Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

02/10/2019

Trước một khúc quanh trọng đại

Việt Dân

Chủ nghĩa thực tiễn và những sai lầm.

Bức tường Berlin sụp đổ được xem như một dấu mốc quan trọng tiễn đưa chủ nghĩa cộng sản. Chỉ hai năm sau đó, ông Gorbachev, sau nhiều nỗ lực cải tổ đảng cộng sản và chế độ xã hội chủ nghĩa của Xô Viết không thành đã được thế giới nhìn nhận như một tác nhân quan trọng đưa đến sự giải tán của Liên Xô trong hòa bình. Gorbachev để lại câu nói “chủ nghĩa cộng sản không thể tự sửa đổi, chỉ có giải pháp là thay thế nó”. Thế giới đứng trước một khúc quanh trọng đại, phe dân chủ đã toàn thắng một cách áp đảo. Với sự lạc quan rằng dân chủ sẽ nhanh chóng quét sạch các chế độ độc tài còn sót lại, Fukuyama, một nhà chính trị học nổi tiếng đã cho ra đời quyển sách “The end of history”. Không thể lạc quan hơn! Dân chủ sẽ nhanh chóng lan toả tới tất cả các nước trên thế giới. Happy ending! Một kết cục có hậu để khép lại những cuộc thảo luận hay tranh cãi về chủ nghĩa, về ý thức hệ.

Cùng thời điểm, cuộc cách mạng internet và toàn cầu hoá bắt đầu đi lên cao trào. Các nước dân chủ phương Tây, trong sự hồ hởi và thắng thế của dân chủ đã chuyển dịch dần sang ưu tư phát triển kinh tế. “Economy, stupid!” khẩu hiệu tranh cử của Bill Clinton đặt mục tiêu phát triển kinh tế lên hàng đầu, trong khi đó tương đối hóa các giá trị dân chủ, nhân quyền trong biên giới quốc gia từng nước. Kể từ đó, một trật tự kinh tế toàn cầu được mở ra dưới sự lãnh đạo của Hoa Kì mà các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền, môi trường bị xem nhẹ. Các chính trị gia cầm đầu ngọn cờ “Chủ nghĩa tự do phóng khoáng” đã đặt cược vào việc chỉ cần kinh tế phát triển, hội nhập sâu hơn vào một thị trường toàn cầu thì các chế độ độc tài còn sót lại sẽ chuyển đổi về dân chủ, tự do theo một lẽ tự nhiên. Phương Tây dang tay chào đón những chế độ độc tài như Trung Quốc, Việt Nam…

Clinton1

“Economy, stupid!” khẩu hiệu tranh cử của Bill Clinton đặt mục tiêu phát triển kinh tế lên hàng đầu, trong khi đó tương đối hóa các giá trị dân chủ, nhân quyền trong biên giới quốc gia từng nước.

Một đặt cược thất bại…

Nhưng sau vài thập niên, các chế độ độc tài như Trung Quốc, Việt Nam đã mạnh lên về kinh tế nhưng không có dấu hiệu nào thể hiện rằng họ sẽ chuyển đổi về dân chủ. Tuyệt đại đa số người dân vẫn sống với mức thu nhập thấp, điều kiện sinh hoạt tồi tàn vì giá nhà đất hay chi phí sinh hoạt bị đẩy lên quá cao. Nghiêm trọng hơn là các chế độ độc tài đã lợi dụng và khai thác sự nghèo khó, môi trường để xuất khẩu hàng hoá giá rẻ ồ ạt. Của cải được tập trung vào một số ít những nhóm người quyền chức và tư bản đỏ thân hữu. Không những vậy, các nước độc tài như Trung Quốc còn có tham vọng bá quyền và ảnh hưởng ngược lại những giá trị dân chủ của phương Tây.

Quay ngược lại các nước khối dân chủ Mỹ và phương Tây, chính họ cũng rơi vào một cuộc khủng hoảng xã hội vì những tiến bộ công nghệ cũng như toàn cầu hoá dẫn đến công việc, máy móc được di dời sang nhưng nước lợi hơn về mặt chi phí, môi trường như Trung Quốc, Việt Nam…Cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 càng làm trầm trọng thêm nỗi lo của một nền kinh tế và chính trị đã bị tài chính hoá và đẩy đi quá xa khỏi những giá trị đạo đức.

Những tiếng nói hẹp hòi và chủ nghĩa dân tuý bùng phát lên. Tiêu biểu ở nước Mỹ, đã có rất nhiều bài viết bình luận về những vùng mà người dân vốn quen với những công việc trong các lãnh vực kinh tế truyền thống của Mỹ. Những người đàn ông, mà mới chỉ vài thập niên trước, thế hệ cha anh họ được xem là những công dân gương mẫu đóng góp vào sự phồn vinh cho nước Mỹ thì nay họ chật vật về mặt cảm xúc khi lặng lẽ nhìn những nhà máy đóng cửa dần. Họ phải làm những công việc không muốn làm, hoặc thất nghiệp hay chỉ đơn giản là sa vào những chất kích thích để quên đi một thực tại nhức nhối rằng nước Mỹ này không còn giấc mơ nào cho họ nữa. Và Trump chỉ là biểu hiện cho cơn giận, nỗi uất ức của họ!

Trong bài phỏng vấn về chủ nghĩa tự do phóng khoáng, giáo sư Michael Sandel cho rằng chủ nghĩa tự do phóng khoáng, hay có thể hiểu là chủ nghĩa thực tiễn (lấy các lợi ích ngắn hạn, cụ thể là kinh tế làm cứu cánh và tương đối hóa các giá trị tự do, dân chủ, nhân quyền trong biên giới quốc gia để tránh gây xung đột, dù với giá nào) đã làm suy yếu nền chính trị Mỹ. Tệ hại hơn, các giá trị đạo đức và các thảo luận sâu rộng về quyền công dân, về chính trị đã vắng bóng trong nhiều thập niên qua. Michael Sandel sốc nhưng không bất ngờ với việc Donald Trump lên nắm quyền tổng thống của nước Mỹ. Chính trị mấy thập niên qua đã đánh mất đi các giá trị đạo đức, hậu quả dẫn đến là các giá trị xã hội và bánh xe kinh tế thị trường đi trật đường ray. Trump là biểu hiện của những người cảm thấy bị bỏ lại trong một xã hội thay đổi quá nhanh, từ kinh tế đến các giá trị xã hội, Trump là cơn giận của họ!

Nhưng Trump không phải và không thể là giải pháp cho nước Mỹ. Người ta có thể tức giận trước một thực tại không vừa ý nhưng không thể tìm giải pháp ở trong cơn giận đó. Donald Trump có thể nói rằng Trung Quốc đang không công bằng trong cán cân thương mại với Hoa Kì. Vậy chúng ta phải hiểu cứu cánh của hành động này là ưu tư về lợi ích kinh tế cho nước Mỹ. Nhưng điều này sẽ không thể thành công vì Trung Quốc hiện nay là một nước độc tài toàn trị, khối hơn 100 triệu người dân bóc lột hơn 1 tỷ dân còn lại, cùng với tài nguyên, môi trường để xuất khẩu thật nhiều hàng hoá giá rẻ. Vậy ta phải hiểu việc chống Trung Quốc tức là chống chế độ độc tài cộng sản Trung Quốc và thăng tiến dân chủ, nhân quyền cho người dân Trung Quốc. Thế giới đang có những biến chuyển nhanh chóng. Các vấn đề lớn như việc quản lý những siêu công ty toàn cầu một cách hợp lý, nạn nhân mãn hay biến đổi khí hậu là những vấn đề chung mà chỉ có sự đồng thuận toàn cầu mới có thể giải quyết được, biên giới quốc gia không còn là một giải pháp đủ nữa. Cùng một vấn đề về thảm họa môi trường hay sự bóc lột dã man đối với những công nhân Trung Quốc, Việt Nam sẽ bằng cách này hay cách khác ảnh hưởng lên thế giới trong một chuỗi cung ứng toàn cầu đan xen lẫn nhau. Cũng may là các nước dân chủ đã bừng tỉnh, sau nhiều thập niên theo đuổi chủ nghĩa thực tiễn và chủ nghĩa tự do phóng khoáng.

Trước một khúc quanh…

Có rất nhiều triển vọng Trump sẽ thất cử vào năm 2020 và Trung Quốc đang bộc lộ rất nhiều dấu hiệu khủng hoảng về kinh tế, với một khối nợ quá lớn hơn 300% GDP và sự kiệt quệ về con người, môi trưởng sau nhiều năm chọn sự phát triển một cách hoang dại. Đảng cộng sản Việt Nam đang đứng trước một khúc quanh lớn. Nhưng với quyết định nào thì họ cũng sắp thuộc vào lịch sử sau những tội ác và sai lầm liên tiếp đã gây ra. Tôi viết bài này trong suy nghĩ rằng, chúng ta đang đứng trước một khúc quanh nhưng làm sao để vượt lên trên lịch sử để không bị nó xô đẩy và người Việt có thể làm chủ được vận mệnh của chính mình. Làm sao để có thể chuyển hoá đất nước về dân chủ đa nguyên trong hòa bình, làm lại đất nước trên tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc?

Đây là một câu hỏi lớn mỗi người cần phải thực tâm hỏi chính mình. Chỉ khi nào hiểu được sâu sắc sức mạnh của lẽ phải, lòng tin rằng mình tranh đấu cho đất nước vì trước hết mình yêu đất nước, yêu con người Việt Nam, vì chúng ta muốn một tương lai đáng mơ ước cho người Việt. Nếu yêu người như thế, thì như một lẽ tự nhiên chúng ta sẽ có niềm tin vào việc tranh đấu chính trị nhất thiết phải là tranh đấu có tổ chức, hợp quần sẽ tạo nên sức mạnh. Chúng ta cần phải vượt lên chính những thực tại mình đang thuộc vào và tâm lý mình đã hằn sâu để tạo ra một sinh khí mới, một sự lạc quan mới trong cuộc tranh đấu này.

Việt Dân (2/10/2019)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Dân
Read 871 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)