Thế giới vừa bước vào năm 2020. Một năm mới với nhiều hy vọng, nhưng hy vọng chưa kịp đến thì một cơn đại dịch với khả năng lây lan mạnh mẽ đang bùng phát khắp thế giới. Dịch cúm do chủng mới của virus corona (2019 nCov) bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc thuộc Trung Quốc đang lan ra nhiều quốc gia, dịch bệnh này đã trở thành mối lo ngại chung lớn nhất của cả thế giới.
Trung Quốc vào năm 2002-2003 đã từng là nơi khởi phát của dịch bệnh viêm đường hô hấp SARS. Những tưởng Trung Quốc đã phải học được bài học trong quá khứ, nhưng không, họ lại đi vào vết xe đổ của chính mình. Trung Quốc là một chế độc tài do Đảng cộng sản Trung Quốc cai trị, bản chất chung của các chế độ độc tài là cai trị bằng bạo lực và khủng bố, mị dân và bưng bít thông tin. Trung Quốc lại còn là bậc thầy của việc kiểm duyệt thông tin khi tạo ra Vạn lý hỏa thành (Great Fire Wall) để kiểm duyệt thông tin. Weibo thay cho mạng xã hội Facebook, Baidu thay cho Google. Các chế độ độc tài đã từng gây ra nhiều tội ác với nhân loại và chính người dân của mình, nó thất bại trong việc quản lý đất nước, và kể cả khi phải ứng phó với thiên tai hay dịch bệnh thì các chính thể độc tài cũng không thể làm tốt hơn.
Bác sĩ Lý Văn Lượng, người đã từng cảnh báo về dịch cúm Vũ Hán đã ra đi trong niềm thương tiếc của nhiều người dân Trung Quốc.
Vào tháng 12/2019 khi những ca bệnh giống như dịch SARS đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán. Các bác sĩ Trung Quốc bằng lương tâm nghề nghiệp đã cảnh báo trên mạng xã hội rằng một dịch bệnh giống như SARS đã xuất hiện và đang lây lan nhanh chóng. Cái họ được “đền đáp” là bị công an triệu tập (8 bác sĩ) lên đồn và họ bị buộc tội “lan truyền tin đồn thất thiệt gây hoang mang” rồi bị ép phải ký vào biên bản nhận tội. Mãi đến gần đây khi dịch bệnh đã bùng phát nghiêm trọng trên toàn Trung Quốc và lây lan ra cả thế giới thì tòa án tối cao Trung Quốc mới minh oan cho họ, nhưng vừa được minh oan và được cả nước tôn vinh là anh hùng thì một trong số những bác sĩ đó là Lý Văn Lượng đã nhiễm bệnh và ra đi. Số phận của những con người dũng cảm dưới một chế độ độc tài thật là hẩm hiu. Sự dối trá, không trung thực trong việc cung cấp thông tin dịch bệnh của chính quyền Trung Quốc làm cho Tổ chức Y tế thế giới WHO không có được thông tin chính xác để cảnh báo với thế giới để có phương án phòng dịch.
Chính quyền địa phương Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc có đầy đủ thông tin về tình hình dịch bệnh nhưng họ bưng bít thông tin. Vì sao ?
Việt Nam có câu tục ngữ xuất phát từ một tác phẩm văn học “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Trong các chế độ độc tài để được ngồi những chiếc ghế quyền lực thì năng lực và những phẩm chất tốt đẹp không phải là những điều kiện cần, địa vị của các quan chức trong chế độ độc tài không đến từ sự tín nhiệm của người dân mà do được chế độ sắp xếp, cơ cấu. Những quan chức này không có trách nhiệm với người dân, họ chỉ lo cho yên vị để tham nhũng rồi “hạ cánh an toàn”. Thời điểm gần Tết âm lịch là thời điểm người dân Trung Quốc trở về quê sau một năm lao động, học tập xa quê, do dân số Trung Quốc đông nhất thế giới nên việc người Trung Quốc trở về quê ăn tết được gọi là “Xuân vận”, cuộc di cư lớn nhất trên thế giới.
Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc nằm giữa Trung Quốc là đầu mối giao thông liên kết cả phía đông và tây, bắc và nam của Trung Quốc, nếu tuyên bố có dịch bệnh thì một điều hiển nhiên là ảnh hưởng đến nền kinh tế. Đến ngày 18/1/2020 xuất hiện ca nhiễm virus corona đầu tiên ở nước ngoài, thì ở chính quyền Trung Quốc vẫn thông báo dịch bệnh vẫn chỉ ở thành phố Vũ Hán, dân mạng Trung Quốc đã gọi mỉa mai virus corona là “virus ái quốc”. Thậm chí trong khi dịch bệnh đã xuất hiện rõ ràng chính quyền Vũ Hán còn tổ chức một bữa tiệc đại đoàn viên tất niên tụ tập đến 40.000 gia đình!
Đến thời điểm hiện tại (11/2/2020) dịch bệnh đã có mặt trên toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và đã có hơn 42.000 người nhiễm bệnh và hơn 1.000 người tử vong. Chính quyền Trung Quốc đã phải phong tỏa cả tỉnh Hồ Bắc và kéo dài kỳ nghỉ lễ Tết cho người lao động, sinh viên, học sinh nghỉ học vì dịch bệnh. “Công xưởng của thế giới” dừng hoạt động, nền kinh tế Trung Quốc trong những năm qua đã gặp không ít khó khăn vì áp lực nội tại và chính sách phát triển hoang dại nay lại bị bồi thêm một đòn chí mạng. Kinh tế của cả thế giới đều bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Một đất nước lớn nhưng được quản trị tồi đã không những làm khổ chính người dân của mình mà còn làm thế giới khổ theo.
Vào thời điểm này có lẽ ai trong chúng ta cũng nhận ra rằng sai lầm trong chính trị (những công việc chung) sẽ gây ra những hậu quả hết sức tai hại. Sai lầm của thầy thuốc chỉ giết chết một người nhưng sai lầm trong chính trị có thể giết chết vô số người. Khi đứng trước những lựa chọn mang tính đạo đức, cụ thể trong trường hợp này là chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo vệ người dân hay bất chấp tất cả để đạt được những chỉ số đẹp, bình yên giả tạo để có thành tích với cấp trên thì những quan chức trong chế độ độc tài thường chọn cái thứ hai. Giờ đây dịch bệnh đã trở nên nghiêm trọng và không còn kiểm soát nổi, dư luận Trung Quốc đang nhắm cơn giận vào chính quyền địa phương, thị trưởng Vũ Hán là Chu Tiên Vượng và bí thư thành ủy là Mã Quốc Cường mới nhận lỗi và tuyên bố sẵn sàng từ chức nhưng cũng không quên “tố cáo” là họ phải được cấp trên đồng ý mới được tuyên bố tình trạng có dịch bệnh.
Phải chăng ngay từ đầu, nếu các quan chức địa phương Vũ Hán có các biện pháp quyết liệt ngăn dịch bệnh, không che giấu thông tin, kêu gọi sự trợ giúp của thế giới thì dịch bệnh đã không đến mức như bây giờ? Nhưng làm sao có thể kêu gọi đạo đức trong chính trị với những quan chức chỉ lo tham nhũng, có thành tích đẹp, kết bè phái để giữ vững ghế và quyền lực? Sự gian trá của hệ thống chính trị trong các nước độc tài đã khiến bao người phải mất mạng.
Không những trong dịch bệnh mà kể cả trong thiên tai thì các chế độ độc tài vẫn hành xử như vậy. Năm 2008 sau khi xảy ra trận động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên làm 87.000 người chết, có đến 7000 trường học được gọi là “trường học đậu hũ” bị sụp đổ dễ dàng vì chất lượng xây dựng quá tồi do nạn tham nhũng rút ruột công trình. Các nhà đấu tranh và phụ huynh học sinh tìm cách điều tra những vụ xây dựng gian trá này nhưng cách chính quyền độc tài của Trung Quốc phản ứng luôn là đàn áp, buộc họ im tiếng bằng cách bắt giam, sách nhiễu. Đến giờ, 12 năm sau thảm họa động đất cũng không có lễ tưởng niệm nào cho các nạn nhân.
Quốc gia nào rồi cũng sẽ gặp phải thiên tai, các cuộc khủng hoảng không mong muốn và không được báo trước. Khi đứng trước các vấn đề khẩn cấp của quốc gia thì khả năng xử lý tùy thuộc vào năng lực, nguồn lực, kinh nghiệm nhưng thực tế từ lịch sử đã chứng minh các chế độc tài luôn xử lý khủng hoảng tồi hơn hơn các chế độ dân chủ. Vì các chế độ dân chủ minh bạch hơn, quan chức được bầu lên chứ không phải được sắp đặt.
Qua cuộc khủng hoảng về dịch bệnh lần này có một khía cạnh cần phải được chú ý. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn coi chính trị là sự thể hiện các giá trị đạo đức và ứng dụng lẽ phải vào thực tế cuộc sống. Người làm chính trị ngoài việc phải biết dung hòa quyền lợi giữa các nhóm người, các xu hướng trong xã hội thì còn phải đặt các giá trị đạo đức và lẽ phải lên hàng đầu. Những giá trị đạo đức như trung thực, trách nhiệm và minh bạch được thượng tôn thì dịch bệnh đã không đến mức bùng phát nghiêm trọng như bây giờ.
Thế giới đang chứng kiến cuộc cách mạng dân chủ lần thứ tư. Những năm vừa qua cuộc cách mạng dân chủ lần thứ tư đã bị khựng lại do sự chống trả của các chế độ độc tài cộng sản, các chế độ dân túy nổi lên ở châu Âu, sự suy đồi của những nền dân chủ lâu đời như Mỹ, Anh, Pháp. Qua cuộc khủng hoảng dịch bệnh lần này các quốc gia sẽ có thêm kinh nghiệm đề phòng và giải quyết khủng hoảng. Những người dân chủ sẽ càng thêm vững tin vào các giá trị đạo đức và lẽ phải. Những chế độ độc tài không chỉ thất bại trong việc quản trị đất nước mà còn lúng túng trong giải quyết các khủng hoảng và rồi chỉ làm khủng hoảng trầm trọng thêm. Nhất định dân chủ và tự do sẽ tới. Các chế độc tài rồi sẽ bị đào thải.
Việt Thịnh (11/2/2020)