Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Published in

Quan điểm

20/02/2020

Dịch cúm Vũ Hán, cơ hội để thế giới cô lập Trung Quốc

Việt Hoàng

Virus corona đang hoàng hành tại Trung Quốc hơn hai tháng qua vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Số người chết đã lên đến hơn 2.000 người với gần 75.000 ca nhiễm. Việc phong tỏa Vũ Hán và các thành phố khác tại Trung Quốc gây nên nhiều cảnh hỗn loạn chưa từng thấy.

Người dân Trung Quốc hoang mang và phẫn nộ trước nhiều cái chết thương tâm như cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng. Ông là một trong tám bác sĩ cảnh báo sớm về virus COVID-19 ngay từ cuối tháng 12/2019. Vài ngày sau đó ông bị công an mời lên đồn và bắt phải ký vào bản nhận tội “tuyên truyền sai sự thật, gây hoang mang cho người dân”. Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng đã khiến quần chúng tức giận, trong đó có nhiều người là trí thức và nghệ sĩ nổi tiếng Trung Quốc.

lyvanluong1

Bác sĩ Lý Văn Lượng, người cảnh báo sớm về dịch cúm corona đã qua đời vì lây nhiễm do virut COVID-19

Không chỉ bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời vì nhiễm bệnh mà ngay cả bác sĩ, giám đốc bệnh viện Vũ Hán cũng vừa qua đời do virus COVID-19. Đạo diễn Thường Khải ở Vũ Hán cũng đã tử vong cùng cả gia đình gồm bố mẹ và chị gái khi tự cách ly tại nhà. Theo báo chí thì có hơn 3.000 nhân viên y tế tại Vũ Hán đã bị lây nhiễm virus corona trong khi điều trị cho các bệnh nhân. Gần 800 triệu người Trung Quốc nằm trong khu vực giới hạn đi lại trong đó có Bắc Kinh và Thượng Hải. Hiện đã có hơn 80 quốc gia trên thế giới cấm hoặc hạn chế người Trung Quốc nhập cảnh.

Do dịch cúm Vũ Hán vẫn tiếp diễn nên chưa có con số thống kê về thiệt hại của Trung Quốc do virus corona gây ra tuy nhiên ngay từ bây giờ chúng ta cũng có thể hình dung được sự tổn thất to lớn cho nền kinh tế của Trung Quốc, đại công xưởng của thế giới. Nhiều nhà máy phải đóng cửa trong đó có các nhà máy ô tô. Foxconn, nhà máy sản xuất của Apple, cũng tạm dừng sản xuất. Không chỉ tại Trung Quốc mà nhiều công ty ở bên ngoài cũng bị ảnh hưởng do thiếu nguồn nguyên vật liệu được sản xuất tại Trung Quốc.

Nhân đây, tôi muốn đề cập một chút đến phong trào toàn cầu hóa, đó là việc các công ty lớn tại các nước phát triển di dời các nhà máy hãng xưởng sang các nước đang phát triển nhằm giảm chi phí sản xuất. Đây là trào lưu không thể đảo ngược vì nó hoàn toàn hợp lý. Trung Quốc được chọn làm công xưởng của thế giới vì có một tài nguyên khổng lồ, đó là dân số với hơn 1,4 tỉ người. Nếu Trung Quốc là một nước dân chủ thì không có gì để nói, họ sẽ phát triển và thăng tiến trong bền vững. Tuy nhiên Trung Quốc là một nước độc tài, càng hùng mạnh thì họ càng trở thành mối lo ngại cho hòa bình thế giới khi lãnh đạo Trung Quốc ngày càng công khai bày tỏ tham vọng bá chủ thế giới, ví dụ việc gia tăng chi tiêu ngày càng lớn cho quân sự.

Một Trung Quốc lớn mạnh nhưng vẫn từ chối các giá trị về dân chủ và nhân quyền đã trở thành mối đe dọa chung cho tất cả các nước dân chủ chứ không riêng gì Mỹ. Kìm hãm, bao vây và cô lập Trung Quốc là hành động tự vệ bắt buộc của các nước dân chủ. Nước Nga của Putin cũng bị cấm vận và cô lập sau khi dùng vũ lực sát nhập bán đảo Krime của Ukraine vào lãnh thổ Nga. TPP (Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương) ra đời là nhằm mục đích bao vây và cô lập Trung Quốc. Đáng tiếc là hiệp ước đó đã bị Donald Trump xé bỏ. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung do Trump phát động chỉ gây ồn ào và mang tính mị dân chứ không có hiệu quả là bao.

TMaiMyTrung2

Trong năm 2018 (một năm sau cuộc chiến thương mại), thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lập kỷ lục với 419,2 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm, kể từ năm 2008.

Như chúng ta đều biết thâm thủng thương mại của Mỹ với Trung Quốc vào khoảng 300-350 tỉ USD mỗi năm và Trump cho rằng đây là sự “bất công” đối với Mỹ vì thế ông ta đã châm ngòi cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nhằm cân bằng thâm thủng thương mại giữa hai nước. Sự thật không giản dị như vậy. Trong năm 2018 (một năm sau cuộc chiến thương mại), thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lập kỷ lục với 419,2 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm, kể từ năm 2008. Xuất khẩu hàng hóa Mỹ sang Trung Quốc giảm 9,6 tỷ USD, trong khi nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ tăng 34 tỷ USD. Sau 18 tháng, cuối cùng Trump cũng phải ký “hòa ước” đình chiến chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Tại sao như vậy? Trước chiến tranh thương mại, mỗi năm Trung Quốc mua của Mỹ khoảng 200 tỉ USD các loại hàng hóa thì 100% các loại hàng hóa đó là của Mỹ. Trong khi đó hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, thì có đến hơn 50% là hàng hóa của các công ty Mỹ sản xuất tại Trung Quốc. Apple là một ví dụ. Một chiếc điện thoại iPhone sản xuất ở Trung Quốc với giá khoảng 240 USD, trong đó Trung Quốc chỉ nhận được 8,46 USD, số còn lại chia đều cho các công ty Mỹ, Nhật, Hàn, Đài Loan. Mỗi cái điện thoại, Apple đút túi gần 300 USD. 50% hàng hóa còn lại là những mặt hàng gia dụng và tiêu dùng thiết yếu mà người Mỹ bắt buộc phải mua. Kết quả là dù Trump có đánh thuế bao nhiêu trên hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu thì thâm thủng mậu dịch cũng không vì thế mà giảm đi. Hơn nữa tiền thuế đó là dân Mỹ trả chứ Trung Quốc không có trả. Dân Mỹ là con nhà giàu nên nhu cầu chi tiêu lớn, họ bỏ tiền ra để nhận được những thứ mình cần, điều đó hoàn toàn hợp lý, thuận mua vừa bán.

Quá trình toàn cầu hóa là không thể thay đổi. Không có công ty nào tại Mỹ có thể làm ra được một cái áo sơ mi hay một đôi giày với giá 10 USD, đơn giản vì tiền lương của người Mỹ quá cao. Không chỉ Mỹ và các nước phát triển mới làm như vậy mà ngay cả các nước như Hàn Quốc, thậm chí là Thái Lan cũng đã không làm gia công may mặc từ nhiều năm qua. Các công việc đó sẽ chuyển sang Trung Quốc hoặc các nước đang phát triển như Việt Nam, Bangladesh, Pakistan, Myanmar… Trung Quốc không “ăn cắp” công ăn việc làm của người Mỹ. Mỹ và các nước phát triển sản xuất các mặt hàng có giá trị cao và tinh vi còn các mặt hàng rẻ tiền và cần nhiều sức lao động sẽ chuyển sang cho các nước kém phát triển.

Cái giá mà Trung Quốc phải trả cho việc làm ra hàng hóa giá rẻ để xuất đi khắp thế giới là vô cùng lớn. Dễ thấy nhất là sự hủy hoại môi trường. Trung Quốc đã cố gắng tăng trưởng kinh tế một cách hoang dại bất chấp hậu quả. Chủ nghĩa thực tiễn của Mỹ và các nước dân chủ cũng đã lợi dụng và tiếp tay cho sự phát triển hoang dại đó. Giờ đây thế giới đã nhận ra là không thể tiếp tục như vậy. Dịch cúm Vũ Hán có thể là cơ hội để các nước dân chủ cô lập Trung Quốc một cách mạnh mẽ hơn. Việc các nhà máy rút khỏi Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Hơn nữa việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc cũng nguy hiểm cho chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu mỗi khi có sự cố tại quốc gia này.

Việt Nam sẽ ra sao trong hoàn cảnh mới này?

Có thể nói là Việt Nam đang đứng trước một cơ hội “có một không hai” để phát triển và vươn lên. Nhiều nhà máy sẽ chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước khác trong khu vực. Một đồng thuận gần như là 100% của các nước dân chủ là kéo Việt Nam ra khỏi quĩ đạo Trung Quốc, giúp Việt Nam mạnh lên để làm đối trọng với Trung Quốc. Việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) vừa được nghị viện Châu Âu thông qua (hôm 12/2/2020) bất chấp phản đối của nhiều tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền quốc tế là một minh chứng.

Đảng cộng sản Việt Nam cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc “bỏ Tàu theo Mỹ” dù thâm tâm không hề muốn. Kinh tế của Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào ngoại thương, chủ yếu là Mỹ và các nước dân chủ. Như vậy quá trình “xoay trục” là không thể đảo ngược. Trung Quốc sẽ sớm rơi vào khủng hoảng và chúng ta sẽ thấy rõ điều đó trong năm 2020. Dịch cúm Vũ Hán cũng đã bộc lộ nhiều lúng lúng và bất cập của một chính quyền thiếu vắng tự do và dân chủ. Trong một hệ thống chính trị độc đoán, thiếu minh bạch với sự kiểm duyệt gắt gao càng làm cho tình hình hỗn loạn, lòng dân hoang mang. Nếu chính phủ Trung Quốc không bưng bít ngay từ đầu, khi dịch cúm mới xảy ra thì có thể hậu quả đã không nghiêm trọng như bây giờ.

Chúng ta có thể thấy là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không gây thiệt hại nhiều cho Trung Quốc mà chính con virus corona bé nhỏ mới thực sự làm cho đế quốc khổng lồ của tập Cận Bình chao đảo. Đây là một cơ hội trời cho để Mỹ và các nước dân chủ cô lập Trung Quốc. Không phải tự nhiên mà Trung Quốc tố cáo Mỹ là “gieo rắc sự hoang mang và sợ hãi” cho dư luận thế giới bằng việc rút các cơ quan ngoại giao Mỹ tại Vũ Hán về nước và sau đó đem máy bay đến Trung Quốc để di tản toàn bộ công dân của Mỹ tại đây. Các nước khác lập tức theo chân Mỹ, trong đó có cả Việt Nam.

Đứng trước cơ hội này, Việt Nam muốn hay không cũng phải thay đổi. Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục là một bản sao của Trung Quốc thì không có lý do gì để các tập đoàn đa quốc gia chuyển các nhà máy sang Việt Nam. Họ có rất nhiều sự lựa chọn khác trong khu vực. Như vậy, dù muốn hay không thì chính quyền Việt Nam cũng phải cải cách và thay đổi. Các áp lực từ các tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền quốc tế sẽ gia tăng ngày càng mạnh lên đảng cộng sản Việt Nam. Cơ hội dân chủ hóa đất nước ngày càng đến gần. Những người thật sự quan tâm đến tương lai và vận mệnh đất nước cần tìm đến và kết hợp lại với nhau thành một lực lượng dân chủ hùng mạnh để trở thành một giải pháp cho đất nước.

Việt Hoàng (20/02/2020)

Quay lại trang chủ

Additional Info

  • Author: Việt Hoàng
Read 1350 times

Viết bình luận

Phải xác tín nội dung bài viết đáp ứng tất cả những yêu cầu của thông tin được đánh dấu bằng ký hiệu (*)