Bốn ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa – con số ít nhất đến nay – đã có cuộc tranh luận tại Alabama hôm 6/12 và tất cả đều cố gắng trụ lại để có cơ hội đấu với cựu Tổng thống Donald Trump vào năm tới để giành đề cử của đảng.
Bốn ứng viên của Đảng Cộng hòa trong buổi tranh luận ở Alabama
Dưới đây là một số điều rút ra từ cuộc tranh luận này :
Bà Haley trên đe dưới búa
Cựu Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, bà Nikki Haley không dẫn đầu các ứng viên Cộng hòa. Vị trí đó thuộc về ông Trump, người một lần nữa bỏ qua cuộc tranh luận.
Nhưng trong dấu hiệu thừa nhận ưu thế mà bà Haley đã xây dựng được trong vài tuần qua, bà đã ngay lập tức bị các đối thủ, gồm Thống đốc Florida Ron DeSantis và doanh nhân Vivek Ramaswamy, chĩa mũi dùi trong những khoảnh khắc đầu tiên của cuộc tranh luận.
Dù không có ai hỏi, nhưng ông DeSantis đã cáo buộc bà Haley không ủng hộ lệnh cấm chăm sóc y tế xác định giới tính cho giới trẻ chuyển giới, điều mà bà bác bỏ. Ông Ramaswamy đã công kích bà Haley về sự hỗ trợ của các nhà tài trợ phố Wall dành cho bà và thời gian bà có chân trong hội đồng quản trị của hãng Boeing. "Nó chỉ càng chứng tỏ là bà đã tha hóa", ông Ramaswamy nói.
Bà Haley biện hộ cho công việc của bà ở Boeing và sau đó chế giễu các đối thủ.
"Về những nhà tài trợ đang giúp cho tôi, bọn họ chỉ ghen tức mà thôi", bà Haley nói. "Họ ước phải chi các nhà tài trợ này hỗ trợ cho họ". Khán giả trong khán phòng ồ lên.
Sau khi DeSantis và Ramaswamy tiếp tục cường độ tấn công, bà mỉm cười và nói : "Tôi thích mình được chú ý như vậy thưa quý vị, cảm ơn nhé".
Đặc biệt, sự công kích của ông DeSantis là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy ông coi bà Haley là mối đe dọa đối với mục tiêu trở thành ứng viên cuối cùng còn lại cùng với ông Trump sau khi cuộc bỏ phiếu đề cử ứng viên của đảng Cộng hòa bắt đầu vào tháng tới. Bà Haley hiện ở thế giằng co với ông DeSantis ở Iowa và dẫn trước ông ở New Hampshire, hai bang bỏ phiếu đầu tiên trong cuộc đua sơ bộ.
Tấn công Trump trên hồ sơ Trung Quốc
Bà Haley, vốn đôi khi bị chỉ trích vì không đủ cứng rắn với ông Trump, đã vỗ mặt cựu tổng thống khi được hỏi về Trung Quốc.
Cụ thể, bà nói rằng ông Trump đã không làm đủ để ngăn dòng chảy fentanyl từ Trung Quốc vào Mỹ. "Đó là điều mà Trump đã sai", bà Haley nói. "Trump làm tốt về thương mại, nhưng đó là tất cả những gì ông ấy làm với Trung Quốc".
Bà cũng đả kích ông Trump vì không ngăn các nhóm lợi ích của Trung Quốc mua đất đai ở Mỹ.
Ông DeSantis đã tận dụng vấn đề này để tấn công bà Haley và không nói gì về ông Trump. Ông chỉ trích bà đã khuyến khích đầu tư của Trung Quốc khi còn là thống đốc South Carolina và một lần nữa nói rằng bà ‘nằm trong túi’ các nhà tài trợ Phố Wall có tư tưởng tự do.
"Họ sẽ không để bà ấy cứng rắn với Trung Quốc", ông DeSantis nói.
"Ông ấy chỉ khùng lên vì những nhà tài trợ ở Phố Wall đã từng ủng hộ ông ấy bây giờ chuyển qua ủng hộ tôi", bà Haley bật lại.
Reuters
VOA, 07/12/2023
Hai vác-xin chống Covid có thể được phê duyệt vào tháng 11
Trọng Nghĩa, RFI, 17/10/2020
Vào lúc số người bị nhiễm Covid-19 tại Mỹ vượt mốc 8 triệu ca, các nguồn tin từ giới công nghiệp hôm qua, 16/10/2020 cho biết là các công ty dược phẩm Pfizer và Moderna có kế hoạch xin giấy phép cho vac-xin của họ vào cuối tháng 11 tại Hoa Kỳ. Đây là bước nhanh kỷ lục trong việc phát triển vac-xin chống Covid-19, chỉ 9 tháng sau ca tử vong đầu tiên trong nước.
Ông Albert Bourla, chủ tịch tổng giám đốc Pfizer, một đối tác của công ty BioNTech của Đức, đã cho biết là ông mong đợi bằng chứng về hiệu quả của vac-xin đang thử nghiệm từ nay đến cuối tháng 10, nhưng ông sẽ chờ đến tuần lễ thứ ba của tháng 11 để nộp đơn với Cơ quan Dược phẩm (FDA) yêu cầu cấp phép khẩn cấp.
Moderna, một công ty công nghệ sinh học, cũng dự kiến nộp đơn vào ngày 25/11.
Tuy nhiên, nếu mọi việc êm xuôi, khả năng bắt đầu đợt tiêm đầu tiên nhân dịp Tết Dương Lịch được cho là chưa đủ để ngăn chặn dịch bệnh mà làn sóng thứ 3 đã bắt đầu tại Mỹ.
Số ca nhiễm đã vượt qua mức tám triệu vào hôm 16/10, một con số chắc chắn thấp hơn nhiều so với thực tế, vì các nghiên cứu về kháng thể đã cho thấy khoảng 10% dân số Mỹ đã bị nhiễm bệnh, tương ứng với khoảng 30 triệu dân.
Tình trạng lây nhiễm, nhập viện và tử vong đang gia tăng ; làn sóng hiện tại càng nhanh hơn vì bắt đầu ở một mức cao, Hoa Kỳ chưa bao giờ thành công trong việc ngăn chặn sự lưu hành của virus.
Tổng thống Mỹ đã hy vọng có vac-xin trước cuộc bầu cử ngày 3/11, nhưng ngành công nghiệp đã đồng ý đợi thêm vài tuần nữa, theo yêu cầu của các quan chức y tế, để phát hiện các tác dụng phụ nghiêm trọng có thể xảy ra trong số hàng chục nghìn người tham gia thử nghiệm lâm sàng.
Cũng liên quan đến vac-xin ngừa Covid-19, theo thông tín viên hệ thống truyền hình Pháp France Télévisions tại Bắc Kinh, đã có hàng trăm nghìn người Trung Quốc được tiêm phòng trong khuôn khổ "những biện pháp khẩn cấp thực hiện từ tháng 7 và liên quan đến nhân viên y tế, công chức, nhân viên hải quan, và gần đây là các sinh viên có nhu cầu ra nước ngoài".
Tuy nhiên, theo nhà báo Pháp, vẫn chưa có vac-xin nào được phê duyệt trong số 4 loại vac-xin đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tối hậu, trong đó có loại vac-xin Sinovac mà theo tạp chí khoa học The Lancet đã cho kết quả đầy hứa hẹn.
Giới lãnh đạo y tế Trung Quốc dự kiến sẽ có một loại vac-xin có thể được bán ra thị trường và có sẵn cho công chúng vào cuối tháng 11. Nhưng nhà báo Pháp nêu rõ : "Vấn đề là vac-xin của Trung Quốc phải được cơ quan dược phẩm của các nước khác phê duyệt".
Trọng Nghĩa
*********************
Bầu cử Mỹ : Donald Trump dự đoán một "làn sóng" của đảng Cộng hòa
Trọng Nghĩa, RFI, 17/11/2020
Trong bối cảnh kết quả các cuộc thăm dò dư luận tiếp tục tồi tệ, tạo nên tâm lý hoài nghi ngay trong phe Cộng hòa, vào hôm qua, 16/10/2020, tổng thống Mỹ Donald Trump đã đến vận động tranh cử tại Georgia và Florida, hai bang mà ông không thể để mất nếu muốn thắng Joe Biden vào ngày 3/11.
Tại thành phố Ocala ở Florida, tổng thống Mỹ đã dõng dạc khẳng định : "Chúng ta sẽ chứng kiến một làn sóng đỏ(màu của đảng Cộng hòa)với cách biệt chưa từng thấy".
Với giọng điệu ngày càng gay gắt đối với đối thủ, ông Trump cho rằng "Joe Biden là một thảm họa (...), Joe Biden là một chính trị gia tham nhũng" và "vào ngày bầu cử (...), chúng ta sẽ giáng một thất bại vang dội cho kẻ ngủ gục Joe the Sleeper".
Phát biểu của tổng thống Mỹ đã được đám đông hoan nghênh nhiệt liệt.
Sau đó, tại thành phố Macon, bang Georgia, một bang mà ông đã dẫn trước Hillary Clinton bốn năm trước đây, nhưng hiện đang đứng sau Joe Biden trong các cuộc thăm dò mới nhất, ông Trump cũng ra sức vận động.
Theo hãng tin Pháp AFP, cho dù ông Trump luôn phát biểu lạc quan, tâm trạng bất an ngày càng được thấy rõ trong nội bộ đảng Cộng hòa. Theo dữ liệu của viện thăm dò Nielsen, buổi trao đổi qua truyền hình với cử tri của ông Trump vào tối 15/10 vừa qua có ít người xem hơn (13.461.000 khán giả) so với buổi trao đổi vào cùng thời điểm của đối thủ thuộc đảng Dân chủ (14.135.000 khán giả).
Nhiều nhân vật trong đảng Cộng hòa đang công khai tỏ ý lo lắng về làn sóng thủy triều của đảng Dân chủ. Sau các phát biểu lo lắng của hai thượng nghị sĩ Ted Cruz và Lindsey Graham, đến lượt dân biểu bang Nebraska Ben Sasse bày tỏ mối quan ngại sâu sắc, khẳng định rằng ông Donald Trump là một nhà lãnh đạo "tầm thường", có nguy cơ bị thất bại. Phát biểu này nằm trong một đoạn ghi âm được giới truyền thông tiết lộ.
Biden chỉ trích Trump "từ chối" lên án các phần tử da trắng thượng đẳng
Còn về ông Joe Biden, phát biểu tại bang Michigan, ứng cử viên đảng Dân chủ hôm qua đã cho rằng việc ông Donald Trump "từ chối" lên án những người theo chủ nghĩa da trắng thượng đẳng là một điều "đáng kinh ngạc".
Cựu phó tổng thống Mỹ đã đánh giá như trên bên cạnh thống đốc Michigan Gretchen Whitmer, một đối thủ kiên quyết chống Donald Trump và gần đây bị một nhóm cực hữu mưu toan bắt cóc và "xử" về tội "phản quốc".
Ông Donald Trump đã không có một lời an ủi nào đối với thống đốc Michigan khi tin về âm mưu bắt cóc được thông báo hôm 08/10.
Trọng Nghĩa
*************************
Bầu cử Mỹ : Cử tri bầu sớm đông kỷ lục, Trump-Biden đấu khẩu từ xa
Tú Anh, RFI, 16/10/2020
Hơn 17,5 triệu người Mỹ bỏ phiếu bầu tổng thống theo tổng kết của Đại học Florida hôm thứ Năm 15/10/2020. Vào thời điểm còn 18 hôm nữa mới đến ngày phòng phiếu chính thức mở cửa, đây là một con số kỷ lục chứng tỏ xu hướng ủng hộ Joe Biden lên cao, theo AFP.
Tổng cộng, trong mùa bầu cử tổng thống năm nay, 43 tiểu bang của Mỹ và thủ đô Washington đã thiết lập hệ thống bầu trước và qua thư tín để đáp ứng yêu cầu của cử tri sợ lây nhiễm siêu vi corona.
Theo tổng kết của Project Election thuộc Đại học Florida, hơn 17,5 triệu cử tri đã bầu qua thư tín. Đây là một kỷ lục trong cuộc bầu cử được chính trị hóa cao độ giữa nhà tỷ phú Cộng hòa Donald Trump và cựu phó tổng thống Dân chủ Joe Biden.
Con đường vào Nhà Trắng còn nhiều bất trắc cho dù xu hướng ủng hộ Joe Biden chiếm thượng phong.
Theo giáo sư Michael McDonald, phụ trách chương trình theo dõi bầu cử của Đại học Florida, vào thời điểm này, chưa thể nói là Joe Biden sẽ chiến thắng. Gần như chắc chắn là cử tri của phe Cộng hòa sẽ đi bầu rất đông vào ngày 03/11.
Hai ứng cử viên tiếp tục vận động cử tri
Do sự kiện tổng thống Donald Trump bị nhiễm siêu vi corona, đảng Dân chủ đề nghị hai bên tranh luận qua hai đài truyền hình khác nhau, cùng một giờ, thay vì trao đổi trực tiếp lần thứ hai.
Trên đài ABC, Joe Biden luôn giữa thái độ trầm tĩnh, tự cho mình có vai trò đoàn kết quốc gia. Trên đài NBC, Donald Trump một lần nữa, tự khen đã đương đầu với Covid-19 một cách tuyệt vời, sắp có vac-xin và thuốc trị liệu.
Theo AFP, chủ nhân Nhà Trắng rất khó chịu trước các câu hỏi chất vấn liên quan đến cách quản lý Covid-19, đến phong trào thuyết âm mưu qua mạng lưới bóp méo thông tin Qanon.
Tổng thống Donald Trump cũng từ chối nhìn nhận phạm sai lầm trong cách đối phó với đại dịch để cho hơn 210.000 người Mỹ tử vong. Ông cũng không dứt khoát chống thuyết âm mưu.
Tú Anh
Bầu cử 2020 : Các nghiệp đoàn lao động ủng hộ Tổng Thống Donald Trump và Cựu Phó Tổng thống Joe Biden
Nhã Duy, 14/10/2020
Tuần này, nhiều tiểu bang Hoa Kỳ đã bắt đầu không khí bầu cử sớm đầy sôi động với những hàng dài cử tri xếp hàng bỏ lá phiếu quyết định của mình trong cuộc bầu cử lịch sử 2020 của nước Mỹ . Ai là người chiến thắng sẽ được quyết định trong tổng tuyển cử ngày 3 tháng 11 tới, còn ở đây, chúng ta có thể điểm qua tình hình ủng hộ các ứng viên tổng thống trong các ngày cuối cùng như thế nào ?
Hai ứng cử viên Tổng thống Hoa Kỳ 2020 : Joe Biden và Donald Trump
Bên cạnh các tổ chức chính trị và đảng phái ủng hộ cho liên danh ứng viên tổng thống dựa vào sự liên đới chính trị, chính trường Hoa Kỳ đã có điều hiếm hoi từng xảy ra trong lịch sử các cuộc bầu cử tổng thống cận đại là khi đã có một số tổ chức chính trị trong cùng đảng phái đã tuyên bố không ủng hộ ứng viên của đảng mình và quay ngược ủng hộ ứng viên đảng đối lập.
Đó là điều xảy ra với tổng thống Donald Trump hiện nay khi nhiều cựu chính khách cấp lãnh đạo nội các, lãnh đạo cấp liên bang và tiểu bang, cựu dân biểu quốc hội, cựu tướng lãnh quân đội thuộc đảng Cộng hòa... lên tiếng phản đối tổng thống Donald Trump. Không những vậy, một số tổ chức chính trị của người Cộng hòa như The Lincoln Project, Republican Voters Against Trump, 43 Alumni for Biden, Right Side PAC... còn chính thức tuyên bố ủng hộ Phó Tổng thống Joe Biden.
Bên cạnh hàng trăm tờ báo lớn nhỏ có hàng triệu độc giả tại các tiểu bang hay mang tầm vóc quốc gia, một số khoa học gia, các học giả đạt giải Nobel, giới đại học, giáo chức, kỹ sư, chuyên gia, thương gia, văn nghệ sĩ, tài tử, ca sĩ, đạo diễn, diễn viên sân khấu, nhân viên y tế, chữa lửa, bưu chính, các nghiệp đoàn nhân công... phi đảng phái, phi chính trị trên khắp nước Mỹ và có từ vài chục ngàn đến hàng trăm ngàn hay hàng triệu hội viên tùy ngành nghề, không kể hàng chục triệu cử tri thông thường khác cũng ra tuyên bố ủng hộ Phó Tổng thống Joe Biden.
Đặc biệt trong mùa bầu cử này thì Phó Tổng thống Joe Biden đã có sự ủng hộ đa số và mạnh mẽ từ giới trẻ thuộc nhóm Thế Hệ Z (Gen Z) qua những cử tri từ 18 đến 23 tuổi, đủ tuổi tham gia bỏ phiếu bầu chọn tổng thống lần đầu tiên năm nay. Cuộc theo dõi thường xuyên của tổ chức Morning Consult Political Intelligence đã cho thấy sự cách biệt đến 38 điểm giữa hai ứng viên, với 65% ủng hộ cho Joe Biden và 27% ủng hộ cho Donald Trump.
Đây là danh sách một vài trong nhiều nghiệp đoàn cấp quốc gia và quốc tế, không tính cấp tiểu bang, có số hội viên đông đảo đã ủng hộ và chính thức kêu gọi các hội viên của mình bỏ phiếu cho Phó Tổng thống Joe Biden :
- Liên đoàn Lao động và các Tổ chức Công nghiệp (AFL-CIO) : 13 triệu hội viên
- Liên minh người Mỹ hưu trí (ARA) : 4,4 triệu hội viên
- Nghiệp đoàn Diễn viên Sân khấu (AEA) : 43.000 hội viên
- Liên đoàn Nhân viên chính phủ Hoa Kỳ (AFGE) : 670.000 hội viên
- Liên đoàn Nhạc sĩ Hoa Kỳ (AFM) : 73.000 hội viên
- Cộng đồng nhà Biên kịch, Đạo diễn, Vũ đạo... (SDC & AGAW) : 27.000 hội viên
- Liên đoàn Giáo chức Hoa Kỳ (AFT) : 1,7 triệu hội viên
- Hiệp hội Giáo dục Quốc gia (NEA) : 3 triệu người
- Công đoàn Nhân viên Bưu cChính Hoa Kỳ (APWU) : 330.000 hội viên
- Nhân viên Truyền thông Hoa Kỳ (CWA) : 700.000 hội viên
- Hiệp hội Lính Chữa lửa Quốc tế (IAFF) : 313.000 hội viên
- Liên đoàn Kỹ sư Chuyên Môn và Kỹ Thuật Quốc Tế (IFPTE) : 80.000 hội viên
- Liên minh Kỹ sư, nhân viên Công Chánh quốc tế (UOE) : 374.000 hội viên
- Liên hiệp Y tá Quốc gia (NNU) : 150.000 hội viên
- Nghiệp đoàn Nhân viên Y tế, Bịnh Viện, nhà Dưỡng Lão (SEIU) : 1,9 triệu hội viên
- Các Công đoàn Nhân công các ngành thép, giấy, cao su, điện, xe hơi, thực phẩm, thuốc lá, bia rượu, hàng hải, giao thông... ước tính tổng cộng khoảng hơn 10 triệu người.
Còn đây là tổ chức quốc gia duy nhất có hội viên trên chục ngàn người đã ủng hộ và kêu gọi vote cho tổng thống Donald Trump :
- Hiệp Hội các Tổ chức Cảnh sát Quốc gia (NAPO) : 362.000 hội viên
***
Dưới đây là bản trích dịch từ tuyên cáo chung của Liên đoàn Giáo chức Hoa Kỳ (America Federation of Teachers-AFT) :
AFT ủng hộ ứng viên tổng thống 2020
Xét rằng, với sự đồng thuận các hội viên để đưa ra các điều sau đây :
1. Donald Trump là một mối đe dọa hiện hữu đối với các giá trị và nguyện vọng của các thầy cô giáo chúng tôi và những em học sinh chúng tôi giảng dạy.
2. Trong khi ứng cử viên Phó Tổng thống Joe Biden chia sẻ các giá trị của chúng tôi và có sự hỗ trợ đáng kể trong phạm vi hoạt động hội viên chúng tôi.
3. Trong mưu tìm một đời sống tốt đẹp hơn cho các thầy cô giáo chúng tôi và cho cộng đồng mà chúng tôi phục vụ, để gìn giữ nền dân chủ của chúng ta và để đánh bại Trump, chúng ta phải hợp đoàn và ủng hộ ứng cử viên của Đảng Dân chủ ;
Xét rằng, Phó Tổng Thống Biden có thành tích làm việc lâu năm với chúng tôi và sát cánh với chúng tôi về giáo dục công lập, giáo dục đại học, chăm sóc y tế, lao động và dân quyền, và kết quả là ông đã nhận được sự ủng hộ ở mức cao nhất từ các hội viên của chúng tôi, bao gồm sự tán thành từ các phân nhánh AFT cấp tiểu bang và địa phương, cũng như các hội viên AFT đang tranh tư cách đại biểu để ủng hộ các ứng cử viên ;
Xét rằng, Trump và những người được bổ nhiệm, bao gồm cả Bộ Trưởng Giáo Dục Betsy DeVos, đang đe dọa nền dân chủ, khí hậu, giáo dục công lập, chăm sóc y tế, công quyền, quyền tự do và cách sống của chúng ta ;
Xét rằng, cuộc bầu cử này đòi hỏi sự đoàn kết của chúng ta ; không ai có thể đứng bên lề và công năng của các nhà giáo dục, y tá và các chuyên viên công quyền phải được hỗ trợ, chú tâm và khởi động trong cuộc bầu cử này ;
Xét rằng, chúng ta cùng hợp nhất để đồng thời đánh bại Trump trong cuộc bầu cử năm 2020 và bầu cho một người sẽ tranh đấu cùng chúng ta với những giá trị này :
Nay quyết định, Liên đoàn Giáo chức Hoa Kỳ kêu gọi các phân nhánh, hội viên và ban lãnh đạo cùng tích cực dự phần và ủng hộ Phó Tổng Thống Joe Biden (*).
Nhã Duy
(14/10/2020)
Chú thích :
(*) https://www.aft.org/resolution/aft-support-2020-presidential-candidates
*******************
Thế giới sẽ đến điểm 'không thể quay trở lại' ?
Phạm Phú Khải, VOA, 13/10/2020
Chỉ còn ba tuần nữa là đến bầu cử Mỹ.
Kết quả cuộc bầu cử kỳ này có khả năng thay đổi nước Mỹ sâu sắc, và toàn cầu.
Bầu cử Tổng thống Mỹ 2020 - Hình minh họa.
Nếu Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, bốn năm tới dưới sự lãnh đạo của ông Trump sẽ vẫn theo chiều hướng gần như bốn năm qua. Từ khi lên nắm quyền, ông Trump đã đảo lộn các nguyên tắc nền tảng của chính sách ngoại giao Mỹ kể từ Thế Chiến II, như đồng minh, tự do thương mại, và hỗ trợ cho dân chủ và nhân quyền [1]. Nếu tái đắc cử, ông Trump sẽ được khuyến khích và có động lực để tiếp tục thúc đẩy chủ trương "Nước Mỹ Trước hết" (America First) làm nền tảng chính sách đối nội và đối ngoại của mình.
Còn nếu ông Joe Biden đắc cử, dựa trên bài viết trên tạp chí Foreign Affairs, phỏng vấn củaCouncil on Foreign Relations, và nghiên cứu từ chuyên gia độc lập, chúng ta có thể tin rằng, chính sách đối nội và đối ngoại của Mỹ sẽ khác xa con đường và phương cách của ông Trump [2]. Quan điểm của ông Biden về đồng minh, thương mại và dân chủ nhân quyền vốn mang tính truyền thống Mỹ. Nhưng với thái độ ngày càng hung hăng của Trung Quốc, và nhiều thách thức khác đối diện với Mỹ và thế giới hiện nay, ông Biden chủ trương củng cố nền dân chủ tại Mỹ và thế liên minh với các quốc gia khác, và muốn giữ vai trò lãnh đạo thế giới, đề cao tự do dân chủ và uy tín khắp nơi.
Nếu đa số người dân Mỹ bầu cho ông Trump kỳ này, 4 năm sau và tương lai Mỹ về sau sẽ khác nhiều. Cho nên sự chọn lựa bầu cho ai kỳ này được xem là điểm không trở lại (the point of no return). Nó sẽ là con đường khác, và sẽ dẫn đến một tương lai rất khác. Bài viết mới nhất của Michael Beckley, sẽ đăng trên số Tháng 11/12 của Foreign Affairs với tựa đề "Siêu cường xảo quyệt, Tại sao đây có thể là thế kỷ Mỹ phi tự do" (Rogue Superpower - Why This Could Be an Illiberal American Century), đưa ra những biện luận rất đáng được quan tâm, suy nghĩ [3].
Một cách tóm tắt, Beckley đưa ra các luận điểm chính sau đây. Một, "Nước Mỹ Trước hết" của ông Trump, thật ra, là chủ trương của phần lớn lịch sử nước Mỹ. Hai, đa số người dân Mỹ ngày nay tiếp tục muốn Mỹ chọn con đường này, và với tỷ lệ dân số người già ngày càng gia tăng, cộng với kỹ nghệ tự động (automation) thì Mỹ sẽ tiếp tục chọn con đường này vì nó mang lại lợi ích và lợi thế nhiều nhất cho Mỹ, so với các quốc gia khác. Ba, với thực trạng này thì con đường tốt nhất, là một chính sách dựa trên chủ nghĩa quốc tế cấp tiến nhưng nghiêng theo chiều hướng dân tộc (tức dung hợp/hybrid).
Chủ trương "Nước Mỹ trước hết"
Theo Beckley, nhiều chuyên gia ủng hộ cái gọi là Trật tự Quốc tế Cấp tiến (Liberal International Order) mong rằng, khi ông Trump rời khỏi Oval Office, Mỹ sẽ trở lại vai trò lãnh đạo thế giới tự do. Nhưng đối với Beckley thì đừng mong thế, bởi vì phương thức giao dịch (transactional approach) của Trump về chính sách ngoại giao thật ra là điều bình thường trong phần lớn lịch sử của Mỹ. Cho nên dấu ấn của Trump để lại sẽ tồn tại lâu dài sau khi Trump ra đi.
Beckley cho rằng, trước năm 1945, nước Mỹ định nghĩa quyền lợi một cách hẹp hòi, chủ yếu bằng tiền và an ninh vật chất, và theo đuổi chúng một cách quyết liệt, không quan tâm đến ảnh hưởng đối với các nơi khác trên thế giới. Mỹ vẫn một mình tiếp tục thực hiện mục tiêu của mình vì Mỹ có khả năng tự cường, và không thấy có nhu cầu xây dựng đồng minh. Vào thập niên 1880, Mỹ là quốc gia giàu có nhất thế giới, thị trường tiêu dùng lớn nhất, là nơi sản xuất và chế tạo năng lượng hàng đầu, với nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn và không có mối đe dọa lớn nào. Tuy nhiên, khi Chiến tranh Lạnh xảy ra, khi chủ nghĩa cộng sản trở thành mối đe dọa hàng đầu của Mỹ và khối tự do, Mỹ cần đồng minh mạnh để ngăn chặn các mối đe dọa này. Khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, Mỹ không thấy nhu cầu lãnh đạo thế giới, và trở nên cảnh giác hơn với những vướng mắc ở nước ngòai. Tuy thế, Mỹ vẫn tiếp tục ủng hộ trật tự quốc tế cấp tiến do mình lãnh đạo, ủ ng hộ Liên minh châu Âu được củng cố, NATO được mở rộng, và nền kinh tế toàn cầu ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào các định chế của Mỹ. Vì những yếu tố đó, khi ông Trump được đắc cử, giới tinh hoa Mỹ, những người chủ yếu ủng hộ ngôi quyền bá chủ của Mỹ, bị sốc lớn vì Trump chủ trương "Nước Mỹ trước hết". Beckley cho rằng, thật ra trật tự này đã bị lung lay nhiều thập niên rồi.
Beckley trình bày và đưa ra những bằng chứng như sau để ủng hộ lập luận của mình. Các khảo sát cho biết, 60% người Mỹ muốn nước Mỹ chỉ quan tâm cho các vấn đề của mình. Khi được hỏi các ưu tiên về chính sách ngoại giao Mỹ là gì thì chỉ có thiểu số muốn đề cao dân chủ, thương mại và nhân quyền. Trong khi đây là những hoạt động cơ bản của lãnh đạo theo xu hướng cấp tiến. Phần lớn, người Mỹ chỉ mong muốn ngăn ngừa khủng bố tấn công, bảo vệ công việc của Mỹ, và giảm nạn di dân bất hợp pháp. Gần nửa tham gia khảo sát chống lại việc Mỹ gửi quân đội để bảo vệ đồng minh nếu bị tấn công, và gần 80% ủng hộ thuế quan để ngăn ngừa mất việc từ thương mại. Beckley nhận định, "Cách tiếp cận của Trump là không bất thường ; nó khai thác vào một dòng chảy luôn chạy xuyên suốt văn hóa chính trị Mỹ".
Dân số người già và kỹ nghệ tự động
Theo nhận xét của Beckley, thì cách tiếp cận về ngoại giao này của Trump đã có sức thu hút đối với nhiều người Mỹ hiện nay. Và nó sẽ còn thu hút hơn nữa trong những năm tới vì hai xu hướng chung của toàn cầu : một, dân số người già tăng rất nhanh ; hai, sự gia tăng kỹ nghệ tự động (automation). Beckley nhận xét rằng, gánh nặng chăm sóc những người già và sự mất việc làm do các công nghệ mới sẽ thúc đẩy cạnh tranh về tài nguyên và thị trường.
Vào năm 2070, tuổi trung bình của dân số thế giới sẽ tăng gấp đôi so với 100 năm trước, từ 20 lên 40, và số người từ 65 trở lên tăng gần gấp 4, từ 5% lên 19%. Trong số 20 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới, chỉ có Úc, Canada và Mỹ có dân số tuổi 20 đến 49 gia tăng trong vòng 50 năm tới. Trung Quốc, chẳng hạn, sẽ mất 225 triệu người làm việc và người tiêu thụ trẻ từ 20 đến 49 tuổi, chiếm 36% tổng số hiện nay. Nhật, Nga, Đức, Ấn Độ v.v… đều gặp phải các vấn đề tương tự. Với dân số người già gia tăng như thế, sự đầu tư của các nước khác, điển hình như Trung Quốc và Nga, vào lương hưu và chăm sóc y tế cho người già sẽ phải gia tăng, và ngân sách cho quốc phòng sẽ phải gia giảm. Nó sẽ ảnh hưởng đáng kể lên chính sách quốc phòng, trong đó, những người lính trở nên già đi, về hưu và phụ thuộc vào lương hưu.
Khi tỷ lệ dân số người già gia tăng toàn cầu như thế thì càng tạo thêm lợi thế, càng thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Mỹ về kinh tế và quân sự đối với các đối thủ của Mỹ, nhất là do kỹ nghệ tự động. Mỹ đang đứng đầu kỹ nghệ này, kể cả trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence). Biết khai dụng lợi thế này, nền kinh tế của Mỹ sẽ bớt lệ thuộc vào nhân công và bớt phụ thuộc vào các nước khác. Bao thập niên qua, Mỹ chạy theo nhân công rẻ và nguồn lực bên ngòai. Bây giờ, nhờ vào kỹ nghệ tự động mà đã giúp cho Mỹ trông cậy vào chính mình. Kỹ nghệ tự động cũng sẽ giúp cho Mỹ chiếm ưu thế vượt trội về chiến lược quân sự trong các cuộc chiến tương lai. Các máy bay không người lái và tên lửa sẽ hoạt động như những bãi mìn công nghệ cao, có khả năng tiêu diệt các lực lượng xâm lược của đối phương.
Viễn ảnh thế giới ảm đạm
Beckley quan sát con người và thế giới ở khía cạnh bi quan như sau.
Một, chủ nghĩa dân tộc đang trỗi dậy khắp nơi, ngay cả tại Mỹ và các nền dân chủ hàng đầu. Tăng trưởng chậm chạp, các khoản nợ khổng lồ, lương trì trệ, thất nghiệp triền miên và bất bình đẳng cực đoan, chắc chắn sẽ làm nảy sinh chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa cực đoan.
Hai, những người theo chủ nghĩa dân tộc sẽ giành được sự ủng hộ dân chúng và qua đó giành được quyền lực, gia tăng thuế quan, đóng cửa biên giới và từ bỏ các định chế quốc tế. Và điều này, sẽ làm cho nhiệm vụ lãnh đạo trật tự quốc tế của Mỹ trở nên khó khăn hơn.
Ba, hệ thống trật tự cấp tiến lâu nay, cái mà đã là nền tảng của nhiều xã hội, đang bị đổ vỡ. Cũng vì thế mà chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa bài ngoại đang lấp đầy khoảng trống này.
Một siêu cường xảo quyệt
Với cung cách của ông Trump làm tổng thống trong bốn năm qua, Beckley cho rằng, viễn ảnh như thế sẽ đậm nét hơn trong tương lai. Nào là yêu cầu đồng minh trả tiền để quân đội Mỹ phục vụ ở đó, cộng với phí bảo hiểm 50%. Các ký kết thương mại mang tính đơn phương thay vì đa phương hoặc qua World Trade Organisation. Trump xóa bỏ mục tiêu cổ võ dân chủ, ngoại giao trở nên thứ yếu so với quân sự, và lực lượng của Mỹ là để trừng phạt hơn là bảo vệ.
Beckley đưa ra viễn ảnh về một nước Mỹ tương lai như sau.
Vì đa số người dân Mỹ ủng hộ "Nước Mỹ Trên hết", nên xu hướng của Mỹ trong thời gian tới sẽ là Washington áp dụng một phiên bản dân tộc chủ nghĩa hơn là chủ nghĩa quốc tế cấp tiến.
Mỹ sẽ rút ra khỏi các vấn đề ràng buộc mang tính toàn cầu hiện nay. Thay vào đó là việc sử dụng thuế quan, trừng phạt tài chính, hạn chế thị thực, gián điệp mạng và các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái để giành được thỏa thuận tốt nhất đối với cả đồng minh lẫn đối thủ.
Mỹ sẽ tiếp dục duy trì một số đồng minh, chủ yếu vì quyền lợi của Mỹ, nhất là để dùng như hộ tống để kiềm hãm các nước muốn bành trướng như Trung Quốc, Iran, Nga. Phần lớn, quan hệ của Mỹ sẽ mang tính song phương thay vì đa phương, và các nước nhỏ hoặc tìm đồng minh hoặc tự bảo vệ lấy chính mình v.v…
Theo Beckley, viễn ảnh chính sách ngoại giao của Mỹ như thế, tuy keo kiệt và không hấp dẫn, nhưng có khả năng xảy ra. Chuyên gia Robert Kagan cũng tiên đoán sự quay trở lại của chế độ chuyên quyền, chủ nghĩa bảo hộ và xung đột của những năm 1930. Trong đó, Trung Quốc và Nga đảm nhận vai trò của đế quốc Nhật Bản và Đức Quốc xã. Một thế giới như vậy, sẽ chứng kiến sự trở lại của chủ nghĩa trọng thương mại có xu hướng cường quyền và các hình thức mới của chủ nghĩa đế quốc. Nhưng kết quả từ trật tự thế giới này sẽ gây nguy hiểm cho sự tồn tại của một số quốc gia.
Beckley cho rằng, cung cách của Trump không phải là điều bất thường, mà nằm tận sâu trong chính sách ngoại giao Mỹ, cái đã thắng thế trong nhiều thập kỷ của thế kỷ trước. Vì thế, hy vọng tốt nhất cho trật tự thế giới cấp tiến là các chính quyền tương lai của Hoa Kỳ tìm cách chuyển các xung lực chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng để nó đi theo các xu hướng quốc tế. Cách thức này, theo Beckley, là thực tiễn hơn, hiệu quả hơn trong việc giữ thế giới tự do với nhau trong thời kỳ thay đổi dân số và công nghệ chưa từng có.
Vài hàng kết luận
Nhận định của Beckley về Mỹ và tương lai thế giới, như trình bày trên, quả là một viễn ảnh đáng quan ngại.
Tuy nhiên, khi đọc bài này tôi có ba suy nghĩ như sau.
Một, cái nhìn của Beckley mang tính hiện thực (realism). Khá bi quan về con người. Và nhìn với cặp mắt nửa ly nước vơi thay vì nửa ly nước đầy. Nó không phản ảnh hoàn toàn những gì xảy ra từ đầu thập niên 1940 cho đến nay.
Hai, lãnh đạo quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn dư luận, lèo lái đất nước. Quan điểm chung của người Mỹ có phần tiêu cực và bi quan về thế giới hiện nay cũng như trật tự quốc tế cấp tiến. Nhưng người lãnh đạo tài giỏi có thể chuyển hóa nếu thuyết phục được lý do cho những chính sách khó khăn, sự cần thiết về tầm nhìn dài hạn mà mang lại quyền lợi lâu dài và bền vững.
Ba, chính sách đối ngoại của Mỹ phức tạp và đa dạng, trước năm 1945, và sau đó, và các sách lược ngoại giao luôn cạnh tranh mạnh mẽ với nhau trong mọi thời đại.
Tôi sẽ trình bày sâu vào đề tài này trong thời gian tới.
Phạm Phú Khải
Nguồn : VOA, 13/10/2020
Tài liệu tham khảo :
1. Thomas Wright, "The Point Of No Return : The 2020 Election And The Crisis Of American Foreign Policy", Lowy Institute, 2 October 2020.
2. Candidate Tracker, "Joe Biden Answers Our Questions", Council on Foreign Relations, 23 September 2020 ; Thomas Wright, "The Point Of No Return : The 2020 Election And The Crisis Of American Foreign Policy", Lowy Institute, 2 October 2020 ; Jeseph R. Biden Jr, "Why America Must Lead Again", Foreign Affairs, March/April 2020.
3. Michael Beckley, "Rogue Superpower", Why This Could Be an Illiberal American Century, Foreign Affairs, November/December 2020.
Thu Hằng, RFI, 14/10/2020
Tổng thống Mỹ sắp mãn nhiệm có lịch trình vận động dày đặc trong tuần này. Ông Donald Trump muốn bù đắp lại thời gian bỏ lỡ khi điều trị Covid-19 nên liên tục đến nhiều bang trọng điểm. Đối thủ Joe Biden cũng đến Florida cùng ngày 13/10/2020 với tổng thống để thuyết phục cử tri cao tuổi, được cho là lực lượng rất quan trọng trong cuộc bầu cử sắp tới.
Theo AP, ngày 14/10, ông Donald Trump đến vận động tại Des Moines, thủ phủ bang Iowa, bang mà ông giành chiến thắng dễ dàng năm 2016, nhưng hiện điểm tín nhiệm của đối thủ Joe Biden cũng đang lên. Sau đó, ông Trump sẽ đến hai bang quan trọng khác là Bắc Corolina và Georgia.
Cả hai ứng viên Donald Trump và Joe Biden đều đến Florida ngày 13/10 để thuyết phục cử tri cao tuổi, lực lượng được cho là có những lá phiếu mang tính quyết định. Hai bên không tiếc lời chỉ trích nhau : một tổng thống "vô trách nhiệm" và một ứng viên "thảm họa" cho "người cao tuổi".
Theo AFP, ông Donald Trump không ngừng sử dụng những từ ngữ thóa mạ đối thủ, "Joe ngủ gật", "nghẹt thở như một chú chó" trong cuộc vận động. Ông cho rằng "chương trình của Biden sẽ là thảm họa cho người cao tuổi. Ông ấy (Biden) quan tâm đến người nhập cư bất hợp pháp nhiều hơn là công dân cao tuổi".
Trong khi đó, ngòai nêu chi tiết một số đề xuất dành cho người cao tuổi trong kế hoạch, ứng viên đảng Dân chủ chỉ trích tổng thống ngày càng "vô trách nhiệm" từ khi ông nhiễm Covid-19, không để cho "người cao tuổi ở Florida và công dân trên cả nước có được trợ giúp mà họ cần". Theo Joe Biden, "người cao tuổi duy nhất mà Donald Trump lo lắng", đó là chính bản thân tổng thống.
Bang Florida bỏ phiếu cho ông Donald Trump năm 2016 nhưng hiện đang ngả về phía ứng viên Dân chủ Joe Biden.
Thu Hằng
Nguồn : RFI, 14/10/2020
**********************
Thanh Phương, RFI, 13/10/2020
Sau khi phải tạm ngưng do bị nhiễm virus corona, hôm qua, 12/10/2020, tại bang Florida, tổng thống Mỹ Donald Trump đã quay trở lại với các cuộc mít tinh tranh cử. Florida là bang mà ông Trump đang bị ứng cử viên Dân chủ Joe Biden qua mặt trong các cuộc thăm dò ý định bỏ phiếu. Hôm qua, bác sĩ của Nhà Trắng khẳng định tổng thống Trump đã được xét nghiệm âm tính với Covid-19 "nhiều lần liên tiếp", nhưng không nói rõ là bao nhiêu lần.
Từ Sanford, bang Florida, đặc phát viên Anne Corpet gởi về bài tường trình :
""Thật vui sướng khi quay trở lại", ông Donald Trump nói. Không đeo khẩu trang, tổng thống Mỹ đã phát biểu trong một tiếng đồng hồ. Ông có vẻ thoải mái, giọng nói gầm gừ, ầm ầm. Rồi ông lập lại những lời chỉ trích quen thuộc nhắm vào đối thủ Joe Biden, mà ông mệnh danh là "Joe ngủ gật", ông vui đùa với công chúng của ông, khoe khoang thành tích của ông và tự khen mình là đã lấy lại phong độ, một năng lượng mà ông cho là tốt hơn bao giờ hết.
Tổng thống Trump nói : "Tôi cảm thấy vô cùng mạnh mẽ. Tôi sẽ có thể đi giữa quý vị, ôm hôn các chàng trai, các cô gái xinh đẹp, tôi sẽ gởi đến quý vị những nụ hôn thật kêu".
Trong bài phát biểu một tiếng đồng hồ, ông Donald Trump chê bai cách tiếp cận thận trọng của ông Joe Biden đối với đại dịch Covid-19, tuyên dương thành tích của mình, thậm chí nói quá lố, chẳng hạn như khi ông khẳng định là mỗi ngày có đến 15 km tường được xây ở biên giới Mêhicô và do Mêhicô bỏ tiền ra xây, trong khi thực tế không phải như thế.
Đám đông thì hô to : "We Love You". Có hàng ngàn người đến dự mít tinh, đứng sát vào nhau và đa số không đeo khẩu trang, mừng vì thấy tổng thống đã khỏi bệnh nhanh chóng. Phấn khởi khi gặp lại ứng cử viên của họ, tất cả đều tin vào chiến thắng theo như lời ông Trump : "Trong 22 ngày nữa, chúng ta sẽ giành được bang này. Chúng ta sẽ giành thêm bốn năm nữa ở Nhà Trắng. Chúng ta sẽ làm cho đất nước mình giàu đẹp hơn bao giờ hết".
Kết quả các cuộc thăm dò ngày càng bất lợi cho Donald Trump. Nhưng tổng thống Mỹ vẫn luôn nhắc lại : vào năm 2016, đâu có ai dự báo là ông sẽ chiến thắng. Ông khẳng định sẽ thu được tỷ lệ phiếu cao chưa từng thấy vào tháng 11 tới.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 13/10/2020
Siêu cường sắp đại loạn ?
Truyền thông cả thế giới đang rộ tin Tổng thống Donald Trump của nước Mỹ bị nhiễm vi khuẩn Covid-19. Chắc có người tự hỏi phải chăng "Thiên sứ" đã gần hết nhiệm vụ và sắp được điều đi làm việc khác ? Tuy nhiên có lẽ còn quá sớm để biết chắc chắn Ý Trời là thế nào.
Cuộc tranh cử không phải chỉ là sự đối đầu Trump-Biden mà còn là trận thư hùng Cộng hòa - Dân chủ
Giả sử Trump chỉ dính Covid nhẹ, hồi phục nhanh chóng nhờ sự chăm sóc đặc biệt dành riêng cho nguyên thủ nước Mỹ thì đương nhiên cuộc tranh cử Tổng thống 2020 vẫn tiếp diễn - một cách bình thường hay một cách bất bình thường.
Nếu không có biến cố bất ngờ nào thêm nữa trong thời gian chưa đến 4 tuần lễ - từ nay đến ngày bầu cử chính thức 3/11/2020 - ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden, đang liên tục dẫn trước trong các cuộc thăm dò dân ý khoảng 7, 8%, có nhiều hy vọng thắng.
Tuy nhiên ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump, đương kim Tổng thống, với lợi thế đang nắm quyền lực và phương tiện trong tay, lại có lối hành xử phi chuẩn mực, phi truyền thống, phi tiền lệ, đã nhất định không để bị đánh bại và không dễ bị đánh bại.
Mặt khác, cuộc tranh cử không phải chỉ là sự đối đầu Trump-Biden mà còn là trận thư hùng Cộng hòa - Dân chủ, hai đảng có thế lực tương đương một chín, một mười trong nền chính trị lưỡng đảng của nước Mỹ đã kéo dài hàng trăm năm qua. Càng gần đến ngày bỏ phiếu chính thức, lịch sử cho thấy khoảng cách của cuộc chạy đua giữa hai ứng cử viên Tổng thống, đại diện hai đảng, thường thu hẹp lại.
Cuộc chạy đua vào Bạch Cung năm 2016 giữa Hillary Clinton và Donald Trump là điển hình của "quá khứ như một lời báo trước". Những ngày đầu tiên mọi thăm dò dân ý đều tiên đoán Hillary Clinton thắng lớn. Kết quả chung cuộc : Hillary Clinton còn hơn Donald Trump gần 3 triệu phiếu dân bầu, tương đương 2% tổng số nhưng chỉ đủ để có 232 phiếu Cử Tri Đoàn (chưa đạt con số tối thiểu 270) so với 306 của Donald Trump. Hillary Clinton thất bại vì thể thức tuyển cử đặc biệt quy định bởi Hiến pháp Mỹ có phần thiên vị các tiểu bang nhỏ cũng như vì thực trạng chính trị lưỡng đảng ở Mỹ là một số lớn các tiểu bang này lại thường nghiêng nhiều hơn về phía Cộng hòa. (Người dân ở mỗi tiểu bang không trực tiếp bầu Tổng thống mà bầu ra một số Đại Cử Tri nhất định bằng với con số dân biểu và thượng nghị sĩ liên bang của tiểu bang này, rồi tất cả mới họp thành Cử Tri Đoàn cho cả nước để bầu Tổng thống theo ý nguyện đã bầy tỏ của cử tri của mỗi tiểu bang).
Bốn tuần lễ vận động tranh cử là một thời gian đủ dài cho mọi thứ đòn phép, hợp pháp hay không mấy hợp pháp, sạch sẽ hay không mấy sạch sẽ. Nếu Biden thắng nhưng chỉ thắng khít khao thì nước Mỹ có thể đại loạn với nguy cơ dẫn tới nội chiến vì gần như chắc chắn Trump và hàng chục triệu Trumpists (những người ủng hộ Tổng thống Trump một cách cuồng nhiệt) sẽ hô hoán "bầu cử gian lận !".
Kịch bản xấu nhất cho nước Mỹ là trường hợp này.
Kịch bản tốt nhất có lẽ là Biden (hoặc ngay cả Trump) thắng một cách áp đảo - chẳng hạn như có nhiều hơn đối thủ chừng 8, 9 triệu phiếu dân bầu (tương đương 5, 6% tổng số) để thắng và thắng lớn ở Cử Tri Đoàn. Chỉ có thế thì mới mong nước Mỹ ổn định trở lại, dù là ổn định tương đối.
Tuy nhiên, ở mốc thời gian này - chưa đến 4 tuần lễ trước ngày bỏ phiếu chính thức - vẫn khó có thể quả quyết giữa 2 kịch bản nói trên, kịch bản nào có mức độ khả hữu cao hơn ?
Đài Loan đi về đâu ?
Ra mặt chống Trung Quốc không phải không có cái giá phải trả nên Tổng thống Trump chỉ đổ thêm dầu vào lửa nếu các đòn phép khác không đủ tác dụng để lật ngược thế cờ. Trong trường hợp này Trump sẽ chủ động đẩy nước Mỹ... mấp mé (chỉ mấp mé thôi !) đến bờ vực chiến tranh với nước Trung Hoa cộng sản, chủ yếu nhằm kích động dân Mỹ "đoàn kết sau lưng Tổng thống Trump" để đối phó với kẻ thù. Tất nhiên "đoàn kết sau lưng tôi" có nghĩa là "bỏ phiếu cho tôi".
Nghi lễ thay đổi lính canh tại Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch ở Đài Bắc, thủ đô Đài Loan - Ảnh minh họa
Trump công khai quy trách nhiệm cho Trung Quốc gây ra đại dịch Covid-19, gọi tên Coronavirus là China-virus (tức Cúm Trung Quốc), tăng thuế suất đánh trên các hàng hóa nhập cảng từ Trung Quốc, cấm cửa hay làm khó dễ công ty Huawei, gửi thêm tầu chiến đến tuần tra ở Biển Đông, v.v. chắc chắn làm nước Trung Quốc tức giận nhưng chưa đủ "nóng" tới mức bùng nổ chiến tranh. Nhưng đụng đến vấn đề "nhậy cảm" Đài Loan thì là một sự leo thang khác hẳn.
Đối với Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc, thâu hồi Đài Loan là sứ mạng, nhiệm vụ lịch sử, một dự án chính trị theo đuổi từ thời Mao-Tưởng, một việc phải làm để mang lại sự chính đáng cho quyền lực, uy thế và các lợi ích chiến lược. Chính quyền Trung Quốc đã luôn luôn xác định không loại bỏ việc sử dụng võ lực thâu hồi Đài Loan mà không có quốc gia nào lên tiếng phản đối, kể cả Mỹ.
Thực tế là Trung Quốc đã chuẩn bị việc đánh chiếm Đài Loan từ lâu. Kế hoạch hành quân đã sẵn sàng trong cả 2 trường hợp : Mỹ tham chiến hoặc Mỹ khoanh tay đứng ngó (như Mỹ đứng ngó Trung Quốc chiếm Hoàng Sa của Việt Nam Cộng Hòa năm 1974). Kế hoạch hành quân cũng phải khả thi tới mức chi tiết về các địa điểm, ngày, giờ…, về phối hợp tác chiến các quân chủng, về tập trận, thao dượt... Nếu không có sự can thiệp quân sự mạnh mẽ, trực tiếp, tức thời của Mỹ, Đài Loan - tức Trung Hoa Dân Quốc, tức nước Trung Quốc thứ hai : một hải đảo 24 triệu dân, diện tích 36 ngàn cây số vuông (bằng 1/9 Việt Nam), dù có chiến đấu anh dũng đến đâu, cũng phải đầu hàng sau một tuần lễ bị đánh tối tăm mặt mũi.
Bất kể các phản ứng bề ngoài gay gắt hay tự chế đối với ngôn ngữ thù nghịch của chính quyền Trump trong mùa tranh cử, chính trị gia và nhất là các chiến lược gia của nước Trung Hoa cộng sản phải theo dõi và phân tích tình hình chính trị nước Mỹ rất sát và rất cẩn thận - để có đối sách thích nghi.
Khủng hoảng y tế vì Pandemic kéo theo khủng hoảng kinh tế, cộng với khủng hoảng chính trị do cuộc vận động tranh cử Tổng thống tại nước Mỹ nếu làm tan hoang nước Mỹ đến mức bại liệt, suy sụp bất khả phục hồi thì nước Trung Hoa cộng sản có thể chọn phương án "án binh bất động" - không cần bắn một phát súng mà vẫn đạt mục đích thay thế Mỹ trở thành đệ nhất siêu cường. (Khi đối thủ đang lầm lỗi đi vào tử lộ thì không nên can thiệp - Nếu một nửa nước Mỹ thực sự coi nửa kia là bọn "Dân chủ thổ tả", một nửa nước Mỹ thực sự coi nửa kia là bọn "Cuồng Trump" và đều tới tấp mua thêm súng đạn để sẵn sàng ăn thua với nhau thì "khoanh tay đứng ngó" hay "tọa sơn quan hổ đấu" chính là sách lược "bất chiến tự nhiên thành" của Tôn Tử !
Một khi Mỹ đã tự hủy hoại gần hết sức mạnh của mình, Trung Quốc chỉ cần "hư trương thanh thế" hay dọa dẫm động binh cũng đủ khiến Đài Loan, nay không còn ai "chống lưng" nữa, đành gạt nước mắt trở về với... tổ quốc một cách... hòa bình. Cũng không cần bắn một phát súng !
Trường hợp ngược lại, nếu các chiến lược gia của Trung Quốc nhìn thấy triển vọng nước Mỹ sẽ ổn định và phục hồi trở lại sau bầu cử tháng 11/2020 với chiến thắng áp đảo của hoặc của Trump hoặc của Biden, nhất là của Biden, cùng lúc với dấu hiệu đại dịch Covid-19 buông tha nước Mỹ thì có thể Tập Cận Bình sẽ quyết định "cướp thời cơ" : ra lệnh tổng tấn công tiến chiếm Đài Loan để hoàn thành "sự nghiệp thống nhất", "chấm dứt nội chiến" cùng lúc đổ lỗi cho đế quốc Mỹ vi phạm cam kết tôn trọng nguyên tắc "chỉ có một nước Trung Quốc và Đài Loan là một tỉnh của Trung Quốc", lại vừa khiêu khích trước, vừa tiếp tay cho "bọn phản động ly khai" chuẩn bị cho ra đời nước Đài Loan độc lập.
"Cướp Thời Cơ" có nghĩa lợi dụng đúng thời điểm nước Mỹ yếu nhất, bệnh nhất, nghèo nhất, chia rẽ nhất, rối loạn nhất để ra tay một cách mạnh bạo, chớp nhoáng khiến địch thủ không kịp trở tay. Địch thủ đây là ai ? Dĩ nhiên là cả chính quyền Mỹ và chính quyền Đài Loan. Thời điểm đúng trong lúc này là thời điểm nào ? Là trong khoảng thời gian sát với ngày bỏ phiếu chính thức 3/11/2020 tại nước Mỹ, trước và sau.
Nói một cách khác, trong vòng một vài tuần lễ sắp tới có khả năng cao, hoặc khá cao là Trung Quốc đột nhiên tổng tấn công và tràn ngập Đài Loan.
Mặc dù bề ngoài khá bình thản, chính quyền Đài Loan tất nhiên phải lo lắng và cảnh giác hơn ai hết vì biết tình thế cực kỳ nguy hiểm. Bà Tổng thống Thái Anh Văn cũng phải thừa biết ưu tiên số 1 của ông Tổng thống Donald Trump là được tái cử chứ không phải là bảo vệ Đài Loan hay là mở cuộc chiến tranh với nước Trung Hoa cộng sản để trong khoảnh khắc có thể biến thành chiến tranh nguyên tử - đồng nghĩa với tự sát. (Được biết Mỹ có đủ đầu đạn nguyên tử để tiêu diệt toàn nước Trung Quốc 17 lần, Trung Quốc chỉ đủ đầu đạn nguyên tử để tiêu diệt toàn nước Mỹ 1 lần nhưng 17 lần hay 1 lần có khác gì nhau !?)
Cả "Trump first" và "America First" đều cho thấy không có cơ may Mỹ trực tiếp tham chiến để bảo vệ Đài Loan. Cơ may ấy là Zero nếu Trung Quốc thanh toán được chiến trường gọn gàng trong một tuần lễ hoặc vài ngày, tạo nên một "sự đã rồi".
Đài Loan như thế chỉ có thể trông cậy vào chính Đài Loan.
Đài Loan đã tăng cường sức mạnh quân sự rất nhanh nhưng Trung Quốc còn tăng cường nhanh hơn. Khoảng cách giữa Hoa Lục và Đài Loan trở nên quá gần đối với hải quân, không quân, hỏa tiễn, tầu ngầm hiện đại của Trung Quốc. Cán cân lực lượng đã hoàn toàn chênh lệch.
Nếu tấn công trước, Đài Loan có thể gây thiệt hại nặng cho Thượng Hải, Thiên Tân, Hàng Châu, Quảng Châu, Thẩm Quyến hay ngay cả đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử nhưng Đài Loan lại không dám "tự sát" như thế mà ngồi đợi người ta đến giết. Chiến lược phòng thủ thụ động của Đài Loan tương tự chiến lược phòng thủ thụ động của Pháp trong Thế Chiến 2 đợi Đức tấn công. Kết quả Pháp, sức mạnh gần tương đương với Đức đã phải đầu hàng sau 6 tuần lễ. Kẻ chủ động ra tay trước bao giờ cũng có lợi thế !
Đài Loan chỉ có thể hy vọng Tập Cận Bình và Đảng cộng sản Trung Quốc trì hoãn việc "xâm lăng" vì thấy không cần thiết hoặc sau khi cân nhắc vẫn còn thấy "lợi bất cập hại". Tuy nhiên nếu Đài Loan không có vũ khí nguyên tử thì "tên lửa hành trình" mới thủ đắc, có tầm hoạt động 1, 2 ngàn cây số có lẽ không đủ làm nản lòng đối thủ đã có sẵn ý định và đã chuẩn bị "cướp thời cơ".
Biến cố Đài Loan vì thế có thể xẩy ra sớm hơn thế giới chờ đợi và nếu thế giới Dân chủ và nước Mỹ "mất" Đài Loan, 24 triệu người Đài Loan mất tự do nhưng Tổng thống Trump lại được tái đắc cử thì lịch sử sẽ ghi chép thế nào ?
Cao Tuấn
(06/10/2020)