Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

29/02/2020

Vài suy nghĩ về phát biểu của ông Putin

Yến Vương

Ngày 22/1 vừa qua, tại thành phố Lipetsk, tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu : "Để chế độ cộng hòa nghị viện hoạt động hiệu quả, cần có cơ cấu chính trị phát triển trong một thời gian dài" (*). Sa Hoàng thế kỷ 21 nhấn mạnh hai điểm trong bài nói :

Một là, muốn chế độ cộng hòa nghị viện, hay còn gọi là dân chủ đại nghị, hoạt động hiệu quả, thì cần phải có một cơ cấu chính trị phát triển trong thời gian dài và nước Nga chưa có điều đó, Putin nhận định như vậy khi so sánh các tổ chức chính trị (đảng phái) Châu Âu với các tổ chức chính trị Nga.

Hai là, Putin lưu ý mọi người rằng có những nước phương Tây cũng không ổn với chế độ đại nghị.

Trước hết, tôi biết là nhiều bạn dị ứng với Putin và nếu cái chế độ trông như băng mafia có bom hạt nhân, đang xưng hùng xưng bá ở Trung Đông và miền Đông Ukraine của ông ta sụp đổ thì các bạn sẽ mở tiệc ăn mừng. Nhưng tôi phải nói với các bạn rằng Putin phát biểu như vậy không hề sai chút nào !

putin

Tổng thống Nga Vladimir Putin - Ảnh minh họa

Thật sự những gì ông nói không hề sai. Tuy nhiên, Putin đã cố ý chỉ nói tới đó thôi mà không nói thêm những điều cần được nói.

Có những điều đúng nhưng nếu không được giải thích thêm thì sẽ khiến người nghe hiểu sai. Đây là một trường hợp.

Chế độ dân chủ đại nghị đúng là có một khuyết điểm :

Nếu toàn bộ hoặc hầu hết nghị viện được bầu theo thể thức đại diện tỷ lệ, nó sẽ tạo ra một nghị viện gồm nhiều tổ chức nắm giữ nhiều phần ghế lẻ tẻ, và gần như không bao giờ có thể có một đảng phái nào chiếm đa số tuyệt đối. Tình trạng này, tiếng Anh gọi là "Hung Parliament" (Quốc hội của thiểu số).

Trong chế độ này, chính phủ có thể bị thay thế bất cứ lúc nào khi hơn 50% nghị viện không đồng ý với chính phủ. Do đó, khi rơi vào trường hợp nói trên, chính phủ trở nên thiếu ổn vững, thường xuyên thay đổi.

Tuy vậy cũng không phải là quá tệ. Chế độ đại nghị, dù rơi vào tình trạng này, cũng ăn đứt mọi chế độ độc tài (kể cả chế độ mafia của Putin).

Vả lại, nếu sợ rơi vào tình trạng đó thì chỉ cần để cho toàn bộ hoặc hầu hết nghị viện bầu theo thể thức đơn danh, một vòng (first past the post) là xong. Kinh nghiệm cho thấy làm như vậy sẽ tạo ra một nghị viện có một tổ chức nắm đa số tuyệt đối.

Cũng cần lưu ý một điều.

Nếu không có ít nhất một tổ chức chính trị thực thụ, nghĩa là có lý tưởng rõ rệt và có đội ngũ cán bộ nòng cốt, thì dù có áp dụng kiểu bầu cử nào, rất có thể kết quả bầu cử vẫn sẽ cho ra một Hung Parliament trên thực tế.

Một tổ chức không có lý tưởng hoặc không có đội ngũ cán bộ nòng cốt thì tự nó đã chia rẽ rồi. Dù nó có chiếm đa số tuyệt đối trong nghị viện, tự nó cũng làm nghị viện chia rẽ và khiến chính phủ lao đao.

Pháp trước đây theo chế độ dân chủ đại nghị đã từng có một Hung Parliament vì áp dung thể thức bầu theo tỷ lệ. Hàn Quốc cũng từng áp dụng chế độ đại nghị và có một Hung Parliament trên thực tế vì thực tế ở Hàn không có tổ chức chính trị đúng nghĩa.

Các nước này và các nước Châu Mỹ La-tinh đã vì vậy mà bỏ qua chế độ dân chủ đại nghị.

Các nước Châu Mỹ La-tinh chọn chế độ tổng thống, với kết quả như ta đã thấy là rất nhiều những vụ lạm quyền, thậm chí tổng thống xóa bỏ chế độ dân chủ để trở thành nhà độc tài cá nhân.

Hàn Quốc cũng chọn chế độ tổng thống nhưng họ có phần sáng suốt hơn khi cố giảm quyền lực tổng thống.
Ở Mỹ, nếu tổng thống phủ quyết một đạo luật, thì cần tới 2/3 tổng số nghị sĩ của hai viện để có thể bỏ qua sự phủ quyết đó và Quốc hội mới có thể tự ban hành đạo luật.

Ở Hàn Quốc chỉ cần 2/3 số nghị sĩ CÓ MẶT TẠI CUỘC HỌP (cần hơn một nửa tổng số nghị sĩ quốc hội để tổ chức một phiên họp quốc hội) là có thể bỏ qua sự phủ quyết của tổng thống.

Dầu vậy, các vụ tổng thống Hàn lạm quyền trong lịch sử cũng không ít. Chúng ta vừa chứng kiến một tổng thống Hàn ngồi tù đó thôi.

Nước Pháp tạo ra chế độ bán tổng thống để thay thế chế độ dân chủ đại nghị.

Vấn đề của họ là tổng thống Pháp vẫn có quá nhiều quyền hành và lại thường hay đối đầu với thủ tướng do một Quốc hội của đối lập bầu lên (kinh nghiệm cho thấy cử tri thường bầu tổng thống thuộc một tổ chức nào đó rồi 2 hoặc vài năm sau lại bầu ra một Quốc hội do một tổ chức khác nắm đa số).

Từ đầu thập niên 2000, nước Pháp tổ chức bầu cử quốc hội sát ngay sau cuộc bầu cử tổng thống. Ý đồ của việc này là nhân lúc cử tri chưa thay đổi ý kiến sau cuộc bầu cử tổng thống thì cho họ bầu quốc hội luôn, họ sẽ bầu ra một quốc hội do tổ chức của tổng thống nắm đa số, khỏi rơi vào tình trạng tổng thống đảng này, quốc hội và thủ tướng đảng nọ.

Mọi chuyện diễn ra y như vậy. Có điều hậu quả là giờ đây muốn làm dân biểu thì phải dựa vào uy tín của tổng thống cho nên Pháp trên thực tế trở thành chế độ tổng thống.

Sau khi Liên Xô sụp đổ, người ta cũng đã tranh luận về việc nên có một tổng thống với đầy quyền lực hay một tổng thống chịu nhiều kiểm soát từ một quốc hội mạnh.

Kết quả là Boris Yeltsin cùng với đám quân sĩ mù quáng của ông ta đã dùng vũ lực để ép quốc hội phải nhượng bộ. Sau đó người ta phải chấp nhận một chế độ gần như chế độ tổng thống, trong đó tổng thống được bầu trực tiếp từ cử tri và một thủ tướng do tổng thống chọn sau khi đạt được đồng thuận với hạ viện, tuy nhiên việc gì của thủ tướng thì tổng thống cũng mó vào.

Chế độ này gần như là chế độ tổng thống. Cộng thêm văn hóa vốn chẳng có gì là dân chủ của người Nga, cuối cùng chúng ta có chế độ mafia của Putin.

Chặng đường để Putin trở thành một Sa hoàng kiểu mới không khó.

Trước hết ông ta cần đắc cử tổng thống, dĩ nhiên.

Có những hạn chế của chế độ dân chủ tổng thống khiến cho "mọi người đều bình đẳng nhưng có một số người bình đẳng hơn những người khác". Nếu bạn muốn trở thành dân biểu ? Bạn có thể ra ứng cử trong đơn vị bầu cử của bạn. Đơn vị bầu cử thường chỉ lớn bằng một huyện và cử tri trong đơn vị biết bạn là ai, bạn cũng dễ dàng giới thiệu mình với mọi người.

Nhưng nếu bạn muốn trở thành tổng thống thì bạn phải giới thiệu mình với cả một nước. Trừ khi bạn vốn đã rất nổi tiếng, còn không thì bạn sẽ phải tiêu một gia tài cho truyền thông. Ở Mỹ, con số này lên tới hàng trăm triệu USD. Thực tế là từ nửa sau thế kỷ 20 tới nay, trừ Eisenhower là một anh hùng trong chiến tranh đã nổi tiếng sẵn, các tổng thống Mỹ đều hoặc là người giàu, hoặc phải nhờ tới sự hỗ trợ của người giàu.

Putin được giới tư bản đỏ Nga hỗ trợ nên không thiếu tiền và còn được ngài tổng thống có họ hàng với Lưu Linh là Yeltsin ủng hộ nữa.

Sau khi đắc cử tổng thống, Putin kiếm cớ cấm một số ứng viên tổng thống mà ông và phe cánh của ông cho là có khả năng đắc cử. Ai cứng đầu thì họ xử lý theo kiểu xã hội đen.

Chuyện này xảy ra nhiều lần trong một thời gian dài rồi, hẳn có rất nhiều người Nga biết vì dù sao Putin cũng không cấm đoán tự do ngôn luận. Thế nhưng người ta vẫn bầu cho Putin.

Một lý do là vì những ứng viên tổng thống có tư cách và khả năng đều bị cấm ra tranh cử, người ta thấy chỉ có Putin là khá nhất, nhưng cũng có một lý do khác là vì văn hóa bạo lực của Nga. Ở Nga, đa số thanh niên xăm mình và hình mẫu lý tưởng của chúng là những huyền thoại trong giới "vor" (những sát thủ, lính đánh thuê, mafia nổi tiếng). Trước đây, nếu một vor phát hiện bạn xăm một hình xăm mà đáng lẽ bạn không có quyền có (hình xăm của vor có quy tắc riêng), bạn có thể mất luôn miếng da có hình xăm. Nhưng bây giờ thì không sao cả. Xã hội Nga tràn ngập bọn lưu manh, côn đồ, bất cứ chủ công ty nào cũng có thể là một tên mafia, bất cứ vùng nào cũng có quan chức cấu kết với tội phạm để trục lợi, và nếu bạn làm cho một công ty vệ sĩ thì chuyện bạn phải đi hộ tống một bố già mafia là hiển nhiên, có khi ngược lại, quan chức nhà nước nhờ mafia bảo vệ cho mình. Tên của bạn nằm ở hàng đầu danh sách truy nã của FBI ? Hãy tới Nga, và bạn sẽ thoải mái uống vodka ngoài trời, nhớ mời những "thủ lĩnh" địa phương tới uống cùng để xây dựng quan hệ. Văn hóa mafia bám rễ vào văn hóa Nga tới mức người ta không thể phân biệt được đâu là tội phạm đâu là người lương thiện. Bọn tội phạm vẫn sợ chính quyền, nhưng không phải vì chính quyền bảo vệ công lý, mà vì chính quyền là băng đảng mạnh nhất. Sống trong một đất nước đã tha hóa như vậy, với người Nga, việc ngài tổng thống vĩ đại triệt tiêu vài đối thủ chính trị là chuyện chấp nhận được.

Người Nga đã quen cách hành xử bạo lực, và họ cũng rất thích những lãnh đạo mạnh mẽ (hay độc đoán). Người Anh xếp loại người Nga vào nhóm chủng tộc Slavs. Từ Slavs có gốc là từ slave - nô lệ - mà ra, bởi vì họ thấy giống dân này nô dịch lẫn nhau và văn hóa của họ là văn hóa nô lệ.

Kẻ nô lệ ở Nga thời đó kính sợ kẻ có quyền lực…

Người Nga thời nay thích kẻ cầm quyền độc đoán. Đó không phải là điều ngẫu nhiên.

Gần đây người Nga ngày càng bất mãn với Putin và phe cánh. Đảng Nước Nga Thống Nhất của Putin đã thất cử ở nhiều địa phương. Trước tình hình đó, Putin muốn làm một cuộc cải tổ nhưng không quên nhấn mạnh rằng chế độ nghị viện không phù hợp với Nga.

Vâng, chế độ tổng thống coi bộ rất phù hợp với một dân tộc mang trong mình văn hóa bạo lực và văn hóa nô lệ như dân tộc Nga. Và nó còn hợp hơn nữa với những tay mafia chính trị như Putin.

Và có lẽ nó cũng rất hợp với một dân tộc sống cạnh Biển Đông cũng rất bạo lực, cũng làm nô lệ trong hàng ngàn năm và hiện đang làm nô lệ. Dân tộc đó cũng có rất nhiều băng mafia chính trị đang bị bắt chẹt bởi những trí thức chính trị trong nước và áp lực dân chủ quốc tế, buộc họ phải chấm dứt chế độ cộng sản của họ. Về lý thuyết thì họ không thể chống lại hai áp lực này cùng lúc được, và trong một tương lai rất gần đây thôi họ sẽ phải nhượng bộ. Nhưng nhượng bộ không có nghĩa là hoàn toàn đầu hàng. Họ đã từng ca ngợi Putin và cũng sẽ rất tiện cho họ nếu họ học theo Putin để che mắt thế giới và quần chúng.

Yến Vương

Thành viên THDCĐN (29/02/2020)

(*) https://europe.easybranches.com/hungary/2011703

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Yến Vương
Read 1319 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)