Hãng xe điện Trung Quốc GAC vào thị trường Việt Nam
RFA, 14/05/2024
Hãng xe điện GAC của Trung Qốc đã thâm nhập thị trường Việt Nam qua các nhà phân phối nhưng hiện chưa rõ bao giờ xe sẽ được bán tại Việt Nam. Trang tin EqualOcean cho biết GAC Group dự kiến sẽ tham gia triển lãm xe hơi tại Thành phố Hồ Chí Minh vào tháng 10 tới.
Mẫu xe điện của GAC Aion tại triển lãm xe quốc tế ở Bangkok, Thái Lan hôm 27/3/2024 - Lillian Suwanrumpha / AFP
Theo EqualOcean, GAC Group bán xe điện ở Trung Quốc qua hợp tác với Toyota và Honda. Các dòng xe của hãng bao gồm SUV và MPV. Vào năm ngoái, hãng này đã bán được 406.500 xe.
Tại Việt Nam, xe của hãng sẽ được phân phối qua hãng Tan Chong của Malaysia. Hãng này cũng phân phối xe của Nissan và MG. Ngoài ra, xe thương hiệu Aion của BAIC cũng sẽ bắt đầu bán xe điện tại Việt Nam trong tháng này.
Hiện ông lớn xe điện BYD của Trung Quốc đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy xe điện tại Phú Thọ. Một số nhãn hiệu xe điện Trung Quốc cũng đã khởi động quảng cáo và tìm nhà phân phối địa phương tại Việt Nam, theo truyền thông trong nước.
Trong khi đó, hãng xe điện nội địa của Việt Nam là VinFast hôm 13/5 cũng vừa bắt đầu nhận đặt cọc mẫu xe điện giá rẻ nhất từ 235 triệu đồng. Báo Nhà nước cho biết, có 6.868 khách đầu tiên của VinFast có cơ hội nhận bản giới hạn, dự kiến giao xe từ tháng 8.
Cổ phiếu VFS của VinFast tại Mỹ trong ngày 13/5 bất ngờ tăng lên 4,56 đô la từ mức 3.01 đô la trước đó. Giá cổ phiếu tăng được cho là do có tin hãng bắt đầu nhận đặt cọc xe mini điện VF3 ở thị trường Việt Nam và hợp tác với SONY ra mắt ứng dụng giải trí trực tuyến RIDEVU trên các mẫu ô tô điện VF8 tại Mỹ.
***********************
Hãng xe Trung Quốc BYD vấp trở ngại trong kế hoạch mở rộng ở Việt Nam
RFA, 11/05/2024
Kế hoạch mở rộng của hãng xe Trung Quốc BYD tại Việt Nam gặp trở ngại khi hợp tác với chi nhánh New Energy Holdings (NEH) bị ngưng đột ngột.
Một mẫu xe của BYD tại một triển lãm xe ở Bangkok, Thái Lan hôm 27/3/2024 - AFP
Mạng báo CarnewsChina loan tin ngày 9 tháng năm dẫn xác nhận của BYD Auto Việt Nam như vừa nêu. Phía NEH có thông báo dừng dự án đầu tư hệ thống đại lý phân phối xe BYD tại Việt Nam kể từ ngày 6/5/2024.
Tin cho biết NEH là công ty phân phối Việt Nam và là chi nhánh của Tasco Auto. Đây là một trong những đối tác lớn nhất của kế hoạch mở 50 đại lý BYD cho đến cuối năm nay tại Việt Nam.
Hiện Tasco Auto đang có 86 phòng trưng bày xe trên khắp Việt Nam và phân phối sản phẩm cho 14 nhãn hàng lớn gồm Toyota, Ford, Mitsubishi, Volvo… Vào năm ngoái, Tasco Auto đưa Lynk & Co. của Trung Quốc vào Việt Nam.
BYD Auto Vietnam trước đây công bố kế hoạch kêu gọi đến cuối tháng sáu năm 2024 mở từ 15 đến 20 phòng trưng bày tại những địa điểm chính yếu khắp Việt Nam, trong đó có hai thành phố Hà Nội và Sài Gòn.
Chủ tịch BYD Auto, ông Vương Truyền Phúc (Wang Chuanfu), trong chuyến làm việc tại Việt Nam vào giữa năm 2023 tiết lộ kế hoạch mở rộng đầu tư sản xuất và lắp ráp xe điện tại Việt Nam ; thế nhưng vào tháng 1 năm nay, BYD lại chọn xây nhà máy với tổng vốn đầu tư 1,3 tỷ USD tại Indonesia.
Trung Quốc soán ngôi Nhật Bản trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới
Phan Minh, RFI, 31/01/2024
Dữ liệu do Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản (JAMA) công bố hôm nay 31/01/2024 xác nhận, nhờ có đội ngũ các nhà sản xuất xe ô tô điện hùng hậu, vào năm ngoái, Trung Quốc đã soán ngôi Nhật Bản để trở thành nước xuất khẩu xe hơi hàng đầu thế giới.
Một khách hàng mua ô tô điện của hãng Trung Quốc BYD tại một cửa hàng ở Yokohama, gần Tokyo, Nhật Bản, ngày 04/04/2023. AP - Eugene Hoshiko
Theo JAMA, được hãng tin AFP trích dẫn, các nhà sản xuất Nhật Bản đã xuất khẩu 4,42 triệu ô tô, xe tải và xe buýt vào năm 2023, trong khi Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc (CAAM) cho biết nước này xuất khẩu 4,91 triệu chiếc vào năm ngoái, thậm chí 5,22 triệu chiếc, theo số liệu do hải quan Trung Quốc công bố đầu tháng này.
Việc Trung Quốc soán ngôi Nhật Bản, quốc gia xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới kể từ năm 2017, là điều đã được dự báo từ nhiều tháng qua. Tuy nhiên, sự kiện này cần phải được đánh giá đúng mức, bởi lượng xe được các hãng Nhật Bản sản xuất ở nước ngoài nhiều gấp đôi so với lượng xe sản xuất trong nước, trong khi các nhà sản xuất Trung Quốc có rất ít nhà máy ở nước ngoài.
Xu hướng này sẽ thay đổi khi BYD của Trung Quốc đã trở thành hãng xe ô tô điện số một thế giới sau khi vượt qua Tesla của Mỹ vào quý 4 năm 2023 và đang thúc đẩy mạnh hoạt động sản xuất ở nước ngoài. Cuối tháng 12/2023, BYD đã công bố dự án xây dựng một nhà máy ở Hungary để nhắm tới thị trường châu Âu. BYD cũng có những dự án tương tự ở những nơi khác, từ Đông Nam Á tới Brazil.
Phan Minh
************************
Nền tảng thanh toán xuyên biên giới của Trung Quốc nhắm đến Việt Nam và Pakistan
RFA, 31/01/2024
XTransfer, nền tảng thanh toán thương mại xuyên biên giới hàng đầu của Trung Quốc, thông báo đang tích cực mở rộng dịch vụ vào khối ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Giám đốc điều hành XTransfer, Bill Deng dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 54 ở Davos, Thụy Sĩ hôm 17/1/2024 - Reuters
Mạng báo Finance Feds loan tin ngày 29/1 cho biết tại hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới lần thứ 54 ở Davos, nhà sáng lập và Tổng giám đốc XTransfer, ông Bill Deng, cho biết đã tham gia vào các cuộc thảo luận tập trung vào thị trường vừa nêu với thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính.
Cụ thể, XTransfer đã đạt được những bước tiến triển như tham gia vào Triển lãm Nhà Quốc tế VietBuild và giới thiệu các dịch vụ thanh toán xuyên biên giới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tại Việt Nam.
XTransfer cho biết hãng khởi nghiệp này đang phục vụ như một cầu nối giữa các ngân hàng quốc tế hàng đầu như J.P. Morgan, Deutsche Bank, BDS Bank với các doanh nghiệp vừa và nhỏ ; giúp cho họ được hưởng những dịch vụ tài chính xuyên biên giới như các tập đoàn lớn đa quốc.
XTransfer cũng mong muốn được giúp các nước đang trỗi dậy trong hoạt động thanh toán với các nước khác nhau.
Nguồn : RFA, 31/01/2024
Liên Hiệp Châu Âu mở điều tra về việc Trung Quốc bảo hộ ngành ô tô điện
Thùy Dương, RFI, 14/09/2023
Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, bà Ursula Von Der Leyen, hôm qua, 13/09/2023, thông báo mở một cuộc điều tra về các khoản trợ cấp của nhà nước Trung Quốc cho ngành chế tạo ô tô chạy bằng điện. Theo chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, cuộc điều tra của Bruxelles là biện pháp để bảo vệ ngành công nghiệp Châu Âu trước "giá thấp giả tạo" của xe ô tô điện Trung Quốc.
Xe hơi điện của công ty Trung Quốc NIO được trưng bày tại Berlin, Đức. Ảnh chụp ngày 17/08/2023. Reuters – Annegret Hilse
Thông báo điều tra chống bảo hộ được đưa ra trong bài phát biểu thường niên của bà Ursula Von Der Leyen trước Nghị Viện Châu Âu tại Strasbourg, Pháp. Bà lưu ý xe ô tô điện giữ vai trò then chốt trong chiến lược của Liên Âu giảm phát thải khí carbon. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu tuyên bố : "Thị trường toàn cầu hiện tràn ngập ô tô điện giá rẻ của Trung Quốc, giá được giữ ở mức thấp giả tạo nhờ các khoản tài trợ công khổng lồ".
Thông báo của chủ tịch Ursula Von Der Leyen đương nhiên nhận được sự hưởng ứng của ngành ô tô điện Châu Âu, vốn chỉ trích sự cạnh tranh không lành mạnh của Trung Quốc. Đang công du Berlin, bộ trưởng Kinh Tế Pháp Bruno Le Maire cũng hoan nghênh quyết định của Ủy Ban Châu Âu, gọi đó là "một tin tốt lành".
Sau cuộc điều tra, nếu Ủy Ban Châu Âu phát hiện hành vi vi phạm các quy tắc thương mại, Bruxelles có thể áp thuế nhập khẩu trừng phạt nhắm vào hàng Trung Quốc và khi đó cuộc chiến thương mại với Bắc Kinh có nguy cơ sẽ nổ ra. AFP nhắc lại là trong những tháng qua, Pháp đã thúc đẩy Bruxelles có biện pháp mạnh để đối phó với việc Trung Quốc bảo hộ ngành ô tô điện, cho dù Đức và một số nước thành viên khác của Liên Âu lo ngại làm Bắc Kinh phật lòng.
Về phản ứng của Trung Quốc, hôm nay, 14/09, Bắc Kinh lưu ý là cuộc điều tra của Bruxelles sẽ gây phương hại cho quan hệ kinh tế và thương mại giữa Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu và "tác động tiêu cực" đến chính các doanh nghiệp của Liên Hiệp Châu Âu. Bộ Thương Mại Trung Quốc giải thích ngành xe ô tô điện nước này có "lợi thế cạnh tranh" nhờ những nỗ lực và sáng chế, phát minh công nghệ liên tục.
Trên mạng X (trước đây là Twitter), ông Vương Lỗ Đồng, quan chức đặc trách Châu Âu của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, xem cuộc điều tra của Bruxelles chính là "sự bảo hộ thuần túy" cho ngành ô tô điện của Liên Âu và chỉ trích rằng nhiều nước thành viên Liên Âu cũng bảo hộ ngành ô tô điện trong nước.
Thùy Dương
*************************
Trung Quốc lên án EU điều tra ‘bảo hộ’ xe điện
Reuters, VOA, 14/09/2023
Bắc Kinh hôm 14/9 chỉ trích việc Ủy ban Châu Âu phát động cuộc điều tra về việc Trung Quốc trợ cấp xe điện (EV) như là một biện pháp bảo hộ và cảnh báo nó sẽ làm tổn hại quan hệ kinh tế, một mối quan ngại mà ngành công nghiệp xe hơi Đức cũng chia sẻ.
Một mẫu xe điện rẻ của Trung Quốc
Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, bà Ursula von der Leyen, đã công bố cuộc điều tra hôm 13/9, cáo buộc Trung Quốc xuất khẩu xe điện có giá thấp giả tạo tràn ngập thị trường toàn cầu nhờ vào khoản trợ cấp khổng lồ của nhà nước.
Cuộc điều tra, có thể dẫn đến các biện pháp đánh thuế trừng phạt, đã khiến các nhà phân tích cảnh báo Bắc Kinh sẽ có hành động trả đũa, và giám đốc các hãng xe điện Trung Quốc, vốn nói rằng lợi thế cạnh tranh họ không phải do trợ cấp, khiếu nại.
Cuộc điều tra ‘là hành động bảo hộ trắng trợn’ vốn sẽ phá vỡ và bóp méo nghiêm trọng ngành công nghiệp ô tô và chuỗi cung ứng toàn cầu, bao gồm cả EU, và sẽ có tác động tiêu cực đến quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc-EU’, Bộ Thương mại Trung Quốc ra tuyên bố cho biết.
"Trung Quốc sẽ chú ý chặt chẽ đến các xu hướng bảo hộ và các hành động sau đó của EU, đồng thời kiên quyết bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các công ty Trung Quốc", tuyên bố nói thêm.
Các nhà phân tích của Eurasian Group cảnh báo nếu Brussels cuối cùng áp thuế quan lên xe điện được trợ cấp của Trung Quốc, Bắc Kinh có thể sẽ áp đặt các biện pháp đáp trả để làm tổn thương các ngành công nghiệp Châu Âu.
Việc EU áp thuế sẽ phụ thuộc vào mức độ thống nhất trong Liên minh Châu Âu. Một thập kỷ trước, Đức, do lo ngại trả đũa, đã phản đối áp thuế tấm pin mặt trời của Trung Quốc, mở đường cho thỏa hiệp với Bắc Kinh.
Ngược lại, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck hôm 13/9 nói rằng ông hoan nghênh hành động của EU.
Ngành công nghiệp xe hơi của Đức, vốn ý thức cuộc chiến thương mại có thể ảnh hưởng đến hoạt động làm ăn của họ ở Trung Quốc, đã có thái độ thận trọng.
Mercedes Benz cho biết các biện pháp bảo hộ là phản tác dụng và Bosch, hãng cung cấp phụ tùng xe hơi lớn nhất thế giới, cho biết không có bên thắng trong cuộc đua áp thuế trừng phạt và rào cản thương mại.
"Sự bóp méo cạnh tranh của Trung Quốc đặc biệt là vấn đề mà Châu Âu nên đối phó, nhưng nếu có thể thì không phải bằng trợ cấp quá mức hay áp thêm thuế trừng phạt trong một quá trình kéo dài", Volker Treier, người đứng đầu bộ phận thương mại của Phòng Thương mại và Công nghiệp Đức, nói.
Một số nhà phân tích nói rằng cuộc điều tra không nên gây rủi ro cho các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc vì họ có thể chuyển hướng sang các thị trường đang phát triển khác như Đông Nam Á.
Các hãng xe Trung Quốc đã đẩy nhanh nỗ lực xuất khẩu khi nhu cầu tiêu dùng chậm lại ở Trung Quốc làm trầm trọng thêm tình trạng sản xuất thừa mứa.
Cuộc điều tra chống trợ cấp, do Ủy ban Châu Âu khởi xướng – vốn là điều bất thường – và không xuất phát từ khiếu nại nào trong ngành, diễn ra trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao nói chung giữa EU và Trung Quốc.
Quan hệ giữa hai bên đã trở nên căng thẳng do quan hệ của Bắc Kinh với Moscow sau khi Nga xua quân xâm lược Ukraine và việc EU muốn phụ thuộc ít hơn vào nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn cũng là đối tác thương mại lớn nhất của khối này.
Cuộc điều tra xe điện sẽ quyết định giọng điệu cho các cuộc đàm phán song phương trước Hội nghị thượng đỉnh Trung Quốc-EU hàng năm, dự kiến diễn ra trước cuối năm, với EU muốn tiếp cận nhiều hơn vào thị trường Trung Quốc và tái cân bằng thương mại. Quan chức đứng đầu thương mại của EU Valdis Dombrovskis sẽ đến Trung Quốc vào cuối tháng này.
Ủy ban Châu Âu cho biết thị phần xe điện của Trung Quốc ở Châu Âu đã tăng lên 8% và có thể đạt 15% vào năm 2025.
Năm 2022, 35% tổng số ô tô điện xuất khẩu có xuất xứ từ Trung Quốc, theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Nội bộ (CSIS) của Mỹ, với phần lớn trong số này đi đến Châu Âu.
Reuters