Việt Nam ngày 26 tháng Hai vừa qua đã tổ chức kỷ niệm 170 năm ngày Tuyên ngôn của Đảng cộng sản do ông Karl Marx và ông Friedrich Engels soạn thảo. Buổi lễ kỷ niệm có tên Hội thảo khoa học quốc tế : "tuyên ngôn của Đảng cộng sản – Giá trị lý luận và thực tiễn trong thời đại ngày nay".
Tượng đài Marx và Engels trong một công viên tại thủ đô Berlin của Đức. AFP
Một tài liệu lạc hậu
Nhân kỷ niệm 170 năm Bản tuyên ngôn của Đảng cộng sản của Marx và Engels, các nhà lý luận cộng sản của Việt Nam, Nga và Lào lên tiếng ca ngợi Bản tuyên ngôn là tư tưởng soi sáng cho phòng trào vô sản thế giới, và thành công của Đảng cộng sản Việt Nam.
Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban tuyên giáo trung ương nói rằng "88 năm qua, được sự soi sáng của tuyên ngôn Đảng cộng sản của chủ nghĩa Mác Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo nhân dân Việt Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách… để giành những thắng lợi vẻ vang và đang vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội"
Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương nói rằng bây giờ nhìn lại những quan điểm của Marx và Engels có nhiều điều lạc hậu và không chứng minh được. Ông nói :
Ví dụ trong bản tuyên ngôn ông Marx nói rằng có 4 thứ chủ nghĩa xã hội. Có thể nói phong trào cộng sản đã thực hiện những chủ nghĩa xã hội bậy bạ mà trong tuyên ngôn nói, đó là chủ nghĩa xã hội phong kiến, chủ nghĩa xã hội không tưởng. Riêng chủ nghĩa tư sản mà họ phê phán, tức khuynh hướng xã hội dân chủ thì lại hoàn toàn đúng.
Tuyên ngôn đó có nhiều cái sai. Đề xuất của Marx và Engels về chủ nghĩa xã hội mà họ gọi là đích thực thì cho đến nay đã tan rã ở Liên Xô, Đông Âu và trên thế giới rồi.
Những năm cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, các nước xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đã từng bước rơi vào khủng hoảng và sụp đổ. Lúc bấy giờ, những quốc gia này được coi là thành trì của chủ nghĩa xã hội.
Riêng nói về Việt Nam, ông Nguyễn Khắc Mai cho rằng Việt Nam có vẻ như chưa đọc và tìm hiểu kỹ về bản tuyên ngôn của Đảng cộng sản mà chỉ "nói tầm phào" một cách sôi nổi. Ông phân tích :
Ví dụ nền dân chủ, họ đề xướng là dân chủ đa nguyên trong tuyên ngôn cộng sản đó, và họ khẳng định một câu rằng các đảng cộng sản ở các quốc gia phải phấn đấu, cố gắng nỗ lực để đoàn kết hợp tác với các đảng dân tộc dân chủ ở trong từng quốc gia.
Nhãn quang tư sản của thời Marx và Engels khiến các ông ấy phải thừa nhận một chủ nghĩa đa nguyên về chính trị. Và điều đó hoàn toàn đúng.
Tuy nhiên theo ông Mai, các chế độ cộng sản không hề đi theo đúng đường lối mà ông gọi là tổ tiên của họ đã đề ra, tức là không thực hiện thể chế chính trị đa nguyên.
Chính vì vậy ông cho rằng buổi Hội thảo kỷ niệm bản Tuyên ngôn của Đảng cộng sản như một "trò lừa đảo", không mang tính chất khoa học nghiên cứu.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, cũng là một nhà quan sát chính trị đã từ bỏ Đảng cộng sản Việt Nam, cho rằng bản Tuyên ngôn của Đảng cộng sản không còn giá trị gì nữa, bởi vì lịch sử đã chứng minh bản tuyên ngôn này thất bại trong xã hội Liên Xô và Đông Âu cũ :
Bản tuyên ngôn cộng sản là một văn bản tôi thấy không nên mang ra để nói lại nữa. Bây giờ trên thế giới, ngoài Đảng cộng sản Việt Nam, có lẽ không còn mấy ai lục lại bản tuyên ngôn cộng sản của Marx và Engels. Tôi đánh giá rất thấp văn bản này, tôi cho rằng nó khuyến khích trò đấu tranh, bạo lực,…
Phát biểu tại buổi Hội thảo, ông Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương nói rằng Việt Nam sẽ đấu tranh, phản bác các trào lưu tư tưởng muốn phủ định giá trị và ý nghĩa của bản tuyên ngôn này.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhận định rằng Đảng cộng sản Việt Nam không phải đang đấu tranh giống lời ông Thưởng nói, mà đang tìm cách tiêu diệt những tiếng nói phủ nhận bản Tuyên ngôn này :
Nếu là đấu tranh thì hai bên phải có lực lượng công bằng, công khai, đứng ra tranh luận. Nhưng đằng này, một bên có tất cả, dùng lực lượng công an và nhà tù và bắt bỏ tù người ta thì không phải là đấu tranh, mà đó là đàn áp. Còn ông Võ Văn Thưởng muốn đấu tranh, thì cách hay nhất là đối thoại. Anh cứ đứng ra nói cho mọi người biết, và để cho mọi người được nói công khai. Một bên anh dùng lực lượng thông tin như báo chí, đài báo và muốn nói gì thì nói. Còn một bên anh tìm cách dẹp, không cho họ tự do ngôn luận, người nào lên tiếng thì anh dùng các điều luật hình sự và gán người ta vào tội lợi dụng dân chủ, bắt bỏ tù người ta.
Chính phủ Hà Nội thường xuyên sử dụng 3 điều trong bộ luật hình sự là điều 79 âm mưu lật đổ chính quyền, điều 88 tuyên truyền chống nhà nước và điều 258 lợi dụng tự do dân chủ xâm phạm lợi ích quốc gia để bỏ tù các nhà hoạt động dân chủ nhân quyền và giới bất đồng chính kiến ở Việt Nam.
"Thành tựu" của Đảng cộng sản ở Việt Nam
Đảng cộng sản Việt Nam được thành lập vào ngày 3 tháng 2 năm 1930, đi theo chủ nghĩa Marx- Lenin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Cho đến nay, đây là đảng cầm quyền duy nhất tại Việt Nam và cũng là chính đảng duy nhất được phép hoạt động trên đất nước Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi rằng kể từ khi được thành lập đến nay, đảng cộng sản Việt Nam đã mang lại những kết quả gì cho đất nước, Nhà nghiên cứu Nguyễn Khắc Mai đánh giá :
Ông Thái Bá Tấn là người viết thơ ngụ ngôn, châm biếm đã nói rằng đó là một tai họa cho dân tộc, và tôi cũng thấy như vậy. Cuộc cách mạng mà họ dựng lên theo chủ nghĩa Marx – Lenin đã tạo ra một chính quyền nhưng chính quyền đó hiện nay tham nhũng, cướp bóc, tước đoạt dân là chính. Họ còn dựng lên một nền kinh tế phá hoại, tiêu tốn rất nhiều tiền của của dân và tài nguyên của đất nước.
Ông Mai đã dùng từ "suy đồi và lạc hậu" để mô tả nền văn hóa và giáo dục của Việt Nam. Trong hệ thống trường đại học của Việt Nam, ông nói rằng không có lấy một môn học hay một khoa nào sánh vai được với quốc tế.
Về xã hội, ông nêu lên tình trạng bất an, và nhiều số phận bất hạnh trong khi phẩm chất xã hội suy đồi. Từ đây, ông khuyên Đảng cộng sản nên từ bỏ tư tưởng Marx- Lenin và học theo những tiến bộ, văn minh của nhân loại.
Giáo sư Nguyễn Đình Cống cũng khẳng định rằng nếu không có chế độ cộng sản thì Việt Nam sẽ tốt hơn :
Dân Việt Nam hiện nay người ta nói rằng có một xã hội như hiện nay, có cơm ăn áo mặc, xây dựng, đường xá,… là nhờ Đảng cộng sản. Nhưng cũng rất nhiều người nói rằng ngoài những thành tựu đó cũng có rất nhiều điều xấu xa : đạo đức thì xuống cấp, tham nhũng thì tràn lan, mua quan bán chức thì đầy, ô nhiễm môi trường, phát triển kinh tế đi kèm với phá hoại môi trường…
Bản tuyên ngôn của Đảng cộng sản được Karl Marx và Friedrich Engels soạn thảo vào năm 1848 và được xuất bản lần đầu tại Anh. Có thể hiểu ngắn gọn bản tuyên ngôn này để cổ vũ cho phong trào vô sản quốc tế, tiến tới thực hiện cách mạng vô sản. Nhưng cuộc cách mạng này cuối cùng đã thất bại ở Liên Xô và nhiều quốc gia Đông Âu.
Nguồn : RFA, 27/02/2018