuân Phúc được cho là ứng cử viên sáng giá nếu vẫn duy trì mô hình Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước.
Về các phương án được phân tích, dự đoán như một tham khảo cho các "ghế" còn lại là thủ tướng chính phủ, chủ tịch nước, chủ tịch Quốc hội, nhà nghiên cứu từ Viện Iseas của Singapore nêu tiếp nhận định của mình :
"Trong số sáu ủy viên Bộ Chính trị còn lại hiện nay, chỉ có ông Vương Đình Huệ và ông Phạm Bình Minh là phó thủ tướng. Tuy nhiên, do ông Minh chủ yếu phụ trách các vấn đề đối ngoại, ông Huệ, người giám sát các vấn đề kinh tế và tài chính và từng giữ chức Bộ trưởng Tài chính nhiệm kỳ 2011-2016, trở thành ứng viên mạnh nhất cho vị trí [thủ tướng] này…
"Đối với vị trí chủ tịch nước, các ứng cử viên chính bao gồm ông Phạm Bình Minh, ông Tô Lâm và ông Phạm Minh Chính. Tuy nhiên, ông Phạm Bình Minh, một nhà ngoại giao kỳ cựu có trình độ tiếng Anh tốt, dường như là ứng viên nổi bật nhất. Vì chủ tịch nước sẽ phải tham gia vào nhiều hoạt động đối ngoại, bao gồm các chuyến thăm song phương và tham dự các sự kiện đa phương, ông Minh sẽ có lợi thế đáng kể so với hai ứng cử viên còn lại…
Ông Phạm Bình Minh được một số nhà quan sát đánh giá là ứng viên sáng giá cho vị trí chủ tịch nước
"Đối với vị trí chủ tịch quốc hội, ngoại trừ ông Võ Văn Thưởng, người có tuổi đời còn khá trẻ có thể là một bất lợi đối với ông, các ủy viên Bộ Chính trị còn lại (Phạm Bình Minh, Tô Lâm, Phạm Minh Chính, Trương Thị Mai, Nguyễn Văn Bình) đều có cơ hội khá cân bằng để được xem xét cho vị trí này".
Khó khăn, chưa rõ ?
Hôm 11/5 từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Giáo sư Phạm Quý Thọ nêu bình luận nhanh với BBC về quan điểm trên của nhà nghiên cứu từ Singapore :
"Quan sát này dựa trên tiêu chuẩn và độ tuổi... với các danh sách dài đưa ra.
"Nhưng theo tôi, vẫn còn một khoảng cách xa với thực tế, Đại hội 13 này khá thực sự khó khăn và khó đoán".
Từ Hà Nội, Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, thành viên Nghiên cứu của Viện IISS, think tank về Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế và nhà quan sát chính trị Việt Nam, bình luận với BBC về Hội nghị Trung ương 12 đang nhóm họp :
"Đây là Hội nghị quan trọng nhất khóa về nhân sự, nó làm cụ thể số lượng Ủy viên Ban chấp hành Trung ương đảng, số lượng Ủy viên Bộ Chính trị, lên danh sách cụ thể các bí thư tỉnh ủy, các trưởng ban đảng, quốc hội, nhà nước, nó cũng làm luôn khung nhân sự cho Quốc hội, cho hội đồng nhân dân cấp tỉnh và các quy định bầu cử Đại hội 13, bầu cử Quốc hội...
"Ngoài ra, sẽ không có hội nghị trung ương nào khác cho chủ đề nhân sự nữa, tất nhiên, nếu lần này chưa xong, sẽ có Hội nghị 12B, tức là để tiếp tục "làm nhân sự"".
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân là đương kim Chủ tịch Quốc hội
Về vấn đề nhân sự cho Đại hội đảng tới đây, ông Hà Hoàng Hợp, người cũng đồng thời làm việc tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á, Iseas, Singapore với tư cách nhà nghiên cứu cao cấp khách mời, nói :
"Theo tôi, không có gì mới vì nhiều người nói rồi và tứ trụ chứ không phải tam trụ, như tôi cũng đã nói với BBC từ khi ông Nguyễn Phú Trọng tạm nhận chức chủ tịch nước.
"Về bốn ứng viên cho tứ trụ, nhiều người nói với cơ sở quyết định 90 và 214, bà Trương Thị Mai khó làm Chủ tịch Quốc hội.
"Cách đây nhiều tháng tôi cũng đã nói với BBC là ghế chủ tịch nước chưa có dự kiến ứng viên, ngay bây giờ cũng chưa có.
"Ông Phạm Bình Minh đủ tiêu chuẩn theo Quyết định 214 để ứng cử các chức vụ chủ tịch nước, thủ tướng, và chủ tịch quốc hội, ông ấy chỉ chưa đủ tiêu chuẩn ứng cử Tổng bí thư thôi. Tuy nhiên, có vẻ chức chủ tịch nước khá thích hợp với ông này.
"Bởi vì ông Minh đã làm hai khóa bộ trưởng rồi, thì không thể tiếp tục làm Bộ trưởng Ngoại giao nữa. Nhưng ứng cử chức chủ tịch, với ông Minh theo các mối quan hệ nội bộ, có thể lại không thuận lợi.
"Ở trên tôi nói là theo Quyết định 214 (và 90), ở đây về quan hệ nội bộ tức là về hành vi, nhiều người có thể không muốn như vậy và muốn khác đi, nhưng vì thế vẫn có chức phó thủ tướng phụ trách đối ngoại cho ông ấy, giống như bên Trung Quốc, người ta có chức vụ của ông Dương Khiết Trì, đó là một khả năng sắp xếp.
"Theo tôi, khó nhất là chức tổng bí thư, ông Trọng giới thiệu ông Vượng hai lần đều chưa thành công, Bộ Chính trị chưa tán thành. Bây giờ sẽ phải họp để giới thiệu lại, tức là bỏ phiếu cho vài ứng viên.
"Đúng ra lúc này có các ứng viên sơ bộ là các ông, bà : Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Thị Kim Ngân, Trần Quốc Vượng và Phạm Minh Chính. Có một số đông, chưa rõ bao nhiêu phần trăm ủng hộ ông Phúc.
"Bây giờ ông Trọng không thể phát biểu như trước đây rằng ứng viên vị trí này phải là người miền Bắc. Cũng có một tỷ lệ cao được cảm nhận, chưa rõ bao nhiêu, muốn ủng hộ bà Ngân.
"Nhưng tóm lại, dự đoán thì cứ dự đoán, song cuối cùng do thủ tục đề cử chưa xảy ra, nên chưa rõ cụ thể", nhà phân tích chính trị này nói với BBC News tiếng Việt trên quan điểm cá nhân.
*********************
Có thể ràng buộc trách nhiệm người đề cử, giới thiệu khi lãnh đạo vi phạm ?
RFA, 11/05/2020
Vào sáng ngày 11/5/2020, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 12, được khai mạc tại Hà Nội. Theo thông tin từ cơ quan ngôn luận của đảng, nội dung chính của hội nghị này chủ yếu tập trung bàn về vấn đề nhân sự cho đại hội đảng lần thứ 13 dự kiến diễn ra vào đầu năm tới.
Vào sáng ngày 11/5/2020, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 12, được khai mạc tại Hà Nội. Courtesy chinhphu.vn
Lâu nay vấn đề nhân sự được người đứng đầu đảng cộng sản Việt Nam luôn nhắc tới. Ngoài những tiêu chuẩn như bấy lâu nay, ông Nguyễn Phú Trọng còn kêu gọi phải ràng buộc trách nhiệm của người đề cử, trách nhiệm của người giới thiệu nhân sự. Tại hội nghị cán bộ toàn quốc, ông Trọng nhấn mạnh rằng 'xem giới thiệu ai, qua đó cũng hiểu người đó'. Vấn đề này cũng được qui định rõ trong Hướng Dẫn số 3 của Ban Bí Thư đảng cộng sản Việt Nam ban hành hồi cuối tháng 3 vừa qua.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Thương mại Luật gia Việt Nam, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 11/5/2020 từ Sài Gòn, nhận định :
"Về trách nhiệm của người giới thiệu nhân sự... để ràng buộc chặt chẽ người đề nghị hay tiến cử cán bộ là quy định của đảng. Hiền tài là nguyên khí quốc gia, cho nên lần này việc tiến cử người thực tài và có đạo đức, vào vị trí người lãnh đạo đảng và nhà nước là nhiệm vụ rất quan trọng để quyết định sự phát triển cùa đất nước. Tôi thấy việc tách trách nhiệm cá nhân trong trách nhiệm tâp thể là điều đảng viên và nhân dân quan tâm, và mong mỏi làm sao ngăn chặn việc chạy chức chạy quyền, mà nguyên nhân sâu xa là suy thoái chính trị đạo đức. Để loại bỏ được những con sâu mọt hại nước, hại dân đó, nên chọn những người có đức có tài vào bộ máy lãnh đạo. Mà việc này gắn liền với việc quy định trách nhiệm của người đề cử và tiến cử".
Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, phải xác định rõ cơ cấu, số lượng cán bộ, nhưng trước hết phải bảo đảm tiêu chuẩn. Ông Trọng cho rằng, phải làm sao lựa chọn được những cán bộ vừa trung thành với đảng, với nhân dân, vừa có cả đức và tài... Nhưng trong quá trình lựa chọn ấy, trách nhiệm của người đề cử, tiến cử cán bộ, phải được nhấn mạnh hàng đầu.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ đảng, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 11/5/2020 liên quan vấn đề này, cho biết ý kiến của mình :
"Việc ràng buộc trách nhiệm người giới thiệu không phải là bây giờ mới có. Trước đây, từ hồi Đông Chu liệt quốc người ta vẫn có, người đề cử ra ai đấy thì phải chịu trách nhiệm, nếu như người làm quan phạm tội thì người giới thiệu có liên đới chịu trách nhiệm theo, chuyện đó đã cũ trong lịch sử. Bây giờ ông Nguyễn Phú Trọng đưa ra chuyện đó thì cũng hy vọng việc đề cử sẽ có trách nhiệm, để tăng trách nhiệm của người giới thiệu. Nhưng, tôi lại thấy chẳng hay ho gì, vì đáng lẽ ra phải có ứng cử, tranh cử. Tại sao trong đảng này không có việc ứng cử, nghĩa là người ta chỉ chờ. Nếu muốn làm việc này, việc kia thì phải nhờ người giới thiệu".
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, chuyện ông Trọng muốn người giới thiệu chịu trách nhiệm thì cũng là điều tốt. Nhưng đó là cái tốt trong một cái lớn hơn... là không tốt.
Trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 11/5/2020 từ Hà Nội, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phát Triển IDS, nói :
"Tôi nghĩ họ luôn luôn nói trách nhiệm của người đề cử, nhưng họ không có gì để chế tài, để thực thi trách nhiệm đấy cả. Nhưng gần đây, ông Trọng đã phát minh ra một cách, gọi là cách chức những chức vụ mà họ không còn làm nữa, tức của những người về hưu. Có thể cái sáng chế này của ông ấy và đảng cộng sản Việt Nam có một tính răn đe nào đó lên những người giới thiệu cán bộ cho đảng cộng sản Việt Nam. Nhưng tôi nghĩ, cái này đối với người bị răn đe không thấm vào đâu, so với lợi ích mà họ có thể đưa người vây cánh của họ vào. Cho nên sáng chế đó nghe có vẻ hay đó, mà kỳ thực cũng không có tác dụng là mấy".
Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho biết, xưa nay chưa bao giờ có đảng viên nào bị xử lý trách nhiệm trong việc đề cử, giới thiệu cán bộ. Ông cũng cho rằng sẽ không bao giờ có việc xử lý này. Ông giải thích lý do :
"Bởi vì, những người này rất khôn lõi, ở Việt Nam người dân thường nói bọn này là bọn có sạn trong đầu... Họ có muôn vàn cách để lách cái sáng chế rất là kỳ cục của đảng cộng sản Việt Nam, như là việc cách chức những chức vụ không còn... hay quy trách nhiệm cho người giới thiệu. Tại vì rất đơn giản, họ không giới thiệu, mà xui người khác giới thiệu, họ nói tập thể giới thiệu... thao túng kiểu đó thì họ là các bậc thầy".
Cũng liên quan việc tiến cử, giới thiệu tại Việt Nam, chỉ số ít các Đại biểu Quốc hội tự ứng cử có thể tham gia diễn đàn quốc hội. Thông thường tất cả các Đại biểu Quốc hội đều do đảng tiến cử theo khẩu hiệu 'đảng cử, dân bầu'.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống giải thích thêm :
"Chưa có ai bị xử lý kỷ luật vì chuyện giới thiệu. Chuyện 'đảng cử dân bầu' là trong quốc hội... Còn đảng là đảng cử, đảng bầu... là chi bộ cũ đề cử... cũng là một dạng đảng cử dân bầu nhưng là kiểu khác... là cấp trên cử, cấp dưới bầu thì đúng hơn. Cách làm như vậy tôi thấy đó là hình thức rất phản dân chủ, chẳng hay ho gì".
Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong một bài viết vào cuối tháng 4 năm 2020, liên quan công tác chuẩn bị nhân sự đại hội đảng lần thứ 13, được nhiều nhà quan sát trong nước cho rằng những nội dung mà ông nêu ra không có gì mới, vẫn mang tính giáo điều, bảo thủ như bấy lâu nay.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định :
"Tôi nghĩ, đối với quốc hội thì trước hết họ phải chịu trách nhiệm, ít nhất là đối với tòa án dư luận... Không ai khác, đảng cộng sản Việt Nam là kẻ phạm tội, đã cử những người như Trương Minh Tuấn, vị bộ trưởng đang bị tù, và họ đã cử không biết bao nhiêu vị Đại biểu Quốc hội khác, hóa ra là bọn lừa đảo, tội phạm... và còn vô vàn những kẻ như thế chưa bị lộ vẫn còn trong Quốc hội. Cái đấy, đảng cộng sản Việt Nam không chối được tội, và với cái sáng chế bây giờ, mà đảng cộng sản Việt Nam đang bàn trong Hội nghị Trung ương 12 về nhân sự, thì nhân dân lại có một vũ khí từ chính họ để vạch mặt tội của họ ra".
Luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, phải có quy định luật pháp trong vấn đề ràng buộc trách nhiệm của người đề cử, trách nhiệm của người giới thiệu nhân sự, chứ không chỉ xử lý trách nhiệm về mặc đảng. Phải tách trách nhiệm cá nhân trong trách nhiệm tập thể, thì sau này cán bộ được đề cử đó nếu xa ngã, vướng vào vòng lao lý, thì có thể tránh được trường hợp hòa cả làng, làm ảnh hưởng hình ảnh của đảng và nhà nước Việt Nam.
Nguồn : RFA, 11/05/2020