Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

lundi, 29 juin 2020 23:21

Đi vào vô tận

Rất nhiều bản tin hôm nay, đặc biệt là tin giải trí, hay nói tới tiền. Dù là mang tính chê bai hay ca ngợi, tiền đang được đề cập đến như một khát vọng cháy bỏng khác thường trong xã hội cộng sản hôm nay.

votan1

Cả xã hội đang phản ánh một điều đáng lo ngại trong việc kính ngưỡng sự giàu có, bất kỳ ai giàu có đều có thể thành trung tâm thông tin - Ảnh minh họa

Ông bạn giáo viên lâu ngày gặp lại, nói được đôi câu đã bắt sang thời sự. "Sao chuyện như vầy mà người ta có thể viết thành một bài báo ?", ông bạn chìa cho tôi xem một bản tin về người đẹp nào đó đang xách chiếc túi hàng hiệu trị giá vài ngàn USD, nội dung của một bài viết dài, cũng chỉ quanh chuyện chiếc túi đắt tiền và người đẹp sang trọng đó đã bỏ tiền mua.

Đâu chỉ có riêng bài báo đó, mà dường như cả thế giới thông tin hôm nay đang nóng bỏng nhìn ngó xem ai có nhà tiền tỷ, ai là đại gia, ai đang thất thế, ai dám tung tiền gây chú ý… những câu chuyện vô bổ, không biết để làm gì đang dẫy đầy trên báo chí, truyền hình. Cả xã hội đang phản ánh một điều đáng lo ngại trong việc kính ngưỡng sự giàu có, bất kỳ ai giàu có đều có thể thành trung tâm thông tin, thậm chí trở thành nhân vật lên bìa của một tờ báo, mà nội dung thì nhạt nhẽo.

Có tiền, những kẻ vô danh được tung hô một cách kệch cỡm. Không tiền, thì bị đẩy xuống tận bùn sâu. Mới đây chẳng bao lâu, một người kinh doanh trẻ tuổi được báo chí ca ngợi, giới thiệu dàn xe hơi đắt tiền nhất nhì Việt Nam của anh, thế rồi lúc anh kinh doanh khó khăn, lại thấy những tin tức diễu cợt không mục đích, nói rằng anh đang cùng cực vì ngồi trên món nợ 3000 tỷ.

Mới đây, một "đại gia" đeo vàng xuất hiện ở Hà Nội – cũng là đề tài báo chí giật lên, xôn xao, rồi có hẳn một tờ báo đi tận Tuyên Quang để tìm ra nhà của người giàu có đó. Bài viết giới thiệu, kính cẩn gọi nhân vật đó, nhắc đi nhắc lại là "vị đại gia". Ngay trong từng câu chữ, người ta cũng đọc được sự thèm khát của tác giả trước cảnh giàu có một người khác.

Những điều đó, có thể chỉ là chuyện lá cải tầm phào, không đáng quan tâm, nhưng giờ đây, khi đầy dẫy trên các trang tin tức, cũng là một góc nhìn cho thấy một xu thế mê đắm vật chất. Một hiện trạng tôn thờ đồng tiền và chạy theo nó một cách vô nghĩa. Nó phản ánh cháu giết bà chỉ vì cần vài chục ngàn chơi game, con giết mẹ chỉ vì nuôi ăn tốn kém. Thậm chí với thần thánh cũng chỉ cần nhét tiền lên bàn thờ, vào tượng là sẽ mua được may mắn, phước đức.

Thế nhưng cần một lời nói đúng, chia sẻ cho hoàn cảnh của 90.000 công nhân của công ty PouYuen đang đình công thì thật khó tìm lúc này. 90.000 con người lao động chân chính hốt hoảng khi nghe tin chính sách bảo hiểm xã hội thay đổi, đã kinh hoàng ngừng việc và yêu cầu công bằng cho họ. Thế nhưng chuyện 90.000 con người tranh đấu với yêu cầu đúng của mình, vẫn bị chìm ngập và cố tình cho lãng quên trong những dòng thông tin hưởng thụ và giải trí xa rời thực tế.

Theo chính sách mới, điều luật 60 BHXH, người lao động khi không được nhận tiền bảo hiểm, ngoại trừ khi họ đến tuổi hưu. Giả như một công ty thuê công nhân chỉ trong 5 năm, sau đó đóng cửa. Những công nhân này phải đợi đến tuổi hưu của họ mới được nhận tiền BHXH, dù lúc đó, có thể họ chỉ mới 21 tuổi. Mức bảo hiểm xã hội ấy dù chỉ ở mức 300-400 ngàn, lại phải đợi đến tuổi hưu mới được nhận.

Những câu chuyện về tiền quẩn quanh đất nước này. Và như có liên đới với nhau. Khi chính sách mới về không phát tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động như thường lệ, cũng là lúc mà người dân nhận được tin Qủy bảo hiểm xã hội tự nhiên không cánh mà bay 1.052 tỷ đồng. Phiên họp của Quốc hội năm ngoái công bố như vậy. Thậm chí sau khi thanh tra, hồ sơ gốc chỉ thấy có 700 tỉ, còn bao nhiêu biệt dạng. Đã vậy, chỉ tính đến năm 2013, báo cáo về chi phí quản lý quỹ bảo hiểm xã hội lại cao ngất trời : 3.718 tỉ đồng.

Tiền thật lạ. Tiền quyến rũ dân đen phạm pháp, hấp dẫn quan chức tham nhũng, và tiền cũng tự biến mất, mà không lời hồi đáp. Tiền có thể biến một người công nhân cùng khổ thành người tranh đấu, và biến những công chức thành kẻ cắp.

Tiền thật thú vị, nhất là trong một quốc gia tuyên bố mình là ngọn cờ của giai cấp vô sản. Dường ít có ai phải chịu trách nhiệm về nó trong hệ thống công quyền. Chỉ có nhân dân kiệt sức đóng thuế là người ngẫm nghĩ về nó, và giống như ông bạn thầy giáo của tôi, chìa tờ báo ra, với câu hỏi không bao giờ được giải đáp, như một số 0 đi vào vô tận.

Tuấn Khanh

Nguồn : RFA, 29/06/2020 (tuankhanh's blog)

Published in Diễn đàn

Thăm dò dư luận : Gần 80% dân Việt Nam không tin vào Trung Quốc (RFI, 17/01/2020)

Theo thăm dò dư luận do một học viện có uy tín của Singapore tiến hành, gần 80% dân Việt Nam không tin tưởng là Trung Quốc, với tư cách siêu cường, sẽ "hành động đúng đắn" đóng góp cho hòa bình, an ninh, thịnh vượng và quản trị.

dat1

Báo cáo thăm dò dư luận tại 10 nước Đông Nam Á 2020 của Học viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore (Chụp từ internet) RFI tiếng Việt

Ngày 16/01/2020, Trung tâm nghiên cứu ASEAN thuộc Học viện ISEAS-Yusof Ishak, Singapore, đã cho công bố báo cáo khảo sát các quốc gia Đông Nam Á. Cuộc thăm dò được tiến hành từ ngày 12/11 đến 01/12/2019. Tổng cộng có 1308 người, ở 10 nước thành viên ASEAN đã tham gia trả lời 58 câu hỏi trong bản thăm dò. Những người được hỏi thuộc 5 lĩnh vực : nghiên cứu, kinh doanh và tài chính, lĩnh vực công, xã hội dân sự và truyền thông.

Trong câu hỏi thứ 41 : "Bạn có tin tưởng là Trung Quốc sẽ "làm đúng" để đóng góp vào hòa bình, an ninh, thịnh vượng và quản trị ?" Hơn 60% số người được hỏi tại 10 quốc gia Đông Nam Á cho biết chỉ "tin tưởng một chút" và 18,7% "không tin tưởng". Riêng tại Việt Nam, đối với năm 2020, có tới 38,2% "không tin tưởng" và 38,8% "tin tưởng một chút". Trong năm 2019, tỉ lệ này lần lượt là 37,9% và 35,5%.

Câu hỏi thứ 43 "Tại sao bạn không tin tưởng vào Trung Quốc ?" nêu ra những lý do, giúp hiểu rõ hơn thái độ "không tin tưởng" vào Trung Quốc : Tại Việt Nam, 56,4% số người được hỏi giải thích : Vì "sức mạnh kinh tế và quân sự của Trung Quốc có thể được sử dụng để đe dọa lợi ích và chủ quyền của nước tôi". 31,6% khẳng định : "Tôi không coi Trung Quốc là một cường quốc đáng tin cậy".

Đối với các tác giả bản khảo sát, cái nhìn bi quan về Trung Quốc bao gồm thái độ "không tin tưởng" và "tin tưởng một chút", theo đó, tại Đông Nam Á, Philippines là nước có tỉ lệ bi quan về Trung Quốc cao nhất, 78,9%, đứng hàng thứ hai là Việt Nam 77%, tiếp theo là Indonesia 70,3%, Thái Lan 62,5% và Singapore 59%.

Đức Tâm

*******************

Đồng Nai : Kiên quyết xử lý tình trạng phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp (RFA, 17/01/2020)

Trước tình trạng phân lô, bán nền trên đất nông nghiệp tại tỉnh Đồng Nai có những diễn biến phức tạp trong năm 2019, ông Võ Văn Chánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và môi trường trong năm 2020 phải kiên quyết xử lý triệt để tình trạng bị cho là mua bán trái phép này.

dat2

Năm 2019 Đồng Nai là điểm nóng về phân lô, bán nền đất trái phép khi công ty Alibaba bị người dân khiếu kiện - Courtesy of Báo Đồng Nai

Truyền thông trong nước loan tin này vào ngày 17/1 trích chỉ đạo của Phó Chủ tịch tỉnh Đồng Nai.

Theo đó, ngoài việc xử lý tình trạng mua bán đất trái phép, ông Võ văn Chánh còn yêu cầu Sở Tài nguyên và môi trường tổng hợp những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện theo Luật Quy hoạch những quy hoạch ngành hết hạn vào cuối năm nay như Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch khoáng sản và quy hoạch tài nguyên nước…

Được biết, năm 2019, Đồng Nai là một trong những địa phương nóng nhất về tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp trái phép. Đơn cử là các dự án "ma" của Công ty địa ốc Alibaba, khiến chính quyền đã đưa ra nhiều biện pháp cưỡng chế các dự án sai phạm.

Vào ngày 13/1 Đại tá Nguyễn Mạnh Kim Phó giám đốc công an Đồng Nai cũng thừa nhận hiện nay tỉnh Đồng Nai có nhiều vụ khiếu kiện tranh chấp đất đai, cộng với tình hình công nhân diễn biến phức tạp do địa phương có nhiều khu công nghiệp lớn. Do đó, cũng trong ngày 13/1 Bộ Công an đã điều động 400 cảnh sát về tỉnh Đồng Nai để tăng cường hỗ trợ, trấn áp tội phạm từ nay đến hết tháng 2/2020.

******************

Khoảng 300 công nhân may cầu cứu công an vì công ty không trả lương (RFA, 17/01/2020)

Gần 300 công nhân thuộc Công ty cổ phần May xuất khẩu Kỳ Anh ở phường Kỳ Trinh, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vào chiều ngày 17/1 đã kéo lên trụ sở Công an Thị xã Kỳ Anh cầu cứu vì công ty này đã nhiều lần thất hẹn trả lương cho công nhân.

dat3

Các công nhân Công ty cổ phần May xuất khẩu Kỳ Anh tập trung trước công xưởng vào ngày 13/1/2020. Coutersy of báo Hà Tĩnh

Truyền thông trong nước loan tin cùng ngày trích lời ông Dương Quốc Thịnh, Giám đốc Công ty cổ phần May xuất khẩu Kỳ Anh, nói rằng đơn vị này mới đi vào hoạt động nên không đủ nguồn vốn huy động, dẫn đến khó khăn trong việc chi trả lương cho công nhân.

Trước đó vào ngày 13/1, gần 300 công nhân nói trên đã đình công, tập trung trước cổng công ty này để đòi lương.

Một công nhân nói với báo trong nước rằng công ty may Kỳ Anh cam kết việc trả lương cho công nhân theo quy định sẽ diễn ra từ mùng 5 đến mùng 10 hàng tháng nhưng từ 2 tháng nay họ vẫn chưa được trả.

Công ty may Kỳ Anh bị nói đã thất hẹn rất nhiều lần, hai lần gần đây nhất là mùng 8/1 và 16/1.

Bản cam kết mà công ty may Kỳ Anh hứa trả lương cho công nhân vào ngày 16/1 có chữ ký của người đại diện công ty là ông Dương Quốc Thịnh. Tuy nhiên đến ngày 17/1, ông Thịnh lại nói bản thân không ký hẹn trả lương vào ngày 16/1 mà là do Phó giám đốc công ty ký và ông không biết.

Ông Trần Quang Hạnh, Trưởng phòng Lao động, thương binh và xã hội thị xã Kỳ Anh cho hay đơn vị này đã nắm được thông tin vụ việc và đã lập biên bản với các bên. Công ty Kỳ Anh thêm một lần nữa hứa sẽ trả lương cho công nhân đến ngày 24/2.

Toàn bộ tài sản của công ty như máy may, nguyên liệu được cho biết đã bị niêm phong để tránh bị tuồn tháo ra ngoài.

Người đại diện phòng Lao động, thương binh và xã hội thị xã Kỳ Anh cho biết những công nhân đòi lương đang làm việc theo hợp đồng miệng chứ chưa có giấy tờ ký kết và nói sẽ kiểm tra, xử lý công ty nếu sử dụng sai lao động.

Công ty cổ phần May xuất khẩu Kỳ Anh đi vào hoạt động từ tháng 7/2019.

Published in Việt Nam

Hơn 120 cuộc đình công của công nhân Việt Nam trong năm 2019 (RFA, 07/01/2020)

Trong năm 2019, đã có hơn 120 cuộc đình công, ngừng việc tập thể của công nhân trên cả nước, giảm 50% so với năm 2018.

dinhcong1

Công nhân không vào được công ty sáng 12/8/2019. Photo : báo Pháp Luật

Đó là thông tin do ông Vũ Mạnh Tiêm, Phó trưởng Ban Tuyên giáo (Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam) nêu ra tại Hội nghị bàn giao báo chí quý IV-2019, diễn ra sáng 7/1 tại Hà Nội.

Người đại diện Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết nguyên nhân số lượng đình công, ngừng việc tập thể giảm là vì các doanh nghiệp quan tâm, chăm lo tốt hơn cho người lao động. Vai trò của công đoàn cũng được khen ngợi vì đã làm tốt việc đại diện cho người lao động đối thoại, thương lượng, ký kết thỏa ước lao động tập thể.

Tuy nhiên, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Vũ Mạnh Tiêm cũng cho rằng vẫn có những vụ ngừng việc của công nhân có diễn biến phức tạp, kéo dài.

Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết thu nhập bình quân tiền lương của công nhân trong năm 2019 tăng 17% so với 2018 vì điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng và lương cơ sở.

Mặt khác, việc các doanh nghiệp nợ lương công nhân, trốn đóng, chiếm dụng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế vẫn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp. Đặc biệt là tình trạng cho vay, cầm, mua lại sổ bảo hiểm xã hội của người lao động được ông Vũ Mạnh Tiêm cho rằng có chiều hướng gia tăng.

Trong những năm qua, Việt Nam đã ký kết hai hiệp định thương mại với các nước bao gồm Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (TPCPP) và Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-Châu Âu (EVFTA). Các hiệp định này yêu cầu Việt Nam cho phép công nhân thành lập công đoàn độc lập.

Bộ luật Lao động sửa đổi của Việt Nam vừa được Quốc hội thông qua hôm 20/11 cũng đề cập đến hoạt động của các công đoàn độc lập. Tuy nhiên một số nhà hoạt động cho rằng những quy định này còn mập mờ và vẫn có những chỗ siết chặt kiểm soát đối với hoạt động của công đoàn độc lập.

******************

Tổng kết công tác chống tham nhũng năm 2019 (RFA, 06/01/2020)

Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành Hội nghị tổng kết ngành Nội chính Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 vào ngày 6 tháng 1 ở Hà Nội.

congtac1

Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng tại Hội nghị Tổng kết công tác chống tham nhũng năm 2019. Courtesy chinhphu.vn

Phát biểu tại hội nghị, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư cho biết, đối với các vụ án, thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng quản lý, cơ quan tố tụng đã tuyên phạt 11 án tử hình, 23 án tù chung thân, khi xét xử sơ thẩm 62 vụ án với 720 bị cáo.

Ngoài ra còn có 10 bị cáo bị phạt án tù 30 năm ; 23 bị cáo từ 20 đến 30 năm tù…

Cũng tại hội nghị, ông Vượng cũng yêu cầu tập trung tham mưu xử lý dứt điểm các vụ án liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, Đinh Ngọc Hệ (Út trọc) và các vụ án, vụ việc mà dư luận xã hội quan tâm...

Thống kê cho thấy trong năm 2019 có gần 500 nghìn vụ án được được tòa các cấp giải quyết, hình phạt áp dụng với các bị cáo trong nhiều vụ án lớn, được cơ quan chức năng cho là vừa nghiêm khắc, vừa đảm bảo tính khoan hồng.

Thông tin vừa nói được truyền thông trong nước trích dẫn theo thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020 của các tòa án, hôm 6/1/2020.

Khi đưa báo cáo công tác năm 2019 tại hội nghị, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Lê Hồng Quang cho biết, từ ngày 1/12/2018 đến 30/11/2019, các Tòa án đã thụ lý hơn 554 nghìn vụ việc, đã giải quyết được hơn 494 nghìn vụ việc, đạt tỉ lệ 89,2%.

Trong đó, điển hình đã xử lý nghiêm các vụ án đặc biệt nghiêm trọng như : vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam phạm tội "Tổ chức đánh bạc"… ; vụ án Phan Văn Anh Vũ ; vụ án Nguyễn Minh Hùng và đồng phạm phạm tội "Buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh" liên quan đến công ty cổ phần Việt Nam Pharma ; các vụ án gian lận thi cử tại Kỳ thi Trung học phổ thông năm 2018 xảy ra tại các tỉnh Sơn La, Hà Giang…

Cũng tại hội nghị, Tòa án nhân dân tối cao đề ra 10 phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác trong năm tới.

Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, điểm sáng trong các phiên tòa xét xử các vụ án tham nhũng vừa qua là áp dụng đồng bộ các biện pháp để thu hồi triệt để tài sản tham nhũng ngay trong quá trình xét xử.

Theo Chủ tịch quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, chưa bao giờ đấu tranh phòng chống tham nhũng được đẩy mạnh và thu được nhiều kết quả vượt bậc rõ nét như hiện nay.

*******************

Hơn ngàn công nhân đình công đòi thưởng Tết (RFA, 06/01/2020)

Hơn 1000 công nhân Công ty trách nhiệm hữu hạn Ever Great International Việt Nam ở Ninh Bình tiến hành đình công từ ngày 4 tháng 1 đến chiều ngày 6 tháng 1 để phản đối tiền thưởng Tết mà họ cho là quá thấp, không thỏa đáng.

congtac2

Công nhân đồng loạt nghỉ việc tập trung trước cổng Công ty trách nhiệm hữu hạn Ever Great International Việt Nam. Photo : vcci.com

Báo trong nước đưa tin vào ngày 6/1/2020. Tin cho biết sau gần ba ngày đình công, chiều 6/1, toàn bộ công nhân đã đồng ý làm việc trở lại khi một số yêu cầu được giới chủ đáp ứng. Theo đó, đại diện Công ty Ever Great International Việt Nam thống nhất thưởng Tết một tháng lương cơ bản cho công nhân làm việc từ một năm trở lên, còn những người chưa đủ một năm sẽ hưởng theo phần trăm.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Ever Great International Việt Nam là doanh nghiệp có 100% vốn nước ngoài của Đài Loan, đóng tại Cụm công nghiệp Gia Vân ở xã Gia Vân, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình. Công ty hoạt động từ tháng 9/2018, chuyên sản xuất giầy dép da xuất khẩu.

Cũng tin liên quan, theo Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, do năm nay tết Dương lịch và tết Nguyên đán gần nhau nên các doanh nghiệp tập trung chủ yếu sang thưởng tết Nguyên đán, mức thưởng tết Nguyên đán tăng hơn 7% so với năm 2019.

Về tiền thưởng tết Nguyên đán 2020, có hơn 89% doanh nghiệp báo cáo dự kiến có thưởng tết Nguyên đán với mức bình quân khoảng một tháng lương.

Những doanh nghiệp thưởng Tết cao thường tập trung vào ngành nghề có nhiều lợi thế như ngân hàng, kiểm toán, điện tử... ; có những doanh nghiệp thưởng khoảng 100 nghìn đồng/người thường là ngành gia công, chế biến.

Mức thưởng cao nhất cho một nhân viên dịp tết Dương lịch năm 2020 là 3,5 tỷ đồng tại doanh nghiệp FDI thuộc lĩnh vực ngân hàng ở Thành phố Hồ Chí Minh.

Published in Việt Nam

Đình công chống cải tổ hưu trí tại Pháp : Cuộc trắc nghiệm đối với Macron

Phong trào đình công biểu tình chống cải tổ hưu trí là đề tài chiếm trang nhất các nhật báo Pháp hôm nay.

greve1

Ga xe lửa Paris vắng lặng trong ngày đình công toàn quốc chống cải tổ hưu trí tại Pháp 05/12/2019. Reuters

Đối với nhật báo thiên hữu Le Figaro, đây là một cuộc "đọ sức", còn theo nhật báo thiên tả Libération, đây là "màn đầu" của một phong trào có thể kéo dài và sẽ buộc chính phủ phải thương lượng. Nhật báo kinh tế Les Echos thì phỏng đoán đối sách của chính phủ trước phong trào tổng đình công. Báo công giáo La Croix thì nói đến một "cuộc cải tổ triền miên", nhắc lại rằng hệ thống hưu trí ở Pháp đã được cải tổ nhiều lần trong 30 năm qua, lần nào cũng rất là "đau đớn".

Theo Le Monde, cuộc đình công hôm nay là một cuộc trắc nghiệm đối với tổng thống Macron. Khi tranh cử tổng thống, ứng cử viên Macron đã tuyên bố sẽ tiến hành một cuộc chuyển đổi sâu rộng nước Pháp. Ba năm sau, tư thế một lãnh đạo táo bạo, không lùi bước trước mọi trở ngại, vẫn là điểm mạnh chủ yếu của vị nguyên thủ quốc gia trẻ.

Le Monde cho rằng thông qua việc cải tổ hệ thống hưu trí, ông Macron chứng tỏ khả năng tiếp tục con đường canh tân mà ông đã vạch ra. Như nhận định của một bộ trưởng quan trọng trong chính phủ : "Hồ sơ hưu trí là cuộc trắc nghiệm lớn. Nếu thất bại, coi như nhiệm kỳ này là chấm dứt, chúng ta sẽ không thể làm gì khác nữa".

Trong nội bộ phe đa số cầm quyền, không ai nghĩ là sẽ tái diễn kịch bản của năm 1995, khi thủ tướng thời đó là Alain Juppé đã phải lùi bước, từ bỏ kế hoạch cải tổ các chế độ hưu trí đặc biệt, dưới áp lực của đường phố. Vấn đề là chính phủ của thủ tướng Philippe có thể đương đầu được với một phong trào ồ ạt và kéo dài hay không.

Trong bài xã luận tựa đề "Thỏa hiệp", tờ Libération so sánh tình hình nước Pháp hiện nay với nước Pháp năm 1995. Theo Libération, vào năm 1995, cuộc đình công đã khiến mọi người bất ngờ, số người biểu tình rất đông đảo, họ rất được dân chúng ủng hộ và các hệ thống xe lửa và giao thông đô thị tê liệt hoàn toàn. Và nhất là cuộc đình công đã kéo dài suốt một tháng cho đến khi chính phủ Juppé "đầu hàng".

Như vậy, theo tờ báo, có thể dựa trên ba yếu tố để đánh giá tình hình hiện nay : số người biểu tình, thời gian đình công và thái độ của công luận. Nhưng Libération cho rằng chính phủ có một cách để tránh đối đầu với các công đoàn, đó là tỏ ra mềm dẻo, ai cũng phải hiểu rằng thỏa hiệp bao giờ cũng hơn là "được ăn cả ngã về không".

Một cuộc đình công không thể chấp nhận được

Trong bài xã luận, nhật báo Les Echos ghi nhận điều lạ lùng trong cuộc tổng đình công chống cải tổ hưu trí lần này, đó là thái độ của công luận đối với những phiền toái mà họ sẽ phải gánh chịu : xe lửa và métro ngừng chạy, trường học đóng cửa, các chuyến bay bị hủy…

Nhưng theo Les Echos, nếu chúng ta chỉ nhìn vào lý do của cuộc đình công thì thật khó mà chấp nhận được. Tờ báo viết : "Thật vậy, không thể chấp nhận việc phát động một phong trào quy mô như vậy và bắt hàng trăm ngàn dân Pháp làm con tin để chống một dự án mà chưa ai biết hình thù sẽ ra sao. Không thể chấp nhận việc phong trào lần này có mục tiêu trên hết là bảo vệ những người được quyền về hưu trước 60 tuổi, với mức lương hưu trung bình trên 2000 euro, cao hơn nhiều so với những người làm việc trong khu vực tư nhân. Không thể chấp nhận việc trong một công ty như SNCF (Công ty đường sắt quốc gia Pháp), những người đình công lấy cớ bảo vệ chế độ hưu trí để bảo vệ một quy chế với quá nhiều đặc quyền. Và cuối cùng, đây có lẽ là điều nghiêm trọng nhất : không thể chấp nhận việc các công đoàn đang mất dần thế lực mạo hiểm lao vào một cuộc đối đầu mà không ai biết là sẽ đi đến đâu. Để lấy lại uy thế, nay các công đoàn đó đang đùa với lửa khi dựa trên những thành phần cực đoan ở cơ sở, một thiểu số chỉ có mục tiêu duy nhất là đập phá mọi thứ".

Nhật báo công giáo La Croix hôm nay cũng dành bài xã luận về đề tài này, với hàng tựa "Sẽ phải cần một cuộc cải tổ", bày tỏ quan điểm ủng hộ dự án cải tổ hệ thống hưu trí do chính phủ đề ra.

Tờ báo nhắc lại rằng từ một phần tư thế kỷ qua, nước Pháp đã nhiều lần cải tổ hệ thống hưu trí, kể cả các hệ thống hưu trí đặc biệt. Dù muốn dù không cũng phải tiếp tục cải tổ. Những thay đổi trong lực lượng sản xuất khiến cho số người đóng góp cho quỹ hưu trí ngày càng ít đi. Tuổi thọ tăng lên khiến cho các chi phí y tế cũng tăng theo. Nguồn tài chính cho hệ thống hưu trí không thể được giữ nguyên như vậy.

La Croix ghi nhận, trước tình hình đó, tổng thống Macron đề nghị một cải tổ quy mô : chuyển sang một hệ thống hưu trí phổ quát. Nhưng theo nhật báo này, để làm được như thế thì phải có hai yếu tố : có một bầu không khí tin cậy và chi tiêu thêm để bù đắp thiếu hụt cho một bộ phận dân Pháp sẽ bị thiệt thòi do cải tổ. Nhưng hiện nay hai yếu tố đó lại không hội đủ : Khủng hoảng Áo Vàng khiến người dân không còn tin tưởng chính quyền và tình hình tài chính hiện nay không cho phép gia tăng chi tiêu để tạo điều kiện cho việc áp dụng những quy định mới.

Nhật báo thiên hữu Le Figaro cũng cho rằng, dù phải gánh chịu một cuộc đình công kéo dài, cũng phải tiến hành một cuộc cải tổ đầy tham vọng để giải quyết dứt điểm hồ sơ hưu trí. Ai cũng thấy đây là một bài toán rất đơn giản : làm sao cho các thế hệ tương lai có đủ tiền để sống khi về già, khi mà tuổi thọ càng lúc càng tăng và số người hưu trí ngày càng nhiều ? Le Figaro ghi nhận dự án hệ thống hưu trí phổ quát do tổng thống Macron đề nghị về lý thuyết thì rất hấp dẫn, nhưng thực hiện thì phức tạp vô cùng và chắc là phải cần nhiều thời gian để cải tổ thành công.

NATO đối phó với Trung Quốc

Về thời sự quốc tế, Les Echos có bài nhận định về sự kiện hôm qua 29 quốc gia thành viên khối Liên minh Bắc Đại Tây Dương NATO thông qua một tuyên bố lần đầu tiên nêu lên thế lực ngày càng mạnh của Trung Quốc.

Tổng thư ký khối NATO Jens Stoltenberg đã nhấn mạnh Trung Quốc là nước có ngân sách quân sự cao thứ hai thế giới (khoảng 230 tỷ đô la/năm), chỉ sau Hoa Kỳ (730 tỷ). Đối với NATO, "ảnh hưởng ngày càng lớn và các chính sách quốc tế của nước này là những cơ hội nhưng cũng là những thách thức".

Tuy nhiên, theo Les Echos, không một nước thành viên nào của NATO xem Bắc Kinh là kẻ thù, mà theo lời tổng thống Pháp Macron, "khủng bố mới là kẻ thù của chúng ta".

Cũng về Trung Quốc, Libération ghi nhận việc Bắc Kinh nay để cho các nhà ngoại giao của nước này phát biểu mạnh mẽ và công khai hơn. Trong những ngày qua, một số nhà ngoại giao Trung Quốc đã liên tục chỉ trích và đe dọa các chính phủ nước ngoài. Hôm 3/12, sau khi Hạ Viện Mỹ thông qua luật đòi trừng phạt Bắc Kinh về việc giam giữ cả triệu người Duy Ngô Nhĩ ở tân Cương, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh đã cảnh cáo là Trung Quốc "sẽ đáp trả tùy theo diễn tiến tình hình".

Theo Libération, những tuyên bố như trên cho thấy Trung Quốc can thiệp ngày càng nhiều vào chuyện nội bộ của các nền dân chủ và thể hiện một chiến lược truyền thông mang tính đe dọa, vào lúc có ngày càng nhiều xung khắc giữa Trung Quốc với thế giới : tập đoàn viễn thông Hoa Vi, số phận người Duy Ngô Nghĩ, phong trào dân chủ ở Hồng Kông, tranh chấp Biển Đông, chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

Libération nêu ví dụ về một đòn tấn công ngoại giao của Bắc Kinh vào Liên Hiệp Châu Âu : Sau khi Thượng viện Ý tổ chức một hội nghị qua màn ảnh video với lãnh đạo phong trào dân chủ Hồng Kông Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) hôm 29/11/2019, đại sứ quán Trung Quốc đã cực lực chỉ trích các chính khách Ý, xem đây là "một sai lầm nghiêm trọng và một hành vi vô trách nhiệm". Khi chính phủ Ý phản đối "một sự can thiệp không thể chấp nhận được" của Bắc Kinh, đại sứ Trung Quốc tại Roma hôm Chủ nhật vừa qua đã cho đăng một bài báo trên tờ Republica để làm rõ vấn đề : "Chuyện Hồng Kông là chính sách nội bộ của Trung Quốc. Sự can thiệp của các thế lực bên ngoài là không thể chấp nhận được".

Tư pháp Nga : Cổ máy kết án không thương tiếc

Như các phiên xử những người biểu tình chống chính phủ đã cho thấy, hệ thống tư pháp ở Nga được kiến tạo để làm sao tránh mọi khả năng tha bổng. Đó là ghi nhận của tờ Libération.

Tờ báo nêu lên trường hợp những thanh niên Matxcơva bị kết án nhiều năm tù chỉ vì đã ném thùng rác hoặc chai nhựa rỗng về phía cảnh sát, hoặc trường hợp của Egor Joukov, 21 tuổi, hôm 4/12 vừa qua đã bị tòa kêu án 4 năm cải tạo chỉ vì trên mạng Youtube đã hô hào biểu tình chống chính quyền.

Chỉ cần đưa ra một con số là đủ để tóm tắt cách vận hành của hệ thống tư pháp Nga : 99,8% các phiên tòa đều kết thúc bằng một bản án. Theo lời luật sư Serguei Davidis, thuộc hiệp hội Memorial, được tờ Libération trích dẫn, đây là tập quán có từ thời Liên Xô. Thời đó, các thẩm phán, nhà điều tra, công tố viên có chung mục tiêu là chống tội phạm. Bây giờ, họ cũng tự xem mình đều là những người phục vụ Nhà nước, phải phối hợp với nhau và không bao giờ đối chọi với nhau.

Có một điều nghịch lý là chỉ trong những trường hợp đặc biệt mới thật sự có sự can thiệp của chính quyền vào hệ thống tư pháp ở Nga, đó là khi vụ việc gây tổn hại nặng nề cho bộ mặt chế độ đến mức chính quyền phải ngăn chận cỗ máy tư pháp. Như vụ nhà báo Ivan Golounov, bị bắt trong một vụ buôn ma túy được dàn dựng từ đầu đến cuối. Nếu không có sự vận động của các đồng nghiệp, nếu không có sự yểm trợ của các phương tiện truyền thông ở Nga, buộc chính quyền phải can thiệp vào hệ thống tư pháp, thì nhà báo Golounov đã ngồi tù rồi.

Những nô lệ thời hiện đại ở Anh

Về xã hội, tờ Le Monde hôm nay đưa chúng ta đến với một đất nước mà con người rẻ hơn cả máy móc, đó là Anh Quốc, nơi mà những máy rửa xe tự động đã biến mất từ lâu, thay vào đó là những người rửa xe bằng tay, mà một số làm việc như là những nô lệ thời hiện đại.

Theo thống kê, tại Anh Quốc hiện nay, chỉ còn khoảng 4 ngàn trạm rửa xe tự động, trong khi con số các trạm rửa xe bằng tay là từ 10 ngàn đến 20 ngàn. Hai giáo sư đại học đã tiến hành nghiên cứu các trạm rửa xe ở hai thành phố Nottingham và Leicester. Họ đã phỏng vấn 24 người lao động và được biết là những người này lãnh lương ít hơn 14% so với mức lương tối thiểu theo luật định. Lý do của tình trạng này là các trạm rửa xe ở Anh Quốc hiện nay không còn tuân thủ các quy định hiện hành, mà những cơ quan chuyên trách thì hoàn toàn vô hiệu quả, vì biên chế của các cơ quan đó đã bị cắt giảm rất nhiều sau 10 năm chính phủ Luân Đôn thi hành chính sách thắt lưng buộc bụng.

Theo lời kể của một giám mục Anh giáo, đây là một mạng lưới rất tinh vi. Họ dụ dỗ người nhập cư là sẽ được lãnh lương rất cao, nhưng khi họ đến nơi thì người chủ tịch thu ngay hộ chiếu, cảnh cáo họ là không được báo cảnh sát, khủng bố tinh thần họ. Đôi khi người ta lấy tên của họ để mở tài khoản ngân hàng và bảo họ ký những giấy tờ mà họ chẳng biết là cái gì, thậm chí người ta lấy tên họ để vay tiền mà họ không hề hay biết.

Nguy cơ tiềm tàng của sản phẩm nhựa

Những sử dụng hiện nay các sản phẩm nhựa là "một vấn đề lớn về y tế công cộng" và các quy định luật lệ hiện hành không đủ để giúp đối phó với nguy cơ này. Đó là báo động của các nghị sĩ Quốc hội Pháp trong một báo cáo công bố ngày 04/12/2019. Theo lời một nghị sĩ trong nhóm này, mỗi tuần mỗi người trong chúng ta hấp thụ vào người 5 gram hạt nhựa, tương đương với một thẻ tín dụng.

Sau khoảng 60 cuộc điều trần, chủ yếu là với các nhà công nghiệp, nhà nghiên cứu, bác sĩ và lãnh đạo các cơ quan y tế, các nghị sĩ Pháp báo động về "tính chất rất đáng quan ngại của việc người dân bị tiếp xúc một cách toàn diện với những chất gây rối loạn nội tiết và những hậu quả của việc này đối với sức khỏe". Cụ thể, những chất gây rối loạn nội tiết có trong nhựa bị nghi là gây các căn bệnh như rối loạn tâm thần và hành vi, béo phì, tiểu đường type 2, ung thư, vô sinh, các bệnh về tuyến giáp. Các nghị sĩ nêu vài con số đáng ngại : chất lượng tinh dịch đã suy giảm phân nửa trong 50 năm, và cứ sáu cặp vợ chồng thì có một cặp gặp khó khăn trong việc sinh đẻ theo cách tự nhiên.

Các tác giả báo cáo đưa ra một loạt khuyến nghị để ngăn ngừa những thành phần dễ bị tổn thương (phụ nữ có thai, trẻ em, thiếu niên, bệnh nhân) với những chất nhựa.

Thanh Phương

Published in Quốc tế

Giai cấp công nhân ở Việt Nam vì sao lại sút kém trình độ chính trị để có thể dễ dàng bị kích động xúi giục trong đình công ?

dinhcong1

Một cuộc đình công của cá nhân ở Việt Nam - Ảnh minh họa

Chiều ngày 21/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh đã diễn ra Lễ ký kết quy chế phối hợp giữa Liên đoàn lao động Thành phố Hồ Chí Minh và các Liên đoàn Lao động các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến công nhân, người lao động, đảm bảo tình hình an ninh trật tự trên các địa bàn giáp ranh.

"Nếu suy diễn, tôi nghĩ rằng các ông, bà chủ tịch các Liên đoàn Lao động Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh và Thành phố Hồ Chí Minh đã công khai tự diễn biến, khi ngờ vực vào khả năng lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Điều 4.1, Hiến pháp 2013 đã ghi rất rõ rằng, ‘Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, nhân dân lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội’.

Chỉ trong một câu, có đến 2 lần nhắc tới ‘công nhân’ và ‘nhân dân lao động’. Dưới sự lãnh đạo chuyên chính như vậy, thử hỏi ai có thể xúi giục hay kích động công nhân, người lao động đình công ?". Một thân hữu luật gia, hiện là giám đốc doanh nghiệp ngành dệt may đã chia sẻ kiểu ‘trà dư tửu hậu’ với người viết.

Phóng viên dự để đưa tin về buổi lễ hôm chiều 21/12 tại Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, kể là các vị trong Liên đoàn Lao động đã không ngại giấu vẻ lo lắng vài hôm nữa đây khi Luật An ninh mạng hiệu lực, và dự luật về đặc khu hành chính sẽ được xới lại trước kỳ họp Quốc hội, khả năng người dân lại xuống đường biểu tình phản đối. Do đó các quan chức của Liên đoàn Lao động 5 địa phương đã bàn nhau phối hợp để có thể ngăn chặn biểu tình ngay trong giai đoạn manh nha.

Một báo cáo trình bày vào chiều 21/12 tại Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh có đoạn viết :

"Trong 6 tháng đầu năm 2018, tình hình an ninh trật tự ở Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận trở nên căng thẳng trong thời điểm Quốc hội thông qua nhiều dự luật quan trọng. Các thế lực phản động đã có những hành động kích động, xúi giục lợi dụng người công nhân, người lao động ngưng việc tập thể, diễu hành thành từng đoàn, từng nhóm trên đường phố gây mất an ninh trật tự, an toàn xã hội, giao thông. Đồng thời có những hành động phá hoại tài sản của nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Bên cạnh đó tình hình có diễn biến phức tạp khi đối tượng kéo vào các nhà máy, xí nghiệp ở ngoại thành Thành phố Hồ Chí Minh và khu vực giáp ranh nhằm lôi kéo, xúi giục những công nhân đang làm việc phải cúp điện, ngừng làm việc tạo thành một nhóm lớn để biểu tình, gây rối trật tự xã hội, kích động và xúi giục công nhân đình công…".

Từ góc nhìn nói trên, xem ra việc công nhân đình công đã được chính ngành công đoàn mặc định là mang màu sắc của chính trị, chứ không phải xuất phát từ quyền lợi vật chất như quy định ở Bộ Luật Lao động.

"Nhận định này của cả 5 tổ chức Liên đoàn Lao động tỉnh, thành là không phù hợp pháp luật. Hiến pháp có bảo hộ quyền biểu tình, không giới hạn quyền này trong thành phần nào của xã hội. Hiến pháp cũng bảo hộ quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội. Bằng xác lập quyền công dân về chính trị, đó là cơ sở để Đảng cộng sản mạnh miệng cam kết rằng mình là đội tiên phong của giai cấp công nhân.

Ở bối cảnh Quốc hội Việt Nam đã phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, lẽ ra ngành công đoàn cần hiểu mình phải làm gì cho các quyền lợi vật chất lẫn quyền lợi chính trị của người lao động. Đàng này họ lại hè nhau tìm mọi cách chụp mũ người lao động. Tôi nghĩ rằng đây chính là đòn đánh dưới thắt lưng đối với tất cả các nghiệp đoàn độc lập sẽ hình thành trong tương lai. Bởi họ phải đối mặt với sự chụp mũ chính trị hóa trong các hoạt động, đặc biệt là về đình công". Luật sư Trần Thành dự báo.

"Đúng lý, ở buổi Lễ ký kết quy chế phối hợp giữa Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh và các Liên đoàn Lao động các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh, các quan chức đứng đầu 5 tổ chức công đoàn này phải đưa ra kiến nghị Quốc hội Việt Nam sớm ban hành Luật về quyền biểu tình. Bởi có bao nhiêu hội nghị liên tịch kiểu vầy đi nữa về chuyện biểu tình, mà vẫn chưa có luật biểu tình thì vẫn là những hình thức đối phó trong sợ hãi về một quyền hiến định.

Doanh nghiệp tụi tôi mới là những người sợ công nhân đình công nhất, sợ công nhân biểu tình nhất…, mà tụi tôi còn thấy xấu hổ cho kiểu họ bàn nhau chụp mũ biểu tình, vu tiếng xấu cho công nhân trong đòi hỏi quyền công dân của mình…". Vị thân hữu là doanh nhân (kể ở trên), chia sẻ.

Thảo Vy

Nguồn : VNTB, 24/12/2018

Published in Diễn đàn

Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-Châu Âu và Vai trò của nghiệp đoàn độc lập (RFA, 26/10/2018)

Ủy ban Châu Âu (EU-European Commission), vào ngày 17/10/18 thông qua việc đệ trình Hiệp định Tự do Thương mại (EVFTA-EU-Vietnam Free Trade Agreement) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư với Việt Nam lên Hội đồng Châu Âu, đề xuất ký kết và hoàn tất để đưa vào thực thi. Vấn đề được đặt ra một khi Nghị viện Châu Âu phê chuẩn hiệp định này thì vai trò của nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam như thế nào ?

doi1

Quang cảnh buổi điều trần Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-Châu Âu (EVFTA) tại Brussels, Bỉ ngày 10/10/18. RFA

Tiến sĩ Nguyễn Quang, người đã tham gia buổi điều trần về Hiệp định Tự do Thương mại Việt Nam-EU (EVFTA) vào hôm 10 tháng 10, tại Brussels, Bỉ lên tiếng với RFA rằng ông lấy làm vui mừng khi Châu Âu có sự đồng thuận về quan điểm mà chính ông kiến nghị là Việt Nam phải tôn trọng tất cả các quyền của người lao động, thông qua 3 nguyên tắc cốt lõi của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), cũng như Việt Nam nếu vi phạm nhân quyền trầm trọng thì EU có thể việc dẫn các thỏa ước đối tác và hợp tác để có những biện pháp chế tài, kể cả ngưng một phần hoặc ngưng toàn bộ Hiệp định EVFTA.

Tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ, diễn ra vào ngày 17 tháng 10, Ủy ban Châu Âu (EC) phổ biến một thông cáo cho biết hai bên đồng ý đảm bảo việc thực thi đầy đủ các quyền của người lao động theo nguyên tắc của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Thỏa thuận cũng bao gồm hợp tác về nhân quyền cho phép Châu Âu có các biện pháp cần thiết, thậm chí dẫn đến ngưng hiệp định khi có các trường hợp vi phạm nhân quyền. Trong buổi họp báo, Cao ủy Thương mại Cecilia Malmstrom nhìn nhận có những vấn đề về nhân quyền nghiêm trọng ở Việt Nam. Tuy nhiên bà nói rằng EVFTA sẽ giúp thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Thành, đại diện của Phong trào Lao động Việt, một tổ chức công đoàn độc lập hoạt động tại Việt Nam cho biết quan điểm cá nhân rằng ông không lấy làm lạc quan cho tình hình lao động tại Việt Nam một khi Hiệp định EVFTA được thông qua. Ông Trần Ngọc Thành lý giải :

"Tiến trình thúc đẩy thông qua Hiệp định EVFTA của EU đối với Việt Nam xảy ra trong giai đoạn có thể nói Đảng cộng sản Việt Nam đàn áp giới đấu tranh trong nước rất khốc liệt, kể cả các nhà hoạt động trong nghiệp đoàn độc lập bằng những bản án tù tàn bạo. Do đó, có thể sau khi Hiệp định EVFTA được thông qua rồi, Đảng cộng sản Việt Nam tìm mọi cách lươn lẹo để thực hiện hiệp định này".

Đài Á Châu Tự Do ghi nhận mặc dù Việt Nam vẫn chưa thông qua ba công ước cơ bản của ILO ; bao gồm Điều 87 về thành lập nghiệp đoàn độc lập, Điều 98 về thương lượng tập thể và Điều 105 về quyền chống cưỡng bức lao động nhưng có những ý kiến từ đại diện của EU cho rằng Việt Nam không nhất thiết phải thông qua ngay 3 công ước cơ bản này mà chỉ yêu cầu Việt Nam cam kết thực hiện ký kết trong tương lai.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A đưa ra nhận định "Chắc chắn trong tương lai, Chính quyền Việt Nam cũng sẽ có những việc làm cản trở hay tổ chức những công đoàn mà hiện nay họ đã có rồi để làm khó cho các nghiệp đoàn độc lập". Tuy nhiên Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhìn nhận ông vẫn có sự lạc quan, vì :

"Hiệp định EVFTA chí ít có sự ràng buộc pháp lý đối với Việt Nam và có cơ sở chế tài, hay nói cách khác là EVFTA tạo ra khuôn khổ pháp lý để cho các tổ chức công đoàn ở Việt Nam hoạt động tích cực hơn".

Bà Ca Dao, đại diện của Lao động Việt, cũng là một tổ chức công đoàn độc lập tại Việt Nam nhấn mạnh các nghiệp đoàn độc lập cần có sự chuẩn bị để một khi Hiệp định EVFTA được thông qua thì có thể chủ động phát triển và hoạt động tại Việt Nam. Bà Ca Dao cho biết :

"Vừa rồi, một nghiệp đoàn liên kết với Lao động Việt đã viết thư gửi đến Bộ Công thương để xin đăng ký hoạt động hợp pháp, và Bộ Công thương hồi đáp rằng đang có các bước chuẩn bị sau khi CPTPP được thông qua. Do đó, các nghiệp đoàn độc lập có thể gửi đơn đến Bộ Công thương để đăng ký hoạt động hợp pháp sau khi CPTPP và EVFTA được chính thức thông qua. Nếu như Việt Nam không công nhận cũng như không cho phép và các nghiệp đoàn độc lập hoạt động hợp pháp thì đó là bằng chứng Việt Nam không tôn trọng hai hiệp định thương mại này".

Đại diện của hai nghiệp đoàn độc lập Phong trào Lao động Việt và Lao động Việt cùng Tiến sĩ Nguyễn Quang A có cùng quan điểm là các tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam cần có sự hỗ trợ và hợp tác chung đối với quyền thành lập nghiệp đoàn độc lập ở Việt Nam. Cả ba vị đều khẳng định đây là một cuộc đấu tranh còn rất dài và đầy gian khổ.

*******************

Hãng lắp ráp linh kiện cho AirPods, Apple chuyển sản xuất sang Việt Nam (RFA, 26/10/2018)

GoerTek, công ty Trung Quốc lắp ráp linh kiện cho công ty Apple dùng cho các thiết bị AirPods sẽ chuyển dây chuyền sản xuất sang Việt Nam.

doi2

Quảng cáo điện thoại của Apple tại Việt Nam, 2012. AFP

Trang mạng về kinh tế themanufacturer.com trích dẫn nguồn từ tạp chí Nhật Bản Nikkei Asian Review cho biết như thế và nói thêm là GoerTek cũng thúc giục những nhà sản xuất linh kiện cho mình chuyển việc sản xuất sang Việt Nam.

Hành động này được cho là để tránh bị thiệt hại do cuộc chiến tranh thương mại Mỹ Trung đang leo thang.

Hai công ty Đài Loan sản xuất linh kiện cho Apple là Pegatron và Cheng Uei cũng đang tìm cách mở rộng sản xuất của họ ra ngoài Trung Quốc.

Một chuyên gia của một công ty tư vấn đầu tư ở Hong Kong được trang tin themanufacturer trích lời cho biết hãng Apple của Mỹ có khả năng trở thành mục tiêu để Trung Quốc trả đũa trong cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra.

Trung Quốc là nơi sản xuất quan trọng nhất của Apple, trong khi doanh thu của hãng ở Trung Quốc chiếm đến 20% doanh thu hàng năm. Do đó mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần thúc giục Apple chuyển sản xuất trở về Mỹ, nhưng họ vẫn không thực hiện việc đó.

*******************

Chừng 2000 công nhân Công ty Ivory Việt Nam tiếp tục đình công (RFA, 26/10/2018)

Còn 2 ngàn công nhân Công ty Ivory Việt Nam đóng tại Huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa tiếp tục đình công tập thể hơn tuần nay để đòi quyền lợi.

doi3

Hàng nghìn công nhân may mặc của Công ty TNHH Ivory Việt Nam Thanh Hóa trong một lần đình công. Ảnh minh họa. Courtesy of giadinh

Truyền thông trong nước vào ngày 26 tháng 10 loan tin và cho biết vào chiều ngày 25 tháng 10, Bí thư huyện ủy Hậu Lộc, ông Nguyễn Văn Ấp tiến hành cuộc đối thoại trực tiếp với các công nhân.

Tại buổi đối thoại, các công nhân đều cho rằng công ty thường xuyên ép tăng ca nhưng các phụ cấp khác như tiền xăng, xe, ăn trưa, tiền thưởng và một số chi phí khác đang ở mức thấp, không đủ chi phí sinh hoạt hàng ngày khiến đời sống công nhân gặp rất nhiều khó khăn.

Sau khi đối thoại với công nhân, ban lãnh đạo huyện Hậu Lộc đã làm việc với phía công ty Ivory Việt Nam và đồng ý thống nhất tăng các loại chi phí theo yêu cầu của công nhân. Cụ thể tiền cơm từ 14.000 đồng một bữa lên 15.000, tăng tiền thưởng từ 50.000 – 200.000 đồng tùy từng cấp. Ngoài ra, công ty sẽ không sắp xếp nghỉ phép năm tập thể mà sẽ do công nhân tự sắp xếp theo cá nhân mình.

Đến ngày 26/10, sau khi đối thoại với công nhân và công ty đã thống nhất một số chế độ đã có khoảng hơn 1000 công nhân đã quay trở lại làm việc. Số tiếp tục đình công cho rằng phía công ty chưa trả lời cụ thể về vấn đề tiền thâm niên cũng như một số chế độ khác.

Trước đó, vào hôm 18/10 khoảng 3000 công nhân của công ty TNHH Ivory Việt Nam tại huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa đã đình công ngừng việc tập thể vì cho rằng công ty thường xuyên ép tăng ca nhưng không được hưởng thêm các phụ trợ khác. Do đó yêu cầu phía công ty tăng lương và tăng các phụ cấp khác.

Published in Việt Nam

Việt Nam bị đề nghị đưa lại vào CPC (RFA, 10/02/2017)

Việt Nam cần bị đưa lại danh sách các quốc gia phải quan tâm đặc biệt, gọi tắt CPC, nếu không thực thi những cải cách về tự do tôn giáo đúng với tiêu chuẩn quốc tế.

vn1

Người dân lễ chùa. Ảnh chụp tại Sài Gòn ngày 10/3/2016. AFP photo

Chủ tịch Uỷ hội Hoa Kỳ về Tự do tôn giáo quốc tế (USCIRF), ông Thomas Reese phát biểu tại buổi phổ biến tài liệu tổng kết tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam hôm qua 9 tháng 2. Đây cũng là thời điểm đánh dấu 10 năm chính phủ Hoa Kỳ đưa Việt Nam ra khỏi danh sách CPC hồi năm 2006.

USCIRF phân tích rằng đây là trường hợp duy nhất trên thế giới mà Hoa Kỳ áp dụng chỉ dựa theo những cam kết thay vì kết quả của sự cải thiện thật sự.

Tuy nhiên, cũng theo tài liệu của USCIRF, sau khi được rút ra khỏi CPC thì tình trạng đàn áp tôn giáo ở Việt Nam đã tăng lên. Trong đó, trường hợp của Linh mục Nguyễn Văn Lý, luật sư Nguyễn Văn Đài đã đặc biệt gây chú ý cho dư luận.

Hôm ngày 1 tháng 2, ông Thomas Reese tham gia buổi hội thảo nhằm thúc đẩy nhân quyền, tự do tôn giáo ở Việt Nam trong bối cảnh cơ quan hành pháp của tân tổng thống Donald Trump đang thi thành chính sách đối ngoại.

**********************

Công nhân đình công vì bị giảm thưởng (RFA, 10/02/2017)

Khoảng 1000 công nhân thuộc công ty TNHH May mặc Onewoo có nhà máy ở Cụm Công nghiệp Hà Lam xã Bình Phục, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam tiếp tục đình công sang ngày thứ hai. Số công nhân này bắt đầu nghỉ việc từ chiều hôm qua 9 tháng 2.

vn2

Công nhân Công ty may mặc Onewoo ngừng việc sáng 10/2/2017. Courtesy of tuoitre.vn

Lý do đình công được công nhân cho biết do bởi quyết định của công ty cho hạ mức trợ cấp và nhiều khoản khác xuống. Đồng thời cho biết nếu ai không đồng ý thì nghỉ việc.

Trả lời các phóng viên báo chí trong nước, một công nhân của công ty Onewoo cho biết mức trợ cấp trước đây được chia theo 5 cấp bậc, cao nhất là 600 ngàn/tháng và thấp nhất là 300 ngàn/tháng. Nhưng nay công ty thông báo hạ xuống còn 400 ngàn cho bậc cao nhất và 100 ngàn cho mức thấp nhất.

Theo một công nhân khác, qui định khắc khe nếu công nhân đi trễ 10 phút thì không được vào cổng và nếu nghỉ bệnh thì bị trừ lương gấp 3 lần. Ngay cả trường hợp xin nghỉ vì bệnh cũng rất khó khăn.

Những công nhân này cho biết họ còn bức xúc vì qui định thưởng lương tháng 13. Công nhân phải làm đủ 12 tháng, thiếu vài ngày cũng không được hưởng đủ, chỉ là nửa tháng, cách tính như những người làm 6 tháng.

Trả lời Báo Người Lao động, ông Phan Minh Á, phó chủ tịch thường trực Liên đoàn lao động tỉnh Quảng Nam cho biết chiều ngày 9 tháng 2, đại diện liên đoàn lao động huyện Thăng Bình có đến làm việc với công ty nhưng ban giám đốc điều hành vẫn giữ quyết định hạ mức trợ cấp.

Cũng theo ông Á, theo nghị định 153, yêu cầu của công nhân là hoàn toàn chính đáng.

Công ty Onewoo có 100% vốn đầu tư của Hàn Quốc, sản xuất các sản phẩm may mặc.

*****************

Việt Nam tiếp tục thực hiện cam kết TPP (RFA, 10/02/2017)

vn3

Trưởng đoàn đàm phán TPP từ Hoa Kỳ, Barbara Weisel (trái) và Việt Nam, Trần Quốc Khánh (phải) tham dự cuộc họp báo chung tại Singapore vào ngày 13 tháng ba năm 2013. AFP photo

Việt Nam vẫn tiếp tục thực hiện các cam kết đã đưa ra và cùng các thành viên của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương- TPP, thảo luận cho hướng phát triển tiếp theo sau khi Hoa Kỳ rút khỏi hiệp định TPP.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình, trả lời báo giới như vừa nêu trong cuộc họp báo vào ngày hôm qua.

Trước đó vào ngày thứ Tư 8 tháng 2, Bộ trưởng thương mại Úc ông Steven Ciobo nói rằng chỉ cần có vài thay đổi nhỏ trong hiệp định đồng ý để Mỹ rút lui. Ông Steven cho biết thêm giữa Australia và Nhật, Canada, Mexico, Malaysia, Singapore và New Zealand đã có cuộc nói chuyện về vấn đề này.

Tuy nhiên, Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nói rằng ông nhận thấy có 1 số nước bày tỏ lo lắng khi TPP không có mặt cường quốc có nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ.

Chỉ sau vài giờ nhậm chức vào ngày 20 tháng 1, Tân Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã thực hiện một trong những điều mà ông tuyên bố trong suốt thời gian vận động tranh cử, đó là hạ bút ký chấm dứt việc Hoa Kỳ tham gia Hiệp định Thương mại xuyên Thái Bình Dương. Như thế, tổng số các nước thành viên còn lại là 11 nước tham gia.

**********************

Việt Nam ngăn chặn "tự diễn biến" (RFA, 10/02/2017)

vn4

Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Tổng bí thư đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng tại Bắc Kinh hôm 13/1/2017. AFP photo

Chính phủ Việt Nam vừa ban hành Nghị quyết 25 với nội dung nêu rõ ‘tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, tự diễn biến, tự chuyển hoá trong nội bộ.’

Truyền thông trong nước loan tin cho biết chính phủ Hà Nội giao cho Bộ Công an, quốc phòng thực hiện và triển khai nghị quyết vừa nêu. Đây được cho là chương trình hành động của chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII.

Theo nghị quyết vừa ban hành thì Bộ Công an chủ trì nhiệm vụ bảo vệ an ninh chính trị nội bộ, phối hợp và làm tốt công tác quản lý chấn chỉnh hoạt động của báo chí, xuất bản.

Nghị quyết nêu rõ sẽ có biện pháp, hình thức xử lý phù hợp đối với những trường hợp cán bộ, công chức, viên chức bị cho là suy thoái, ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’.

Ngoài ra theo Nghị quyết 25 thì sẽ xử lý kịp thời, dứt điểm đơn thư kiến nghị , phản ánh, khiếu nại, tố cáo liên quan đến các biểu hiện ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ để thông báo ra công chúng.

Trong những năm gần đây có nhiều đảng viên nằm trong hệ thống bộ máy nhà nước Việt Nam công khai ra khỏi đảng vì nhận ra nhiều sai phạm của đảng và nhà nước.

Published in Việt Nam