Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

20/01/2020

Ruộng ngô cay đắng

Sơn Dương

Dân gian vẫn nói ‘đắp chăn mới biết chăn có rận’ nên khó có ai hiểu phương pháp hành động (modus operandi) của Đảng cộng sản Việt Nam hơn chính các đảng viên đã được rèn luyện trong guồng máy đảng. Nhưng quan sát những biến động thời sự gần đây, người ta thêm tối mặt. Thật vậy, từ việc xử lý các quan chức tham nhũng đến vụ công an tập kích xã Đồng Tâm ngày 9/1/20, đã thể hiện hai thái độ khác nhau của đảng viên. Trong khi các quan chức cộng sản như Trịnh Xuân Thanh, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Vũ Nhôm… trước tòa án đã công khai xin lỗi ông tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, công khai xin ông Trọng tha thứ cho về gặp mặt gia đình, thì ông Lê Đình Kình có 50 tuổi đảng thà bị bắn chết trong tay ‘cầm quả lựu đạn’ chứ không chịu giao đất !!!

Chỉ có một cách giải thích cho hai tình trạng đối nghịch này.

uc1

Với một đảng viên có hơn 50 tuổi đảng như ông Lê Đình Kình, cũng vì quá hiểu rõ đảng của mình, đã thà chết trong tư thế ‘cầm lựu đạn’ sau khi đã kêu gào chán chê lên công an và các tòa án xin đối thoại chỉ vô ích.

Với những quan chức tham nhũng, ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng mới là quan Chánh án Tối cao của nhân dân Việt Nam trên cả nước. Họ phải xin ông này khoan hồng tha thứ chứ dựa vào tính công bằng của nền Pháp quyền xã hội chủ nghĩa chỉ là sự ngớ ngẩn chết người. Nhưng với đảng viên có hơn 50 tuổi đảng như ông Lê Đình Kình, cũng vì quá hiểu rõ đảng của mình, đã thà chết trong tư thế ‘cầm lựu đạn’ sau khi đã kêu gào chán chê lên công an và các tòa án xin đối thoại chỉ vô ích.

Sự độc quyền thông tin và bưng bít thông tin của nhà cầm quyền đã góp phần gây ra phân cực trong công luận về vụ án Đồng Tâm. Thời đại internet cho phép mọi người tiếp cận thông tin đa chiều, nhưng nhà cầm quyền đã ra sức cản trở sự thông tin đa chiều trên internet về đêm tập kích xã Đồng Tâm. Công an đã không cho phép bất cứ một tổ chức hay cá nhân độc lập nào được tìm hiểu, điều tra, phỏng vấn, tường trình về phía nạn nhân ngoài sự chỉ đạo của họ. Sự ngăn cản này tự nó đã tố cáo sự khuất tất. Xem ra trong thời đại thông tin toàn cầu, Đảng cộng sản Việt Nam vẫn chưa hiểu sự độc quyền thông tin của đảng đã đến hồi cáo chung. Họ vẫn bình chân như vại và dương dương tự đắc với những phương pháp bạo lực truyền thống có từ thời trong hang Pác Bó. Nhưng thời đại thông tin toàn cầu đã khác rồi. Khi một thông tin từ một bên can dự, dù đó là phía nhà cầm quyền, công an, hung thủ hay nạn nhân mà không có sự đối chứng, kiểm tra, chất vấn từ một tổ chức, cơ quan truyền thông độc lập, bản tin đó sẽ không tránh khỏi bị nghi ngờ từ phía những người thụ hưởng nền thông tin toàn cầu. Ngay trong đêm tập kích Đồng Tâm công an đã ngắt điện, phá sóng và khóa mọi phương tiện thông tin điện tử của người làng Đồng Tâm, và sau cuộc tập kích, chỉ có nhà cầm quyền độc quyền tuyên bố kết quả. Một tướng công an sau đó làm na ná giống như Nguyễn Trãi viết một bài ‘Bình Ngô Đại Cáo’ khi xưa làm báo cáo lên các báo, đài của nhà cầm quyền! Bản báo cáo có nhiều lỗ thủng còn hơn tổ ong đã được các trang mạng xã hội ngoài luồng vạch ra sự bất nhất trong các chi tiết.

Nhưng bài viết ở đây không nhằm ‘bôi bác xuyên tạc nhà nước’ mà là thử nêu lên sự khác biệt trong ‘tinh thần pháp luật’ (the Spirit of Law) của cái gọi là nhà nước Pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nền dân chủ pháp trị của một chính quyền tiên tiến ở Châu Úc.

Thường thì luật pháp được nói là chỉ có lý chứ không có tình. Tình nếu có, chỉ để làm sáng thêm cái lý. Nhưng dân gian cũng nói, mọi chuyện phải được giải quyết có lý và có tình. Tình ở đây là tình người. Luật cưỡng chế đất đai của , Đảng cộng sản Việt Nam chỉ có lý và chỉ có bạo lực trấn áp tối đa để thể hiện cái lý. Tinh lý của Pháp quyền Xã hội chủ nghĩa là đất đai thuộc quyền ‘sở hữu của toàn dân’, tức là thuộc về đảng vì tuyên giáo của đảng vẫn rền rỉ đảng và nhân dân là một. Luật đã rành rành như thế ai chống lại sẽ bị tập kích như ở Đồng Tâm. Nhưng luật cưỡng chế đất đai của một nước dân chủ như Úc Đại Lợi không phải có lý mà thôi. Nó còn có tình, đôi khi cái tình thuyết phục được luôn cái lý.

Cuốn phim "The Castle" của Úc trình chiếu năm 1977 đã trở thành kinh điển trong dân gian và cho tới nay người dân vẫn còn trích dẫn những câu nói của phim này trong đời sống thường ngày. Ngắn gọn, phim này nói về luật cưỡng chế đất đai của Úc (Property acquisition law) qua vụ kiện của ông Darryl Kerrigan với một tập đoàn khai thác địa ốc được tòa án tiểu bang Victoria hậu thuẫn.

uc2

Cuốn phim "The Castle" trình chiếu năm 1977 kể lại việc thu hồi đất đai của gia đình ông Dale Kerrigan tại Úc. Ảnh minh họa

Tài xế xe kéo Darryl Kerrigan và gia đình 3 người con sở hữu miếng đất nhỏ trong vùng ngoại ô ở Melbourne. Không may nhà nước và một tập đoàn khai thác địa ốc có kế hoạch nới rộng một phi trường nội địa trong khu vực và tiến hành thu đạt mặt bằng. Ông Kerrigan cực lực phản đối và không chịu giao đất vì hai lý do. Số tiền bồi thường không đủ để ông mua một căn nhà khác tương đương và lý luận rằng giá trị một căn nhà không phải là đá gạch, cột kèo… mà là mái ấm gia đình (a home is not a house), nơi có tình yêu của vợ chồng và con cái dưới mái nhà, là những kỷ niệm gia đình mà không có tiền của nào mua được. Vụ việc được ông Kerrigan đưa ra tòa. Tòa phán Kerrigan thua kiện và phải giao đất. Tình cờ trong lúc ‘giải lao’ chờ đợi phán quyết của tòa, Darryl quen được ông Lawrence Hammil mà Darryl sau này mới biết là một trạng sư về luật hiến pháp đã về hưu. Cám cảnh nỗi đau buồn của Darryl, trạng sư Hammil tình nguyện biện hộ miễn phí cho Darryl và đưa vụ án lên Tòa Tối Cao Pháp Viện của Úc (High Court, có quyền phủ quyết các án lệnh của tòa thượng thẩm cấp tiểu bang). Ông Hammil đã thắng kiện vẻ vang vì gợi ý được các quan tòa áo đỏ về sự thiếu cân nhắc của các tòa cấp dưới liên quan đến điều luật cưỡng chế đất đai của liên bang khi bỏ qua hai từ ngữ đơn giản ‘just terms’ có ghi rành rành trong luật của chính quyền liên bang.

Luật cưỡng chế tài sản của Úc ghi :

"The Parliament shall, subject to this Constitution, have power to make laws with respect to the acquisition of property on just terms from any State or person for any purpose in respect of which the Parliament has power to make laws".

(Tạm dịch : Quốc hội Liên bang sẽ, chiếu theo Hiến Pháp, có quyền làm luật trên mọi tiểu bang hay cá nhân cho bất cứ mục đích nào liên quan đến sự cưỡng chế tài sản ‘một cách có cân nhắc’ xét theo quyền làm luật của Quốc hội).

uc3

Bộ đội xây tường bảo vệ 'sân bay Miếu Môn' - Ảnh minh họa vụ cưỡng chế đất đai ở Đồng Tâm đã không có sự cân nhắc lý, tình và sự tự tế nào của nhà cầm quyền. Nó chỉ có ‘just kill’ và ‘shut up’.

Điều luật này cho thấy hai vế : Một, nó cho phép chính quyền cưỡng chế tài sản vì một mục đích nào đó. Hai, nhưng nó chỉ cho phép sự cưỡng chế tài sản xảy ra sau khi đã có sự cân nhắc : lý, tình, và tử tế mà thôi.

‘Just terms’ rất khó dịch nhưng trong ngữ cảnh pháp lý này qua cách diễn đạt của trạng sư Hammil đã lập đi lập lại từ ‘just terms’để nó ray rứt, thôi thúc sự cân nhắc của các thẩm phán và nhất là thuyết phục rằng : ‘điều luật này không thể ghi ra từ ‘just terms’ mà không có một mục đích chuyên chở nào từ các nhà lập pháp liên bang. Phải chăng nó ngầm ý nhắn nhủ các tòa án tiểu bang phải cân nhắc thấu đáo, lý tình và tử tế khi ban lệnh cưỡng chế tài sản của người dân ?’.

Đặc biệt, trạng sư Hammil đã tài ba thuyết phục trước tòa tình cảm của ông Darryl khiến các thẩm phán cảm động : ‘Mái ấm gia đình không phải là đống gạch đá vô tri vô giác mà người ta mua bán, sang nhượng hay cưỡng chế được, mà nó là tình yêu gia đình, nó là kỷ niệm. Bất cứ tiểu bang nào không đắn đo về ‘just terms’ khi cho phép sự cưỡng chế sẽ không tránh khỏi sự quá đáng.

So sánh vụ kiện của ông Kerrigan, tinh thần pháp luật của nền ‘pháp quyền xã hội chủ nghĩa’ chỉ nhằm bảo vệ chế độ độc tài chứ không phải để bảo vệ con người và tôn trọng quyền con người của nền dân chủ pháp trị lấy dân làm gốc.

Vụ cưỡng chế đất đai ở Đồng Tâm đã không có sự cân nhắc lý, tình và sự tự tế nào của nhà cầm quyền. Nó chỉ có ‘just kill’ và ‘shut up’.

Nhìn người mà ngẫm đến ta, có sự cay đắng nào kể xiết.

Sơn Dương

(20/1/2020)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Sơn Dương
Read 947 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)