Kết quả khảo sát của hãng Gallup vào tháng 8/2018 cho thấy 51% số người trẻ ở Mỹ và 57% số người theo đảng Dân Chủ thích chủ nghĩa xã hội.
Số liệu trên phù hợp với sự kiện các phụ nữ trẻ thuộc tổ chức Dân Chủ Xã hội Hoa Kỳ (Democratic Socialists of America) thắng các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân Chủ. Theo dự đoán sẽ có người thắng cử Hạ Viện vào tháng 11/2018 này.
51% số người trẻ ở Mỹ và 57% số người theo đảng Dân Chủ thích chủ nghĩa xã hội.
Ở Việt Nam, đảng cộng sản đã độc tôn sử dụng và diễn giải cụm từ "chủ nghĩa xã hội" theo cách riêng của họ từ nhiều năm nay nên nhiều người Việt cả hai phía theo và chống cộng vẫn mang định kiến về chủ nghĩa này.
Bạn có thể không biết chính Đức Huỳnh Phú Sổ (1920-1947) sáng lập Phật giáo Hòa hảo và Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng để truyền bá tư tưởng dân chủ xã hội đến quần chúng Việt Nam.
Chủ trương Việt Nam Dân chủ Xã hội Đảng gồm chính trị cho toàn dân, chống độc tài dưới mọi hình thức và xây dựng dân chủ để thực thi công bằng xã hội.
Trước đây tôi viết bài 'Tù mù về chủ nghĩa Marx' đăng trên diễn đàn BBC để góp ý nhà báo Bùi Tín về cách hiểu sơ sài của ông đối với các đảng dân chủ xã hội tại Âu Châu dù ông đã sống ở Pháp 20 năm (1).
Lần này xin đề cập đến khuynh hướng dân chủ xã hội tại Hoa Kỳ, nhân tiện thảo luận về tình trạng phân hóa giàu nghèo tại Việt Nam và nêu ra đường hướng giải quyết.
Hai nước Mỹ : một giàu một nghèo
Nhà tư tưởng xã hội Michael E. Harrington là người khai sinh Tổ chức Dân chủ Xã hội Hoa Kỳ.
Ông là người theo công giáo, học trường dòng và từ năm 1951 đến năm 1953 làm biên tập viên tờ Công nhân công giáo tại New York.
Năm 1954, ông gia nhập Liên minh Xã hội Độc lập, một tổ chức theo đường lối của Leon Trotsky do Max Shachtman đứng đầu.
Năm 1962, ông ra mắt cuốn sách "Có một nước Mỹ khác" (The Other America), với phụ đề "Nghèo khó ở Mỹ" (Poverty in the United States), tôn chỉ được ghi rõ ở trang bìa "Cuốn sách này phát động cuộc chiến chống lại nghèo khó".
Năm 1972, Harrington nhận chức chủ tịch Đảng Xã hội chủ nghĩa và xây dựng Ủy ban Dân chủ Xã hội (DSOC - Democratic Socialist Organizing Committee).
Đến năm 1981, Ủy ban Dân chủ Xã hội cùng tổ chức Hoa Kỳ mới (New America) hình thành tổ chức Dân chủ Xã hội Hoa Kỳ (Democratic Socialists of America). Ông lãnh đạo tổ chức này cho đến khi mất năm 1989.
Như đã giới thiệu đầu bài tổ chức này đã thắng nhiều cuộc bầu cử sơ bộ đảng Dân chủ vừa qua.
Theo Harrington có hai nước Mỹ : một của người giàu và một của người nghèo. Quyền lực chính trị và kinh tế đều nằm trong tay người giàu và vì vậy chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng, người đã giàu lại càng giàu hơn.
Thế giới của người nghèo, trong nền kinh tế "tăng trưởng thô bạo" (ruthless growth) ngày càng mở rộng, càng nghèo là nguyên nhân mọi vấn nạn xã hội.
Theo Harrington muốn thay đổi xã hội phải dứt khoát từ bỏ đấu tranh giai cấp do Karl Marx đề ra, phải thực hiện đấu tranh chính trị, phải tái cấu trúc hệ thống các đảng chính trị và phát động cuộc chiến chống lại nghèo khó.
Hệ thống chính trị Hoa Kỳ
Hai đảng Cộng hòa và Dân chủ thật sự bao gồm hằng ngàn tổ chức chính trị, tổ chức dân sự nhỏ và hằng chục triệu thành viên cá nhân không tham gia tổ chức.
Các nghiệp đoàn Mỹ đều tích cực gây ảnh hưởng chính sách, ủng hộ và vận động cử tri tham gia bỏ phiếu cho đảng nào đấu tranh bảo vệ quyền lợi của nhiệp đoàn đó.
Tổng thống Donald Trump đắc cử chính là nhờ có đường lối rõ ràng bảo vệ quyền lợi công nhân chống lại bất công do thương mãi toàn cầu hóa gây ra được nhiều nghiệp đoàn lớn ủng hộ và vận động cử tri bầu cho ông.
Còn các nhóm theo chủ nghĩa xã hội và dân chủ xã hội hầu như gia nhập cánh tả đảng Dân chủ.
Theo luật Liên bang tổ chức Dân chủ Xã hội Hoa Kỳ là một tổ chức bất vụ lợi nếu chi tiêu của tổ chức này cho vận động chính trị ít hơn 50% ngân sách chung.
Trở lại hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, ở cấp liên bang không có cơ quan nào kiểm soát đảng viên, các hoạt động hoặc quan điểm chính trị của đảng viên.
Ở cấp tiểu bang các ủy ban của đảng sẽ chịu trách nhiệm gây quỹ và tổ chức bầu cử sơ bộ.
Đa số các đảng viên gia nhập đảng chỉ để bầu chọn người đại diện cho quyền lợi và niềm tin của họ.
Đảng viên không có bất cứ quyền lợi, nghĩa vụ hay bó buộc nào liên quan đến đảng mình ghi danh.
Mọi cử tri có thể thay đổi đảng một cách hết sức dễ dàng chỉ cần ghi danh là có quyền bầu đại diện trong cuộc bầu cử sơ bộ.
Các ủy ban không có quyền ngăn cản người ra tranh cử ngay cả khi người ấy bất đồng quan điểm đa số trong đảng hay công khai chống lại các mục tiêu của đảng.
Quyết định ai đại diện đảng ra tranh cử thuộc về đa số cử tri đi bầu. Tất cả các chính trị gia đều phải qua cuộc bầu cử sơ bộ. Chính trị gia thắng cử sơ bộ sẽ được Ủy Ban vận động tranh cử với các đảng khác.
Bằng cách công khai tranh luận chính sách các chính trị gia lôi cuốn các nhóm nhỏ và cá nhân gia nhập đảng, xây dựng sức mạnh chiến thắng đối phương.
Quyền hạn của chủ tịch đảng được giới hạn trong việc tổ chức bầu cử. Lãnh đạo đảng là những chính trị gia thắng cử như tổng thống, lãnh đạo đảng ở Thượng Viện và Hạ Viện.
Xã hội Mỹ là xã hội tự do, dân sự, đa văn hóa, đa nguyên, đa dạng nên chính nhờ phương cách sinh hoạt chính trị này người Mỹ không bị ràng buộc bởi ý thức hệ, không cực đoan chính trị, dễ đồng thuận, dễ thỏa hiệp và rất thực dụng.
Tư tưởng chính trị qua các đời tổng thống
Tư tưởng xã hội của Harrington đã ảnh hưởng đến chính sách của Tổng thống John Kennedy nhờ thế một kế hoạch chống lại nghèo khó đã ra đời.
Tổng thống Lyndon Johnson tiếp tục kế hoạch và đã đạt được những kết quả nhất định, tình trạng nghèo khó tại Mỹ được cải thiện đáng kể và chênh lệch giàu nghèo được thu hẹp.
Đáng tiếc nhiều người nghèo khi được chính phủ lo cho lại bị lệ thuộc vàotiền trợ cấp cho an sinh nên lọt vào cái bẫy của nghèo đói. Họ không thể thoát ra, vươn lên và hội nhập vào xã hội, và cuối cùng là mãi mãi nghèo.
Sang thập niên 1980, Tổng thống Ronald Reagan theo khuynh hướng tân tự do có đường lối hoàn toàn trái ngược.
Ông giảm thiểu sự can thiệp của chính phủ vào kinh tế và xã hội, tư nhân hóa các phục vụ công và toàn cầu hóa tự do thương mãi.
Khuynh hướng tân tự do nhanh chóng ảnh hưởng toàn thế giới, nhiều công ty đa quốc gia hình thành và phát triển, nhiều quốc gia có mức độ tăng trưởng kinh tế đáng ghi nhận nhưng đồng thời khoảng cách giàu nghèo ngày càng tăng trên toàn thế giới.
Trên nền tảng sinh hoạt chính trị toàn cầu, Trung Quốc và Việt Nam là hai trường hợp ngoại lệ.
Dù danh nghĩa là cánh tả, ở hai nước này, độc quyền về chính trị vẫn được duy trì trong khi kinh tế thị trường méo mó lại gây nhiều bất công trong việc cạnh tranh sản xuất và thương mại.
Tổng thống Bill Clinton vì tin vào lời Bắc Kinh hứa hẹn là sẽ mở cửa kinh tế và thay đổi chính trị nên chấp nhận cho phép Trung Quốc gia nhập WTO.
Bắc Kinh đã không thực hiện lời hứa lại còn cho gián điệp ăn cắp bí mật công nghệ Hoa Kỳ.
Được hưởng tự do thương mãi với Mỹ, hàng hóa Trung Quốc tràn ngập nước Mỹ, hãng xưởng Mỹ bị đóng cửa, công nhân bị sa thải, khoảng chênh lệch giàu nghèo tại Mỹ càng lúc càng mở rộng.
Về bản chất việc Tổng thống Donald Trump đắc cử và việc phong trào dân chủ xã hội bộc phát có điểm chung là cử tri Mỹ chống lại xu hướng toàn cầu hóa và muốn bảo vệ sự công bằng cho dân Mỹ.
Sự khác biệt giữa ông Trump và phong trào dân chủ xã hội là phương cách giải quyết vấn đề.
Ý thức xã hội chủ nghĩa từ lý tưởng tới thực tế
Tổ chức Dân chủ Xã hội chủ trương công nhân có quyền bỏ phiếu cho việc lãnh đạo công ty, có vậy thì người chủ mới chịu bảo vệ công việc tại Mỹ thay vì mang tiền đầu tư ở nước ngoài.
Còn ông Trump ngay từ khi thông báo ra tranh cử Tổng thống đã hứa đưa người dân Mỹ trở lại lực lượng lao động.
Một mặt ông Trump đề ra các chính sách tạo ra công ăn việc làm, như giảm thuế công ty, lôi kéo tư bản Mỹ hồi hương, tạo công bằng thương mãi Mỹ-Trung...
Mặt khác ông đưa ra các điều khoản thắt chặt trợ cấp xã hội, khuyến khích người thất nghiệp đi làm và nhờ thế thu hẹp khoảng chênh lệch giàu nghèo.
Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ vào tháng 3/2018 có hơn 40 triệu người nghèo đăng ký nhận trợ cấp từ chương trình Trợ cấp Thực phẩm (Food Stamps) của chính phủ Liên Bang.
Con số này thấp hơn hẳn số 48 triệu người nhận Food Stamps vào năm 2013 thời Tổng thống Barack Obama.
Cô Ocasio-Cortez một thành viên dân chủ xã hội 28 tuổi đã bất ngờ chiến thắng dân biểu lão thành Joseph Crowley tại New York khi đưa ra những kế hoạch vô cùng lý tưởng.
Cô chủ trương chăm sóc y tế miễn phí (universal healthcare), miễn phí đại học (tuition-free universities), bảo đảm công ăn việc làm (Universal jobs guarantee), lương tối thiểu 15 Mỹ kim và đầu tư vào phát triển nhiên liệu xanh (Green energy).
Các kế hoạch này đều rất tốn kém nên rất khó được các dân biểu hay nghị sỹ ngay trong đảng Dân chủ bỏ phiếu thông qua.
Nhiều kế hoạch trên đã được thực hiện tại Úc và Tây Âu nhưng vì tốn kém mà người đi làm và doanh nhân phải chịu mức thuế rất cao nên dần dần bị hủy bỏ.
Nói cách khác khi còn trẻ vì lý tưởng người trẻ dễ tin vào triết lý dân chủ xã hội.
Nhưng khi trưởng thành sống với kinh nghiệm thực tế người trưởng thành sẽ cân đối hơn giữa trái tim nhân bản và dùng lý trí giải quyết bất công xã hội.
Những người dân chủ xã hội lại thường là những người chống độc tài và không khoan nhượng những vi phạm nhân quyền do các thể chế độc tài gây ra.
Một cách tích cực khuynh hướng dân chủ xã hội buộc các chính trị gia thuộc cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ phải lắng nghe tiếng nói của dân nghèo và đề ra các chính sách có lợi cho dân nghèo và cho nước Mỹ.
Đó chính là ưu việt của thể chế tự do dân chủ, không thể có được tại các quốc gia độc tài cộng sản như Trung Quốc và Việt Nam.
Thực trạng Việt Nam : một giàu một nghèo
Tình trạng bất bình đẳng tại Việt Nam tệ hại hơn nước Mỹ rất nhiều nhưng đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức.
Trước đây, đảng cộng sản nắm độc quyền về cả chính trị lẫn kinh tế, nên xã hội "bình đẳng" trong nghèo đói.
Khi Liên Xô và Đông Âu lâm vào khủng hoảng toàn diện rồi sụp đổ, để sống còn đảng cộng sản phải mở cửa giao thương với nước ngoài, nhưng vẫn cố nắm độc quyền cả chính trị lẫn phương tiện sản xuất và phân phối.
Đến nay nhiều ngành như điện, nước, xăng, dầu, xuất nhập cảng gạo, cảng, vận tải, viễn thông, hàng không, ngân hàng,… vẫn tiếp tục chịu sự kiểm soát nặng nề của nhà nước, có ngành nhà nước vẫn giữ độc quyền.
Mô hình này tạo ra một tầng lớp tư sản mới hưởng đặc quyền, đặc lợi và tham nhũng bòn rút tài sản quốc gia.
Các tập đoàn đa quốc gia đầu tư vào Việt Nam hưởng lợi do tiền lương rẻ, ưu đãi về đất đai, về thuế vụ và được nhà nước bảo hộ.
Để thực hiện mục tiêu "tăng trưởng thô bạo" nền kinh tế Việt Nam đến nay chủ yếu dựa trên đầu tư và vay nợ quốc tế. Hậu quả là ngân sách thu ít, không đủ chi và phải trả nợ lời.
Tư liệu sản xuất là đất được biến thành nguồn vốn của nhà nước đã khiến không ít người dân mất đất, mất kế sinh nhai.
Một ví dụ là Thủ Thiêm ngay trung tâm thành phố Hồ Chí Minh chia làm hai khu vực : một của giới nhà giàu với những cao ốc đầy đủ tiện nghi giàu có, một của các chủ đất chưa được đền bù sống bần cùng không có ngày mai.
Chiến lược tăng trưởng dựa trên bảo trợ công nghệ và xuất cảng ảnh hưởng xấu đến nông thôn.
Nông dân càng ngày càng nghèo nhưng hầu như không được nhà nước quan tâm hổ trợ. Chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị ngày càng mở rộng.
Giới trẻ nông thôn phải rời lên thành thị tìm việc. Công việc tại thành thị ngày một khó kiếm và lợi tức thấp hơn làm chênh lệch giàu nghèo ngay trong thành thị ngày càng mở rộng.
Tầng lớp nông dân, công nhân, dân nghèo thành thị chịu đựng bao đựng bao bất công xã hội, từ lợi tức thấp, giáo dục kém, y tế tồi,… nên chênh lệch giữa các tầng lớp xã hội ngày một cách xa, là nguyên nhân của mọi tệ nạn xã hội.
Việc đấu tranh đòi quyền tự do vì thế cần tiến hành song song với đấu tranh cho một xã hội công bằng.
Có như thế người đấu tranh mới thực sự gần dân, do dân, vì dân và giải quyết được những vấn nạn xã hội do mô hình thể chế cộng sản gây ra.
Thay đổi thể chế để có 'chủ nghĩa xã hội' theo cách thực hiện công bằng xã hội đúng đắn chính là điều kiện để phát triển kinh tế và xã hội Việt Nam thực sự bền vững, lâu dài.
Melbourne, Úc Đại Lợi, 21/8/2018
Nguyễn Quang Duy
Người ta nói ‘hòa bình là sự tiếp nối của chiến tranh theo một cách khác’. Nhưng cuộc chiến ngôn từ ở Việt Nam có thể nói chưa từng có ngày hòa bình kể từ sau năm 1975. Cụm từ mà người dân miền Nam nghe nói tới nhiều nhất ngay sau khi chiến tranh kết thúc là ‘cải tạo’. Đó là lần hiếm hoi trong lịch sử những con người ít hiểu biết và nghèo khó hơn đi ‘cải tạo’ những người am hiểu và có đời sống tương đối sung túc.
"Biểu tình" hay "tập trung đông người" ?
Sau khi được ‘cải tạo’, Sài Gòn mất đi vẻ hào hoa và từ chỗ là hòn ngọc phương đông chỉ còn là thành phố Hồ Chí Minh ngủ vùi trong vinh quang đã mất trong nhiều năm sau đó. Tướng Lê Minh Đảo, một trong những người kiên quyết trụ lại Sài Gòn và phải đi ‘cải tạo’ tới 17 năm, nói với tôi cách đây vài năm đó là "đi đày chứ cải tạo gì".
Cụm từ thứ hai dân cả ba miền Bắc Trung Nam đều biết đó là ‘xã hội chủ nghĩa’ vốn có trong tên nước của Việt Nam từ tháng 7/1976. Việt Nam có phải là nước xã hội chủ nghĩa không ? Câu trả lời chắc chắn là không và cũng chưa bao giờ từng là nước xã hội chủ nghĩa. Vậy tại sao Việt Nam lại là nước có lẽ là duy nhất trên thế giới hiện vẫn còn các chữ ‘xã hội chủ nghĩa’ trong tên nước ? Đây có phải là điều sai trái không ?
Nhà hoạt động JB Nguyễn Hữu Vinh từng đem điều này ra hỏi một sĩ quan an ninh Việt Nam và sau đây là câu trả lời và đối thoại tiếp theo giữa hai bên.
– Bây giờ Việt Nam chưa phải là chủ nghĩa xã hội, nhưng sẽ tiến đến chủ nghĩa xã hội, đó là mục tiêu sẽ hướng đến nên đặt tên nước ghi như vậy là đúng chứ sao lại sai.
– Nếu bây giờ một cậu bé phấn đấu để sau này làm Thủ tướng, mục đích của nó rất rõ ràng nhưng nó đang là học sinh, vậy nó có thể in danh thiếp là "Thủ tướng nước Việt Nam Trần Văn Quai" để giao dịch với mọi người được không ?
– Như thế thì không được, anh đang là học sinh, là công nhân hay nông dân thì chỉ ghi đúng như vậy thôi chứ, chắc gì anh ta đã làm được thủ tướng.
– Nhưng mục đích, mục tiêu của nó là sẽ làm thủ tướng, cũng như Việt Nam có mục tiêu là chủ nghĩa xã hội, sao nước ta chưa đến chủ nghĩa xã hội lại ghi là chủ nghĩa xã hội được mà nó lại không được ghi danh thiếp là Thủ tướng ? Thôi, cứ cho là có thể nó không được làm thủ tướng đi, vì nó khó, nhưng chắc chắn nó sẽ làm được điều này, là nó sẽ chết. Vậy danh thiếp nó có thể ghi là "Hồn ma Trần Văn Quai" để đi giao dịch được không ?
Dĩ nhiên nhân viên an ninh không thể trả lời được vì đây có lẽ là sự đánh tráo khái niệm rõ rệt nhất.
Tới thời gian gần đây hơn, ngoài những tranh luận về ‘phí’ và ‘giá’, người ta nghe tới hành động ‘đầu thú’ của Trịnh Xuân Thanh. Cho tới khi ông Thanh ngỏ ý trước tòa muốn sang lại Đức thăm vợ con trước khi về thi hành án thì người ta hiểu ‘đầu thú’ theo kiểu xã hội chủ nghĩa có nghĩa là người ta tóm anh, tống vào xe, cho lên chuyên cơ rồi đưa lòng vòng về trình diện công an và buộc anh phải nói mọi việc không phải thế.
Rồi trong hai tuần gần đây, ngoài những dây thép gai, nơi tạm giam dã chiến, những cảnh khiêng người như súc vật và những hình ảnh máu me trên thân thể và quần áo của những người biểu tình ở nơi từng là Sài Gòn, cuộc chiến ngôn từ tiếp diễn với cụm từ ‘tụ tập đông người’.
Việt Nam tự hào là nước Châu Á khá bao dung với người đồng tính và đã có biết bao cuộc ‘tụ tập đông người’ nhiều sắc màu, có lẽ đông hơn nhiều so với các cuộc biểu tình gần đây nhưng chính quyền chấp nhận điều đó.
Họ chấp nhận sự khác biệt về giới, hoặc buộc phải làm như vậy, nhưng không chấp nhận khác biệt về quan điểm chính trị.
Vậy tại sao người ta lại không coi các đợt xuống đường mới đây nhất là biểu tình trên phương diện ngôn từ mặc dù quyền biểu tình đã được ghi nhận tại Điều 25 của Hiến pháp 2013, vốn đứng trên mọi quy định khác của pháp luật. Xin được trích khá dài những gì mà một trang web chính thống của Việt Nam đã đăng từ vài năm trước (1) :
"Biểu tình không phải là câu chuyện hoàn toàn xa lạ ở Việt Nam. Quyền biểu tình của nhân dân được du nhập vào Việt Nam từ thời Pháp thuộc, cùng với những tư tưởng tự do khác. Trong giai đoạn kháng chiến chống Pháp, biểu tình là một công cụ hữu hiệu mà Đảng Cộng sản Việt Nam (Đảng Cộng sản Đông Dương) sử dụng để vận động đấu tranh chống chính quyền thực dân, phong kiến.
"Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nhiều cuộc biểu tình tại miền Nam Việt Nam chống chế độ bù nhìn của Mỹ, chống chiến tranh của nhiều tầng lớp nhân dân đã nổ ra, góp phần thay đổi nhận thức của xã hội và của quốc tế về cuộc chiến tranh phi nghĩa do Mỹ tiến hành tại Việt Nam. Những cuộc biểu tình lúc này chính là những xúc tác quan trọng, góp phần vào thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Như vậy, biểu tình không phải là khái niệm xa lạ, mới mẻ ở Việt Nam mà với đặc thù lịch sử ở Việt Nam, biểu tình phải được hiểu là ủng hộ và yêu nước".
"Quyền biểu tình tuy không được ghi nhận trực tiếp trong Hiến pháp năm 1946 nhưng nó cũng được hiểu là nội hàm của quyền tự do ngôn luận và tự do hội họp. Hai tuần sau khi giành độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh về quyền biểu tình, đủ cho thấy tư duy đúng đắn và quan niệm ủng hộ một quyền quan trọng của người dân của chính quyền dân chủ cộng hòa non trẻ. Tại các bản Hiến pháp sau này của Việt Nam, quyền biểu tình luôn được ghi nhận đầy đủ : Điều 25 Hiến pháp năm 1959, Điều 67 Hiến pháp năm 1980, Điều 69 Hiến pháp năm 1992 và Điều 25 Hiến pháp năm 2013".
Bài đăng trên trang web này cũng nói thêm : "Hiện nay, mỗi khi có các cuộc biểu tình tự phát của người dân thì các cơ quan nhà nước ở Việt Nam thường áp dụng Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 của Chính phủ quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng. Tuy nhiên, Nghị định này lại nhằm để điều chỉnh hành vi "tập trung đông người ở nơi công cộng" chứ không phải là điều chỉnh các hoạt động biểu tình… Theo quy định của Nghị định này, các hoạt động tập trung đông người chỉ được diễn ra khi có sự "cho phép" Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.
"Quy định này là hoàn toàn trái với tinh thần của pháp luật về biểu tình. Biểu tình là một quyền tự do, người dân chỉ cần "thông báo" đến cơ quan nhà nước về việc tổ chức biểu tình chứ không phải là "xin - cho". Đồng thời, các quy định của Nghị định này đều thể hiện rõ xu hướng là tạo thuận lợi cho cơ quan nhà nước trong công tác quản lý chứ không phải là tạo thuận lợi cho người dân thực hiện quyền của mình. Hơn nữa, biểu tình là một quyền hiến định và vì thế, những nội dung liên quan đến quyền này chỉ có thể được ghi nhận trong luật chứ không thể dùng nghị định để điều chỉnh".
Trích dẫn dài như vậy để cho thấy không phải không có các ‘đồng chí’, một sự đánh tráo khai niệm khác, hiểu rằng nên chấm dứt cuộc chiến ngôn từ và cuộc chiến quyền lực giữa người dân và chính quyền. Nhưng số ‘đồng chí’ đi ngược lại xu hướng này còn đông hơn trong khi những người sẵn sàng thực hiện quyền hiến định của mình còn quá ít ỏi. Họ thậm chí còn không dám tham gia cuộc chiến ngôn từ. Và đây sẽ là đề tài của blog sắp tới – tin thất thiệt chính thống.
Nguyễn Hùng
Nguồn : VOA, 23/06/2018
(1) http://tuphaptamky.gov.vn/2014/news/Gop-y-Hien-phap/Nhu-cau-luat-hoa-quyen-bieu-tinh-theo-Hien-phap-nam-2013-1518.html
Việt Nam ngày 26 tháng Hai vừa qua đã tổ chức kỷ niệm 170 năm ngày Tuyên ngôn của Đảng cộng sản do ông Karl Marx và ông Friedrich Engels soạn thảo. Buổi lễ kỷ niệm có tên Hội thảo khoa học quốc tế : "tuyên ngôn của Đảng cộng sản – Giá trị lý luận và thực tiễn trong thời đại ngày nay".
Tượng đài Marx và Engels trong một công viên tại thủ đô Berlin của Đức. AFP
Nhân kỷ niệm 170 năm Bản tuyên ngôn của Đảng cộng sản của Marx và Engels, các nhà lý luận cộng sản của Việt Nam, Nga và Lào lên tiếng ca ngợi Bản tuyên ngôn là tư tưởng soi sáng cho phòng trào vô sản thế giới, và thành công của Đảng cộng sản Việt Nam.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban tuyên giáo trung ương nói rằng "88 năm qua, được sự soi sáng của tuyên ngôn Đảng cộng sản của chủ nghĩa Mác Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách… để giành những thắng lợi vẻ vang và đang vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội"
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương nói rằng bây giờ nhìn lại những quan điểm của Marx và Engels có nhiều điều lạc hậu và không chứng minh được. Ông nói :
Ví dụ trong bản tuyên ngôn ông Marx nói rằng có 4 thứ chủ nghĩa xã hội. Có thể nói phong trào cộng sản đã thực hiện những chủ nghĩa xã hội bậy bạ mà trong tuyên ngôn nói, đó là chủ nghĩa xã hội phong kiến, chủ nghĩa xã hội không tưởng. Riêng chủ nghĩa tư sản mà họ phê phán, tức khuynh hướng xã hội dân chủ thì lại hoàn toàn đúng.
Tuyên ngôn đó có nhiều cái sai. Đề xuất của Marx và Engels về chủ nghĩa xã hội mà họ gọi là đích thực thì cho đến nay đã tan rã ở Liên Xô, Đông Âu và trên thế giới rồi.
Những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đã từng bước rơi vào khủng hoảng và sụp đổ. Lúc bấy giờ, những quốc gia này được coi là thành trì của chủ nghĩa xã hội.
Riêng nói về Việt Nam, ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng Việt Nam có vẻ như chưa đọc và tìm hiểu kỹ về bản tuyên ngôn của Đảng cộng sản mà chỉ "nói tầm phào" một cách sôi nổi. Ông phân tích :
Ví dụ nền dân chủ, họ đề xướng là dân chủ đa nguyên trong tuyên ngôn cộng sản đó, và họ khẳng định một câu rằng các đảng cộng sản ở các quốc gia phải phấn đấu, cố gắng nỗ lực để đoàn kết hợp tác với các đảng dân tộc dân chủ ở trong từng quốc gia.
Nhãn quang tư sản của thời Marx và Engels khiến các ông ấy phải thừa nhận một chủ nghĩa đa nguyên về chính trị. Và điều đó hoàn toàn đúng.
Tuy nhiên theo ông Mai, các chế độ cộng sản không hề đi theo đúng đường lối mà ông gọi là tổ tiên của họ đã đề ra, tức là không thực hiện thể chế chính trị đa nguyên.
Chính vì vậy ông cho rằng buổi Hội thảo kỷ niệm bản Tuyên ngôn của Đảng cộng sản như một "trò lừa đảo", không mang tính chất khoa học nghiên cứu.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, cũng là một nhà quan sát chính trị đã từ bỏ Đảng cộng sản Việt Nam, cho rằng bản Tuyên ngôn của Đảng cộng sản không còn giá trị gì nữa, bởi vì lịch sử đã chứng minh bản tuyên ngôn này thất bại trong xã hội Liên Xô và Đông Âu cũ :
Bản tuyên ngôn cộng sản là một văn bản tôi thấy không nên mang ra để nói lại nữa. Bây giờ trên thế giới, ngoài Đảng cộng sản Việt Nam, có lẽ không còn mấy ai lục lại bản tuyên ngôn cộng sản của Marx và Engels. Tôi đánh giá rất thấp văn bản này, tôi cho rằng nó khuyến khích trò đấu tranh, bạo lực,…
Phát biểu tại buổi Hội thảo, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương nói rằng Việt Nam sẽ đấu tranh, phản bác các trào lưu tư tưởng muốn phủ định giá trị và ý nghĩa của bản tuyên ngôn này.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhận định rằng Đảng cộng sản Việt Nam không phải đang đấu tranh giống lời ông Thưởng nói, mà đang tìm cách tiêu diệt những tiếng nói phủ nhận bản Tuyên ngôn này :
Nếu là đấu tranh thì hai bên phải có lực lượng công bằng, công khai, đứng ra tranh luận. Nhưng đằng này, một bên có tất cả, dùng lực lượng công an và nhà tù và bắt bỏ tù người ta thì không phải là đấu tranh, mà đó là đàn áp. Còn ông Võ Văn Thưởng muốn đấu tranh, thì cách hay nhất là đối thoại. Anh cứ đứng ra nói cho mọi người biết, và để cho mọi người được nói công khai. Một bên anh dùng lực lượng thông tin như báo chí, đài báo và muốn nói gì thì nói. Còn một bên anh tìm cách dẹp, không cho họ tự do ngôn luận, người nào lên tiếng thì anh dùng các điều luật hình sự và gán người ta vào tội lợi dụng dân chủ, bắt bỏ tù người ta.
Chính phủ Hà Nội thường xuyên sử dụng 3 điều trong bộ luật hình sự là điều 79 âm mưu lật đổ chính quyền, điều 88 tuyên truyền chống nhà nước và điều 258 lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi ích quốc gia để bỏ tù các nhà hoạt động dân chủ nhân quyền và giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam.
Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập vào ngày 3 tháng 2 năm 1930, đi theo chủ nghĩa Marx- Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Cho đến nay, đây là đảng cầm quyền duy nhất tại Việt Nam và cũng là chính đảng duy nhất được phép hoạt động trên đất nước Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng kể từ khi được thành lập đến nay, đảng cộng sản Việt Nam đã mang lại những kết quả gì cho đất nước, Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai đánh giá :
Ông Thái Bá Tấn là người viết thơ ngụ ngôn, châm biếm đã nói rằng đó là một tai họa cho dân tộc, và tôi cũng thấy như vậy. Cuộc cách mạng mà họ dựng lên theo chủ nghĩa Marx – Lenin đã tạo ra một chính quyền nhưng chính quyền đó hiện nay tham nhũng, cướp bóc, tước đoạt dân là chính. Họ còn dựng lên một nền kinh tế phá hoại, tiêu tốn rất nhiều tiền của của dân và tài nguyên của đất nước.
Ông Mai đã dùng từ "suy đồi và lạc hậu" để mô tả nền văn hóa và giáo dục của Việt Nam. Trong hệ thống trường đại học của Việt Nam, ông nói rằng không có lấy một môn học hay một khoa nào sánh vai được với quốc tế.
Về xã hội, ông nêu lên tình trạng bất an, và nhiều số phận bất hạnh trong khi phẩm chất xã hội suy đồi. Từ đây, ông khuyên Đảng cộng sản nên từ bỏ tư tưởng Marx- Lenin và học theo những tiến bộ, văn minh của nhân loại.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống cũng khẳng định rằng nếu không có chế độ cộng sản thì Việt Nam sẽ tốt hơn :
Dân Việt Nam hiện nay người ta nói rằng có một xã hội như hiện nay, có cơm ăn áo mặc, xây dựng, đường xá,… là nhờ Đảng cộng sản. Nhưng cũng rất nhiều người nói rằng ngoài những thành tựu đó cũng có rất nhiều điều xấu xa : đạo đức thì xuống cấp, tham nhũng thì tràn lan, mua quan bán chức thì đầy, ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế đi kèm với phá hoại môi trường…
Bản tuyên ngôn của Đảng cộng sản được Karl Marx và Friedrich Engels soạn thảo vào năm 1848 và được xuất bản lần đầu tại Anh. Có thể hiểu ngắn gọn bản tuyên ngôn này để cổ vũ cho phong trào vô sản quốc tế, tiến tới thực hiện cách mạng vô sản. Nhưng cuộc cách mạng này cuối cùng đã thất bại ở Liên Xô và nhiều quốc gia Đông Âu.
Nguồn : RFA, 27/02/2018
Lời chúc Tết đăng trên báo chí Việt Nam của lãnh đạo Đảng Cộng sản, Nhà nước và Chính phủ đều nhấn mạnh đến tinh thần dân tộc, chủ đề tổ quốc chứ dường như không nhắc tới ý thức hệ xã hội chủ nghĩa nữa.
Người Việt Nam đón Tết Đinh Dậu
Đến chúc Tết lãnh đạo Hà Nội và xuất hiện trong bức hình chụp cùng Bí thư thủ đô Hoàng Trung Hải, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng "đề nghị Hà Nội xây dựng Đảng bộ thực sự trong sạch, vững mạnh".
Ngoài ra, vào sáng mùng 1 Tết, Giáo sư Trọng "đã đến dâng hương trước tượng đài Vua Lý Thái Tổ và Vua Lê Thái Tổ", rồi đi dạo và đi xe bus ở trên phố, sự kiện được báo chí Việt Nam đồng loạt mô tả.
Các lời trích cho thấy ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đến tính dân tộc hơn là ý thức hệ cộng sản hoặc chủ nghĩa xã hội.
Ông nói về sự "tưởng nhớ công ơn các vị tiên hiền, tiên liệt, các liệt tổ, liệt tông đã dày công xây dựng và bảo vệ non sông đất nước, Thủ đô Thăng Long-Hà Nội để con cháu ngày nay được chung hưởng thái bình, độc lập, tự do".
Ngay cả khi gặp gỡ, chúc Tết quân đội, ông Trọng cũng không nhắc đến chủ nghĩa xã hội nữa, ít ra là theo những gì báo chí Việt Nam tường thuật.
Thăm Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng trước Tết, ông nhắc họ "bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, phát huy sức mạnh tổng hợp, thực hiện nghiêm pháp luật về biên giới...", theo trang Quân đội Nhân dân 20/01/2017.
Huyền thoại Rồng Tiên
Thông điệp đầu năm và lời chúc Tết của Chủ tịch nước Trần Đại Quang còn nói rõ hơn đến huyền thoại Rồng Tiên :
"Đón chào năm mới, mỗi người Việt Nam chúng ta hãy phát huy cao độ tinh thần yêu nước, truyền thống "con Rồng, cháu Tiên", ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, sáng tạo, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, mở ra thời kỳ phát triển mới, đất nước phồn vinh, mọi người, mọi nhà ấm no, hạnh phúc".
"Với niềm tin sâu sắc vào sức mạnh của cả dân tộc và tiền đồ tươi sáng của đất nước, chúng ta quyết tâm giành những thắng lợi mới, to lớn hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng đất nước ta giàu mạnh, dân tộc ta trường tồn, sánh vai cùng bạn bè năm châu, đi tới tương lai xán lạn".
Cụm từ 'xã hội chủ nghĩa' quen thuộc một thời chỉ còn trong chữ ký và chức danh của ông Trần Đại Quang là "Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam".
Truyền thống dân tộc Việt Nam nay được đề cao hơn ý thức hệ xã hội chủ nghĩa
Cũng nhân dịp Tết, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có chuyến thăm đến Quảng Nam và Quảng Ngãi hôm mồng 3 Tết.
Báo chí trích lời ông Phúc "đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cần đẩy mạnh lĩnh vực công nghiệp, tập trung xóa đói giảm nghèo, chú ý đến phát triển kinh tế xã hội khu vực phía Tây, nơi có số đông đồng bào dân tộc đang sinh sống".
Thủ tướng Phúc 'thăm và báo cáo' hai vị tiền nhiệm
Ông Phúc cũng khen tỉnh Quảng Nam "về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, cảng biển, sân bay, giao thông nông thôn, các tuyến đường lên vùng cao được quan tâm đầu tư...".
Từ một số năm qua, giới quan sát và báo chí quốc tế đã nhận định rằng kinh tế tư bản chủ nghĩa đang 'chung sống' với ý thức hệ xã hội chủ nghĩa của chính quyền.
Nhà báo kỳ cựu của BBC News, Alastair Leithead trong chuyến đến Hà Nội đưa tin về Đại hội Đảng Cộng sản khóa trước (1/2011) đã đặt câu hỏi sự pha trộn 'tư bản - cộng sản' có kéo lùi phát triển của Việt Nam hay là không.
Gần đây, khi còn là Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ, ông John Kerry đã nhận định rằng ở Việt Nam "nay chỉ thấy có chủ nghĩa tư bản".