Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

28/01/2019

Nhìn lại những cuộc cách mạng dân chủ trong 30 năm qua

Xuân Văn

Đã gần 30 năm trôi qua, từ khi bức tường Berlin sụp đổ và một loạt các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu chuyển sang dân chủ. Đa số những nước này nay đã trở thành những nước văn minh, phú cường. Một số nước như Estonia đang trở thành giàu có và sung túc ngang với các quốc gia dân chủ Nam Âu trước đó.

danchu1

Sau khi bức tường Berlin sụp đổ, một loạt các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu đã chuyển sang dân chủ. Ảnh minh họa

Nhưng những cuộc cách mạng tiếp theo đã không mang lại kết quả mong đợi. Cuộc cách mạng Cam của Ukraine đã chỉ đưa nước này vào tình trạng nội chiến và mất bán đảo Crimea. Các cuộc cách mạng mùa xuân ả-rập đã chỉ thay các chế độ độc tài cũ bằng những chính quyền hỗn hợp theo khuynh hướng độc tài, thậm chí một số còn cực đoan hơn trước. Thắng lợi của thủ lĩnh đối lập Aung San Suu Kyi tại Miến Điện cũng không làm nước này trở nên dân chủ hơn, người Hồi giáo ở đây còn bị quân đội gia tăng đàn áp. Cuộc chính biến tại Zimbabwe cũng không làm nước này trở thành dân chủ như được trông đợi.

Những gì xảy ra tại Venezuela hiện nay cũng là một ẩn số, tuy nhiên người viết cũng không lạc quan về trường hợp này.

Các ví dụ trên chỉ làm những chính quyền độc tài còn lại có thêm lý cớ để khẳng định lập trường, rằng dân chủ sẽ đưa đến hỗn loạn.

Vậy điều gì đã khiến các cuộc cách mạng thành công ở Đông Âu, nhưng thất bại ở các khu vực còn lại ?

danchu2

Bễ phun nước Tình hữu nghị giữa các dân tộc, Alexanplatz, Berlin, Đức

Câu trả lời là, các cuộc cách mạng ở Đông Âu đã được chuẩn bị tốt hơn những cuộc cách mạng sau này về mọi mặt.

Trước hết là về thời gian. Nhân dân Đông Âu đã đấu tranh đòi dân chủ ngay từ sau khi rơi vào quỹ đạo của Liên Xô cuối Thế Chiến thứ hai. Các cuộc nổi dậy ở Hungary, Tiệp Khắc, Ba Lan, v.v. trong những thập niên 50, 60 và 70, mặc dù bị các chính quyền địa phương và Liên Xô đàn áp thẳng tay, nhưng đã hun đúc được cả một thế hệ những nhà cách mạng lỗi lạc, những người sau này lãnh đạo thành công cuộc cách mạng dân chủ cuối thập niên 80.

Thứ hai là về đạo đức và văn hóa của những người làm cách mạng. Họ làm cách mạng vì mục đích tối thượng là tương lai của dân tộc, không phải vì chức tước bổng lộc sau này. Rất nhiều nhà cách mạng sau này đã không theo nghiệp chính trị mà chuyển sang công tác từ thiện, làm báo v.v. Chính vì vậy, họ đã tránh được xung đột cá nhân và không để chính quyền cài cắm chia rẽ.

Thứ ba là dự án chính trị của những nhà cách mạng. Mục đích của họ không phải chỉ là thay đổi chế độ, mà họ đã có viễn kiến xây dựng tương lai đất nước. Nhờ vậy, sau khi chuyển đổi thể chế, họ đã giảm thiểu được những tổn thất kinh tế và có điều kiện hội nhập nhanh và toàn diện vào thế giới các nước dân chủ.

Trong các nước có thể chế độc tài, các cuộc cách mạng sẽ xảy ra như một quy luật tất yếu. Một chính quyền độc tài giống như một cỗ máy không được bảo trì, sớm muộn nó sẽ hư hỏng và sẽ phải được thay bằng một chính quyền khác. Nhưng một cuộc cách mạng có mang đến một chính thể dân chủ, hay chỉ mang lại một chính quyền độc tài khác, phụ thuộc hoàn toàn vào việc chuẩn bị của những nhà cách mạng.

Những cuộc cách mạng được tổ chức công phu trong 40 năm, có kết quả khác hẳn những cuộc chính biến được chuẩn bị trong vài năm bởi một số người cơ hội...

Xuân Văn

(26/01/2019)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Xuân Văn
Read 909 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)