Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Covid-19 bùng phát dữ dội, Trung Quốc vẫn cố che giấu thực tế

Trọng Nghĩa, RFI, 30/12/2022

Mối lo ngại đang gia tăng trên toàn thế giới khi dịch Covid-19 có dấu hiệu vuột khỏi tầm kiểm soát ở Trung Quốc vào lúc chính quyền Bắc Kinh bị cho là vẫn tiếp tục che giấu sự thực, đặc biệt là về số người chết vì dịch bệnh. Trước thái độ hoài nghi của thế giới, Trung Quốc vào hôm 29/12/2022 đã lên tiếng tái khẳng định hoàn toàn "minh bạch" thông tin về dịch bệnh.

dich1

Tại Bệnh viện Nhân dân số 5 tại thành phố Trùng Khánh, tây nam Trung Quốc, bệnh nhân Covid -19 phải nằm ở hành lang. Ảnh chụp ngày 23/12/2022. AFP – Noel Celis

Đúng vào lúc dịch bệnh Covid-19  được cho là đang hoành hành ở mức độ chưa từng có, chính quyền Bắc Kinh đã quyết định hủy bỏ việc thống kê các ca nhiễm mới hàng ngày, đồng thời không cung cấp bất kỳ dữ liệu đáng tin cậy nào cho các quốc gia khác. Hệ quả là không ai biết chính xác chuyện gì đang xảy ra ở Trung Quốc.

Ngay cả Tổ Chức Y Tế Thế Giới, một tổ chức từng bị đánh giá là có thiện cảm với Bắc Kinh, cũng đã thể hiện thái độ mất kiên nhẫn trước sự thiếu minh bạch của chính quyền Trung Quốc. Trong một tuyên bố vào tuần trước, tổng giám đốc tổ chức này, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết : "Tổ Chức Y Tế Thế Giới rất lo ngại về diễn biến tình hình tại Trung Quốc […]. Để có thể đánh giá đầy đủ về tình hình, cần phải có thông tin chi tiết hơn về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, số người nhập viện và các nhu cầu về chăm sóc đặc biệt".

Kể từ khi dỡ bỏ chính sách Zero Covid từ đầu tháng 12, chính quyền Trung Quốc như đã thả lỏng cho virus corona hoành hành, loại virus mà họ không kềm chế được nữa. Yêu cầu xét nghiệm bắt buộc, được thực hiện gần như hàng ngày ở các thành phố lớn, đã được bãi bỏ, khiến cho chính quyền không còn khả năng cung cấp các số liệu thống kê, mà dẫu sao cũng đã bị người dân cho là không xác thực.

Cũng như vậy, cách định nghĩa các ca tử vong vì Covid-19 cũng đã bị sửa đổi, bằng cách chỉ ghi nhận những bệnh nhân tử vong trực tiếp do suy hô hấp liên quan đến Covid-19, chứ không còn tính đến những người chết vì các bệnh khác bị Covid làm cho nặng thêm. Đối với giới quan sát, cách thống kê hạn hẹp này có nguy cơ làm giảm mức độ nghiêm trọng của làn sóng dịch bệnh. Về mặt chính thức, chỉ có hơn 5.200 người chết vì Covid kể từ khi dịch bệnh bắt đầu ở Trung Quốc, một con số có vẻ thấp hơn rất nhiều so với thực tế.

Vào lúc các lò thiêu tại Trung Quốc đang chạy hết công suất, các hình ảnh về bệnh viện quá tải tràn ngập trên mạng, theo hãng tin Pháp AFP, một cơ quan chính thức vào hôm nay, 30/12, vẫn khẳng định là trên toàn quốc chỉ có thêm 5.500 ca nhiễm mới, và vỏn vẹn 1 ca tử vong.

Tuần trước, một thông tin, đăng trên một tờ báo do Đảng cộng sản Trung Quốc điều hành, sau đó nhanh chóng bị kiểm duyệt, cho biết là chỉ riêng ở thành phố Thanh Đảo (10 triệu dân, miền đông bắc), có đến 500.000 người bị nhiễm bệnh mỗi ngày. Còn theo Airfiniy, một công ty dữ liệu Anh Quốc, con số người chết vì Covid-19 tại Trung Quốc hiện có thể lên đến 9.000 người mỗi ngày, và tăng đến mức 1,7 triệu ca tử vong từ nay đến tháng 04/2023.

Theo Antoine Flahault, chuyên gia dịch tễ học, giám đốc Viện Y Tế Toàn Cầu tại Đại Học Genève (Thụy Sĩ), sau một thời gian dài tự nhận là đã chiến thắng được Covid-19, sự thay đổi đột ngột tình hình dường như một lần nữa khiến chính quyền Trung Quốc phải che giấu sự thật.

Trả lời tuần báo Pháp Marianne, chuyên gia Flahault giải thích : "Sau vụ Vũ Hán, chiến lược Zero Covid rất hiệu quả và có tác động, và chính quyền Trung Quốc đã rất muốn thể hiện một cách minh bạch nhất định thành công chống dịch của họ. Thế nhưng lúc này khi "đê bị vỡ", họ bị bất ngờ, có lẽ cảm thấy bị sỉ nhục trước thế giới, và gặp khó khăn trong việc xây dựng lại một câu chuyện chính thức. Hệ quả là một sự thiếu minh bạch hoàn toàn ở mọi cấp độ thông tin chính thức.

Trọng Nghĩa

************************

Covid-19 : Bắc Kinh khẳng định không hề bưng bít thông tin

Trọng Nghĩa, RFI, 30/12/2022

Tình trạng Covid-19 bùng phát dữ dội trở lại tại Trung Quốc được cho là bắt nguồn từ biến thể BF.7, một biến thể phụ của Omicron, có sức lây lan cực mạnh. Điều khiến quốc tế lo ngại là quyết định của Bắc Kinh không công bố dữ liệu liên quan đến dịch Covid-19 kể từ ngày 25/12/2022. Vào lúc thế giới ngày càng tỏ ra lo ngại, vào hôm qua, 29/12, chính quyền Trung Quốc lại khẳng định họ không hề bưng bít thông tin.

dich2

Bệnh nhân Covid trong bệnh viện Nam Khai - Thiên Tân ở Thiên Tân, Trung Quốc, ngày 28/12/2022. AFP – Noel Celis

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tường trình :

"Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, virus càng lan truyền mạnh thì càng biến đổi nhiều hơn. Và biến thể BF.7 hiện đang lây lan với tốc độ tối đa tại Trung Quốc. Kể từ khi Bắc Kinh từ bỏ chính sách Zero Covid vào đầu tháng, biến thể phụ này của Omicron đã nhanh chóng lây lan trên diện rộng tại các siêu đô thị của Trung Quốc.

Nhiều người rất lo lắng về những nguy cơ đối với nhóm dân số cao tuổi mà hệ miễn dịch đã bị suy yếu sau 3 năm Trung Quốc đóng cửa, và lo lắng trước tình trạng thiếu thông tin về dịch bệnh, vì lẽ kể từ ngày 25/12 vừa qua, Ủy Ban Y Tế Quốc Gia đã ngừng công bố số ca nhiễm hàng ngày.

Trong một buổi họp báo vào hôm qua, ông Ngô Tôn Hữu (Wu Zunyou), chuyên gia dịch tễ học thuộc Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC) Trung Quốc đã phủ nhận việc chính quyền Trung Quốc thiếu minh bạch : "Mỗi lần chúng tôi phát hiện một chủng mới, chúng tôi đều công bố trên mạng càng sớm càng tốt, và chia sẻ thông tin trên nền tảng của Tổ Chức Y Tế Thế Giới, kể cả đối với đợt dịch lần này, khi chúng tôi đã phát hiện được 9 chủng Omicron hiện đang lây lan. Chúng tôi đã chia sẻ tất cả những kết quả này với Tổ Chức Y Tế Thế Giới. Chúng tôi không hề giữ bất kỳ bí mật nào, mà chia sẻ mọi kết quả với thế giới."

Vào tuần trước, bất chấp việc chính quyền đã bãi bỏ biện pháp xét nghiệm đại trà và công bố số liệu hàng ngày, một quan chức khác tại Trung Tâm CDC Trung Quốc đã khẳng định rằng 3 bệnh viện ở mỗi vùng và tỉnh có trách nhiệm thực hiện giải trình tự gen của 15 ca khẩn cấp, 10 ca bệnh nghiêm trọng và các ca tử vong để xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dịch bệnh".

Biến thể BF.7 là gì ?

Biến thể BF.7 là gì mà lại gây ra nhiều lo ngại như vậy ? Theo một số chuyên gia Trung Quốc, BF.7 có chỉ số R0 (tỷ lệ sinh sản của virus) từ 10 đến 18,6. Điều đó có nghĩa là một người bị nhiễm sẽ truyền virus cho 10 đến 18,6 người khác. Đây là một tỷ lệ lây nhiễm cực cao, so với mức R0 từ 6 đến 7 của biến chủng Delta, 5,08 đối với biến thể Omicron hay 3 của chủng gốc SARS-CoV-2. Do đó, biến thể mới này rất đáng lo ngại vì tốc độ lây lan nhanh chóng, có thể gây ra mối đe dọa mới trên toàn thế giới, cho dù khả năng dẫn đến bệnh nặng hiện chưa được biết rõ.

Về triệu chứng, theo truyền thông Trung Quốc, biến thể BF.7 cũng gây ra sốt, ho, đau họng, sổ mũi, mệt mỏi..., tương tự như những biến thể đã được biết đến. 

Theo Reuters, dù được cho là biến thể chính của Omicron đang lan truyền mạnh tại Trung Quốc, nhưng theo nhật báo Pháp Les Echos, BF.7 không phải mới xuất hiện tại Trung Quốc mà đã bị phát hiện từ nhiều tháng qua ở một số nơi trên thế giới.

Trọng Nghĩa

Published in Diễn đàn

Virus corona đang hoàng hành tại Trung Quốc hơn hai tháng qua vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Số người chết đã lên đến hơn 2.000 người với gần 75.000 ca nhiễm. Việc phong tỏa Vũ Hán và các thành phố khác tại Trung Quốc gây nên nhiều cảnh hỗn loạn chưa từng thấy.

Người dân Trung Quốc hoang mang và phẫn nộ trước nhiều cái chết thương tâm như cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng. Ông là một trong tám bác sĩ cảnh báo sớm về virus COVID-19 ngay từ cuối tháng 12/2019. Vài ngày sau đó ông bị công an mời lên đồn và bắt phải ký vào bản nhận tội “tuyên truyền sai sự thật, gây hoang mang cho người dân”. Cái chết của bác sĩ Lý Văn Lượng đã khiến quần chúng tức giận, trong đó có nhiều người là trí thức và nghệ sĩ nổi tiếng Trung Quốc.

lyvanluong1

Bác sĩ Lý Văn Lượng, người cảnh báo sớm về dịch cúm corona đã qua đời vì lây nhiễm do virut COVID-19

Không chỉ bác sĩ Lý Văn Lượng qua đời vì nhiễm bệnh mà ngay cả bác sĩ, giám đốc bệnh viện Vũ Hán cũng vừa qua đời do virus COVID-19. Đạo diễn Thường Khải ở Vũ Hán cũng đã tử vong cùng cả gia đình gồm bố mẹ và chị gái khi tự cách ly tại nhà. Theo báo chí thì có hơn 3.000 nhân viên y tế tại Vũ Hán đã bị lây nhiễm virus corona trong khi điều trị cho các bệnh nhân. Gần 800 triệu người Trung Quốc nằm trong khu vực giới hạn đi lại trong đó có Bắc Kinh và Thượng Hải. Hiện đã có hơn 80 quốc gia trên thế giới cấm hoặc hạn chế người Trung Quốc nhập cảnh.

Do dịch cúm Vũ Hán vẫn tiếp diễn nên chưa có con số thống kê về thiệt hại của Trung Quốc do virus corona gây ra tuy nhiên ngay từ bây giờ chúng ta cũng có thể hình dung được sự tổn thất to lớn cho nền kinh tế của Trung Quốc, đại công xưởng của thế giới. Nhiều nhà máy phải đóng cửa trong đó có các nhà máy ô tô. Foxconn, nhà máy sản xuất của Apple, cũng tạm dừng sản xuất. Không chỉ tại Trung Quốc mà nhiều công ty ở bên ngoài cũng bị ảnh hưởng do thiếu nguồn nguyên vật liệu được sản xuất tại Trung Quốc.

Nhân đây, tôi muốn đề cập một chút đến phong trào toàn cầu hóa, đó là việc các công ty lớn tại các nước phát triển di dời các nhà máy hãng xưởng sang các nước đang phát triển nhằm giảm chi phí sản xuất. Đây là trào lưu không thể đảo ngược vì nó hoàn toàn hợp lý. Trung Quốc được chọn làm công xưởng của thế giới vì có một tài nguyên khổng lồ, đó là dân số với hơn 1,4 tỉ người. Nếu Trung Quốc là một nước dân chủ thì không có gì để nói, họ sẽ phát triển và thăng tiến trong bền vững. Tuy nhiên Trung Quốc là một nước độc tài, càng hùng mạnh thì họ càng trở thành mối lo ngại cho hòa bình thế giới khi lãnh đạo Trung Quốc ngày càng công khai bày tỏ tham vọng bá chủ thế giới, ví dụ việc gia tăng chi tiêu ngày càng lớn cho quân sự.

Một Trung Quốc lớn mạnh nhưng vẫn từ chối các giá trị về dân chủ và nhân quyền đã trở thành mối đe dọa chung cho tất cả các nước dân chủ chứ không riêng gì Mỹ. Kìm hãm, bao vây và cô lập Trung Quốc là hành động tự vệ bắt buộc của các nước dân chủ. Nước Nga của Putin cũng bị cấm vận và cô lập sau khi dùng vũ lực sát nhập bán đảo Krime của Ukraine vào lãnh thổ Nga. TPP (Hiệp ước Đối tác xuyên Thái Bình Dương) ra đời là nhằm mục đích bao vây và cô lập Trung Quốc. Đáng tiếc là hiệp ước đó đã bị Donald Trump xé bỏ. Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung do Trump phát động chỉ gây ồn ào và mang tính mị dân chứ không có hiệu quả là bao.

TMaiMyTrung2

Trong năm 2018 (một năm sau cuộc chiến thương mại), thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lập kỷ lục với 419,2 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm, kể từ năm 2008.

Như chúng ta đều biết thâm thủng thương mại của Mỹ với Trung Quốc vào khoảng 300-350 tỉ USD mỗi năm và Trump cho rằng đây là sự “bất công” đối với Mỹ vì thế ông ta đã châm ngòi cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung nhằm cân bằng thâm thủng thương mại giữa hai nước. Sự thật không giản dị như vậy. Trong năm 2018 (một năm sau cuộc chiến thương mại), thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc lập kỷ lục với 419,2 tỷ USD, cao nhất trong 10 năm, kể từ năm 2008. Xuất khẩu hàng hóa Mỹ sang Trung Quốc giảm 9,6 tỷ USD, trong khi nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ tăng 34 tỷ USD. Sau 18 tháng, cuối cùng Trump cũng phải ký “hòa ước” đình chiến chiến tranh thương mại với Trung Quốc.

Tại sao như vậy? Trước chiến tranh thương mại, mỗi năm Trung Quốc mua của Mỹ khoảng 200 tỉ USD các loại hàng hóa thì 100% các loại hàng hóa đó là của Mỹ. Trong khi đó hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ, thì có đến hơn 50% là hàng hóa của các công ty Mỹ sản xuất tại Trung Quốc. Apple là một ví dụ. Một chiếc điện thoại iPhone sản xuất ở Trung Quốc với giá khoảng 240 USD, trong đó Trung Quốc chỉ nhận được 8,46 USD, số còn lại chia đều cho các công ty Mỹ, Nhật, Hàn, Đài Loan. Mỗi cái điện thoại, Apple đút túi gần 300 USD. 50% hàng hóa còn lại là những mặt hàng gia dụng và tiêu dùng thiết yếu mà người Mỹ bắt buộc phải mua. Kết quả là dù Trump có đánh thuế bao nhiêu trên hàng hóa Trung Quốc nhập khẩu thì thâm thủng mậu dịch cũng không vì thế mà giảm đi. Hơn nữa tiền thuế đó là dân Mỹ trả chứ Trung Quốc không có trả. Dân Mỹ là con nhà giàu nên nhu cầu chi tiêu lớn, họ bỏ tiền ra để nhận được những thứ mình cần, điều đó hoàn toàn hợp lý, thuận mua vừa bán.

Quá trình toàn cầu hóa là không thể thay đổi. Không có công ty nào tại Mỹ có thể làm ra được một cái áo sơ mi hay một đôi giày với giá 10 USD, đơn giản vì tiền lương của người Mỹ quá cao. Không chỉ Mỹ và các nước phát triển mới làm như vậy mà ngay cả các nước như Hàn Quốc, thậm chí là Thái Lan cũng đã không làm gia công may mặc từ nhiều năm qua. Các công việc đó sẽ chuyển sang Trung Quốc hoặc các nước đang phát triển như Việt Nam, Bangladesh, Pakistan, Myanmar… Trung Quốc không “ăn cắp” công ăn việc làm của người Mỹ. Mỹ và các nước phát triển sản xuất các mặt hàng có giá trị cao và tinh vi còn các mặt hàng rẻ tiền và cần nhiều sức lao động sẽ chuyển sang cho các nước kém phát triển.

Cái giá mà Trung Quốc phải trả cho việc làm ra hàng hóa giá rẻ để xuất đi khắp thế giới là vô cùng lớn. Dễ thấy nhất là sự hủy hoại môi trường. Trung Quốc đã cố gắng tăng trưởng kinh tế một cách hoang dại bất chấp hậu quả. Chủ nghĩa thực tiễn của Mỹ và các nước dân chủ cũng đã lợi dụng và tiếp tay cho sự phát triển hoang dại đó. Giờ đây thế giới đã nhận ra là không thể tiếp tục như vậy. Dịch cúm Vũ Hán có thể là cơ hội để các nước dân chủ cô lập Trung Quốc một cách mạnh mẽ hơn. Việc các nhà máy rút khỏi Trung Quốc đã, đang và sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới. Hơn nữa việc phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc cũng nguy hiểm cho chuỗi cung ứng hàng hóa toàn cầu mỗi khi có sự cố tại quốc gia này.

Việt Nam sẽ ra sao trong hoàn cảnh mới này?

Có thể nói là Việt Nam đang đứng trước một cơ hội “có một không hai” để phát triển và vươn lên. Nhiều nhà máy sẽ chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam và các nước khác trong khu vực. Một đồng thuận gần như là 100% của các nước dân chủ là kéo Việt Nam ra khỏi quĩ đạo Trung Quốc, giúp Việt Nam mạnh lên để làm đối trọng với Trung Quốc. Việc Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) vừa được nghị viện Châu Âu thông qua (hôm 12/2/2020) bất chấp phản đối của nhiều tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền quốc tế là một minh chứng.

Đảng cộng sản Việt Nam cũng không còn lựa chọn nào khác ngoài việc “bỏ Tàu theo Mỹ” dù thâm tâm không hề muốn. Kinh tế của Việt Nam phụ thuộc quá lớn vào ngoại thương, chủ yếu là Mỹ và các nước dân chủ. Như vậy quá trình “xoay trục” là không thể đảo ngược. Trung Quốc sẽ sớm rơi vào khủng hoảng và chúng ta sẽ thấy rõ điều đó trong năm 2020. Dịch cúm Vũ Hán cũng đã bộc lộ nhiều lúng lúng và bất cập của một chính quyền thiếu vắng tự do và dân chủ. Trong một hệ thống chính trị độc đoán, thiếu minh bạch với sự kiểm duyệt gắt gao càng làm cho tình hình hỗn loạn, lòng dân hoang mang. Nếu chính phủ Trung Quốc không bưng bít ngay từ đầu, khi dịch cúm mới xảy ra thì có thể hậu quả đã không nghiêm trọng như bây giờ.

Chúng ta có thể thấy là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không gây thiệt hại nhiều cho Trung Quốc mà chính con virus corona bé nhỏ mới thực sự làm cho đế quốc khổng lồ của tập Cận Bình chao đảo. Đây là một cơ hội trời cho để Mỹ và các nước dân chủ cô lập Trung Quốc. Không phải tự nhiên mà Trung Quốc tố cáo Mỹ là “gieo rắc sự hoang mang và sợ hãi” cho dư luận thế giới bằng việc rút các cơ quan ngoại giao Mỹ tại Vũ Hán về nước và sau đó đem máy bay đến Trung Quốc để di tản toàn bộ công dân của Mỹ tại đây. Các nước khác lập tức theo chân Mỹ, trong đó có cả Việt Nam.

Đứng trước cơ hội này, Việt Nam muốn hay không cũng phải thay đổi. Nếu Việt Nam vẫn tiếp tục là một bản sao của Trung Quốc thì không có lý do gì để các tập đoàn đa quốc gia chuyển các nhà máy sang Việt Nam. Họ có rất nhiều sự lựa chọn khác trong khu vực. Như vậy, dù muốn hay không thì chính quyền Việt Nam cũng phải cải cách và thay đổi. Các áp lực từ các tổ chức xã hội dân sự và nhân quyền quốc tế sẽ gia tăng ngày càng mạnh lên đảng cộng sản Việt Nam. Cơ hội dân chủ hóa đất nước ngày càng đến gần. Những người thật sự quan tâm đến tương lai và vận mệnh đất nước cần tìm đến và kết hợp lại với nhau thành một lực lượng dân chủ hùng mạnh để trở thành một giải pháp cho đất nước.

Việt Hoàng (20/02/2020)

Published in Quan điểm
mardi, 11 février 2020 12:40

Dịch bệnh, thiên tai và chính trị

Thế giới vừa bước vào năm 2020. Một năm mới với nhiều hy vọng, nhưng hy vọng chưa kịp đến thì một cơn đại dịch với khả năng lây lan mạnh mẽ đang bùng phát khắp thế giới. Dịch cúm do chủng mới của virus corona (2019 nCov) bắt nguồn từ thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc thuộc Trung Quốc đang lan ra nhiều quốc gia, dịch bệnh này đã trở thành mối lo ngại chung lớn nhất của cả thế giới.

Trung Quốc vào năm 2002-2003 đã từng là nơi khởi phát của dịch bệnh viêm đường hô hấp SARS. Những tưởng Trung Quốc đã phải học được bài học trong quá khứ, nhưng không, họ lại đi vào vết xe đổ của chính mình. Trung Quốc là một chế độc tài do Đảng cộng sản Trung Quốc cai trị, bản chất chung của các chế độ độc tài là cai trị bằng bạo lực và khủng bố, mị dân và bưng bít thông tin. Trung Quốc lại còn là bậc thầy của việc kiểm duyệt thông tin khi tạo ra Vạn lý hỏa thành (Great Fire Wall) để kiểm duyệt thông tin. Weibo thay cho mạng xã hội Facebook, Baidu thay cho Google. Các chế độ độc tài đã từng gây ra nhiều tội ác với nhân loại và chính người dân của mình, nó thất bại trong việc quản lý đất nước, và kể cả khi phải ứng phó với thiên tai hay dịch bệnh thì các chính thể độc tài cũng không thể làm tốt hơn.

lyvanluong1

Bác sĩ Lý Văn Lượng, người đã từng cảnh báo về dịch cúm Vũ Hán đã ra đi trong niềm thương tiếc của nhiều người dân Trung Quốc.

Vào tháng 12/2019 khi những ca bệnh giống như dịch SARS đầu tiên xuất hiện ở Vũ Hán. Các bác sĩ Trung Quốc bằng lương tâm nghề nghiệp đã cảnh báo trên mạng xã hội rằng một dịch bệnh giống như SARS đã xuất hiện và đang lây lan nhanh chóng. Cái họ được “đền đáp” là bị công an triệu tập (8 bác sĩ) lên đồn và họ bị buộc tội “lan truyền tin đồn thất thiệt gây hoang mang” rồi bị ép phải ký vào biên bản nhận tội. Mãi đến gần đây khi dịch bệnh đã bùng phát nghiêm trọng trên toàn Trung Quốc và lây lan ra cả thế giới thì tòa án tối cao Trung Quốc mới minh oan cho họ, nhưng vừa được minh oan và được cả nước tôn vinh là anh hùng thì một trong số những bác sĩ đó là Lý Văn Lượng đã nhiễm bệnh và ra đi. Số phận của những con người dũng cảm dưới một chế độ độc tài thật là hẩm hiu. Sự dối trá, không trung thực trong việc cung cấp thông tin dịch bệnh của chính quyền Trung Quốc làm cho Tổ chức Y tế thế giới WHO không có được thông tin chính xác để cảnh báo với thế giới để có phương án phòng dịch.

Chính quyền địa phương Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc có đầy đủ thông tin về tình hình dịch bệnh nhưng họ bưng bít thông tin. Vì sao ?

Việt Nam có câu tục ngữ xuất phát từ một tác phẩm văn học “sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”. Trong các chế độ độc tài để được ngồi những chiếc ghế quyền lực thì năng lực và những phẩm chất tốt đẹp không phải là những điều kiện cần, địa vị của các quan chức trong chế độ độc tài không đến từ sự tín nhiệm của người dân mà do được chế độ sắp xếp, cơ cấu. Những quan chức này không có trách nhiệm với người dân, họ chỉ lo cho yên vị để tham nhũng rồi “hạ cánh an toàn”. Thời điểm gần Tết âm lịch là thời điểm người dân Trung Quốc trở về quê sau một năm lao động, học tập xa quê, do dân số Trung Quốc đông nhất thế giới nên việc người Trung Quốc trở về quê ăn tết được gọi là “Xuân vận”, cuộc di cư lớn nhất trên thế giới.

Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc nằm giữa Trung Quốc là đầu mối giao thông liên kết cả phía đông và tây, bắc và nam của Trung Quốc, nếu tuyên bố có dịch bệnh thì một điều hiển nhiên là ảnh hưởng đến nền kinh tế. Đến ngày 18/1/2020 xuất hiện ca nhiễm virus corona đầu tiên ở nước ngoài, thì ở chính quyền Trung Quốc vẫn thông báo dịch bệnh vẫn chỉ ở thành phố Vũ Hán, dân mạng Trung Quốc đã gọi mỉa mai virus corona là “virus ái quốc”. Thậm chí trong khi dịch bệnh đã xuất hiện rõ ràng chính quyền Vũ Hán còn tổ chức một bữa tiệc đại đoàn viên tất niên tụ tập đến 40.000 gia đình!

Đến thời điểm hiện tại (11/2/2020) dịch bệnh đã có mặt trên toàn bộ lãnh thổ Trung Quốc và đã có hơn 42.000 người nhiễm bệnh và hơn 1.000 người tử vong. Chính quyền Trung Quốc đã phải phong tỏa cả tỉnh Hồ Bắc và kéo dài kỳ nghỉ lễ Tết cho người lao động, sinh viên, học sinh nghỉ học vì dịch bệnh. “Công xưởng của thế giới” dừng hoạt động, nền kinh tế Trung Quốc trong những năm qua đã gặp không ít khó khăn vì áp lực nội tại và chính sách phát triển hoang dại nay lại bị bồi thêm một đòn chí mạng. Kinh tế của cả thế giới đều bị ảnh hưởng của dịch bệnh. Một đất nước lớn nhưng được quản trị tồi đã không những làm khổ chính người dân của mình mà còn làm thế giới khổ theo.

Vào thời điểm này có lẽ ai trong chúng ta cũng nhận ra rằng sai lầm trong chính trị (những công việc chung) sẽ gây ra những hậu quả hết sức tai hại. Sai lầm của thầy thuốc chỉ giết chết một người nhưng sai lầm trong chính trị có thể giết chết vô số người. Khi đứng trước những lựa chọn mang tính đạo đức, cụ thể trong trường hợp này là chấp nhận thiệt hại kinh tế để bảo vệ người dân hay bất chấp tất cả để đạt được những chỉ số đẹp, bình yên giả tạo để có thành tích với cấp trên thì những quan chức trong chế độ độc tài thường chọn cái thứ hai. Giờ đây dịch bệnh đã trở nên nghiêm trọng và không còn kiểm soát nổi, dư luận Trung Quốc đang nhắm cơn giận vào chính quyền địa phương, thị trưởng Vũ Hán là Chu Tiên Vượng và bí thư thành ủy là Mã Quốc Cường mới nhận lỗi và tuyên bố sẵn sàng từ chức nhưng cũng không quên “tố cáo” là họ phải được cấp trên đồng ý mới được tuyên bố tình trạng có dịch bệnh.

Phải chăng ngay từ đầu, nếu các quan chức địa phương Vũ Hán có các biện pháp quyết liệt ngăn dịch bệnh, không che giấu thông tin, kêu gọi sự trợ giúp của thế giới thì dịch bệnh đã không đến mức như bây giờ? Nhưng làm sao có thể kêu gọi đạo đức trong chính trị với những quan chức chỉ lo tham nhũng, có thành tích đẹp, kết bè phái để giữ vững ghế và quyền lực? Sự gian trá của hệ thống chính trị trong các nước độc tài đã khiến bao người phải mất mạng.

Không những trong dịch bệnh mà kể cả trong thiên tai thì các chế độ độc tài vẫn hành xử như vậy. Năm 2008 sau khi xảy ra trận động đất kinh hoàng ở Tứ Xuyên làm 87.000 người chết, có đến 7000 trường học được gọi là “trường học đậu hũ” bị sụp đổ dễ dàng vì chất lượng xây dựng quá tồi do nạn tham nhũng rút ruột công trình. Các nhà đấu tranh và phụ huynh học sinh tìm cách điều tra những vụ xây dựng gian trá này nhưng cách chính quyền độc tài của Trung Quốc phản ứng luôn là đàn áp, buộc họ im tiếng bằng cách bắt giam, sách nhiễu. Đến giờ, 12 năm sau thảm họa động đất cũng không có lễ tưởng niệm nào cho các nạn nhân.

Quốc gia nào rồi cũng sẽ gặp phải thiên tai, các cuộc khủng hoảng không mong muốn và không được báo trước. Khi đứng trước các vấn đề khẩn cấp của quốc gia thì khả năng xử lý tùy thuộc vào năng lực, nguồn lực, kinh nghiệm nhưng thực tế từ lịch sử đã chứng minh các chế độc tài luôn xử lý khủng hoảng tồi hơn hơn các chế độ dân chủ. Vì các chế độ dân chủ minh bạch hơn, quan chức được bầu lên chứ không phải được sắp đặt.

Qua cuộc khủng hoảng về dịch bệnh lần này có một khía cạnh cần phải được chú ý. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên luôn coi chính trị là sự thể hiện các giá trị đạo đức và ứng dụng lẽ phải vào thực tế cuộc sống. Người làm chính trị ngoài việc phải biết dung hòa quyền lợi giữa các nhóm người, các xu hướng trong xã hội thì còn phải đặt các giá trị đạo đức và lẽ phải lên hàng đầu. Những giá trị đạo đức như trung thực, trách nhiệm và minh bạch được thượng tôn thì dịch bệnh đã không đến mức bùng phát nghiêm trọng như bây giờ.

Thế giới đang chứng kiến cuộc cách mạng dân chủ lần thứ tư. Những năm vừa qua cuộc cách mạng dân chủ lần thứ tư đã bị khựng lại do sự chống trả của các chế độ độc tài cộng sản, các chế độ dân túy nổi lên ở châu Âu, sự suy đồi của những nền dân chủ lâu đời như Mỹ, Anh, Pháp. Qua cuộc khủng hoảng dịch bệnh lần này các quốc gia sẽ có thêm kinh nghiệm đề phòng và giải quyết khủng hoảng. Những người dân chủ sẽ càng thêm vững tin vào các giá trị đạo đức và lẽ phải. Những chế độ độc tài không chỉ thất bại trong việc quản trị đất nước mà còn lúng túng trong giải quyết các khủng hoảng và rồi chỉ làm khủng hoảng trầm trọng thêm. Nhất định dân chủ và tự do sẽ tới. Các chế độc tài rồi sẽ bị đào thải.

Việt Thịnh (11/2/2020)

Published in Quan điểm

Dường như ông Nguyễn Phú Trọng đang muốn thêm củi vào lò để nhờ sức nóng của ‘củi gộc’ sẽ thui luôn được con virus Vũ Hán đến từ Trung Hoa đại lục.

cui1

Nguyễn Xuân Phúc và Nguyễn Phú Trọng mệt mỏi và lo âu - Ảnh minh họa

"Ban Bí thư họp đánh giá kết quả tổ chức Tết Canh Tý 2020" là tựa của bài báo trên trang web của Thông tấn xã Việt Nam, phát hành lúc 14g53 ngày 31/1. Nội dung bài báo có tình tiết đáng chú ý nhưng được thuật rất vắn tắt : "Tại cuộc họp, sau khi xem xét tờ trình của Ban Tổ chức Trung ương, Ban Bí thư xem xét quyết định một số nhân sự thuộc thẩm quyền của Ban Bí thư" (1).

Từ giữa tháng Chạp năm Kỷ Hợi, dư luận đồn đoán sau Tết Canh Tý sẽ có một số ‘củi gộc’ được cho vào lò, hoặc sẽ trong tầm ngắm ‘thành củi’ : ở Hà Nội có đương kim bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, có cựu bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải, và ‘củi vào lò’ ở tháng Giêng sẽ là Tất Thành Cang, hiện là Thành ủy viên của Thành phố Hồ Chí Minh.

Dư luận cũng xôn xao khi nhiều giám đốc công an tỉnh được ‘thay đổi’. Tỉnh Đồng Nai thì bất ngờ nhận tin Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tăng cường 400 cán bộ, chiến sĩ thuộc Trung đoàn Cảnh sát cơ động Đông Nam bộ và Trung đoàn Cảnh sát cơ động Đông Nam Thành phố Hồ Chí Minh về Đồng Nai. Dự kiến sau tháng 2/2020, quân số tăng cường này mới rõ là sẽ tiếp tục ở lại Đồng Nai hay trở về đơn vị.

Thế rồi bùng phát vụ dịch cúm Vũ Hán từ Trung Quốc tràn sang khiến dư luận tạm gác qua cả vụ ‘thảm sát Đồng Tâm’ còn nóng hổi, vụ người dân Thủ Thiêm, người dân Lộc Hưng đang tiếp tục không có nhà để ăn Tết… Vấn đề nhân quyền cho người dân Việt Nam ở các thỏa thuận FTA với Châu Âu cũng dần được gác lại vì chuyện dịch cúm Vũ Hán.

Giới quan sát chính trị ở Sài Gòn nói rằng tính đến thời điểm hiện tại thì có vẻ ngay trong nội bộ của Bộ Chính trị đang mâu thuẫn nhau. Ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban bí thư, đưa ra yêu cầu tại Công văn số 79-CV/TW, ký ngày 29/1 : "Quyết tâm kiểm soát, không để dịch lây lan, bảo đảm phát triển kinh tế, xã hội, trật tự, an toàn xã hội, ổn định đời sống nhân dân và tổ chức đại hội đảng bộ các cấp thành công".

Trong khi đó thì Ủy viên Bộ Chí trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tuyên bố : "Phải coi công tác phòng, chống dịch bệnh như ‘chống giặc’, kiên quyết ngăn chặn dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra kể cả phải chấp nhận thiệt hại về kinh tế" – trích Chỉ thị 06/CT-TTg, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ban hành ngày 31/1.

Xem ra thời gian tới nếu như Việt Nam ‘chống giặc’ đến từ Vũ Hán thành công, thì lá phiếu tín nhiệm trong nội bộ Đảng sẽ nghiêng hẳn về phía Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, người được cho là trong nhóm nhân sự đang ngấp nghé chiếc ghế quyền lực số một quốc gia vào nhiệm kỳ tới của đảng cầm quyền.

Và trong thời gian chờ đợi đó, có lẽ ông Nguyễn Phú Trọng muốn nhóm lại chiếc lò đang dần nguội lạnh từ khi nạn dịch cúm Vũ Hán từ Trung Quốc tràn sang Việt Nam.

Hiền Lương

Nguồn : VNTB, 01/02/2020

(1) https://www.vietnamplus.vn/ban-bi-thu-hop-danh-gia-ket-qua-to-chuc-tet-canh-ty/2020/620705.vnp

Published in Diễn đàn